Hệ thống Trợ năng

Thứ bảy, 18/01/2025

 BBT: Ban biên tập Trang tin điện tử Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh trân trọng đăng tải bài tham luận Thực hiện tốt nhiệm vụ giữ gìn lâu dài, bảo vệ tuyệt đối an toàn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh là góp phần phát huy giá trị tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh cho cán bộ, chiến sĩ Quân đội của Thiếu tướng, TS Bùi Hải Sơn, Quyền Trưởng ban Ban Quản lý Lăng, Tư lệnh Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh  trong Kỷ yếu của Hội thảo khoa học: "Phát huy giá trị di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh vào giáo dục chính trị trong Quân đội nhân dân Việt Nam".

tt son pbieu
Thiếu tướng, TS Bùi Hải Sơn phát biểu tại Hội thảo.

Chủ tịch Hồ Chí Minh, lãnh tụ thiên tài của Đảng và nhân dân ta, người thầy vĩ đại của cách mạng Việt Nam, người cha thân yêu của các lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng giải phóng dân tộc, Danh nhân văn hóa thế giới, Người đã làm rạng rỡ dân tộc ta, nhân dân ta và non sông đất nước ta. Sự nghiệp cách mạng, công lao của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với dân tộc ta như non cao, biển rộng. Người đã gắn bó và hiến dâng trọn đời mình cho cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc, hết lòng hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân cho đến hơi thở cuối cùng. Tên tuổi và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh sẽ mãi trường tồn với non sông đất nước. Người đã đi xa, nhưng đã để lại cho chúng ta và các thế hệ mai sau một gia tài đồ sộ, một di sản quý báu vô giá, đó là tư tưởng Hồ Chí Minh, thời đại Hồ Chí Minh và tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Sau ngày Bác từ trần, đồng bào và chiến sĩ cả nước đều mong muốn sớm xây dựng Lăng của Bác để lại được gặp Người và bày tỏ ý chí, quyết tâm của cả dân tộc, nguyện đi tiếp con đường do Bác đã vạch ra. Ngày 29/11/1969, Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương Đảng quyết định: “Với tấm lòng kính yêu vô hạn và đời đời nhớ ơn Hồ Chủ tịch, chúng ta phải thực hiện đến mức tốt nhất nhiệm vụ giữ gìn lâu dài thi hài Hồ Chủ tịch và xây dựng Lăng mộ của Người”(1).

Ngày 02/9/1973, Lễ khởi công xây dựng Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh đã diễn ra tại Quảng trường Ba Đình lịch sử. Với tấm lòng biết ơn và kính yêu vô hạn Hồ Chủ tịch, toàn dân và toàn quân đã đem hết trí tuệ, tinh thần, tập trung cao độ để xây dựng ngôi nhà vĩnh cửu của Người. Ngày 29/8/1975, Lễ khánh thành Lăng Bác đã được Đảng, Nhà nước tổ chức trọng thể tại Hội trường Ba Đình và cũng từ ngày ấy, đồng bào và chiến sĩ cả nước cùng bạn bè quốc tế được vào thăm viếng Bác tại ngôi nhà vĩnh hằng của Người.Bắt đầu từ buổi tổ chức Lễ viếng Bác đầu tiên (29/8/1975) nhiệm vụ giữ gìn lâu dài, bảo vệ tuyệt đối an toàn thi hài Bác chuyển sang một giai đoạn mới với những yêu cầu mới. Để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng đã giành cho Lăng Bác sự quan tâm đặc biệt. Ngày 28/12/1975, Thường vụ Quân ủy Trung ương ra Quyết định số 279/VP-QU thành lập Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng (Bộ Tư lệnh 969). Ngày 14/5/1976, Bộ Quốc phòng ra Quyết định số 109/QĐ-QP về việc thành lập Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng, trực thuộc Bộ Quốc phòng, lấy phiên hiệu là Bộ Tư lệnh 969 - tiếp theo là những quyết định điều chỉnh, bổ sung tổ chức biên chế, tập trung lực lượng cho đơn vị để đủ sức hoàn thành tốt nhiệm vụ

Công trình Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh là biểu tượng sinh động và cao đẹp của “lòng Dân - ý Đảng”; của tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc; là công trình văn hóa có ý nghĩa chính trị và thời đại sâu sắc như lời đồng chí Trường Chinh phát biểu tại Lễ khánh thành Lăng: “Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh là một công trình kiến trúc có ý nghĩa chính trị và tư tưởng to lớn, thể hiện tình cảm sâu sắc của đồng bào ta đối với Bác Hồ kính yêu. Đây là nơi nhân dân Việt Nam, từ thế hệ này đến thế hệ khác sẽ đến chiêm ngưỡng để tỏ lòng biết ơn Hồ Chủ tịch, quyết tâm đi theo con đường cách mạng của Người; xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh”.

Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh còn là công trình văn hóa đặc biệt, một kỳ đài lịch sử của thế kỷ XX giữa Thủ đô Hà Nội, là nơi diễn ra nhiều hoạt động quan trọng của dân tộc, của Đảng, Nhà nước; nơi tổ chức các buổi mít tinh, duyệt binh, diễu binh, diễu hành chào mừng các ngày lễ lớn của dân tộc; nơi thường xuyên tổ chức các sinh hoạt chính trị, văn hóa, nghệ thuật nhằm giáo dục truyền thống yêu nước, truyền thống đoàn kết, “Uống nước nhớ nguồn”; nơi hun đúc chí khí cách mạng của thế hệ trẻ Việt Nam, càng tôn thêm giá trị văn hóa, tinh thần và ý nghĩa chính trị của Công trình Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh trong giai đoạn mới.

Kể từ ngày khánh thành Công trình Lăng vĩ đại, ngày nối ngày, trên Quảng trường Ba Đình, nhân dân trong nước và khách quốc tế lại về bên Người. Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn ung dung, giản dị như vừa chợp mắt sau một ngày làm việc. Đối với người dân Việt Nam, về bên Bác là về với cội nguồn, với những giá trị cốt lõi của hồn cốt dân tộc, đặc biệt là các dịp lễ, Tết, vào Lăng viếng Bác trở thành truyền thống văn hóa để bày tỏ lòng thành kính liêng thiêng, đời đời nhớ ơn Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại. Giây phút được gặp Bác tuy ngắn ngủi nhưng cũng đủ dấy lên rung cảm từ sâu thẳm tâm hồn của mỗi người Việt Nam yêu nước, cảm nhận sâu sắc sự biến chuyển và dòng chảy của thời đại để nhận thức tâm hồn Bác, tư tưởng, đạo đức cách mạnh cao đẹp của Bác vẫn còn mãi ở đó, là ngọn đuốc rực sáng soi rõ cho sự nghiệp đấu tranh vì hòa bình, vì độc lập, tự do của dân tộc. Đối với du khách quốc tế, Lăng Bác là địa chỉ không thể bỏ quên trên bản đồ du lịch khi đến Việt Nam. Bạn bè quốc tế đều muốn chiêm ngưỡng Công trình Lăng của Bác, Người được UNESCO công nhận là Anh hùng giải phóng dân tộc và là nhà văn hóa lớn của nhân loại. Chủ tịch Hồ Chí Minh là một biểu tượng kiệt xuất về quyết tâm của cả một dân tộc đã cống hiến trọn đời mình cho sự nghiệp giải phóng đất nước, góp phần vào cuộc đấu tranh chung của các dân tộc vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội. Gần 48 năm qua, Lăng Bác đã mở cửa đón gần 70 triệu lượt khách, trong đó có hơn 10 triệu lượt khách nước ngoài vào Lăng viếng Bác. Đây là một con số ấn tượng thể hiện sâu sắc tầm quan trọng, ý nghĩa văn hóa, truyền thống cao đẹp và những giá trị của Công trình Lăng.

Thực hiện tốt nhiệm vụ giữ gìn lâu dài, bảo vệ tuyệt đối an toàn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh là nghĩa vụ, sứ mệnh thiêng liêng, cao cả của Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh; đồng thời, là “địa chỉ đỏ” để giáo dục tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh cho cán bộ, chiến sĩ Quân đội. Nhận thức sâu sắc vị trí, vai trò, ý nghĩa chính trị to lớn trong việc thực hiện nhiệm vụ chính trị đặc biệt, giữ gìn lâu dài, bảo vệ tuyệt đối an toàn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh, những năm qua, Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh đã luôn cố gắng khắc phục mọi khó khăn, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo đơn vị vươn lên hoàn thành tốt, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, với những yêu cầu đòi hỏi ngày càng cao về mọi mặt. Cán bộ, công nhân viên, chiến sĩ của đơn vị đã không ngừng chủ động, tích cực học hỏi, nghiên cứu, đổi mới, tiến hành nhiều nội dung, biện pháp nhằm phát huy ý nghĩa chính trị, văn hóa Công trình Lăng, nhất là trong thực hiện nhiệm vụ nghi lễ, đón tiếp, tuyên truyền, làm cho nơi đây thực sự trở thành trung tâm văn hóa, chính trị đặc biệt; là điểm nhấn, điểm sáng, nơi hội tụ trái tim và tình cảm thiêng liêng của đồng bào cả nước và bầu bạn quốc tế mỗi khi đến Hà Nội.

Năm 2010, trước tình hình mới, yêu cầu, đòi hỏi nhiệm vụ giữ gìn lâu dài, bảo vệ tuyệt đối an toàn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh ngày càng cao, Thường vụ Quân ủy Trung ương ra Nghị quyết số 122/NQ-QU, ngày 08/3/2012 về “Lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ giữ gìn lâu dài, bảo vệ tuyệt đối an toàn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh và phát huy ý nghĩa chính trị, văn hóa của Công trình Lăng trong giai đoạn mới”. Sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn, sâu sát, kịp thời của Đảng, Nhà nước, Quân đội là một trong những nhân tố quan trọng, quyết định, cùng với sự hợp tác, giúp đỡ của các ban, bộ, ngành, đoàn thể Trung ương; cấp ủy, chính quyền địa phương và các tầng lớp nhân dân trong cả nước là động lực to lớn góp phần để đơn vị nỗ lực, cố gắng vươn lên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị đặc biệt, xây dựng nên truyền thống của Bộ đội Bảo vệ Lăng “Trung hiếu vẹn toàn, đoàn kết hiệp đồng, tự lực tự cường, chủ động sáng tạo”. Trọng tâm là nhiệm vụ giữ gìn lâu dài, bảo vệ tuyệt đối an toàn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhiệm vụ an ninh nghi lễ, đón tiếp tuyên truyền, hướng dẫn đồng bào, khách quốc tế đến viếng Bác; xây dựng cảnh quan, môi trường, không gian văn hóa khu vực Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn khang trang, sạch, đẹp, là điểm nhấn về văn hóa của Thủ đô, góp phần to lớn phát huy ý nghĩa chính trị, văn hóa của Công trình Lăng trong giai đoạn mới, góp phần đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đến cán bộ, chiến sĩ trong toàn quân.

Chủ tịch Hồ Chí Minh là Người cha kính yêu của Lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam; Lăng Bác là công trình mang ý nghĩa chính trị, văn hóa đặc biệt góp phần phát huy tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh cho cán bộ, chiến sĩ Quân đội. Do vậy, trong tình hình mới, cần phát huy sức mạnh tổng hợp của mọi cán bộ, chiến sĩ toàn quân, phối hợp cùng các cơ quan chức năng thực hiện tốt các vấn đề sau:

Một là, tiếp tục nghiên cứu tuyên truyền, giáo dục làm sâu sắc hơn, tỏa sáng hơn giá trị tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh cho cán bộ, chiến sĩ Quân đội.

Tập trung khẳng định nhất quán tư tưởng Hồ Chí Minh luôn là nền tảng vững chắc, soi sáng Đảng ta, làm cho Đảng ta thực sự là đạo đức, là văn minh, là trí tuệ. Trên cơ sở đó, tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục làm cho tư tưởng Hồ Chí Minh, văn hóa Hồ Chí Minh thấm dần, thành đạo đức, văn hóa, lẽ sống của mỗi cán bộ, chiến sĩ Quân đội. Đây là vấn đề rất quan trọng làm cho di sản quý báu đó trường tồn, phát huy; là yếu tố hàng đầu để phát huy ý nghĩa chính trị, văn hóa của Công trình Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Chính vì vậy, phải tăng cường giáo dục chính trị tư tưởng, đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; thực hiện tốt Cuộc vận động “Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ” thời kỳ mới trong Quân đội, gắn với tự phê bình và phê bình theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII, XIII) một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay, ngăn chặn đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức và lối sống của một số cán bộ, đảng viên nhằm tiếp tục phát huy, tỏa sáng phẩm chất cao đẹp “Bộ đội Cụ Hồ” trong thời kỳ mới. Tổ chức tốt các hoạt động sáng tác văn học nghệ thuật, hội thi, kể chuyện về tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, làm nổi bật vẻ đẹp nhân cách, đạo đức, trí tuệ, tâm hồn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc Việt Nam, danh nhân văn hóa thế giới. Bên cạnh đó, cần tích cực, chủ động đấu tranh kiên quyết với âm mưu, luận điệu tuyên truyền, xuyên tạc của các thế lực thù địch nhằm bôi nhọ, hạ thấp uy tín, tiến tới phủ nhận thân thế, sự nghiệp, tư tưởng, tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh để bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng và các giá trị văn hóa, đạo đức của Người.

Hai là, quán triệt, triển khai nghiêm túc, đầy đủ, sáng tạo quan điểm, chủ trương của Đảng, Nhà nước về việc giữ gìn, bảo vệ thi hài Bác và phát huy tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh cho cán bộ, chiến sĩ Quân đội.

Chú trọng triển khai thực hiện Kết luận số 308-KL/QUTW, ngày 09/9/2022 về tiếp tục triển khai Nghị quyết số 122-NQ/QUTW, ngày 08/3/2012 của Thường vụ Quân ủy Trung ương về “Lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ giữ gìn lâu dài, bảo vệ tuyệt đối an toàn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh và phát huy ý nghĩa chính trị, văn hóa của Công trình Lăng trong giai đoạn mới”; Đề án 4144 về “Đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền về ý nghĩa chính trị, văn hóa Công trình Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh giai đoạn 2021 - 2025 và những năm tiếp theo”. Trên cơ sở quán triệt, triển khai nghiêm túc, đầy đủ các quan điểm, chủ trương đó, phải phát huy cao độ tinh thần chủ động, sáng tạo của cán bộ, chiến sĩ Quân đội, nòng cốt là Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh trong việc thực hiện nhiệm vụ chính trị đặc biệt quan trọng này. Phát huy những thành tựu của sự nghiệp đổi mới đất nước, hội nhập quốc tế và sự phát triển vượt bậc của khoa học, công nghệ để tiếp tục hiện đại hóa các hệ thống thiết bị kỹ thuật Công trình Lăng với công nghệ tiên tiến, độ tin cậy và hệ số dự phòng cao phục vụ nhiệm vụ giữ gìn lâu dài, bảo vệ tuyệt đối an toàn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đó cũng là cơ sở vững chắc để phát huy tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh cho cán bộ, đảng viên, nhân dân, trong đó có cán bộ, chiến sĩ Quân đội.

Ba là, phối hợp chặt chẽ với các ban, bộ, ngành, đoàn thể Trung ương, cấp ủy, chính quyền địa phương nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục truyền thống, vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh; tổ chức tốt các hoạt động văn hóa, chính trị tại khu vực Lăng.

Đây là việc làm thường xuyên, nghiêm túc, thể hiện tinh thần trách nhiệm cao nhằm phát huy giá trị của Công trình Lăng; đồng thời, là biện pháp giáo dục thực tiễn sinh động để mỗi cán bộ, chiến sĩ bồi đắp thêm tình cảm, tư tưởng, đạo đức, phong cách Bác Hồ trong công tác và trong cuộc sống. Cần chủ động phối hợp với các lực lượng làm nhiệm vụ tại Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch và Bảo tàng Hồ Chí Minh, đề xuất để cải tiến nội dung, hình thức giáo dục, tuyên truyền, nhất là hình thức trực quan sinh động để tạo ấn tượng hấp dẫn, phong phú cho cán bộ, chiến sĩ đến với Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh và khu vực Quảng trường Ba Đình lịch sử. Mặt khác, để bảo đảm cho các hoạt động đạt hiệu quả cao, có ý nghĩa thiết thực cần thường xuyên nghiên cứu, đổi mới, nâng cao chất lượng nghi lễ tại Công trình Lăng, như: tổ chức chào cờ hằng ngày trước Lăng; đẩy mạnh các hoạt động giữ gìn truyền thống tốt đẹp của dân tộc “Uống nước nhớ nguồn”, “Đền ơn đáp nghĩa”, củng cố niềm tin cho cán bộ, chiến sĩ Quân đội và quyết tâm thực hiện thắng lợi sự nghiệp cách mạng mà Đảng, Bác Hồ và nhân dân ta đã lựa chọn; góp phần “bảo tồn, tôn vinh các giá trị di sản về Chủ tịch Hồ Chí Minh, di sản văn hóa, lịch sử, kiến trúc đô thị”.

Bốn là, kiên quyết đấu tranh chống các luận điệu xuyên tạc, phá hoại của các thế lực thù địch về nhiệm vụ giữ gìn lâu dài, bảo vệ tuyệt đối an toàn thi hài Bác và xây dựng Công trình Lăng của Người, cũng như xuyên tạc phát huy tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh cho cán bộ, chiến sĩ Quân đội.

Trong tình hình hiện nay, các thế lực thù địch có thể lợi dụng bất cứ sơ hở nào để gây mất ổn định chính trị, tạo cớ để vu khống, phá vỡ sự bình yên của đất nước. Đặc biệt, thông qua internet và mạng xã hội, các hoạt động chống phá, xuyên tạc của các thế lực thù địch, phản động ngày càng tinh vi, nguy hiểm, tần suất cao hơn. Chính vì thế, các lực lượng của Bộ Tư lệnh Lăng cùng với lực lượng công an và các lực lượng khác của Quân đội cần có kế hoạch, phương án cụ thể và hiệp đồng chặt chẽ để chủ động ứng phó với mọi tình huống, tuyệt đối không để bị động, bất ngờ. Thường xuyên nâng cao tinh thần cảnh giác cách mạng chống các thế lực thù địch gây rối, bạo loạn, làm mất an ninh an toàn ở khu vực Lăng; xây dựng nội bộ trong sạch vững mạnh, chống các phần tử cơ hội, phá hoại cài cắm móc nối vào nội bộ đơn vị. Tuyệt đối giữ bí mật nhiệm vụ chính trị đặc biệt; bảo đảm giữ gìn lâu dài, bảo vệ tuyệt đối an toàn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh, bảo đảm an ninh an toàn Công trình Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh và Quảng trường Ba Đình trong mọi tình huống, điều kiện hoàn cảnh và phục vụ an toàn, chu đáo cho đồng bào, khách quốc tế đến viếng Bác, sinh hoạt chính trị, văn hóa và tham quan khu vực Lăng Bác.

Như vậy, Công trình Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh là hiện thân Chủ tịch Hồ Chí Minh, vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc, biểu tượng đặc sắc của nền văn hóa Việt Nam. Với ý nghĩa đó, giữ gìn, bảo tồn và phát huy giá trị, ý nghĩa chính trị, văn hóa của Công trình Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ là trách nhiệm, là tình cảm của cán bộ, chiến sĩ Quân đội đối với Bác kính yêu mà còn thể hiện sự kiên định con đường Bác Hồ đã lựa chọn là độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh./.

Chú thích:

(1) Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng toàn tập, tập 30, Nxb Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2011, tr. 281.

Thiếu tướng, TS Bùi Hải Sơn

Bài viết khác: