Chủ tịch Hồ Chí Minh - vị lãnh tụ thiên tài, Người sáng lập, rèn luyện Đảng ta và khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Người đã cống hiến trọn đời mình cho sự nghiệp cách mạng, đấu tranh giải phóng dân tộc, giành độc lập, tự do cho Tổ quốc, hạnh phúc cho nhân dân. Cuộc đời và sự nghiệp vinh quang của Người là “một biểu tượng kiệt xuất về quyết tâm của cả một dân tộc”, đã “góp phần vào cuộc đấu tranh chung của các dân tộc trên thế giới vì hoà bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội”. Người là tấm gương tiêu biểu nhất về phẩm chất đạo đức sáng ngời, một tư tưởng vì nước vì dân, là điển hình nhân cách tốt đẹp của con người Việt Nam. Ở Chủ tịch Hồ Chí Minh hội tụ đầy đủ những tinh hoa văn hóa của dân tộc và nhân loại; là biểu tượng của khát vọng hòa bình, cầu nối của tình đoàn kết, hữu nghị, thủy chung với nhân dân quốc tế. Nhà sử học người Mỹ Josephine Stenson đã viết: “…Hồ Chí Minh mãi mãi là tấm gương sáng về nhân cách một con người thời đại cho mọi thế hệ tiếp sau”…; hay như cảm nhận về Bác của nhà thơ, nhà báo nổi tiếng người Xô Viết O.Mandenxtam: “Từ Nguyễn Ái Quốc tỏa ra một thứ văn hóa, không phải văn hóa Châu Âu, mà có lẽ là một nền văn hóa của tương lai”; Người đã được UNESCO tôn vinh là: Anh hùng giải phóng dân tộc, nhà văn hóa kiệt xuất của dân tộc Việt Nam.
Chính vì vậy, từ sau ngày Người đi vào cõi vĩnh hằng, ở nước ta và trên thế giới đã có nhiều công trình, khu di tích, tưởng niệm về Chủ tịch Hồ Chí Minh với những quy mô, hình thức khác nhau. Đây vừa là nơi lưu giữ những dấu ấn sâu sắc của Bác lúc sinh thời, vừa thể hiện tình cảm, lòng thành kính, tưởng nhớ, tri ân sâu sắc của nhân dân Việt Nam và tình cảm yêu mến, kính trọng của bạn bè quốc tế đối với Người. Mỗi công trình, khu di tích, mỗi hiện vật trưng bày đều phản ánh sinh động thân thế, sự nghiệp, cuộc đời thanh cao, giản dị của Hồ Chí Minh; thể hiện những giá trị tinh thần to lớn, có ý nghĩa lịch sử sâu sắc trong tuyên truyền, giáo dục truyền thống và những cống hiến to lớn của Người trong sự nghiệp giải phóng dân tộc đối với quần chúng nhân dân, lực lượng vũ trang và bạn bè quốc tế. Đồng thời, mỗi khu di tích, công trình, tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn gắn liền với những câu chuyện chân thực, sinh động về tấm gương đạo đức, phong cách làm việc khoa học, sự tinh tế trong tư duy, ứng xử của Bác, trở thành những bài học quý báu, tác động sâu sắc đến tư tưởng, tình cảm của khách tham quan trong nước và quốc tế; góp phần đẩy mạnh việc học tập và làm theo Bác, xây dựng đời sống văn hóa, tinh thần tốt đẹp, phong phú, lành mạnh; lan tỏa hình ảnh con người Hồ Chí Minh và văn hóa Việt Nam trên thế giới.
Là trái tim của cả nước, Thủ đô Hà Nội luôn được Chủ tịch Hồ Chí Minh dành tình cảm và sự quan tâm đặc biệt trong suốt cuộc đời hoạt động của mình. Kể từ khi giữ cương vị Chủ tịch nước, Người đã có 73 bài viết riêng về Thủ đô và nhân dân Hà Nội, trong đó Người khẳng định: “Cả nước nhìn về Thủ đô ta, thế giới trông vào Thủ đô ta. Tất cả chúng ta phải ra sức giữ gìn trật tự an ninh, làm cho Thủ đô ta thành một Thủ đô bình yên, tươi đẹp, mạnh khỏe cả về vật chất và tinh thần…”. Chính vì vậy, trên địa bàn Thủ đô ở đâu cũng đều có dấu chân và những kỷ niệm cùng với hàng trăm công trình, khu di tích, tưởng niệm về Bác Hồ (gọi chung là Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh) tiêu biểu như: Cụm di tích Lăng Bác, Phủ Chủ tịch, Bảo tàng Hồ Chí Minh, Quảng trường Ba Đình; Khu Di tích Đá Chông - K9, Ba Vì; Ngôi nhà tại 48 Hàng Ngang, Hoàn Kiếm; Nhà lưu niệm Bác Hồ tại làng Vạn Phúc, Hà Đông,… đây là những nơi chứa đựng tình cảm, sự tri ân của Đảng bộ, chính quyền, nhân dân và lực lượng vũ trang Thủ đô đối với Người, đồng thời là nơi tuyên truyền, giáo dục truyền thống cho các tầng lớp nhân dân Thủ đô trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay.
Bên cạnh đó, các Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh trên địa bàn Thành phố Hà Nội còn là nơi phản ánh sâu sắc nhất cuộc sống sinh hoạt đời thường của Bác Hồ mà không có sách báo hoặc các phương tiện thông tin hiện đại nào có thể phản ánh một cách chân thực và đầy đủ. Tại đây, ngoài những di sản vật thể còn có di sản phi vật thể vô cùng phong phú, mà không phải bất kỳ khách tham quan nào cũng có thể cảm nhận được những giá trị to lớn đó. Chính vì vậy, những khu di tích, tưởng niệm này là điểm đến lý tưởng của nhân dân, khách tham quan trong và ngoài nước. Đặc biệt đối với lực lượng vũ trang Thủ đô, là một bộ phận quan trọng trong lực lượng vũ trang cách mạng, kế thừa, phát huy truyền thống anh hùng bất khuất chống ngoại xâm của dân tộc, truyền thống “Ngàn năm văn hiến” cùng các tầng lớp nhân dân Thủ đô lập lên nhiều chiến công hiển hách trong các cuộc kháng chiến cứu nước và trong xây dựng, bảo vệ Tổ quốc, xây dựng nên truyền thống “Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh”; được Chủ tịch Hồ Chí Minh nhiều lần khen ngợi và dành cho những tình cảm cùng sự quan tâm đặc biệt.
Trước yêu cầu nhiệm vụ xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại trong tình hình mới; những năm qua, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội luôn chăm lo xây dựng lực lượng vũ trang Thủ đô vững mạnh theo hướng tinh, gọn, mạnh; chú trọng nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho bộ đội, trong đó tập trung khâu đột phá “Xây dựng nét đẹp văn hóa Người chiến sĩ Thủ đô” với phẩm chất “Trung thành, trí tuệ, sáng tạo, văn minh”. Đây là một nội dung quan trọng, việc làm thiết thực nhằm cụ thể hóa việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, đồng thời là giải pháp hiệu quả để cán bộ, chiến sĩ tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất đạo đức, lối sống, văn hóa ứng xử; phản ánh đúng nhu cầu, nguyện vọng, phù hợp với đặc điểm, nhiệm vụ, hoạt động của lượng vũ trang Thủ đô.
Đặc biệt, từ khi Bộ Chính trị triển khai Chỉ thị số 03-CT/TWvà Chỉ thị số 05-CT/TW về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; Kết luận số 01-KL/TW về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị khóa XII; Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội đã triển khai đồng bộ nhiều hình thức, biện pháp nâng cao nhận thức cho cán bộ, chiến sĩ về ý nghĩa, vai trò, tầm quan trọng, nội dung và giá trị tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; trong đó đã phát huy có hiệu quả giá trị các khu di tích, tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh trên địa bàn Thành phố. Hằng năm, các cơ quan, đơn vị đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Tư lệnh bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh và các địa phương tổ chức cho hàng ngàn lượt cán bộ, chiến sĩ lực lượng thường trực, dự bị động viên, dân quân tự vệ Thủ đô tham quan học tập, tìm hiểu lịch sử truyền thống, báo công dâng Bác, phát động thi đua... tại các di tích, khu tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh. Được tham quan, tận mắt chứng kiến cuộc sống đời thường giản dị; được nghe hướng dẫn viên giới thiệu những câu chuyện về Bác với những thông tin rõ ràng, giải mã những ẩn số, những giá trị đích thực của di tích một cách đầy đủ, chính xác đến bộ đội; thông qua những tài liệu, hiện vật sống động của Bác được lưu giữ và trưng bày tại khu di tích đã tác động trực tiếp đến tư tưởng, tình cảm và được chuyển hóa thành hành động cụ thể; nâng tầm trở thành tiêu chí “văn hóa”, mang lại hiệu quả giáo dục sâu sắc đối với cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang Thủ đô, để mỗi người tự soi xét lại mình, tự học tập, rèn luyện và vươn lên; góp phần giữ vững và phát huy phẩm chất cao đẹp “Bộ đội Cụ Hồ”, xây dựng nét đẹp văn hóa “Người chiến sĩ Thủ đô” trong tình hình mới.
Hằng năm, Bộ Tư lệnh Thủ đô đã phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền địa phương tổ chức cho thanh niên trước khi lên đường nhập ngũ và học sinh, sinh viên tham quan, dâng hương tại các khu di tích, đài tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh trên địa bàn; thông qua đó tuyên truyền tư tưởng, đạo đức, phong cách của Bác; giáo dục truyền thống tốt đẹp của dân tộc, quê hương; nâng cao lòng yêu nước, trách nhiệm của người công dân đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đây là một trong những nội dung quan trọng, là tiền đề, hành trang để mỗi thanh niên khi bước vào môi trường Quân đội có mục tiêu, lý tưởng, động lực và quyết tâm cao, tự giác phấn đấu tu dưỡng, rèn luyện xây dựng và hoàn thiện nhân cách người quân nhân cách mạng, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị được giao, hoàn thành tốt nghĩa vụ thiêng liêng của người công dân đối với Tổ quốc.
Bên cạnh đó, nhân kỷ niệm các ngày lễ lớn, sự kiện chính trị trọng đại của Đảng, Nhà nước, Quân đội, Thủ đô và đơn vị, cấp ủy, chỉ huy các cơ quan, đơn vị đã chỉ đạo các tổ chức quần chúng tiến hành tham quan, nghiên cứu, học tập, báo công dâng Bác… tại các khu di tích, tưởng niệm; từ đó xây dựng chương trình tổ chức tọa đàm trao đổi, diễn đàn thanh niên, thi tìm hiểu bằng hình thức sân khấu hóa về các khu di tích, đài tưởng niệm cùng những câu chuyện về Bác Hồ gắn liền với các khu di tích. Thông qua đó, nâng cao nhận thức, động viên, khích lệ cán bộ, đoàn viên, hội viên lực lượng vũ trang Thủ đô tích cực học tập và làm theo Bác, đoàn kết, thống nhất, nỗ lực phấn đấu vươn lên, góp phần xây dựng đời sống văn hóa, tinh thần tốt đẹp, lành mạnh, phong phú; xây dựng tổ chức đảng trong sạch vững mạnh tiêu biểu, cơ quan, đơn vị vững mạnh toàn diện “mẫu mực, tiêu biểu”, các tổ chức quần chúng vững mạnh xuất sắc.
Có thể khẳng định, Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Hà Nội có ý nghĩa hết sức quan trọng, giá trị lịch sử to lớn, là “địa chỉ đỏ” giáo dục truyền thống cách mạng của dân tộc, công lao to lớn và tư tưởng, đạo đức, phong cách của Bác Hồ. Đồng thời, nơi đây còn thể hiện tình cảm, lòng thành kính, sự tri ân của cấp ủy, chính quyền, lực lượng vũ trang, nhân dân Thủ đô và bạn bè quốc tế đối với Bác, góp phần xây dựng đời sống văn hóa tinh thần tốt đẹp, lành mạnh, phong phú ở khu dân cư; giữ gìn và phát huy phẩm chất cao đẹp “Bộ đội Cụ Hồ”, nét đẹp văn hóa “Người chiến sĩ Thủ đô” trong tình hình mới.
Để tiếp tục giữ gìn và phát huy giá trị Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh trên địa bàn Thành phố Hà Nội, góp phần giáo dục tư tưởng Hồ Chí Minh cho lực lượng vũ trang và nhân dân Thủ đô, nhất là thế hệ trẻ trong giai đoạn hiện nay, cần tập trung vào một số nội dung, giải pháp đó là:
Một là, tiếp tục quán triệt, tuyên truyền nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, của cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang và nhân dân Thủ đô về vị trí, vai trò, tầm quan trọng, những giá trị to lớn của các khu di tích, tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh trên địa bàn Thành phố; làm cho mỗi tổ chức, cá nhân thấy rõ được trách nhiệm, nghĩa vụ của mình đối với việc giữ gìn, bảo tồn, phát huy giá trị các di tích. Thông qua đó, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục truyền thống và đẩy mạnh việc học tập, làm theo tư tưởng đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong cơ quan, đơn vị và địa phương.
Hai là, phát huy vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền địa phương trong xây dựng quy chế quản lý chung, đồng bộ về Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh, tránh sự chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ, đồng thời cần chuẩn hóa thông tin về Di tích. Đề cao vai trò của các tổ chức chính trị xã hội, lực lượng vũ trang, cộng đồng dân cư, xác định đây là trách nhiệm chung của toàn xã hội, của cả hệ thống chính trị trong bảo tồn, quản lý, tôn tạo, giữ gìn, phát huy giá trị Di tích.
Ba là, tăng cường công tác thông tin truyền thông, giáo dục cho cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang và nhân dân ý nghĩa việc bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh. Thực hiện biên soạn các nội dung, xây dựng cơ sở dữ liệu giới thiệu giá trị của các di tích đến các cơ quan, đơn vị, quần chúng nhân dân, hoặc đưa vào những “địa chỉ đỏ” để giáo dục truyền thống, cẩm nang du lịch của địa phương trên các phương tiện thông tin đại chúng, các trang mạng xã hội, góp phần để việc truy cập tiếp cận thông tin về các khu di tích, khu tưởng niệm được nhanh chóng và chính xác.
Bốn là, thường xuyên phối hợp chặt chẽ giữa lực lượng vũ trang Thủ đô với các đơn vị Quân đội trên địa bàn và cấp ủy, chính quyền địa phương tổ chức cho cán bộ, chiến sĩ, nhân dân, nhất là thế hệ trẻ Thủ đô tham quan, tìm hiểu, giáo dục truyền thống và tham gia các hoạt động tu sửa, tôn tạo, bảo tồn, giữ gìn, phát huy các giá trị của khu di tích, khu tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh nhân kỷ niệm các ngày lễ, sự kiện chính trị trọng đại của Đảng, Nhà nước, Quân đội, đơn vị và địa phương. Tiếp tục quan tâm đào tạo nguồn nhân lực vững về chuyên môn, có tâm huyết và trách nhiệm; thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng trang bị kiến thức, phương pháp tuyên truyền, giới thiệu về Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh, về công tác bảo tồn cho Ban Quản lý Di tích và cán bộ ngành văn hóa cơ sở ở các địa phương.
Năm là, tiếp tục đẩy mạnh công tác nghiên cứu, sưu tầm tư liệu, hiện vật, phục chế những giá trị từ nguyên bản; phát huy hiệu quả hoạt động Ban Chỉ đạo 35, lực lượng 47 các cấp trong đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, xuyên tạc về Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh, góp phần tu sửa, tôn tạo, giữ gìn, phát huy có hiệu quả giá trị Di tích, tưởng niệm trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Kỷ niệm 133 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu (19/5/1890 - 19/5/2023) là dịp để quân và dân cả nước nói chung, các tầng lớn nhân dân và lực lượng vũ trang Thủ đô nói riêng hiểu thêm về thân thế, sự nghiệp và cuộc đời hoạt động của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đồng thời bày tỏ lòng thành kính, tri ân với những công lao to lớn của Người. Từ đó, tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; nâng cao ý thức, trách nhiệm trong tuyên truyền, giáo dục truyền thống, lòng yêu nước cho cán bộ, chiến sĩ và các tầng lớp nhân dân; giữ gìn, phát huy những giá trị to lớn, ý nghĩa lịch sử, văn hóa của Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh, góp phần xây dựng đời sống văn hóa tinh thần tốt đẹp, lành mạnh, phong phú ở khu dân cư; giữ gìn và phát huy phẩm chất cao đẹp “Bộ đội Cụ Hồ”, nét đẹp văn hóa “Người chiến sĩ Thủ đô” trong tình hình mới./.
Trung tướng Nguyễn Xuân Yêm
Phó Chính ủy Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội