Thái Nguyên là tỉnh trung du, miền núi; trung tâm kinh tế, chính trị - xã hội của khu vực Đông Bắc Bộ; địa bàn chiến lược về quốc phòng, an ninh. Đặc biệt, nơi đây là cái nôi của cách mạng, có An toàn khu Định Hóa (ATK Định Hóa), khu di tích đã được công nhận là Di tích quốc gia đặc biệt quan trọng của Việt Nam, với nhiều địa danh đi vào lịch sử; những cơ sở cách mạng đầu tiên của Xứ ủy Bắc Kỳ thời kỳ 1939 - 1945; di tích về nơi ở và làm việc của Chủ tịch Hồ Chí Minh; lưu giữ những kỷ vật, hình ảnh hoạt động của Người và các nhà lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã sống và làm việc từ 1947 - 1954 để lãnh đạo cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp.

Trong cuộc kháng chiến này, huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên vinh dự được trở thành An toàn khu (ATK) Trung ương - Thủ đô kháng chiến của cả nước. Tại đây, Bác Hồ, Trung ương Đảng, Chính phủ, Bộ Tổng Tư lệnh Quân đội và nhiều bộ, ngành Trung ương đã đặt bản doanh để lãnh đạo kháng chiến; nhiều quyết định quan trọng liên quan đến vận mệnh dân tộc đã ra đời. Đặc biệt, ngày 06/12/1953, tại xóm Tỉn Keo, xã Phú Đình, huyện Định Hóa, Chủ tịch Hồ Chí Minh và các đồng chí trong Bộ Chính trị Trung ương Đảng đã ra một quyết định lịch sử: mở Chiến dịch Điện Biên Phủ, đưa cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của dân tộc ta đi đến thắng lợi.

Theo Quyết định số 13/2021/QĐ-UBND ngày 15/3/2021 của UBND tỉnh Thái Nguyên về việc ban hành Quy định phân cấp quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên.Khu Di tích ATK Định Hóa gồm: 182 điểm di tích, trong đó 28 di tích xếp hạng Quốc gia, 28 di tích xếp hạng cấp tỉnh, trải dài trên 23 xã, thị trấn. Ban Quản lý Khu Di tích Lịch sử - Sinh thái ATK Định Hóa, Thái Nguyên đặt tại Thôn Đèo De, xã Phú Đình, huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên; được giao quản lý 16 điểm Di tích quốc gia đặc biệt và quan trọng.

Được sự quan tâm của Trung ương Đảng, Chính phủ, sự đầu tư của các ban, bộ, ngành Trung ương, các di tích thuộc ATK Định Hóa được đầu tư xây dựng, tôn tạo đã nhanh chóng phát huy tác dụng; hằng năm thu hút hơn 3.000 đoàn, với trên 600.000 lượt cán bộ, chiến sĩ và nhân dân cả nước hành hương về dâng hương tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh và tham quan Khu Di tích. Nhiều đoàn khách quốc tế cũng đã tới Tỉn Keo - Khuôn Tát để tận mắt thấy “Đại bản doanh của Chính phủ Hồ Chí Minh trong kháng chiến chống Pháp”. Đây chính là những điều kiện thuận lợi để cán bộ, chiến sĩ Lực lượng vũ trang tỉnh Thái Nguyên phát huy các giá trị về tư tưởng, văn hóa, khơi dậy niềm tự hào dân tộc, tự hào quê hương cách mạng, góp phần tạo chuyển biến về nhận thức, quyết tâm khắc phục khó khăn, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao.

Phát huy những giá trị đặc biệt của Khu Di tích ATK Định Hóa, Đảng ủy, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Thái Nguyên đã thường xuyên quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo cấp ủy các cấp tổ chức tốt sinh hoạt tư tưởng - văn hóa cho cán bộ, chiến sĩ Lực lượng vũ trang tỉnh để họ hiểu sâu sắc về giá trị đặc biệt của khu quần thể di tích lịch sử chiến tranh nhân dân có “một không hai” của dân tộc Việt Nam trong thế kỷ XX; nơi đặt các căn cứ địa cách mạng của Trung ương Đảng, Chính phủ, Bác Hồ cùng các cơ quan đầu não của cách mạng trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp..., từ đó, thường xuyên tổ chức các hoạt động về nguồn, dâng hương tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh kết hợp giáo dục truyền thống cách mạng, các phong trào thi đua yêu nước,... giúp cán bộ, chiến sĩ có điều kiện rèn luyện, trưởng thành, cống hiến và định hướng tư tưởng, lý tưởng tốt đẹp, hăng hái trong hoạt động thực tiễn, tích cực trong huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu.

Giáo dục cho cán bộ, chiến sĩ Lực lượng vũ trang tỉnh truyền thống yêu nước nồng nàn của quân và dân vùng ATK trong những năm kháng chiến, trung thành tuyệt đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng, phục vụ suốt đời vì Tổ quốc, vì lợi ích dân tộc, lợi ích của nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa; truyền thống xung kích cách mạng, không ngại hi sinh, gian khổ, sẵn sàng đảm nhận và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà Đảng và nhân dân giao phó; truyền thống đoàn kết, tinh thần tương thân, tương ái, yêu thương đồng chí, đồng đội; có ý chí vượt khó, cần cù, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm... của lực lượng vũ trang nói chung; cán bộ, chiến sĩ Lực lượng vũ trang tỉnh Thái Nguyên nói riêng.

Công tác giáo dục lịch sử truyền thống cách mạng cho cán bộ, chiến sĩ Lực lượng vũ trang tỉnh được cấp ủy, chỉ huy các cấp quan tâm; coi đây là một trong những nhiệm vụ trọng yếu, quyết định để xây dựng nền tảng đạo đức, lối sống, bản lĩnh chính trị, tác phong, lề lối làm việc, nâng cao năng lực chuyên môn... Thông qua các hoạt động chủ yếu như: Quán triệt cho cán bộ, chiến sĩ hưởng ứng tham gia các cuộc thi viết, thi tìm hiểu về lịch sử truyền thống cách mạng Khu Di tích ATK do các cấp, các ngành phát động; triển khai các cuộc vận động, sinh hoạt, tọa đàm; nghe nói chuyện thời sự, chuyên đề, mít tinh kỷ niệm; tổ chức các hoạt động “Đền ơn đáp nghĩa”, “Uống nước nhớ nguồn”, dâng hương, dâng hoa tại các nghĩa trang liệt sĩ; tổ chức các hoạt động về nguồn; tuyên truyền các ngày kỷ niệm, các ngày lễ lớn của đất nước, của tỉnh và thăm di tích lịch sử cách mạng cho cán bộ, chiến sĩ tại huyện Định Hóa vào những dịp kỷ niệm như: Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt nam (03/2/1930); Tết Nguyên đán; Ngày thành lập Lực lượng vũ trang tỉnh Thái Nguyên (15/4/1947); Ngày Giỗ tổ Hùng Vương (10/3 âm lịch); Giải phóng Miền Nam (30/4/1975); Quốc tế Lao động 01/5; Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890); ngày Bác Hồ cùng Trung ương Đảng, Chính phủ về ATK Định Hóa lãnh đạo cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp (20/5/1947); Ngày Thương binh Liệt sĩ (27/7/1947); Ngày sinh Đại tướng Võ Nguyên Giáp (25/8/1911); Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 02/9; Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944)... Đây là các hoạt động mang nhiều ý nghĩa, đã tạo nên nhiều cảm xúc về tinh thần cách mạng trong mỗi cán bộ, chiến sĩ trong Lực lượng vũ trang tỉnh.

Với những hoạt động thực tế, hằng năm Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh đã thành kính dâng hương, dâng hoa và ghi lưu bút tại Nhà tưởng niệm Bác Hồ, Đồi Phong Tướng, Trường Đảng Nguyễn Ái Quốc…, thăm quan nhà trưng bày ATK nơi lưu giữ gần 400 tài liệu, hiện vật về Chủ tịch Hồ Chí Minh, ôn lại lịch sử truyền thống cách mạng... Các hoạt động dâng hương, dâng hoa của cán bộ, chiến sĩ Lực lượng vũ trang tỉnh thể hiện sự tri ân công lao trời biển của Chủ tịch Hồ Chí Minh, công lao to lớn các bậc tiền bối cách mạng, các chiến sĩ đã hi sinh anh dũng, chiến đấu cho độc lập, cho sự nghiệp giải phóng dân tộc.

Bên cạnh đó, trong các chuyên đề giáo dục chính trị hằng năm, đơn vị đã gắn với tuyên truyền các di tích lịch sử ATK, coi đây là một hình thức giáo dục hiệu quả, gắn lý thuyết với thực tiễn, tạo hiệu ứng tốt cho cán bộ, chiến sĩ chủ động tìm hiểu lịch sử, văn hóa của địa phương. Từ đó, cán bộ, chiến sĩ biết trân trọng những giá trị truyền thống, góp phần gìn giữ, bảo tồn và phát huy di sản văn hóa một cách hiệu quả, thiết thực hơn. Đây là việc làm rất cần thiết và là một hướng đi đúng, phù hợp với thực tiễn giáo dục chính trị hiện nay, bởi nội dung giáo dục truyền thống sẽ được thực hiện một cách linh hoạt, mềm dẻo, đa dạng thông qua các di tích lịch sử ATK, làm cho cán bộ, chiến sĩ hiểu thêm về mảnh đất quê hương giàu truyền thống cách mạng của mình; từ đó, tích cực học tập, công tác và yêu mến, gắn bó xây dựng địa phương giàu đẹp.

Đảng ủy, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh đã chủ động triển khai thực hiện tốt các nhiệm vụ quốc phòng, quân sự địa phương nói chung và phát huy các giá trị Khu Di tích ATK nói riêng cho cán bộ, chiến sĩ Lực lượng vũ trang tỉnh. Phối hợp chặt chẽ với Ban Quản lý khu di tích tạo mọi điều kiện để phát huy các giá trị văn hóaKhu Di tích ATK cho cán bộ, chiến sĩ vững vàng hơn về tâm thế, năng động, nhạy bén hơn trong tư duy và tích cực trong công việc. Từ đó, giúp cho mỗi cán bộ, chiến sĩ có ý thức hơn về trách nhiệm đối với Tổ quốc, trung thành tuyệt đối với Đảng, Nhà nước và Nhân dân, tu dưỡng đạo đức cách mạng và bản lĩnh chính trị vững vàng trước mọi thử thách, góp phần thực hiện thắng lợi các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, thực hiện thắng lợi mục tiêu độc lập dân tộc, gắn liền với chủ nghĩa xã hội.

Những năm tới, sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa đứng trước những thời cơ và thách thức đan xen. Các thế lực thù địch tiếp tục đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, chống phá Đảng, Nhà nước, Quân đội, thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; những thách thức an ninh phi truyền thống, thiên tai, dịch bệnh tiếp tục có những diễn biến phức tạp, khó lường. Để tiếp tục phát huy các giá trị Khu Di tích ATK vào tổ chức sinh tư tưởng - văn hóa cho cán bộ, chiến sĩ, trong thời gian tới, lực lượng vũ trang tỉnh Thái Nguyên xác định thực hiện tốt một số nội dung nhiệm vụ cơ bản sau:

Một là, tiếp tục phát huy những giá trị của khu di tích lịch sử ATK vào xây dựng Lực lượng vũ trang tỉnh vững mạnh toàn diện “Mẫu mực, tiêu biểu”. 

Đây là giải pháp quan trọng nhằm xây dựng lực lượng vũ trang tỉnh vững mạnh về chính trị, làm cơ sở nâng cao chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới. Thường xuyên quan tâm, chăm lo tổ chức sinh hoạt tư tưởng, văn hóa cho cán bộ, chiến sĩ Lực lượng vũ trang tỉnh có bản lĩnh chính trị vững vàng, trung thành, tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng; giữ vững và phát huy phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”. Phấn đấu 100% đơn vị an toàn tuyệt đối về chính trị, 100% quân nhân có phẩm chất đạo đức tốt; luôn đề cao cảnh giác, đấu tranh làm thất bại âm mưu, thủ đoạn “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch; không để cán bộ, chiến sĩ Lực lượng vũ trang tỉnh suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và các biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao.

 Hai là, tăng cường tuyên truyền, giáo dục làm lan tỏa các giá trị của Khu Di tích ATK trong đời sống chính trị, tinh thần ở đơn vị.

Đây là giải pháp cơ bản để cán bộ, chiến sĩ Lực lượng vũ trang tỉnh kế thừa, tiếp thu và thấm nhuần những giá trị về truyền thống cách mạng của quê hương “Thủ đô gió ngàn, chiến khu Việt Bắc”. Do vậy, cấp ủy, chỉ huy các đơn vị phải coi giáo dục giá trị của Khu Di tích ATK là một nội dung trọng tâm của công tác giáo dục chính trị; từ đó, xây dựng và thực hiện các kế hoạch, chương trình giáo dục thống nhất, đồng bộ, đảm bảo cả diện rộng và chiều sâu. Trong đó, xác định các nội dung giáo dục truyền thống quê hương ATK phải đảm bảo tính kế thừa các giá trị lịch sử. Nội dung giáo dục những giá trị của Khu Di tích ATK phải được đưa vào trong chương trình giáo dục chính trị hằng năm cho các đối tượng ở đơn vị cơ sở. Trong quá trình thực hiện, các đơn vị cần tích cực đổi mới phương pháp giáo dục phù hợp với trình độ nhận thức của cán bộ, chiến sĩ hiện nay. Đồng thời, phát huy tốt các thiết chế văn hóa cơ sở trong tuyên truyền, giáo dục các giá trị khu di tích ATK. Tích cực tổ chức cho cán bộ, chiến sĩ tham quan các bảo tàng, nhà truyền thống, di tích lịch sử,… Từ đó, bồi dưỡng các giá trị văn hóa quân sự một cách trực quan, sinh động.

Ba là,tiếp tụcnâng cao chất lượng công tác giáo dục chính trị, tư tưởng và bồi dưỡng lòng yêu nước, lý tưởng cách mạng cho cán bộ, chiến sĩ Lực lượng vũ trang tỉnh.

Đây là giải pháp quan trọng nhằm định hướng chính trị, tư tưởng và bồi dưỡng lòng yêu nước, truyền thống của Quân đội, mục tiêu, lý tưởng cách mạng cho các cán bộ, chiến sĩ Lực lượng vũ trang tỉnh, đồng thời thực hiện lời dạy của Bác Hồ “Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và rất cần thiết”. Chính vì vậy, cấp ủy, chỉ huy các cấp trong Lực lượng vũ trang tỉnh phải phát huy vai trò, trách nhiệm trong công tác giáo dục truyền thống quê hương “An toàn khu” cách mạng, truyền thụ kinh nghiệm cho cán bộ, chiến sĩ, nhất là cán bộ, chiến sĩ trẻ; tích cực đồng hành với nhân dân trong phong trào “Lực lượng vũ trang tỉnh chung sức xây dựng nông thôn mới”, phát huy vai trò xung kích, sáng tạo của cán bộ, chiến sĩ Lực lượng vũ trang tỉnh trong việc phát huy ý chí tự lực, tự cường; làm lan tỏa các giá trị lịch sử - văn hóaKhu Di tích ATK và khát vọng hướng tới mục tiêu xây dựng Thái Nguyên trở thành một trong những trung tâm kinh tế công nghiệp hiện đại của khu vực trung du, miền núi phía Bắc và vùng Thủ đô Hà Nội vào năm 2030.

Bốn là,tập trung xây dựng Lực lượng vũ trang tỉnh cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, có chất lượng tổng hợp, sức chiến đấu cao.

Tập trung xây dựng Lực lượng vũ trang tỉnh cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, có chất lượng tổng hợp, sức chiến đấu cao; trong đó, lấy xây dựng vững mạnh về chính trị làm nền tảng. Tuyên truyền, phổ biến và thực hiện quyết liệt điều chỉnh lực lượng theo Nghị quyết số 230-NQ/QUTW ngày 02/4/2022 của Quân ủy Trung ương về tổ chức Quân đội nhân dân Việt Nam giai đoạn 2021 - 2030; đẩy mạnh sắp xếp, điều chỉnh tổ chức, biên chế theo hướng “tinh, gọn, mạnh”, cơ cấu đồng bộ, hợp lý giữa các lực lượng, tạo tiền đề vững chắc để phấn đấu đến năm 2030 tiến lên xây dựng Lực lượng vũ trang tỉnh cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại. Thường xuyên tăng cường giáo dục bồi dưỡng phẩm chất đạo đức cách mạng, giáo dục truyền thống tốt đẹp của dân tộc, của Quân đội và truyền thống cách mạng của địa phương, đơn vị; chăm lo xây dựng các tổ chức đảng trong sạch vững mạnh, có năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu cao, xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên có bản lĩnh chính trị vững vàng, tiên phong về nhận thức lý luận và năng lực hành động, nói đi đôi với làm, gương mẫu về phẩm chất đạo đức, lối sống.

Đẩy mạnh công tác giáo dục, bồi dưỡng kiến thức quốc phòng - an ninh cho các đối tượng; thực hiện tốt các chính sách về quốc phòng, chính sách hậu phương Quân đội. Không ngừng nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho cán bộ, chiến sĩ và các tầng lớp nhân dân trong xây dựng khu vực phòng thủ; xây dựng tiềm lực quốc phòng. Nâng cao cảnh giác cách mạng, kiên quyết đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn “diễn biến hòa bình”, bạo loạn lật đổ của các thế lực thù địch. Thực hiện thắng lợi nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong tình hình mới./.

Đại tá Ma Công Học

Chính ủy Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Thái Nguyên

Bài viết khác: