BBT: Ban biên tập Trang tin điện tử Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh trân trọng đăng tải bài tham luận “Công trình Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh - nơi hun đúc giáo dục truyền thống cách mạng cho cán bộ, chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam” của Đại tá Đỗ Hoàng Việt, Chủ nhiệm Chính trị Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh trong Kỷ yếu của Hội thảo khoa học: "Phát huy giá trị di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh vào giáo dục chính trị trong Quân đội nhân dân Việt Nam".
Dòng người hàng ngày vào Lăng viếng Bác.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã qua đời nhưng Người vẫn sống mãi với non sông, đất nước, tên tuổi và hình ảnh của Người ngày càng khắc sâu vào trái tim và khối óc của mỗi người dân nước Việt. Lăng Bác, Quảng trường Ba Đình cùng Khu Di tích Phủ Chủ tịch, Bảo tàng Hồ Chí Minh đã thực sự trở thành nơi hội tụ tình cảm của nhân dân và khách quốc tế đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đây cũng là nơi tổ chức nhiều sự kiện chính trị quan trọng, ý nghĩa như mít tinh, diễu binh, diễu hành và báo công dâng Bác, giáo dục chính trị, tư tưởng cho mọi tầng lớp nhân dân, khẳng định quyết tâm của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta mãi mãi đi theo con đường cách mạng mà Đảng và Bác Hồ đã lựa chọn.
Để đáp ứng nhu cầu của các tập thể, cá nhân về Lăng viếng Bác, nhiều hình thức sinh hoạt chính trị sâu rộng, mang ý nghĩa thiết thực đã được triển khai, trang nghiêm, chu đáo, an toàn, là việc làm thường xuyên, nhằm phát huy ý nghĩa chính trị văn hóa của Công trình Lăng; đồng thời, là biện pháp giáo dục thực tiễn sinh động để mỗi tổ chức, cá nhân bồi đắp thêm tình cảm, nhân cách, đạo đức Hồ Chí Minh trong công việc và trong cuộc sống. Đặc biệt, từ năm 2001, nghi lễ chào cờ hàng ngày trước Lăng chính thức được triển khai thực hiện. Đây là nghi lễ quốc gia, có ý nghĩa thiêng liêng, gắn kết hình ảnh Tổ quốc với lãnh tụ của dân tộc, góp phần giáo dục truyền thống yêu nước, tinh thần tự tôn dân tộc. Điều này càng có ý nghĩa vô cùng đặc biệt đối với cán bộ, chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam.
Bên cạnh đó, việc các nhà trường Quân đội tổ chức hoạt động giáo dục chính trị, lịch sử, truyền thống và tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; cùng với Sở Văn hóa và Thể thao, Sở Du lịch Hà Nội; Trường Đại học Văn hóa nghệ thuật Quân đội tổ chức biểu diễn nghệ thuật tại khu vực Lăng theo định kỳ hàng tháng là cách làm đặc biệt, là một điểm sáng về văn hóa. Những hoạt động này không chỉ thể hiện trách nhiệm, tâm huyết, tấm lòng của cán bộ, chiến sĩ mang trên mình màu xanh áo lính mà còn tạo ấn tượng tốt đẹp đối với đồng bào, chiến sĩ trong cả nước, khơi gợi truyền thống vẻ vang, hào hùng của dân tộc; khắc ghi sự cống hiến, hi sinh vì sự nghiệp cách mạng của các thế hệ cha anh; đặc biệt ngợi ca tấm gương cao cả của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong tiến trình cách mạng và xây dựng đạo đức của con người Việt Nam.
Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh là công trình văn hóa đặc biệt, biểu tượng của tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc
Sau khi Bác Hồ qua đời, ngày 29/11/1969, Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã ra Nghị quyết, trong đó có đoạn: “Với tấm lòng kính yêu vô hạn và đời đời nhớ ơn Hồ Chủ tịch, chúng ta phải thực hiện đến mức tốt nhất nhiệm vụ giữ gìn thi hài Hồ Chủ tịch và xây dựng Lăng của Người…”.
Năm 1973, Công trình Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh chính thức được khởi công xây dựng. Đây là công trình kiến trúc có ý nghĩa chính trị và tư tưởng to lớn, thể hiện tình cảm sâu sắc của nhân dân cả nước đối với Bác Hồ kính yêu. Đây là nơi nhân dân Việt Nam, từ thế hệ này đến thế hệ khác sẽ đến chiêm ngưỡng để tỏ lòng biết ơn Hồ Chủ tịch. Công trình này sẽ ghi lại công lao và sự nghiệp của Bác Hồ; góp phần xứng đáng động viên, nhắc nhở mọi người dân Việt Nam tăng cường đoàn kết, ra sức phấn đấu làm tròn nhiệm vụ cách mạng Việt Nam trong giai đoạn mới, là niềm tự hào và vinh dự của dân tộc Việt Nam.
Với tấm lòng biết ơn và kính yêu vô hạn đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh, toàn dân và toàn quân đã đem hết trí tuệ và tinh thần, tập trung cao độ để xây dựng ngôi nhà vĩnh cửu của Người. Ngày đêm trên công trường xây dựng Lăng Bác nhộn nhịp tiếng búa, tiếng máy, tiếng cười, mọi người đều mong sao Lăng sớm được khánh thành để được gặp lại Bác sau thời gian Người đi xa.
Cả nước hướng về công trường xây dựng Lăng Bác, đóng góp sức người, sức của để xây dựng Lăng Bác như một tiếng gọi thiêng liêng của mỗi người dân, mỗi địa phương trong cả nước. Nhà máy xi măng Hải Phòng đã sản xuất hàng vạn tấn xi măng có chất lượng tốt nhất để gửi về xây dựng Lăng Bác. Cảng Hải Phòng bề bộn công việc bốc xếp hàng trong nước và quốc tế, nhưng kiện hàng nào phục vụ cho công trình Lăng Bác đều được ưu tiên vận chuyển trước. Ngành đường sắt đã dành những đầu tàu, toa tàu tốt nhất để vận chuyển vật tư xây dựng Lăng Bác. Cảm động nhất là đồng bào, chiến sĩ miền Nam đang ngày đêm đối mặt với cuộc chiến tranh ác liệt, đã vượt qua biết bao khó khăn, gian khổ, vận chuyển gỗ quý từ Tây Nguyên, từ cực Nam của Tổ quốc gửi ra Thủ đô Hà Nội để đóng góp công sức xây dựng Lăng của Người. Đồng chí Nguyễn Thị Định, Phó Chủ tịch Quân giải phóng miền Nam đã thay mặt đồng bào, chiến sĩ miền Nam thưa với Bác: “Cây gỗ quý tượng trưng cho sức sống kiên cường, bất khuất của nhân dân miền Nam. Với tấm lòng trung trinh vô hạn, đồng bào chiến sĩ kính dâng lên Bác để đời đời ghi nhớ công ơn trời biển của Người”.
Sau 2 năm khẩn trương, liên tục, với khí thế thi đua chia lửa với miền Nam anh hùng, cán bộ, chiến sĩ, công nhân viên các lực lượng xây dựng Lăng Bác đã không quản ngày đêm hoàn thành tốt các hạng mục công việc. Chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng, công việc xây dựng Lăng đang bước vào giai đoạn cuối cùng. Ngày 29/8/1975, chỉ sau hơn 3 tháng miền Nam giải phóng, Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh được khánh thành trọng thể; Bác đã về ngôi nhà vĩnh cửu của mình để cùng chung vui với con cháu trong Lễ mừng chiến thắng của toàn dân tộc diễn ra tại Quảng trường Ba Đình lịch sử vào ngày Quốc khánh 02/9/1975.
Nơi ghi dấu tình cảm thiêng liêng của nhân dân Việt Nam, bạn bè quốc tế đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh
Có thể nói, Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh là công trình có ý nghĩa chính trị, văn hóa đặc biệt quan trọng đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta;là hình ảnh thiêng liêng, biểu tượng hội tụ những tinh hoa về đạo đức, văn hóa, nhân cách Hồ Chí Minh và truyền thống dân tộc, có giá trị thiết thực đối với việc giáo dục đạo đức, lối sống, nhân cách cho mỗi người dân Việt Nam. Đồng thời, là cầu nối về văn hóa và tình hữu nghị giữa dân tộc ta với bạn bè quốc tế.
Trong không gian linh thiêng ấy, Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh trở thành biểu tượng của tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc, nơi hội tụ tình cảm, niềm tin của nhân dân cả nước, một không gian thiêng liêng của dân tộc và là điểm đến hấp dẫn của bầu bạn quốc tế. Về Lăng viếng Bác, đối với mỗi người dân Việt Nam là một nhu cầu tình cảm, một phong tục tập quán, một sinh hoạt truyền thống biết nhớ ơn cội nguồn, hướng về gốc rễ trước mỗi bước đi lên. Từ cụ già đến các cháu thiếu nhi; từ người dân bình thường đến cán bộ, công chức nhà nước, tuy mỗi người có một vị trí công tác khác nhau nhưng khi về bên Bác đều thấy cảm nhận được sự thanh thản, bình yên. Đó chính là sự thành kính, lòng biết ơn vô hạn đối với Bác, nguyện trung thành, mãi mãi đi theo con đường mà Bác đã lựa chọn. Có không ít người nước ngoài lần đầu tiên đến Việt Nam, ban đầu là do sự hiếu kỳ đã tới Lăng, nhập vào đoàn người dài bất tận để vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Từ sự hiếu kỳ, họ đã chuyển sang lòng ngưỡng mộ bởi họ đã hiểu ra cái chất, cái tinh hoa, cái đặc biệt của văn hóa phương Đông, của dân tộc Việt mà họ chưa từng thấy ở phương Tây, để rồi họ “giác ngộ” ra, hiểu hơn về Chủ tịch Hồ Chí Minh, về con người Việt Nam. Họ cảm nhận được rằng, mình đã được đến với một người Việt Nam vĩ đại, tiêu biểu, hiện thân, đại diện, kết tinh tinh hoa những gì là cao đẹp, quý giá nhất của dân tộc Việt, không phải là ở một con người mà ở cả một dân tộc - cả dân tộc trong một con người. Nhiều người nước ngoài khi đến Việt Nam, đứng trước Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng thốt lên: “Hiếm có Lãnh tụ nào trên thế giới được nhân dân mến mộ như Chủ tịch Hồ Chí Minh”. Nhân dịp sang dự Hội nghị APEC khi vào viếng Bác, Tổng thống Chilê nói: “Dân tộc Việt Nam vinh dự hơn đất nước chúng tôi vì có Lãnh tụ Hồ Chí Minh. Trên thế giới, Hồ Chí Minh chỉ có một, Việt Nam có nhưng Chilê không có, thế giới không có”.
Bên cạnh đó, Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh là nơi giáo dục truyền thống văn hóa, lịch sử cho các thế hệ người Việt Nam. Công trình Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc, là biểu tượng tập trung nhất của ý chí chiến đấu quật cường vì độc lập dân tộc - “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”, càng có tác dụng to lớn trong việc nâng cao ý thức chính trị, học tập tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người.
Phát huy ý nghĩa của Công trình Lăng trong giáo dục tinh thần cách mạng cho cán bộ, chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam
Chủ tịch Hồ Chí Minh là hiện thân cho cốt cách dân tộc, là tấm gương hi sinh quên mình cả cuộc đời vì dân, vì nước; tư tưởng đạo đức tác phong của Người luôn cổ vũ động viên các thế hệ người Việt Nam vững bước đi theo con đường mà Người đã lựa chọn. Giữ gìn lâu dài thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh và xây dựng Lăng của Người là góp phần giữ gìn tư tưởng, đạo đức, phong cách, sự nghiệp cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đồng thời là giữ gìn một di sản vô giá của dân tộc và toàn nhân loại. Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh mãi mãi trường tồn cùng với dân tộc và là nơi hội tụ tình cảm, niềm tin của nhân dân Việt Nam và bầu bạn quốc tế. Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh sẽ là một địa chỉ thiêng liêng, với những giá trị lịch sử, chính trị, văn hóa để giáo dục, hun đúc truyền thống cách mạng cho mọi thế hệ người Việt Nam hôm nay và mai sau.
Hiện nay, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta tiếp tục đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, việc phát huy hiệu quả các sinh hoạt chính trị tại Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh càng có ý nghĩa thiết thực. Nhiệm vụ giữ gìn lâu dài, bảo vệ tuyệt đối an toàn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh và phát huy ý nghĩa chính trị, văn hóa của Công trình Lăng không chỉ là trách nhiệm, tình cảm của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta, mà còn thể hiện sự trung thành, kiên định với con đường cách mạng mà Đảng và Bác Hồ đã chọn, đặc biệt là đối với cán bộ, chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam. Để công trình Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh - nơi hun đúc, giáo dục truyền thống cách mạng cho cán bộ, chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam, cần tập trung thực hiện một số giải pháp sau:
Một là, tiếp tục nghiên cứu tuyên truyền, giáo dục làm sâu sắc hơn, tỏa sáng hơn giá trị tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh tại các nhà trường Quân đội. Làm cho giá trị tư tưởng, văn hóa Hồ Chí Minh thấm dần thành đạo đức, văn hóa, lẽ sống của mỗi quân nhân. Đồng thời, gắn với thực hiện tốt Cuộc vận động “Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ” thời kỳ mới. Bên cạnh đó cần tích cực, chủ động,kiên quyết đấu tranh với âm mưu, luận điệu tuyên truyền, xuyên tạc của các thế lực thù địch nhằm bôi nhọ, hạ thấp uy tín tiến tới phủ nhận thân thế, sự nghiệp, tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người để bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng và tư tưởng Hồ Chí Minh.
Hai là, tăng cường công tác phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, đơn vị trong và ngoài Quân đội, đa dạng hóa hình thức, cách thức tổ chức các hoạt động văn hóa, chính trị tại khu vực Lăng. Đây là việc làm thường xuyên, nghiêm túc, thể hiện tinh thần trách nhiệm cao nhằm phát huy giá trị của công trình Lăng; đồng thời, là biện pháp giáo dục thực tiễn sinh động để mỗi cán bộ, chiến sĩ bồi đắp thêm tình cảm, nhân cách, đạo đức Bác Hồ trong công tác và trong cuộc sống. Những hoạt động đó không chỉ là nơi cán bộ, chiến sĩ thể hiện trách nhiệm, tâm huyết với đơn vị, mà còn tạo ấn tượng tốt đối với đồng bào, chiến sĩ trong cả nước để mọi người cùng ôn lại truyền thống vẻ vang của dân tộc, đất nước, sự cống hiến hi sinh vì sự nghiệp cách mạng của các thế hệ cha anh; đặc biệt là tấm gương cao cả của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong tiến trình cách mạng và trong xây dựng đạo đức mới của con người Việt Nam. Qua đó, bồi đắp thêm ý chí quyết tâm, tinh thần vượt qua khó khăn, thử thách, tự lực tự cường, thực hiện tốt mọi nhiệm vụ, sống có ích cho gia đình, cộng đồng, xã hội.Một trong những biện pháp hiệu quả đó là duy trì, thực hiện nghiêm nghi lễ chào cờ, hạ cờ hàng ngày trước Lăng, một hoạt động góp phần giáo dục niềm tự hào dân tộc, trách nhiệm của mỗi công dân đối với Tổ quốc. Nghi thức ấy đã trở thành niềm tự hào của người dân Thủ đô, là niềm kiêu hãnh của người dân Việt Nam với bạn bè quốc tế.
Ba là, triển khai công tác bảm đảm an ninh, bảo đảm an toàn tuyệt đối thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh, Công trình Lăng cũng như các hoạt động văn hóa, chính trị, hoạt động thăm viếng của nhân dân cả nước và khách quốc tế. Công trình Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh là nơi nhạy cảm về chính trị, kẻ địch có thể lợi dụng bất cứ sự sơ hở nào để gây mất ổn định chính trị, tạo cớ để vu khống, phá vỡ sự bình yên của đất nước. Chính vì thế, việc chủ động ứng phó với mọi tình huống, tuyệt đối không để bị động, bất ngờ là yêu cầu quan trọng hàng đầu. Làm tốt nhiệm vụ này cũng là góp phần xây dựng sự ổn định, phát triển của đất nước và quân đội.
Vì vậy, cần tăng cường công tác tuyên truyền về thân thế, sự nghiệp cách mạng, tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trên các phương tiện thông tin đại chúng. Qua đó, nâng cao nhận thức cho cán bộ, chiến sĩ về đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đối với nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; chính sách hậu phương quân đội; đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái của các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị chống phá Đảng, Nhà nước, Quân đội ta. Với những bài viết, thước phim cảm động về tấm gương đạo đức Bác Hồ và giá trị, ý nghĩa của công trình Lăng làm cho mỗi cán bộ, chiến sĩ thêm ngưỡng mộ, cảm phục về vị lãnh tụ kính yêu và như được tiếp thêm niềm tin, sức mạnh để hoàn thiện mình, tu dưỡng, rèn luyện về đạo đức, lối sống, quyết tâm thực hiện nghiêm lời Bác dạy, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao.
Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh là công trình có ý nghĩa chính trị đặc biệt, là hình ảnh thiêng liêng với mỗi con người Việt Nam và bạn bè quốc tế; là nơi hội tụ những tinh hoa về đạo đức, văn hóa, nhân cách Hồ Chí Minh, có giá trị thiết thực đối với việc giáo dục đạo đức, lối sống cho mỗi người dân Việt Nam. Việc phát huy ý nghĩa của Công trình Lăng trong việc giáo dục tinh thần cách mạng cho cán bộ, chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam là việc làm cần thiết nhằm góp phần nhân lên niềm vinh dự, tự hào, bồi đắp thêm ý chí quyết tâm, tinh thần vượt qua khó khăn, thử thách, tự lực tự cường, thực hiện tốt mọi nhiệm vụ, sống có ích cho gia đình, cộng đồng, xã hội./.
Đại tá Đỗ Hoàng Việt