BBT: Ban biên tập Trang tin điện tử Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh trân trọng đăng tải bài tham luận “Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh - biểu tượng vĩ đại của tình hữu nghị Việt - Nga” của PGS, TS Trần Thị Minh Tuyết, Khoa Tư tưởng Hồ Chí Minh, Học viện Báo chí và Tuyên truyền phát biểu tại Hội thảo khoa học: "Phát huy giá trị di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh vào giáo dục chính trị trong Quân đội nhân dân Việt Nam".
PGS, TS Trần Thị Minh Tuyết tham luận tại Hội thảo.
Đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh - nhà cách mạng từng đi “năm châu, bốn biển”, Liên Xô là “địa chỉ đỏ”, đóng vai trò quan trọng trong cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của Người. Chính Người đã đặt nền móng và không ngừng xây đắp mối quan hệ hữu nghị Việt - Xô. Từ giây phút bỏ phiếu gia nhập Quốc tế III do Lênin sáng lập cho đến lúc yên nghỉ trong “cõi vĩnh hằng”, Hồ Chí Minh đều gắn bó mật thiết với đất nước và con người Xô viết. Ngược lại, những người cộng sản và nhân dân Xô viết cũng dành cho Chủ tịch Hồ Chí Minh những tình cảm nồng ấm nhất. Khi Người qua đời, Đảng, Nhà nước và nhân dân Liên Xô đã hết lòng giúp đỡ Việt Nam trong việc giữ gìn lâu dài thi hài và xây dựng nơi yên nghỉ vĩnh hằng của Người. Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh giữa thủ đô Hà Nội - nơi “lắng hồn núi sông ngàn năm”, nơi được UNESCO trao tặng danh hiệu Thành phố vì hòa bình, là một biểu tượng vĩ đại của tình hữu nghị Việt - Xô khi xưa và tình hữu nghị Việt - Nga ngày nay.
1. Sự giúp đỡ của Đảng, Nhà nước và các chuyên gia y tế Liên Xô trong việc giữ gìn lâu dài thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh
Cuối đời, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng đúc kết về lẽ sống của mình: “Tôi hiến cả đời tôi cho dân tộc tôi”(1). Thương dân, vì dân nên trong Di chúc, Người căn dặn: “Sau khi tôi đã qua đời, chớ nên tổ chức điếu phúng linh đình, để khỏi lãng phí thì giờ và tiền bạc của nhân dân”(2). Người nói rõ, thi hài của Người “phải được đốt đi”, tro cốt “bỏ vào ba cái hộp sành” và chôn ở 3 miền Bắc - Trung - Nam để Người được hóa thân vào đất nước, gần gũi với nhân dân. Chủ tịch Hồ Chí Minh thương dân, lo cho dân bao nhiêu thì nhân dân cũng yêu kính và lo lắng cho sức khỏe Người bấy nhiêu. Khi tuổi tác của Người càng cao, sức khỏe của Người càng suy giảm thì nỗi lo càng lớn. Đảng và Nhà nước Việt Nam một mặt luôn coi việc chăm sóc sức khỏe cho Người là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng nhưng mặt khác, phải trù tính đến việc hậu sự của Người. Sau lễ mừng thọ lần thứ 77 (năm 1967) của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Bộ Chính trị đã có phiên họp bất thường về việc bảo vệ sức khỏe của Người. Tại phiên họp này, Bộ Chính trị quyết định, sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh từ trần, sẽ giữ gìn thi hài và xây dựng Lăng của Người để khi đất nước thống nhất, đồng bào miền Nam được thăm viếng Người và các thế hệ mai sau có cơ hội nhìn thấy con người đã làm nên lịch sử. Không chỉ hợp lòng dân, quyết định tuyệt mật này đã thể hiện sự trù tính lâu dài của Đảng về việc lưu giữ ký ức văn hóa - lịch sử, bồi đắp truyền thống cách mạng và đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” cho muôn đời sau. Là lãnh tụ suốt đời “mong muốn những gì mà nhân dân mong muốn”(3), là người cộng sản luôn đặt lợi ích của Đảng, của dân tộc lên trên hết, nếu có biết thì chắc hẳn Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng chấp thuận quyết định này.
Ở thời điểm đó, Liên Xô là nước duy nhất nắm giữ công nghệ ướp xác và đã thành công trong việc lưu giữ lâu dài thi hài của V.I. Lênin (năm 1924), của lãnh tụ cộng sản Bulgaria - đồng chí Giorgi Dimitrov (1949) và đồng chí Joseph Stalin (năm 1953). Giữ gìn thi hài lãnh tụ là công nghệ rất phức tạp vì phải đảm bảo ba yêu cầu: Giữ được lâu dài, giữ được những nét đặc trưng như khi còn sống và giữ được trong môi trường có nhiều người viếng thăm. Quyết định giữ gìn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh trong hoàn cảnh đất nước đang có chiến tranh ác liệt, kinh tế và cơ sở kỹ thuật hết sức nghèo nàn, tất yếu Đảng và Nhà nước Việt Nam chỉ có thể trông cậy vào sự giúp đỡ của Liên Xô. Phó Thủ tướng Lê Thanh Nghị đã được cử sang Liên Xô hội đàm, đề nghị Liên Xô giúp đỡ Việt Nam từ công tác đào tạo cán bộ đến việc gìn giữ lâu dài thi hài Hồ Chủ tịch. Kính trọng và nhận thức rõ vị trí lớn lao của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với phong trào giải phóng dân tộc và phong trào cộng sản quốc tế, Đảng và Chính phủ Liên Xô khẳng định sẽ giúp Việt Nam gìn giữ lâu dài thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh và xây dựng Lăng của Người với chi phí không hoàn lại.
Với tinh thần độc lập tự chủ và ý thức san sẻ trách nhiệm với bạn, Đảng và Nhà nước Việt Nam đã đề nghị Liên Xô cho phép Việt Nam gửi cán bộ sang Liên Xô học tập về khoa học giữ gìn thi hài. Sự chuẩn y của Liên Xô đã thể hiện sự tin cậy, ưu ái đặc biệt dành cho Việt Nam bởi Liên Xô chưa từng cho phép người nước ngoài nào tiếp cận môn khoa học đang thuộc về bí mật quốc gia. Ngày 02/9/1967, ba bác sĩ giỏi của Việt Nam (bác sĩ Nguyễn Gia Quyền - Chủ nhiệm Khoa Giải phẫu bệnh lý Quân y Viện 108, bác sĩ Lê Ngọc Mẫn - Chủ nhiệm Khoa Nội tiết Bệnh viện Bạch Mai, bác sĩ Lê Điều - Chủ nhiệm Khoa Ngoại Bệnh viện Việt - Xô) đã bí mật lên đường sang Liên Xô học tập về kỹ thuật bảo quản thi hài. Hiểu rõ yêu cầu cấp bách về thời gian từ phía ta, Liên Xô đã tạo mọi điều kiện để các bác sĩ Việt Nam có thể học tập với lịch trình khép kín. Sau 7 tháng miệt mài học tập, ngày 07/4/1968, khóa học kết thúc và các bác sĩ trở về nước. Để chuẩn bị cho việc hệ trọng trong tương lai, Tổ y tế đặc biệt gồm 6 người được thành lập (bác sĩ Nguyễn Gia Quyền (tổ trưởng), bác sĩ Lê Ngọc Mẫn; bác sĩ Lê Điều, bác sĩ Nguyễn Văn Châu; y sĩ Nguyễn Trung Hát, y tá Phạm Ngọc Ảm) và được phiên vào biên chế của Quân y Viện 108. Cuối năm 1968, công trình bí mật (mang mật danh 75A) ở phía sau Nhà tang lễ Quân y Viện 108 để phục vụ công tác giữ gìn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh đã được xây dựng xong. Với sự cẩn trọng và trách nhiệm cao độ, ngày 18/12/1968, Liên Xô đã cử chuyên gia I.A. Rômacốp sang Việt Nam để kiểm tra, đánh giá công tác chuẩn bị giữ gìn thi hài Bác Hồ. Ông đã tham gia Lễ kỷ niệm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam với mục đích trực tiếp quan sát, khắc sâu hình vẻ của Chủ tịch Hồ Chí Minh để sau này chỉnh hình sẽ lưu giữ những nét đặc trưng lúc sinh thời của Người. Ngày 28/8/1969 - thời điểm sức khỏe của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nguy kịch, Đoàn cán bộ y tế Liên Xô gồm 5 người do Viện sĩ Xécgây Xécgâyêvích Đêbốp làm Trưởng đoàn đã đến Việt Nam để chuẩn bị cho công tác đặc biệt. Khi Chủ tịch Hồ Chí Minh trút hơi thở cuối cùng vào hồi 9h 47 phút ngày 02/9/1969, thi hài của Người đã được nhanh chóng đưa về 75A. Các chuyên gia Liên Xô và cán bộ y tế Việt Nam đã nỗ lực giữ gìn bước đầu thi hài của Người để phục vụ công tác tang lễ. Tuy nhiên, đoàn chuyên gia và lãnh đạo Nhà nước Liên Xô khẳng định: Cử hành tang lễ xong, phải đưa thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh sang Liên Xô vì chỉ ở đó mới đủ điều kiện giữ gìn lâu dài thi hài của Người; bao giờ xây xong Lăng thì sẽ đưa Người trở lại Việt Nam. Yêu cầu của phía Liên Xô đòi hỏi các nhà lãnh đạo Đảng, Nhà nước Việt Nam phải có một quyết định nhanh chóng, sáng suốt. Với sự thận trọng cần thiết và tấm lòng thương nhớ Bác thiết tha, với sự thấu hiểu tình cảm của Bác là không bao giờ muốn xa dân, Bí thư thứ nhất Lê Duẩn đã trực tiếp gặp gỡ Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Liên Xô đang ở Hà Nội dự lễ tang Bác là đồng chí N.A. Kôxưghin để khẩn thiết đề nghị Liên Xô hãy giúp giữ gìn thi hài Bác tại Việt Nam. Trước những lời lẽ xúc động mà thấu tình, đạt lý của đồng chí Lê Duẩn, đồng chí A. Kôxưgin đã điện về Liên Xô và Liên Xô chấp thuận đề nghị của Việt Nam. Đồng chí A. Kôxưgin yêu cầu giáo sư X.X. Đêbôp thu xếp cùng về Liên Xô và chỉ 3 ngày sau, chiếc chuyên cơ đặc biệt đó đã quay lại Việt Nam với hóa chất và các thiết bị cần thiết. Từ đây, các chuyên gia y tế Liên Xô đã sát cánh cùng cán bộ Việt Nam để thực hiện nhiệm vụ thiêng liêng là bảo vệ, giữ gìn thi hài Hồ Chủ tịch. Trong điều kiện chiến tranh ác liệt, thủ đô Hà Nội là mục tiêu hủy diệt của đế quốc Mỹ nên thi hài Bác đã được đưa về K9. Đây là một địa danh tuyệt đối bí mật nên cán bộ, chiến sĩ của ta và các chuyên gia y tế Liên Xô không được phép ra ngoài, không được tiếp xúc với nhân dân. Điều kiện sinh hoạt thiếu thốn trong rừng và khí hậu nhiệt đới nóng ẩm đã gây rất nhiều khó khăn cho các chuyên gia nhưng họ đã sang Việt Nam với tâm thế của người ra trận, chấp nhận mọi hiểm nguy, thích ứng với điều kiện sinh hoạt đạm bạc và mức lương khiêm tốn để thực hiện nhiệm vụ quốc tế đặc biệt thiêng liêng. Trong 6 năm gian khổ (từ 1969 đến 1975), vì nhiều lý do, thi hài Bác đã phải 6 lần di chuyển tới 4 địa điểm khác nhau và các chuyên gia Liên Xô đã cùng Bác và các cán bộ Việt Nam vượt đường trường, sông suối, bom đạn để bảo vệ an toàn tuyệt đối cho thi hài của Bác. Từ khi Chủ tịch Hồ Chí Minh nằm xuống đến nay, đã có hàng trăm chuyên gia y tế Liên Xô sang Việt Nam để thực hiện nghĩa cử cao quý; người nhiều nhất trong số họ đã sang Việt Nam 24 lần. Nhờ tài năng, nhiệt huyết và sự hi sinh vô bờ bến của họ, nhờ sự nỗ lực vươn lên làm chủ công nghệ đặc biệt của đội ngũ cán bộ Việt Nam, sau 50 năm, thi hài của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã được giữ gìn trong trạng rất tốt; những nét đặc trưng lúc sinh thời của Người như mái tóc, chòm râu, nốt ruồi, nốt đồi mồi... vẫn vẹn nguyên. Đó là kết luận của Hội đồng Khoa học cấp Nhà nước về bảo quản, giữ gìn lâu dài, bảo vệ tuyệt đối an toàn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh và Hội đồng Khoa học Y tế cấp Nhà nước năm 2019.
2. Sự giúp đỡ của Đảng, Nhà nước và nhân dân Liên Xô trong việc xây dựng công trình Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh
Thể theo nguyện vọng thiết tha của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân, trong phiên họp ngày 29/11/1969, Bộ Chính trị của Đảng Lao động Việt Nam đã Quyết nghị: “Với tấm lòng kính yêu vô hạn và đời đời nhớ ơn Hồ Chủ tịch, chúng ta phải thực hiện đến mức tốt nhất nhiệm vụ giữ gìn lâu dài thi hài Hồ Chủ tịch và xây dựng Lăng của Người”(4). Bộ Chính trị còn đưa ra những định hướng lớn về công trình Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh: (1). Bảo đảm giữ gìn thi hài Hồ Chủ tịch nguyên vẹn và lâu dài, chống được các biến động có hại của khí hậu, thời tiết; có kế hoạch gìn giữ an toàn phòng chiến tranh, địch phá; (2). Thể hiện được tính cách hiện đại mà vẫn giữ mầu sắc dân tộc, trang nghiêm nhưng giản dị; (3). Bảo đảm sự thuận tiện cho nhân dân, cán bộ và khách nước ngoài đến viếng đông và liên tục; bảo đảm sự kiên cố, bền vững của công trình; (4). Lăng Hồ Chủ tịch đặt ở khu Ba Đình lịch sử. Trong điều kiện Việt Nam còn khó khăn mọi bề, Bộ Chính trị quyết định: “Xúc tiến ký Hiệp định với Liên Xô về việc Liên Xô giúp ta giữ gìn lâu dài thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh và xây dựng Lăng của Người”(5).
Về phía Liên Xô, khi Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời, Đảng, Nhà nước, Nhân dân Liên Xô đã đau cùng nỗi đau của nhân dân Việt Nam. Có muôn vàn bức điện, bài viết của các nhà lãnh đạo, văn nghệ sĩ và nhân dân Liên Xô thể hiện lòng kính trọng, tiếc thương vô hạn trước sự ra đi của người cộng sản vĩ đại Hồ Chí Minh. Trong bài đăng trên báo Sự thật - cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Liên Xô, nữ văn sĩ Irina Lepstrencô đã viết: “Trái tim của đồng chí Hồ Chí Minh đã ngừng đập, trái tim của một người đã ngừng đập nhưng trái tim của lịch sử không ngừng đập. Một con người từ giã cõi đời, nhưng nếu người đó cống hiến cả cuộc sống của mình, cả tài năng cách mạng của mình cho cuộc đấu tranh để giành thắng lợi của chủ nghĩa Mác - Lênin, giành tự do cho dân tộc mình và nếu người đó cùng hòa máu mủ với nhân dân thì người đó là bất tử. Một trái tim đã ngừng đập. Không! Hãy lắng nghe và bạn sẽ thấy tiếng đập của nó trong hàng ngàn, hàng triệu trái tim của nhân dân Việt Nam anh hùng”(6). Trân trọng tình cảm của nhân dân Việt Nam dành cho lãnh tụ muôn vàn kính yêu, thấu hiểu ước nguyện của họ là mãi được chiêm ngưỡng lãnh tụ của mình trong hình hài, dáng vóc của Người cho dù trái tim Người đã ngừng đập, Đảng, Nhà nước và Nhân dân Liên Xô đã coi việc giữ gìn thi hài và xây dựng Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh là nghĩa vụ quốc tế cao cả. Với tinh thần khẩn trương cao độ, từ ngày 09 đến 23/01/1970, Chính phủ Liên Xô đã cử một đoàn cán bộ sang Việt Nam bàn bạc, khảo sát việc thiết kế Lăng Bác tại Quảng trường Ba Đình - Hà Nội. Tháng 6/1970, Bộ Chính trị của Đảng Cộng sản Liên Xô đã ra quyết định về việc giúp đỡ kỹ thuật không hoàn lại cho nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa trong việc xây dựng Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ngày 22/7/1970, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Liên Xô - đồng chí L.Bơrêgiơnhép đã gửi thư cho đồng chí Lê Duẩn - Bí thư thứ nhất Đảng Lao động Việt Nam để khẳng định sự giúp đỡ của Liên Xô đối với Việt Nam trong việc xây dựng Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Về phương diện Nhà nước, ngày 09/02/1971, tại Mát-xcơ-va, “Hiệp định giữa Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Chính phủ Liên bang Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Xô-viết về việc Liên Xô giúp đỡ kỹ thuật cho Việt Nam trong việc giữ gìn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh và xây dựng Lăng của Người” đã được đại diện hai Chính phủ là Phó Thủ tướng Lê Thanh Nghị và Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Liên Xô Nôvicốp ký kết. Dưới sự chỉ đạo của Bộ Chính trị, Thường vụ Hội đồng Chính phủ của Nhà nước Việt Nam đã ra Quyết định 44 - CP ngày 04/3/1971 về việc phê duyệt bản “Thiết kế sơ bộ Công trình Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh” và ngày 31/12/1971 thì ký quyết định 241 - CP về việc phê chuẩn bản “Thiết kế kỹ thuật Công trình Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh”. Sau khi thiết kế kỹ thuật được phê duyệt, các nhà khoa học Liên Xô và Việt Nam lại khẩn trương cho ra đời các bản thiết kế thi công dưới sự chủ trì của kiến trúc sư trưởng Garon Ixacovich - người đã được nhận giải thưởng Lênin về thiết kế công trình lưu niệm ở thành phố Ulianopxco quê hương Lênin. Các bản thiết kế Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh là sự kết tinh trí tuệ của các nhà khoa học Liên Xô - Việt Nam cùng sự đóng góp ý kiến của đông đảo nhân dân. Do điều kiện chiến tranh ác liệt nên phải sau Hiệp định Pari, công trình Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh mới chính thức được khởi công vào ngày 02/9/1973.
Để xây dựng Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh - một công trình bề thế, đặc biệt, mang ý nghĩa chính trị - lịch sử - văn hóa sâu sắc, đồng chí Metvêđêép được cử làm Tổng công trình sư. Trong hai năm 1973 - 1975, khi lửa đạn chiến tranh còn mịt mù ở miền Nam và miền Bắc Việt Nam bước vào thời kỳ hậu chiến với muôn vàn khó khăn, Liên Xô đã đưa sang Việt Nam những chuyên gia giỏi nhất, những vật tư, thiết bị quý hiếm nhất mà chỉ Liên Xô mới có để xây dựng ngôi nhà vĩnh cửu cho Chủ tịch Hồ Chí Minh. Mỗi lúc công trình bị gián đoạn vì lý do thời tiết hay thiếu các nguyên vật liệu, trang thiết bị xây dựng đặc biệt thì các chuyên gia Liên Xô đã cùng với các cộng sự Việt Nam tìm ra cách khắc phục. Nhờ sự giúp đỡ chí tình, vô giá của Liên Xô và tinh thần thi đua mạnh mẽ của đội ngũ kỹ sư, công nhân Việt Nam, công trình đã được hoàn tất sau 2 năm xây dựng theo đúng kế hoạch. Ngày 18/7/1975, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương đã đón Chủ tịch Hồ Chí Minh về Lăng - nơi yên nghỉ cuối cùng của Người. Ngày 29/8/1975, công trình Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh được khánh thành. Diễn văn của đồng chí Lê Duẩn - Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng tại lễ khánh thành lăng Hồ Chủ tịch không chỉ khái quát sự nghiệp vĩ đại và nhân cách cao cả của Chủ tịch Hồ Chí Minh mà còn khẳng định: “Lăng Hồ Chủ tịch còn là một công trình thể hiện nổi bật tình hữu nghị anh em thắm thiết của nhân dân Liên Xô đối với nhân dân Việt Nam”(7). Với truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, đồng chí Lê Duẩn đã thay mặt Đảng, Nhà nước, Nhân dân Việt Nam “gửi đến Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô và Chính phủ Liên Xô, đến các đồng chí chuyên gia và công nhân Liên Xô, những tình cảm thắm thiết nhất và lòng biết ơn chân thành nhất”(8).
Trải qua bao thăng trầm của lịch sử thế giới và trong nước, công trình Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn hiện diện giữa Hà Nội như một kỳ tích của thế kỷ XX và biểu hiện sáng ngời của mối tình Xô - Việt đời đời bền vững.
3. Sự hợp tác tiếp tục của Liên bang Nga và các nhà khoa học Nga trong việc giữ gìn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh và Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh
Tháng 8/1991, Liên Xô tan vỡ; sự giúp đỡ toàn diện và không hoàn lại từ phía Liên Xô không còn. Đây là khó khăn, thử thách tưởng chừng không thể vượt của Việt Nam và trước hết là của Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Thấu hiểu ý nghĩa to lớn của công trình Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh và vững tin vào tình hữu nghị không thể lay chuyển giữa hai dân tộc, phía Việt Nam đã chủ động đề đạt với Liên bang Nga, cụ thể là với Trung tâm nghiên cứu vi sinh Mátxcơva một cơ chế hợp tác mới - cơ chế thương mại để các nhà khoa học Nga tiếp tục giúp đỡ Việt Nam trong việc giữ gìn lâu dài thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh và Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Thực tế đã chứng minh: Thể chế chính trị có thể thay đổi nhưng tình cảm chân thành của các nhà khoa học Nga dành cho Chủ tịch Hồ Chí Minh và nhân dân Việt Nam vẫn không thay đổi. Ngày 28/12/1992, trên cương vị là Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Y sinh Mátxcơva, Viện sĩ X.X. Đêbốp - người đã 23 lần đặt chân đến Việt Nam vì sứ mệnh giữ gìn thi hài của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đã chính thức ký Bản thỏa thuận làm việc trực tiếp giữa Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh và Trung tâm Nghiên cứu Y sinh Mátxcơva. Đây là một sự kiện quan trọng mang tính bước ngoặt, tạo ra một thời kỳ mới trong quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Liên bang Nga.
Trong hơn 30 năm hợp tác trực tiếp, dưới sự giúp đỡ, hướng dẫn của các nhà khoa học trong Trung tâm nghiên cứu y sinh Mátxcơva (trực thuộc Viện Nghiên cứu khoa học dược liệu và tinh dầu Liên bang Nga), phía Việt Nam đã từng bước vươn lên làm chủ công nghệ giữ gìn lâu dài thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh. Từ năm 1994, các cán bộ y tế của viện 69 thuộc Ban quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tự chủ trong việc làm thuốc thường xuyên và làm thuốc lớn cho thi hài của Bác; các chuyên gia Nga chỉ tham gia định kỳ hàng năm với vai trò cố vấn. Năm 2003, sau nhiều nỗ lực đàm phán, phía Nga đã bàn giao công nghệ pha chế dung dịch đặc biệt để bảo quản thi hài - một công nghệ thuộc bí mật quốc gia cho Việt Nam. Việc pha chế thành công dung dịch đặc biệt tại Việt Nam từ năm 2004 đã giúp Việt Nam giảm bớt khó khăn trong quá trình vận chuyển và nâng cao năng lực tự chủ của Việt Nam. Năm 2013, Chính phủ Việt Nam và Liên bang Nga đã tiến hành ký kết thỏa thuận hợp tác giữa Ban Quản lý lăng với Viện Nghiên cứu khoa học công nghiệp cao su Liên bang Nga về chuyển giao công nghệ sản xuất bộ quần áo đặc biệt (Dự án VN01). Năm 2018, dự án VN01 hoàn thành và Việt Nam đã hoàn toàn làm chủ việc sản xuất bộ quần áo đặc biệt phục vụ nhiệm vụ giữ gìn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh. Hai bên cũng đã phối hợp thực hiện hàng chục đề tài khoa học phục vụ nhiệm vụ giữ gìn lâu dài thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh và hoàn thiện, tối ưu hóa các điều kiện bảo trì Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Phía Nga cũng đã chuyển cho Việt Nam tài liệu lưu trữ về việc xây dựng Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Nhiều cán bộ khoa học Việt Nam đã được phía Nga đào tạo chuyên sâu để từng bước tiến tới hoàn toàn làm chủ việc giữ gìn, bảo vệ lâu dài thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh. Sự hợp tác giữa Viện Nghiên cứu khoa học dược liệu và tinh dầu Liên bang Nga (VILAR) và Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trở thành hình mẫu về việc hợp tác bình đẳng giữa hai nước, góp phần củng cố quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa Việt Nam và Liên bang Nga.
Phải khẳng định rằng, việc chuyển giao công nghệ thuộc bí mật quốc gia cho một quốc gia khác không bao giờ là điều đơn giản. Trước đây, Việt Nam là nước nghèo, bị chiến tranh tàn phá nặng nề và Liên Xô tự nguyện giúp đỡ không hoàn lại cho Việt Nam; ngày nay Việt Nam vẫn là nước đang phát triển với thu nhập trung bình thấp. Vì thế, vật chất không phải là điều kiện duy nhất, tiên quyết để phía Nga giúp đỡ Việt Nam đi từng bước vững chắc trên con đường tiến tới làm chủ hoàn toàn việc giữ gìn, bảo quản lâu dài thi hài của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Chỉ có lòng kính trọng dành cho Chủ tịch Hồ Chí Minh và tình nghĩa thủy chung giữa hai dân tộc Việt - Nga mới thúc đẩy các nhà lãnh đạo, các nhà khoa học Nga giúp đỡ Việt Nam một cách chí tình, chí nghĩa và tận tình chỉ dẫn để các nhà khoa học Việt Nam dần tự chủ trong nhiệm vụ đặc biệt quan trọng này.
Nhờ chủ trương đúng đắn của Đảng và nhà nước Việt Nam, nhờ đóng góp vô giá của Đảng, Nhà nước và chuyên gia Liên Xô trước đây, Liên bang Nga ngày nay, Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh đã hiện hữu gần nửa thế kỷ và trở thành nơi hội tụ, nơi thể hiện niềm tin, sự tri ân của nhân dân Việt Nam, của bạn bè quốc tế đối với một vĩ nhân của dân tộc và thời đại. Ngày nay, Liên Xô không còn nữa, cả Việt Nam và Liên bang Nga cũng đã thay đổi rất nhiều so với thời mà Hồ Chí Minh đã sống. Điều không thể thay đổi chính là tình hữu nghị truyền thống Việt - Nga. Năm 2023 đánh dấu tròn 100 năm sự kiện Nguyễn Ái Quốc đặt chân đến nước Nga và 50 năm khởi công xây dựng Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Cùng với các công trình về Chủ tịch Hồ Chí Minh ở nước Nga, công trình Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh - “Đài hoa vĩnh cửu” giữa lòng Hà Nội, mãi mãi là biểu tượng cao cả cho tình hữu nghị Việt - Nga và rộng hơn là tình hữu nghị giữa các dân tộc. Đó cũng là minh chứng về tầm vóc của nước Nga với tư cách là một cường quốc khoa học - kỹ thuật - công nghệ. Với sự bề thế, thiêng liêng đặc biệt, Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh xứng đáng là một kỳ quan văn hóa - lịch sử của dân tộc Việt Nam và toàn thể nhân loại. Các thế hệ tiếp nối của nhân dân hai nước Việt - Nga có trách nhiệm đưa tình hữu nghị đó lên một tầm cao mới, xứng đáng với công lao tạo dựng của Chủ tịch Hồ Chí Minh và biên niên sử bền chặt, thắm thiết nghĩa tình giữa hai dân tộc mà Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh là một minh chứng sống động./.
Chú thích:
(1) Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 15, Sđd, tr. 674.
(2) Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 15, Sđd, tr. 615.
(3) Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 4, Sđd, tr. 357.
(4) Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng toàn tập, tập 30, Sđd, tr.281.
(5) Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng toàn tập, tập 30, Sđd, tr.282.
(6) Khu Di tích Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch, Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh với nước Nga, Nxb Thông tin và Truyền thông, Hà Nội, 2013, tr.315.
(7) Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng Toàn tập, tập 3, Sđd, tr. 300.
(8) Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng Toàn tập, tập 3, Sđd, tr. 301.
PGS, TS Trần Thị Minh Tuyết