Khu Di tích Kim Liên là nơi lưu giữ những di sản vô giá về quê hương, gia đình và thời niên thiếu của Chủ tịch Hồ Chí Minh và hai lần người về thăm quê, là niềm tự hào của Đảng bộ, nhân dân Nghệ An; là điểm đến của du khách cả nước và bạn bè quốc tế. Trải qua 67 năm hình thành và phát triển, cán bộ, viên chức và người lao động làm việc tại đây luôn nỗ lực phấn đấu vì sự nghiệp bảo tồn, tôn tạo và phát huy các giá trị để Khu Di tích Kim Liên trở thành “địa chỉ đỏ”, nơi về nguồn, nơi hội tụ tình cảm của nhân dân trong nước và bạn bè quốc tế.

 1. Tổng quan về Khu Di tích Kim Liên

Bảo tồn, tôn tạo và phát huy tác dụng các di tích lịch sử - văn hóa là vấn đề quan trọng trong việc gìn giữ bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc để phục vụ mục tiêu tồn tại và phát triển. Đảng và Nhà nước ta đã hết sức quan tâm vấn đề này để những giá trị tư tưởng, đạo đức, phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn là kim chỉ nam đối với cách mạng Việt Nam. Vì vậy, ngay sau khi cuộc kháng chiến chống Pháp kết thúc thắng lợi, hòa bình được lập lại trên miền Bắc, vào năm 1956, Đảng đã có chủ trương khôi phục lại các di tích về Chủ tịch Hồ Chí Minh tại quê hương của Người.

Ngay sau đó, các chuyên gia Bảo tồn - Bảo tàng từ Trung ương về phối hợp với Ty Văn hóa Nghệ An đã tiến hành sưu tầm, nghiên cứu, tìm lại được ngôi nhà cụ Phó Bảng Nguyễn Sinh Sắc đem về phục dựng lại trên nền đất cũ để tháng 6/1957 trong dịp về thăm quê lần thứ nhất, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã về thăm lại ngôi nhà của gia đình mình. Bác đã góp nhiều ý kiến để khôi phục lại di tích theo đúng nguyên trạng ngày xưa. Một thời gian sau đó các cán bộ bảo tàng đã sưu tầm lại được ngôi nhà ngang 3 gian về dựng lại để ngày 09/12/1961, khi về thăm quê lần thứ hai, Người lại được chiêm ngưỡng di tích này một cách tương đối hoàn chỉnh. Phát huy thành quả và kinh nghiệm đã có, năm 1959, cụm di tích Hoàng Trù được phục hồi để năm 1961 vinh dự được đón Bác về thăm. Kể từ đó, Khu Di tích Kim Liên đã bắt đầu mở cửa đón khách tham quan trong nước và bè bạn quốc tế về thăm.

Để làm tốt công tác này, tỉnh Nghệ An đã thành lập Ban quản lý Bảo tàng Hồ Chí Minh trực thuộc Ty Văn hóa Nghệ An để quản lý, tổ chức và hoạt động. Cùng với việc phục hồi di tích, Ty Văn hóa Nghệ An đã sử dụng ngôi nhà khách nhỏ được dựng năm 1957 để đón Bác về thăm bên cạnh di tích nhà cụ Phó Bảng để đón khách và làm nơi ở của lực lượng bảo vệ. Năm 1964, trước nhu cầu tiếp đón các đoàn khách ngày càng đông, có nhiều đoàn khách quan trọng trong nước và quốc tế, Đảng và nhà nước đã có chủ trương xây dựng một ngôi nhà Bảo tàng để trưng bày về Bác, do kiến trúc sư nổi tiếng Hoàng Như Tiếp thiết kế, biết được điều đó, Bác không đồng ý và yêu cầu chuyển chức năng ngôi nhà đó sang làm nhà khách.

Ngay sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh từ trần, Đảng và Nhà nước ta đã chủ trương xây dựng Bảo tàng Hồ Chí Minh để tuyên truyền giáo dục cho toàn dân về cuộc đời và sự nghiệp cách mạng vĩ đại của Người. Trong bối cảnh chiến tranh, trên cơ sở các di tích lưu niệm đã có, năm 1970, Đảng và Nhà nước đã quyết định xây dựng Bảo tàng Kim Liên - một Bảo tàng về Hồ Chí Minh đầu tiên trong cả nước, do đồng chí Trường Chinh chỉ đạo và Bộ chính trị phê duyệt nội dung trưng bày. Bảo tàng Kim Liên trở thành nơi hội tụ tình cảm của đồng bào cả nước và bầu bạn quốc tế đối với Bác Hồ kính yêu.

Nhận thấy vị trí, ý nghĩa và tầm quan đặc biệt của Bảo tàng Kim Liên đối với công tác tuyên truyền giáo dục tư tưởng tình cảm cho nhân dân, ngày 10/5/1983, Ủy ban nhân dân tỉnh Nghệ Tĩnh đã ra quyết định số 492VP/UB đổi tên Bảo tàng Kim Liên thành Khu Di tích Kim Liên, trực thuộc Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh quản lý về mọi mặt và do Bảo tàng Hồ Chí Minh chỉ đạo về khoa học nghiệp vụ. Đồng thời, quy định rõ phạm vi quản lý, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn tổ chức bộ máy của Khu Di tích Kim Liên. Năm 1993, thực hiện chủ trương của Chính phủ về việc phân cấp quản lý theo ngành, Khu Di tích Kim Liên được chuyển về cho Sở Văn hóa và Thông Tin, nay là Sở Văn hóa và Thể thao Nghệ An quản lý toàn diện. Năm 2001, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý cho tỉnh Nghệ An được lập dự án khả thi “Bảo tồn tôn tạo Khu Di tích Kim Liên gắn với phát triển du lịch Nam Đàn”, các công trình, hạng mục của dự án đã hoàn thành và đưa vào phát huy sử dụng.

Năm 2020 theo quyết định số 1943/QĐ-TTg, ngày 27/11/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị Di tích quốc gia đặc biệt Khu lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Kim Liên, trên tổng diện tích 278,86 ha bao gồm: cụm di tích Làng Sen, cụm di tích Hoàng Trù, cụm di tích núi Chung và khu mộ bà Hoàng Thị Loan. Mục đích của Quy hoạch là nâng cấp tổng thể Khu Di tích đáp ứng được cơ sở hạ tầng đồng bộ, phục vụ nhu cầu của du khách trong nước và quốc tế ngày càng đông. Đồng thời, tạo sự kết nối giữa Khu Di tích Kim Liên và các khu du lịch trên địa bàn tỉnh Nghệ An. Cùng với phát huy giá trị di tích, việc quy hoạch cũng gắn với phát triển các hình thức du lịch, sản phẩm du lịch dựa trên tiềm năng về tài nguyên thiên nhiên và văn hóa sẵn có của khu vực như: du lịch sinh thái nông nghiệp, du lịch tìm hiểu trải nghiệm văn hóa địa phương, nhất là các loại hình di sản văn hóa phi vật thể của địa phương gắn với trình diễn Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh, trình diễn các nghề thủ công truyền thống, các trò chơi dân gian.

 Hiện nay, hằng năm, Khu Di tích Kim Liên đón từ 1,5 đến 2 triệu lượt người. Điều đó đã khẳng định sức hấp dẫn với những giá trị sẵn có của Khu Di tích Kim Liên, đồng thời, cũng khẳng định tình cảm của nhân dân và bạn bè quốc tế đối với Người là vô hạn, thiêng liêng.

2. Những giá trị cơ bản tại Khu Di tích Kim Liên

Khu Di tích Kim Liên là nơi trưng bày và giới thiệu truyền thống lịch sử - văn hóa xứ Nghệ - một trong những cội nguồn hình thành tư tưởng Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Chủ tịch Hồ Chí Minh là sản phẩm của cả dân tộc, cả thời đại. Tầm vĩ đại về tư tưởng, mẫu mực về phong cách của Người bắt nguồn từ nhiều mạch nguồn. Một trong những mạch nguồn trong trẻo và sâu xa ấy là mảnh đất giàu truyền thống: Nghệ An, hay nói đúng hơn là vùng lòng chảo sông Lam với cái tên hào hùng: Mảnh đất Hồng Lam. Từ ngày xưa nhà sử học Phan Huy Chú đã đánh giá: “Nghệ An núi cao sông sâu, phong tục trọng hậu, cảnh tượng tươi sáng, gọi là đất có tiếng hơn cả Nam Châu. Người thì thuần hòa mà chăm học, sản vật thì nhiều thứ quý của lạ,… được khí tốt của sông núi nên sinh ra nhiều bậc danh hiền… thực là nơi hiểm yếu như thành đồng ao nóng của nước và là then khóa của các triều đại”.

Lịch sử đi qua và gửi thông điệp cho tương lai bằng các di tích lịch sử văn hóa và danh lam thắng cảnh. Mật độ và giá trị của di tích nói lên trình độ văn hiến của một dân tộc, một đất nước hay một địa phương. Nhìn tấm bản đồ Nghệ An, chúng ta thấy cả một vùng lưu vực sông Lam dày đặc những di tích lịch sử. Từ xưa đến nay, hầu như mọi thời kỳ lịch sử đều để lại dấu tích của mình trên mảnh đất này, tạo nên vẻ đẹp truyền thống phong phú và liên tục của xứ sở Hồng Lam. Chính truyền thống lịch sử hào hùng đó của quê hương đã hun đúc nên Nguyễn Sinh Cung - Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh, nhà yêu nước vĩ đại nhất của dân tộc, để từ đó Người đi tìm hình của nước, tìm thấy con đường giải phóng dân tộc và phát triển đất nước.

Truyền thống yêu nước và cách mạng của quê hương Nghệ An là tài sản vô cùng quý báu để giáo dục cho mọi tầng lớp nhân dân, không chỉ riêng Nghệ An mà là đồng bào, đồng chí cả nước, làm cho mọi người hiểu biết trân trọng quá khứ hào hùng của ông cha, tự hào với dân tộc, với quê hương, phấn đấu quên mình cho độc lập tự do của Tổ quốc và phồn vinh của nhân dân, làm cho bạn bè quốc tế hiểu được bản lĩnh phi thường của dân tộc Việt Nam.

Khu Di tích Kim Liên là nơi trưng bày và giới thiệu truyền thống yêu nước, cách mạng của gia đình Chủ tịch Hồ Chí Minh.

 Gia đình Chủ tịch Hồ Chí Minh là sản phẩm của sự giao duyên giữa hai dòng họ nổi tiếng ở Nam Đàn là họ Nguyễn Sinh và họ Hoàng Xuân.

Họ Nguyễn Sinh là một trong bốn họ lớn ở Kim Liên, trải qua nhiều năm tháng gây dựng, phấn đấu, thế hệ thứ năm có ông Nguyễn Sinh Vật, dự kỳ thi Hội khoa Tân Mão (1651) đậu Giám sinh. Thế hệ thứ sáu có Nguyễn Sinh Trí, năm 17 tuổi đã dự thi Hương khoa Quý Sửu (1673) đậu Hiếu sinh, sau đó dự kỳ thi Hội khoa Canh Ngọ đậu đến Tam trường. Thế hệ thứ tám có Nguyễn Sinh Hải lập võ công to được vua Lê Cảnh Hưng (1740 - 1787) phong sắc. Ông Nguyễn Sinh Sắc - thân sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh thuộc thế hệ thứ 11, dự thi Hội khoa Tân Sửu (1901) đậu Phó bảng.

Dòng họ Hoàng Xuân vốn phát tích từ thôn Hoàng Vân, huyện Kim Động, phủ Khoái Châu, trấn Sơn Nam (Nay là thôn Vân Nội xã Hồng Tiến, huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên). Đây là một cự tộc quyền quý, trải qua các triều đại, rất nhiều người được phong tước hầu và quận công. Từ đất Hưng Yên, vâng mệnh triều đình, nhiều người con ưu tú của họ Hoàng đã tỏa đi nhiều nơi đánh giặc, giữ nước và sinh cơ lập nghiệp. Thủy tổ họ Hoàng ở làng Hoàng Trù giữ chức Võ Ban tướng quân dưới thời Vĩnh Tộ (1619 - 1628) triều Lê Thánh Tông (1619 - 1643), trong chuyến dẹp loạn ở vùng Thuận Quảng đã lấy vợ người làng Nghĩa Liệt, huyện Hưng Nguyên, lập ra dòng họ Hoàng ở đây. Thế hệ thứ 9 của họ Hoàng có Hoàng Phác Cần lấy vợ và lập ra chi họ ở làng Hoàng Trù. Năm thế hệ sau có ông Hoàng Xuân Cẩn - đậu ba khoa tú tài, sinh ra cụ Hoàng Xuân Đường - ông ngoại Chủ tịch Hồ Chí Minh.

 Trong cuộc kháng chiến chống chủ nghĩa phát xít, hai dòng họ đã có hai người con hi sinh trong sự nghiệp bảo vệ đất nước Xô Viết, được phong tặng là liệt sĩ quốc tế. Đó là Lý Nam Thanh (Nguyễn Sinh Thản) và Lý Thúc Chất (Hoàng Anh Tợ). Truyền thống vẻ vang của hai dòng họ đã hun đúc nên những người con ưu tú. Có thể nói những người thân trong gia đình Bác Hồ là những tấm gương tiêu biểu cho tinh thần yêu nước và cách mạng của quê hương và dân tộc.

Ông Nguyễn Sinh Sắc (1863 - 1929) - thân sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh. Cả cuộc đời của ông đã mang hết tài năng, đức độ, cứu nước, cứu dân. Được nhân dân kính mến, yêu thương, đùm bọc như người thân ruột thịt. Tư tưởng thương dân yêu nước và sự tỉnh táo trong cách nhìn thời cuộc của ông Nguyễn Sinh Sắc đã ảnh hưởng sâu sắc đến Nguyễn Sinh Cung trong thời kỳ này.

Bà Hoàng Thị Loan (1868 - 1901), thân mẫu của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tuổi thơ của Bác Hồ đã lớn lên trong tiếng ru êm ái của những làn điệu dân ca sâu lắng, tiếng hát dặm xứ Nghệ quê hương. Đêm đêm dưới mái nhà tranh quen thuộc ở làng Hoàng Trù, hòa cùng với tiếng thoi đưa, bà Hoàng Thị Loan đưa võng ru những đứa con thân yêu của mình, trong đó có Nguyễn Sinh Cung đi vào giấc ngủ. Những câu hát ru đầy chất thơ, thấm đậm những hình ảnh của cuộc sống bình dị nơi một vùng quê. Đó là những rặng tre, lối xóm hay là những đạo lý truyền thống của dân tộc. Đây có thể được xem là điểm xuất phát cho một tình yêu quê hương, đất nước trong con người Bác.

Bà Nguyễn Thị Thanh (1884 - 1954), chị gái của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Bà là người đã hi sinh tuổi thanh xuân để gánh vác việc gia đình và dành cả cuộc đời hiến dâng cho lý tưởng yêu nước giải phóng dân tộc, được nhân dân tôn sùng là Bạch Liên nữ sĩ (bông sen trắng ngát hương) của làng Kim Liên. Cuộc đời bà là tấm gương sáng của người phụ nữ Việt Nam về đạo đức, phẩm chất cao quý và tấm lòng yêu nước sâu sắc.

Ông Nguyễn Sinh Khiêm (1888 - 1950), anh trai của Chủ tịch Hồ Chí Minh là một người thông minh, có cuộc sống giản dị, phóng khoáng, giàu lòng yêu nước và thương yêu người nghèo khổ. Bị thực dân phong kiến bắt tù đày nhiều năm. 

Khu Di tích Kim Liên còn là nơi trưng bày các tài liệu, hiện vật về Chủ tịch Hồ Chí Minh với Nghệ An; quê hương Nghệ An đối với Người.

Những tài liệu hiện vật ở đây có giá trị rất lớn trong công tác giáo dục truyền thống yêu nước và cách mạng cho nhân dân. Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn dành tình cảm sâu nặng cho quê hương, đánh giá cao truyền thống cách mạng của quê hương: Nhân dân Nghệ Tĩnh nổi tiếng “cứng đầu”. Trong thời kỳ chinh phục của Pháp và trong phong trào cách mạng quốc gia (1905 - 1925), Nghệ Tĩnh đã nổi tiếng. Trong cuộc đấu tranh cách mạng hiện nay, công nhân và nông dân Nghệ Tĩnh vẫn giữ vững truyền thống cách mạng của mình… Nghệ Tĩnh xứng đáng với danh hiệu đỏ.

 Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn yêu cầu cao với đồng bào và cán bộ tỉnh nhà. Trong lời tựa cho Bảo tàng Xô Viết Nghệ Tĩnh, Người viết: Cán bộ, đảng viên, đoàn viên thanh niên và toàn thể đồng bào Nghệ Tĩnh cần đoàn kết chặt chẽ, phấn khởi thi đua xây dựng Nghệ An và Hà Tĩnh thành hai tỉnh gương mẫu xứng đáng là quê hương Xô Viết Nghệ Tĩnh anh hùng. Viết trong bức thư cuối cùng gửi quê nhà (được coi là di chúc riêng cho Nghệ An): Nghệ An là một tỉnh rộng lớn, có tài nguyên phong phú, có nhân dân cần cù lao động và rất cách mạng. Rất mong đồng bào và đồng chí tỉnh nhà ra sức phấn đấu làm cho Nghệ An mau trở thành một trong những tỉnh khá nhất ở miền Bắc.

Tất cả những nội dung cơ bản trên đều chứa đựng trong các di tích, di vật, tài liệu cụ thể, là những vật chứng sống động có khả năng tác động sâu sắc vào tư tưởng tình cảm của mọi người. Bên cạnh nội dung chủ yếu là truyền thống yêu nước và cách mạng, nơi đây còn chứa đựng những giá trị truyền thống cao quý khác. Đó là truyền thống văn hiến của đất Hồng Lam trải dài hàng ngàn năm với những giá trị độc đáo: anh dũng, kiên cường, cần cù, giản dị, ham học và học giỏi, gắn kết cộng đồng, có nền văn hóa dân gian phong phú. Đó là truyền thống văn hóa tốt đẹp của gia đình Chủ tịch Hồ Chí Minh với những phẩm chất cao quý khác mà tiêu biểu là tấm gương sáng ngời của Người. Ở đó có sự kết tinh sâu sắc những tinh hoa văn hóa của dân tộc Việt Nam và nhân loại, những nét đặc sắc của văn hóa xứ Nghệ: trí tuệ, phi thường, nhân cách cao cả, lối sống mẫu mực. Đó là những giá trị khác về văn hóa học, dân tộc học, đạo đức học, thẩm mỹ học,… Có thể đưa vào bảo tồn, tôn tạo và phát huy tác dụng đối với khách tham quan.

Trong xu thế hội nhập và phát triển, các hoạt động văn hóa nói chung và các hoạt động bảo tàng, di tích nói riêng giữ vai trò rất quan trọng trên con đường phát triển của dân tộc và đối với tiến trình đối thoại văn hóa vì hòa bình và phát triển bền vững. Trong đó, sự nghiệp di sản tư tưởng Chủ tịch Hồ Chí Minh để lại là tài sản vô giá đã được chứng minh từ lý luận đến thực tiễn, là nền tảng tư tưởng của Đảng. Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh là yêu cầu, nhiệm vụ của tất cả các cấp, các ngành và toàn dân trong công cuộc đổi mới toàn diện đất nước hiện nay. Công cuộc này được nhân dân ta tin tưởng và bạn bè quốc tế quan tâm sâu sắc. Vì vậy, với chức năng nhiệm vụ của mình, được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, của các cấp, các ngành, Khu Di tích Kim Liên sẽ luôn cố gắng thực hiện tốt nhiệm vụ bảo vệ và phát huy di sản chủ tịch Hồ Chí Minh ở quê hương và di sản tư tưởng, cuộc đời, sự nghiệp, tấm gương của Chủ tịch Hồ Chí Minh được lan tỏa và có ảnh hưởng đặc biệt đến nhận thức và hành động của đồng bào, đồng chí và bạn bè quốc tế./.

 

Ths Nguyễn Bảo Tuấn

Giám đốc Khu Di tích Kim Liên

Bài viết khác: