BBT: Ban biên tập Trang tin điện tử Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh trân trọng đăng tải bài tham luận “Phát huy giá trị Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh trong giáo dục Khối đại đoàn kết toàn dân của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên thời kỳ mới” của Nguyễn Thị An, Phó Trưởng phòng Nghiệp vụ, Bảo tàng tỉnh Gia Lai trong Kỷ yếu của Hội thảo khoa học: Phát huy giá trị di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh vào giáo dục chính trị trong Quân đội nhân dân Việt Nam.

dong bao tay nguyen 1
Quảng trường  Đại đoàn kết mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh tại tỉnh Gia Lai.

Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh tụ thiên tài và là người thầy vĩ đại của cách mạng Việt Nam, một chiến sĩ cách mạng quốc tế kiên cường. Ra đi về thế giới người hiền, Bác không chỉ để lại cho chúng ta một sự nghiệp cách mạng vẻ vang mà còn để lại cho dân, cho nước một di sản vĩ đại, đó là: Tư tưởng Hồ Chí Minh, tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Trong đó, tư tưởng đại đoàn kết toàn dân tộc là tư tưởng xuyên suốt, nhất quán trong tư duy lý luận và hoạt động thực tiễn của Người, trở thành chiến lược cách mạng của Đảng và dân tộc, tạo nên những thắng lợi vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ 21 và là nguồn động lực sức mạnh nội sinh để xây dựng và phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc.

1. Gia Lai với các công trình văn hóa, di tích thấm đậm tinh thần đại đoàn kết dân tộc theo tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh

Bác Hồ chưa một lần đến với Tây Nguyên, đồng bào các dân tộc Tây Nguyên chưa một lần đón Bác. Nhưng Tây Nguyên luôn ở trong trái tim Người. Nhân dân các dân tộc Tây Nguyên vô cùng kính yêu và biết ơn Người. Người là niềm tin, là lẽ sống đối với đồng bào Tây Nguyên trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, cũng như trong công cuộc xây dựng đất nước hôm nay. Trên mảnh đất Gia Lai, Tây Nguyên đại ngàn nắng gió, quê hương của anh hùng Núp, của những Trường ca Đam San, những rừng xà nu, bóng cây Kơ nia; quê hương của những lễ hội, của không gian văn hóa cồng chiêng đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, đã và đang hiện hữu những di tích, công trình lịch sử văn hóa là biểu tượng, là sức mạnh tinh thần đại đoàn kết. Đây cũng trở thành “địa chỉ đỏ” về giáo dục truyền thống lịch sử cách mạng, tuyên truyền giáo dục khối đại đoàn kết của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên và nhân dân Gia Lai.

Di tích lịch sử văn hóa địa điểm đón thư Bác Hồ gửi Đại hội các dân tộc thiểu số miền Nam tại Pleiku năm 1946.

Cách nay 77 năm, ngày 19/4/1946,giữa những ngày Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa còn non trẻ, Bác Hồ gửi thư cho Đại hội các dân tộc thiểu số miền Nam tại Pleiku kêu gọi đồng bào các dân tộc Tây Nguyên nói riêng, miền Nam nói chung hãy đoàn kết thương yêu nhau để chiến đấu giành độc lập: “Đồng bào Kinh hay Thổ, Mường hay Mán, Gia Rai hay Ê-đê, Xê Đăng hay Ba Na và các dân tộc thiểu số khác đều là con cháu Việt Nam đều là anh em ruột thịt. Chúng ta sống chết có nhau, sướng khổ cùng nhau, no đói giúp nhau”(1) … “Sông có thể cạn, núi có thể mòn, nhưng lòng đoàn kết của chúng ta không bao giờ giảm bớt”(2). Đây là sự kiện có ý nghĩa lịch sử trọng đại không chỉ đối với Đại hội và những người dự Đại hội, mà còn là tư tưởng chiến lược về đại đoàn kết dân tộc, về sức mạnh của nhân dân trong cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân trước đây, cũng như trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ngày nay.

Lời kêu gọi đại đoàn kết dân tộc của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đại hội đoàn kết các dân tộc thiểu số có ý nghĩa quan trọng đối với Đảng bộ, chính quyền, mặt trận Việt minh và nhân dân các tỉnh Tây Nguyên đối với công tác vận động, đoàn kết dân tộc, chuẩn bị lực lượng kháng chiến ngay trước khi quân Pháp tái chiếm Tỉnh. Đại hội là ngọn cờ tập hợp, đoàn kết rộng rãi đồng bào các dân tộc để kháng chiến, sau Đại hội nhiều nơi trên địa bàn Tây Nguyên cũng như trong Tỉnh đã tổ chức các cuộc liên hoan đoàn kết dân tộc, thề cùng nhau chiến đấu chống thực dân Pháp.

Bức thư tuy ngắn gọn, nhưng hàm chứa nội dung rộng lớn sâu sắc về tư tưởng đại đoàn kết dân tộc của Người, về tấm lòng của Đảng, của Bác, của Chính phủ đối với đồng bào các dân tộc thiểu số ở miền Nam. Thực tiễn lịch sử chứng minh, đồng bào các dân tộc thiểu số ở miền Nam nói chung và Tây Nguyên nói riêng đã thấm nhuần lời dạy trong thư Bác Hồ, đoàn kết một lòng quyết tâm theo Đảng, theo Bác Hồ làm cách mạng dù gian khổ hi sinh, dù đói cơm lạt muối vẫn không nao núng, sờn lòng cùng cả nước đánh thắng thực dân Pháp và đế quốc Mỹ giành lại độc lập, tự do cho dân tộc, thống nhất Tổ quốc, cùng cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội.

Địa điểm đón thư Bác trước đây là ngôi nhà sàn của Ủy ban Kháng chiến Hành chính Tỉnh - Trung tâm diễn ra Đại hội các dân tộc thiểu số miền Nam năm 1946, nay là vị trí đặt bia đá ghi thư Bác, tọa lạc trong khuôn viên trụ sở Tỉnh ủy, số 02 đường Hai Bà Trưng, thành phố Pleiku, Gia Lai. Được Ủy ban nhân dân Tỉnh xếp hạng Di tích lịch sử cấp Tỉnh theo Quyết định số 894/QĐ-UBND, ngày 26/12/2017. Đây cũng đã trở thành địa điểm giáo dục truyền thống lịch sử cách mạng của tỉnh Gia Lai và giáo dục tinh thần đại đoàn kết dân tộc của Tây Nguyên. Đây cũng chính là di tích lịch sử ghi dấu, biểu tượng của tinh thần đại đoàn kết theo tư tưởng của Bác đầu tiên trên mảnh đất Gia Lai kiên cường, là một phần nội dung quan trọng trong quá trình tuyên truyền tại Bảo tàng hiện nay.

Bảo tàng Hồ Chí Minh chi nhánh Gia Lai - Kon Tum (Bảo tàng tỉnh Gia Lai).

Có thể nói, trong tâm khảm người dân Tây Nguyên nói chung và người dân Gia Lai nói riêng chưa một lần được đón Bác, nhưng tình cảm của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên dành cho Bác là không ai có thể nói hết bằng lời, viết hết bằng chữ. Với tâm niệm “không được đón Bác vào thăm thì làm nhà rước Bác về ở”, cách đây hơn 41 năm, công trình Nhà trưng bày hình ảnh về cuộc đời hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Gia Lai - Kon Tum được khởi công xây dựng vào ngày 02/9/1982. Công trình hoàn thiện được đưa vào khánh thành, hoạt động ngày 19/5/1984, nhân Kỷ niệm 94 năm ngày sinh của Người, phục vụ đồng bào, cán bộ, chiến sĩ tỉnh Gia Lai và các tỉnh Tây Nguyên. Ngày 04/6/1988, Bảo tàng Hồ Chí Minh ra quyết định công nhận Nhà trưng bày hình ảnh về cuộc đời hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Gia Lai - Kon Tum là một chi nhánh thuộc hệ thống Bảo tàng và di tích lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh trong toàn quốc. Ngày 18/12/2018, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Gia Lai ban hành Quyết định số 587/QĐ-UBND về việc thành lập Bảo tàng Tỉnh trên cơ sở hợp nhất 3 đơn vị: Bảo tàng tỉnh, Bảo tàng Hồ Chí Minh chi nhánh Gia Lai - Kon Tum, Quảng trường Đại Đoàn Kết, thành phố Pleiku. 

Có thể khẳng định, gần 40 năm qua, Bảo tàng Hồ Chí Minh chi nhánh Gia Lai - Kon Tum luôn là công trình văn hóa mang ý nghĩa lịch sử sâu săc, là nơi giáo dục truyền thống cách mạng của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên, đáp ứng nguyện vọng và tình cảm thiêng liêng của các dân tộc đối với Bác Hồ, để đời đời con cháu “về nhà Bác Hồ” tham quan học tập, tưởng niệm, ghi công lao to lớn của Bác. “Nhà Bác Hồ” mãi luôn là di sản quý giá đọng lại trong lòng đồng bào Tây Nguyên. Nơi đây vừa là nơi giáo dục truyền thống cách mạng, cũng vừa là nơi thể hiện tinh thần đại đoàn kết của các dân tộc Tây Nguyên một cách rõ nét nhất: Nhà lưu niệm Bác được xây dựng trên sự đồng thuận, đoàn kết của cộng đồng các dân tộc Tây Nguyên; nhân dân đã góp sức người, sức của cùng xây dựng “Nhà Bác” trong niềm hân hoan, phấn khởi và đồng thuận. “Nhà Bác” cũng là nơi để lớp lớp con cháu cùng quay về ôn lại truyền thống cách mạng dân tộc, để báo công với Bác,… cũng là nơi một lần nữa tình cảm, tình đoàn kết dân tộc được thắt chặt hơn, keo sơn hơn bao giờ hết.

Tượng đài Bác Hồ với các dân tộc Tây Nguyên.

Để thỏa tâm nguyện “làm nhà rước Bác vào ở” và thể hiện tình cảm, niềm tin son sắc đối với Đảng, Bác Hồ, sau hơn 2 năm khởi công xây dựng, công trình Tượng đài Bác Hồ với các dân tộc Tây Nguyên đã khánh thành vào ngày 09/12/2012. Đồng bào các dân tộc Tây Nguyên “chính thức đón Bác về với Gia Lai” trên Quảng trường Đại đoàn kết, thành phố Pleiku. Các công trình được xây dựng trong khuôn viên Quảng trường đều mang ý nghĩa biểu trưng cho tinh thần, sức mạnh đoàn kết dân tộc như lời kêu gọi của Bác năm xưa.

Tượng đại Bác Hồ với các dân tộc Tây Nguyên tại Quảng trường Đại đoàn kết cao 10.8m, nặng 16 tấn được làm bằng đồng nguyên chất, theo công nghệ mới nhất (sép thủy lực, hàn, gò), đặt trên bệ bê tông ốp đá xanh cao 4.5m. Phía sau tượng Bác là bức phù điêu hình vòng cung với những cánh sen cách điệu, với tổng diện tích 600m2, trọng lượng 1.000 tấn. Mặt của bức phù điêu được khắc những hình ảnh thể hiện đời sống sản xuất, sinh hoạt văn hóa, cũng như quá trình kháng chiến của nhân dân các dân tộc Tây Nguyên theo dòng thời gian từ quá khứ đến hiện tại và tương lai, nêu bật truyền thống văn hóa, tinh thần đoàn kết các dân tộc theo tư tưởng đại đoàn kết của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Bên trái Quảng trường là Bức thạch tạc thư Bác Hồ gửi Đại hội đoàn kết các dân tộc thiểu số miền Nam (19/4/1946). Bên phải Quảng trường là Trụ đá đại đoàn kết, được kết từ 54 trụ đá bazan tự nhiên, tạo thành hình tháp biểu thị sức mạnh đại đoàn kết của 54 dân tộc anh em trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam. “Với tất cả tình cảm của mình với Bác Hồ kính yêu chắc chắn Tượng đài trong tim mỗi người Tây Nguyên sẽ góp phần hun đúc lên tượng đài Bác Hồ hiện hữu, trường tồn trong không gian lịch sử văn hóa Tây Nguyên”(3).

Qua hơn 10 năm đưa vào sử dụng, nơi đây đã trở địa điểm sinh hoạt văn hóa, tinh thần của người dân phố núi và cũng là điểm du lịch hấp dẫn của du khách khi đến Gia Lai. Hằng năm, Quảng trường đón hàng chục nghìn lượt du khách trong và ngoài nước đến tham quan, chiêm ngưỡng.

Dưới chân Tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh là nơi tổ chức các sự kiện chính trị lớn của đất nước, của Tỉnh, như: Festival văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên tại tỉnh Gia Lai năm 2018; sự kiện trình diễn kết nối cung - cầu công nghệ và Hội nghị về hoạt động ứng dụng chuyển giao công nghệ địa phương Tech demonăm 2019; giải vô địch quốc gia marathon và cự ly dài báo Tiền Phong lần thứ 62; Lễ kỷ niệm 90 năm ngày thành lập đô thị Pleiku; Ngày hội văn hóa các dân tộc thiểu số tỉnh Gia Lai,… nơi để lớp lớp cháu con, đồng bào quây quần bên nhau vui vẻ và đoàn kết.

Quảng trường, Tượng đài Bác Hồ với các dân tộc Tây Nguyên là nơi nhiều thế hệ người Gia Lai, Tây Nguyên đến dâng hoa báo công với Bác trong những ngày lễ lớn của đất nước và địa phương. Với ánh mắt hiền từ, bàn tay vẫy chào, Bác như đang đón từng người đến vui chơi, tham quan Quảng trường Đại đoàn kết. Bác vẫn đứng nơi đây để chứng kiến sự thay đổi của mảnh đất Bắc Tây Nguyên kiên cường và đầy nội lực.

dong bao tay nguyen 2
Hồ Chủ tịch hỏi chuyện thân mật cháu Hay Đơn, thiếu nhi dân tộc ở Tây Nguyên ra thăm miền Bắc. Ảnh: TTXVN

2. Phát huy giá trị công trình văn hóa, Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh trong giáo dục khối đại đoàn kết các dân tộc Tây Nguyên

Trên cơ sở nhận thức đúng đắn, sâu sắc ý nghĩa, tầm quan trọng của việc tuyên truyền về cuộc đời, sự nghiệp cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, cũng như tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người; đặc biệt là tư tưởng Đại đoàn kết dân tộc mà Bác đã căn dặn. Gần 40 năm qua, tập thể lãnh đạo, viên chức Bảo tàng Hồ Chí Minh chi nhánh Gia Lai - Kon Tum (Bảo tàng tỉnh Gia Lai) luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm trong việc gìn giữ, bảo quản, trưng bày và làm sống lại những hiện vật lịch sử, lan tỏa giá trị di sản Hồ Chí Minh, với những kết quả sau:

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục về cuộc đời, sự nghiệp của Bác cũng như việc học tập và làm theo tư tưởng của Người.

Hằng năm, Bảo tàng đã chủ động tích cực trong việc phối hợp với các cơ quan, ban, ngành xây dựng kế hoạch phối hợp tổ chức đón các đoàn khách học sinh, sinh viên, chiến sĩ mới đến tham quan, học tập, như: phối hợp giữa các Bảo tàng và Nhà truyền thống với Phòng Giáo dục, đào tạo thành phố Pleiku đưa học sinh tham quan học tập ngoại khóa tại Bảo tàng hơn 10 năm qua; phối hợp với Bảo tàng Quân đoàn 3 đón hàng nghìn lượt chiến sĩ mới tham quan, học tập tìm hiểu về Bác hằng năm; phối hợp với Trung tâm Bảo trợ Xã hội Kon Tum đón tiếp các đoàn người có công của tỉnh Kon Tum tham quan,…

Hằng năm, các trường học, cơ sở đoàn luôn chọn Bảo tàng là điểm đến để tổ chức các hoạt động kết nạp Đội, Đoàn và là “địa chỉ đỏ” tham quan tìm hiểu về Chủ tịch Hồ Chí Minh, về truyền thống cách mạng.

Lượng khách tham quan Bảo tàng không ngừng tăng lên về số lượng, mà còn đa dạng thành phần. Với từng đối tượng khách tham quan khác nhau, đội ngũ viên chức thực hiện công tác tuyên truyền cũng xây dựng cho mình những nội dung thuyết minh phù hợp. Đảm bảo cho du khách vừa tìm hiểu về thân thế sự nghiệp của Bác, vừa lồng ghép tư tưởng, tình cảm của Bác với từng đối tượng, tầng lớp nhân dân.

Từ năm 2019, Bảo tàng hợp nhất với các đơn vị Bảo tàng tỉnh, Ban Quản lý Quảng trường Đại đoàn kết, tạo thành một quần thể văn hóa đặc biệt; vì vậy, công tác tuyên truyền giáo dục cũng được mở rộng, kết hợp hướng dẫn tham quan tìm hiểu về Bác, về tỉnh Gia Lai, các hạng mục Quảng trường Đại đoàn kết. Du khách đến với Bảo tàng được tham quan một tour đa dạng và phong phú, góp phần thu hút đông đảo công chúng đến với Bảo tàng.Từ năm 2021 đến năm 2022, Bảo tàng Tỉnh đón và phục vụ khoảng 810.692 lượt khách.

Song song với hình thức tuyên truyền giáo dục hướng dẫn khách tham quan thông qua trưng bày cố định, Bảo tàng còn chủ động thực hiện các triển lãm, nói chuyện chuyên đề tại cơ sở; đặc biệt, hướng tới học sinh, nhân dân vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng biên giới các tỉnh Gia Lai - Kon Tum. Thông qua triển lãm, bằng những câu chuyện xúc động về Bác, về tư tưởng đại đoàn kết mà Bác dạy góp phần tuyên truyền và thực hiện có hiệu quả học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Trong quá trình thực hiện triển lãm, nói chuyện chuyên đề tại cơ sở, các viên chức Bảo tàng đã tổ chức các phần thi, trò chơi, thi tìm hiểu về Bác. Phần quà tặng cũng là những ấn phẩm viết về Bác, về tình cảm của nhân dân các dân tộc Tây Nguyên, Gia Lai dành cho Người. Đến nay, Bảo tàng đã thực hiện được các đợt triển lãm và nói chuyện chuyên đề về Chủ tịch Hồ Chí Minh tại 16/17 huyện, thị của tỉnh Gia Lai, góp phần quảng bá hình ảnh, uy tín của Bảo tàng đến với công chúng.

Bên cạnh đó, hằng năm, vào các ngày lễ lớn, các sự kiện quan trọng, Bảo tàng chủ động phối hợp với Bảo tàng Hồ Chí Minh tổ chức các triển lãm chuyên đề, như: “Hồ Chí Minh - Những nét phác họa chân dung”; “50 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh”; “Người đi tìm hình của nước”,… Các triển lãm đã nhận được sự quan tâm của đông đảo du khách đến với Bảo tàng.

Hằng năm, tại gian long trọng của Bảo tàng, thường xuyên tổ chức các hoạt động dâng hương, dâng hoa, báo công dâng Bác của các đoàn khách Trung ương và địa phương, Lễ kết nạp Đoàn, Đội,… hay nhiều hoạt động văn hóa xã hội khác, như: Rước đuốc Bác Hồ, Lễ ra quân,… của các trường học, cơ quan, ban, ngành tại địa phương.

Phát huy giá trị của di tích trong công tác nghiên cứu khoa học, tổ chức các hội thảo và hoạt động trải nghiệm.

Nhằm đưa Bảo tàng gần hơn với công chúng; đồng thời, nhằm sưu tầm, tích lũy nhiều hơn nữa những tư liệu, những câu chuyện kể về tình cảm của Bác dành cho nhân dân các dân tộc Tây Nguyên, cũng như niềm tin yêu kính trọng của đồng bào với Bác. Những năm qua, Bảo tàng đã tích cực nghiên cứu, biên soạn và phối hợp xuất bản nhiều ấn phẩm, sách có giá trị, như: “Nơi ấy Tây Nguyên có Bác Hồ” (năm 2000); “Bác Hồ trong lòng dân Gia Lai” (năm 2001 và 2014); “Tôn vinh cán bộ lão thành cách mạng, cán bộ tiền khởi nghĩa, cán bộ ở lại miền Nam (sau 20/7/1954) tỉnh Gia Lai” (năm 2012). Các cuốn sách là tập hợp những câu chuyện về những người con Gia Lai, Tây Nguyên đã được gặp Bác Hồ và tình cảm của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên với Bác. Đây là nguồn sử liệu vô cùng quý giá, giáo dục truyền thống cách mạng, thể hiện tấm lòng son sắc của đồng bào các dân tộc Gia Lai mãi mãi đi theo con đường mà Đảng, Bác Hồ đã lựa chọn. Từ tháng 4 năm 2016 đến nay, Bảo tàng luôn duy trì xuất bản tập san Thông tin tư liệu của Bảo tàng nhằm giới thiệu các nghiên cứu về tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, các nghiên cứu trao đổi công tác nghiệp vụ Bảo tàng, đây cũng là kênh để giới thiệu tới công chúng về hoạt động của Bảo tàng.

Bên cạnh đó, Bảo tàng còn xây dựng các hoạt động sinh hoạt khoa học, hội thảo gắn với chủ đề về Chủ tịch Hồ Chí Minh, về di sản văn hóa, hoạt động của Bảo tàng. Tổ chức các hoạt động trải nghiệm tìm hiểu về di sản văn hóa, về Chủ tịch Hồ Chí Minh cho học sinh, sinh viên trên địa bàn thành phố Pleiku, như: chương trình “Mùa hè cùng di sản văn hóa” năm 2020; chương trình “Tìm về Di sản văn hóa năm 2022”; “Ngày hội di sản văn hóa năm 2022”,... Kết hợp chương trình với tổ chức các trò chơi, các phần thi tìm hiểu về thân thế sự nghiệp cách mạng của Bác, góp phần nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục của Bảo tàng.

Nhằm đáp ứng nhu cầu tham quan của du khách, cũng như ngày một bổ sung hoàn thiện trưng bày, gần 40 năm qua, các thế hệ viên chức chuyên môn Bảo tàng không ngừng nghiên cứu sưu tầm tư liệu, hiện vật quý về Bác. Tính đến thời điểm hiện tại, Bảo tàng đã sưu tầm và lưu trữ 748 hiện vật, hơn 3.000 hình ảnh tư liệu; nhiều hiện vật mang đặc trưng riêng về tình cảm của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên với Bác, đó là: Tượng Bác bằng gỗ hương nguyên khối; tượng Bác Hồ bằng đồng; Bản điêu khắc Di chúc của Bác; Thư Bác Hồ gửi Đại hội các dân tộc thiểu số miền Nam, khắc trên gỗ hương được mô phỏng nhà rông Tây Nguyên và bộ sưu tập tranh của họa sĩ Xu Man thể hiện tình cảm đồng bào Tây Nguyên với Bác, Bác với đồng bào Tây Nguyên. Đây cũng chính là những hiện vật thể hiện tinh thần đoàn kết các dân tộc Tây Nguyên, là các điểm nhấn mà quá trình tuyên truyền, giáo dục tại Bảo tàng truyền tải đến du khách.

3. Một số giải pháp phát huy giá trị Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh trong giáo dục khối đại đoàn kết dân tộc tại Bảo tàng tỉnh Gia Lai

Trong giai đoạn cách mạng hiện nay, Tây Nguyên là địa bàn chiến lược quan trọng cả về kinh tế- văn hóa - xã hội - an ninh, quốc phòng, nơi sinh sống của nhiều dân tộc anh em. Các thế lực thù địch, phản động luôn tìm cách lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo để kích động, chống phá gây chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc nhằm thực hiện âm mưu, hoạt động “diễn biến hòa bình”; do đó, tăng cường giáo dục khối đại đoàn kết các dân tộc càng cần thiết hơn bao giờ hết. Vai trò công tác tuyên truyền, giáo dục khối đại đoàn kết dân tộc tại các di tích lịch sử văn hóa nói chung và di tích, công trình văn hóa gắn với cuộc đời hoạt động cách mạng, tư tưởng, đạo đức, phong cách Chủ tịch Hồ Chí Minh nói riêng càng có ý nghĩa sâu sắc. Để phát huy giá trị Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh trong giáo dục khối đại đoàn kết toàn dân của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên thời kỳ mới, cần thực hiện đồng bộ một số giải pháp sau:

Một là, quan tâm đầu tư nâng cấp đồng bộ hệ thống trưng bày tại Bảo tàng. Hiện nay, về cơ bản các nội dung trưng bày tại Bảo tàng đều đảm bảo chủ đề theo hệ thống các bảo tàng. Song nhìn chung, các trang thiết bị phục vụ trưng bày, giới thiệu tại Bảo tàng tương đối cũ, chưa được hiện đại hóa. Vì vậy, ngoài việc đầu tư nâng cấp hệ thống trưng bày tại Bảo tàng, cần hiện đại hóa trang thiết bị phục vụ trưng bày, giới thiệu tại đây.

Hai là, nâng cao chất lượng, kỹ năng nghiệp vụ của đội ngũ viên chức làm công tác tuyên truyền, giáo dục và viên chức làm công tác chuyên môn nghiệp vụ của Bảo tàng. Là cầu nối giữa du khách với di tích, hiện vật của Bảo tàng, đòi hỏi mỗi viên chức cần cố gắng nỗ lực phát huy năng lực của bản thân, không ngừng học hỏi, nâng cao trình độ, kỹ năng, chuyên môn nghiệp vụ, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ tại Bảo tàng.

Ba là, thực hiện số hóa Bảo tàng. Trước sự phát triển của thông tin đại chúng, phát triển của công nghệ thông tin hiện đại, cần phải thực hiện số hóa bảo tàng, để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của công chúng. Năm 2023, được sự quan tâm của các cấp, Bảo tàng tỉnh Gia Lai bước đầu thực hiện số hóa; song, với nguồn kinh phí còn hạn chế, phải san sẻ nhiều mảng hiện vật, tư liệu khác nhau, nên việc số hóa, tư liệu hiện vật, thực hiện số hóa trưng bày tại nhà lưu niệm Bác cũng còn hạn chế.

Bốn là, nghiên cứu xây dựng các chương trình tuyên truyền, giáo dục tại Bảo tàng và tuyên truyền phục vụ tại cơ sở. Đẩy mạnh các chương trình phối hợp với các cơ sở giáo dục trên địa bàn Tỉnh, các lực lượng vũ trang đóng quân trên địa bàn, các cơ quan, ban ngành tại địa phương để phát huy tốt nhất giá trị của di tích, góp phần thực hiện giáo dục tinh thần đại đoàn kết dân tộc trên địa bàn Tây Nguyên trong tình hình mới.

Bảo tàng Hồ Chí Minh chi nhánh Gia Lai qua gần 40 năm xây dựng và trưởng thành, có vai trò quan trọng trong công tác tuyên truyền, giáo dục, định hướng cho các tầng lớp nhân dân học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. “Nhà Bác” luôn là nơi để lớp lớp cháu con của Người trở về học tập và thắt chặt hơn nữa tinh thần đại đoàn kết các dân tộc như lời Bác đã căn dặn./.

Chú thích:

(1) Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 4, Sđd, tr. 249.

(2) Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 4, Sđd, tr. 614.

(3) Phát biểu của đồng chí Phạm Thế Dũng - Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Gia Lai, tại Lễ khởi công xây dựng Tượng đài Bác Hồ với các dân tộc Tây Nguyên, năm 2010.

 

Nguyễn Thị An

Phó Trưởng phòng Nghiệp vụ, Bảo tàng tỉnh Gia Lai

Bài viết khác: