Pác Bó (Cao Bằng), nơi ghi dấu những năm tháng khó khăn gian khổ của Chủ tịch Hồ Chí Minh thời kỳ (1941 - 1945). Khi mới trở về nước, Người trực tiếp xây dựng căn cứ địa cách mạng. Ngày nay, Pác Bó là nơi có ý nghĩa to lớn trong việc giáo dục truyền thống cách mạng cho các thế hệ con cháu mai sau về tấm gương đạo đức sáng ngời của Chủ tịch Hồ Chí Minh, sự khẳng định của Đảng, Nhà nước, Nhân dân ta mãi mãi đi theo con đường mà Bác Hồ đã chọn.
1. Giá trị lịch sử Di tích quốc gia đặc biệt Pác Bó
Chọn Cao Bằng là nơi đầu tiên về nước xây dựng căn cứ địa cách mạng không phải ngẫu nhiên mà là sự chuẩn bị kỹ lưỡng dựa trên tình hình cụ thể trong nước và thế giới. Vào những năm 1930 - 1940, tình hình thế giới có nhiều chuyển biến quan trọng. Tháng 6/1940, Pháp đầu hàng Đức, tháng 9/1940 phát xít Nhật nhảy vào Đông Dương, Pháp đầu hàng Nhật. Nhân dân Đông Dương nói chung và nhân dân Việt Nam nói riêng phải chịu hai tầng áp bức bóc lột nặng nề. Không còn con đường nào khác ngoài con đường đấu tranh giải phóng dân tộc. Nhiều cuộc khởi nghĩa trong nước đã nổ ra như: khởi nghĩa Bắc Sơn, khởi nghĩa Nam Kỳ, binh biến Đô Lương,... Mặc dù các cuộc khởi nghĩa bị thất bại và bị dìm trong bể máu, một số lãnh đạo bị bắt và tù đày, nhưng đó là tiếng chuông thức tỉnh cho các dân tộc thuộc địa. Báo hiệu thời kỳ đấu tranh mới của dân tộc Việt Nam và là bước tập dượt cho Cách mạng tháng Tám sau này. Trước những sự thay đổi của tình hình thế giới và sự phát triển của phong trào cách mạng Việt Nam, Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc muốn nhanh chóng trở về nước để trực tiếp lãnh đạo phong trào cách mạng đi đến thắng lợi cuối cùng. Sự kiện Pháp đầu hàng phát xít Đức tháng 6/1940, theo Người: “là một cơ hội rất thuận lợi cho cách mạng Việt Nam. Chậm trễ lúc này là có tội với cách mạng”.
Ban đầu, Người xác định về nước theo hướng Lào Cai. Sau một thời gian khảo sát, tìm hiểu của các cộng sự, với tầm nhìn chiến lược của một vị lãnh tụ thiên tài, Người đã phát hiện Cao Bằng là nơi hội đủ cả “thiên thời, địa lợi, nhân hòa” để xây dựng căn cứ địa cách mạng, nơi “đi đầu trong công cuộc giải phóng dân tộc” từ đó mở rộng ra toàn quốc. Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã từng khẳng định: Đánh giặc phải có “căn cứ địa cách mạng”, có xây dựng được căn cứ địa cách mạng mới tạo được chỗ đứng chân - điểm tựa ban đầu để từ đó tạo “thế” và phát triển “lực” cho phong trào cách mạng. Theo Người điểm tựa đó trước hết phải là nơi bảo vệ được lực lượng cách mạng non trẻ. Nơi đó “Tiến khả dĩ công, thoái khả dĩ thủ - mình còn yếu địch mạnh nhưng nhất định không thể để địch tiêu diệt”. Điểm tựa này chỉ có thể dựa vào núi rừng, có địa thế hiểm trở, quần chúng có tinh thần giác ngộ cách mạng, bí mật và tiện đường phát triển phong trào cách mạng về xuôi để nối phong trào cách mạng với toàn quốc. Lúc cần thiết có thể rút sang phía bên kia biên giới để giữ gìn và bảo toàn lực lượng. Cao Bằng chính là sự lựa chọn hợp lý nhất, nơi đây hội tụ đủ yếu tố “địa lợi, nhân hòa”, là nơi “Tiến khả dĩ công, thoái khả dĩ thủ”.
Theo hướng trên, cuối năm 1940, Trung ương Đảng đã cử các đồng chí Hoàng Văn Thụ, Phùng Chí Kiên và Đặng Văn Cáp lên Cao Bằng kiểm tra tình hình phong trào cách mạng, đồng thời ra nước ngoài báo cáo với Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc để chuẩn bị về nước. Sau khi nghe đồng chí Hoàng Văn Thụ báo cáo tình hình trong nước, đặc biệt là phong trào cách mạng tỉnh Cao Bằng cũng như địa thế núi rừng Pác Bó, Người đã đưa ra nhận định: “Căn cứ địa Cao Bằng sẽ mở ra triển vọng lớn cho cách mạng ta, Cao Bằng có phong trào tốt từ trước, lại kề sát với biên giới lấy đó làm cơ sở để liên lạc với quốc tế rất thuận lợi, nhưng từ Cao Bằng còn phải phát triển về Thái Nguyên và thông xuống nữa mới có thể tiếp xúc với toàn quốc được. Có nối được phong trào với Thái Nguyên và toàn quốc khi phát động đấu tranh vũ trang lúc thuận lợi có thể tiến công, lúc khó khăn có thể giữ”. Từ nhận định quan trọng này, Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã chọn Pác Bó (Cao Bằng) để trở về nước lãnh đạo phong trào cách mạng Việt Nam.
Sau 30 năm bôn ba tìm đường cứu nước kể từ ngày 05/6/1911, Bác Hồ rời bến cảng Nhà Rồng ra đi tìm đường cứu nước, đến ngày 28/01/1941 (đúng ngày mùng 2 Tết Tân Tỵ), Bác và 05 đồng chí cán bộ cách mạng trèo đèo lội suối, qua mốc 108 (nay là mốc 675 biên giới Việt Nam - Trung Quốc) để trở về Tổ quốc. Bước chân lên hòn đất quê hương, Người lặng đi trước cảnh quê hương đất nước vì sau bao năm xa cách mà nhân dân vẫn phải sống trong cảnh nước mất, nhà tan, nhân dân lầm than, nô lệ. Người về nước vào đúng mùa xuân, mùa của vạn vật sinh sôi nảy nở, trăm hoa đua sắc, báo hiệu một tương lai tươi sáng của cách mạng Việt Nam. Trong bài thơ Xuân 41 nhà thơ Tố Hữu đã có những vần thơ:
“Ôi sáng xuân nay xuân 41
Trắng rừng biên giới nở hoa mơ
Bác về im lặng con chim hót
Thánh thót bờ lau vui ngẩn ngơ
Bác đã về đây Tổ quốc ơi
Nhớ thương hòn đất ấm hơi Người
Ba mươi năm ấy chân không nghỉ
Mà đến bây giờ mới tới nơi...”.
Ngay khi về Pác Bó (Cao Bằng) trực tiếp lãnh đạo cách mạng, Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã bắt tay ngay vào xây dựng Cao Bằng thành căn cứ địa cách mạng của cả nước. Ngày 08/02/1941, Người chuyển lên ở và làm việc tại hang Cốc Bó, trước vẻ đẹp trong xanh của dòng suối Giàng, Người đã đổi tên thành suối Lê Nin và dãy núi Phia Tào thành núi Các Mác. Tại Pác Bó, Bác đã mở nhiều lớp huấn luyện cho cán bộ, trực tiếp huấn luyện về cách thức tổ chức các hội cứu quốc, về chủ trương, mục đích, điều lệ của Mặt trận Việt Minh. Các lớp học chỉ diễn ra trong thời gian ngắn, cho dù không đèn, không sách vở, nhưng do cách truyền đạt dễ hiểu, dễ nhớ nên số lượng hội viên tham gia ngày một đông, góp phần quan trọng bổ sung cán bộ để tham gia phong trào Việt Minh lúc bấy giờ. Dưới sự chỉ đạo, hướng dẫn trực tiếp của Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, phong trào Việt Minh đã thâm nhập vào các bản làng, nhân dân các dân tộc tỉnh Cao Bằng tham gia ngày một đông đảo. Đến cuối tháng 3/1941, Người chuyển sang ở làm việc tại Lán Khuổi Nặm. Tại đây, với tư cách là đại diện của Quốc tế Cộng sản, Bác đã triệu tập và chủ trì Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ Tám, diễn ra từ ngày 10 - 19/5/1941. Sau khi phân tích tình hình thế giới và trong nước, Hội nghị đã đưa vấn đề giải phóng dân tộc lên hàng đầu, quyết định thành lập Mặt trận Việt Nam độc lập Đồng minh (gọi tắt là Việt Minh). Tập hợp tất cả các tầng lớp nhân dân yêu nước vào một mặt trận chung thống nhất chống thực dân Pháp và phát xít Nhật xâm lược. Hội nghị đã nhận định: “Trong lúc này nếu không giải quyết được vấn đề dân tộc giải phóng, không đòi được độc lập tự do cho toàn thể dân tộc, thì chẳng những toàn thể quốc gia dân tộc còn chịu mãi kiếp ngựa trâu, mà quyền lợi của bộ phận, giai cấp đến vạn năm cũng không đòi lại được”. Hội nghị đã bầu đồng chí Trường Chinh làm Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Thành công của Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ Tám có sự đóng góp quan trọng của Đảng bộ và quần chúng cách mạng Cao Bằng. Với tính chất là một căn cứ địa cách mạng, Cao Bằng đã tạo mọi điều kiện tốt nhất để Hội nghị diễn ra bí mật, an toàn, thành công. Sau Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ Tám, phong trào Việt Minh phát triển sôi nổi ở tỉnh Cao Bằng, tiêu biểu như ở Hà Quảng, Nguyên Bình,... để tuyên truyền cách mạng tới đông đảo quần chúng nhân dân, Người đã sáng lập ra báo Việt Nam độc lập, cơ quan ngôn luận của Mặt trận Việt Minh được ra đời vào ngày 01/8/1941 tại lán Khuổi Nặm. Báo Việt Nam độc lập đăng bài viết gồm nhiều thể loại, nội dung ngắn gọn, dễ đọc, dễ hiểu phù hợp với trình độ người đọc, vì vậy, báo đã trở thành ngọn đuốc soi đường cho nhân dân ta đứng lên đấu tranh. Để xây dựng lực lượng vũ trang cách mạng, Người chủ trương, tổ chức huấn luyện, đào tạo cán bộ quân sự tại chỗ, phải xây dựng vùng căn cứ địa làm nơi đứng chân vững chắc. Trên cơ sở đó, tháng 11/1941 đội du kích thoát ly đầu tiên của Pác Bó được thành lập, Đội gồm 12 người do đồng chí Lê Quảng Ba làm đội trưởng. Nhiệm vụ của đội là: bảo vệ cơ quan, bảo vệ cán bộ, vũ trang tuyên truyền, giao thông liên lạc đặc biệt, nhiệm vụ quân sự,… Hoạt động của Đội có vai trò làm nòng cốt trong xây dựng lực lượng nửa vũ trang của phong trào cách mạng ở Cao Bằng. Đây cũng là cơ sở để Người tiếp tục chỉ đạo thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân sau này. Tháng 10/1944, Lãnh tụ Hồ Chí Minh về nước kịp thời ra chỉ thị hoãn cuộc khởi nghĩa Cao Bắc Lạng và ra chỉ thị thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân; sự ra đời của Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân ngày 22/12/1944 là một bước ngoặt lớn của cách mạng ta, từ đây cách mạng đã có một lực lượng vũ trang chủ lực làm nòng cốt cho toàn dân đánh giặc cứu nước. Trước nhiệm vụ mới của lịch sử, đầu năm 1945, Lãnh tụ Hồ Chí Minh từ Pác Bó đi Côn Minh (Trung Quốc) dự Hội nghị đồng minh chống phát xít. Cuối tháng 4/1945, Người trở lại Pác Bó, trước sự chuyển biến ngày càng mau lẹ, nhận thấy thời cơ tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước đã gần đến, Bác đã quyết định chuyển cơ quan đầu não kháng chiến từ Pác Bó về Tân Trào (Tuyên Quang). Ngày 04/5/1945, Bác Hồ đã cùng đoàn cán bộ xuất phát từ Pác Bó (Cao Bằng) sang Tân Trào (tuyên Quang) để thuận tiện cho lãnh đạo phong trào cách mạng chung toàn quốc.
Cách mạng tháng Tám thành công, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, với dã tâm xâm lược nước ta lần nữa, toàn Đảng, toàn dân lại hưởng ứng Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đầu tháng 6/1950, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Ban Thường vụ Trung ương Đảng đã họp tại Định Hóa (Thái Nguyên) quyết định mở Chiến dịch Biên giới 1950. Đây là chiến dịch có tầm quan trọng đặc biệt đối với cuộc kháng chiến của dân tộc ta. Với tầm quan trọng của Chiến dịch Biên giới, đích thân Chủ tịch Hồ Chí Minh lên Cao Bằng trực tiếp ra mặt trận chỉ đạo chiến dịch, động viên quân và dân chiến đấu. Với tình cảm đặc biệt dành cho mảnh đất Pác Bó, sau 20 năm xa cách ngày 20/02/1961, Bác đã trở lại thăm đồng bào và mảnh đất Pác Bó, nơi đây Người đã coi là nhà, là quê hương thứ hai của mình.
Có thể khẳng định, việc lựa chọn Cao Bằng là nơi về nước xây dựng căn cứ địa cách mạng không phải là sự lựa chọn ngẫu nhiên, mà là sự tính toán kỹ càng, vì nơi “đứng chân” đầu tiên là vô cùng quan trọng, mang tính quyết định đối với sự phát triển về sau của cách mạng nước ta.
2. Phát huy giá trị di tích trong việc giáo dục truyền thống cách mạng
Xác định việc phát huy giá trị di tích Pác Bó có ý nghĩa quan trọng đối với phát triển kinh tế - xã hội gắn với phát triển du lịch trong việc giáo dục truyền thống cách mạng, trong những năm qua, được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước công tác bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di tích, tuyên truyền có hiệu quả cho các thế hệ người Việt Nam về truyền thống yêu nước chống giặc ngoại xâm của cha ông đi trước, đặc biệt giai đoạn hoạt động gian khổ của Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh thời kỳ (1941 - 1945).
Ngay sau khi Bác Hồ đi xa, Đảng và Nhà nước ta đặc biệt quan tâm đến việc bảo tồn, tôn tạo và phát huy di tích lịch sử. Tháng 02/1971, di tích Pác Bó mở cửa đón tiếp phục vụ các đoàn khách đến tham quan. Để thiết thực chào mừng kỷ niệm ngày sinh nhật Chủ tịch Hồ Chí Minh lần thứ 100 (19/5/1890 - 19/5/1990) tỉnh Cao Bằng tiếp tục đầu tư, tôn tạo mở rộng các điểm đón tiếp, triển khai công tác sưu tầm hiện vật phục vụ trưng bày bổ sung tại di tích. Đến năm 1995 các hạng mục được trùng tu, tôn tạo cơ bản hoàn thành đưa vào phát huy có hiệu quả thu hút khách đến tham quan, học tập. Ngày 21/02/21975, Di tích Pác Bó được xếp hạng cấp quốc gia tại Quyết định số 97/QĐ - VH của Bộ Văn hóa Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch). Năm 2007,Đề án bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị khu di tích lịch sử Pác Bó được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1146/QĐ-TTg ngày 29/8/2007.Từ đó đến nay, di tích Pác Bó không ngừng được bảo tồn, tôn tạo và đầu tư nâng cấp. Tại quyết định số 548/QĐ-TTg, ngày 10/5/2012, Di tích lịch sử Pác Bó được công nhận là Di tích quốc gia đặc biệt. Với hơn 50 điểm di tích, chia thành 6 cụm: Cụm di tích Bó Bẩm, Đầu Nguồn, Khuổi Nặm, cụm di tích trung tâm, cụm di tích Kim Đồng và cụm di tích khác; công tác khoanh vùng bảo vệ, xây dựng và thực hiện kế hoạch trung hạn, dài hạn nhằm thực hiện mục tiêu kép vừa bảo tồn vừa phát huy hiệu quả được quan tâm. Trải qua nhiều năm, di tích được Ủy ban nhân dân tỉnh Cao Bằng đầu tư nhiều hạng mục công trình quan trọng nhằm phát huy hiệu quả giá trị di tích. Cơ sở vật chất được đầu tư nhiều hạng mục. Ngày 19/5/2011, công trình Đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh được khánh thành, đây là công trình trọng điểm hội tụ giá trị truyền thống uống nước nhớ nguồn, đáp ứng nhu cầu dâng hương, tưởng niệm, báo công Bác Hồ của nhân dân cả nước. Ngày 03/10/2017, công trình nhà trưng bày, nhà làm việc với tổng diện tích trên 5.700m2 được đưa vào sử dụng. Đây là công trình nằm trong kế hoạch từng bước thực hiện Đề án xây dựng, bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị của khu di tích. Nhà trưng bày giới thiệu, giữ gìn và phát huy những tài liệu, hiện vật liên quan đến cuộc đời hoạt động của Bác Hồ tại Cao Bằng, từ đó, góp phần nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần của người dân; tuyên truyền cho các thế hệ con cháu hiểu rõ về lịch sử, văn hóa, truyền thống của con người và mảnh đất Cao Bằng. Bên cạnh đó, công trình nhà trưng bày còn giúp tỉnh Cao Bằng bảo tồn nguyên vẹn những giá trị nổi trội về diện mạo, địa chất, cảnh quan, sinh thái tại Khu Di tích quốc gia đặc biệt Pác Bó, từ đó khai thác tiềm năng du lịch một cách có hiệu quả. Biểu tượng cụm Đàn tính tại Ngã ba Khuổi Nặm là công trình văn hóa truyền tải những giá trị tinh thần về bản sắc văn hóa đặc sắc của đồng bào các dân tộc Cao Bằng đến với nhân dân cả nước mang lại trải nghiệm mới cho du khách. Đến với di tích Pác Bó, du khách được trải nghiệm ôn lại những giá trị lịch sử đầy gian khổ của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Trung ương Đảng thời kỳ (1941 - 1945), học tập, nâng cao ý thức giáo dục truyền thống yêu nướckiên cường của cha ông ta, nơi đây còn được coi là bảo tàng thiên nhiên hùng vĩ, một môi trường trong xanh, thân thiện, xứng đáng với tầm vóc giá trị lịch sử vốn có, là điểm tham quan du lịch, di tích lịch sử đặc biệt, thiêng liêng của cả nước.
Những năm gần đây, lượng khách đến tham quan khu di tích ngày một tăng cao, mặc dù chịu ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 nhưng khu di tích đã có những biện pháp cụ thể, linh hoạt để đón khách an toàn và hoạt động phù hợp với tình hình dịch bệnh. Năm 2021, khu di tích đón tiếp 400 đoàn, với trên 67.500 lượt khách tham quan; năm 2022, khu di tích đón tiếp 1.150 đoàn, với trên 173.398 lượt khách tham quan; quý I/2023 Khu Di tích đón tiếp 344 đoàn, với trên 44.112 lượt khách tham quan.
Công tác chuyên môn được quan tâm, thường xuyên rà soát, bổ sung, chỉnh lý nội dung trưng bày, sưu tầm, kiểm kê hiện vật, xây dựng và phối hợp với các đơn vị chuyên môn triển khai triển lãm chuyên đề nhằm không ngừng nâng cao hiệu quả chất lượng công tác tuyên truyền giáo dục phát huy giá trị di tích, công tác đào tạo bồi dưỡng nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ làm công tác hướng dẫn thuyết minh. Tổ chức cho cán bộ đi tham quan thực tế, học tập kinh nghiệm, trao đổi kiến thức chuyên môn tại một số điểm di tích. Tập huấn, hướng dẫn cho đội ngũ cán bộ hướng dẫn viên, tuyên truyền viên về kỹ năng giao tiếp khi tiếp xúc với khách tham quan, hướng dẫn nghiên cứu tài liệu, tư liệu, các kỹ năng xử lý tình huống,… cũng như quy trình đón tiếp khách tham quan. Hàng năm, tổ chức các cuộc thi hướng dẫn viên tại đơn vị nhằm mục đích giao lưu học hỏi chuyên môn nghiệp vụ. Tổ chức triển khai triển lãm chuyên đề tại các điểm di tích, trường học, đơn vị quân đội, lễ hội xuân và các sự kiện chính trị trên địa bàn tỉnh, tổ chức nói chuyện chuyên đề về cuộc đời hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đẩy mạnh giới thiệu, quảng bá du lịch trên các trang website, fanpage,... hiện các trang có số lượng theo dõi, tương tác thu hút đông lượng người truy cập và theo dõi. Tổ chức nhiều hoạt động kết hợp giữa nhà trường và khu di tích thông qua các hoạt động như: Câu lạc bộ Em yêu lịch sử, giới thiệu triển lãm, nói chuyện chuyên đề,... để khơi dậy lòng tự hào dân tộc và ý thức trách nhiệm trong việc bảo tồn và phát huy giá trị di tích lịch sử, văn hóa của địa phương. Để làm tốt công tác bảo tồn và phát huy giá trị di tích một cách bền vững, trong các chương trình kế hoạch hoạt động kết hợp chặt chẽ giữa nhiệm vụ tuyên truyền, giáo dục truyền thống lịch sử cách mạng gắn với phát triển du lịch địa phương.
Khu Di tích Pác Bó là một phần di sản văn hóa Hồ Chí Minh, giá trị của di sản văn hóa đặc biệt này đã, đang và mãi mãi trở thành tình cảm, trí tuệ, nguồn lực vật chất và tinh thần để động viên, cổ vũ cho toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta lao động sáng tạo xây dựng đất nước giàu mạnh. Đảng bộ và nhân dân các dân tộc tỉnh Cao Bằng đang tiếp tục làm tốt hơn nữa công tác bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị lịch sử đặc biệt của khu di tích Pác Bó./.
ThS Đào Văn Mùi
Giám đốc Ban Quản lý các Di tích quốc gia đặc biệt tỉnh Cao Bằng