Chủ tịch Hồ Chí Minh, vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc Việt Nam, Người đã để lại muôn vàn tình thương cho cán bộ, chiến sĩ và đồng bào ta. Chủ tịch Hồ Chí Minh là hình tượng đẹp nhất khắc sâu trong tâm trí của nhân dân cả nước nói chung và nhân dân đồng bằng sông Cửu Long nói riêng. Là vùng đất cực Nam của Tổ quốc, trải qua hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, chiến tranh biên giới Tây Nam với bao gian khổ, hi sinh, lại xa sự chỉ đạo và chi viện của Trung ương, nhưng tấm lòng quân và dân nơi đây đối với Chủ tịch hồ Chí Minh bằng niềm tin tuyệt đối và lòng biết ơn sâu sắc. Nhân dịp kỷ niệm 133 năm ngày sinh của Người, nhân dân các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long nói chung, cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang Quân khu 9 và Bảo tàng Hồ Chí Minh chi nhánh đồng bằng sông Cửu Long nói riêng một lòng hướng về Bác, nguyện đi theo con đường mà Đảng, Bác Hồ và Nhân dân ta đã lựa chọn, góp phần xây dựng quê hương, đất nước ngày càng tươi đẹp như sinh thời Bác hằng mong ước.
1. Đền thờ Bác ở các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long được xây dựng từ lòng sắt son với Đảng, với Bác kính yêu
Hơn 75 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Bác Hồ, quân và dân đồng bằng sông Cửu Long đã phát huy chủ nghĩa anh hùng cách mạng, trung thành vô hạn với Đảng, với Tổ quốc, luôn dũng cảm, kiên cường, mưu trí, sáng tạo, vượt qua mọi hi sinh gian khổ, chiến đấu và chiến thắng mọi kẻ thù xây đắp nên truyền thống quyết chiến, quyết thắng của Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng, góp phần giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước để được đón Bác vào thăm.
Dù chưa một lần được gặp Bác, nhưng tình cảm của quân và dân đồng bằng sông Cửu Long luôn hướng về Người, tin theo Người như một chân lý vĩnh cửu, là nguồn động viên, cổ vũ mạnh mẽ để quân và dân nơi đây chiến đấu kiên cường, giành hết thắng lợi này đến thắng lợi khác. Bởi, mỗi cán bộ, chiến sĩ, mỗi người dân đồng bằng sông Cửu Long luôn tâm niệm: “Nghe theo Bác Hồ là thắng”, nên các đơn vị vũ trang trước giờ xuất quân đều tuyên thệ trước ảnh Bác Hồ để “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”, “Thà hi sinh tất cả chứ không chịu mất nước, không chịu làm nô lệ”. Hình ảnh Bác luôn là ngọn đuốc soi đường, kim chỉ nam cho mọi hành động. Chính niềm tin đó đã giúp quândân đồng bằng sông Cửu Long “đoàn kết, kiên cường, bám trụ, tự lực, tự cường, anh dũng chiến đấu” và lập nên những chiến công vang dội, đi vào lịch sử như trận Giồng Dứa - Mỹ Tho, Cầu Kè - Trà Vinh, Tầm Vu - Cần Thơ, Mương Điều, Đầm Dơi, Cái Nước, Chà Là - Cà Mau…góp phần cùng quân dân cả nước làm nên chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ 1954 chấn động địa cầu, kết thúc 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp và Đại thắng Mùa xuân năm 1975 đánh bại đế quốc Mỹ xâm lược kết thúc bằng chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, góp phần giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.
Thắng lợi đó càng tôn vinh hình ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh, in sâu vào tâm trí của quân dân đồng bằng sông Cửu Long là hành trang trên mỗi bước quân hành, trong mỗi chiến công đều có hình ảnh Bác soi đường chỉ lối, giục dã quân, dân ta vững bước tiến lên:
“Con ra thưa với cụ Hồ
Đất này chỉ một ngọn cờ vàng sao”
Một lòng tin theo Đảng, theo Bác, quân dân đồng bằng sông Cửu Long quyết tâm chiến thắng mọi kẻ thù, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước để đón Bác vào thăm. Ý nguyện thiêng liêng đó chưa thành hiện thực thì quân dân đồng bằng sông Cửu Long được tin Bác đã về cõi vĩnh hằng. Mất mát, đau thương này là không gì bù đắp được. Do vậy, mặc dù sống trong ấp chiến lược, bốn bề đồn bốt địch bao vây nhưng quân dân đồng bằng sông Cửu Long vẫn cất giấu hình ảnh Bác; tuy không công khai làm lễ truy điệu, nhưng trong nhiều nhà dân lại xuất hiện những bát hương trên bàn thờ, nhân dân vẫn bí mật giữ băng tang trong người thể hiện tình cảm và lòng kính yêu vô hạn đối với Bác. Còn ở vùng giải phóng, nhân dân đã lập bàn thờ Bác Hồ trước bàn thờ gia tiên.
Trong niềm tiếc thương vô hạn đối với vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc, quân dân đồng bằng sông Cửu Long đã xây dựng đồng loạt hệ thống đền thờ ở khắp các địa phương để tưởng niệm Bác. Mọi sinh hoạt của đền thờ Bác đều có nguồn gốc từ tín ngưỡng truyền thống thờ cúng tổ tiên và những người có công với dân, với nước.
Đối với đồng bằng sông Cửu Long, sau khi lập làng sẽ lập đình - đình thờ thần hoàng bổn cảnh, thờ những người có công khai khẩn đất đai lập làng, lập ấp, những tướng lĩnh, danh nhân đỗ đạt, có công bảo vệ bờ cõi, biên cương như: Thoại Ngọc Hầu, Nguyễn Hữu Cảnh, Nguyễn Trung Trực,… thì giờ đây nhân dân đã lập nên nhiều đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh. Điều đó thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, lòng kính yêu và tri ân sâu sắc đối với Bác kính yêu. Các đền thờ Bác được xây dựng ở những vị trí bí mật, được che chắn bởi rừng tràm, rừng đước, rừng dừa, rừng lá,...Điều đặc biệt hơn là, đền thờ Bác ở đồng bằng sông Cửu Long được xây dựng và bảo vệ bằng cả tấm lòng và xương máu của triệu triệu đồng bào. Để qua được tai mắt kẻ thù, bảo vệ an toàn đền thờ Bác, cán bộ, chiến sĩ và đồng bào phải chiến đấu trực diện với bom đạn khốc liệt của Mỹ - ngụy với tất cả niềm tin, tấm lòng, ý chí của khối đại đoàn kết toàn dân. Kẻ thù càng bắn phá thì hệ thống đền thờ Bác càng được củng cố xây dựng kiên cố hơn, đàng hoàng hơn, thể hiện ý chí chiến đấu, tinh thần quật khởi mạnh mẽ hơn của quân và dân đồng bằng sông Cửu Long.
Trong các tỉnh, thành ở đồng bằng sông Cửu Long, Cà Mau là địa phương xây dựng đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh sớm nhất, ngay khi Người vừa về cõi vĩnh hằng. Ngày 04/9/1969, cán bộ, chiến sĩ và nhân dân ấp Hậu Nà Chim, xã Viên An, huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau vừa khóc thương Bác, vừa bàn kế hoạch lập đền thờ Bác. Và chỉ sau hơn một tuần, đền thờ Bác đã được khánh thành tại Ngã Quát, xã Hàm Rồng, huyện Ngọc Hiển… đồng thời, nhiều đền thờ Bác ở Cà Mau cũng được hoàn thành trong thời gian này.
Sau lễ truy điệu Bác, nhiều nơi như: xã An Thạnh Đông, huyện Cù Lao Dung, tỉnh Sóc Trăng; xã Long Đức, tỉnh Trà Vinh; xã Châu Thới, huyện Vĩnh Lợi, tỉnh Bạc Liêu; xã Lương Tâm, huyện Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang,…cũng khởi công xây dựng đền thờ Bác. Tùy điều kiện của từng địa phương mà đền thờ được xây dựng lớn hay nhỏ, bằng bê tông cốt thép hay cây lá, đền thờ làm theo kiểu chữ đinh, hoặc mái bắt vần, song điểm chung nhất là địa phương nào cũng quyết tâm hoàn thành sớm vì đó là công trình của trái tim, là tình cảm đặc biệt của quân dân đồng bằng sông Cửu Long đối với Bác... Để xây dựng đền thờ, nhân dân phải vừa xây dựng, vừa chiến đấu chống địch cán quét; nhiều đồng bào, chiến sĩ đã anh dũng chiến đấu với bọn Mỹ - ngụy để bảo vệ bằng được đền thờ Bác, như bảo vệ lòng dân đối với Đảng, với Bác. Có đền vừa xây dựng xong đã bị bom pháo địch bắn cháy, san bằng, song vài ngày sau nhân dân lại huy động vật tư, cây lá và chung tay củng cố, xây dựng mới. Ảnh Bác ở đền thờ thì được vẽ từ ảnh mẫu của Người trên đồng tiền Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Sau mỗi lần địch bắn phá, đốt đền, ảnh của Bác luôn được cất giấu kỹ lưỡng, nếu không may bị đốt, bị hỏng thì họa sĩ vẽ lại…Ngoài đền thờ của địa phương, nhiều nơi như nhà tù Côn Đảo, Phú Quốc, các chùa Sắc Tứ Quan Cổ tự - Cà Mau, chùa Sùng Hưng - Phú Quốc, chùa Khánh Quang - Cần Thơ, chùa Đất Sét - Sóc Trăng,…đều có bàn thờ Bác và hương khói hàng ngày như thờ một vị phật. Nơi đây, không chỉ có người Kinh mà cả người Hoa, người Khmer, người Chăm cũng lập bàn thờ Bác tại gia đình trong những ngày quốc tang và duy trì thờ cúng đến ngày nay.
Hiện nay, một số đền thờ Bác ở đồng bằng sông Cửu Long vẫn giữ được nguyên trạng ban đầu, có nơi được nâng cấp và mở rộng quy mô, kết hợp trưng bày nhiều hình ảnh, hiện vật liên quan đến Chủ tịch Hồ Chí Minh. Những hiện vật thường là công cụ, đồ dùng liên quan đến quá trình xây dựng đền hoặc những câu chuyện, hồi ức về tấm gương các anh hùng liệt sĩ, những dấu tích bắn phá của kẻ thù và những nhân chứng sống khi tham gia xây dựng, bảo vệ đền. Những đền thờ Bác ở Đồng bằng sông Cửu Long không chỉ thể hiện tấm lòng của đồng bào miền Nam đối với Bác, mà còn như một “huyền thoại” có giá trị vĩnh cửu, “được xây dựng, vun đắp và bảo vệ bằng trái tim”, thể hiện tình cảm thiêng liêng, cao quý của Bác đối với đồng bào miền Nam, góp phần tuyên truyền giáo dục tình yêu quê hương đất nước, ý chí căm thù giặc sâu sắc cho các thế hệ.
Ở đồng bằng sông Cửu Long hiện có 34 đền thờ, phủ thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh được xây dựng từ khi Bác mất hoặc trong kháng chiến chống Mỹ, nằm ở 07 tỉnh, thành phố (trong đó có 09 đền thờ được công nhận Di tích lịch sử cấp tỉnh, cấp quốc gia). Mỗi đền thờ được xây dựng gắn với một huyền thoại, một câu chuyện cảm động, thể hiện ý chí kiên trung, bất khuất, một lòng theo Đảng, theo Bác của quân dân đồng bằng sông Cửu Long. Ngày nay, các đền thờ, phủ thờ Bác đã trở thành di tích lịch sử - văn hóa của địa phương, được quản lý, tôn tạo thường xuyên, trở thành nơi cúng giỗ, lễ hội, thăm viếngcủa hàng ngàn người dân nhân dịp sinh nhật, kỵ nhật của Bác. Đặc biệt, đền thờ Bác được xây dựng từ tấm lòng tự nguyện, ước muốn của hàng triệu đồng bào, nên sinh hoạt văn hóa ở đây có nội dung bình dị và giàu tính thực tiễn, phù hợp với sinh hoạt văn hóa cộng đồng và là nơi tập hợp, sinh hoạt, giáo dục truyền thống cho đoàn viên thanh niên, là địa điểm tham quan, du lịch của du khách thập phương. Vào các ngày sinh nhật Bác (19/5), ngày giỗ Bác (21/7 âm lịch), ngày Quốc khánh (02/9) hàng năm, cấp ủy, chính quyền và nhân dân địa phương tổ chức lễ cúng, giỗ Bác tại đền thờ theo tín ngưỡng truyền thống, rất trang nghiêm, có nhạc lễ, múa lân hoặc lồng ghép với các hoạt động văn hóa, văn nghệ, tổ chức trò chơi dân gian, hội thi hoặc dâng hương, báo công… Phẩm vật dâng cúng Người thường là những cây trái đặc sản và các loại bánh dân gian như: bánh ít, bánh tét, bánh bò, xôi,... Qua đó, đã thu hút đông đảo đông nhân dân đến tham dự, thậm chí ở một số đền thờ Bác còn có các cô dâu, chú rể đến đây dâng hương như một lời tri ân đối với Bác trong ngày cưới và hứa hẹn xây dựng hạnh phúc bềnlâu.
Sự hiện diện các đền thờ Bác đã minh chứng: Người có sức ảnh hưởng vô cùng to lớn trong đời sống văn hóa cộng đồng cư dân vùng đồng bằng sông Cửu Long nói riêng và cả nước nói chung; đền thờ, phủ thờ Bác đã trở thành di sản văn hóa - tinh thần của mỗi người dân. Nếu có dịp đến thăm bất cứ địa phương nào, ta cũng bắt gặp những hình ảnh, hiện vật đơn sơ được trưng bày trang trọng, giữ gìn cẩn thận và những câu chuyện cảm động, “người thật, việc thật” của quân dân đồng bằng sông Cửu Long đối với Bác Hồ kính yêu, dù chưa một lần được gặp Bác.
2. Bảo tàng Hồ Chí Minh chi nhánh đồng bằng sông Cửu Long ra đời trở thành một địa chỉ đỏ
Từ các đền thờ Bác ở đồng bằng sông Cửu Long đã khẳng định tấm lòng của Bác đối với miền Nam và tấm lòng miền Nam đối với Bác - vị cha già dân tộc, Người đã tiếp thêm sức mạnh, niềm tin để quân và dân đồng bằng sông Cửu Long cùng cả nước đánh thắng mọi kẻ thù xâm lược, giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc, xây dựng một nước Việt Nam “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”, vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội, thực hiện thành công tâm nguyện của Người và ước vọng của toàn dân tộc. Trong hệ thống đền thờ Bác, mỗi đền có một sắc thái riêng, nhưng nằm rải rác ở khắp các tỉnh, thành phố của đồng bằng sông Cửu Longvà thường xa trung tâm, điều kiện đi lại khó khăn. Trong khi đó, đất nước ngày càng phát triển, đời sống văn hóa - tinh thần của người dân và yêu cầu công tác tuyên truyền giáo dục truyền thống nói chung, tuyên truyền sâu rộng về cuộc đời, sự nghiệp cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh nói riêng ngày càng cao… Vì vậy, xây dựng một Bảo tàng về Bác ở đồng bằng sông Cửu Long là yêu cầu bức thiết về địa điểm tham quan du lịch, sinh hoạt văn hóa, giao lưu, học tập của đồng bào, chiến sĩ lực lượng vũ trang trên địa bàn và khách thập phương. Đây sẽlà nơi lưu giữ những hình ảnh, tư liệu, hiện vật từ các đền thờ Bác hoặc trong nhân dân, để mọi người có dịp được đến gần Bác hơn...Trước yêu cầu đó, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng đồng ý cho Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Quân khu 9 xây dựng Bảo tàng Hồ Chí Minh chi nhánh đồng bằng sông Cửu Long.
Được xây dựng ở địa bàn trung tâm Thành phố Cần Thơ (số 6 Hòa Bình, phường An Cư, quận Ninh Kiều, TP. Cần Thơ), cũng là trung tâm của khu vực miền Tây Nam bộ, Bảo tàng Hồ Chí Minh chi nhánh đồng bằng sông Cửu Long được khánh thành vào ngày 19/5/1990, đúng vào dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh. Bảo tàng trưng bày gồm hai phần: 1) Thân thế và sự nghiệp cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh; 2) Tấm lòng của Bác với miền Nam và tấm lòng của quân dân đồng bằng sông Cửu Long đối với Bác Hồ.
Từ khi khánh thành đến nay, Bảo tàng đã nhiều lần sửa chữa, nâng cấp trưng bày và hàng năm đều có bổ sung, chỉnh lý. Bảo tàng hiện nay đang trưng bày gần 1000 hình ảnh, tư liệu, hiện vật. Đặc biệt ở không gian trưng bày “tấm lòng của Bác với miền Nam và quân dân Đồng bằng sông Cửu Long đối với Bác Hồ”, với hơn 300 tài liệu, hình ảnh và hiện vật thể hiện tình cảm thiêng liêng, niềm tin sâu sắc của quân dân Đồng bằng sông Cửu Long đối với Bác Hồ. Dù Bác đã đi xa, nhưng đồng bào, cán bộ, chiến sĩ miền Tây Nam bộ luôn tin tưởng có Bác soi đường, chỉ lối để truyền thêm sức mạnh cho đồng bào, cán bộ, chiến sĩ đánh thắng mọi kẻ thù xâm lược, xây dựng và bảo vệ vững chắc vùng đất cực Nam Tổ quốc.
Bảo tàng Hồ Chí Minh chi nhánh đồng bằng sông Cửu Long là địa điểm tham quan hấp dẫn đối với du khách, là địa chỉ tin cậy trong công tác tuyên truyền giáo dục truyền thống, là nơi giao lưu sinh hoạt, học tập, nghiên cứu, trãi nghiệm của sinh viên, học sinh các trường Đại học, Cao đẳng, Trung học trên địa bàn.Những ngày cao điểm, lễ tết, có hàng ngàn lượt khách đến dâng hương và tham quan, trung bình mỗi năm, Bảo tàng đón trên12 ngàn lượt khách tham quan.
Ngoài chức năng tuyên truyền giáo dục về thân thế và sự nghiệp cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, vào các dịp lễ, tết và các sự kiện chính trị quan trọng, các địa phương và lực lượng vũ trang Quân khu đều tổ chức các đoàn đến dâng hương, tưởng niệm và báo công dâng Bác.
Với 33 năm hoạt động, Bảo tàng Hồ Chí Minh chi nhánh đồng bằng sông Cửu Long đã cùng các đơn vị trong hệ thống bảo tàng và di tích lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh thực hiện tốt nhiệm vụ giữ gìn và phát huy giá trị những di sản quý báu mà Chủ tịch Hồ Chí Minh để lại, những mẩu chuyện, những tư liệu, hình ảnh, hiện vật liên quan đến Người vẫn còn nguyên giá trị và mang tính thời sự sâu sắc, là ngọn đuốc soi đường cho cách mạng Việt Nam, là kim chỉ nam để Đảng ta kiên định mục tiêu, lý tưởng mà Người đã chọn, là sợi chỉ đỏ xuyên suốt hành trình độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội của đất nước.
Để tiếp tục phát huy hiệu quả hoạt động của Bảo tàng trong những năm qua, đồng thời đáp ứng yêu cầu phục vụ khách tham quan và các hoạt động trải nghiệm tại Bảo tàng trong thời gian tới, Bảo tàng Hồ Chí Minh chi nhánh đồng bằng sông Cửu Long sẽ hướng các hoạt động văn hóa, giải trí tạo không gian mở và sử dụng công nghệ số để nâng cao chất lượng phục vụ và thu hút khách tham quan. Tiếp tục nghiên cứu, sưu tầm bổ sung hiện vật, tư liệu mới về Bác, đổi mới phương pháp trưng bày, đảm bảo giá trị lịch sử, tính mỹ thuật, từng bước ứng dụng kỹ thuật hiện đại trong trưng bày, tạo sự hấp dẫn, đồng thời đa dạng hóa các hoạt động của Bảo tàng, nhằm tuyên truyền, quảng bá, thu hút khách tham quan; phối hợp tổ chức các hoạt động bổ trợ như giao lưu, trải nghiệm, gặp gỡ nhân chứng lịch sử, giới thiệu hiện vật, kỷ vật liên quan đến cuộc đời, sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh, tình cảm của người dân đồng bằng sông Cửu Long đối với Bác Hồ...Đặc biệt, hiện nay Bảo tàng đang trưng bày bộ sưu tập 15 bức tranh chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh làm từ các chất liệu sẵn có tại các địa phương vỏ cây tràm, lá sen, lá thốt nốt, mo cau, lá chuối, gạo, gỗ mít, gỗ dừa, đá Núi An Giang, dây điện thoại,…thể hiện lòng kính yêu đối với Bác của các nghệ nhân ở miền Tây Nam bộ, đã góp phần tạo sự hấp dẫn, mới mẻ, thu hút khách tham quan. Mặt khác, Bảo tàng cũng tiếp tục phối hợp với các Bảo tàng trong hệ thống, trong khu vực và các Công ty Du lịch, Trung tâm Lữ hành, các Đoàn an Điều dưỡng, các cơ quan Báo, Đài Trung ương, địa phương, các trường học, các cơ quan, đơn vị lực lượng vũ trang để tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu về Bảo tàng Hồ Chí Minh chi nhánh Đồng bằng sông Cửu Long, cũng nhưtổ chức các đợt triển lãm lưu động của Bảo tàng đến khách tham quan.Đồng thời, quan tâm việc đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, nhân viên Bảo tàng, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới; đầu tư trang bị, nâng cấp phương tiện nghe nhìn, âm thanh ánh sáng phù hợp,phòng chiếu phim tư liệu phục vụ khách tham quan; thiết lập trang thông tin điện tử (Website), tờ gấp để quảng bá giới thiệu về Bảo tàng đến đông đảo công chúng.
Để thực hiện và đạt hiệu quả các nội dung trên, Bảo tàng Hồ Chí Minh chi nhánh Đồng bằng sông Cửu Long rất mong được sự quan tâm lãnh đạo của Thủ trưởng các cấp trong Quân đội, sự giúp đỡ kịp thời của lãnh đạo Cục Di sản/Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch; sự hỗ trợ về chuyên môn nghiệp vụ của Bảo tàng Hồ Chí Minh, Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh và sự phối hợp, giao lưu trao đổi kinh nghiệm giữa các Bảo tàng, Di tích lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh trong hệ thống để Bảo tàng Hồ Chí Minh chi nhánh Đồng bằng sông Cửu Long hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao, xứng đáng là một địa chỉ đỏ tuyên truyền giáo dục về cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh ./.
Đại tá, ThS Nguyễn Thị Kim Loan
Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh Chi nhánh Đồng bằng sông Cửu Long