Trong cuộc đời hoạt động cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đi đến nhiều nơi ở trong nước và các quốc gia trên thế giới - lưu dấu Người từng dừng chân, sống và làm việc. Đi đến đâu, Bác cũng để lại những dấu ấn về tình hữu nghị, đoàn kết, góp phần quan trọng vào cuộc đấu tranh cho hòa bình, hữu nghị và tiến bộ của nhân dân Việt Nam nói riêng và nhân loại nói chung. Ngày nay, những “địa chỉ đỏ” ấy đã trở thành những di sản, khẳng định vị thế, vai trò của mình trong đời sống văn hóa, tinh thần của các tầng lớp nhân dân. Hệ thống các di tích đã không ngừng lớn mạnh về mọi mặt, ngày càng làm tốt chức năng nghiên cứu, tuyên truyền tư tưởng, đạo đức, tác phong và cuộc đời hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh tới công chúng trong và ngoài nước, đáp ứng được nguyện vọng của nhân dân, góp phần tích cực vào việc thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị, các kế hoạch phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của Đảng, Nhà nước và các địa phương, giữ vai trò quan trọng trong việc thực hiện nhiệm vụ giáo dục truyền thống cho các thế hệ người Việt Nam. Đối với công tác xây dựng Đảng, phát huy giá trị Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh có ý nghĩa to lớn đối với công tác xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng, tổ chức, đạo đức và cán bộ.
Sau ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời, thể theo nguyện vọng của toàn thể nhân dân muốn được lưu giữ những kỷ vật của Người, cùng với việc thành lập Ban Phụ trách xây dựng Bảo tàng Hồ Chí Minh, Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam đã cho phép khôi phục các khu lưu niệm, xây dựng các nhà trưng bày bổ sung di tích về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trên tinh thần đó, một số địa phương có di tích lưu niệm về Người đã thành lập Ban phụ trách và tổ chức mở cửa đón khách tham quan như: Khu Di tích Pác Bó, tỉnh Cao Bằng; Khu Du lịch lịch sử, văn hóa và sinh thái Tân Trào, tỉnh Tuyên Quang; Di tích 48 Hàng Ngang, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội; Nhà lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại phường Vạn Phúc, quận Hà Đông, Hà Nội và Khu Di tích Kim Liên, tỉnh Nghệ An.
Khi đất nước hoàn toàn thống nhất năm 1975, được sự quan tâm của các cấp ủy, chính quyền, việc nghiên cứu, sưu tầm các di tích về Chủ tịch Hồ Chí Minh được quan tâm đặc biệt. Nhiều di tích tiếp tục được khôi phục và giới thiệu tới công chúng như: Nhà ông Nguyễn Sĩ Độ, Huế - nơi gia đình Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng sống những năm đầu thế kỷ XX; Khu Di tích Trường Dục Thanh, Phan Thiết, Bình Thuận-nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dừng chân và dạy học (1910); Khu Lưu niệm Nhà Rồng - nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh ra đi tìm đường cứu nước (1911); Khu Di tích mộ cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc, tỉnh Đồng Tháp… Bên cạnh đó, các di tích ở nước ngoài như: Biển di tích ở nhà số 9, ngõ Compoint, quận 17, Paris, Pháp (gần biển năm 1983) (Bác ở đây từ 14/7/1921 đến 14/3/1923); Nhà số 248 và 250 ở đường Văn Minh, Quảng Châu, Quảng Đông, Trung Quốc (nơi Bác tổ chức các lớp huấn luyện chính trị cho thanh niên yêu nước từ đầu năm 1926 - 4/1927)… Những năm qua, việc bảo tồn, phát huy vai trò, ý nghĩa của Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh được cán bộ, nhân viên, chiến sĩ khu di tích hoàn thành xuất sắc, để nơi đây xứng đáng là "địa chỉ đỏ" giáo dục truyền thống cách mạng của dân tộc và tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người.
Khu Di tích Phủ Chủ tịch có lượng khách tham quan đông nhất trong hệ thống các di tích, bảo tàng về Bác Hồ trong cả nước. Từ năm 1970 đến nay, nơi đây đã đón hơn 80 triệu lượt khách trong và ngoài nước. Trước thời điểm dịch Covid-19 bùng phát, trung bình mỗi ngày khu di tích đón 6.000 - 8.000 lượt khách. Vào dịp lễ lớn như 19/5, 02/9 lượng người tham quan có thể đạt 50.000. Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch có địa chỉ tại số 1 Bách Thảo, Ngọc Hà, Ba Đình, Hà Nội. Đây là nơi bảo quản và phát huy các di tích, tài liệu, hiện vật về cuộc đời, sự nghiệp, tư tưởng, đạo đức cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh từ năm 1954 đến tháng 9/1969.
Để phát huy giá trị Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh, góp phần xây dựng Đảng vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức, đạo đức và cán bộ, các cấp ủy, tổ chức Đảng quản lý các di tích và toàn bộ hệ thống chính trị cần lưu ý một số giải pháp sau đây:
Thứ nhất, nghiêm túc quán triệt để đội ngũ cán bộ khu di tích hiểu sâu sắc về thân thế, sự nghiệp, tư tưởng và phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Từ đó, truyền đạt để nhân dân và khách tham quan tin tưởng và làm theo Bác với tất cả tình cảm, trách nhiệm và niềm tin vào con đường mà Đảng, Bác Hồ và Nhân dân ta đã lựa chọn. Chú trọng chăm lo đào tạo, bồi dưỡng, giáo dục xây dựng tình cảm, đạo đức, tinh thần trách nhiệm cao cho đội ngũ cán bộ, chiến sĩ, nhân viên, phát huy hiệu quả ý nghĩa chính trị, văn hóa của di tích. Đặc biệt coi trọng đào tạo, bồi dưỡng, xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác tổ chức các hoạt động sinh hoạt chính trị, văn hóa, nâng cao nghiệp vụ hướng dẫn, giao tiếp, ứng xử, tuyên truyền, giới thiệu về cuộc đời và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh tới nhân dân trong nước và khách quốc tế. Bảo đảm đội ngũ cán bộ, chiến sĩ hiểu biết sâu sắc về thân thế, sự nghiệp, tư tưởng, tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, vừa hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị, vừa tạo ấn tượng tốt đẹp về thái độ tiếp đón tận tình, chu đáo, giúp khách tham quan tìm hiểu đầy đủ những giá trị văn hóa của di tích.
Thứ hai, nâng cao nhận thức của cấp ủy, chính quyền và cả hệ thống chính trị về giáo dục truyền thống cách mạng cho các thế hệ, trong đó chú ý phát huy giá trị của các di tích nơi Bác Hồ đã ở và làm việc. Bên cạnh đó, cần thực hiện tốt việc đổi mới, nâng cao chất lượng tuyên truyền, giáo dục truyền thống cách mạng trên địa bàn các địa phương. Giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ là một trong những công việc mà lúc sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm. Với Người, thế hệ trẻ có vai trò quan trọng trong sự nghiệp cách mạng của nước nhà. Trong Di chúc thiêng liêng, Người viết: Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và cần thiết. Với ý nghĩa đó, Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh là nơi khơi dậy niềm tự hào để mỗi một người dân trên địa bàn và du khách đến tham quan cảm nhận được giá trị cũng như thấy trách nhiệm của mình đối với đất nước.
Thứ ba, làm tốt công tác quản lý, lưu giữ, bảo quản các công trình, hiện vật di tích. Các công trình, hiện vật di tích đều là những hiện vật gốc, quan trọng được bảo quản, giữ gìn, các công trình mở cửa thường xuyên nên chịu ảnh hưởng không nhỏ của yếu tố thời tiết. Do đó, đòi hỏi công tác bảo quản, giữ gìn các công trình, hiện vật phải hết sức nghiêm ngặt; phải đặc biệt coi trọng yếu tố gốc, bảo đảm giữ nguyên vẹn cảnh quan, môi trường và không gian thiêng liêng vốn có của di tích. Cùng với bảo quản, phát huy hiệu quả các công trình, hiện vật hiện có, cần tiếp tục sưu tầm, bổ sung những hiện vật, tư liệu liên quan đến hoạt động của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Cùng với đó, công tác tôn tạo kiến trúc, cảnh quan, môi trường ngày càng khang trang, sạch, đẹp được triển khai tích cực nhằm đáp ứng nhu cầu tham quan của nhân dân và khách quốc tế là một trong những nhiệm vụ quan trọng của ban quản lý di tích. Tôn tạo hệ thống cảnh quan, môi trường trong một chỉnh thể kiến trúc chặt chẽ, hài hòa, thống nhất là góp phần giáo dục, tuyên truyền cho nhân dân, khách quốc tế đến dâng hương tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh, tham quan, học tập tại di tích.
Thứ tư, đưa nội dung tìm hiểu giá trị các di tích nơi Bác Hồ đã ở và làm việc vào phần lịch sử địa phương trong chương trình giáo dục phổ thông để giúp học sinh có hiểu biết về thời gian Bác Hồ đã lãnh đạo cách mạng tại địa phương.
Thứ năm, tổ chức tốt các buổi sinh hoạt chính trị như lễ báo công, kết nạp Đoàn, Hội, Đội, Đảng; hành trình về nguồn; tổ chức các hoạt động sơ kết, tổng kết về Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh tại các di tích của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Với dân tộc Việt Nam ta, Đảng ta, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn là biểu tượng ngời sáng về đạo đức cách mạng, tấm gương hi sinh, hiến dâng trọn đời cho sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc; hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân. Người không chỉ đấu tranh, mưu cầu cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho nhân dân, mà còn để lại cho các thế hệ mai sau một di sản tinh thần vô cùng quý báu, đó là tư tưởng Hồ Chí Minh, đạo đức Hồ Chí Minh, phong cách Hồ Chí Minh. Qua các buổi sinh hoạt chính trị như lễ báo công, kết nạp Đoàn, Hội, Đội, Đảng; hành trình về nguồn; tổ chức các hoạt động sơ kết, tổng kết tại di tích là phương pháp hiệu quả để giáo dục chính trị, tư tưởng cho đoàn viên, đảng viên học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức và phong cách của Người theo Chỉ thị 05-CT/TW.
Thứ sáu, làm tốt công tác tuyên truyền về các di tích nơi ở và làm việc của Bác Hồ đến Nhân dân cả nước và bạn bè quốc tế; khơi dậy lòng tự hào trong Nhân dân. Mỗi di tích, mỗi tài liệu, hiện vật ở di tích đều chứa đựng nội dung của các sự kiện lịch sử gắn với cuộc đời, sự nghiệp hoạt động cách mạng của Người; là những minh chứng thuyết phục về chiều sâu tư tưởng, đạo đức, lối sống và tinh thần cống hiến không mệt mỏi của Người cho sự nghiệp cách mạng dân tộc, cho hạnh phúc của nhân dân. Từ di sản của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại các di tích chân thực, sinh động trong sinh hoạt, cuộc sống, cách ứng xử, cùng với việc tận mắt chứng kiến những đồ dùng, tiện nghi của nguyên thủ quốc gia, cũng như ý nghĩa của mỗi tài liệu, hiện vật trưng bày ở đây được cán bộ tuyên truyền của các di tích đưa vào nội dung giới thiệu đã thực sự gây xúc động, lan tỏa đối với khách tham quan trong nước và quốc tế. Để tuyên truyền, quảng bá, lan tỏa về tư tưởng, cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại nơi ở và làm việc của Người tại các di tích, cần tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền nhằm tiếp tục lan tỏa tư tưởng, đạo đức và phong cách của Người đến Nhân dân cả nước và bạn bè quốc tế, góp phần làm tốt công tác xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng, tổ chức, đạo đức và cán bộ./.
PGS, TS Lâm Quốc Tuấn
ThS Nguyễn Thị Phương Chi
Viện Xây dựng Đảng, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh