Chủ tịch Hồ Chí Minh - biểu tượng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam và là niềm khích lệ lớn đối với phong trào đấu tranh giành độc lập trên thế giới. Người là biểu tượng cao đẹp của khát vọng độc lập, tự do, bình đẳng, bác ái không chỉ của Việt Nam, mà còn của các dân tộc yêu chuộng hòa bình và công lý. Người đã được UNESCO tôn vinh là “Anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hóa kiệt xuất”.
Di sản văn hóa Người để lại cho dân tộc Việt Nam vô cùng phong phú và quý giá, đó là tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và hệ thống di tích lưu niệm cùng hàng chục ngàn di vật về Người, hiện hữu ở 35 tỉnh, thành Việt Nam(1) và khắp các châu lục trên thế giới (Châu Á, Châu Âu, Châu Mỹ,...). Một trong những di sản văn hóa có ý nghĩa đặc biệt quan trọng của quốc gia, có tầm cỡ quốc tế phải kể đến là Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch (viết tắt Khu Di tích Phủ Chủ tịch) - nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sống và làm việc trong 15 năm (1954 - 1969). Nơi đây là một quần thể di tích về Người, bao gồm 15 di tích bất động sản, hơn 1.700 di tích động sản, cùng cảnh quan môi trường vườn cây, ao cá. Có thể nói, đây là một trong số ít di tích lưu niệm về Chủ tịch Hồ Chí Minh còn giữ được tương đối nguyên gốc. Những di sản vật thể và phi vật thể lưu giữ nơi đây là bằng chứng chân thực, sinh động về vị lãnh tụ đã cống hiến hết mình vì nền độc lập, tự do cho dân tộc, hạnh phúc cho nhân dân Việt Nam, vì nền hòa bình, hữu nghị với các dân tộc trên thế giới và là một tấm gương mẫu mực về đạo đức cách mạng “cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư”. Đúng như các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước Việt Nam đã khẳng định: “Đây là một di tích văn hóa đặc biệt quan trọng trong kho tàng di sản văn hóa nước nhà, đây là tài sản văn hóa vô giá của dân tộc ta và có ý nghĩa rất to lớn đối với quốc tế. Những gì Bác Hồ để lại phản ánh sự nghiệp cách mạng vĩ đại của một con người trọn cuộc đời vì nước, vì dân, vì sự đoàn kết quốc tế, biểu thị nhân cách một nhà văn hóa lớn việt Nam”(2).
Nhằm lan tỏa giá trị ý nghĩa lịch sử, văn hóa đặc biệt của Khu Di tích Phủ Chủ tịch, Đảng và Nhà nước Việt Nam quyết định gìn giữ tất cả các di tích cùng với những tài liệu, hiện vật lưu niệm về Người một cách tốt nhất, để đồng bào trong nước và bè bạn quốc tế đến viếng thăm, chiêm ngưỡng nơi ở và làm việc của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch. 54 năm qua, Khu Di tích đã đón tiếp và phục vụ chu đáo hơn 80 triệu lượt khách từ 160 quốc gia, hàng trăm đoàn nguyên thủ quốc tế. Khách tham quan khu di tích vừa đông về số lượng (hàng ngàn người mỗi ngày), đa dạng về thành phần (từ chính khách, nguyên thủ quốc gia đến người dân), phong phú về đối tượng (công nhân, nông dân, trí thức, học sinh, sinh viên, lực lượng vũ trang…) nhưng Khu Di tích Phủ Chủ tịch đã phục vụ tốt các cơ quan, đơn vị, tập thể và cá nhân trong nước, kiều bào và khách quốc tế tới tham quan, nghiên cứu, học tập về tư tưởng, đạo đức, phong cách Chủ tịch Hồ Chí Minh. Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch vừa là chủ thể văn hóa, vừa là đối tượng và phương tiện thực hiện các hoạt động ngoại giao văn hóa. Đây là một trong những “kênh” tạo nên “sức mạnh mềm”, góp phần không nhỏ trong việc tuyên truyền đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, quảng bá hình ảnh đất nước và con người Việt Nam với bè bạn quốc tế thông qua tuyên truyền tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; đồng thời, Khu Di tích Phủ Chủ tịch còn là nhịp cầu hữu nghị, góp phần thúc đẩy quan hệ hợp tác quốc tế, xây dựng môi trường hòa bình, ổn định và hợp tác cùng phát triển. Nhất là từ khi Bộ Chính trị có chỉ thị tăng cường công tác tuyên truyền tư tưởng Hồ Chí Minh và đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, Khu Di tích Phủ Chủ tịch đã trở thành “địa chỉ đỏ”, “một trường học lớn” cho các tổ chức, đoàn thể, quần chúng nghiên cứu, học tập. Công tác tuyên truyền lan tỏa giá trị di sản văn hóa Hồ Chí Minh ngày càng được đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, các hoạt động phong phú, đem lại hiệu quả thiết thực.
Một trong những yếu tố quan trọng để thu hút khách thăm quan, chạm tới trái tim của du khách đó là công tác trưng bày giữ nguyên trạng di tích. Khu Di tích Phủ Chủ tịch đảm bảo nguyên tắc trưng bày của bảo tàng lưu niệm đời sống danh nhân (phục dựng nguyên trạng di tích). Vì vậy, Khu Di tích đã tiến hành khôi phục lần lượt nội thất các nhà di tích và mở cửa đón khách thăm quan: Nhà sàn (trưng bày năm 1969, chỉnh lý lại trưng bày năm 1977); Nhà 54 (trưng bày năm 1996); Gara ôtô (trưng bày năm 1996); Bếp A - nơi nấu ăn phục vụ Chủ tịch Hồ Chí Minh và Thủ tướng Phạm Văn Đồng (năm 2009); Căn phòng Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trì họp Bộ Chính trị và tiếp khách (năm 2010); Phòng trưng bày thiết bị y tế phục vụ chữa bệnh cho Chủ tịch Hồ Chí Minh trong những ngày cuối đời, bảo tồn nguồn cá trong ao và thảm thực vật,... Mỗi di tích, tài liệu hiện vật chứa đựng những giá trị lịch sử khác nhau, song đều là bằng chứng thuyết phục về chiều sâu tư tưởng, phong cách sống và tinh thần cống hiến không mệt mỏi cho sự nghiệp cách mạng, cho hạnh phúc nhân dân của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Hình ảnh chân thực, sinh động về tấm gương đạo đức sáng ngời, lối sống, tác phong mẫu mực của Chủ tịch Hồ Chí Minh được cán bộ Khu Di tích thông qua chất giọng truyền cảm giới thiệu lồng ghép với những câu chuyện kể cùng các thước phim tư liệu (“Những giây phút cuối đời của Chủ tịch Hồ Chí Minh”; “Hoạt động ngoại giao của Chủ tịch Hồ Chí Minh giai đoạn 1954 - 1969”; “15 năm ấy nơi này”),... thực sự đã gây xúc động cho du khách, đúng như nhận xét của đại diện Liên hợp quốc tại Việt Nam: “không một ai đến thăm nơi ở khiêm nhường này mà không trào dâng niềm xúc cảm trước sự vĩ đại của một con người đã trở thành huyền thoại ngay cả trong cuộc sống đời thường của mình”.
Vào thăm Khu Di tích, mỗi người dường như có dịp nhìn nhận lại bản thân để điều chỉnh suy nghĩ và hành vi của mình, thấm thía bài học đạo đức cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư. Hàng ngàn trang cảm tưởng được viết lên bày tỏ lòng mến mộ, kính phục tấm gương đạo đức, thể hiện sự quyết tâm học tập theo tấm gương đạo đức của Người và mong muốn thắt chặt thêm mối tình đoàn kết hữu nghị với nhân dân Việt Nam: Học viên Lê Khánh Hưng, Học viện An Ninh đã bày tỏ cảm xúc về chuyến tham quan học tập thực tế tại Khu Di tích Phủ Chủ tịch, minh chứng cho hiệu quả của phương pháp học tập kết hợp giữa lý luận và thực tiễn: “Chuyến đi đã kết thúc. Nhưng những câu chuyện, bài học về vị lãnh tụ vĩ đại, vị cha già kính yêu không thể nào phai được. Tư tưởng Hồ Chí Minh đã trở thành tài sản vô vùng quý báu không chỉ của dân tộc mà của cả loài người trên thế giới. Chúng ta, những thế hệ trẻ tương lai, cần giữ gìn và phát huy tư tưởng của Người”(3). Học viên Nguyễn Vũ Nam sau chuyến tham quan được trau dồi thêm kiến thức về tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh nhận thấy: “Sau chuyến đi này, tôi có thêm rất nhiều kiến thức về cuộc đời của Bác, thấm nhuần sâu sắc hơn tư tưởng Hồ Chí Minh qua những câu chuyện kể về Bác. Tôi cảm thấy tự hào vô cùng khi đất nước tôi đang sống đã từng có một con người vĩ đại như Người. Con người đó đã khiến cho cả thế giới phải ngả mũ thán phục về tài năng và nhân cách của Người”(4); Song song với những câu chuyện kể là thước phim tư liệu đã tác động rất lớn tới xúc cảm của học viên Hoàng Trọng Giáp: “Sau chuyến thăm những di tích của Chủ tịch Hồ Chí Minh, lớp tôi được xem một thước phim tư liệu về cuộc đời của Bác - con người vĩ đại ấy. Đoạn phim chỉ dài chừng 16 phút nhưng đã lấy đi rất nhiều nước mắt của chúng tôi. Chúng tôi được xem lại những tư liệu của một con người thật giản dị, cả đời tận tụy vì nước, vì dân. Bác đã hi sinh mọi ham muốn cá nhân của mình để giúp dân tộc giành lại độc lập và toàn vẹn lãnh thổ…”(5). Khi thấy chiếc đài vẫn được lưu giữ tại Nhà Sàn, Việt kiều Thái Lan xúc động viết: “được xem nơi Bác làm và ngôi nhà sàn Bác ở và được nhìn thấy chiếc đài nhỏ bé của kiều bào kính tặng Bác còn để trên bàn trong phòng ngủ của Bác. Điều đó chẳng những làm cho đoàn chúng tôi rất phấn khởi tự hào mà căn bản là quyết tâm nhắc nhở mọi người tích cực hòa mình cùng đồng bào cả nước góp phần vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa thân yêu”(6). Tổng thống Chi Lê đã bày tỏ lòng ngưỡng mộ Hồ Chí Minh sau khi thăm quan: “Vô cùng ngưỡng mộ người anh hùng giải phóng dân tộc Việt Nam đã chiến đấu vì độc lập tự do - Hồ Chí Minh”(7). Cùng chung cảm xúc, Tổng thống Ấn Độ viết:“Đối với tôi, đến thăm nơi ở và làm việc của Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu là giây phút đáng ghi nhớ. Tôi xúc động biết bao trước sự giản dị của ngôi nhà đơn sơ nơi Người đã từng sống và làm việc”(8). Tổng thống Nga Vladimir Putin bày tỏ: “Vô cùng thú vị khi được biết về cuộc sống của người thầy vĩ đại của Việt Nam, của một vĩ nhân mà tên tuổi đã được lưu danh trong lịch sử nhân loại. Tôi kính chúc nhân dân Việt Nam có một cuộc sống hòa bình, hạnh phúc và phồn vinh”(9). Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc cảm tác hai câu thơ: “Một phong cách thanh cao; Một tinh thần bất diệt”(10). Đoàn đại biểu Trung ương Mặt trận Lào yêu nước, Vông phết Xaycodachôngtua hồi tưởng lại những kỷ niệm sau mỗi lần đến thăm nhà Bác, nhớ đến những lời Bác dạy về tình đoàn kết: “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết; thành công, thành công đại thành công. Tình hình thế giới dù có phức tạp đến đâu thì chúng tôi vẫn mãi đi theo con đường mà Bác Hồ kính yêu của chúng ta đã chọn cho nhân dân Việt Nam cũng như cho nhân dân các bộ tộc Lào anh em. Tình đoàn kết đặc biệt trong sáng Việt - Lào muôn đời bền vững”(11). Trên cương vị là Chủ tịch Hội hữu nghị phụ nữ Mỹ - cầu nối tình hữu nghị Việt - Mỹ, bà Marry Barden nhận thấy rằng: “Dù nhìn nhận bất kỳ khía cạnh nào của đời sống đi nữa thì Người vẫn có một cái gì đó thật đặc biệt để có thể thu phục được nhân dân mình. Chúng tôi thực sự kính trọng và cũng bị thu phục hoàn toàn bởi con người lỗi lạc vĩ đại nhất của Việt Nam - Hồ Chí Minh”(12). Tới thăm Nhà Sàn, các Tổng thống Mỹ (B.Clinton, B.Obama) để lại những dòng cảm xúc chân thành: “Cảm ơn các bạn đã đón tiếp tôi rất nồng hậu khi tôi tới thăm khu di tích lịch sử xinh đẹp”; “Chúc cho tình hữu nghị hai dân tộc ngày càng nồng ấm”(13).
Thông qua những dòng cảm tưởng của khách thăm quan trong và ngoài nước, không thể phủ nhận giá trị tinh thần vô giá của Khu Di tích Phủ Chủ tịch. Các di tích bất động sản cùng với những di vật ẩn chứa trong đó có sức cảm hóa kỳ diệu, đưa những con người không cùng giai cấp, dân tộc, quốc gia,... xích lại gần nhau và cùng chung một ước vọng về thế giới đại đồng. Khu Di tích Phủ Chủ tịch thực sự là nơi hội tụ của nhân dân Việt Nam, kiều bào và bạn bè trên thế giới và Hồ Chí Minh là biểu tượng cao đẹp nhất của tinh thần đoàn kết dân tộc và đoàn kết quốc tế.
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác tuyên truyền, giáo dục của Khu Di tích cũng còn những hạn chế. Mặc dù các di tích đã mở cửa đón khách tham quan, song vẫn còn thiếu nhiều tài liệu hiện vật vốn có. Lượng tài liệu hiện vật đang trưng bày chỉ chiếm 1/3 tổng số tài liệu hiện vật vốn có. Do đó, phần nào đã hạn chế phản ánh chân thực, sinh động về tính minh triết của vị lãnh tụ được UNESCO tôn vinh “Anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hóa kiệt xuất”.
Lượng khách vào thăm quan, học tập tại Khu Di tích Phủ Chủ tịch hàng ngàn người mỗi ngày. Vào dịp Lễ 30/4, 01/5, ngày Sinh nhật Bác, Quốc khánh 02/9,... hàng chục vạn người/ngày. Với số lượng cán bộ thuyết minh 11 người, chỉ phục vụ được các đoàn đã đăng ký trước. Trong số 11 cán bộ thuyết minh, chỉ có 02 cán bộ ngoại ngữ (tiếng Anh và tiếng Trung), do đó, không thể đảm nhiệm phục vụ số lượng lớn khách quốc tế tham quan.
Ngày nay, khoa học kỹ thuật phát triển, thông tin được du khách tiếp cận từ nhiều nguồn, đa chiều, hết sức phong phú và đa dạng. Hơn nữa, khách tham quan giờ đây không chỉ thụ động nghe một chiều mà có nhu cầu lớn được trải nghiệm, trao đổi, tương tác với hướng dẫn viên, qua đó chiêm nghiệm, rút ra những bài học kinh nghiệm cho bản thân. Đặc biệt, từ thực tiễn thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW về “Học tập và làm tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” và Kết luận 01-KL/TW của Bộ Chính trị, nhiều chi bộ, đảng bộ của các cơ quan đoàn thể từ Trung ương đến địa phương, các lớp trung - cao cấp lý luận chính trị đã chọn Khu Di tích Phủ Chủ tịch tham quan, sinh hoạt chính trị theo chuyên đề chuyên sâu. Để đáp ứng được nhu cầu của đối tượng khách này rất cần những cán bộ dày dạn kinh nghiệm và có phông kiến thức sâu rộng về cuộc đời, sự nghiệp Hồ Chí Minh.
Để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đối với khách tham quan trong và ngoài nước, cần thực hiện tốt một số kiến giải sau:
Một là, cần chỉnh lý, bổ sung trưng bày nội thất các di tích nhằm đảm bảo tính nguyên trạng, tái hiện tính chân thực lịch sử vốn có của di tích. Từ thực tiễn công tác phát huy giá trị ở Khu Di tích Phủ Chủ tịch, nhất là trong giai đoạn hiện nay, khi Đảng ta đang đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đã đặt ra những vấn đề mới đòi hỏi cần nghiên cứu làm rõ thêm các giá trị về tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh thông qua các di sản vật thể và phi vật thể gắn liền với Người. Những tài liệu, hiện vật đã, đang và sẽ trưng bày bổ sung, kết hợp với các phương tiện khoa học kỹ thuật hiện đại trưng bày tại các di tích sẽ góp phần phản ánh trọn vẹn, chân thực và sinh động về những năm tháng Chủ tịch Hồ Chí Minh sống và làm việc tại Khu Di tích Phủ Chủ tịch.
Hai là, để giải quyết vấn đề nhân lực phục vụ công tác tuyên truyền Khu Di tích Phủ Chủ tịch một mặt, cần bổ sung đội ngũ cán bộ thuyết minh (chuyên ngành di sản và ngoại ngữ); mặt khác, cần ứng dụng khoa học công nghệ thông tin vào số hóa tư liệu, trên cơ sở đó xây dựng hệ thống thuyết minh tự động audioguide, cài đặt mã code QR đối với các di tích, khách có thể sử dụng điện thoại thông minh, nghe giới thiệu nội dung lịch sử Khu Di tích Phủ Chủ tịch,...
Ba là, công tác thuyết minh truyền thống giúp cho khách tham quan nắm được nội dung tuyên truyền một cách trực quan, sinh động; vì vậy, cần bồi dưỡng tri thức, nâng cao kỹ năng hướng dẫn cho đội ngũ thuyết minh thông qua việc thực hiện các đề tài nghiên cứu khoa học, tổ chức các cuộc tọa đàm, hội thảo; tăng cường giao lưu học hỏi các đơn vị,... Bên cạnh đó, cần xây dựng các chuyên đề về tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh phù hợp với nội dung môn học, ngành học; khai thác những khía cạnh, nội dung phù hợp với trình độ và nhu cầu tìm hiểu của công chúng; chú ý cung cấp những tư liệu mới, những câu chuyện mà trong giáo trình, bài giảng trên lớp không được đề cập. Việc giới thiệu không chỉ dừng lại ở chỗ chỉ ra hiện vật này là “cái gì”, mà phải lý giải “tại sao lại như vậy” và quan trọng hơn là phải nêu được ý nghĩa và liên hệ với thực tiễn đời sống hiện nay.
Bốn là, Khu Di tích Phủ Chủ tịch cần phối hợp với các trường, các đơn vị xây dựng chương trình, kế hoạch cụ thể về hoạt động tham quan theo quý, theo năm tại Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch. Theo đó, Khu Di tích sẽ có sự chuẩn bị tiếp đón phục vụ đoàn chu đáo; đồng thời, Khu Di tích sẽ chuẩn bị nội dung phù hợp với nhu cầu của công chúng.
Năm là, hằng năm, tổ chức điều tra xã hội học và hội nghị khách hàng nhằm ghi nhận những ý kiến đóng góp phục vụ cho công tác nâng cao chất lượng tuyên truyền. Qua đó, tạo mối liên hệ mật thiết với các cơ quan đơn vị, các trường, xây dựng nguồn khách tiềm năng, thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị của Đảng và Nhà nước giao phó.
Thực hiện tốt những vấn đề trên, chắc chắn sẽ mang lại hiệu quả cao trong công tác tuyên truyền, góp phần đưa tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh thấm sâu vào đời sống xã hội, trở thành lối sống, nếp nghĩ, cách làm của từng cán bộ, đảng viên và nhân dân; nâng cao tinh thần yêu nước, ý chí tự lực, tự cường, khát vọng cống hiến, xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc của cán bộ, đảng viên và nhân dân, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Khu Di tích Phủ Chủ tịch đã đi vào tiềm thức người dân Việt Nam như một di sản văn hóa quý báu của dân tộc. Cuộc đời, sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trở thành huyền thoại. Nơi ở và làm việc của Người cũng đi vào huyền thoại, là biểu tượng của phong cách, đạo đức Hồ Chí Minh, là nhịp cầu hữu nghị giữa Việt Nam và bạn bè quốc tế cho hôm nay và mai sau./.
Chú thích:
(1) Chủ tịch Hồ Chí Minh - từ Nhà sàn Việt Bắc đến Nhà sàn Hà Nội, Nxb Thông tin và Truyền thông, Hà Nội, 2018, tr.3.
(2) Sổ ghi cảm tưởng khách tham quan Khu Di tích Phủ Chủ tịch.
(3) Bài thu hoạch của học viên Học viện An ninh nhân dân, năm 2021.
(4) Bài thu hoạch của học viên Học viện An ninh nhân dân, năm 2021.
(5) Bài thu hoạch của học viên Học viện An ninh nhân dân, năm 2021.
(6) Hồ Chí Minh gương sáng đời đời, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1998, tr. 70.
(7) Sổ Ghi cảm tưởng khách thăm quan năm 2012 (Khu Di tích Phủ Chủ tịch).
(8) Sổ Ghi cảm tưởng khách thăm quan năm 2014 (Khu Di tích Phủ Chủ tịch).
(9) Sổ Ghi cảm tưởng khách thăm quan năm 2012 (Khu Di tích Phủ Chủ tịch).
(10) Hồ Chí Minh gương sáng đời đời, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1998, tr. 25.
(11) Hồ Chí Minh gương sáng đời đời, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1998, tr. 29.
(12) Hồ Chí Minh gương sáng đời đời, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1998, tr. 26.
(13) Sổ Ghi cảm tưởng khách thăm quan năm 2014 (Khu Di tích Phủ Chủ tịch).
ThS Cù Thị Minh
Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch