Khu Di tích Nguyễn Sinh Sắc tại Đồng tháp là nơi gìn giữ phần Mộ của Cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc - Thân sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu. Sau nhiều lần tôn tạo, nơi đây đã trở thành một quần thể di tích lịch sử - văn hóa được xếp hạng cấp quốc gia và là một địa chỉ đỏ để đoàn thể tổ chức sinh hoạt truyền thống, là điểm du lịch về nguồn, thu hút đông khách viếng thăm. Là di tích trong hệ thống Bảo tàng, di tích lưu niệm về Hồ Chí Minh trong cả nước, hàng năm đón trên 300 lượt khách tham quan, Khu Di tích Nguyễn Sinh Sắc đã và đang phát huy tốt những giá trị di sản văn hóa Hồ Chí Minh trong công tác giáo dục truyền thống lịch sử cách mạng, tình yêu quê hương đất nước, giáo dục văn hóa truyền thống gia đình cho thế hệ trẻ.

Ðể tưởng nhớ và tri ân công lao, nhân cách, đạo đức cao cả của Cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc, chính quyền và nhân dân Ðồng Tháp đã xây dựng lại khu mộ Cụ Nguyễn Sinh Sắc vào năm 1975. Ðến nay, sau nhiều lần tôn tạo, Khu Di tích Cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc tại Cao Lãnh, Đồng Tháp đã trở thành Khu Di tích lịch sử - văn hóa nổi tiếng của Ðồng Tháp nói riêng và cả nước nói chung. Với diện tích gần9 ha, tổng thể khu di tích là một phức hợp kiến trúc hài hòa gồm nhiều hạng mục công trình chính như: Vòm mộ; Hồ Sao, Đền thờ Cụ Nguyễn Sinh Sắc; Nhà trưng bày cuộc đời và sự nghiệp Cụ Nguyễn Sinh Sắc; Mô hình Nhà sàn Bác Hồ - Ao sen Đồng Tháp và mô hình tái hiện một góc làng Hòa An xưa(nơi xưa Cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc từng sinh sống và cũng là nơi Cụ an nghỉ cuối đời).Tất cả toát lên vẻ giản dị mà uy nghi, gần gũi mà trang trọng, làm cho mỗi du khách khi đến đây không khỏi bồi hồi, xúc động khi tưởng nhớ đến Cụ Nguyễn Sinh Sắc và những người thân trong gia đình Cụ, trong đó có Chủ tịch Hồ Chí Minhkính yêu của dân tộc.

Khu Di tích Nguyễn Sinh Sắc tại Đồng Tháp là di tích lịch sử, văn hóa -một di sản văn hóa có ý nghĩa quan trọng, những kỷ vật được trưng bày, những câu chuyện được giới thiệu với du khách liên quan đến cuộc đời, sự nghiệp của Cụ Nguyễn Sinh Sắc, Chủ tịch Hồ Chí Minh là những bài học lịch sử vô giá về giáo dục truyền thống lịch sử, tình yêu quê hương đất nước, giáo dục truyền thống gia đình cho thế hệ trẻ. Chính những giá trị lịch sử văn hóa đó làm cho di tích đã trở thành điểm đến không chỉ để cho du khách đến tham quan, du lịch, mà còn để tìm hiểu về cuộc đời và sự nghiệp của Cụ phó bảng Nguyễn Sinh Sắc và Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Những ai đã từng đến kính viếng mộ phần của Cụ Nguyễn Sinh Sắc, khi tham quan xem những hiện vật đang được trưng bày nơi đây, chúng ta sẽ cảm nhận rõ sự đơn sơ, mộc mạc,… thể hiện một cuộc sống giản dị bình thường, rất nhẹ nhàng và thanh bạch của một con người giàu lòng nhân ái, yêu nước thương dân. Điều đó càng cho chúng ta thấy rằng: Chủ tịch Hồ Chí Minh - vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc Việt Nam đã có một sự ảnh hưởng cực kỳ to lớn từ đức sinh thành của mình, đó là Cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc. Nhân cách và tư tưởng yêu nước của Cụ Phó bảng đã ảnh hưởng đến quá trình hình thành nhân cách và tư tưởng yêu nước của cậu thanh niên Nguyễn Tất Thành - sau này trở thành Lãnh tụ của một quốc gia đó là Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu. Cuộc đời Cụ Sắc là một tấm gương về ý chí kiên cường, nỗ lực vượt khó, quá nửa đời người Cụ Sắc kiên trì học tập vươn lên đỉnh cao kiến thức, quyết tâm sắt đá để đạt được mục tiêu trở thành tấm gương sáng cho các con. Cụ Sắc còn là điển hình cho mẫu nhà nho lạc quan, tích cực trong cuộc sống, hoạt động không ngơi nghỉ.

Nói nhiều về Cụ Sắc như vậy, là để chúng ta thấy rằng hình ảnh của Cụ Sắc chính là tấm gương sáng chân thực nhất để các con của Cụ noi theo. Bác Hồ từ thuở nhỏ đã có được sự dạy dỗ nghiêm túc của người Cha, sự khuyên nhủ của người Mẹ nên Bác đã thừa hưởng một cách tuyệt vời từ hai đấng sinh thành về đạo đức làm người, lòng nhân ái, sự khoan dung, vị tha, nhân hậu, hàm chứa nhiều đức tính Cần - Kiệm - Liêm - Chính, nếp sống giản dị và đức tính khiêm tốn,… Tất cả những đức tính ấy đã được Bác Hồ không chỉ thừa hưởng, mà còn được Bác nuôi dưỡng, trau dồi và phát huy, thấm nhuần trong tim, trong máu và được Bác vận dụng để “đối nhân xử thế” trong mọi hoạt động, trở thành nhân cách cao đẹp của một lãnh tụ vĩ đại, một tấm gương sáng ngời, và tấm gương đạo đức của Bác đã trở thành một biểu tượng lớn, sáng mãi và lan tỏa trong lòng mọi thế hệ người dân Việt Nam, đó là “Đạo đức Hồ Chí Minh”. Với những giá trị về lịch sử, văn hóa, Khu Di tích đã và đang tiếp tục thực hiện tốt vai trò, chức năng tuyên truyền giáo dục truyền thống lịch sử đối với cộng đồng.

Đặc biệt, tại Khu Di tích còn có nhà trưng bày:“Chủ tịch Hồ Chí Minh với Cách mạng Việt Nam”, công trình này có ý nghĩa quan trọng và rất thiết thực cho việc học tập, nghiên cứu tìm hiểu về cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh trên con đường cứu nước, giải phóng dân tộc, đồng thời làm tăng thêm sự kết nối chặt chẽ giữa công tác tuyên truyền về Bác Hồ và Cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc. Tại nhà trưng bày “Chủ tịch Hồ Chí Minh với cách mạng Việt Nam”  và mô hình Nhà sàn Bác Hồ, du khách được nhìn thấy những hiện vật hết sức giản đơn nhưng các hiện vật này có một ý nghĩa vô cùng lớn, thể hiện được nhân cách, đạo đức cao cả của vị lãnh tụ của dân tộc Việt Nam, một con người rất đỗi bình dị. Cuộc sống và phong cách làm việc của Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn mang đậm dấu ấn riêng, nó gắn liền với tư tưởng, đạo đức, lối sống, cũng như mục đích sống giản dị mà vô cùng cao đẹp của Người. Đạo đức và lối sống của Chủ tịch Hồ Chí Minh vừa cao quý vừa thiết thực, lại luôn được thể hiện gương mẫu trong mọi lĩnh vực đời sống và hoạt động của Người, nó tạo thành một chỉnh thể nhất quán trong tư tưởng, có giá trị khoa học, đạo đức, nhân văn, thẩm mỹ… là tấm gương sáng để cho mọi thế hệ người dân Việt Nam học tập và làm theo.

Đã trải qua hơn nửa thế kỷ, Chủ tịch Hồ Chí Minh rời xa dân tộc ta, nhưng chúng ta không bao giờ quên được hình ảnh của một vị lãnh tụ đã hi sinh cả cuộc đời cho sự nghiệp Cách mạng của Đảng và nhân dân Việt Nam, Người vẫn sống mãi trong lòng non sông, đất nước và dân tộc Việt Nam.

Đối với những thế hệ trẻ người Việt Nam như chúng ta, Bác Hồ đã để lại một tài sản vô giá, đó là tấm gương đạo đức, tư tưởng, phong cách của Bác, là sự kết tinh những giá trị truyền thống của dân tộc. Trong những đức tính cao cả đó, có những bài học về ý thức, về tinh thần tiết kiệm ngay trong cuộc sống đời thường và ngay trong công việc của Người. Bởi vì qua rất nhiều câu chuyện kể về Bác Hồ sống giản dị và tiết kiệm, nó luôn dạy cho chúng ta những bài học sâu sắc về đức tính giản dị, sống tiết kiệm để trở thành một người công dân tốt. Thông thường những câu chuyện kể về Bác, về cuộc sống giản dị, chân thật, tiết kiệm, hết lòng vì nhân dân, phục vụ nhân dân,… sẽ khiến cho tự bản thân mỗi người chúng ta phải tự nhìn lại chính mình, tự soi rọi để sửa chữa hoàn thiện cho tốt hơn, đặc biệt, đối với thế hệ trẻ ngày nay, thì càng phải đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh nhiều hơn nữa để sống tốt hơn, có trách nhiệm hơn với bản thân mình, với xã hội, là hành trang sắc bén chống lại những lối sống lãng phí, xa hoa, nhỏ nhen, ích kỷ,… trong xã hội.

Mỗi khi nói về Bác Hồ thì cũng là dịp nhắc nhớ đến Cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc, một nhà nho yêu nước - Thân sinh của Bác Hồ kính yêu. Ông là một chí sĩ yêu nước thương dân, một người cha nhân hậu đã có công sinh thành dưỡng dục một nhân cách lớn, sau này trở thành lãnh tụ kính yêu của dân tộc Việt Nam.

Khi nói về đạo đức, nhân cách sống yêu nước thương dân của Cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc thì thực tế cho thấy rằng: Không phải khi Bác Hồ trở thành lãnh tụ của dân tộc Việt Nam thì chúng ta mới biết, mới thấy được cái “tâm”, cũng như về đạo đức, nhân cách sống của Cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc. Bởi, ngay từ khi Cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc từ quan và đi vào Nam (năm 1910), Cụ đã đi nhiều nơi gặp gỡ nhiều người để tuyên truyền, vận động cổ vũ, ủng hộ các phong trào yêu nước, nơi nào Cụ đến cũng được nhân dân yêu mến và chở che, đùm bọc.

Khi Cụ Sắc dừng chân tại Làng Hòa An xưa trên vùng đất Cao Lãnh (nay là Thành phố Cao Lãnh, Đồng Tháp) để sinh sống và tuyên truyền tư tưởng yêu nước cho nhân dân, thì bản thân Cụ Sắc, với hình ảnh một nhà nho có kiến thức uyên thâm, một người thầy thuốc tận tâm có cuộc sống thanh bạch, giản dị và nhân cách sống hiền từ, gần gũi. Chính nhân cách sống của Cụ Sắc đã trở thành một tấm gương sáng cho người dân Đồng Tháp noi theo.

Tại Khu Di tích Nguyễn Sinh Sắc bên cạnh việc gìn giữ bảo tồn, phát huy tốt giá trị của di sản thì công tác tuyên truyền, giáo dục về lịch sử, về truyền thống yêu nước, cũng như tuyên truyền về thân thế, cuộc đời và sự nghiệp của cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc luôn được đề cao, đặc biệt luôn gắn với tuyên truyền về thân thế, cuộc đời và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh, bởi mối quan hệ gia đình có truyền thống yêu nước, mối quan hệ cha - con. Cụ Sắc và Bác Hồ đã có tầm ảnh hưởng với nhau, nhân cách, đạo đức của hai con người này đã để lại cho hậu thế những di sản văn hóa quí giá của dân tộc Việt Nam.

Trong Khu Di tích Nguyễn Sinh Sắc, khi du khách đến đây, trước tiên là viếng, chiêm bái, dâng hương Cụ Phó bảng để tỏ lòng tri ân đạo đức, nhân cách của một nhà nho yêu nước. Sau khi dâng hương và viếng Mộ Cụ Sắc, du khách sẽ được tìm hiểu sâu hơn về cuộc đời và sự nghiệp của Cụ Phó bảng tại Nhà Trưng bày; được tham quan vùng đất Hòa An xưa- nơi Cụ Sắc đã sống từ năm 1927-1929 trong lòng yêu thương của người dân Hòa An - Cao Lãnh và cũng chính mãnh đất này là nơi yên nghỉ của Cụ vào năm 1929.

Cũng trong khuôn viên của Khu Di tích, du khách sẽ được tham quan Mô hình Nhà sàn Bác Hồ. Công trình được xây dựng vào tháng 02/1990 và khánh thành vào ngày 19/5/1990, nhân dịp kỉ niệm 100 ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Việc xây dựng mô hình Nhà sàn Bác Hồ ở Đồng Tháp với ý nghĩa sâu sắc, đó là Đồng Tháp muốn đưa Bác về bên ngôi mộ Cụ Phó bảng- Người Cha kính yêu của Bác, và để nhân dân miền Nam, những người không có điều kiện ra thăm Nhà sàn của Bác ở Thủ đô Hà Nội khi đến đây, bà con cũng hình dung được ngôi nhà của Bác Hồ, vị Lãnh tụ kính yêu lúc sinh thời đã sống và làm việc. Thông qua các hiện vật, tài liệu trưng bày trong Nhà sàn, khách tham quan càng hiểu thêm về đạo đức nhân cách của Bác. Chính sự kết nối các điểm tham quan tại Khu Di tích Nguyễn Sinh Sắc đã đem đến hiệu quả cao trong việc truyền tải nội dung trưng bày, kết nối công tác tuyên truyền về thân thế, cuộc đời Cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc gắn với tuyên truyền về Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Với di tích gốc là Mộ phần Cụ Sắc kết hợp tài liệu, hiện vật trưng bày một cách trực quan sinh động, vừa gợi mở dễ hiểu, vừa có thể diễn giải một cách sâu sắc mối dây liên kết giữa Cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc và Bác Hồ kính yêu. Cả hai Người là hai thế hệ nối tiếp nhau, có tư tưởng tiến bộ, đều chung chí hướng yêu nước thương dân, yêu dân tộc Việt Nam. Đặc biệt điểm chung nhất là tư tưởng, nhân cách, đạo đức, lối sống thanh bạch giản dị, tiết kiệm và sự cần kiệm, liêm chính, chí công vô tư, hết lòng vì dân, vì nước…là những di sản văn hóa quí báu, đậm chất nhân văn, là những bài học sâu sắc, là tấm gương sáng cho mọi thế hệ người dân Việt Nam noi theo.

Hơn bốn mươi năm xây dựng, hình thành và phát triển, hiện nay Khu Di tích Nguyễn Sinh Sắc đã trở thành một di tích lịch sử văn hóa nổi tiếng, một điểm tham quan, du lịch và nghiên cứu, học tập đối với nhân dân Đồng Tháp, du khách trong và ngoài nước; là Di tích nằm trong hệ thống Bảo tàng, di tích lưu niệm về Hồ Chí Minh trong cả nước, hàng năm đón trên 300 lượt khách tham quan, Khu Di tích Nguyễn Sinh Sắc đã và đang phát huy giá trị di sản văn hóa Hồ Chí Minh trong công tác giáo dục truyền thống lịch sử cách mạng, tình yêu quê hương đất nước, giáo dục văn hóa truyền thống gia đình cho thế hệ trẻ.

Đối với tấm lòng người dân miền Nam nói chung, người dân Đồng Tháp nói riêng, và nhất là đối tượng thanh thiếu niên, học sinh, sinh viên, thì Khu Di tích Nguyễn Sinh Sắc luôn có một ý nghĩa đặc biệt. Nơi đây vừa là di tích tưởng niệm, ghi nhớ tri ân công lao của Cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc - Thân sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu, vừa là điểm sinh hoạt truyền thống để các Đoàn thể tổ chức Lễ báo báo công, kết nạp Đoàn, Đội, Hội, Lễ tuyên dương cá nhân tiêu biểu.

Khu Di tích Nguyễn Sinh Sắc tại Đồng Tháp với những giá trị di sản vô giá đang được bảo tồn, tôn tạo, phát huy nhằm lan tỏa các giá trị về tinh thần yêu nước, tinh thần hiếu học, tình yêu thương gia đình đến với khách tham quan là việc làm có ý nghĩa hết sức to lớn, qua đó góp phần giáo dục về truyền thống lịch sử, tình yêu quê hương đất nước, giáo dục truyền thống gia đình cho thế hệ trẻ./.

Phan Thị Vũ Quyên

Giám đốc Khu Di tích Nguyễn Sinh Sắc tại Đồng Tháp

Bài viết khác: