Ngày 05/6/1911, tại Bến cảng Nhà Rồng (Cảng Sài Gòn), thành phố Sài Gòn - Gia Định (nay là Thành phố Hồ Chí Minh), người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành khi đó mới vừa tròn 21 tuổi đã lên con tàu mang tên Amiral Latouche Tréville, ra đi tìm đường cứu nước, bắt đầu cuộc hành trình tìm đường giải phóng dân tộc, giải phóng đất nước. Qua 30 năm rời xa Tổ quốc đến với nhiều đại dương, nhiều châu lục khác nhau trên thế giới đã giúp Người có cái nhìn về biển và đại dương gắn liền với sự phát triển của văn minh nhân loại. Khi trở thành người đứng đầu Đảng, Nhà nước, Người luôn đánh giá rất cao vị trí của biển, đảo với Tổ quốc, coi đó là một phần cấu thành nên sự giàu mạnh của đất nước. Người đã khẳng định Đất nước ta có “Rừng vàng, biển bạc, đất phì nhiêu”.
Trong chuyến thăm Bộ đội Hải quân ngày 15/3/1961, Người đi thăm hang Ðầu Gỗ, nơi xưa kia Trần Hưng Ðạo dựng công trường làm cọc cắm trên sông Bạch Ðằng đánh tan giặc Nguyên Mông. Đứng trước núi rừng, trời biển vịnh Hạ Long tươi đẹp, Người đã có lời dặn dò: Ngày trước ta chỉ có đêm và rừng. Ngày nay ta có ngày, có trời, có biển. Bờ biển ta dài tươi đẹp, ta phải biết giữ gìn lấy nó. Lời di huấn của Người đã khái quát rất ngắn gọn và dễ hiểu về lịch sử truyền thống Tổ quốc ta, về tiềm năng của biển nước ta và trách nhiệm của mọi thế hệ người Việt Nam phải biết khai thác, quản lý và bảo vệ biển, đảo.
Ngày 10/4/1956, khi nói chuyện tai Hội nghị cán bộ cải cách miền biển, Người đã nói: “Đồng bằng là nhà, mà biển là cửa. Giữ nhà mà không giữ cửa có được không? Kẻ gian tế vào chỗ nào trước? Nó vào ở cửa trước. Vì vậy ta phải giáo dục cho đồng bào biết bảo vệ bờ biển, vì bọn địch thường thả bọn mật thám, gián điệp vào tìm chỗ ẩn núp ở miền biển để phá phách. Nếu để nó lọt vào, thì người bị thiệt hại trước là đồng bào miền biển. Nếu mình không lo bảo vệ miền biển, thì đánh cá, làm muối cũng không yên. Cho nên một nhiệm vụ quan trọng của đồng bào miền biển là phải bảo vệ bờ biển. Đồng bào miền biển là người canh cửa cho Tổ quốc”.
Trong hệ thống tư tưởng Hồ Chí Minh, cùng với nguyên tắc nhất quán về bảo vệ chủ quyền biển, đảo thì cũng xuyên suốt quan điểm: Biển ta là “biển bạc”, biển nước ta dài và rộng, chứa nhiều tài nguyên phong phú và quý hiếm, là nguồn lực to lớn góp phần phát triển kinh tế - xã hội bền vững. Nhận thức được tầm quan trọng của biển, đảo nên Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sớm định hình tư duy hướng biển và việc bảo vệ chủ quyền biên giới biển, đảo. Tư tưởng của Người là phải làm chủ tiềm năng của biển, bảo vệ biển và khai thác các nguồn lợi từ biển để phục vụ cho sự phát triển đất nước và đời sống của nhân dân.
Việt Nam có đường bờ biển dài hơn 3.260 km, chưa bao gồm các đảo chạy dọc từ Móng Cái ở phía Bắc tới Hà Tiên ở phía Tây Nam; dân số 28 tỉnh, thành phố ven biển chiếm gần 50% dân số của cả nước. Quy mô kinh tế (GDP) biển và vùng ven biển Việt Nam bình quân đạt khoảng 47 - 48% GDP cả nước, trong đó GDP của kinh tế thuần biển đạt khoảng 20 - 22% tổng GDP cả nước. Các ngành kinh tế biển chính ở Việt Nam gồm năng lượng tái tạo, dầu khí, thủy hải sản, du lịch, kinh tế hàng hải, môi trường, đa dạng sinh học và các dịch vụ sinh thái,... Trong đó, kinh tế hàng hải là một ngành phát triển và hội nhập quốc tế từ rất sớm. Quá trình hội nhập từ sớm đã giúp các doanh nghiệp Việt Nam xây dựng được nền tảng trong quan hệ hợp tác quốc tế, đặc biệt là đội tàu vận tải biển: đảm bảo việc vận chuyển hàng hóa giao thương; mở rộng vận chuyển trên phạm vi toàn cầu; thu về ngoại tệ cho đất nước như đối với doanh nghiệp có hoạt động đầu tư kinh doanh tại nước ngoài,…
Tổng công ty Hàng hải Việt Nam là một tổng công ty nhà nước, có vai trò chủ lực, nòng cốt của ngành hàng hải Việt Nam, được thành lập năm 1995 theo Quyết định số 250/TTg ngày 29/04/1995 của Thủ tướng Chính phủ. Mặc dù Tổng công ty được thành lập mới chỉ 28 năm, nhưng các doanh nghiệp thành viên như Cảng Hải Phòng, Cảng Sài Gòn, Cảng Đà Nẵng, Vosco, Vosa … đã có lịch sử hình thành và phát triển hơn nửa thế kỷ hoặc đã hơn 100 năm. Các đơn vị thành viên của Tổng công ty hoạt động trong các lĩnh vực vận tải biển, cảng biển, dịch vụ hàng hải có bề dày truyền thống lâu đời, quá trình hình thành và phát triển với nhiều sự kiện gắn với cuộc đời và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Cảng Hải Phòng đã vinh dự 03 lần được đón Bác về làm việc, về thăm: Ngày 20/10/1946, sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm chính thức nước Pháp với tư cách là Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa - quốc gia độc lập đầu tiên ở Đông Nam Á, Người về nước bằng đường biển và đặt chân lên Bến Cầu Ngự Cảng Hải Phòng. Ngày 30/5/1957, Bác Hồ kính yêu của dân tộc, của giai cấp công nhân về thăm Cảng, Bác đã lên tàu HC15, xem xét từng chỗ ăn, chỗ ngủ, chỗ làm việc của anh em. Ngày 10/01/1960, Chủ tịch Hồ Chí Minh đón kiều bào về nước chuyến đầu tiên tại Cảng Hải Phòng. Cán bộ cảng Hải Phòng vẫn khắc sâu lời dặn của Người: Đoàn kết là sức mạnh, nước lên thì tàu nổi. Các cô chú ở đây một thuyền, một sóng nên phải đoàn kết với nhau, phải nâng cao tinh thần làm chủ tập thể, bảo quản hàng hóa tốt, ra sức xây dựng bến cảng.
Phát triển kinh tế biển gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh là chủ trương nhất quán, được khẳng định trong nhiều văn kiện, nghị quyết của Đảng. Biển nước ta có vị trí quan trọng đối với cả phát triển kinh tế và bảo đảm quốc phòng, an ninh của Tổ quốc. Biển là bộ phận cấu thành chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc, là không gian sinh tồn, cửa ngõ giao lưu quốc tế, gắn bó mật thiết với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Vì vậy, chủ trương, đường lối phát triển kinh tế biển gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh được khẳng định trong nhiều văn kiện, nghị quyết của Đảng. Việt Nam phải trở thành quốc gia mạnh về biển, giàu từ biển, phát triển kinh tế biển bền vững, thịnh vượng, an ninh, an toàn.
Quán triệt sâu sắc tư tưởng của Người, trong công cuộc xây dựng đất nước, Đảng ta xây dựng Nghị quyết Trung ương 4 (khóa X) về Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020, xác định mục tiêu phấn đấu đưa nước ta trở thành quốc gia mạnh về kinh tế biển, giàu lên từ biển, bảo đảm vững chắc chủ quyền, quyền chủ quyền quốc gia trên biển, đảo. Tiếp đến, Hội nghị Trung ương Tám Khóa XII ban hành Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22/10/2018 về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, với mục tiêu: Đưa Việt Nam trở thành quốc gia biển mạnh; đạt cơ bản các tiêu chí về phát triển bền vững kinh tế biển; hình thành văn hóa sinh thái biển; chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu, nước biển dâng; ngăn chặn xu thế ô nhiễm, suy thoái môi trường biển, tình trạng sạt lở bờ biển và biển xâm thực; phục hồi và bảo tồn các hệ sinh thái biển quan trọng. Những thành tựu khoa học mới, tiên tiến, hiện đại trở thành nhân tố trực tiếp thúc đẩy phát triển bền vững kinh tế biển. Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 26/NQ-CP ngày 05/3/2020 về Kế hoạch tổng thể và kế hoạch 05 năm thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW. Đối với ngành hàng hải, Chính phủ cũng đã phê duyệt Quy hoạch phát triển vận tải biển Việt Nam; Quy hoạch phát triển hệ thống trung tâm logistics; Điều chỉnh quy hoạch phát triển hệ thống cảng biển đến 2020, định hướng đến năm 2030.
Góp phần trong công cuộc phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam, Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (VIMC) luôn đóng vai trò là doanh nghiệp chủ lực của ngành hàng hải Việt Nam. Hoạt động trong 03 lĩnh vực kinh doanh chính là vận tải biển, khai thác cảng biển và dịch vụ hàng hải, Tổng công ty đã triển khai thực hiện các nội dung của Nghị quyết số 36-NQ/TW: Trọng tâm là khai thác có hiệu quả các cảng biển và dịch vụ vận tải biển. Quy hoạch, xây dựng, tổ chức khai thác đồng bộ, có hiệu quả các cảng biển tổng hợp, cảng trung chuyển quốc tế, cảng chuyên dùng gắn với các dịch vụ hỗ trợ; xây dựng hoàn thiện hạ tầng logistics và các tuyến đường giao thông, kết nối liên thông các cảng biển với các vùng, miền, địa phương trong nước và quốc tế. Đẩy mạnh phát triển đội tàu vận tải biển với cơ cấu hợp lý, ứng dụng công nghệ hiện đại, nâng cao chất lượng dịch vụ, đáp ứng nhu cầu thị trường vận tải nội địa, tham gia sâu vào các chuỗi cung ứng vận tải, từng bước gia tăng, chiếm lĩnh thị phần quốc tế.
Trong lĩnh vực cảng biển, hệ thống cảng của VIMC trải dài trên khắp cả nước, nằm tại các trung tâm kinh tế trọng điểm, cửa ngõ quan trọng để xuất khẩu hàng hóa, với 84 cầu cảng có tổng chiều dài 13.882m, chiếm hơn 26% tổng số cầu cảng và gần 17% tổng số chiều dài cầu cảng của Việt Nam. Các cảng biển có hạ tầng được đầu tư đồng bộ, hiện đại, có thể tiếp nhận nhiều loại tàu, xếp dỡ hàng hóa đa dạng, là điểm mạnh giúp VIMC thích nghi tốt với môi trường kinh doanh đầy biến động, có thể đáp ứng được các nhu cầu khác nhau của nhiều khách hàng, đặc biệt là cảng CMIT có thể tiếp nhận tàu container lớn nhất Việt Nam hiện nay (214.000 DWT). Năm 2022, hệ thống cảng của VIMC đã xếp dỡ hơn 124 triệu tấn hàng hóa.
VIMC là một thương hiệu hàng đầu Việt Nam về vận tải biển. Với đội tàu gồm 64 chiếc, có tổng trọng tải 1,5 triệu tấn, gồm cả tàu chở dầu, tàu container và tàu hàng khô, VIMC đang chiếm 21% trọng tải đội tàu của Việt Nam, hoạt động trên cả tuyến nội địa và quốc tế. Các doanh nghiệp vận tải biển của VIMC có kinh nghiệm hàng chục năm trong lĩnh vực vận tải biển. Ngoài ra, tư cách là một thành viên trong Hiệp hội Chủ tàu châu Á (FASA) đã giúp VIMC có được những thuận lợi trên thị trường khu vực và các quyền lợi khác chỉ có đối với thành viên Hiệp hội. VIMC đang có hợp tác và duy trì mối quan hệ tốt, chuyên nghiệp với các hãng vận tải biển lớn trên thế giới (Main Lines Operator - MLO) như ONE, MSC, ZIM, SITC, WANHAI, … Các doanh nghiệp vận tải container đang có đồng thời dịch vụ vận tải nội địa và feeder quốc tế, duy trì ổn định, uy tín với khách hàng.
Trong lĩnh vực dịch vụ logistics, hầu hết các doanh nghiệp dịch vụ hàng hải của VIMC có sự hiện diện thương mại tại các vùng miền, tham gia hoạt động kinh doanh lâu năm có nhiều kinh nghiệm, cũng như có tiềm năng tốt để tham gia vào hệ sinh thái cung cấp chuỗi logistics tích hợp của VIMC. Các doanh nghiệp dịch vụ hàng hải/logistics của VIMC quản lý và khai thác các trung tâm phân phối hàng hóa, ICD trên toàn quốc như Depot Nam Hoà Vang, ICD Lào Cai, hệ thống kho CFS tại Đình Vũ, Hải Phòng,… Tổng diện tích kho, bãi là 543.765 m2.
Trong những năm vừa qua, VIMC đã thực hiện tái cơ cấu mạnh mẽ và toàn diện, chuyển đổi mô hình quản trị và không ngừng củng cố, duy trì và phát triển năng lực khai thác trong cả 03 lĩnh vực vận tải biển, cảng biển và dịch vụ hàng hải nhằm đáp ứng nhu cầu lưu thông hàng hóa, góp phần phát triển kinh tế - xã hội đất nước. Đặc biệt, sau cổ phần hóa, VIMC đã đạt những kết quả nổi bật trong năm 2021 như: sản lượng vận tải biển đạt 22,8 triệu tấn; sản lượng hàng thông qua cảng đạt 125,9 triệu tấn; tổng doanh thu đạt 14.300 tỷ đồng; lợi nhuận trước thuế đạt 3.640 tỷ đồng; nộp ngân sách nhà nước 818 tỷ đồng. Riêng chỉ tiêu lợi nhuận tăng gấp hơn 7 lần so với năm 2020 và tăng gần 4 lần so với kế hoạch đặt ra. Năm 2022, tiếp tục đà tăng trưởng, VIMC đã đạt tổng doanh thu là 15.300 tỷ đồng; lợi nhuận trước thuế là 3.055 tỷ đồng.
Thực hiện theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ: Doanh nghiệp Nhà nước phải đóng vai trò tiên phong trong đổi mới, sáng tạo, phát triển khoa học công nghệ; thể hiện vai trò dẫn dắt trong nền kinh tế, góp phần xây dựng nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc, văn hóa doanh nghiệp, đạo đức kinh doanh, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người lao động, trong định hướng chiến lược phát triển giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2035, VIMC xác định nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu là tập trung đầu tư phát triển, đổi mới sáng tạo và áp dụng khoa học công nghệ, nâng cao hiệu quả hoạt động để thực hiện tốt vai trò dẫn dắt, mở đường, phát triển bền vững ngành hàng hải Việt Nam.
Thực tế cho thấy, Việt Nam chưa phát triển được đội tàu container chuyên nghiệp có thể cạnh tranh với các hãng tàu nước ngoài. Trong thời gian vừa qua, thị trường vận tải container quốc tế sôi động với mức cước vận tải không ngừng tăng cao trên các tuyến vận chuyển chính, tuy nhiên, các doanh nghiệp vận tải biển Việt Nam được hưởng lợi không đáng kể do phần lớn hàng xuất nhập khẩu của Việt Nam là do các hãng tàu nước ngoài đảm nhận.
Với vai trò của một doanh nghiệp nhà nước, thực hiện theo tinh thần Nghị quyết số 36-NQ/TW: Đẩy mạnh phát triển đội tàu vận tải biển với cơ cấu hợp lý, ứng dụng công nghệ hiện đại, nâng cao chất lượng dịch vụ, đáp ứng nhu cầu thị trường vận tải nội địa, tham gia sâu vào các chuỗi cung ứng vận tải, từng bước gia tăng, chiếm lĩnh thị phần quốc tế, Tổng công ty xác định sẽ đầu tư phát triển đội tàu container chuyên dụng, trọng tải lớn, có tính năng kỹ thuật hiện đại, đảm bảo hành hải trên những tuyến biển xa, tạo tiền đề phát triển để trở thành một Main Lines Operator - MLO. Việc phát triển đội tàu vận tải biển quốc tế của Việt Nam là hướng đi quan trọng để giảm chi phí vận tải, từng bước nâng cao thị phần vận tải hàng hóa xuất nhập khẩu bằng đội tàu biển Việt Nam, giảm sự phụ thuộc vào đội tàu nước ngoài. Đồng thời, góp phần nâng cao năng lực đội tàu container của Việt Nam để lấp đầy khoảng trống trong thị trường vận tải hàng hóa xuất nhập khẩu; tránh tình trạng các hãng tàu nước ngoài tăng giá cước một cách bất hợp lý, ảnh hưởng đến quyền lợi của các chủ hàng và ảnh hưởng đến phát triển kinh tế đất nước.
Việc đầu tư cơ sở hạ tầng cảng biển, đặc biệt là những dự án lớn đòi hỏi nguồn lực lớn cả về vốn và nhân lực, cơ chế chính sách,… VIMC là một doanh nghiệp đầu ngành trong lĩnh vực hàng hải, thực hiện theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ: Những gì doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp FDI chưa làm được, chưa có điều kiện để làm hoặc ở những nơi khó khăn thì doanh nghiệp nhà nước phải xốc vác, tiên phong; đồng thời, thực hiện chủ trương lớn, khâu đột phá theo tinh thần Nghị quyết số 36-NQ/TW: Quy hoạch, xây dựng, tổ chức khai thác đồng bộ, có hiệu quả các cảng biển tổng hợp, cảng trung chuyển quốc tế, cảng chuyên dùng gắn với các dịch vụ hỗ trợ, VIMC xác định sẽ đầu tư phát triển về chiều sâu đối với các cảng biển hiện hữu; tập trung và huy động nguồn lực thông qua việc liên doanh, hợp tác đầu tư với các đối tác lớn để đầu tư xây dựng mới các cảng trung chuyển quốc tế tại các vùng kinh tế trọng điểm tại khu vực phía Bắc và phía Nam (Cảng cửa ngõ quốc tế Lạch Huyện tại Hải Phòng, Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ tại TP. Hồ Chí Minh, Cụm cảng nước sâu tại Cái Mép - Thị Vải khu vực Bà Rịa - Vũng Tàu,…), đưa cảng biển Việt Nam trở thành điểm trung chuyển của hàng hóa thế giới, ghi dấu trên bản đồ hàng hải quốc tế.
VIMC là một trong số ít các doanh nghiệp có lợi thế sở hữu cả đội tàu, hệ thống cảng biển và hệ thống kho bãi, phương tiện vận tải. Nhằm gia tăng năng lực khai thác, thực hiện theo tinh thần Nghị quyết số 36-NQ/TW “Xây dựng và hoàn thiện hạ tầng logistics và các tuyến đường giao thông, kết nối liên thông các cảng biển các vùng, miền, địa phương trong nước và quốc tế”, VIMC tập trung đầu tư phát triển để hình thành ít nhất 03 trung tâm logistics lớn tại khu vực miền Bắc (Hải Phòng, Hà Nội), miền Trung (Đà Nẵng, Quy Nhơn), miền Nam (khu vực Cái Mép - Thị Vải, Đồng bằng sông Cửu Long). Đồng thời, ứng dụng và phát triển mạnh mẽ công nghệ thông tin và chuyển đổi số; phát triển dịch vụ logistics tích hợp vận tải biển - cảng biển - dịch vụ hàng hải để cung cấp dịch vụ trọn gói, hiện đại, tiêu chuẩn quốc tế cho khách hàng.
Sự phát triển bền vững mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội sẽ là nền tảng vững chắc của quốc phòng - an ninh; phát triển kinh tế - xã hội đi đôi với tăng cường sức mạnh quốc phòng - an ninh; thấm nhuần những lời di huấn của Chủ tịch Hồ Chí Minh về phát triển kinh tế biển đảo, tập thể lãnh đạo VIMC cùng toàn thể cán bộ, người lao động, sĩ quan, thuyền viên, quyết tâm, đoàn kết, nỗ lực trong sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng đối với ngành hàng hải để ngành hàng hải Việt Nam trở thành điểm sáng kinh tế biển, góp phần thực hiện thành công Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045./.
Chú thích:
(1) Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 10, Sđd, tr. 311.
Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam - CTCP (VIMC)