Thăng Long - Hà Nội, điểm hội tụ và tỏa sáng trí tuệ, nơi đóng góp tài năng cho nền văn hiến nước nhà. Có thể xem Thủ đô Hà Nội là điểm lõi của các vùng địa linh nhân kiệt, với kho tàng di sản văn hóa đồ sộ, trở thành một bộ phận cấu thành di sản văn hóa dân tộc, trong đó những di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử cách mạng kháng chiến đóng vai trò then chốt, đã và đang được quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị có hiệu quả trên địa bàn Thủ đô Hà Nội ngàn năm văn hiến.
Thành phố Hà Nội là địa phương có số lượng di tích lớn nhất toàn quốc, số lượng di tích trong danh mục kiểm kê di tích trên địa bàn thành phố đến ngày 31/12/2015 công bố theo Quyết định số 5745/QĐ-UBND ngày 14/10/2016 của Ủy ban nhân dân Thành phố là 5.922 di tích, bao gồm các loại hình di tích lịch sử, di tích kiến trúc - nghệ thuật, di tích khảo cổ, di tích danh lam thắng cảnh gồm nhiều loại hình như: đình, đền, chùa, phủ, quán, hội quán, nhà thờ họ, thành quách, khu phố cổ, làng cổ,... Tổng số di tích đã xếp hạng của Thành phố Hà Nội đến tháng 5/2022 là: 21 cụm Di tích quốc gia đặc biệt (trong đó có 89 di tích đơn lẻ và 01 di tích cách mạng kháng chiến), 1160 di tích xếp hạng cấp quốc gia (trong đó có 27 di tích xếp hạng loại hình cách mạng kháng chiến), 1462 di tích xếp hạng cấp Thành phố, 3210 di tích chưa xếp hạng nhưng nằm trong danh mục kiểm kê.
Loại hình di tích cách mạng kháng chiến trong tổng thể bức tranh di tích của Thủ đô chiếm số lượng không nhỏ và có vị trí quan trọng trong đời sống văn hóa, chính trị của nhân dân cả nước. Đặc biệt, các di tích lưu niệm về Chủ tịch Hồ Chí Minh là những di tích trọng yếu gắn liền với các giai đoạn và thời khắc lịch sử của dân tộc, luôn được bảo tồn và phát huy có hiệu quả trong thời gian vừa qua và hiện nay. Trong đó có di tích số nhà 48 phố Hàng Ngang, phường Hàng Đào, quận Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội - nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh viết Bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ngày 02/9/1954, đã được xếp hạng cấp tại Quyết định số 54/VH-QĐ ngày 29/4/1979 của Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch).
1. Phác thảo chân dung di tích
Ngôi nhà số 48 Hàng Ngang nguyên là cửa hiệu Phúc Lợi, một hãng buôn tơ lụa lớn vào bậc nhất ở Hà Nội vào những năm 40 của thế kỷ trước. Ngôi nhà có hình ống nằm gần cuối phố Hàng Ngang. Đây là nơi buôn bán sầm uất của khu vực phố cổ. Nhà có hai mặt tiền gắn với số 48 phố Hàng Ngang và số 35 phố Hàng Cân. Chủ nhân của ngôi nhà khi ấy là Nhà tư sản Trịnh Văn Bô và bà Hoàng Thị Minh Hồ.
Trong những ngày đầu Cách mạng tháng Tám 1945, ngôi nhà này là nơi làm việc của Thường vụ Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tại đây đã diễn ra cuộc họp thành lập Chính phủ lâm thời. Đây cũng là nơi đầu tiên Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ở trong những ngày đầu trở về Hà Nội và đưa ra những quyết định có ý nghĩa lịch sử quan trọng đối với dân tộc Việt Nam. Đặc biệt, tại căn phòng tầng 2 của ngôi nhà, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết bản Tuyên ngôn Độc lập và đọc tại Quảng trường Ba Đình lịch sử ngày 02/9/1945, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, đánh dấu bước ngoặt của lịch sử dân tộc.
Trải qua khoảng 100 năm, kiến trúc của ngôi nhà 48 Hàng Ngang hầu như vẫn còn nguyên vẹn, kết cấu tòa nhà nối liền nhau hình chữ nhật với 2 mặt trước sau thông thoáng, cửa chính nằm trên số 48 phố Hàng Ngang, cửa hậu nằm trên 35 phố Hàng Cân. Nối giữa là khoảng sân hình vuông, có giếng và cây xanh xung quanh. Trên mỗi tầng đều có một ban công rộng tạo nên sự hài hòa giữa thiên nhiên và con người.
Sau này, ngôi nhà số 48 phố Hàng Ngang được gia đình ông Trịnh Văn Bô hiến tặng cho Nhà nước và trở thành di tích lịch sử gắn liền với sự kiện quan trọng của đất nước. Hiện nay, kiến trúc của ngôi nhà hầu như còn nguyên vẹn: Tầng 1 là nơi trưng bày các di ảnh, vật dụng của Chủ tịch Hồ Chí Minh và các đồng chí lãnh đạo. Tầng 2 là nơi làm việc của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Thường vụ Trung ương được Đảng chuẩn bị cho việc ra đời Chính phủ lâm thời để ra mắt quốc dân đồng bào; là nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh khởi thảo bản Tuyên ngôn độc lập được giữ nguyên trạng với những vật dụng vốn có; trong đó chiếc bàn chữ nhật dài màu cánh gián bọc nỉ xanh, phủ khăn trắng đặt ở giữa, xung quanh là 8 ghế tựa, một ghế lớn ở đầu bàn. Ngoài ra, trên một chiếc bàn nhỏ đặt máy chữ Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng sử dụng. Tầng ba của ngôi nhà là phòng truyền thống và nơi dâng hương. Gần đây, rất nhiều học sinh, sinh viên, khách du lịch trong và ngoài nước đã chủ động tìm đến di tích tìm hiểu, học tập.
Sau 78 năm, ngôi nhà và những kỷ vật mà Chủ tịch Hồ Chí Minh thường dùng trong những ngày sống và làm việc được gìn giữ, phát huy, trở thành di tích lịch sử thiêng liêng, “địa chỉ đỏ” để các thế hệ sau ôn cố tri tân về lịch sử ra đời của Bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, mở ra một kỷ nguyên mới, kỷ nguyên độc lập, tự do cho dân tộc Việt Nam.
2. Bảo tồn và phát huy giá trị di tích
Thực hiện Quyết định số 4540/QĐ-UBND ngày 18/11/2022 của Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội về việc quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ban Quản lý di tích danh thắng Hà Nội trực thuộc Sở Văn hóa và Thể thao thành phố Hà Nội, hiện nay, Ban Quản lý di tích danh thắng Hà Nội là đơn vị trực tiếp quản lý các di tích, công trình văn hóa thuộc thẩm quyền của Ủy ban nhân dân Thành phố do Sở Văn hóa và Thể thao giao, gồm: Di tích quốc gia đặc biệt Hồ Hoàn Kiếm và Đền Ngọc Sơn; Khu tưởng niệm tượng đài Vua Lê; Di tích đền Bà Kiệu; Di tích tưởng niệm Bác Hồ tại Vạn Phúc - Hà Đông; Di tích 48 Hàng Ngang; di tích 5D Hàm Long; di tích 90 Thợ Nhuộm; Tượng đài vua Lý Thái Tổ và các Di tích quốc gia đặc biệt khác (nếu có) do Thành phố giao quản lý.
Từ tháng 3/2014 đến nay, Ban Quản lý di tích danh thắng Hà Nội đã tập trung thực hiện việc bảo tồn và phát huy giá trị di tích được phân công, đặc biệt là di tích lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại số nhà 48 phố Hàng Ngang theo quy định của Luật Di sản văn hóa và các quy định của thành phố Hà Nội. Trong thời gian qua, Ban Quản lý di tích danh thắng Hà Nội đã tập trung làm tốt các nội dung chính như sau:
Thứ nhất, thực hiện việc chỉnh trang, tôn tạo di tích phục vụ khách tham quan theo quy định của Luật Di sản văn hóa và Chỉ thị số 03/CT-CT ngày 17/5/2006 của Thành ủy Hà Nội về việc bảo tồn tôn tạo di tích cách mạng kháng chiến. Trong những năm qua, cùng với việc gắn biển các di tích cách mạng trên địa bàn Thủ đô, các di tích lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh như nhà số 48 phố Hàng Ngang là di tích có giá trị đặc biệt, Ban Quản lý di tích danh thắng Hà Nội đã tiến hành tuyên truyền nhận thức về di sản văn hóa và việc bảo vệ di sản văn hóa trong cộng đồng dân cư, không để xảy ra tình trạng vi phạm, xâm hại di tích nhằm nâng cao chất lượng phục vụ khách tham quan, nghiên cứu học tập tại di tích lịch sử cho đông đảo mọi người.
Tổ chức đón tiếp các lãnh đạo của Trung ương, Thành phố đến thăm, dâng hương tại di tích vào dịp kỷ niệm các ngày lễ lớn của đất nước như ngày thành lập Đảng 03/02, ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh 19/5, ngày Quốc khánh 02/9, ngày Toàn quốc kháng chiến 19/12. Tính từ năm 2015 đến nay, di tích đã đón trên 50 nghìn lượt khách nội địa, khoảng 30 nghìn lượt khách quốc tế và hàng nghìn đoàn khách tới tham quan, dâng hương, báo công, sinh hoạt truyền thống tại di tích 48 Hàng Ngang. Đồng thời, phối hợp với một số cơ quan thông tấn, báo chí, Đài phát thanh truyền hình ở Trung ương, Hà Nội và các tỉnh bạn ghi hình, đưa tin giới thiệu về di tích trong dịp kỷ niệm các ngày lễ trọng đại của đất nước.
Thứ hai,đẩy mạnh công tác tuyên truyền giáo dục.Công tác giáo dục tuyên truyền là một việc làm hết sức quan trọng và cần thiết trong bảo tồn di sản văn hóa nói chung và di sản Chủ tịch Hồ Chí Minh nói riêng. Bởi thông qua việc tuyên truyền giáo dục sẽ nâng cao được ý thức trách nhiệm của mọi người đối với di sản, xem đây là tài sản chung của quốc gia, dân tộc và một bộ phận của di sản văn hóa nhân loại, cần được bảo vệ.
Thường xuyên tuyên truyền, phổ biến nội dung Luật di sản và các văn bản pháp quy khác trong việc bảo vệ di tích. Thông qua các phương tiện đại chúng, qua các buổi sinh hoạt văn hóa trong các cơ quan đơn vị và địa phương, tổ chức các cuộc thi tìm hiểu, đặc biệt, tổ chức các hoạt động sinh hoạt ngoại khóa, tìm hiểu khám phá ngay tại di tích cho các em học sinh và mọi tầng lớp nhân dân. Từ đó, phát huy giá trị của di tích và nâng cao hiểu biết, ý thức bảo vệ di tích cho mọi người, để thấy được tầm quan trọng và ý nghĩa của các di tích gắn với những sự kiện của Người, khơi dậy niềm tự hào và ý thức trách nhiệm của mọi người đối với di sản mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã để lại cho Đảng bộ và nhân dân Thủ đô Hà Nội.
Thứ ba, từ thực tiễn công tác bảo tồn và phát huy giá trị di tích ngôi nhà số 48 phố Hàng Ngang cần có nhận thức đúng đắn và sâu sắc về giá trị, tầm quan trọng và ý nghĩa của di tích. Trên cơ sở đó có kế hoạch và biện pháp về công tác bảo tồn và phát huy giá trị, phải xác định là nhiệm vụ chính trị quan trọng trong việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc, nhằm góp phần quan trọng trong sự nghiệp đổi mới và phát triển đất nước, phục vụ khách tham quan thường xuyên, tạo hiệu quả giáo dục cao hơn cho mọi người về di sản tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, góp phần xứng đáng cho sự nghiệp bảo tồn và phát huy di sản văn hóa dân tộc.
Có thể nói, di tích nhà số 48 phố Hàng Ngang, phường Hàng Đào, quận Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội - nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh viết Bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa là một trong những di tích lịch sử của Thủ đô nói riêng và dân tộc Việt Nam nói chung còn giữ được gần như nguyên vẹn các bộ phận cấu thành dưới dạng nguyên gốc và ít chịu sự tác động của ngoại cảnh, hàm chứa giá trị văn hóa phi vật thể tiêu biểu, cần phải bảo tồn và phát huy những giá trị một cách có hiệu quả./.
TS Nguyễn Doãn Văn
Giám đốc Ban Quản lý di tích danh thắng Hà Nội