BBT: Ban biên tập Trang tin điện tử Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh trân trọng đăng tải bài tham luận “Phát huy giá trị Di tích Bến Nhà Rồng trong công tác giáo dục chính trị, giáo dục truyền thống cho cán bộ, đoàn viên, thanh niên lực lượng vũ trang thành phố Hồ Chí Minh” của Thiếu tướng Phan Văn Xựng, Chính ủy Bộ Tư lệnh Thành phố Hồ Chí Minh trong Kỷ yếu của Hội thảo khoa học: Phát huy giá trị di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh vào giáo dục chính trị trong Quân đội nhân dân Việt Nam.

ben nha rong
Bến Nhà Rồng.

Việt Nam là một đất nước có nền văn hóa lâu đời với những di sản văn hóa lịch sử vô giá. Di tích lịch sử, văn hóa là sản phẩm vật chất, nhưng cũng luôn chứa đựng yếu tố phi vật chất, thể hiện sức sáng tạo, đời sống tinh thần của nhân dân ta qua hàng nghìn năm lịch sử dựng nước và giữ nước; góp phần giáo dục, nuôi dưỡng, lưu truyền bản sắc văn hóa và truyền thống cách mạng cho các thế hệ.

Chủ tịch Hồ Chí Minh, vị lãnh tụ thiên tài của cách mạng Việt Nam, biểu tượng sáng ngời của chủ nghĩa anh hùng cách mạng và tinh thần quốc tế vô sản trong sáng; Người đã đưa đất nước ta từ bóng tối chiến tranh, đêm trường nô lệ của chế độ thực dân, phong kiến đến với ánh sáng độc lập và tự do. Ngày 05/6/1911, từ Bến Nhà Rồng, người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành đã ra đi tìm đường cứu nước. Bến Nhà Rồng (Sài Gòn) trước đây nay là Thành phố Hồ Chí Minh vinh dự là nơi tiễn Người ra đi năm ấy, đã cùng cả nước đi theo con đường của Người, làm nên những thắng lợi vĩ đại trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, tiến lên xây dựng chủ nghĩa xã hội, thực hiện công cuộc đổi mới với cơ đồ, tiềm lực và vị thế to lớn như ngày nay.

Những địa danh liên quan đến cuộc đời và sự nghiệp hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh được Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta trân trọng, gìn giữ, trở thành những di tích lịch sử, văn hóa đặc biệt, có giá trị nhân văn sâu sắc; nhiều nước trên thế giới lưu giữ, bảo tồn các công trình về Bác với ý nghĩa tôn vinh một nhân cách vĩ đại. Di tích Bến Nhà Rồng là nơi Bác dừng chân trong thời gian ngắn nhưng lại có ý nghĩa quyết định đối với sự lựa chọn con đường cứu nước của Người.

Bến Nhà Rồng nằm bên sông Sài Gòn, năm 1863, nơi đây được người Pháp xây dựng để làm trụ sở cho Công ty tàu biển Năm Sao. Tòa nhà có mái ngói gạch đỏ, những hành lang dài với các cột trụ hình tròn, những mái vòm cong và rất nhiều cửa sổ. Điểm thú vị là mặc dù mang kiến trúc Pháp rõ nét, nhưng công trình vẫn thể hiện sự kết hợp với kiến trúc Á Đông đặc sắc. Nhắc đến Bến Nhà Rồng là nhắc đến địa danh nổi tiếng; nơi đây, ngày 05/6/1911, chàng thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành đã lên con tàu Amiral Latouche Tréville (Pháp) lấy tên là Văn Ba, bắt đầu chuyến hành trình tìm đường cứu nước kéo dài hơn 30 năm. Bác Hồ lựa chọn Sài Gòn là nơi để ra nước ngoài, sau này cũng được nhiều nhà nghiên cứu lý giải, bởi lúc bấy giờ Sài Gòn là thủ phủ chính trị của Liên bang Đông Dương thuộc Pháp - đầu não chính trị của thuộc địa Nam Kỳ. Thành phố Sài Gòn đầu thế kỷ XX là thương cảng lớn thứ tám vùng Viễn Đông, là cửa ngõ ra thế giới cho 75% lượng hàng hóa xuất khẩu của xứ Đông Dương và cũng là nhà xuất khẩu gạo nhất nhì thế giới, nơi đây có những công ty tàu biển lớn chạy tuyến Pháp - Đông Dương nên rất thuận lợi cho việc sang Pháp.

Việc Người chọn nghề phụ bếp trên tàu cũng có mục đích rất rõ ràng, bởi chỉ trên chiếc tàu viễn dương, người thanh niên yêu nước ấy mới có điều kiện đến nhiều nước khác nhau; tiếp nhận những tư tưởng tiến bộ ở khắp năm châu bốn biển. Đó là nhận thức về “Tự do - Bình đẳng - Bác ái” ở châu Âu và châu Mỹ; được tiếp xúc với tự do, quyền mưu cầu hạnh phúc của con người trong Bản Tuyên ngôn độc lập của cách mạng Mỹ, Bản Tuyên ngôn nhân quyền và dân quyền của nước Pháp. Đặc biệt, Người đã tiếp cận “Luận cương về những vấn đề dân tộc và thuộc địa” của V.I.Lênin; tin theo chủ nghĩa Mác - Lênin và Cách mạng Tháng Mười Nga.

Để ghi nhớ sự kiện Bác từ Bến Nhà Rồng ra đi tìm đường cứu nước; sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, Bến Nhà Rồng được Đảng, Nhà nước và Nhân dân trân trọng, giữ gìn làm Di tích về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ngày 02/9/1979, Bến Nhà Rồng đã mở cửa đón khách tham quan phần trưng bày về “Sự nghiệp tìm đường cứu nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh (1890 - 1945)”. Sau nhiều lần đổi tên, đến nay Thành phố quyết định lấy tên là “Bảo tàng Hồ Chí Minh - chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh”.

Hơn 44 năm qua, được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Thành ủy, Ủy ban nhân dân Thành phố, sự quản lý, hướng dẫn, giúp đỡ của cơ quan chuyên môn, nhất là Ban Tuyên giáo Thành ủy, Sở Văn hóa và Thể thao Thành phố; Bảo tàng đã thực hiện tốt nhiệm vụ nghiên cứu, sưu tầm, kiểm kê, bảo quản, trùng tu, trưng bày, tuyên truyền về cuộc đời, sự nghiệp cách mạng và tư tưởng, đạo đức, phong cách Chủ tịch Hồ chí Minh. Qua đó, góp phần bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa mà Người đã để lại cho dân tộc. Bến Nhà Rồng ngày nay là khu trưng bày, lưu giữ những kỷ vật về Chủ tịch Hồ Chí Minh; lối sảnh chính là không gian tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh với án thờ có tượng Bác bằng đồng, tay đang cầm tờ báo Nhân dân. Hai bên án thờ là câu đối “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết/ Thành công, thành công, đại thành công”. Ngoài ra, khu vực này còn lưu giữ những bản tuyên ngôn độc lập của Việt Nam: Nam quốc sơn hà (Lý Thường Kiệt - 1077); Bình Ngô đại cáo (Nguyễn Trãi - 1428), Tuyên ngôn độc lập (Bác Hồ - 1945).

Bảo tàng đã xây dựng một hệ thống gồm 06 kho cùng các phương tiện, trang thiết bị hiện đại, ứng dụng công nghệ thông tin để bảo quản hiện vật và lưu giữ tài liệu. Đến nay, Bảo tàng có 23.888 tài liệu, hiện vật, trong đó có 3.691 hiện vật gốc, 1.889 tài liệu mật. Các hiện vật được tổ chức trưng bày ở nhiều không gian khác nhau giúp cho khách tham quan hiểu rõ hơn về cuộc đời, sự nghiệp cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Công tác trưng bày, triển lãm từng bước được đổi mới. Qua 6 lần chỉnh lý, hiện nay, hệ thống trưng bày cố định của Bảo tàng gồm 07 phòng, 8 gian trưng bày phản ánh đầy đủ và sinh động những sự kiện lịch sử trong cuộc đời hoạt động cách mạng của Bác; 03 phòng nhấn mạnh đến sự kiện Bác ra đi tìm đường cứu nước, tình cảm sâu nặng của Bác Hồ đối với nhân dân miền Nam và tình cảm kính yêu của nhân dân miền Nam dành cho Bác. Các tư liệu, hiện vật trưng bày trong Bảo tàng Hồ Chí Minh Bến Nhà Rồng được sắp xếp cẩn thận theo những chủ đề, chuyên đề cụ thể.

Mỗi kỷ vật được trưng bày tại Bảo tàng không chỉ là hiện thân của tình cảm, mà còn là tấm lòng kính yêu mà mỗi người con miền Nam dành cho Chủ tịch Hồ Chí Minh. Điển hình như chiếc áo trấn thủ Bác tặng thương binh đặc biệt Lê Thống Nhất, nguyên là chiến sĩ trinh sát đặc công Quân khu 9; Huy hiệu Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng các cá nhân điển hình tiên tiến; Bàn thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh và những vật dụng dùng để làm cơm cúng giỗ Người hằng năm của một gia đình đồng bào miền Nam; Những băng tang đen của các chiến sĩ trong Nhà tù Côn Đảo và Nhà giam Chí Hòa để tang Chủ tịch Hồ Chí Minh khi Người mất; Cây bút máy có khắc chữ của Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng cho ông Lê Minh Đức - cán bộ miền Nam tập kết ra Bắc;…

Cùng với quá trình bảo quản, trưng bày, Bảo tàng đặc biệt quan tâm nâng cao chất lượng tuyên truyền kết hợp với các tour du lịch; đổi mới nội dung, hình thức thuyết trình bảo đảm sâu sắc, phong phú và gần gũi, tình cảm, phản ánh rõ nét, chân thật nhất về cuộc đời Bác; vừa tạo sức thu hút với khách tham quan, vừa làm cho giá trị nhân văn cao cả của Bác được lan tỏa, thấm sâu vào mọi tầng lớp. Những năm qua, Bảo tàng đã phục vụ hơn 10 triệu lượt khách tham quan, lưu lượng khách đến những năm gần đây tăng đáng kể; Bảo tàng thực sự trở thành điểm đến du lịch hấp dẫn của du khách trong và ngoài nước, đặc biệt là thế hệ trẻ.

Phát huy giá trị lịch sử gắn liền với cuộc đời hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Bến Nhà Rồng và Di tích lịch sử Bảo tàng Hồ Chí Minh đã trở thành biểu tượng của Thành phố Hồ Chí Minh, là niềm tự hào của nhân dân cả nước, là “địa chỉ đỏ” để cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân và du khách đến tham quan có thể hiểu hơn về cuộc đời, sự nghiệp cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh và về lịch sử, văn hóa, con người Việt Nam.

Quán triệt, nhận thức sâu sắc chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật Nhà nước, các nghị quyết, chỉ thị cấp trên, từ vị trí, vai trò, tầm quan trọng của công tác giáo dục chính trị, giáo dục truyền thống; trong đó, phát huy giá trị các di tích lịch sử trong công tác giáo dục mang một nét rất riêng, rất đặc sắc và sinh động, những năm qua, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Thành phố Hồ Chí Minh và cấp ủy, chính ủy, chính trị viên, chỉ huy các cơ quan, đơn vị đã thường xuyên quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo triển khai đồng bộ, toàn diện và có nhiều đổi mới, sáng tạo với những mô hình hay, cách làm hiệu quả tạo chuyển biến thực sự về chất lượng công tác giáo dục chính trị, giáo dục truyền thống; kết hợp chặt chẽ với đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, phong trào thi đua quyết thắng, phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động của các cấp, các ngành.

Nội dung công tác giáo dục chính trị, giáo dục truyền thống thường xuyên được cập nhật, bổ xung; trong đó đưa các di tích lịch sử, nhất là giá trị lịch sử Di tích Bến Nhà Rồng vào nội dung, chương trình giáo dục thường xuyên cho cán bộ, đoàn viên, thanh niên; lồng ghép các nội dung giáo dục về Di tích Bến Nhà Rồng vào các hội thi báo cáo viên giỏi, cán bộ giảng dạy chính trị giỏi, tuyên truyền viên, tuyên truyền xung kích; làm sâu sắc, phong phú nội dung và giá trị, ý nghĩa của Di tích.

Các cơ quan, đơn vị xây dựng kế hoạch luân phiên tổ chức cho cán bộ, đoàn viên, thanh niên tham quan, học tập, sinh hoạt tại Di tích Bến Nhà Rồng thông qua nhiều hình thức phong phú, đa dạng: Tổ chức tọa đàm giữa các thế hệ và khát vọng cống hiến của tuổi trẻ; nói chuyện chuyên đề về công lao của Chủ tịch Hồ Chí Minh; xem phim về hành trình Bác ra đi tìm đường cứu nước; tổ chức Hội thi tiếng hát về Bác Hồ; Hội thi kể chuyện về Bác Hồ; nghiên cứu học tập những tư liệu, hồi ký của Bác, các ấn phẩm về Bảo tàng. Qua học tập, nghiên cứu, tìm hiểu, cán bộ, đoàn viên, thanh niên hiểu rõ hơn về cuộc đời hoạt động cách mạng và những cống hiến, hi sinh của Bác; học hỏi được tinh thần kiên định, sự cần cù, nỗ lực không ngừng nghỉ và ý chí vượt khó của Người, từ đó rút ra những bài học quý giá về khát vọng cống hiến, học tập và rèn luyện.

Sau mỗi đợt tham quan, học tập, sinh hoạt; các cơ quan, đơn vị tổ chức cho cán bộ, đoàn viên, thanh niên viết thu hoạch, viết cảm nghĩ về Di tích, về cuộc đời, thân thế, sự nghiệp cách mạng của Bác và xác định những nội dung học tập, làm theo Chủ tịch Hồ Chí Minh gắn với chức trách, nhiệm vụ của bản thân.

Hằng năm, nhân dịp các ngày lễ lớn, các sự kiện chính trị trọng đại, nhất là vào dịp sinh nhật Bác, dịp kỷ niệm Ngày Bác ra đi tìm đường cứu nước, Bộ Tư lệnh Thành phố tổ chức dâng hoa, dâng hương tại Di tích Bến Nhà Rồng để tưởng nhớ công ơn của Người. Mỗi đợt hoạt động như vậy, làm cho cán bộ, đoàn viên, thanh niên cảm nhận rõ nét và sâu sắc hơn; thấy được giá trị lịch sử, lòng thành kính và biết ơn sâu sắc đối với Bác Hồ; khơi dậy mạnh mẽ lòng tự hào và khát vọng cống hiến; thấy được trách nhiệm của mình phải không ngừng học tập, rèn luyện xứng đáng với niềm tin, sự kỳ vọng của Người.

Kết hợp chặt chẽ phát huy giá trị Di tích Bến Nhà Rồng trong giáo dục chính trị, giáo dục truyền thống với các di tích lịch sử trên địa bàn Thành phố như: Khu Di tích lịch sử Địa đạo Củ Chi; Đặc khu Rừng Sác; Khu truyền thống cách mạng Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định; Địa đạo Phú Thọ Hòa; Bảo tàng chứng tích chiến tranh; chương trình “Hành trình theo dấu chân Biệt Động” tại các hầm chứa vũ khí trong nội đô của các chiến sĩ Biệt động Sài Gòn năm xưa…

Thông qua các hoạt động đó, làm cho cán bộ, đoàn viên, thanh niên nhận thức sâu sắc hơn về cuộc đời, thân thế, sự nghiệp hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh; những nét văn hóa, lịch sử, truyền thống cách mạng; con người, tình yêu quê hương, đất nước Việt Nam; từ đó, khơi dậy lòng tự hào, tự tôn dân tộc; bồi dưỡng niềm tin, tình cảm; khích lệ, động viên cán bộ, đoàn viên, thanh niên giữ gìn, phát huy truyền thống hào hùng của các thế hệ cha anh đi trước và phẩm chất cao đẹp “Bộ đội Cụ Hồ”; nỗ lực cố gắng vượt mọi khó khăn, phấn đấu vươn lên; biến nhận thức thành trách nhiệm và hành động trong huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, xây dựng chính quy, chấp hành pháp luật, kỷ luật và thực hiện các nhiệm vụ khác góp phần nâng cao chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu của lực lượng vũ trang Thành phố; luôn xứng đáng là lực lượng chính trị, lực lượng chiến đấu trung thành, tin cậy của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thành phố. Được biểu hiện thông qua quá trình thực hiện nhiệm vụ; nhất là trong cuộc chiến phòng chống đại dịch Covid-19 vừa qua; cán bộ, đoàn viên, thanh niên lực lượng vũ trang Thành phố đã không ngại khó, ngại khổ, tiên phong trên tuyến đầu chống dịch ròng rã hơn 150 ngày đêm nóng bỏng nơi tâm dịch; tham gia tất cả các nhiệm vụ: Tuần tra, chốt chặn, tuyên truyền, vận động nhân dân; vận chuyển lương thực, nhu yếu phẩm hơn 2 triệu túi an sinh; vận chuyển oxy, chăm sóc bệnh nhân, đưa đón người dân về quê; đặc biệt, đã dũng cảm đảm nhận nhiệm vụ tiếp nhận, vận chuyển, bảo quản, khâm liệm thi hài, hỏa táng, bàn giao hơn 23.000 tro cốt nạn nhân tử vong do Covid-19 cho gia đình bảo đảm an toàn, chu đáo; mang giá trị, ý nghĩa nhân văn sâu sắc. 

Cùng với phát huy giá trị Di tích Bến Nhà Rồng trong giáo dục chính trị, giáo dục truyền thống cho cán bộ, đoàn viên, thanh niên, Bộ Tư lệnh Thành phố phối hợp với Ban Quản lý Khu Di tích và các cơ quan chức năng tổ chức tốt các hội thảo khoa học về Chủ tịch Hồ Chí Minh; thực hiện tốt công tác bảo đảm cho các đoàn khách trong và ngoài nước đến tham quan du lịch; tuyên truyền rộng rãi về cuộc đời, thân thế, sự nghiệp cách mạng và tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đến với nhân dân và du khách.

Hiện nay, cùng với quá trình quản lý, trùng tu, khai thác và phát huy giá trị các công trình di tích lịch sử, văn hóa trên địa bàn; Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Thành phố phối hợp chặt chẽ với các ban, sở, ngành tham mưu Thành ủy, Ủy bản nhân dân Thành phố lãnh đạo, chỉ đạo triển khai xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh, với mục tiêu làm cho tư tưởng, đạo đức, phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh thấm sâu vào con người Thành phố.

Để tiếp tục phát huy giá trị của các công trình lịch sử, trong đó có Di tích Bến Nhà Rồng trong giáo dục chính trị, giáo dục truyền thống cho cán bộ, đoàn viên, thanh niên, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Thành phố xác định một số nội dung, nhiệm vụ, giải pháp như sau:

Một là, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Thành phố và cấp ủy, chính ủy, chính trị viên, chỉ huy, cơ quan chính trị các cấp đối với công tác giáo dục chính trị, giáo dục truyền thống tại đơn vị; chú trọng giáo dục chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng, đạo đức, phong cách và cuộc đời, thân thế, sự nghiệp Chủ tịch Hồ Chí Minh, đường lối, quan điểm của Đảng, tình hình nhiệm vụ, đối tác, đối tượng trong tình hình mới. Xây dựng cho cán bộ, chiến sĩ có bản lĩnh chính trị, vững vàng, tuyệt đối trung thành với Đảng, Tổ quốc và Nhân dân; có ý chí quyết tâm cao; khơi dậy và phát huy mạnh mẽ lòng tự hào, tự tôn dân tộc, niềm tin và khát vọng cống hiến; chủ động đấu tranh có hiệu quả với các quan điểm, tư tưởng sai trái, thù địch, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ.

Hai là, thực hiện nghiêm túc, chặt chẽ quy trình giáo dục chính trị, giáo dục truyền thống; nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ làm công tác giảng dạy chính trị; vận dụng linh hoạt, sáng tạo các hình thức giáo dục phù hợp với đối tượng và tình hình nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị; thường xuyên bổ sung, cập nhật nội dung mới làm cho bài giảng thêm phong phú, đa dạng, sinh động, cuốn hút; phát huy đầy đủ giá trị các di tích lịch sử, nhất là Di tích Bến Nhà Rồng và các thiết chế văn hóa tại các đơn vị, địa phương trong tuyên truyền, giáo dục, định hướng tư tưởng cho cán bộ, đoàn viên, thanh niên.

Ba là, kết hợp chặt chẽ công tác giáo dục chính trị, giáo dục truyền thống với công tác thi đua, khen thưởng và phong trào thi đua Quyết thắng, phong trào thi đua yêu nước, phong trào hành động cách mạng của tuổi trẻ, các cuộc vận động của các cấp, các ngành; nhất là Cuộc vận động “Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ” thời kỳ mới gắn với đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và thực hiện Nghị quyết 847-NQ/QUTW của Quân ủy Trung ương về “Phát huy phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”, kiên quyết chống chủ nghĩa cá nhân trong tình hình mới”; tạo sự lan tỏa sâu rộng, cổ vũ, động viên cán bộ, đoàn viên, thanh niên khắc phục khó khăn, ra sức phấn đấu, cống hiến công sức, trí tuệ xây dựng tổ chức đảng trong sạch vững mạnh gắn với xây dựng cơ quan, đơn vị vững mạnh toàn diện “mẫu mực, tiêu biểu”, xây dựng tổ chức Đoàn vững mạnh xuất sắc.

Bốn là, thường xuyên tổ chức các hoạt động giao lưu, tọa đàm, diễn đàn, xem phim, kể chuyện về Bác, các hội thi báo cáo viên, tuyên truyền viên, cán bộ giảng dạy chính trị, hội thi văn nghệ, sáng tác các ca khúc về Bác kết hợp với tham quan, học tập, nghiên cứu tại Di tích Bến Nhà Rồng và các di tích lịch sử, văn hóa trên địa bàn Thành phố. Thông qua đó, nâng cao nhận thức, lòng thành kính và biết ơn vô hạn của cán bộ, đoàn viên, thanh niên về cuộc đời, thân thế, sự nghiệp, công lao to lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh và các bậc tiền bối cách mạng; giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa, lịch sử, truyền thống tốt đẹp của dân tộc, con người Việt Nam; truyền thống, con người Thành phố kiên cường, bất khuất trong kháng chiến, năng động, sáng tạo, bao dung, nhân ái, trọng nghĩa tình, đạo lý trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; truyền thống “Trung thành vô hạn; bám trụ kiên cường; đoàn kết kỷ cương; năng động sáng tạo; quyết chiến quyết thắng” của lực lượng vũ trang Thành phố anh hùng mang tên Bác.

Năm là, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác dân vận, chính sách; tích cực tuyên truyền lan tỏa thân thế, sự nghiệp cách mạng của Bác đến với nhân dân làm cho tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh thấm sâu vào mọi lĩnh vực đời sống xã hội; triển khai sâu rộng các phong trào “lực lượng vũ trang Thành phố chung sức xây dựng nông thôn mới”, “đô thị thông minh”, “chung tay vì người nghèo - không để ai bị bỏ lại phía sau”, “Tết quân dân”, các hoạt động “đền ơn đáp nghĩa”; giữ vững và tăng cường mối quan hệ máu thịt quân dân góp phần xây dựng cơ sở chính trị vững mạnh.

Được sống trong hòa bình, độc lập, tự do, với cơ đồ, tiềm lực, vị thế, uy tín quốc tế như ngày nay, chúng ta mãi mãi ghi ơn những cống hiến, công lao to lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh và các bậc tiền bối cách mạng. Với đồng bào và chiến sĩ cả nước, Di tích lịch sử Bến Nhà Rồng mang một giá trị tinh thần thiêng liêng và cao quý, mang dấu ấn đậm nét trong sự nghiệp cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nơi đây đã chứng kiến nhiều sự kiện, biến cố lịch sử cũng như quá trình thay đổi và phát triển của thành phố mang tên Bác. Bến Nhà Rồng hôm nay là niềm tự hào để Đảng Bộ, Chính quyền, lực lượng vũ trang và nhân dân Thành phố vươn lên phát triển mạnh mẽ. Hơn một thế kỷ đã qua kể từ ngày người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành ra đi tìm đường cứu nước, Bến Nhà Rồng cũng thay đổi nhiều theo thời gian, nhưng những giá trị truyền thống, giá trị lịch sử to lớn của di tích luôn gắn liền với nhân cách cao cả, vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh - Vị lãnh tụ suốt một đời vì nước vì Dân, mãi mãi in sâu trong tâm khảm mỗi người con trên Thành phố mang tên Người./.

Thiếu tướng Phan Văn Xựng

Bài viết khác: