Chủ tịch Hồ Chí Minh thuở thiếu thời có hai lần cùng gia đình đến sinh sống, học tập và bước đầu tham gia các hoạt động yêu nước trên đất Thừa Thiên Huế, đó là thời kỳ từ năm 1895 đến năm 1901, khi Người ở tuổi thiếu niên mang tên Nguyễn Sinh Cung (5-11 tuổi); và thời kỳ thứ 2 từ năm 1906 - 1909, khi Người đã ở tuổi thanh niên, mang tên Nguyễn Tất Thành (16 - 19 tuổi). Chính nơi đây là quê hương thứ hai, là mảnh đất góp phần nuôi dưỡng, hun đúc và bước đầu hình thành tư tưởng yêu nước, thương dân đầu tiên của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nơi đã thôi thúc Người quyết định đi ra nước ngoài “tìm đường cứu nước, cứu dân”.
Thời gian sống ở Huế tuy không dài, chỉ khoảng 10 năm, nhưng đó lại là thời gian đặc biệt ý nghĩa đối với nhận thức khởi đầu của một con người, đúng như cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã từng nhận định: “Thời gian ở Huế là thời gian Nguyễn Tất Thành lớn lên và bắt đầu đi học, những năm tháng đó là thời gian cực kỳ quan trọng đối với sự hình thành con người Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh.... thời gian hình thành một con người lạ lùng với những ý tưởng lạ lùng”.
Khoảng thời gian 10 năm (1895-1901 và 1906-1909), Người và gia đình sống ở Huế đã để lại một hệ thống di tích vô cùng quý giá. Việc bảo tồn và phát huy các giá trị hệ thống Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh sẽ góp phần triển khai Nghị quyết 54-NQ/TW ngày 10/12/2019 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản Cố đô và bản sắc văn hóa Huế.
1. Hệ thống Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Thừa Thiên Huế
Thừa Thiên Huế đang lưu giữ không gian văn hóa, lịch sử và nhiều tài liệu, hiện vật gắn liền với tuổi niên thiếu của Chủ tịch Hồ Chí Minh, bao gồm khoảng 20 di tích và địa điểm di tích có liên quan trực tiếp đến gia đình Người, trong đó có 4 di tích đã được xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt và 5 Di tích cấp tỉnh.
a) Ngôi nhà 112 Mai Thúc Loan
Ngôi nhà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sống khi theo gia đình vào Huế lần thứ nhất từ năm 1895 đến năm 1901. Ngôi nhà lưu giữ nhiều kỷ niệm thời thơ ấu của Bác Hồ, chứng kiến những năm tháng miệt mài đèn sách của ông Nguyễn Sinh Sắc, sự đảm đang của bà Hoàng Thị Loan, chứng khiến sự lớn lên và trưởng thành của hai anh em Nguyễn Sinh Khiêm, Nguyễn Sinh Cung. Đặc biệt, ngôi nhà này là nơi bà Hoàng Thị Loan sinh người con thứ tư là cậu bé Nguyễn Sinh Xin và cũng là nơi bà đã trút hơi thở cuối cùng. Hiện nay, di tích này còn giữ được nhiều hiện vật quý, là nơi có số lượng đông khách đến tham quan, dâng hương.Di tích đã được xếp hạng là Di tích quốc gia đặc biệt.
b) Nhà lưu niệm Bác Hồ ở Dương Nỗ, xã Phú Dương, thành phố Huế
Ngôi nhà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sống từ năm 1898 đến 1900, khi Người cùng anh theo cha về đây dạy học. Năm 1898, ông Nguyễn Sinh Sắc đã được ông Nguyễn Sĩ Độ mời về nhà dạy học tại làng Dương Nỗ. Tại lớp học chữ Hán của cha trong ngôi nhà này, Nguyễn Sinh Cung đã được học những chữ Hán đầu tiên, đặt nền móng cho nền học vấn Hán học của Người. Nhà lưu niệm Bác Hồ ở làng Dương Nỗ là một ngôi nhà tranh ba gian hai chái, vách ghép ván. Đồ đạc trong nhà đơn sơ giản dị, ở giữa kê bộ phản gỗ gõ để ông Sắc ngồi dạy học, hai bộ phản khác kê hai bên để cho học trò trong làng cùng ngồi học; góc trong, gian bên trái kê giường gỗ, dát tre, là nơi Nguyễn Sinh Khiêm, Nguyễn Sinh Cung thường nằm; góc trong, gian bên phải kê một chiếc rương để đựng đồ đạc. Hai chái hai đầu là nơi sinh hoạt và cất trữ thực phẩm của ba cha con. Nối với nhà chính là ngôi nhà ngang ba gian, mái lợp tranh, vách trát đất được sử dụng làm bếp sinh hoạt của gia đình.Di tích đã được xếp hạng là Di tích quốc gia đặc biệt.
c)Đình làng Dương Nỗ
Là nơi Nguyễn Sinh Cung thường ra vui chơi, quan sát và tìm hiểu về lịch sử ngôi Đình cũng như đời sống văn hóa - tinh thần của nhân dân trong làng vào thời gian Người sống và học tập ở đây (1898 - 1900). Đình làng Dương Nỗ được xây dựng từ đời vua Lê Thánh Tông (1471) để thờ các vị tiền nhân, lúc đầu Đình mới chỉ được làm bằng tranh, tre, nứa, lá; Đến năm 1808, dưới thời vua Gia Long được sự giúp đỡ của Khoái Châu quận công Nguyễn Đức Xuyên (sau này ông là Thượng thư Bộ Công), Đình được cải tạo có kiến trúc như ngày nay. Di tích đã được xếp hạng là Di tích quốc gia đặc biệt.
d) Trường Quốchọc
Trường được thành lập ngày 17/9 năm Thành Thái thứ 8 (23/10/1896) và Nghị định ngày 18/11/1896 của Phủ Toàn quyền Đông Dương. Năm 1908, Nguyễn Tất Thành là một trong 10 học sinh giỏi nhất của trường Tiểu học Pháp - Việt Đông Ba thi vượt cấp vào lớp đệ nhị niên trung học tại trường Quốc Học niên khóa 1908 - 1909. Thời kỳ Nguyễn Tất Thành theo học, trường Quốc Học chỉ là những dãy nhà tranh vốn là trại lính thủy quân Hoàng gia được cải tạo lại. Bao bọc xung quanh trường phía trước là tường xây bằng gạch, màu đỏ sậm, cổng trường có lối kiến trúc cổ kính với hai tầng, tầng trên bằng gỗ, mái lợp ngói. Di tích đã được xếp hạng là Di tích quốc gia đặc biệt.
Ở Huế, bên cạnh 4 di tích chính vừa được Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định xếp hạng là Di tích quốc gia đặc biệt năm 2020, trong Hệ thống Di tích thời niên thiếu Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Thừa Thiên Huế còn có 5 di tích được xếp hạng là Di tích cấp tỉnh đó là các di tích Bến Đá; Am Bà;địa điểm mai táng bà Hoàng Thị Loan (Thân mẫu Chủ tịch Hồ Chí Minh) tại núi Tam Tầng;Tòa Khâm sứ Trung Kỳ; Trường Tiểu học Pháp - Việt Đông Ba.
2 Bảo tồn và phát huy giá trịhệ thống Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Thừa Thiên Huế
Hiện nay, di tích liên quan đến Chủ tịch Hồ Chí Minh trải rộng trên địa bàn 31 tỉnh, thành trong cả nước với hơn 660 địa điểm, sự kiện. Trong thời gian qua, cũng như các di tích, điểm di tích về Chủ tịch Hồ Chí Minh trên toàn quốc, hệ thống di tích lưu niệm về Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Thừa Thiên Huế đã được quan tâm đầu tư tu bổ bằng các nguồn kinh phí của tỉnh Thừa Thiên Huế; Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Nhiều dự án được triển khai như: Tu bổ, tôn tạo di tích lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh ở làng Dương Nỗ, tại 112 Mai Thúc Loan; xây dựng nhà bia tưởng niệm bà Hoàng Thị Loan (thân mẫu Chủ tịch Hồ Chí Minh) tại núi Bân; tượng đài Nguyễn Tất Thành (Chủ tịch Hồ Chí Minh) tại sân trường Quốc Học; xây dựng lại Bảo tàng Hồ Chí Minh Thừa Thiên Huế; xây dựng biểu tượng anh Nguyễn Tất Thành (Chủ tịch Hồ Chí Minh) tham gia phong trào đấu tranh chống thuế tại Tòa Khâm sứ Trung kỳ năm 1908; chỉnh trang cảnh quan địa điểm di tích trường Tiểu học Pháp - Việt Đông Ba (nay là vườn hoa Phan Đăng Lưu); tu bổ đình làng Dương Nỗ; chỉnh lý, sửa chữa hệ thống trưng bày tại nhà đa năng ở Di tích Nhà lưu niệm Bác Hồ làng Dương Nỗ và Nhà lưu niệm Bác Hồ và truyền thống trường Quốc Học,... Các di tích được trùng tu, tôn tạo đã tôn trọng các yếu tố nguyên gốc của di tích, bảo tồn theo đúng Luật Di sản văn hóa. Công tác tu bổ nhằm đảm bảo độ bền vững về mặt kết cấu, phục hồi những chi tiết đã bị hư hỏng theo thời gian, không làm mất yếu tố gốc, phá vỡ cảnh quan di tích.
Trong những năm qua, Bảo tàng Hồ Chí Minh Thừa Thiên Huế chú trọng đến công tác phát huy giá trị các di tích trong hệ thống Di tích lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Thừa Thiên Huế. Bảo tàng đã nghiên cứu thực hiện các đề tài khoa học nhằm phát huy giá trị di tích như: “Nghiên cứu phát huy giá trị hệ thống Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh và di tích cách mạng ở Thừa Thiên Huế”; đổi mới công tác tuyên truyền, giáo dục tại Bảo tàng Hồ Chí Minh Thừa Thiên Huế; tăng cường các hoạt động trải nghiệm, khám phá tại các di tích lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh,… và gần đây nhất là Đề án “Phát huy giá trị hệ thống di tích Bác Hồ gắn với phát triển du lịch”. Trong thời gian qua Đề án “Phát huy giá trị hệ thống Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Thừa Thiên Huế phục vụ phát triển du lịch”đã được triển khai thực hiện với các công việc, như: chỉnh lý không gian trưng bày bổ sung tại Nhà lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh ở làng Dương Nỗ; không gian trưng bày bổ sung về truyền thống lịch sử và văn hóa làng Dương Nỗ tại Nhà tăng thuộc di tích Đình làng Dương Nỗ; chỉnh lý trưng bày Nhà lưu niệm Bác Hồ và truyền thống trường Quốc Học.
Tổ chức Cuộc thi sáng tác clip quảng bá di sản của Chủ tịchHồ Chí Minh chủ đề “Di sản Hồ Chí Minh ở Huế - Sống mãi với thời gian” là hoạt động ý nghĩa nhằm tuyên truyền, quảng bá giá trị di sản văn hóa về Người ở Huế đến với quần chúng nhân dân, du khách trong và ngoài nước, góp phần đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; phục vụ phát triển du lịch. Tại cuộc thi có 16 tác giả là các phóng viên, cộng tác viên báo chí, giảng viên đại học, giáo viên, những người làm việc tự do biết đến cuộc thi, tâm huyết với các di sản văn hóa của Chủ tịch Hồ Chí Minh, muốn nghiên cứu, tìm hiểu, sáng tạo, đóng góp vào công tác tuyên truyền, quảng bá di sản của Chủ tịch Hồ Chí Minh Thừa Thiên Huế. Đề tài của Cuộc thi tập trung vào các nội dung: Giá trị lịch sử, khoa học, thẩm mỹ của các di tích lưu niệm của Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Thừa Thiên Huế; tư liệu, hiện vật quý lưu niệm về Chủ tịch Hồ Chí Minh; những câu chuyện về tình cảm của Bác Hồ với Thừa Thiên Huế; nhân dân Thừa Thiên Huế đối với Người; di sản gắn với học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
Để tiếp tục phát huy giá trị của Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh, Thừa Thiên Huế chú trọng việc xây dựng website quảng bá về hệ thống Di tích lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại ThừaThiên Huế; xây dựng tour du lịch “Theo chân Bác Hồ thời niên thiếu ở Huế”, bao gồm cả tổ chức hội nghị lấy kiến và tổ chức tour thực nghiệm; xây dựng hệ thống thuyết minh tự động phục vụ du khách (thiết bị và phần mềm) tại Nhà trưng bày bảo tàng và các di tích; xây dựng kế hoạch tổ chức dâng hương, dâng hoa trở thành một lễ hội vừa mang tính tri ân, tôn vinh Chủ tịch Hồ Chí Minh vừa gắn với phát triển du lịch vào dịp 19/5 (kỷ niệm Ngày sinh của Bác Hồ) tại bảo tàng và các di tích lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh,bao gồm các hoạt động: Lễ rước hoa dâng lên Chủ tịch Hồ Chí Minh; tổ chức các hoạt động văn hóa: hoạt động trải nghiệm (viết thư pháp, têm trầu, trò chơi dân gian, hoạt cảnh, kể chuyện,...); liên hoan ca nhạc ca ngợi quê hương đất nước, Bác Hồ,....
Trong phát huy giá trị hệ thống Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Thừa Thiên Huế, cần tập trung vào một số nội dung sau:
- Phát huy giá trị trong giáo dục truyền thống.
Giáo dục truyền thống cách mạng và tôn vinh, tri ân Chủ tịch Hồ Chí Minh - Anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hóa kiệt xuất cho quần chúng nhân dân, đặc biệt thế hệ trẻ, là nhiệm vụ quan trọng trong quá trình phát huy giá trị di sản văn hóa của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Bảo tàng Hồ Chí Minh Thừa Thiên Huế đã chủ động tổ chức các hoạt động gắn kết giữa di sản với giáo dục học đường, giáo dục suốt đời; liên kết chặt chẽ với ngành giáo dục đưa học sinh, sinh viên đến tham quan, học tập tại di tích. Nhiều hoạt động trải nghiệm, tìm hiểu, khám phá về di sản, thân thế sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đặc biệt là thời niên thiếu Bác Hồ ở Huế, đã tạo được sức thu hút đối với học sinh, sinh viên; qua những giờ ngoại khóa ở đây kiến thức lịch sử, văn hóa, về Chủ tịch Hồ Chí Minh được ghi nhớ, bồi đắp trong tâm hồn và trí tuệ của các em. Trong thời gian qua, các Di tích thời niên thiếu Bác Hồ ở Huế đã thu hút đông đảo học sinh các trường học các cấp trên địa bàn đến tham quan, học tập. Đặc biệt là từ khi triển khai Kế hoạch phối hợp giữa sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Văn hóa và Thể thao trong việc đưa học sinh đến tham quan, giáo dục truyền thống tại các di tích Lịch sử đặc biệt là hệ thống di tích thời niên thiếu Bác Hồ ở Huế, đã tạo điều kiện cho các trường học đưa học sinh đến tham quan di tích ngày càng đông hơn. Bằng việc đổi mới các nội dung trưng bày, đổi mới và đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, đẩy mạnh các hoạt động trải nghiệm, khám phá Di tích, Bảo tàng Hồ Chí Minh Thừa Thiên Huế đã xây dựng được các chương trình tuyên truyền hiệu quả, chất lượng, hấp dẫn với đông đảo học sinh, sinh viên đến tham quan, trải nghiệm, học tập tại Di tích thời niên của Bác Hồ.
Công tác giáo dục truyền thống không chỉ được đẩy mạnh trong thế hệ trẻ, học sinh, sinh viên, mà trong cán bộ, công chức, viên chức nhà nước cũng cần nêu cao, đặc biệt khi việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đi vào chiều sâu; các di tích lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Thừa Thiên Huế đã phát huy vai trò làm cầu nối giữa mỗi cá nhân với tri thức lịch sử, văn hóa, với tư tưởng, phong cách, đạo đức trong sáng của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
- Phát huy giá trị trong việc phục vụ công tác nghiên cứu lịch sử, thân thế, sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Hệ thống Di tích lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Thừa Thiên Huế chính là di sản vật chất, thực tiễn sinh động mà ở đó các giá trị khoa học, lịch sử, văn hóa, thẩm mỹ trở thành đối tượng nghiên cứu của các nhà khoa học.
- Phát huy giá trị gắn với phát triển du lịch.
Nhìn ở góc độ phát triển du lịch, hệ thống di tích lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Thừa Thiên Huế đáp ứng khả năng khai thác phát triển du lịch với các tiêu chí: Có giá trị lịch sử, văn hóa sâu sắc; hình ảnh điểm đến phong phú, đa dạng; hạ tầng giao thông tương đối thuận lợi; nguồn nhân lực phục vụ tốt... Chính vì vậy, thời gian qua, Bảo tàng Hồ Chí Minh đã có những định hướng như khảo sát, xây dựng tour, tuyến, tăng cường dịch vụ văn hóa, xã hội hóa nâng cấp cơ sở hạ tầng để gắn di sản với phát triển du lịch.
Ngày 31/12/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 2280/QĐ-TTg về việc Xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt cho 4 di tích thuộc hệ thống Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Thừa Thiên Huế.
Để tiếp tục bảo tồn và phát huy các giá trị hệ thống Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Thừa Thiên Huếmột cách có hiệu quả trong bối cảnh hiện nay cần tập trung những điểm chủ yếu sau:
Thứ nhất, xây dựng đề án nâng cấp trùng tu, tôn tạo hệ thống Di tích đã được xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt, quan tâm đầu tư kinh phí bảo tồn, trùng tu tôn tạo các di tích liên quan trực tiếp đến thời niên thiếu của Người, đặc biệt sử dụng có hiệu quả các nguồn lực xã hội, tạo điều kiện thuận lợi nhất để nhân dân trực tiếp tham gia vào quá trình bảo tồn và phát huy các giá trị.
Thứ hai, chính quyền địa phương cần tiếp tục phối hợp cùng nhà trường lựa chọn những di tích về Chủ tịch Hồ Chí Minhđể đưa vào thực hiện chương trình “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực” hoặc tổ chức các chuyến tham quan thực tế đến các di tích để tạo môi trường cho học sinh, sinh viên tham gia bảo vệ di tích, đây là một trong những giải pháp mang tính lâu dài và bền vững. Từ việc tìm hiểu, chăm sóc các Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh sẽ giáo dục thế hệ trẻ có tinh thần yêu nước và lòng tự hào dân tộc.
Thứ ba, quy hoạch chi tiết các di tích nhằm hạn chế các hành vi lấn chiếm vi phạm,đề ra những kế hoạch, chương trình và các hoạt động cụ thể nhằm bảo tồn và phát huy giá trị di sản quý báu này gắn với phát triển du lịch một cách bền vững và hiệu quả. Có các biện pháp để giữ gìn, tôn tạo, nâng cao giá trị các di tích; khôi phục và phát triển các giá trị phi vật thể gắn với các Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh nhằm thu hút nhiều đối tượng tham quan.Đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến du lịch, xây dựng các ấn phẩm văn hóa nhằm phục vụ tốt nhất việc tìm hiểu bảo tàng và hệ thống Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Thừa Thiên Huế.
Thứ tư, tiếp tục phát huy giá trị di sản Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Thừa Thiên Huế trở thành địa chỉ văn hóa có giá trị về lịch sử, văn hóa, khoa học, thẩm mỹ là nhiệm vụ then chốt của ngành văn hóa nói chung, của Bảo tàng Hồ Chí Minh Thừa Thiên Huế nói riêng trong đời sống văn hóa - xã hội hôm nay.Tăng cường phát huy giá trị di sản gắn với giáo dục truyền thống cách mạng, gắn với giáo dục học đường, đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh với nhiều hoạt động thiết thực; tăng cường tổ chức liên kết, kết nghĩa với nhiều đơn vị, tổ chức xã hội, mở rộng giao lưu, thu hút nhiều đối tượng khách tham quan thường xuyên đến và gắn bó với di tích bằng nhiều loại hình sinh hoạt phong phú.
- Luôn đổi mới nội dung, hình thức hoạt động trải nghiệm, tìm hiểu khám phá để di tích trở thành nơi sinh hoạt văn hóa, giáo dục truyền thống bổ ích, lý thú cho mọi đối tượng khách tham quan.
- Gắn kết một cách chặt chẽ với Sở Giáo dục và Đào tạo, Đại học Huế để đưa di tích trở thành địa điểm ngoại khóa bổ ích trong việc giảng dạy, học tập lịch sử địa phương, học tập tư tưởng, đạo đức, lối sống của Bác Hồ một cách trực quan, sinh động.
Trong phát huy giá giá di sản Hồ Chí Minh gắn với định hướng phát triển du lịch góp phần đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, tuyên truyền, quảng bá đưa di sản Hồ Chí Minh giới thiệu cùng khách tham quan du lịch trong và ngoài nước. Để làm được điều đó, Bảo tàng đang nỗ lực liên kết với các đơn vị quản lý di sản khác trong tỉnh và các đơn vị lữ hành xây dựng các tour du lịch khám phá về các di tích lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng như các di sản lịch sử văn hóa trong tỉnh.
Bảo tàng và di tích lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Thừa Thiên Huế nằm trong hệ thống Bảo tàng và di tích lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh trên toàn quốc. Trong quá trình phát huy giá trị di sản, các bảo tàng và di tích trong hệ thống đã có sự kết nối, phối hợp tổ chức các hoạt động, tuy nhiên cần liên kết, phối hợp chặt chẽ hơn nữa, xây dựng kế hoạch hoạt động, sản phẩm văn hóa, sản phẩm du lịch có sự kết nối của cả hệ thống, xây dựng hệ thống ngày càng vững mạnh và phát triển đi lên.
Hệ thống Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Thừa Thiên Huế chính là sự phản ánh một giai đoạn lịch sử về chân dung của một vị lãnh tụ thiên tài, người đã cống hiến trọn đời mình cho sự nghiệp đấu tranh giành độc lập, tự do, hạnh phúc cho Tổ quốc và nhân dân. Hệ thống di tích này thể hiện sự kết tinh, gắn kết giữa những giá trị cao đẹp của văn hóa dân tộc, truyền thống đặc trưng của xứ Huế với tầm vóc, trí tuệ lớn lao và tình cảm sâu sắc của Người đối với con người Huế, vùng đất Huế.
Hệ thống Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Thừa Thiên Huế được xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt đã tạo điều kiện để nâng cao hiệu quả quản lý, bảo tồn và phát huy những giá trị gắn liền theo các quy định hiện hành.Góp phần thiết thực triển khai, cụ thể hóa quan điểm xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế thành thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản cố đô và bản sắc văn hóa Huế./.
Ths Lê Thùy Chi
Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh Thừa Thiên Huế