Chủ tịch Hồ Chí Minh - Anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hóa kiệt xuất nhưng trước hết Người đã là một nhà giáo dục. Sự nghiệp giáo dục của Người bắt đầu từ Thầy giáo Nguyễn Tất Thành ở mái trường Dục Thanh - Phan Thiết. Năm 1910, trên bước đường ra đi tìm đường cứu nước, ở tuổi 20 sôi nổi, đầy nhiệt huyết và ý chí quyết tâm cứu dân, cứu nước, Nguyễn Tất Thành đã dừng chân dạy học tại trường Dục Thanh từ tháng 9/1910 đến tháng 02/1911.

Dục Thanh - Phan Thiết chính là nơi Nguyễn Tất Thành với tư cách là người thầy giáo, bằng tâm huyết, tình cảm của mình đã truyền đạt những kiến thức văn hóa và khơi dậy tinh thần yêu nước, thương dân cho thế hệ trẻ. Dục Thanh - Phan Thiết cũng chính là nơi đã chứng kiến những tháng ngày Nguyễn Tất Thành suy nghĩ, trăn trở về tình cảnh đất nước và thể hiện sâu sắc tình yêu nước, thương dân của Người, thôi thúc Người quyết tâm ra đi tìm con đường đúng đắn nhất để giải phóng dân tộc. Chính vì thế, sự kiện Nguyễn Tất Thành dạy học tại trường Dục Thanh có ý nghĩa quan trọng trong việc nghiên cứu về tiểu sử, sự nghiệp cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, góp phần khẳng định thời thanh niên yêu nước và quyết tâm ra đi tìm đường cứu nước của Người.

Ngược dòng lịch sử trở lại với những năm đầu kháng chiến chống Pháp, Bình Thuận là mảnh đất giàu truyền thống, nơi gặp gỡ bàn chuyện nước non của các sĩ phu yêu nước. Trong số đó có Cụ Nguyễn Thông (1827 - 1884) nhà thơ, văn yêu nước, nhà hoạt động xã hội từ Tân An ra Phan Thiết và chọn địa điểm này để ẩn dật. Cụ Nguyễn Thông cho xây dựng một ngôi nhà nhỏ đặt tên là Ngọa Du Sào, đây là nơi cụ đọc sách, ngâm thơ và tiếp xúc với các nhân sĩ yêu nước thời bấy giờ. Với vị trí địa lý bản lề có ý nghĩa chiến lược quan trọng trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, nên Bình Thuận được các sĩ phu yêu nước chú ý. Sau khi Nguyễn Thông qua đời, các con của ông là Nguyễn Trọng Lội, Nguyễn Quý Anh vẫn thường xuyên tiếp xúc với các nhân sĩ yêu nước như cụ Trương Gia Mô, Phan Chu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng, Trần Quý Cáp,… Năm 1905, trong chuyến Nam du khảo sát dân tình các tỉnh cực Nam Trung Bộ, các cụ Phan Chu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng, Trần Quý Cáp đã đến Phan Thiết và được Nguyễn Quý Anh đón tiếp tại Ngọa Du Sào. Trong những lần trò chuyện với cụ Phan Chu Trinh, được cụ Phan gợi ý, khuyến khích nên mở trường dạy học để con em nhân dân Phan Thiết có điều kiện học tập mở mang kiến thức. Tán thành chủ trương trên, hai ông Nguyễn Trọng Lội, Nguyễn Quý Anh đã quyết định sáng lập trường Dục Thanh vào năm 1907 ngay trong khuôn viên của gia đình mình. Trường mang tên Dục Thanh với ý nghĩa giáo dục thanh thiếu niên. Là trường tư thục có nội dung giảng dạy tiến bộ thời bấy giờ, trường dạy chữ Quốc ngữ là chính, bên cạnh đó còn dạy chữ Hán, chữ Pháp và thể dục thể thao. Nhưng với phương châm dạy chữ Hán để biết chữ Hán, dạy chữ Pháp nhưng không dạy văn minh Pháp và lịch sử Pháp. Thông qua nội dung giảng dạy còn truyền bá thêm cho học trò lòng yêu nước, tư tưởng tiến bộ và ý thức về dân tộc.

Sinh thành trong gia đình có nề nếp gia phong mẫu mực, giữ đạo hiếu học, nhân nghĩa của vùng đất sông Lam, núi Hồng giàu truyền thống yêu nước, nơi đã sản sinh những danh nho, hiền tài của đất nước nên Nguyễn Tất Thành sớm có lòng yêu nước, thương dân. Tận mắt chứng kiến cảnh lầm than, cơ cực của người dân sống rên xiết dưới gót giày quân xâm lược,với lòng yêu nước thương dân sâu sắc đã thôi thúc người thanh niên Nguyễn Tất Thành quyết tâm ra đi tìm kiếm con đường cứu nước cho dân tộc mình. Sau khi tham gia phong trào chống thuế ở Trung Kỳ năm 1908, Nguyễn Tất Thành quyết định đi dần vào phía Nam với hi vọng chế độ thuộc địa ở Nam Kỳ sẽ giúp anh có điều kiện để đi ra nước ngoài tìm con đường cứu dân, cứu nước, tìm xem những gì ẩn dấu đằng sau những từ Pháp “Tự do - Bình đẳng - Bác ái”. Trên bước đường đó, đến vùng đất Bình Thuận được sự giúp đỡ của cụ Trương Gia Mô - một người bạn thân cùng chí hướng với cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc, Nguyễn Tất Thành được giới thiệu vào dạy học tại trường Dục Thanh vào tháng 9/1910.

Với mục tiêu và nội dung dạy học của trường, lúc này Dục Thanh đã trở thành điểm dừng chân cho người thanh niên yêu nước đang khát khao tìm con đường cứu nước cho dân tộc mình có điều kiện truyền bá tư tưởng yêu nước cho thanh thiếu niên. Vậy là đã có một sự gặp gỡ giữa mục đích yêu nước của nhà trường với chí hướng, hành động yêu nước của Nguyễn Tất Thành.

 Là một thầy giáo với cái nghĩa trọn vẹn nhất của từ này, thầy giáo Nguyễn Tất Thành đã có phương pháp giảng dạy rất mới, tiến bộ và hiệu quả, được thể hiện trước hết ở bản thân thầy là một tấm gương không chỉ về kiến thức sâu rộng, ham học hỏi mà còn là một con người biết sống vì mọi người, đạo đức trong sáng, lối sống giản dị, giàu lòng nhân ái cho học trò noi theo. Từ việc biết tìm hiểu, chia sẻ tâm tư tình cảm với học trò, đến việc giáo dục nhân cách bao giờ cũng phải đặt tình yêu thương lên hàng đầu. Không chỉ giảng dạy trên lớp, những ngày nghỉ, thầy thường đưa học sinh đi thăm những cảnh đẹp ở địa phương, tìm hiểu cuộc sống của ngư dân, hòa mình với nhân dân lao động nghèo, kể chuyện các anh hùng có công xây dựng và gìn giữ non sông đất nước, giải thích những hiện tượng thiên nhiên, những ý nghĩa trong văn thơ của người xưa để mở mang kiến thức cho học sinh. Khi tiếp xúc với mọi người, thầy Thành không bao giờ phân biệt giàu nghèo, sang hèn, với ai thầy cũng vui vẻ, lễ độ. Đây là đức tính cao đẹp của Người từ lúc còn trẻ cho đến khi trở thành vị lãnh tụ tối cao của dân tộc.

Các học trò của thầy Thành kể lại: “Không biết thầy Thành ra xóm Cồn Chà mấy lần, nhưng khi gặp thầy, bà con ai cũng muốn mời thầy vào nhà chơi, toàn là bà con lao động biển nghèo. Vô nhà nào, thầy cũng hỏi thăm tỉ mỉ từng bữa ăn, về cuộc sống”(1). Chính nơi đây, Nguyễn Tất Thành đã gặp lại cảnh khổ đau, cơ cực của bà con ngư dân, vẫn như ở quê nhà thuở nào: “Làng Sen đóng khố thay quần. Ít cơm, nhiều cháo, tảo tần quanh năm”. Rồi thật xót xa khi thầy nói với các học trò của mình: Bởi nước đã bị mất thì người dân ở đâu cũng phải chịu khổ cả!

Trong quá trình giảng dạy đối với những quan điểm cũ không còn phù hợp thầy phân tích một cách có tình, có lý; để giúp học trò có nhìn nhận thấu đáo, dễ hiểu thầy đã lấy quan điểm “Trung - Hiếu” trong hai câu thơ của Nguyễn Đình Chiểu ra giảng giải cho học trò: “Các trò nói là trung với vua, nếu là ông vua yêu nước như Duy Tân, vua Quang Trung thì được, chứ trung với những ông vua không thương dân mà ôm chân ngoại bang thì các trò bảo có nên trung hay không? Trung hiếu với cha mẹ phải trung hiếu với dân, với nước, coi việc dân, việc nước như việc gia đình mình và cả trai và gái đều phải lấy trung hiếu làm đầu”(2). Với thầy Thành giảng dạy không chỉ đơn thuần là truyền đạt kiến thức mà điều thầy mong muốn là đem hết tâm huyết, tình cảm yêu thương của một nhà giáo - người anh, người thầy đi trước để bảo ban, giáo dục là chính. Nhiều lần tâm sự với các thầy giáo trong trường, thầy Thành thường nói: “Các em còn nhỏ làm sao không bị lỗi, ta phải thương yêu, dạy bảo các em chứ đừng làm cho các em sợ”, và “học trò là những con người còn nhỏ tuổi, nhưng đã làm người thì cần phải được trân trọng”. Bởi vậy với học trò, thầy như người bạn tin cậy, luôn giúp đỡ, ôn tồn khuyên bảo khi học trò có lỗi, khuyến khích khi học trò tiến bộ. Chính nơi đây đã hình thành một quan hệ thầy trò với tình cảm cao đẹp, gần gũi và cảm thông.

Có thể khẳng định, dạy học ở trường Dục Thanh trong thời gian ngắn nhưng đã tác động trực tiếp đến tư tưởng của thầy giáo Nguyễn Tất Thành. Nếu trước đó, Người thể hiện tư tưởng yêu nước bằng hành động cụ thể là cùng nhân dân tham gia chống thuế (1908), là quá trình thai nghén, nung nấu ý chí, dằn vặt về tư tưởng, băn khoăn về con đường “giúp dân cứu nước”. Thì giờ đây, môi trường dạy học giúp Người có điều kiện thẩm định thêm những suy nghĩ, dằn vặt, những băn khoăn, trăn trở trong tư tưởng của mình bấy lâu nay, có thể đẹp nhất, chín chắn nhất trong tư tưởng yêu nước của Người lúc ấy để truyền lại cho học trò, cho thế hệ trẻ. Người đã đem đến một nguồn tinh lực mới về chủ nghĩa yêu nước cho cuộc sống ở Phan Thiết lúc bấy giờ, mà sau này khi đến thăm trường Dục Thanh bằng ngôn ngữ thơ, nhà thơ Giang Nam đã viết: “Phan Thiết ơi, bao người còn nhớ, bài học đầu tiên Bác dạy: hiểu mình”.

Từ người thanh niên yêu nước trở thành người thầy dạy học, người thầy cách mạng, thầy giáo Nguyễn Tất Thành đã sống cuộc sống người thầy đẹp đẽ như thế, gieo vào tâm trí thế hệ tương lai một nỗi niềm trăn trở về vận mệnh đất nước. Những bài học của thầy giáo Nguyễn Tất Thành cách đây hơn 100 năm nhưng vẫn còn nguyên giá trị chân lý cho đến hôm nay. Đó là một phương pháp dạy học tiến bộ, dạy chữ để dạy người, giáo dục toàn diện, tôn trọng nhân cách học trò. Cũng từ mái trường Dục Thanh chúng ta học ở Bác cách truyền đạt nội dung bài giảng cho học sinh, đó là sự kết hợp khéo léo giữa nội dung bài học với hiện thực lịch sử phù hợp với trình độ của từng đối tượng học sinh. Chúng ta thấy được sự sâu sắc trong tư tưởng giáo dục của Người, không chỉ bó hẹp trong giáo dục văn hóa, tri thức ở trường, trong quan hệ thầy trò mà còn có tính bao quát sâu xa nhưng vô cùng sinh động và cụ thể, nhằm phát huy tính tích cực của học sinh, định hướng cho các em suy nghĩ, rèn luyện kỹ năng đánh giá, vận dụng, so sánh, mở rộng vấn đề. Từ đó, giáo dục cho học sinh tinh thần yêu quê hương, đất nước, sống có tình có nghĩa, có trách nhiệm với quê hương, đất nước.

Phải chăng từ mái trường Dục Thanh đã khởi đầu cho tư tưởng giáo dục Hồ Chí Minh sau này. Đó là giáo dục nhằm phục vụ các mục tiêu của cách mạng: giành độc lập, giải phóng dân tộc, xây dựng chủ nghĩa xã hội, đem lại tự do, hạnh phúc cho nhân dân. Giáo dục là để nâng cao dân trí và xây dựng con người mới vừa hồng, vừa chuyên, có sức khoẻ, có tri thức. Sự nghiệp giáo dục là của toàn dân. Cách làm là học phải đi đôi với hành, xây dựng quan hệ thật tốt, đoàn kết thật chặt chẽ giữa thầy và thầy, giữa thầy và trò, giữa học trò với nhau, giữa nhà trường và nhân dân.

Lịch sử đã chứng minh từ thầy giáo Nguyễn Tất Thành đến nhà cách mạng Nguyễn Ái Quốc ở Pháp, Lý Thụy ở Trung Quốc, Thầu Chín ở Thái Lan, Già Thu ở Pác Pó và trên tất cả là người thầy vĩ đại Hồ Chí Minh. Dù ở đâu, trong bất kỳ hoàn cảnh nào, Người cũng kết hợp chặt chẽ giữa công việc cách mạng với công việc giáo dục và việc nâng cao dân trí. Với Hồ Chí Minh, cách mạng là giáo dục, giáo dục là để phục vụ cách mạng.

Dục Thanh - Phan Thiết là một trong những nơi chuẩn bị cho chuyến ra đi tìm đường cứu nước của Người. Phan Thiết mà thời thanh xuân Bác đến đang đổi mới từng ngày trên bước đường thực hiện Di chúc thiêng liêng của Người nhưng vẫn thủy chung vẹn tròn sau trước. Đảng bộ, chính quyền, nhân dân tỉnh Bình Thuận luôn mang trong mình niềm vinh dự, tự hào là nơi in đậm dấu chân Người và ý thức trách nhiệm sâu sắc nên trong suốt hai cuộc kháng chiến, nhân dân tỉnh Bình Thuận đã luôn nêu cao lòng yêu nước, kiên định con đường đấu tranh cách mạng, một lòng son sắt với Đảng và Bác Hồ, cùng với miền Nam “Thành đồng Tổ quốc”, đấu tranh bền bỉ cho đến ngày đất nước hòa bình, thống nhất.

Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, địa điểm trường Dục Thanh năm xưa chỉ còn lại nhà Ngọa Du Sào, nhà thờ cụ Nguyễn Thông, cây Khế, Giếng nước. Xác định được giá trị lịch sử và tầm quan trọng của sự kiện Thầy giáo Nguyễn Tất Thành dạy học tại trường Dục Thanh, Đảng bộ tỉnh Thuận Hải (nay là tỉnh Bình Thuận) đã báo cáo Ban Bí thư Trung ương Đảng xin phép trùng tu, phục dựng lại Khu Di tích Dục Thanh. Sau khi khôi phục và giữ gìn, Khu Di tích Dục Thanh trở thành nơi thiêng liêng và thân thiết với mọi người dân Việt Nam nói chung, nhân dân Bình Thuận nói riêng. Đồng thời đã đáp ứng nguyện vọng thiêng liêng của mọi tầng lớp nhân dân trong và ngoài tỉnh đến nơi đây để tham quan, học tập, bày tỏ lòng thành kính và biết ơn vô hạn đối với vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc - Hồ Chí Minh.Đặc biệt, với những ai chưa có dịp đến Thủ đô Hà Nội, vào Lăng viếng Bác, thăm Khu Di tích Phủ Chủ tịch có Nhà Sàn nơi Bác ở và làm việc, thì việc trùng tu, phục dựng và phát huy giá trị Khu Di tích Dục Thanh - Phan Thiết mang một ý nghĩa hết sức thiêng liêng. Điều đáng quý là Khu Di tích Dục Thanh hiện còn lưu giữ nhiều hiện vật gốc gắn liền với thời gian Người dạy học nơi này như: bộ ván thầy Thành thường nằm nghỉ, án thư, tủ đựng đồ dùng cá nhân,… Mỗi hiện vật đều mang ý nghĩa lịch sử và gây xúc động với du khách khi có dịp thăm trường xưa Bác dạy, tất cả vẫn như ngày có Bác.

Mặc cho những thăng trầm của lịch sử, những giá trị to lớn về tư tưởng, phong cách, tình cảm mà Người đã để lại trong các di sản của mình vẫn mãi là tài sản vô giá mà tất cả mọi người đều tìm thấy ở đó niềm tin vững chắc về mặt tinh thần cho mình. Đến với di tích Dục Thanh, lòng mỗi người lại thấy bồi hồi xúc động, như thấy mình đang được sống lại những năm tháng xưa và đang được nghe những bài giảng của thầy giáo Nguyễn Tất Thành về tình yêu quê hương, đất nước; về trách nhiệm của mình đối với non sông. Lòng mỗi người lại thấy nặng công ơn Bác, càng kính yêu Bác hơn. Chắc rằng không một ai sau khi thăm khu di tích mà không được tiếp thêm nguồn sức mạnh, không nảy sinh những tình cảm mới mẻ, lành mạnh; không một ai không tự nhủ thầm phải sống tốt hơn, làm việc tốt hơn.

Trong suốt những năm qua và mãi mãi những năm sau nữa, người dân Phan Thiết - Bình Thuận nói riêng, nhân dân cả nước nói chung sẽ luôn thân thuộc với hình ảnh Khu Di tích Dục Thanh với các dãy nhà đơn sơ, giản dị, bao bọc xung quanh là vườn cây xanh yên bình nằm bên dòng sông Cà Ty hiền hòa, thơ mộng ngay trung tâm thành phố Phan Thiết. Nơi ấy là điểm đến, là địa chỉ đỏ góp phần tích cực vào công tác tuyên truyền, giáo dục truyền thống, đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Với tất cả niềm tự hào, sự trân quý, ghi ơn công lao trời biển của Bác với Tổ quốc, với dân tộc; Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Bình Thuận luôn xác định trách nhiệm của mình trong việc giữ gìn và phát huy tác dụng giá trị di sản mà Bác đã để lại nơi này, tiếp tục phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân, xây dựng Bình Thuận xứng đáng là nơi in đậm dấu chân Bác. Nơi tư tưởng, đạo đức, phong cách và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn hiện hữu thường xuyên, trở thành tài sản tinh thần, giá trị văn hóa đặc trưng của người dân, cán bộ, đảng viên trong tỉnh. Đây không chỉ là niềm tự hào mà còn là nghĩa vụ và trách nhiệm thiêng liêng của Đảng bộ, chính quyền và mỗi người dân tỉnh Bình Thuận trong việc học tập và làm theo gương Bác để thực hiện khát vọng quyết tâm xây dựng quê hương, đất nước ngày càng giàu đẹp như sinh thời Bác hằng mong ước./.

Chú thích:

(1) Thầy giáo Nguyễn Tất Thành với mái trường Dục Thanh, Nxb Thanh niên, Hà Nội, 2011, tr. 34.

(2) Thầy giáo Nguyễn Tất Thành với mái trường Dục Thanh, Sđd, tr.30.

Văn Thị Kim Hưng

Bảo tàng Hồ Chí Minh chi nhánh Bình Thuận

Bài viết khác: