Nghệ An là vùng đất biên viễn, từ ngàn xưa đã trở thành “phên dậu” của Tổ quốc, là vùng đất địa linh nhân kiệt, nơi đây đã sản sinh ra biết bao bậc hiền tài có đóng góp to lớn cho non sông, đất nước. Mỗi người dân Nghệ An tự hào về truyền thống văn hóa, yêu nước và cách mạng của quê hương mình và càng tự hào hơn khi mảnh đất này đã sản sinh một người con kiệt xuất - Chủ tịch Hồ Chí Minh - Anh hùng giải phóng dân tộc, nhà văn hóa kiệt xuất. Người đã để lại cho dân tộc một gia tài vô cùng đồ sộ, một di sản hết sức quý báu: tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Cùng với hệ thống tư tưởng, đạo đức, phong cách làm nên giá trị văn hóa tinh thần, di sản văn hóa Hồ Chí Minh còn được biết đến với một hệ thống hàng trăm di tích, công trình và địa điểm lưu niệm trong cả nước. Nhiều di tích, công trình lưu niệm đã và đang phát huy giá trị, trở thành nơi hội tụ tình cảm của đồng bào cả nước và bạn bè quốc tế. 

1. Hệ thống các di tích, công trình lưu niệm liên quan đến Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Nghệ An

Nghệ An vinh dự và tự hào còn lưu giữ được 27 di tích liên quan đến Chủ tịch Hồ Chí Minh đã được kiểm kê (gồm 17 di tích thời niên thiếu của Bác và 10 di tích gắn với hai lần Bác về thăm quê); trong đó, 25 di tích đã được xếp hạng. Các di tích gắn với hai lần Người về thăm quê (năm 1957 và 1961), như: Nông trường Đông Hiếu, Hợp tác xã Vĩnh Thành, Nghĩa trang liệt sĩ Thái Lão, Nhà máy điện Vinh, Hội trường Tỉnh ủy, Nhà máy cơ khí Vinh, Quân khu Bộ, Quân khu IV,… đều đã được xếp hạng Di tích quốc gia và cấp tỉnh. Khu Di tích Kim Liên, Nam Đàn, nơi lưu giữ không gian văn hóa, lịch sử và nhiều tài liệu, hiện vật gắn liền với tuổi thơ của Người, bao gồm 2 cụm di tích chính, 14 di tích thành phần, là 1 trong 5 Di tích quốc gia đặc biệt liên quan đến Chủ tịch Hồ Chí Minh của cả nước.

Bên cạnh hệ thống các di tích, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn có nhiều bức thư, bài viết riêng cho quê hương Nghệ An. Từ bức thư đầu tiên ngày 17/9/1945 cho đến bức thư cuối cùng ngày 21/7/1969, Bác đã gửi về quê hương 25 bức thư, 02 bức điện và nhiều bài nói chuyện, bài viết trên báo chí và các bức thư gửi chung cho cả quân, dân Liên khu IV, Bắc Trung bộ,... trong đó có đề cập đến quân, dân Nghệ An.

Nghệ An càng tự hào giữa trung tâm thành phố Vinh có một công trình mang tên Bác kính yêu - Quảng trường Hồ Chí Minh và Tượng đài Bác Hồ. Công trình được khởi công xây dựng vào ngày 19/5/2000 và khánh thành vào ngày 19/5/2003, đúng dịp Kỷ niệm 113 năm ngày sinh của Người. Trải qua 20 năm hoạt động, Quảng trường Hồ Chí Minh thực sự phát huy được giá trị, là nơi tổ chức các hoạt động văn hóa - xã hội lớn của Tỉnh, một điểm đến của du khách khi hành hương về thăm quê Bác, có vai trò quan trọng trong công tác tuyên truyền, giáo dục tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, giáo dục truyền thống yêu nước, cách mạng cho thế hệ trẻ.

2. Công tác phát huy các di tích, công trình lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh trong việc giáo dục truyền thống quê hương xứ Nghệ

Những năm qua, hệ thống các di tích, công trình lưu niệm về Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Nghệ An đã có vai trò quan trọng trong việc tuyên truyền, giới thiệu về thân thế, sự nghiệp của Người, góp phần thiết thực vào việc giáo dục truyền thống yêu nước, đạo đức cách mạng, phong cách, lối sống cho nhiều thế hệ. Mỗi người dân Việt Nam khi về với quê Bác như thấy mình trở về với nguồn cội thiêng liêng mà vô cùng gần gũi, giản dị. Bên cạnh những hệ thống di tích này, những lời nói, bài viết của Người cũng là nguồn cảm hứng để mỗi cán bộ, đảng viên học tập và noi theo.

Hiện nay, các khu di tích, công trình lưu niệm, tiêu biểu là Khu Di tích Kim Liên - nơi lưu niệm những di tích, di vật gắn với quê hương, gia đình thời niên thiếu và chứng kiến hai lần Bác Hồ về thăm quê; Quảng trường Hồ Chí Minh - nơi có Tượng đài Bác Hồ, nơi thường xuyên đón tiếp các đoàn lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các tỉnh, thành trên khắp cả nước và nhân dân đến dâng hương, dâng hoa tưởng niệm và báo công lên Bác nhân các dịp lễ, Tết, ngày kỷ niệm trọng đại của đất nước và của Tỉnh. Nơi đây cũng là nơi tổ chức các chương trình tuyên dương những điển hình học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Khu Di tích, công trình lưu niệm đã và đang từng bước trở thành trung tâm giáo dục truyền thống, nơi tổ chức các hoạt động cụ thể hóa việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Hầu hết các tổ chức, đơn vị thuộc mọi thành phần đều lựa chọn Khu Di tích Kim Liên và Quảng trường Hồ Chí Minh để thực hiện nghi lễ phát động thi đua, báo công với Bác Hồ, kết nạp đảng viên, đoàn viên, đội viên, lễ xuất quân.

Hằng năm, các điểm di tích, công trình lưu niệm thường xuyên tổ chức các cuộc trưng bày chuyên đề về cuộc đời, sự nghiệp Chủ tịch Hồ Chí Minh. Những cuộc trưng bày này đã thu hút hàng trăm đoàn, với hàng nghìn lượt khách đến tham quan, nghe thuyết minh về cuộc đời và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong đó có rất nhiều đoàn, đối tượng là cán bộ, đảng viên, các tổ chức, đoàn thể chính trị, xã hội, học sinh, sinh viên, lực lượng vũ trang, hội cựu chiến binh, hội phụ nữ,... tạo sự lan tỏa việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Ngoài ra, các di tích, công trình lưu niệm cũng thường xuyên tổ chức các cuộc nói chuyện truyền thống về Bác Hồ tại các trường học và địa phương trong Tỉnh, làm cho tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh ngày càng đi vào chiều sâu, thiết thực và hiệu quả.

 Các di tích, công trình lưu niệm đã thực sự trở thành những trường học trực quan sinh động mang lại hiệu quả thiết thực trong việc giáo dục truyền thống yêu nước, đạo đức cách mạng, phong cách, lối sống cho thế hệ trẻ.

3. Một số giải pháp bảo tồn, phát huy các di tích, công trình lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh trên địa bàn tỉnh Nghệ An

Để tiếp tục bảo tồn, phát huy tốt giá trị các di tích, công trình lưu niệm, góp phần quan trọng vào công tác giáo dục truyền thống yêu nước, cách mạng cho thế hệ trẻ, phát huy di sản Hồ Chí Minh trên quê hương Xứ Nghệ, các di tích, công trình lưu niệm liên quan đến Chủ tịch Hồ Chí Minh, cần thực hiện tốt một số giải pháp sau:

Thứ nhất, cần tiếp tục quan tâm công tác bảo tồn, tôn tạo các di tích liên quan đến Chủ tịch Hồ Chí Minh theo đúng quy định của Luật Di sản văn hóa. Giải pháp bảo tồn, tôn tạo di tích có thể rất đa dạng, linh hoạt. Tuy nhiên, để bảo tồn một cách hiệu quả cần lựa chọn các giải pháp khoa học, thiết thực, phù hợp với từng di tích công trình, tạo nên dấu ấn, sức hấp dẫn riêng của từng địa điểm. Phải làm sao để mỗi di tích, công trình là nơi dấu ấn sâu sắc, thiêng liêng về lãnh tụ vĩ đại của dân tộc, là điểm tham quan du lịch hấp dẫn đối với du khách trong và ngoài nước, góp phần tuyên truyền, giáo dục truyền thống yêu nước và lòng tự hào dân tộc.

Thứ hai, tiếp tục tổ chức, lan tỏa hơn nữa các hoạt động tri ân, tưởng niệm và đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, giáo dục về tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh tại các di tích, công trình lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh trên địa bàn tỉnh Nghệ An. Các hoạt động tri ân, tưởng niệm, dâng hoa, dâng hương báo công với Bác; tổ chức các sinh hoạt chính trị, chuyên đề của các cơ quan, đơn vị, trường học; tổ chức tham quan trưng bày chuyên đề; tổ chức các chương trình nghệ thuật về Bác,… là những hoạt động thiết thực, rất cần được tiếp tục phát huy để không ngừng nâng cao hiệu quả tuyên truyền, giáo dục tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đến cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân. Đồng thời, cần đa dạng hóa hơn nữa các hoạt động nhằm tăng cường vai trò của các di tích, công trình lưu niệm về Bác trong việc lan tỏa, nâng tầm các giá trị tốt đẹp của văn hóa Hồ Chí Minh đến cộng đồng, đặc biệt là thế hệ trẻ. Ngoài ra, cần nghiên cứu tổ chức thêm một số hoạt động trải nghiệm tập thể theo các chủ đề, tổ chức các buổi nói chuyện chuyên đề về Bác, kết hợp dâng hoa, báo công với Bác; tổ chức các cuộc thi tìm hiểu về hệ thống Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh trong Tỉnh; tổ chức trồng cây, dọn vệ sinh môi trường,… để góp phần tìm hiểu, thấm nhuần tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh thông qua các hoạt động cụ thể tại di tích cho học sinh các cấp, đoàn viên, thanh niên, lực lượng vũ trang,… đảm bảo nội dung các hoạt động phù hợp với từng đối tượng.

Thứ ba, xây dựng di tích, công trình lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh trên địa bàn tỉnh Nghệ An thành không gian văn hóa Hồ Chí Minh trong đó chú trọng Khu Di tích Kim Liên và Quảng trường Hồ Chí Minh.

Xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh là một nội dung khó nhưng hoàn toàn phù hợp với địa điểm di tích về Bác Hồ tại Nghệ An để góp phần phát huy hiệu quả của các di tích, công trình. Với các cụm di tích và các hạng mục công trình đã được xây dựng, như: Di tích gốc quê nội tại Kim Liên, quê ngoại tại Hoàng Trù, khu mộ bà Hoàng Thị Loan, Núi Chung, Nhà tả vu hữu vu, các hộ láng giềng từ thế kỷ 19 (tại Khu Di tích Kim Liên); Tượng đài Bác Hồ, lễ đài, sân hành lễ, núi Chung mô phỏng (tại Quảng trường Hồ Chí Minh),… là cơ sở cho việc quy hoạch một không gian văn hóa đồng bộ, kết hợp xây dựng thêm không gian trưng bày các tư liệu, hiện vật, hình ảnh về gia đình, quê hương, thời niên thiếu của Bác, về quá trình hình thành, phát triển của công trình Quảng trường, về tư tưởng Hồ Chí Minh và Bác Hồ với quê hương, quê hương với Bác,… Tại Quảng trường, cải tạo, hoàn thiện không gian khánh tiết, không gian thờ tự, đảm bảo đáp ứng nhu cầu dâng hương tưởng niệm Bác của nhân dân, du khách khi đến với Quảng trường. Cùng với đó, phải xây dựng được các sản phẩm lưu niệm, các thiết kế riêng có của Khu Di tích Kim Liên, Quảng trường Hồ Chí Minh và các di tích công trình về Bác trên địa bàn tỉnh Nghệ An với hình ảnh, cảm hứng chủ đạo là chân dung, tinh thần, tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Không gian văn hóa Hồ Chí Minh ngoài không gian thực, còn phải tính đến xây dựng không gian ảo, không gian trên mạng internet. Với không gian văn hóa Hồ Chí Minh được định hình, mỗi người dân, du khách khi đến với Quảng trường Hồ Chí Minh ở mọi không gian, mọi góc nhìn đều được tiếp cận với các giá trị vật thể và phi vật thể gắn với di sản văn hóa của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Thứ tư, tiếp tục nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ hướng dẫn viên tại các di tích, công trình lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh là một nhiệm vụ quan trọng. Đây là yêu cầu thiết yếu để thích ứng với thời đại và phát huy giá trị di sản về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Cần bồi dưỡng, trang bị những kiến thức kỹ năng và nghiệp vụ cho đội ngũ hướng dẫn viên hiểu biết sâu về tiểu sử, sự nghiệp Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhất là tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người. Bên cạnh đó, cần xây dựng đề cương hướng dẫn phù hợp với từng đối tượng khách tham quan.

Thứ năm, hoàn thiện chiến lược truyền thông, tăng cường hơn nữa công tác chuyển đổi số, đa dạng hóa công tác tuyên truyền. Truyền thông có vai trò quan trọng trong việc phát triển, quảng bá các hoạt động của các di tích, công trình lưu niệm, bởi thông qua truyền thông để quảng bá các hoạt động của công trình. Các di tích, công trình lưu niệm phải tiếp cận và ứng dụng công nghệ số, có thể sử dụng phương pháp truyền thông hiện đại, như: xây dựng không gian trưng bày 3D, xây dựng website, fanpage,… để du khách có thể tham quan các điểm di tích, tìm hiểu thông tin dù ở bất cứ nơi đâu.

Thứ sáu, xây dựng chiến lược kết nối các di tích, công trình lưu niệm về Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Nghệ An trong hệ thống điểm đến du lịch về nguồn. Về với quê hương Bác, du khách biết đến Khu lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Kim Liên - nơi lưu giữ những kỷ niệm của Bác từ thời niên thiếu. Quảng trường Hồ Chí Minh ở trung tâm Thành phố Vinh lại là một thiết chế văn hóa mới để những giá trị di sản Hồ Chí Minh được phát huy, lan tỏa, hòa nhập với những giá trị văn hóa mới. Các di tích còn lại, như: Nông trường Đông Hiếu, Hợp tác xã Vĩnh Thành, Nghĩa trang liệt sĩ Thái Lão, Nhà máy điện Vinh, Hội trường Tỉnh ủy, Nhà máy cơ khí Vinh, Quân khu Bộ, Quân khu IV là những di tích lịch sử có giá trị gắn với dấu mốc địa danh lịch sử trên địa bàn Tỉnh cũng như dấu ấn của quân và dân tỉnh Nghệ An trên hành trình đấu tranh giành độc lập và xây dựng, kiến thiết đất nước,… Vì vậy, kết nối các di tích, công trình lưu niệm về Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Nghệ An trong hệ thống các di tích, các điểm đến về nguồn là rất cần thiết. Việc kết nối này bắt đầu từ các điểm di tích trong Tỉnh, đến việc mở rộng kết nối với hệ thống các di tích về Chủ tịch Hồ Chí Minh trong cả nước, từ Pắc Bó, Cao Bằng đến Thủ đô Hà Nội, về với quê hương Người ở xứ Nghệ để tiếp nối vào phương Nam, tạo thành một hành trình theo dấu chân Bác trên mọi miền Tổ quốc.

Nghệ An tự hào là tỉnh có nhiều di tích, công trình liên quan đến Chủ tịch Hồ Chí Minh. Với tấm lòng thành kính và biết ơn vô hạn công lao to lớn của Người, Đảng bộ và nhân dân Nghệ An sẽ tiếp tục bảo tồn và phát huy các di tích, công trình lưu niệm để các địa điểm này trở thành nơi giáo dục truyền thống yêu nước, cách mạng của Xứ Nghệ./.

Ths Nguyễn Thị Lan Hương

Trưởng ban Ban Quản lý Quảng trường Hồ Chí Minh và Tượng đài Bác Hồ

Bài viết khác: