Chủ tịch Hồ Chí Minh, anh hùng giải phóng dân tộc, người chiến sĩ lỗi lạc của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế, danh nhân văn hóa thế giới. Người đã cống hiến trọn đời mình cho sự nghiệp cách mạng của nhân dân Việt Nam, đồng thời góp phần to lớn vào sự nghiệp đấu tranh chung của các dân tộc trên thế giới vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội. Cuộc đời cao đẹp và sự nghiệp cách mạng vĩ đại của Người đã để lại cho Đảng, dân tộc Việt Nam và nhân loại một di sản tinh thần vô cùng to lớn và quý giá đó là tư tưởng, đạo đức và phong cách Hồ Chí Minh. Những nơi Người sống và làm việc, những địa danh Người hoạt động cách mạng không chỉ là nơi khắc ghi những dấu ấn công lao, cống hiến vĩ đại của Người đối với cách mạng Việt Nam mà còn trở thành những di tích lịch sử văn hóa, minh chứng thực tiễn vô cùng sinh động và thuyết phục cho công tác tuyên truyền, giáo dục cũng như đấu tranh bảo vệ tư tưởng của Người trong tình hình hiện nay.

Cuộc đời và sự nghiệp cách mạng vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh là biểu tượng cao đẹp nhất của chủ nghĩa yêu nước và chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam. Người là kết tinh rạng ngời của đạo đức, trí tuệ, khí phách, lương tri và phẩm giá con người của dân tộc và thời đại. Rất hiếm người trở thành một huyền thoại ngay từ lúc còn sống như Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ngay cả khi Người đã ra đi, tên tuổi và sự nghiệp cách mạng vĩ đại của Người vẫn trường tồn mãi mãi với non sông đất nước, sống mãi trong lòng dân tộc Việt Nam và trong trái tim bạn bè quốc tế.

Đánh giá về công lao, cống hiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhất là giá trị tư tưởng của Người, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, người học trò xuất sắc, người khởi sướng và đặt nền móng cho việc nghiên cứu cuộc đời, sự nghiệp, tư tưởng Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Sự nghiệp văn hóa quan trọng nhất của Người là đã lãnh đạo toàn dân đánh đuổi giặc ngoại xâm trong thời đại mới, giành lại cho nhân dân những quyền sống của con người, một cuộc sống có văn hóa. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cùng với loài người loại trừ một trở lực to lớn trên con đường tiến lên thế giới văn minh, xóa đi một vết nhơ trong lịch sử là chế độ thuộc địa”(1). Thủ tướng Phạm Văn Đồng lúc sinh thời cũng khẳng định: “Tư tưởng Hồ Chí Minh ... là một kho tàng đầy của báu, là di sản chứa đựng biết bao giá trị, giá trị đó nói cho cùng là giá trị văn hóa”(2). Đảng ta cũng khái quát: “Tư tưởng Hồ Chí Minh là một hệ thống quan điểm toàn diện và sâu sắc về những vấn đề cơ bản của cách mạng Việt Nam, kết quả của sự vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin vào điều kiện cụ thể của nước ta, kế thừa và phát triển các giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại; là tài sản tinh thần vô cùng to lớn và quý giá của Đảng và dân tộc ta, mãi mãi soi đường cho sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta giành thắng lợi”(3). Đặc biệt, Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, Đảng ta đã chính thức khẳng định: “Đảng lấy chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động”(4).

Các học giả và nhiều chính khách nước ngoài cũng ghi nhận và đánh giá hết sức sâu sắc về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ngay từ năm 1923, nhà thơ, nhà báo Xôviết Ôxip Manđenxtam khi tiếp xúc với Người đã cảm nhận: “Từ Nguyễn Ái Quốc tỏa ra một nền văn hóa, không phải là văn hóa châu Âu, mà có lẽ là một nền văn hóa của tương lai. Qua cử chỉ cao thượng, tiếng nói trầm lắng của Nguyễn Ái Quốc, tôi như thấy được ngày mai, như thấy được viễn cảnh trời yên bể lặng của tình hữu ái toàn thế giới bao la như đại dương”(5). Sau này, tiến sĩ M.Át-mét (Modagat Ahmet), Giám đốc UNESCO khu vực châu Á - Thái Bình Dương, cho rằng: “Người là một trong những động lực đầu tiên của phong trào chống thực dân thời kỳ sau đại chiến thế giới thứ hai ở châu Á và là một trong những lãnh tụ có ảnh hưởng nhiều nhất của các dân tộc ở thế kỷ XX”(6). Giáo sư Sử học Ấn Độ Xan ti Mau roi (Santi Mauroy), khẳng định: “Trên các trang của lịch sử, Hồ Chí Minh vẫn sẽ vinh quang chói lọi như sao Bắc Đẩu để hướng dẫn loài người đi đến một tương lai tốt đẹp hơn trên hành tinh thân yêu của chúng ta”(7). Báo chí Cuba coi “Hồ Chí Minh là một trong những nhà tư tưởng vĩ đại nhất của thời đại chúng ta”(8). Cựu Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Mỹ Gớt Hôn (Gus Hall) thì cho rằng: “Đồng chí Hồ Chí Minh là một lãnh tụ và là một nhà tư tưởng mácxít - lêninnít vĩ đại của thế giới... Cả loài người sẽ đời đời trân trọng giữ gìn những cống hiến của Người vào kho tàng của chủ nghĩa Mác”(9). Nhà Sử học Mỹ Josepphine Stenson, nhấn mạnh: “Chúng ta phải tuyên truyền rộng rãi những lời dạy bảo của Người và khuyến khích hàng triệu người nữa đọc những lời dạy của Người, nghiên cứu cuộc đời của Người và đóng góp vào sự nghiệp công bằng, bình đẳng cho toàn nhân loại”(10). Đặc biệt, Đại hội đồng UNESCO, khóa họp 24 tại Pari, ngày 20/10 - 20/11/1987 đã ra Nghị quyết tôn vinh Chủ tịch Hồ Chí Minh: “vị anh hùng giải phóng dân tộc của Việt Nam và là một nhà văn hóa lớn”(11). Nghị quyết cũng ghi nhận: “những tư tưởng của Người là hiện thân của những khát vọng của các dân tộc trong việc khẳng định bản sắc dân tộc của mình và tiêu biểu cho việc thúc đẩy sự hiểu biết lẫn nhau”(12) và nhấn mạnh: “Chủ tịch Hồ Chí Minh, một biểu tượng xuất sắc về sự tự khẳng định dân tộc, đã cống hiến trọn đời mình cho sự nghiệp giải phóng dân tộc của nhân dân Việt Nam, góp phần vào cuộc đấu tranh chung của các dân tộc vì hoà bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội”(13). Cuộc Hội thảo quốc tế “Chủ tịch Hồ Chí Minh - Anh hùng giải phóng dân tộc Việt Nam, nhà văn hóa lớn” tại Hà Nội (tháng 3/1990) cũng đã khẳng định: “Chủ tịch Hồ Chí Minh là một trong những vĩ nhân... đã để lại những dấu ấn trong quá trình phát triển của nhân loại”(14)... Những ghi nhận, đánh giá và tôn vinh của Đảng, Nhà nước, các nhà khoa học và chính khách trong nước và quốc tế trên đây đã cho thấy uy tín, tầm ảnh hưởng và cống hiến to lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ đối với dân tộc Việt Nam mà còn đối với cả nhân loại.

Trong thời gian qua, để ghi nhớ, tôn vinh và tri ân công lao, cống hiến vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng, Nhà nước, Nhân dân Việt Nam và bạn bè quốc tế đã rất quan tâm, trân trọng giữ gìn và phát huy giá trị các di tích có liên quan đến cuộc đời và sự nghiệp của Người. Đặc biệt là nhân dân các địa phương, nơi có Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh đã xem đó là niềm tự hào của quê hương, đồng thời dành sự quan tâm và tình cảm đặc biệt vào những hoạt động bảo tồn, giữ gìn và phát huy giá trị di sản Hồ Chí Minh. Theo số liệu thống kê năm 2018, trong nước có khoảng 858 di tích và địa điểm di tích liên quan đến Chủ tịch Hồ Chí Minh ở 32 tỉnh, thành phố(15), trong đó có 5 di tích được công nhận là Di tích quốc gia đặc biệt bao gồm: Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch (Hà Nội); Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Kim Liên (Nghệ An); Di tích lịch sử Pác Bó (Cao Bằng); Di tích lịch sử Tân Trào (Tuyên Quang); Di tích lịch sử an toàn khu (ATK) Định Hóa (Thái Nguyên).

Ở nhiều nước trên thế giới, những nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng sống, làm việc và hoạt động cách mạng cũng được chính quyền và nhân dân địa phương cùng với kiều bào Việt Nam bảo vệ, giữ gìn. Chẳng hạn, ở Trung Quốc có một số di tích đã được Trung Quốc xếp hạng di tích cấp quốc gia, cấp khu, cấp tỉnh và đang phát huy giá trị trong giáo dục tình hữu nghị và truyền thống cách mạng của nhân dân hai nước. Nổi bật có thể kể đến: Di tích lưu niệm Trụ sở Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên tại căn nhà số 13 (nay là 248 - 250) đường Văn Minh, thành phố Quảng Châu, tỉnh Quảng Đông; Khu Di tích Hồ Chí Minh tại Liễu Châu, Quảng Tây...; Hoặc trên đất nước Nga có nhiều khu di tích, tượng đài Hồ Chí Minh, nổi bật như: Quảng trường và Tượng đài Hồ Chí Minh ở Mátxcơva; Đại lộ và Tượng đài Hồ Chí Minh tại quận Zasviyazhski, thành phố Ulyanovsk nằm bên bờ sông Volga; Viện Hồ Chí Minh và bức tượng của Người được đặt trong khuôn viên Trường Đại học Tổng hợp Quốc gia St. Petersburg...; Tại Pháp, các di tích tiêu biểu về Người như Nhà số 9, ngõ Compoint, quận 17, Thủ đô Paris là nơi Người ở và hoạt động cách mạng từ năm 1921 đến 1923; “Không gian Hồ Chí Minh” tại Bảo tàng Lịch sử sống ở thành phố Montreuil là nơi lưu giữ những kỷ vật của Người... Ngoài ra, còn nhiều di tích về Chủ tịch Hồ Chí Minh ở nhiều nước khác trên thế giới như Thái Lan, Lào, Singapore, Mông Cổ, Ấn Độ, Anh, ... Ngoài ra, với tình cảm trân quý và kính yêu vô hạn đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có nhiều công trình tượng, tượng đài, con đường và trường học trên thế giới mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đây chính là dấu ấn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, dấu ấn của Việt Nam ở mỗi quốc gia và cũng là biểu tượng của tình đoàn kết, hữu nghị giữa Việt Nam và các nước, đồng thời là nơi lưu giữ những kỷ niệm về Chủ tịch Hồ Chí Minh và là nơi tổ chức các hoạt động giao lưu với người dân, bạn bè quốc tế.

Công lao và cống hiến vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với dân tộc Việt Nam và nhân loại là không thể phủ nhận, tuy nhiên, trong thời gian gần đây, các thể lực thù địch, cơ hội chính trị, thoái hóa biến chất, bất mãn trong và ngoài nước đã và đang đẩy mạnh cách hoạt động tuyên truyền, xuyên tạc, chống phá nhằm bôi nhọ hình ảnh, thân thế, sự nghiệp và phủ nhận những giá trị cao đẹp của tư tưởng Hồ Chí Minh. Thủ đoạn quen thuộc của chúng là triệt để lợi dụng ưu thế của internet và mạng xã hội đã lập hàng trăm trang web, blog, hàng chục tờ báo, tạp chí và đài phát thanh có chương trình tiếng Việt (VPR, VOA, RFI)... để đăng tải, phát tán tin bài, hình ảnh xuyên tạc, bịa đặt, sai sự thật; tổ chức các cuộc hội thảo, tọa đàm, diễn đàn quốc tế, nhất là ở các nước có đông đảo bà con Việt kiều đang sinh sống, làm việc như Australia, Mỹ, Canada... để phát tài liệu, truyền bá những tư tưởng sai trái, thù địch; tổ chức gặp gỡ, tiếp xúc các đoàn cán bộ Việt Nam ra nước ngoài làm việc, tham quan để gửi thư ngỏ, kiến nghị tuyên truyền những quan điểm, luận điệu xuyên tạc chủ nghĩa Mác - Lênin và thân thế, sự nghiệp, tư tưởng Hồ Chí Minh…

Vì thế, để đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái của các thế lực thù địch, bên cạnh việc nghiên cứu, vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh vào thực tiễn đất nước; làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và nhân dân về chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh thì việc phát huy giá trị của các khu di tích lưu niệm về Chủ tịch Hồ Chí Minh sẽ là một trong những minh chứng thuyết phục, không thể nào phủ nhận được về công lao, cống hiến to lớn cũng như những giá trị lý luận và thực tiễn sâu sắc trong tư tưởng của Người.

Thực tế, những khu di tích về Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ là nơi lưu giữ những dấu ấn, kỷ niệm về cuộc đời, sự nghiệp hoạt động cách mạng của Người mà còn là địa chỉ đỏ trên bản đồ du lịch, là trường học thực tiễn sinh động để tuyên truyền, giáo dục về cuộc đời, sự nghiệp và tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Hiện nay, các khu di tích về Chủ tịch Hồ Chí Minh đang lưu giữ, bảo quản, trưng bày hàng ngàn tài liệu, hiện vật gốc rất có giá trị lịch sử và văn hóa, là những minh chứng thuyết phục và sinh động trong việc nghiên cứu, tuyên truyền, giáo dục về cuộc đời, sự nghiệp, tư tưởng, đạo đức và phong cách của Chủ tich Hồ Chí Minh. Hàng ngày, nhất là những dịp nghỉ lễ các khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đón hàng nghìn du khách đến thăm quan, học tập. Chỉ tính riêng Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch hiện đang lưu giữ 1.478 đầu loại hiện vật và đang trưng bày 968 đầu loại hiện vật, thuộc nhiều chất liệu khác nhau như gỗ, giấy, vải, kim loại... Kể từ năm 1970 đến nay, Khu Di tích đã đón tiếp hơn 80 triệu lượt khách trong nước và quốc tế về tham quan, học tập. Trong đó, có du khách của hơn 160 quốc gia và hàng trăm tổ chức quốc tế. Bình quân khoảng 6.000 đến 8.000 lượt người/ngày, những ngày lễ như 19/5 và 02/9 đón 03 đến 05 vạn lượt người/ngày đến viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh và tham quan Khu Di tích. Ngay trong quý I/2023 (20/12/2022 - 20/02/2023), Khu Di tích đã đón tiếp 1.202.143 lượt khách đến tham quan (Khách Việt Nam: 1.115.906 lượt; khách quốc tế: 86.177 lượt). Đặc biệt, từ cuối năm 2006, Bộ Chính trị khóa X đã ban hành Chỉ thị 06/ CT-TW, về “Tổ chức cuộc vận động học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” tiếp sau đó là các Chỉ thị 03/CT-TW và Chỉ thị 05/CT-TW về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” các di tích lưu niệm về Chủ tịch Hồ Chí Minh là những “địa chỉ đỏ” được các đơn vị, tổ chức đoàn thể, lực lượng vũ trang chọn làm nơi tổ chức hoạt động như: tổ chức lễ phát động, tổng kết, báo công, sinh hoạt chính trị,...

Vì thế, có thể nói các Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc tuyên truyền, giới thiệu thân thế sự nghiệp, tư tưởng, đạo đức và phong cách Hồ Chí Minh đối với nhân dân trong nước, kiều bào và bè bạn quốc tế. Mỗi Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh thực sự là một “trường học” thực tiễn, sinh động, một trong những thiết chế văn hóa đặc thù, mang lại hiệu quả thiết thực trong các hoạt động văn hóa, xã hội, đáp ứng nguyện vọng của nhân dân, góp phần tích cực vào việc thực hiện nhiệm vụ giáo dục truyền thống yêu nước, đạo đức cách mạng, phong cách, lối sống cho thế hệ trẻ Việt Nam. Do đó, việc tiếp tục phát huy giá trị của các Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh trong việc tuyên truyền, giáo dục cũng như đấu tranh bảo vệ hình ảnh và tư tưởng của Người, phản bác lại các quan điểm, luận điệu sai trái, thù địch trong tình hình hiện nay là rất quan trọng và cần thiết.

Để thực hiện được điều đó, trước hết, Đảng, Nhà nước, các cơ quan chức năng, chính quyền và nhân dân các địa phương cần nhận thức đúng đắn, đầy đủ về vai trò, tầm quan trọng, ý nghĩa lịch sử và văn hóa của các Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh, từ đó quan tâm đầu tư thích đáng cho việc nghiên cứu, kiện toàn mô hình quản lý, hoàn thiện cơ chế chính sách đối với các Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh, bảo đảm hành lang pháp thuận lợi để các khu di tích hoạt động hiệu quả, phát huy tốt giá trị. Coi trọng công tác tuyển chọn, đào tạo, bồi dưỡng về chuyên môn nghiệm vụ, lịch sử, ngoại ngữ, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý, thuyết minh, hướng dẫn viên, kỹ thuật viên... làm việc tại các khu di tích. Cần đầu tư thích đáng cả về kinh phí và nhân lực cho hoạt động nghiên cứu khoa học, tổ chức hội thảo, tọa đàm; công tác sưu tầm, chỉnh lý, tu bổ, tôn tạo, bảo quản, giữ gìn các tài liệu, hiện vật tại các khu di tích. Đặc biệt, cần đa dạng hóa các hình thức trưng bày, triển lãm hình ảnh, tư liệu, hiện vật tại các khu di tích. Bởi vì, mỗi một tài liệu hiện vật trưng bày tại các di tích đều ẩn chứa trong nó những thông điệp giúp khách tham quan nhận biết những giá trị về lịch sử, văn hóa. Đó là bằng chứng chân thực, sinh động tạo ra khả năng thuyết phục, cảm hóa cao nhất đối với khách tham quan. Cùng với đó, cần chú trọng công tác tuyên truyền, phát huy giá trị của các khu di tích. Trong đó, cần coi trọng việc tổ chức hướng dẫn tham quan tại các khu di tích. Mặc dù đây là hình thức tuyên truyền giáo dục khá phổ biến nhưng lại vô cùng hiệu quả trong công tác tuyên truyền cuộc đời, sự nghiệp và tư tưởng Hồ Chí Minh hiện nay. Bởi vì, cùng với việc tận mắt nhìn thấy những tài liệu, hiện vật, kỷ vật thiêng liêng gắn bó với cuộc đời của Chủ tịch Hồ Chí Minh, thông qua công tác tuyên truyền, hướng dẫn của các hướng dẫn viên những thông tin ẩn chứa trong từng kỷ vật đó cũng sẽ được “giải mã”. Những lời diễn giải, những câu chuyện kể xúc động là những bằng chứng chân thực nhất có tác động mạnh mẽ tới tình cảm, tư tưởng, có sức giáo dục và cảm hóa sâu sắc đến du khách tham quan. Đó cũng là minh chứng thuyết phục nhất để đấu tranh phản bác lại những luận điệu sai trái, xuyên tạc, thù địch về tư tưởng và hình ảnh của Người.

Tóm lại, di tích về Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ là nơi lưu giữ, khắc ghi những kỷ niệm về cuộc đời và hoạt động cách mạng vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh mà mỗi di tích còn là một trường học thực tiễn, sinh động trong việc tuyên truyền, giáo dục tư tưởng, đạo đức và phong cách của Người đối với các tâng lớp nhân dân trong nước và bạn bè quốc tế. Mỗi di tích là một thiết chế văn hóa đặc thù, mang lại hiệu quả thiết thực trong các hoạt động văn hóa, xã hội, góp phần tích cực vào việc thực hiện nhiệm vụ giáo dục truyền thống yêu nước, đạo đức cách mạng, phong cách, lối sống cho thế hệ trẻ Việt Nam. Đặc biệt, trong công tác đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng hiện nay, các di tích về Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trở thành là những minh chứng thuyết phục, là cơ sở thực tiễn sinh động để phản bác lại những quan điểm, luận điệu xuyên tạc, sai trái của các thế lực thù địch, bảo vệ hình ảnh cao đẹp và những giá trị vĩnh hằng trong tư tưởng của Người./.

Chú thích:

[1] Trung tâm Khoa học Xã hội và Nhân văn quốc gia - Ủy ban quốc gia UNESCO của Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh - Anh hùng giải phóng dân tộc, nhà văn hóa lớn, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 1995, tr. 21. 

[2] Phạm Văn Đồng,Văn hóa và đổi mới, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, tr.126.

[3] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb Chính trị quốc gia - Sự thật, H.2011, tr.88.

[4] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII, Nxb Sự thật, Hà Nội, 1991, tr.127.

[5] Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 1, Sđd, tr. 462.

[6] Trung tâm Khoa học xã hội và Nhân văn quốc gia - Ủy ban quốc gia UNESCO của Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh - anh hùng giải phóng dân tộc, nhà văn hóa lớn, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 1995, tr. 26.

[7] Trung tâm Khoa học xã hội và nhân văn quốc gia - Ủy ban UNESCO của Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh - Anh hùng giải phóng dân tộc, nhà văn hóa lớn, Sđd, tr. 261 - 262.

[8] Xem PGS,TS Phạm Ngọc Anh, Tư tưởng Hồ Chí Minh - Không thể phủ nhận, Tạp chí Lý luận Chính trị, số 11-2013, tr. 60.

[9]Thế giới ca ngợi và thương tiếc Hồ Chủ tịch, Nxb. Sự thật, Hà Nội, 1976, tr. 530.

[10] Trung tâm Khoa học xã hội và nhân văn quốc gia - Ủy ban UNESCO của Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh - Anh hùng giải phóng dân tộc, nhà văn hóa lớn, Sđd, tr. 225

[11] Nghị quyết 24C/18.65 của UNESCO về kỷ niệm 100 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

[12] Trung tâm Khoa học xã hội và nhân văn quốc gia - Ủy ban UNESCO của Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh - Anh hùng giải phóng dân tộc, nhà văn hóa lớn, Sđd, tr. 6.

[13] Trung tâm Khoa học xã hội và nhân văn quốc gia - Ủy ban UNESCO của Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh - Anh hùng giải phóng dân tộc, nhà văn hóa lớn, Sđd, tr. 6.

[14] Trung tâm Khoa học xã hội và nhân văn quốc gia - Ủy ban quốc gia Unesco Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh - anh hùng giải phóng dân tộc, nhà văn hóa lớn, Sđd, tr. 14.

[15] Nguyễn Anh Minh, Quản lý di tích lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Việt Nam, Luận án Tiến sĩ Văn hóa học, Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam, Hà Nội, 2018, tr. 5.

TS Phạm Văn Minh

Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Bài viết khác: