BBT: Ban biên tập Trang tin điện tử Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh trân trọng đăng tải bài tham luận “Dương Nỗ - Dấu ấn tuổi thơ của Chủ tịch Hồ Chí Minh” của Đại tá Hoàng Văn Nhân, Chính ủy Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Thừa Thiên Huế trong cuốn Kỷ yếu Hội thảo khoa học: “Phát huy giá trị di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh vào giáo dục chính trị trong Quân đội nhân dân Việt Nam”.

Làng Dương Nỗ nằm cách thành phố Huế gần 7km về phía Đông, làng Dương Nỗ thuộc xã Phú Dương, huyện Phú Vang (nay thuộc thành phố Huế), tỉnh Thừa Thiên Huế. Là ngôi làng có bề dày truyền thống văn hóa và cách mạng; chúng ta càng vinh dự và tự hào hơn đối với làng Dương Nỗ hiện đang lưu giữ cụm di tích lưu niệm thời niên thiếu của Chủ tịch Hồ Chí Minh, rất phong phú và đa dạng về loại hình kiến trúc có giá trị lịch sử.

nha luu niem bac ho tai duong no
Nhà lưu niệm Bác Hồ tại Dương Nỗ.

1. Tuổi niên thiếu của Chủ tịch Hồ Chí Minh

Năm 1898, sau khi tham gia khoa thi Hội năm Mậu Tuất không đỗ, cụ Nguyễn Sinh Sắc (thân sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh) được mời về làng Dương Nỗ dạy học tại nhà ông Nguyễn Sĩ Độ. Khi đi, cụ Nguyễn Sinh Sắc có đem theo hai con trai là Nguyễn Sinh Khiêm và Nguyễn Sinh Cung để trực tiếp dạy dỗ; đồng thời, qua đó cụ Nguyễn Sinh Sắc cũng có thời gian để chuẩn bị mọi mặt cho kỳ thi Hội tiếp theo của Triều đình Huế. Tại ngôi làng này là nơi cậu bé Nguyễn Sinh Cung (Chủ tịch Hồ Chí Minh) sinh sống và học tập trong 2 năm từ 1898 - 1900, trong thời gian sinh sống ở nơi đây, Nguyễn Sinh Cung đã được Cha cho theo học chữ Hán, được khai trí, khai tâm bằng hai chữ “Nhân” và “Nghĩa”.

Làng Dương Nỗ thực sự là nơi đã ghi lại những kỷ niệm sâu sắc tuổi thơ hồn nhiên của Nguyễn Sinh Cung lúc học tập, vui chơi với bạn bè cùng trang lứa. Người được hòa mình trong đời sống của một làng quê hiền hòa, giàu bản sắc văn hóa, chứng kiến tinh thần lao động cần cù, chịu thương, chịu khó, nhưng chứa đựng đầy tình làng, nghĩa xóm của những người dân quê nghèo mộc mạc, thân tình, ấm áp; những nhân tố đó đã góp phần to lớn nuôi dưỡng tình yêu quê hương, đất nước trong trái tim của Nguyễn Sinh Cung từ đó.

2. Dương Nỗ xưa và nay

Cụm di tích lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh ở làng Dương Nỗ có 04 di tích, trong đó Nhà lưu niệm thời niên thiếu của Chủ tịch Hồ Chí Minh được Nhà nước xếp hạng Di tích lịch sử cấp Quốc gia vào năm 1990; Đình làng Dương Nỗ được xếp hạng Di tích lịch sử, nghệ thuật cấp Quốc gia vào năm 1995. Đến năm 2020, hai khu di tích này đã được Thủ tướng Chính phủ xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt. Đồng thời, tại làng Dương Nỗ còn có 02 di tích được xếp hạng di tích cấp tỉnh, đó là di tích Am Bà được xếp hạng vào năm 2007 và di tích Bến Đá bên dòng sông Phổ Lợi được xếp hạng vào năm 2008. Đây là 4 di tích tiêu biểu ở làng Dương Nỗ và nó đã gắn bó mật thiết với cậu bé Nguyễn Sinh Cung trong giai đoạn Bác và gia đình sinh sống, học tập tại làng Dương Nỗ (1898 - 1900).

 Nhà lưu niệm Bác Hồ tại Dương Nỗ là ngôi nhà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sống từ năm 1898 đến 1900, khi Người cùng với anh trai theo Cha về dạy học ở nơi đây. Tại lớp dạy học chữ Hán của cha, cậu bé Nguyễn Sinh Cung đã được học những nét chữ Hán đầu tiên, đó chính là nền móng cho nền học vấn của Người. Nhà lưu niệm Bác Hồ ở làng Dương Nỗ là một ngôi nhà tranh đơn sơ, gồm ba gian, hai chái, vách ghép ván gỗ. Đồ đạc trong nhà rất đơn sơ, giản dị; ở chính giữa ngôi nhà được kê 01 bộ phản gỗ để ông Sắc ngồi dạy học, hai bộ phản khác kê hai bên để cho các học trò trong làng cùng ngồi học; ở góc trong, gian bên trái có kê 01 chiếc giường gỗ, dát tre, là nơi Nguyễn Sinh Khiêm, Nguyễn Sinh Cung ngủ nghỉ; góc trong gian kế bên phải có kê một chiếc rương gỗ để đựng đồ đạc của ba cha con. Hai chái hai đầu là nơi sinh hoạt và cất trữ lương thực, thực phẩm của gia đình. Nối liền với nhà chính là ngôi nhà ngang ba gian, mái lợp tranh, vách trát đất được sử dụng làm bếp sinh hoạt của cả gia đình.

Đình làng Dương Nỗ là nơi cậu bé Nguyễn Sinh Cung thường ra vui chơi cùng bạn bè, qua đó Người quan sát và tìm hiểu rất kỹ về lịch sử ngôi đình cũng như đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân trong làng vào thời gian Người sinh sống và học tập ở nơi đây. Đình làng Dương Nỗ được vua Lê Thánh Tông cho xây dựng từ những năm 1471, với ý nghĩa là để thờ các vị tiền nhân, lúc đầu đình mới chỉ được làm bằng tranh, tre, nứa, lá; năm 1808 dưới thời vua Gia Long cho tu sửa, chỉnh trang lại; quá trình tu sửa với sự giúp đỡ của Khoái Châu quận công Nguyễn Đức Xuyên (sau này ông là Thượng thư Bộ Công triều đình Huế), đình làng Dương Nỗ được cải tạo có kiến trúc như ngày nay. Đình làng Dương Nỗ được xây theo kiến trúc truyền thống vùng đất xứ Huế, với kiểu kiến trúc 5 gian, 2 chái, mái lợp ngói âm dương, toàn bộ ngôi đình được bố trí theo một trục dọc liên hoàn, bao gồm: tòa đại đình, sân đình, cổng đình, hàng trụ biểu và bến nước cửa đình được liên kết với nhau theo một trục dọc hướng Bắc Nam. Với những đường nét hoa văn khắc chạm trang trí trong đình mang giá trị nghệ thuật cao.

Am Bà là nơi người dân Đàng trong nói chung và dân làng Dương Nỗ nói riêng lập nên miếu để thờ Bà Thiên-Y-A-Na, đây là một trong những tín ngưỡng thờ “Mẫu hệ” của người Việt xưa mang màu sắc văn hóa Chămpa. Am Bà ra đời vào khoảng thế kỷ XV, khi tổ tiên của người dân làng Phò Lỗ, Phò An khai phá đất đai lập làng và lập miếu thờ vị thần bảo trợ cho dân làng bình an, yên ổn làm ăn. Trong thời gian Nguyễn Sinh Cung theo Cha và Anh về sinh sống tại làng Dương Nỗ, Người thường xuống đây để vui chơi và học bài.

 Bến Đá là một bến nước nhỏ nằm bên dòng sông Phổ Lợi, cách Nhà lưu niệm Bác Hồ tại Dương Nỗ khoảng 20m, Bến Đá nằm vào phần đất nhà thân sinh của ông Nguyễn Sĩ Độ, ông đã cho người đóng cọc tre, kê đá làm thành một bến nước phục vụ cho gia đình sinh hoạt. Năm 1898, khi Nguyễn Sinh Cung theo Cha về sống ở đây, Người thường ra Bến Đá tắm giặt, bơi lội và hóng mát vào những trưa hè oi ả. Bến Đá đơn sơ này đã gắn liền với tuổi thơ của Nguyễn Sinh Cung trong hai năm sống ở làng Dương Nỗ.

Đi cùng năm tháng, cùng với việc giữ gìn, tu bổ, tôn tạo cụm di tích lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại làng Dương Nỗ, năm 2005, khu Nhà trưng bày trong cụm di tích được xây dựng và tổ chức trưng bày các hiện vật về lịch sử làng Dương Nỗ, các hiện vật trong thời gian Chủ tịch Hồ Chí Minh sinh sống, học tập tại làng Dương Nỗ. Quá trình bảo tồn đã phát huy tốt giá trị các di tích tại đây. Năm 2012, Bảo tàng Hồ Chí Minh chi nhánh Thừa Thiên Huế đã tiến hành chỉnh lý nội dung, thay đổi chất ảnh, hiện vật trưng bày đã hư hỏng qua thời gian sử dụng, nhằm không ngừng tăng cường hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị tư tưởng cho các tầng lớp nhân dân thông qua cụm di tích lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại làng Dương Nỗ, gắn bó với những giá trị truyền thống văn hóa, con người Huế; qua đó, tôn vinh và giữ gìn những di sản của Chủ tịch Hồ Chí Minh để lại trên đất Thừa Thiên Huế. Đồng thời, nâng chất lượng điểm đến tham quan di tích lịch sử; qua đó, cung cấp những thông tin, tư liệu quan trọng về thời gian Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng gia đình sinh sống, lao động và học tập tại làng Dương Nỗ.

Những năm qua, được sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền các cấp, các ngành và nhân dân trong Tỉnh, mà trực tiếp là Sở Văn hóa và Thể thao đã chỉ đạo Bảo tàng Hồ Chí Minh chi nhánh Thừa Thiên Huế nỗ lực trùng tu, tôn tạo để các di tích ngày càng hoàn chỉnh, lưu giữ được phần vật thể và phi vật thể, không gian văn hóa như thời kỳ Người về sinh sống và học tập nơi đây. Cụm di tích lưu niệm về Người ở làng Dương Nỗ đến nay đã được bảo tồn tương đối nguyên vẹn từ kiến trúc đến cảnh quan. Để cụm di tích khang trang hơn, nhân dân Thừa Thiên Huế nói chung và nhân dân làng Dương Nỗ nói riêng mong Bảo tàng Hồ Chí Minh chi nhánh Thừa Thiên Huế tiếp tục chỉnh lý, bổ sung trưng bày những hiện vật tại Nhà trưng bày trong cụm di tích làng Dương Nỗ trở thành “địa chỉ đỏ” - nơi giáo dục truyền thống cho cán bộ, nhân dân, các thế hệ thanh thiếu niên về truyền thống quê hương, đất nước thông qua cụm di tích lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh.

3. Dương Nỗ - “Địa chỉ đỏ” giáo dục truyền thống của cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang và nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế

Cụm di tích lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại làng Dương Nỗ ngày nay đã trở thành “địa chỉ đỏ”, địa điểm về nguồn, giáo dục truyền thống cho cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang, học sinh, sinh viên và các tầng lớp nhân dân trên toàn Tỉnh. Những giá trị vật chất và tinh thần mà cụm di tích chứa đựng là kho tàng tri thức quý giá, góp phần vào công tác tuyên truyền, giáo dục các giá trị văn hóa truyền thống, gắn với đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh tại địa phương và trong từng đơn vị hiện nay.

Đến tham quan cụm di tích làng Dương Nỗ, tạo cho cán bộ, chiến sĩ nhiều cảm xúc và thu được rất nhiều điều bổ ích. Cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang Tỉnh càng tự hào hơn lịch sử quê hương và cố gắng huấn luyện, rèn luyện, xứng đáng là người con của vùng đất Cố đô Huế anh dũng và kiên cường trong đấu tranh, mạnh mẽ trong xây dựng quê hương, đất nước. Mỗi địa chỉ là một hình tượng sống động giúp thế hệ cán bộ, chiến sĩ cảm nhận rõ hơn và thực tế hơn về cuộc sống của gia đình Bác Hồ, của người dân xứ Huế năm xưa. Tham quan cụm di tích làng Dương Nỗ là thể hiện truyền thống “uống nước, nhớ nguồn” của thế hệ hôm nay đối với Bác Hồ. Chính vì vậy, Bộ Chỉ huy quân sự Tỉnh phối hợp với Tỉnh đoàn, Thành đoàn Huế đã thường xuyên tổ chức những chuyến hành trình đến với “địa chỉ đỏ” đầy ý nghĩa này để cán bộ, chiến sĩ càng nhân lên niềm tự hào và tinh thần trách nhiệm của tuổi trẻ đối với quê hương, đất nước, đối với Bác Hồ. Thông qua hoạt động tham quan nhằm giáo dục cho cán bộ, chiến sĩ về lòng yêu nước, yêu chủ nghĩa xã hội, xây dựng bản lĩnh chính trị kiên định, vững vàng, tuyệt đối trung thành với Đảng, Nhà nước và Nhân dân. Kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ nền tảng chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối quan điểm của Đảng, Hiến pháp và pháp luật Nhà nước.

Cán bộ, chiến sĩ Lực lượng vũ trang Tỉnh đã được học, hiểu biết về lịch sử dân tộc Việt Nam, nhưng tận mắt tham quan cụm di tích làng Dương Nỗ, nghe thuyết trình về lịch sử tại nơi Bác đã từng sống và học tập, cán bộ, chiến sĩ càng thấm thía hơn về cuộc đời lúc tuổi thơ của Bác. Giữa không gian di tích lịch sử, các hoạt động, như: kể chuyện về Bác với chủ đề Bác Hồ với bộ đội, với thanh niên,… cán bộ, chiến sĩ càng tự hào về Bác, càng nhận thức sâu sắc thêm về những nội dung, bài học có giá trị lịch sử.

Hành trình tham quan làng Dương Nỗ đã đem đến những bài học lớn cho cán bộ, chiến sĩ, nhất là cán bộ, chiến sĩ trẻ càng tự hào về truyền thống yêu nước, đánh giặc, giữ nước đầy bất khuất, oai hùng của Bác Hồ được hình thành từ tuổi ấu thơ. Các hoạt động cũng là một chương trình ý nghĩa nhằm tăng cường trải nghiệm, các bài học lịch sử qua di tích lịch sử để thế hệ trẻ thêm hiểu biết, trân trọng truyền thống đấu tranh oai hùng của quê hương, đất nước. Gìn giữ và phát huy hiệu quả các di tích cách mạng trong cuộc sống chính là góp phần bồi đắp tình yêu nước, nuôi dưỡng tinh thần dân tộc, ý thức trách nhiệm của tuổi trẻ hôm nay đối với sự nghiệp đổi mới đất nước, công nghiệp hóa, hiện đại hóa, mà trọng tâm thực hiện thành công Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Cụm di tích lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại làng Dương Nỗ không chỉ là “địa chỉ đỏ” về giáo dục truyền thống, mà nơi đây còn là địa chỉ du lịch có giá trị lịch sử văn hóa đón tiếp số lượng lớn du khách trong và ngoài nước đến tham quan, học tập và nghiên cứu; vừa góp phần quảng bá hình ảnh, đất nước và con người Việt Nam nói chung, văn hóa và con người xứ Huế nói riêng. Qua đó, tôn vinh Anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hóa Hồ Chí Minh./.

Đại tá Hoàng Văn Nhân

Chính ủy Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Thừa Thiên Huế

Bài viết khác: