Hồ Chí Minh - nhà tư tưởng vĩ đại, nhà chiến lược quân sự thiên tài, Người đặt nền móng cho việc xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân, nền quốc phòng toàn dân và nghệ thuật chiến tranh nhân dân Việt Nam trong thời đại mới. Được Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập, giáo dục và rèn luyện, suốt gần 80 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, dưới ánh sáng tư tưởng của Người, Quân đội nhân dân Việt Nam ngày càng lớn mạnh về mọi mặt, lập nên những chiến công vang dội, bảo vệ vững chắc Tổ quốc và ngày càng tỏ rõ là lực lượng chính trị tin cậy, công cụ sắc bén để bảo vệ Đảng, Nhà nước và Nhân dân. Ghi nhận công lao, cống hiến to lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với sự trưởng thành và lớn mạnh của Quân đội, nhân dân không chỉ trìu mến lấy tên vị lãnh tụ vĩ đại đặt cho Quân đội - “Bộ đội Cụ Hồ” mà còn bảo vệ, giữ gìn và tôn tạo những nơi Người đã từng sống và làm việc trở thành những di tích lịch sử và văn hóa để giáo dục thế hệ trẻ. Vì thế, để phát huy những giá trị cao đẹp của hình ảnh “Bộ đội Cụ Hồ”, nhất là giáo dục chủ nghĩa yêu nước cho thế hệ trẻ cần phát huy tốt hệ giá trị các di tích về Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Hiếm có dân tộc nào trên thế giới mà nhân dân lấy tên vị lãnh tụ tối cao của mình đặt cho Quân đội. Đây vừa là tình cảm, vừa là niềm tin của quần chúng dành cho lực lượng vũ trang. Cũng hiếm có một dân tộc nào mà hình ảnh người lính lại được toàn dân coi đó là hình mẫu của con người trong thời đại mới, để hết lòng tin yêu, quý trọng, động viên mọi thế hệ con cháu kế tiếp và noi theo gương sáng “Bộ đội Cụ Hồ” như dân tộc Việt Nam. “Bộ đội Cụ Hồ” một danh hiệu cao quý và thân quen, một vinh dự lớn lao đối với những người chiến sĩ của Quân đội nhân dân Việt Nam. Hình ảnh “Bộ đội Cụ Hồ” đã trở thành biểu tượng cao đẹp và hoàn chỉnh của một hình mẫu nhân cách con người Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh.

Nhân dân ta gọi “Bộ đội Cụ Hồ” vì “Cụ Hồ”- tên gọi trìu mến của nhân dân ta đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh, là người tiêu biểu cho tinh thần đấu tranh bất khuất của nhân dân ta, là hiện thân của niềm tin và sức mạnh, là hình ảnh tiêu biểu cho tất cả những giá trị cao đẹp của dân tộc Việt Nam, của văn hóa Việt Nam. Nhân dân ta gọi Quân đội của mình là “Bộ đội Cụ Hồ” vì cảm nhận một cách sâu sắc quan hệ đặc biệt hiếm có giữa “Cụ Hồ” và Quân đội, giữa vị lãnh tụ với những người chiến sĩ. Mỗi bước trưởng thành, mỗi chiến công của Quân đội đều gắn liền với sự giáo dục, rèn luyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh, gọi bộ đội là “Bộ đội Cụ Hồ” còn là vì bản thân các chiến sĩ Quân đội đã luôn xứng đáng với niềm tin yêu của Người.

Đặc trưng nổi bật của “Bộ đội Cụ Hồ” là tinh thần yêu nước và lòng trung thành vô hạn với Tổ quốc, với Đảng, với Nhân dân; gắn bó mật thiết với nhân dân, vì nhân dân mà chiến đấu, vì nhân dân mà phục vụ; có tinh thần đoàn kết, thống nhất, hết lòng thương yêu đồng chí, đồng đội; tinh thần đoàn kết quốc tế thủy chung, trong sáng; có ý thức tổ chức kỷ luật tự giác, nghiêm minh,... Đó chính là hành trang quý báu để cán bộ, chiến sĩ Quân đội vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, bách chiến, bách thắng trước kẻ thù xâm lược. Điều này đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh khái quát: “Quân đội ta trung với Đảng, hiếu với dân, sẵn sàng chiến đấu, hi sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội. Nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng”(1). Hình ảnh “Bộ đội Cụ Hồ” trở thành một hình mẫu về con người mới có lý tưởng cao đẹp, có đạo đức trong sáng mà ở đó chủ nghĩa yêu nước là một giá trị tiêu biểu và bền vững, nhân tố quan trọng hàng đầu tác động sâu sắc đến đời sống văn hóa tinh thần của cán bộ, chiến sĩ, tạo thành động lực tinh thần to lớn thúc đẩy họ sẵn sàng cống hiến sức lực, trí tuệ, xả thân vì sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Chủ nghĩa yêu nước không chỉ là truyền thống quý báu của dân tộc mà còn trở thành chuẩn mực cao nhất định hướng suy nghĩ, điều chỉnh hành vi của mỗi cá nhân và toàn thể cộng đồng, cùng hướng tới mục tiêu chung vì sự trường tồn và phát triển của đất nước, của dân tộc. Chủ nghĩa yêu nước đã trở thành truyền thống quý báu của Quân đội trong suốt quá trình xây dựng, chiến đấu và trưởng thành. Truyền thống ấy làm cho hình ảnh “Bộ đội Cụ Hồ” ngày càng tỏa sáng trong lòng nhân dân và bè bạn quốc tế. Chủ nghĩa yêu nước là nguồn sức mạnh thường trực trong lòng dân tộc và trong mỗi người cán bộ, chiến sĩ Quân đội. Nhưng sức mạnh ấy phụ thuộc rất lớn vào khả năng đánh thức, hiện thực hóa nó. Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Tinh thần yêu nước cũng như các thứ của quý. Có khi được trưng bày trong tủ kính, trong bình pha lê, rõ ràng dễ thấy. Nhưng cũng có khi cất giấu kín đáo trong rương, trong hòm. Bổn phận của chúng ta là làm cho những của quý kín đáo ấy đều được đưa ra trưng bày. Nghĩa là phải ra sức giải thích, tuyên truyền, tổ chức, lãnh đạo, làm cho tinh thần yêu nước của tất cả mọi người đều được thực hành vào công việc yêu nước, công việc kháng chiến”(2). Đó là mối quan hệ biện chứng giữa đời sống vật chất và đời sống tinh thần của xã hội. Thực tiễn cũng cho thấy, bất cứ tiềm năng tinh thần dù to lớn bao nhiêu nếu muốn biến thành sức mạnh vật chất đều cần được thường xuyên khơi dậy, bồi đắp chuyển hóa thành các hành động cụ thể, thành các phong trào xã hội thiết thực; nếu không nó sẽ bị xói mòn, tàn lụi, phai mờ, mất đi giá trị. Vì thế, việc giáo dục phát huy chủ nghĩa yêu nước cho thế hệ trẻ hiện nay là việc làm thường xuyên và phải luôn được coi trọng đúng mức.

Nhân cách cao đẹp của “Bộ đội Cụ Hồ”, mà giá trị cao nhất là chủ nghĩa yêu nước không phải là sản phẩm tự phát, mà đó là quá trình rèn luyện, phấn đấu, hi sinh vì lý tưởng của Đảng, vì hạnh phúc của nhân dân. Bởi vậy, việc tiếp tục nuôi dưỡng, xây dựng, phát triển kiểu mẫu nhân cách đó và trong tương lai là nhiệm vụ cực kỳ quan trọng và cấp thiết; cần được nghiên cứu, quán triệt sâu kỹ trong giáo dục chủ nghĩa yêu nước của “Bộ đội Cụ Hồ” cho thế hệ trẻ hiện nay.

Giáo dục chủ nghĩa yêu nước của “Bộ đội Cụ Hồ” trong điều kiện mới hiện nay, bên cạnh việc làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị, cần coi trọng việc phát huy hệ giá trị các Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đây không chỉ là nơi khắc ghi dấu ấn, công lao, cống hiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với dân tộc và Quân đội, mà còn lưu giữ những kỷ vật thiêng liêng gắn liền với cuộc đời hoạt động cách mạng vẻ vang của Người. Đặc biệt, đó còn là trường học thực tiễn sinh động, minh chứng thuyết phục nhất cho việc tuyên truyền, giáo dục chủ nghĩa yêu nước Hồ Chí Minh đến thế hệ trẻ hiện nay. Theo số liệu thống kê, hiện nay trong cả nước có khoảng 858 di tích và địa điểm di tích liên quan đến Chủ tịch Hồ Chí Minh ở 32 tỉnh, thành phố(3), trong đó có 5 di tích được công nhận là Di tích quốc gia đặc biệt bao gồm: Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch (Hà Nội); Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Kim Liên (Nghệ An); Di tích lịch sử Pác Bó (Cao Bằng); Di tích lịch sử Tân Trào (Tuyên Quang); Di tích lịch sử an toàn khu (ATK) Định Hóa (Thái Nguyên). Trong đó, có nhiều di tích Hồ Chí Minh có liên quan trực tiếp đến quá trình ra đời, sự trưởng thành và phát triển của Quân đội nhân dân Việt Nam.

Ở nhiều nước trên thế giới, những nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng sống, làm việc và hoạt động cách mạng cũng được chính quyền và nhân dân địa phương cùng với kiều bào Việt Nam bảo vệ, giữ gìn. Ngoài ra, với tình cảm trân quý và kính yêu vô hạn đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có nhiều công trình tượng, tượng đài, con đường và trường học trên thế giới mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đây chính là dấu ấn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, dấu ấn của Việt Nam ở mỗi quốc gia và cũng là biểu tượng của tình đoàn kết, hữu nghị giữa Việt Nam và các nước, đồng thời là nơi lưu giữ những kỷ niệm về Chủ tịch Hồ Chí Minh và là nơi tổ chức các hoạt động giao lưu với người dân, bạn bè quốc tế.

Các Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh đều lưu giữ những hiện vật, những câu chuyện có thật, sinh động về cuộc đời và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh - một con người tiêu biểu nhất, đại diện cho tinh hoa, trí tuệ con người Việt Nam trong thời đại mới. Thông qua việc tham quan, học tập tại các khu di tích, thế hệ trẻ không chỉ tận mắt được chứng kiến những kỷ vật thiêng liêng gắn liền với cuộc sống, sinh hoạt và hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, mà còn được các hướng dẫn viên tuyên truyền, thuyết minh, “giải mã” những bí ẩn trong từng hiện vật, từng địa điểm, từng khu di tích. Đó chính là những minh chứng thực tiễn sinh động và thuyết phục nhất đối với công tác tuyên truyền, giáo dục chủ nghĩa yêu nước của “Bộ đội Cụ Hồ” cho thế hệ trẻ. Vì thế, phát huy hệ giá trị các Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhất là giá trị lịch sử và văn hóa; giá trị thực tiễn, sự thật, minh chứng; giá trị tham quan, tuyên truyền, là biện pháp hiệu quả để giáo dục chủ nghĩa yêu nước “Bộ đội Cụ Hồ” cho thế hệ trẻ.

Để phát huy có hiệu quả hệ giá trị các Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh, đòi hỏi Đảng, Nhà nước, cơ quan ban ngành, chính quyền và nhân dân địa phương cần nhận thức rõ vai trò, giá trị của mỗi di tích; tích cực tham gia các hoạt động sưu tầm, tu bổ, tôn tạo, giữ gìn, bảo quản các hiện vật, tài liệu; làm tốt công tác nghiên cứu khoa học, giải mã thông tin, những bí ẩn của từng hiện vật, từng khu di tích để phục vụ cho công tác tuyên truyền, giáo dục; đa dạng hóa các hình thức tham quan, học tập tại khu di tích; có cơ chế chính sách thích hợp đối với các khu di tích cũng như cán bộ, nhân viên, người lao động làm việc tại khu di tích; làm tốt công tác quảng bá, giới thiệu, hợp tác với các đơn vị Quân đội để cùng phối hợp tổ chức các hoạt động tuyên truyền, giáo dục cho bộ đội, nhân dân, nhất là thế hệ trẻ.

Tóm lại, “Bộ đội Cụ Hồ” là phần thưởng cao quý, tình cảm, sự yêu mến, niềm tin sâu sắc, sự ghi nhận, tôn vinh của nhân dân dành cho cán bộ, chiến sĩ trong Quân đội nhân dân Việt Nam, là giá trị đặc sắc, độc đáo, thiêng liêng trong văn hóa quân sự, gắn liền với bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam, là niềm vinh dự, tự hào của mỗi quân nhân. “Bộ đội Cụ Hồ” còn thể hiện tình cảm sâu sắc, sự quan tâm đặc biệt, mối quan hệ bền chặt giữa Chủ tịch Hồ Chí Minh với cán bộ, chiến sĩ; là hình mẫu sáng ngời, biểu tượng lý tưởng cách mạng cao đẹp, đạo đức trong sáng, ý chí quyết tâm, nghị lực phi thường của đội quân cách mạng. Giáo dục chủ nghĩa yêu nước của “Bộ đội Cụ Hồ” thông qua phát huy hệ giá trị Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh là việc làm rất quan trọng và cần thiết. Đó không chỉ là duy trì những giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc mà còn tăng thêm sức mạnh nội sinh, phát huy tiềm lực con người cho quá trình phát triển đất nước./.

Chú thích:

(1) Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 14, Sđd, tr.435.

(2) Hồ Chí Minh,Toàn tập, tập 7, Sđd, tr.38.

(3) Nguyễn Anh Minh, Quản lý di tích lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Việt Nam, Luận án Tiến sĩ Văn hóa học, Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam, Hà Nội, 2018, tr.5.

TS Đinh Quang Thành

Phó TBT Tạp chí Nghiên cứu Hồ Chí Minh

Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh

ThS Lưu Thị Hà

Khoa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh

Học viện Kỹ thuật Quân sự

Bài viết khác: