BBT: Ban biên tập Trang tin điện tử Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh trân trọng đăng tải bài tham luận “Phát huy giá trị Khu Di tích Đá Chông - K9 vào giáo dục bản lĩnh chính trị và tư duy quân sự Hồ Chí Minh cho cán bộ, chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam hiện nay” của Thiếu tướng, TS Nguyễn Hoàng Nhiên, Viện trưởng Viện Lịch sử quân sự, Bộ Tổng Tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam trong cuốn Kỷ yếu Hội thảo khoa học: “Phát huy giá trị di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh vào giáo dục chính trị trong Quân đội nhân dân Việt Nam”.
Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Khu K9.
1. Đá Chông - K9 trong tư duy chiến lược quân sự Hồ Chí Minh
Tư duy chiến lược quân sự Hồ Chí Minh là hệ thống các tư tưởng, quan điểm, kế sách và biện pháp quân sự, quốc phòng được hình thành từ trí tuệ uyên bác, lòng yêu nước nhiệt thành, động cơ cách mạng trong sáng, kết hợp giữa truyền thống dân tộc, tri thức nhân loại, xuất phát từ thực tiễn và được rọi sáng từ phương pháp luận khoa học của chủ nghĩa Mác - Lênin, phù hợp với xu thế phát triển của thời đại. Trong tư duy chiến lược quân sự của Người, tư tưởng về xây dựng hậu phương, căn cứ địa cách mạng có ý nghĩa to lớn cả về lý luận và thực tiễn, góp phần quan trọng vào thắng lợi của cách mạng Việt Nam.
Sau 30 năm tìm đường cứu nước, khi trở về trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam (ngày 28/01/1941), lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã quyết định chọn Cao Bằng làm căn cứ địa cách mạng. Từ Cao Bằng, phong trào cách mạng phát triển trong toàn quốc. Căn cứ Cao Bằng ngày càng được củng cố và tư tưởng của Người về xây dựng hậu phương, căn cứ địa cách mạng trở thành hiện thực, là yếu tố quan trọng góp phần làm nên thắng lợi của quân và dân ta trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945.
Sớm nhận rõ âm mưu của thực dân Pháp xâm lược, cũng như vai trò quan trọng của căn cứ địa trong kháng chiến, Ban Chấp hành Trung ương Đảng, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lãnh đạo, chỉ đạo quân và dân ta tiến hành xây dựng hậu phương, căn cứ địa rộng khắp ở Việt Bắc, vùng tự do Liên khu 4, Liên khu 5, Chiến Khu Đ, Căn cứ Đồng Tháp Mười,… Hàng ngàn, hàng vạn căn cứ địa cơ sở là các làng xã, thôn ấp chiến đấu, khu du kích, căn cứ du kích được xây dựng góp phần to lớn kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Bước vào cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, quân và dân ta tiếp tục xây dựng và bảo vệ miền Bắc xã hội chủ nghĩa, làm hậu phương chiến lược cho cách mạng miền Nam. Chiến khu, căn cứ được xây dựng ở khắp các chiến trường. Hàng vạn ấp, xã chiến đấu, vành đai diệt Mỹ, các lõm,… tạo thành hệ thống hậu phương, căn cứ địa vững chắc để quân và dân hai miền Nam, Bắc hoàn thành sự nghiệp đấu tranh thống nhất nước nhà.
Tháng 5/1957, trong lần đi kiểm tra Trung đoàn 36, Sư đoàn 308 tập mẫu chiến thuật “Trung đoàn bộ binh tăng cường tiến công quân địch phòng ngự có chuẩn bị”, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dừng chân nghỉ, ăn cơm trưa trên đồi Đá Chông - Hà Nội. Với tư duy sắc sảo và trực quan nhạy bén, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lựa chọn Đá Chông để xây dựng thêm một căn cứ làm việc của cơ quan Trung ương. Sau chuyến trở lại Đá Chông của Người vào ngày 23/02/1958, Tổng cục Hậu cần Quân đội nhân dân Việt Nam được giao nhiệm vụ xây dựng một số công trình trong khu vực. Đầu năm 1959, Cục Doanh trại, Tổng cục Hậu cần được Trung ương chỉ đạo tiếp tục xây dựng Đá Chông thành một căn cứ của Trung ương, với mật danh “Công trường 5” (KV). Đồng chí Hoàng Linh, Cục trưởng Cục Doanh trại được giao thiết kế ngôi nhà 2 tầng, mô phỏng theo kiểu nhà sàn của đồng bào vùng cao phía Bắc. Chủ tịch Hồ Chí Minh trực tiếp duyệt thiết kế, cắm cọc, nhắm hướng cho ngôi nhà - nơi tổ chức các cuộc họp, nghỉ ngơi của Người và các đồng chí trong Trung ương. Tháng 9/1959, công trình được khởi công xây dựng, gồm 3 khu. Trong đó, khu A là khu vực làm việc và tiếp khách của Bộ Chính trị; khu B gồm một số công trình phục vụ các đồng chí lãnh đạo nghỉ ngơi; khu C là khu vực dành lực lượng làm nhiệm vụ bảo vệ và bảo đảm phục vụ. Ngày 15/3/1960, ngôi nhà 2 tầng được hoàn thành. “Công trường 5” (KV) được đổi tên thành “Khu căn cứ K9” (K9).
Trong 9 năm (1960 - 1969), Chủ tịch Hồ Chí Minh và một số đồng chí trong Bộ Chính trị đã nhiều lần lên làm việc tại K9. Cũng tại K9, Bác Hồ đã tiếp đón bà Đặng Dĩnh Siêu - phu nhân Thủ tướng Trung Quốc Chu Ân Lai, ông Hà Vĩ - Đại sứ Trung Quốc tại Việt Nam và Đoàn cán bộ Quân đội Liên Xô do Anh hùng phi công vũ trụ G.M Ti-tốp dẫn đầu.
Với tầm nhìn sâu rộng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đá Chông - K9 trở thành một căn cứ của Trung ương Đảng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời, thể theo nguyện vọng của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, Bộ Chính trị quyết định giữ gìn lâu dài thi hài Bác. Trong hoàn cảnh chiến tranh ác liệt, Đá Chông - K9 được Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương quyết định lựa chọn là một trong những địa điểm giữ gìn thi hài của Người với mật danh K84.
2. Phát huy giá trị Di tích Đá Chông - K9 vào giáo dục bản lĩnh chính trị và tư duy quân sự Hồ Chí Minh cho cán bộ, chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam hiện nay
Những năm qua, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, Tổng cục Chính trị, Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có nhiều chủ trương, biện pháp phát huy giá trị to lớn của Khu Di tích Đá Chông - K9. Thông qua các hoạt động giáo dục truyền thống tại Khu Di tích, cán bộ, chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam hiểu rõ hơn về cuộc đời, thân thế, sự nghiệp, tư duy quân sự của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Qua đó, góp phần xây dựng cho cán bộ, chiến sĩ bản lĩnh chính trị kiên định vững vàng, phẩm chất đạo đức trong sáng, lối sống trong sạch, lành mạnh, chấp hành nghiêm chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật Nhà nước, kỷ luật của Quân đội, chủ động khắc phục khó khăn, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao.
Hiện nay, tình hình thế giới, khu vực tiếp tục có những diễn biến phức tạp, nhất là tình hình Biển Đông tiềm ẩn nhiều nguy cơ khó lường. Các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị trong và ngoài nước tăng cường hoạt động “diễn biến hòa bình”, thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, “phi chính trị hóa” Quân đội ngày càng công khai, trực diện hơn,... đặt ra yêu cầu rất cao trong sự nghiệp xây dựng Quân đội, bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Để phát huy hơn nữa giá trị của Khu Di tích Đá Chông - K9 trong giáo dục bản lĩnh chính trị và tư duy quân sự Hồ Chí Minh cho cán bộ, chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam cần thực hiện tốt một số nội dung, biện pháp cơ bản sau:
Một là, tiếp tục quán triệt, triển khai toàn diện, nâng cao nhận thức và tạo sự đồng thuận cao trong toàn Đảng, toàn dân, toàn quân về ý nghĩa của nhiệm vụ chính trị đặc biệt giữ gìn lâu dài thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh và phát huy ý nghĩa chính trị, lịch sử, văn hóa Công trình Lăng, Khu Di tích Đá Chông - K9 trong giai đoạn mới. Trọng tâm là thực hiện hiệu quả Đề án “Giữ gìn lâu dài, bảo vệ tuyệt đối an toàn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh và phát huy ý nghĩa chính trị, văn hóa của Công trình Lăng trong giai đoạn mới”(1). Nghị quyết số 122-NQ/QU, ngày 08/3/2012 của Thường vụ Quân ủy Trung ương về “Lãnh đạo nhiệm vụ giữ gìn lâu dài, bảo vệ tuyệt đối an toàn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh và phát huy ý nghĩa chính trị, văn hóa của Công trình Lăng trong giai đoạn mới”. Đặc biệt là Đề án “Đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền về ý nghĩa chính trị, văn hóa của Công trình Lăng giai đoạn 2021 - 2025 và những năm tiếp theo”(2). Theo đó, mục tiêu chính là tuyên truyền sâu rộng về thân thế, sự nghiệp; tư tưởng, đạo đức, phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh; đấu tranh làm thất bại âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch; góp phần bồi dưỡng lý tưởng, niềm tin, trách nhiệm cho toàn Đảng, toàn dân và toàn quân, quyết tâm học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; thực hiện thắng lợi sự nghiệp cách mạng mà Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh và nhân dân ta đã lựa chọn.
Ngôi nhà sàn mang đậm dấu ấn của Bác Hồ.
Hai là, cấp ủy, chỉ huy các cấp tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, nâng cao nhận thức trách nhiệm cho cán bộ, đảng viên, quần chúng, trước hết là cán bộ chủ trì các cấp về công tác giáo dục truyền thống thông qua di tích lịch sử cách mạng, gắn với tuyên truyền, giáo dục giá trị truyền thống, lịch sử trong đó có Khu Di tích Đá Chông - K9. Chú trọng đổi mới công tác giáo dục chính trị tư tưởng, đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao trách nhiệm của cán bộ, chiến sĩ trong công tác, học tập và rèn luyện; cổ vũ, động viên những cách làm hay, sáng tạo, những gương “người tốt, việc tốt” trong giữ gìn, phát huy phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ” thời kỳ mới. Tiếp tục quán triệt, thực hiện nghiêm Kết luận số 01-KL/TW của Bộ Chính trị (khóa XIII) về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị “Về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”; Chỉ thị số 855-CT/QUTW, ngày 12/8/2019 của Thường vụ Quân ủy Trung ương về đẩy mạnh thực hiện Cuộc vận động “Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ” thời kỳ mới; Nghị quyết số 847-NQ/QUTW, ngày 28/12/2021 của Quân ủy Trung ương về phát huy phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”, kiên quyết chống chủ nghĩa cá nhân trong tình hình mới.
Thường xuyên giáo dục nâng cao nhận thức, ý thức cảnh giác cho cán bộ, chiến sĩ về âm mưu, thủ đoạn xuyên tạc phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”, các quan điểm, tư tưởng sai trái, thù địch, nhất là trên không gian mạng. Kết hợp đấu tranh trực diện, vạch trần quan điểm, tư tưởng sai trái, thù địch trên các phương tiện thông tin đại chúng với đẩy mạnh đấu tranh trên không gian mạng, tuyên truyền đấu tranh trên các địa bàn đóng quân. Kết hợp chặt chẽ giữa đấu tranh với lan tỏa giá trị tốt đẹp “Bộ đội Cụ Hồ” thời kỳ mới. Đẩy mạnh tự phê bình và phê bình, đấu tranh với các biểu hiện của chủ nghĩa cá nhân, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; đồng thời, phát huy vai trò của đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ chủ trì các cấp trong giáo dục giá trị lịch sử - văn hóa, trong đó có Khu Di tích Đá Chông - K9, góp phần bồi dưỡng lý tưởng, đạo đức cách mạng; phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ” thời kỳ mới cho cán bộ, chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam.
Ba là, tập trung tạo bước đột phá, nâng cao chất lượng tổ chức các hoạt động sinh hoạt chính trị tại Khu Di tích K9. Qua 28 năm (1995-2023), Khu Di tích Đá Chông - K9 đã tổ chức đón tiếp hàng triệu đồng bào, khách quốc tế đến tham quan và tổ chức nhiều hoạt động sinh hoạt chính trị, như: trồng cây lưu niệm, tổ chức lễ báo công, lễ kết nạp Đảng, kết nạp Đoàn, sinh hoạt truyền thống, các hoạt động văn hóa, văn nghệ,... mang lại hiệu quả tích cực và tạo dấu ấn đặc biệt. Các đối tượng nhận thức ngày càng sâu sắc hơn, đầy đủ hơn về Chủ tịch Hồ Chí Minh thông qua các hoạt động sinh hoạt chính trị, văn hóa tại Khu Di tích Đá Chông - K9.
Đặc biệt, để phát huy tối đa giá trị của Khu Di tích, các đơn vị cần tăng cường liên kết, phối hợp tổ chức các chuỗi sự kiện sinh hoạt chính trị; tăng cường giao lưu và phối hợp, nâng cao hiệu quả trao đổi chuyên đề với các cơ quan thông tấn, báo chí, truyền thông nhằm đẩy mạnh công tác tuyên truyền về thân thế, sự nghiệp cách mạng vĩ đại và tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh cũng như giá trị lịch sử, chính trị, văn hóa của Khu Di tích Đá Chông - K9. Thường vụ Đảng ủy Đoàn 969, Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh cần tiếp tục tăng cường, kết hợp chặt chẽ với các khu di tích, bảo tàng về Chủ tịch Hồ Chí Minh, các địa danh lịch sử, cách mạng, các cơ quan nghiên cứu trong và ngoài Quân đội trong việc sưu tầm, nghiên cứu, củng cố các tư liệu lịch sử, hiện vật liên quan đến Chủ tịch Hồ Chí Minh và sự nghiệp cách mạng của Người. Đặc biệt là việc sưu tầm, bổ sung các tư liệu liên quan để khẳng định nhãn quan chính trị sâu rộng, tài tình của Chủ tịch Hồ Chí Minh khi lựa chọn Đá Chông - K9 làm căn cứ đặc biệt của Trung ương Đảng. Đồng thời, đẩy mạnh quảng bá hình ảnh, hoạt động của di tích thông qua các diễn đàn, hội nghị, hội thảo, tọa đàm tuyên truyền,... nhằm lan tỏa sâu rộng giá trị của Khu Di tích. Thông qua đó để mỗi cán bộ, chiến sĩ, đảng viên và quần chúng không chỉ ra sức học tập, tu dưỡng, rèn luyện, làm tỏa sáng hình ảnh “Bộ đội Cụ Hồ”, mà còn kiên quyết chống chủ nghĩa cá nhân, thực hiện thắng lợi mục tiêu đến năm 2025, cơ bản xây dựng Quân đội tinh, gọn, mạnh, tạo tiền đề vững chắc, phấn đấu năm 2030 xây dựng Quân đội nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ mà Đảng và Nhân dân giao phó.
Bốn là, chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ, nhân viên, tập trung đổi mới nội dung và đa dạng các hình thức tuyên truyền tại Khu Di tích; biên soạn, xuất bản các ấn phẩm về Khu Di tích Đá Chông - K9 bằng nhiều ngôn ngữ phục vụ nhu cầu tìm hiểu thông tin của khách trong nước và quốc tế.
Nội dung, hình thức tuyên truyền tác động trực tiếp vào đối tượng được tuyên truyền, thông qua đó nâng cao nhận thức, tư tưởng, tình cảm cho du khách. Do vậy, việc đổi mới nội dung, hình thức tuyên truyền phù hợp với từng đối tượng khách tham quan có ý nghĩa rất quan trọng. Về nội dung, cần tiếp tục củng cố, bổ sung, hoàn thiện đề cương tuyên truyền; tập trung nghiên cứu, bổ sung thông tin về các hiện vật lịch sử, các sự kiện diễn ra tại Khu Di tích Đá Chông - K9 gắn với hoạt động của Chủ tịch Hồ Chí Minh lúc sinh thời. Đồng thời, tăng cường xây dựng nội dung các chuyên đề mang tính định hướng tuyên truyền về các sự kiện chính trị, xã hội diễn ra tại khu vực. Về hình thức, cần phát huy hiệu quả của thông tin truyền thông, như: Trang tin điện tử của Ban Quản lý Lăng, biên tập xuất bản các ấn phẩm sách, phát hành đề cương tuyên truyền, phối hợp làm phim tư liệu về Bác, băng đĩa, hình ảnh, các phương tiện hệ thống nghe, nhìn quanh Khu Di tích,…
Trong điều kiện hiện nay, nhiều mặt của đời sống xã hội, nhất là mặt trái cơ chế thị trường; sự suy thoái về đạo đức, lối sống, nhiều vấn đề bức xúc nảy sinh trong xã hội đã tác động đến nhận thức, tư tưởng của cán bộ, nhân viên, chiến sĩ. Với ý nghĩa đặc biệt của Khu Di tích, việc thường xuyên xây dựng nâng cao bản lĩnh chính trị vững vàng, phẩm chất đạo đức, lối sống cho đội ngũ cán bộ, chiến sĩ, nhân viên là yêu cầu đặc biệt quan trọng. Ngoài việc giỏi kỹ năng giao tiếp, mẫu mực về tư thế, tác phong, xử lý có văn hóa các mối quan hệ; niềm nở, thân tình trong đón tiếp, hướng dẫn các đoàn khách tham quan, mỗi cán bộ, nhân viên, chiến sĩ phải thực sự có hiểu biết đầy đủ về tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Thông qua tuyên truyền để mỗi người dân, khách tham quan cảm nhận được sự gần gũi, giản dị về phong cách sống, tầm nhìn chiến lược, tư tưởng nhân văn của Người khi về thăm Khu Di tích Đá Chông - K9.
Phát huy giá trị truyền thống, lịch sử Khu Di tích Đá Chông - K9 với việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh hiện nay, các cấp ủy đảng, cơ quan, đơn vị, chính ủy, chính trị viên, cán bộ, đảng viên, quần chúng Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh nói riêng, toàn quân nói chung, cần nêu cao tinh thần, trách nhiệm, lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả công tác giáo dục lịch sử truyền thống của Đảng, dân tộc, gắn với học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, góp phần giữ vững và phát huy phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ” thời kỳ mới, xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong tình hình mới./.
Thiếu tướng, TS Nguyễn Hoàng Nhiên
Chú thích:
(1) Thủ tướng Chính phủ, Quyết định số 2341-QĐ/TTg phê duyệt Đề án “Giữ gìn lâu dài, bảo vệ tuyệt đối an toàn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh và phát huy ý nghĩa chính trị, văn hóa của Công trình Lăng trong giai đoạn mới”, ngày 22/12/2010.
(2) Bộ Quốc phòng, Quyết định số 4144/ĐA-BQP về việc phê duyệt Đề án “Đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền về ý nghĩa chính trị, văn hóa của Công trình Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh giai đoạn 2021 - 2025 và những năm tiếp theo”, ngày 26/11/2021.