Thứ sáu, 27/12/2024

 BBT: Ban biên tập Trang tin điện tử Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh trân trọng đăng tải bài tham luận “Phát huy giá trị Cụm Di tích lịch sử - văn hóa Ba Đình trong giáo dục, tư tưởng, đạo đức phong cách Hồ Chí Minh” của Đại tá Phạm Văn Hiếu, Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy Đoàn 969, Phó Chính ủy Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh trong Kỷ yếu của Hội thảo khoa học: "Phát huy giá trị di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh vào giáo dục chính trị trong Quân đội nhân dân Việt Nam".

doan chup luu niem
Các đại biểu tham dự Hội thảo khoa học.

Lăng Bác, Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch, Bảo tàng Hồ Chí Minh tạo thành một quần thể di tích đặc biệt giữa lòng Thủ đô Hà Nội, với tên gọi Cụm di tích Lịch sử - Văn hoá Ba Đình. Trong suốt những năm qua, nơi đây đã trở thành địa chỉ đỏ, thu hút đông đảo đồng bào từ khắp mọi miền Tổ quốc và bạn bè quốc tế đến viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh, sinh hoạt chính trị, tham quan, học tập, nghiên cứu, tìm hiểu về cuộc đời, thân thế, sự nghiệp cách mạng và tư tưởng, đạo đức phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Cụm Di tích Lịch sử - Văn hoá Ba Đình nằm ở Khu trung tâm chính trị, văn hóa của Thủ đô Hà Nội và cả nước, một địa danh rất đỗi gần gũi, thiêng liêng đối với mỗi người dân Việt Nam. Nơi đây, vào ngày 02/9/1945, giữa Quảng trường Ba Đình lịch sử, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã long trọng đọc bản Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam Á, mở ra sự khởi đầu một thời đại mới - Thời đại độc lập, tự do, hạnh phúc - Thời đại Hồ Chí Minh. Nơi đây cũng là nơi Bác Hồ đã sống và làm việc từ tháng 12/1954 cho đến lúc Người trút hơi thở cuối cùng vĩnh biệt đồng bào, đồng chí và bạn bè quốc tế về với cõi vĩnh hằng, vào hồi 09 giờ 47 phút ngày 02/9/1969.

Sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời, đồng bào, chiến sĩ cả nước thương nhớ Người khôn xiết, bầu bạn quốc tế cũng chia sẻ nỗi đau buồn sâu sắc với Đảng, Nhà nước, Nhân dân ta. Thể theo nguyện vọng thiết tha của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân là giữ gìn lâu dài thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh và sớm xây dựng Lăng của Người để tên tuổi, hình ảnh, sự nghiệp vĩ đại và công lao to lớn của Bác mãi mãi trường tồn cùng non sông, đất nước, mãi mãi khắc ghi vào con tim, khối óc của mỗi người dân đất Việt, ngày 29/11/1969, Bộ Chính trị, Trung ương Đảng ta đã Quyết nghị: “Với tấm lòng kính yêu vô hạn và đời đời nhớ ơn Hồ Chủ tịch, chúng ta phải thực hiện đến mức tốt nhất nhiệm vụ giữ gìn lâu dài thi hài Hồ Chủ tịch và xây dựng Lăng mộ của Người”.

Quyết định của Bộ Chính trị là quyết định của “Lòng Dân - ý Đảng”, phù hợp với truyền thống, đạo ý “Uống nước nhớ nguồn” và phong tục tốt đẹp của dân tộc Việt Nam - phong tục thờ phụng, tổ tiên, thành hoàng và các vị có công lao to lớn trong lịch sử dựng nước và giữ nước. Việc xây dựng Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ để tưởng nhớ, tri ân đối với Bác kính yêu, mà còn đáp ứng nguyện vọng chính đáng, thiết tha của mọi người dân Việt Nam là được đến viếng thăm Bác Hồ, được tận mắt trông thấy Bác, được thể hiện tấm lòng tôn kính và đời đời biết ơn công lao to lớn của Người đối với dân tộc ta, nhân dân ta, non sông, đất nước ta; đặc biệt là tình cảm của đồng bào, chiến sĩ miền Nam đang ngày đêm trực tiếp đối mặt với quân thù, chưa một lần được gặp Bác.

Với sự nghiệp cách mạng vĩ đại, công lao to lớn, cùng tư tưởng, đạo đức và nhân cách sáng ngời, Chủ tịch Hồ Chí Minh mãi mãi xứng đáng là một vĩ nhân của dân tộc Việt Nam - Anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hoá kiệt xuất. Tấm gương hy sinh cả cuộc đời vì dân, vì nước; tư tưởng, đạo đức, tác phong của Người luôn cổ vũ, động viên các thế hệ người Việt Nam vững bước đi theo con đường cách mạng mà Đảng, Bác Hồ và Nhân dân ta đã lựa chọn. Giữ gìn lâu dài thi hài Hồ Chủ tịch và xây dựng công trình Lăng của Người chính là góp phần giữ gìn tư tưởng, đạo đức, phong cách và sự nghiệp cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh; đồng thời, giữ gìn một di sản vô giá của dân tộc và của toàn nhân loại.

Thấm thoát đã gần 54 năm kể từ ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh đi xa và gần 48 năm kể từ ngày khánh thành công trình Lăng của Người (29/8/1975). Ngày nối ngày, trên Quảng trường Ba Đình đầy nắng và lộng gió, dòng người cứ dài như vô tận nối tiếp nhau về bên Bác trong niềm xúc động, sự thành kính và lòng biết ơn vô hạn. Trong Lăng, Bác vẫn ung dung, giản dị như vừa chợp mắt sau một ngày làm việc....

Từ ngày mở cửa Lăng đến nay, đã có gần 70 triệu lượt nhân dân trong nước và khách quốc tế (trong đó hàng triệu lượt người nước ngoài của hầu hết các quốc gia, vùng lãnh thổ và các tổ chức quốc tế) vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Những năm gần đây, thực hiện đường lối đổi mới của Đảng, kinh tế xã hội của đất nước không ngừng phát triển, đời sống nhân dân có nhiều cải thiện, hệ thống giao thông được mở mang, điều kiện đi lại thuận tiện,... nhân dân và khách quốc tế về viếng Bác, sinh hoạt chính trị, văn hóa tại Lăng mỗi ngày một tăng, năm sau cao hơn năm trước. Đặc biệt, vào những ngày lễ, ngày nghỉ, Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5) và dịp Quốc khánh (2/9), mỗi ngày có tới hàng vạn người vào Lăng viếng Bác và tham quan khu vực.

Đối với mỗi người dân Việt Nam, về Lăng viếng Bác như một nhu cầu tình cảm, phong tục tập quán, nét văn hoá truyền thống tốt đẹp, để tỏ lòng biết ơn và hướng về nguồn cội. Từ cụ già đến các cháu thiếu nhi; từ người dân bình thường đến cán bộ, công chức nhà nước, tuy mỗi người có một tâm trạng khác nhau nhưng khi về bên Bác đều tìm thấy tình thương, sự bình yên, thanh thản, và đều cảm được “Bên Bác lòng ta trong sáng hơn”. Nhiều vị khách nước ngoài khi đến Việt Nam, đứng trước Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, chứng kiến dòng người dài như vô tận vào viếng Bác đã cảm nhận: Hiếm có lãnh tụ nào trên thế giới được nhân dân mến mộ như Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Sau khi vào Lăng viếng Bác, đồng bào cả nước và du khách quốc tế sẽ được tham quan Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch và Bảo tàng Hồ Chí Minh. Đến đây, du khách tham quan các hiện vật, tư liệu, hình ảnh và được nghe những câu chuyện kể về cuộc đời, sự nghiệp và nhân cách cao đẹp của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Thông qua hệ thống những tư liệu, tài liệu, hiện vật về Bác, giúp cho du khách được trải nghiệm những thang bậc tình cảm, được cảm nhận về sự vĩ đại nhưng cũng rất bình dị, rất đời thường của Người. Là Chủ tịch nước, tuy trên ngực không một tấm huân chương nhưng Chủ tịch Hồ Chí Minh lại là hiện thân của dân tộc, là biểu tượng của chân lý “Không có gì quý hơn độc lập tự do”, của niềm tin tất thắng, của tình yêu bao la, của tinh thần phụng sự Tổ quốc, phục vụ Nhân dân; Người đã hoà mình vào dân tộc, vào nhân dân, để trong mỗi người dân Việt Nam đều như có Bác và tìm thấy ở Người một điểm nào đó của chính mình, để từ đó, củng cố thêm niềm tin, quyết tâm vươn lên tu dưỡng, hoàn thiện bản thân, học tập và làm theo gương Bác.

Trong gần 54 năm qua, các đơn vị trong Cụm Di tích lịch sử - văn hóa Ba Đình đã phối hợp bảo đảm tốt an ninh, trật tự, bảo đảm an toàn tuyệt đối cho đồng bào và khách quốc tế về Lăng viếng Bác, tham quan Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch và Bảo tàng Hồ Chí Minh; bảo vệ tuyệt đối an toàn hoạt động của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Nguyên thủ quốc gia tại khu vực. Đồng thời, luôn giữ gìn khuôn viên khang trang, sạch, đẹp; tăng cường các hoạt động phối hợp, tổ chức giao lưu, văn hóa, văn nghệ, thể thao… nhằm nâng cao tinh thần đoàn kết, gắn bó, học hỏi giữa các lực lượng trong Cụm Di tích.

Cụm Di tích lịch sử - văn hóa Ba Đình đã tổ chức đón tiếp, phục vụ tận tình, chu đáo, tuyệt đối an toàn đồng bào, khách quốc tế đến viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh, tưởng niệm các Anh hùng liệt sỹ, tham quan Khu Di tích Phủ Chủ tịch, Bảo tàng Hồ Chí Minh và tổ chức các sinh hoạt chính trị, văn hoá tại khu vực. Nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, trong đó tập trung tuyên truyền về cuộc đời, sự nghiệp cách mạng, về tư tưởng đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, về tình cảm Bác Hồ với nhân dân và nhân dân đối với Bác; về nhiệm vụ giữ gìn lâu dài, bảo vệ tuyệt đối an toàn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh và ý nghĩa chính trị, văn hóa của Công trình Lăng. Phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tổ chức đón tiếp gia đình chính sách, người có công với cách mạng, Mẹ Việt Nam Anh hùng về Lăng viếng Bác, tham quan Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch và Bảo tàng Hồ Chí Minh.

Bên cạnh đó, để góp phần nâng cao hiệu quả giáo dục tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, trong những năm qua, các cơ quan, đơn vị trong Cụm Di tích lịch sử - văn hóa Ba Đình còn tổ chức nhiều buổi hội thảo, tọa đàm khoa học, sinh hoạt chính trị, trưng bày chuyên đề nhân kỷ niệm ngày sinh, ngày mất của Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng như những sự kiện lớn, trọng đại của đất nước, dân tộc. Các trưng bày chuyên đề không chỉ phong phú về nội dung mà còn thường xuyên được đổi mới về hình thức thể hiện, để những câu chuyện, tài liệu, hiện vật, hình ảnh có liên quan đến Chủ tịch Hồ Chí Minh ngày càng đến gần hơn, tạo ấn tượng sâu sắc hơn với công chúng. Đặc biệt, trong những năm gần đây, thông qua các trưng bày chuyên đề, Cụm Di tích lịch sử - văn hóa Ba Đình đã công bố thêm những hiện vật gốc, vốn vẫn luôn được bảo quản, giữ gìn trong kho lưu trữ. Có thể nói, các trưng bày chuyên đề là một hình thức giáo dục quan trọng và có hiệu quả trong công tác tuyên truyền về di sản và không gian văn hoá Hồ Chí Minh, về học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, cập nhật một cách kịp thời, có hiệu quả các chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước.

Những năm qua, Đảng, Nhà nước ta đã ban hành nhiều chỉ thị, nghị quyết, kết luận nhằm đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, như: Bộ Chính trị ban hành Chỉ thị số 06-CT/TW ngày 07/11/2006 về tổ chức Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, Chỉ thị số 03-CT/TW ngày 14/5/2011 về “Tiếp tục đẩy mạnh học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15/5/2016 về “Đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, Kết luận số 01- KL/TW ngày 18/5/2021 về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị khóa XII về “Đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”. Lãnh đạo, chỉ huy các cấp đã quán triệt, triển khai các chỉ thị, Nghị quyết của Đảng, Nhà nước cụ thể ở cơ quan, đơn vị chặt chẽ và khoa học. Trong đó, việc phát huy giá trị Cụm Di tích Lịch sử - Văn hoá Ba Đình vào học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh được xác định là nội dung nhiệm vụ quan trọng, là trách nhiệm của mỗi tổ chức, mỗi cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân. Từ đó xuất hiện nhiều mô hình mới, cách làm sáng tạo, mang lại hiệu quả thiết thực trong học tập và làm theo gương Bác, nhất là ở cấp cơ sở. Qua đó, làm cho cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân có bản lĩnh chính trị kiên định vững vàng, phẩm chất đạo đức trong sáng, lối sống trong sạch, lành mạnh, chấp hành nghiêm chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước, chủ động khắc phục khó khăn, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Tuy nhiên, việc phát huy giá trị Cụm Di tích Lịch sử - Văn hoá Ba Đình vào học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh vẫn còn có mặt hạn chế: Nội dung, hình thức, phương pháp tuyên truyền, giáo dục chưa thực sự phong phú, hấp dẫn; việc ứng dụng công nghệ thông tin trong tuyên truyền, giáo dục chưa nhiều; công tác phối hợp, hiệp đồng của các lực lượng trong tổ chức, đón tiếp nhân dân và khách quốc tế đến viếng Bác, tham quan, học tập, sinh hoạt chính trị tại khu vực có lúc chưa nhịp nhàng, linh hoạt; tinh thần, trách nhiệm, thái độ phục vụ có lúc, có nơi còn hạn chế...

Thời gian tới, để tiếp tục phát huy giá trị Cụm Di tích Lịch sử - Văn hoá Ba Đình vào học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh cho cán bộ, đảng viên, quần chúng nhân dân, cần chú trọng quan tâm thực hiện tốt một số giải pháp sau:

Một là, tiếp tục giáo dục nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân về giá trị Cụm Di tích Lịch sử - Văn hoá Ba Đình cũng như việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh

Đây là giải pháp quyết định đến nhận thức và hành động của cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân. Bởi, Cụm Di tích Lịch sử - Văn hoá Ba Đình là những địa danh gắn liền với cuộc đời hoạt động cách mạng của Người. Là nơi giữ gìn lâu dài, bảo vệ tuyệt đối an toàn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh, nơi lưu giữ, bảo tồn những giá trị hiện vật về Người, trở thành biểu tượng cho tinh hoa văn hoá của dân tộc Việt Nam. Với ý nghĩa chính trị, văn hoá to lớn của Công trình Lăng, Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch và Bảo tàng Hồ chí Minh cùng với giá trị của các tư liệu, hình ảnh, hiện vật liên quan đến Bác Hồ tại Cụm Di tích Lịch sử - Văn hoá Ba Đình đã và đang góp phần quan trọng vào giáo dục cho các tầng lớp nhân dân, nhất là thế hệ trẻ về lịch sử và truyền thống vẻ vang của Đảng, của dân tộc, về cuộc đời, sự nghiệp cách mạng vĩ đại và những phẩm chất cao quý của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Mỗi tư liệu, hình ảnh, hiện vật nơi đây đều mang ý nghĩa lịch sử văn hóa sâu sắc, thể hiện tình cảm, sự giản dị, tấm gương đạo đức trong sáng của Người.

Theo đó, cấp ủy các cấp tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, nâng cao nhận thức trách nhiệm cho cán bộ, đảng viên, quần chúng nhân dân, trước hết là giáo dục truyền thống thống qua di tích lịch sử cách mạng, gắn với tuyên truyền, giáo dục giá trị Cụm Di tích Lịch sử - Văn hoá Ba Đình; đồng thời, quán triệt và thực hiện nghiêm Kết luận số 01-KL/TW của Bộ Chính trị khóa XIII về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị khóa XII “Về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”.

Hai là, đổi mới nội dung, hình thức phương pháp giáo dục, tuyên truyền để phát huy giá trị Cụm Di tích Lịch sử - Văn hoá Ba Đình vào học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức phong cách Hồ Chí Minh

Các cơ quan, đơn vị trong Cụm Di tích Lịch sử - Văn hoá Ba Đình luôn tìm tòi những giải pháp nhằm đổi mới hình thức, nội dung và phương pháp tuyên truyền. Bên cạnh hình thức thuyết minh trực tiếp thì phải thường xuyên tổ chức nói chuyện chuyên đề về cuộc đời, sự nghiệp, tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh tại các cơ quan, đoàn thể, đơn vị, trường học… Chủ động tổ chức nhiều triển lãm nhân kỷ niệm các ngày lễ lớn trong năm; phối hợp với các bảo tàng, khu di tích… thực hiện triển lãm chuyên đề phục vụ nhân dân và khách quốc tế. Phối hợp với các đảng bộ, chi bộ, cơ quan, đơn vị, học viện, nhà trường, đoàn thể quần chúng tổ chức nhiều hội thảo, toạ đàm khoa học, sinh hoạt chính trị, nói chuyện truyền thống, lễ báo công, lễ kết nạp đảng viên, hội viên, đoàn viên, đội viên, lễ phát động thi đua, sơ kết, tổng kết việc học tập và làm theo Bác, nhất là trao đổi kinh nghiệm học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Chú trọng tuyên truyền gương “người tốt, việc tốt”, những kinh nghiệm hay, cách làm sáng tạo, có hiệu quả;... Qua đó, làm cho việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Bác thực sự gần gũi với từng đối tượng, để mỗi người “dễ học tập, dễ làm theo” và “muốn học tập, muốn làm theo”. Thường xuyên ứng dụng các công nghệ thông tin vào phục vụ nhân dân và khách quốc tế đến tham quan, học tập và tham gia các hoạt động văn hoá, chính trị trong khu vực, để không ngừng nâng cao hiệu quả công tác đón tiếp tuyên truyền của Cụm Di tích Lịch sử - Văn hoá Ba Đình. Định kỳ hàng năm tổ chức tập huấn, nâng cao nghiệp vụ kỹ năng, phương pháp cho đội ngũ cán bộ, nhân viên, chuyên viên làm công tác hướng dẫn, đón tiếp tuyên truyền của các cơ quan, đơn vị trong Cụm Di tích Lịch sử - Văn hoá Ba Đình. Đồng thời thường xuyên đẩy mạnh công tác phối hợp hoạt động giữa Cụm Di tích Lịch sử - Văn hoá Ba Đình với các hệ thống bảo tàng và di tích lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh trong cả nước về việc tuyên truyền, giáo dục, lan tỏa tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người đến nhân dân cả nước và bạn bè quốc tế.

Ba là, tiếp tục làm tốt công tác sưu tầm, duy tu, bảo dưỡng, bổ sung tư liệu, tài liệu, hiện vật của Cụm Di tích Lịch sử - Văn hoá Ba Đình để phục vụ nhân dân và khách quốc tế tới tham quan, học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh

Đây là giải pháp quan trọng, bảo đảm sức hấp dẫn đối với khách tham quan khi đến nghiên cứu, học tập, góp phần giáo dục, tuyên truyền về cuộc đời, thân thế, sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh nói chung; học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh nói riêng. Do đó, Cụm Di tích Lịch sử - Văn hoá Ba Đình cần liên hệ chặt chẽ với các cơ quan Ban ngành Trung ương, địa phương, các nhà nghiên cứu khoa học, Bộ Ngoại giao, nhất là những nước Bác Hồ đã từng hoạt động, công tác; tổ chức nắm bắt, khảo cứu, triển khai lực lượng sưu tầm, khôi phục, duy tu, bổ sung đầy đủ tư liệu, hiện vật, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ tham quan, học tập của các tầng lớp nhân dân và cán bộ, chiến sĩ. Thường xuyên làm tốt công tác quản lý số lượng, chất lượng các hiện vật, trang thiết bị của Cụm Di tích Lịch sử - Văn hoá Ba Đình, tổ chức đăng ký, bảo quản, bảo dưỡng để hiện vật được sử dụng lâu dài, phục vụ tốt công tác giáo dục, tham quan, học tập cho mọi tầng lớp nhân dân và khách quốc tế.

Bốn là, tổ chức biên soạn, in ấn và xuất bản các ấn phẩm về “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” với những nội dung, biện pháp sáng tạo, ngắn gọn, dễ hiểu, dễ nhớ, dễ thực hiện

Những tài liệu các đơn vị Cụm Di tích Lịch sử - Văn hoá Ba Đình biên soạn, xuất bản cần phải được lựa chọn kỹ lưỡng, nội dung cần làm nổi bật những giá trị tư tưởng, đạo đức nhân văn cao quý, ghi nhận, ca ngợi công lao to lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, vì hòa bình thế giới và tiến bộ xã hội. Đó là những hồi ức, câu chuyện kể thể hiện tình đồng chí, đồng đội, về lòng trung thành với Đảng, với Chính phủ, về mối quan hệ sâu sắc giữa Bác Hồ với các tầng lớp nhân dân. Từ đó, góp phần thắt chặt hơn nữa tình cảm gắn bó giữa Đảng, Bác Hồ với Nhân dân, nâng cao năng lực lãnh đạo toàn diện và sức chiến đấu của cấp ủy, tổ chức đảng nhằm xây dựng bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức, nhân cách, văn hóa cho cán bộ, đảng viên và nhân dân. Kết hợp chặt chẽ giữa biên soạn sách, truyện, tập san với phối hợp xây dựng phim tài liệu, phim truyền hình, video clip, MV ca nhạc…về Chủ tịch Hồ Chí Minh và phản ánh nhiệm vụ cũng như hoạt động của các đơn vị trong Cụm Di tích. Nội dung ấn phẩm phải có giá trị lý luận và thực tiễn cao, tạo được sự lan tỏa, thu hút với công chúng. Đồng thời, trở thành một trong những công cụ sắc bén của Đảng trên mặt trận tư tưởng - văn hóa, góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, tham gia tích cực trong việc giữ gìn và phát huy tinh hoa văn hóa dân tộc.

Ngày nay, đất nước đang đứng trước những thời cơ và thách thức, tình hình thế giới, khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp, khó dự báo; các thế lực thù địch, phản động tăng cường chống phá Đảng, Nhà nước ta. Hơn bao giờ hết, việc phát huy giá trị Cụm Di tích Lịch sử - Văn hoá Ba Đình trong giáo dục tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh càng có ý nghĩa quan trọng trong tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức chính trị, tư tưởng, phẩm chất đạo đức, lối sống cho cán bộ, đảng viên, quần chúng nhân dân. Góp phần làm lan toả sâu rộng tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong toàn Đảng, toàn dân và toàn quân. Phục vụ thiết thực cho chiến lược phát triển con người, xây dựng con người mới xã hội chủ nghĩa và sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới./.

Đại tá Phạm Văn Hiếu

Bài viết khác: