BBT: Ban biên tập Trang tin điện tử Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh trân trọng đăng tải bài tham luận “Kết quả và kinh nghiệm phát huy ý nghĩa chính trị - văn hóa của Công trình Lăng vào giáo dục chính trị cho cán bộ, chiến sĩ ở Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh” của đồng chí Nguyễn Minh Đức, Phó Giám đốc Trung tâm KHCN&MT, Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh trong cuốn Kỷ yếu Hội thảo khoa học: “Phát huy giá trị di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh vào giáo dục chính trị trong Quân đội nhân dân Việt Nam”.

lang bac
Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời, thể theo nguyện vọng thiết tha của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, ngày 29/11/1969, Bộ Chính trị quyết định: Với tấm lòng kính yêu vô hạn và đời đời nhớ ơn Hồ Chủ tịch, chúng ta phải thực hiện đến mức tốt nhất nhiệm vụ giữ gìn lâu dài thi hài Hồ Chủ tịch và xây dựng Lăng của Người. Nhiệm vụ thiêng liêng và trọng trách lớn lao đó được giao cho Quân đội mà trực tiếp là Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Sở dĩ nhiệm vụ chính trị đặc biệt này giao cho Quân đội, bởi vì: Quân đội nhân dân Việt Nam do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập và rèn luyện, đặt dưới sự lãnh đạo tập trung thống nhất, trực tiếp về mọi mặt của Đảng. Sự trưởng thành và những chiến công hiển hách của Quân đội nhân dân Việt Nam luôn gắn liền với tên tuổi và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Bác Hồ với Quân đội, Quân đội với Bác Hồ đã trở thành chủ đề lớn trong công tác tư tưởng chính trị của Quân đội ta, được Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng và Tổng cục Chính trị đặc biệt quan tâm nhằm xây dựng Quân đội ta trong sạch, vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức, tuyệt đối trung thành với Đảng và Tổ quốc, hết lòng, hết sức phục vụ Nhân dân, là lực lượng nòng cốt cùng toàn dân bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, tham gia xây dựng, phát triển đất nước theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Mặt khác, Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh là công trình có ý nghĩa chính trị đặc biệt đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng, Nhà nước ta; hình ảnh thiêng liêng đối với mỗi con người Việt Nam và bạn bè quốc tế; đồng thời, là nơi hội tụ những tinh hoa về đạo đức, văn hóa, nhân cách Hồ Chí Minh, có giá trị thiết thực đối với việc giáo dục đạo đức, lối sống cho mỗi người dân Việt Nam. Trong diễn văn đọc tại Lễ khánh thành Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh ngày 29/8/1975, đồng chí Trường Chinh, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ: Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh là công trình kiến trúc có ý nghĩa chính trị và tư tưởng to lớn, thể hiện tình cảm của đồng bào ta đối với Bác Hồ kính yêu. Đây là nơi nhân dân Việt Nam từ thế hệ này sang thế hệ khác đến chiêm ngưỡng để tỏ lòng biết ơn Hồ Chủ tịch, quyết tâm đi theo con đường cách mạng do Người vạch ra và kế tục sự nghiệp cách mạng của Người, xây dựng thành công một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, một nước Việt Nam độc lập, thống nhất và xã hội chủ nghĩa góp phần vào sự nghiệp cách mạng thế giới.

Là những người trực tiếp thực hiện nhiệm vụ giữ gìn lâu dài, bảo vệ tuyệt đối an toàn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh, mỗi cán bộ, đảng viên, chiến sĩ Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh (gọi tắt là Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng) nhận thức rõ trọng trách của mình trong quá trình thực hiện nhiệm vụ đặc biệt mà Đảng, Nhà nước và Nhân dân giao phó, luôn quan tâm chú trọng việc giáo dục chính trị tư tưởng và học tập, rèn luyện sao cho xứng đáng với niềm tin, sự mong đợi của nhân dân cả nước và đồng bào ta ở nước ngoài. Đó là:

Trong giáo dục chính trị tư tưởng cho cán bộ, chiến sĩ, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng xác định: Tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh là di sản tinh thần vô giá của Đảng và dân tộc ta. Từ nhiều nhiệm kỳ qua, Đảng đã chú trọng phát động trong toàn Đảng, toàn dân, toàn quân học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh nhằm trau dồi đạo đức cách mạng cho cán bộ, đảng viên và lan tỏa những giá trị lý luận, thực tiễn của tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, lan tỏa tấm gương đạo đức cao quý của Bác đến toàn thể nhân dân. Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh là một nội dung quan trọng của công tác đảng, công tác chính trị trong Quân đội nhân dân Việt Nam, góp phần xây dựng Đảng bộ trong sạch, vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức, đạo đức và cán bộ; xây dựng quân đội cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, giữ vững và phát huy phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ” thời kỳ mới. Tuyên truyền, giáo dục tư tưởng Hồ Chí Minh trong quân đội là một trong những nội dung cốt lõi để cán bộ, chiến sĩ phấn đấu xứng danh “Bộ đội Cụ Hồ”, thể hiện rõ tính đặc thù của hoạt động quân sự trong tình hình mới, góp phần định hướng tư tưởng chính trị trong quân đội.

bo doi btl xuat ngu 5

Quán triệt tinh thần đó, đơn vị đã tăng cường công tác giáo dục, tuyên truyền, nâng cao nhận thức về ý nghĩa, tầm quan trọng của việc tiếp tục học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Bác đối với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị, cũng như xây dựng đạo đức, phong cách, lối sống cho cán bộ, chiến sĩ, công nhân viên, người lao động. Đồng thời, triển khai thực hiện Đề án 2341 về “Giữ gìn lâu dài, bảo vệ tuyệt đối an toàn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh và phát huy ý nghĩa chính trị, văn hóa của Công trình Lăng trong giai đoạn mới”, được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 22/12/2010; Nghị quyết số 122-NQ/QUTW của Thường vụ Quân ủy Trung ương, ngày 08/3/2012 về “Lãnh đạo nhiệm vụ giữ gìn lâu dài, bảo vệ tuyệt đối an toàn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh và phát huy ý nghĩa chính trị, văn hóa của Công trình Lăng trong giai đoạn mới”. Việc quán triệt và thực hiện nghiêm túc các nội dung đó, góp phần làm cho toàn đơn vị thấy rõ hơn vinh dự, trách nhiệm của mình trong bảo quản, giữ gìn thi hài Bác và hướng dẫn các đoàn khách tham quan; coi đây là thời cơ thuận lợi để xây dựng tổ chức, con người vững mạnh, xứng đáng hơn với niềm tin mà Đảng, Nhà nước, Quân đội, nhân dân trao cho. Đồng thời, đó cũng là tình cảm thiêng liêng, trách nhiệm chính trị, việc làm hằng ngày của mỗi cán bộ, đảng viên, quần chúng đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu.

Một trong những kết quả nổi bật, góp phần vào công tác giáo dục chính trị, tư tưởng là Đảng ủy Đoàn 969, Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng đã lãnh đạo, chỉ đạo, phối hợp chặt chẽ với các bộ, ban, ngành, đoàn thể Trung ương, cấp ủy, chính quyền địa phương thực hiện tốt công tác đón tiếp, tuyên truyền, phát huy ý nghĩa chính trị, văn hóa của Công trình Lăng góp phần làm lan tỏa ngày càng sâu rộng tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam đến nhân dân và khách quốc tế; tổ chức trang nghiêm, chu đáo, an toàn các buổi sinh hoạt chính trị, văn hóa tại khu vực Lăng. Đây là việc làm thường xuyên, nghiêm túc, thể hiện tinh thần trách nhiệm cao đối với phát huy giá trị tư tưởng của Công trình Lăng; đồng thời, là biện pháp giáo dục thực tiễn trực quan sinh động để mỗi tổ chức, con người bồi đắp thêm tình cảm, nhân cách, đạo đức Bác Hồ trong công việc và trong cuộc sống. Các hoạt động như: duyệt binh, diễu binh, diễu hành, lễ kết nạp Đảng, Đoàn, Đội, báo công, đón tiếp các đoàn đại biểu lão thành cách mạng, người có công, Mẹ Việt Nam Anh hùng, các già làng, trưởng bản... luôn được thực hiện có nền nếp, hằng ngày và mang lại hiệu quả thiết thực. Từ năm 2001, Bộ Tư lệnh Lăng thực hiện nghi lễ chào cờ hằng ngày trước Lăng. Đây là nghi lễ quốc gia, có ý nghĩa thiêng liêng, gắn kết hình ảnh Tổ quốc với lãnh tụ của dân tộc, góp phần giáo dục truyền thống yêu nước, ý thức tự tôn dân tộc, để lại tình cảm tốt đẹp trong lòng đồng bào, chiến sĩ và bạn bè quốc tế. Những hoạt động đó không chỉ là nơi cán bộ, chiến sĩ thể hiện trách nhiệm, tâm huyết với đơn vị, mà còn tạo ấn tượng tốt đối với đồng bào, chiến sĩ trong cả nước để mọi người cùng ôn lại truyền thống vẻ vang của dân tộc, đất nước, sự cống hiến hi sinh vì sự nghiệp cách mạng của các thế hệ cha anh; đặc biệt là tấm gương cao cả của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong tiến trình cách mạng và trong xây dựng đạo đức mới của con người Việt Nam. Qua đó, bồi đắp thêm ý chí quyết tâm, tinh thần vượt qua khó khăn, thử thách, tự lực tự cường, thực hiện tốt mọi nhiệm vụ, sống có ích cho gia đình, cộng đồng, xã hội.

Nhằm bảo đảm cho các hoạt động thêm phần ý nghĩa, đơn vị đã thường xuyên nghiên cứu, đổi mới, nâng cao chất lượng nghi lễ, như: Tổ chức lễ viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh và tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ; tổ chức chào cờ hằng ngày trước Lăng; duy tu, bảo dưỡng, nâng cấp hệ thống chiếu sáng, vườn hoa, thảm cỏ, cây xanh; phối hợp với Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội tổ chức tuyến phố đi bộ, các hoạt động nghệ thuật định kỳ hằng tháng,.., tạo nên không gian văn hóa quanh Lăng, để nơi đây mãi mãi là điểm nhấn của Thủ đô, thu hút đông đảo du khách trong nước và quốc tế tham quan.

Cùng với đó, Đảng ủy Đoàn 969, Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng đã không ngừng đổi mới, nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền về thân thế, sự nghiệp cách mạng, tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trên các phương tiện thông tin đại chúng. Đơn vị đã xây dựng, phát huy tốt Trang tin điện tử của Ban Quản lý Lăng, với hàng nghìn bài viết cảm động về tấm gương, đạo đức Hồ Chí Minh và giá trị, ý nghĩa của công trình Lăng; biên tập, xuất bản hàng chục đầu sách, đề cương tuyên truyền về Lăng Bác, Khu Di tích K9, Đài tưởng niệm các Anh hùng Liệt sĩ; phối hợp làm phim tư liệu về Bác... Những nội dung đó được phát trên hệ thống nghe, nhìn (màn hình LED, ki-ốt điện tử) quanh Lăng, giúp du khách cập nhật thông tin thường xuyên về Bác. Nhiều du khách, sau khi được thấy tận mắt hình ảnh của Bác, đều bày tỏ lòng ngưỡng mộ, cảm phục về vị lãnh tụ kính yêu và như được tiếp thêm niềm tin, sức mạnh để hoàn thiện mình, tu dưỡng, rèn luyện về đạo đức, lối sống, quyết tâm thực hiện nghiêm lời Bác dạy, hoàn thành tốt nghĩa vụ công dân.

Có thể thấy rằng, để có được sự đánh giá cao và tạo được sự tin tưởng của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quân đội, các đoàn khách trong nước và quốc tế đối với đơn vị, cán bộ, chiến sĩ Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng đã luôn phát huy tinh thần tận tâm, tận lực, chủ động, sáng tạo, chu đáo trong từng công việc. Mỗi người luôn tự nhủ mình phải thường xuyên rèn luyện, học tập, công tác cho xứng đáng với chức trách, nhiệm vụ được giao. Nội dung làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh được Đảng ủy Đoàn 969, Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng xác định là: nêu cao tinh thần chủ động, sáng tạo, gương mẫu, tận tụy, hết lòng vì công việc; nghiêm cách, thận trọng, tỉ mỉ, chính xác trong thực hiện nhiệm vụ. Từ yêu cầu đó, cấp ủy các cấp đã cụ thể hóa phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của từng cơ quan, đơn vị, đi vào từng việc làm của cán bộ, chiến sĩ; thường xuyên tuyên truyền kinh nghiệm triển khai việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, các điển hình tiên tiến, gương “người tốt, việc tốt” trong thực hiện nhiệm vụ. Bên cạnh đó, từng ngành, từng tổ chức quần chúng còn thi đua làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh thông qua phát động các phong trào cụ thể, như: “Đoàn kết, hiệp đồng, lập công dâng Bác”, “Thanh niên Quân đội học tập và làm theo lời Bác”, “Phụ nữ giỏi việc nước, đảm việc nhà”, “Vinh quang con đứng bên Người”,... tạo không khí sôi nổi, ý chí quyết tâm cao trong toàn đơn vị. Trên cơ sở nhận thức đúng đắn yêu cầu nhiệm vụ và tinh thần học tập Bác thường xuyên, cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị luôn cố gắng, nỗ lực vượt qua mọi khó khăn, thực hiện tốt mọi nhiệm vụ, nhất là việc đón tiếp, tuyên truyền cho các đoàn khách tham quan; làm cho nơi đây trở thành điểm hội tụ và lan tỏa giá trị văn hóa, đạo đức Hồ Chí Minh, góp phần cổ vũ việc “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” trong cả nước.

Do có sự lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên, sâu sát của Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng; sự chủ động, sáng tạo trong công tác giáo dục chính trị, tư tưởng cho cán bộ, chiến sĩ mà Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng đã hoàn thành tốt các nhiệm vụ chính trị được giao, đón hàng chục triệu lượt người đến viếng Bác, trong đó có hơn 10 triệu lượt khách quốc tế; đảm bảo an ninh, an toàn khu vực; quản lý vận hành, bảo đảm hệ thống hạ tầng kỹ thuật. Đặc biệt, nhiệm vụ giữ gìn lâu dài, bảo vệ tuyệt đối an toàn thi hài Bác đạt được những thành tựu đáng tự hào, đến nay đơn vị đã hoàn toàn làm chủ kỹ thuật bảo quản thi hài Bác. Tại Hội nghị tổng kết 50 năm giữ gìn lâu dài, bảo vệ tuyệt đối an toàn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh, Hội đồng Khoa học Y tế cấp Nhà nước đã khẳng định: Thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh sau 50 năm đang được giữ gìn rất tốt, chưa phát hiện được sự thay đổi nào so với các số liệu trong biên bản kiểm tra thi hài của các Hội đồng trước đây. Ngoài ra, công tác nghi lễ cũng được chú trọng, hoàn thiện và đổi mới trong những năm qua.

Trong giai đoạn hiện nay, toàn quân đang tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Quân đội lần thứ XI và đại hội Đảng các cấp. Tình hình thế giới và khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp, khó dự báo; sự tác động của mặt trái kinh tế thị trường, hội nhập quốc tế và cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; các thế lực thù địch, phản động tăng cường hoạt động chống phá Đảng, Nhà nước, Quân đội bằng chiến lược “Diễn biến hòa bình”, nhất là trên lĩnh vực chính trị, tư tưởng, thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, “phi chính trị hóa” Quân đội với những thủ đoạn ngày càng tinh vi, xảo quyệt hơn; việc điều chỉnh tổ chức lực lượng, tinh giản biên chế,... sẽ tiếp tục tác động đến nhận thức, tư tưởng tình cảm của một bộ phận cán bộ, chiến sĩ, công nhân viên chức quốc phòng, người lao động. Đặc biệt, trong tình hình mới, nhiệm vụ xây dựng quân đội, bảo vệ Tổ quốc đặt ra những yêu cầu ngày càng cao, đòi hỏi mỗi cán bộ, đảng viên và quần chúng không chỉ ra sức học tập, tu dưỡng, rèn luyện, làm tỏa sáng hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ, mà còn phải kiên quyết chống chủ nghĩa cá nhân, khắc phục những hạn chế, khuyết điểm để hoàn thành tốt nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và Nhân dân giao phó.

Để tiếp tục phát huy những kết quả và kinh nghiệm phát huy ý nghĩa chính trị, văn hóa của Công trình Lăng vào công tác công tác giáo dục chính trị ở đơn vị trong thời gian tới, cần thực hiện tốt những giải pháp cơ bản sau:

Một là, đơn vị tiếp tục quán triệt thực hiện nghiêm túc Kết luận 308-KL/QUTW về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 122-NQ/QUTƯ ngày 08/3/2012 của Thường vụ Quân ủy Trung ương về “Lãnh đạo nhiệm vụ giữ gìn lâu dài, bảo vệ tuyệt đối an toàn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh và phát huy ý nghĩa chính trị, văn hóa Công trình Lăng trong giai đoạn mới”; Đề án “Đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền về ý nghĩa chính trị, văn hóa của Công trình Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh giai đoạn 2021 - 2025 và những năm tiếp theo”; tiếp tục thực hiện có hiệu quả Đề án 2341 của Thủ tướng Chính phủ “Giữ gìn lâu dài, bảo vệ tuyệt đối an toàn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh và phát huy ý nghĩa chính trị, văn hóa của Công trình Lăng trong giai đoạn mới” và Đề án 4144 của Bộ Quốc phòng về “Đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền về ý nghĩa chính trị, văn hóa của Công trình Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh giai đoạn 2021 - 2025 và các năm tiếp theo”.

Hai là, công tác giáo dục chính trị, tư tưởng trong Quân đội phải tiếp tục được đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả, với mục tiêu xuyên suốt là: giữ vững, tăng cường trận địa tư tưởng của Đảng trong Quân đội; xây dựng và phát huy phẩm chất, nhân cách “Bộ đội Cụ Hồ” của người quân nhân cách mạng, bảo đảm trong mọi điều kiện, hoàn cảnh, cán bộ, chiến sĩ Quân đội luôn có bản lĩnh chính trị vững vàng, tuyệt đối trung thành với Đảng, Tổ quốc và Nhân dân, sẵn sàng nhận và hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao. Do vậy, đơn vị phải tập trung đổi mới công tác giáo dục chính trị, quán triệt nhiệm vụ, nâng cao nhận thức cho cán bộ, chiến sĩ, công nhân viên và người lao động về việc phát huy vai trò, ý nghĩa chính trị - văn hóa của Công trình Lăng; khơi dậy niềm vinh dự, tự hào của những người đang công tác bên Lăng Bác; từ đó, nâng cao tinh thần trách nhiệm, tích cực học tập, tu dưỡng, rèn luyện để xứng đáng với chức trách, nhiệm vụ được giao. 

Bên cạnh đó, cần tiếp tục đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, đẩy mạnh thực hiện Cuộc vận động Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh “Bộ đội Cụ Hồ” thời kỳ mới gắn với tổ chức thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, bảo đảm thực chất, có chiều sâu; quán triệt và thực hiện Nghị quyết Trung ương 8 (khóa XII, XIII) về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên với phương châm: Làm việc theo chức trách, nêu gương trong hành động; nêu cao tính gương mẫu của đội ngũ cán bộ, đảng viên về đạo đức, lối sống, tác phong công tác; tình cảm trách nhiệm, tình thương yêu đồng chí, đồng đội đối với cán bộ, chiến sĩ thuộc quyền. Trong giáo dục, quản lý bộ đội phát huy dân chủ, thể hiện tình thương, trách nhiệm; tuyệt đối không có hành động, biểu hiện quân phiệt, xúc phạm danh dự chiến sĩ và cấp dưới. Từ đó, tạo ra phong trào thi đua sâu rộng trong học tập, tu dưỡng, rèn luyện đạo đức cách mạng theo tấm gương của Bác Hồ, làm chuyển biến mạnh mẽ nhận thức tư tưởng và hành động, nói đi đôi với làm, khắc phục sự suy thoái về tư tưởngchính trị, đạo đức, lối sống của một số cán bộ, chiến sĩ hiện nay.

Ba là, thực hiện tốt nhiệm vụ đón tiếp các đoàn khách và tuyên truyền giá trị của Công trình Lăng; chủ động bổ sung, hoàn chỉnh các quy định, nghi thức tổ chức sinh hoạt chính trị, nội dung giới thiệu; tham mưu, đề xuất với các cơ quan, ban, ngành chức năng để phối hợp chặt chẽ, hiệu quả việc đón tiếp, tuyên truyền đối với các đoàn khách tham quan. Thường xuyên bồi dưỡng nâng cao trình độ nghiệp vụ, văn hóa, đạo đức cho cán bộ, chiên sĩ, công nhân viên và người lao động. Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng thực hiện tốt công tác đón tiếp, tuyên truyền với phương châm “tận tụy, chu đáo, văn minh, lịch sự”, nhằm xây dựng Cụm Di tích lịch sử, văn hóa Ba Đình trở thành Cụm công trình lịch sử, văn hóa đặc biệt về Bác tại trung tâm chính trị, văn hóa của Thủ đô Hà Nội và cả nước, góp phần phát huy cao nhất ý nghĩa chính trị, văn hóa của Công trình Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh - Công trình của “Lòng dân, ý Đảng”. Đồng thời, tiếp tục phối hợp với Trường Sĩ quan Chính trị, Học viện Kỹ thuật Quân sự, Trường Sĩ quan Lục quân 1,… tổ chức hoạt động giáo dục chính trị, lịch sử, truyền thống và tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; cùng với Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Hà Nội, Trường Đại học Văn hóa nghệ thuật Quân đội tổ chức biểu diễn nghệ thuật tại khu vực Lăng theo định kỳ hằng tháng, để nơi đây mãi mãi là điểm sáng về văn hóa. Trong quá trình thực hiện, cần kết hợp chặt chẽ giữa tuyên truyền, giáo dục, nâng cao bản lĩnh chính trị, lập trường giai cấp công nhân với đấu tranh phòng, chống âm mưu “phi chính trị hóa” quân đội của các thế lực thù địch. Tuyên truyền các chủ trương, giải pháp, chính sách tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, Quân đội đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, nhiệm vụ của Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh trong tình hình mới, hoạt động công tác đối ngoại quốc phòng; chính sách quân đội và hậu phương quân đội; đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái của các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị chống phá Đảng, Nhà nước, Quân đội ta.

Bốn là, duy trì nền nếp công tác, văn hóa công sở, quản lý sử dụng hiệu quả các tài sản. Mỗi người làm việc ở đây phải xác định vừa là vinh dự, vừa là trách nhiệm to lớn, đặt lợi ích quốc gia, dân tộc lên trên hết. Trong bất cứ hoàn cảnh nào, đây là khu di tích đặc biệt, cho nên không được lơ là, chủ quan, mất cảnh giác. Phải bảo đảm an toàn, khang trang sạch sẽ, để nhân dân cảm nhận được đất nước thanh bình, an ninh, an toàn, an dân, thể hiện tính ưu việt của Nhà nước ta. Chủ động nêu cao tinh thần cảnh giác, phối hợp chặt các lực lượng, đoàn kết, sáng tạo, bảo đảm phòng vệ từ xa, bảo vệ tuyệt đối an toàn khu trung tâm chính trị Ba Đình. Bảo quản, giữ gìn lâu dài thi hài Bác trong tình hình mới. Tăng cường kết hợp việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh với phong trào Thi đua Quyết thắng, các cuộc vận động; thường xuyên tuyên truyền gương “người tốt, việc tốt”, xây dựng và nhân rộng các điển hình tiên tiến; tăng cường đoàn kết, thống nhất, giải quyết tốt các mối quan hệ, tạo môi trường thuận lợi để cán bộ, chiến sĩ phấn đấu và trưởng thành. 

Năm là, làm tốt công tác xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, bảo vệ nội bộ, nâng cao trình độ, năng lực, phẩm chất đạo đức, nắm bắt diễn biến tư tưởng của cán bộ, nhân viên, tập trung nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của cấp ủy, chi bộ và vai trò tiền phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên. Cán bộ các cấp phải đăng ký, thực hiện tốt vai trò “nêu gương, tình thương, trách nhiệm” trước quần chúng; thường xuyên nắm và giải quyết tốt tình hình tư tưởng, giữ vững sự ổn định của đơn vị; duy trì nghiêm chế độ, nền nếp chính quy, chấp hành kỷ luật, mẫu mực về phong cách, lối sống, phấn đấu trở thành đơn vị tiêu biểu về điều lệnh và nghi lễ trong toàn quân./.

Nguyễn Minh Đức

Bài viết khác: