Khu Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Tân Trào là nơi diễn ra nhiều sự kiện trọng đại của đất nước. Tháng 5 năm 1945, Bác Hồ từ Cao Bằng về Tuyên Quang để chỉ đạo phong trào cách mạng cả nước, Người đã chọn xã Tân Trào (huyện Sơn Dương) làm Thủ đô Khu giải phóng, căn cứ địa cách mạng của cả nước. Tại đây đã diễn ra những sự kiện lịch sử có ý nghĩa quyết định thắng lợi của cuộc Cách mạng tháng Tám năm 1945. Ngày nay, những di tích này đã trở thành “địa chỉ đỏ” để giáo dục truyền thống cách mạng cho toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta.

Khi tình hình thế giới có những biến động mau lẹ, thời cơ có lợi cho cách mạng Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ thị cho đồng chí Võ Nguyên Giáp cần chọn ngay một địa điểm có dân tốt, cơ sở cách mạng tốt, địa hình tốt, “tiến khả dĩ công, thoái khả dĩ thủ”, có thể thuận tiện làm một trung tâm liên lạc với miền xuôi, miền ngược và nước ngoài, làm căn cứ chỉ đạo cách mạng cả nước. Tân Trào, Tuyên Quang - mảnh đất hội tụ đầy đủ các yếu tố “thiên thời, địa lợi, nhân hòa” đã được chọn làm nơi đặt “đại bản doanh” của Trung ương Đảng và Bác Hồ để chuẩn bị các điều kiện tiến tới Tổng khởi nghĩa.

Sau cuộc hành trình dài (từ Pác Bó, Cao Bằng), Bác Hồ đến xã Tân Trào, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang vào ngày 21/5/1945. Tại đây, Người đã chỉ đạo mở trường đào tạo cán bộ, đặc biệt là cán bộ quân sự; thành lập Khu căn cứ cách mạng, lấy tên là Khu giải phóng gồm 6 tỉnh: Cao Bằng - Bắc Kạn - Lạng Sơn - Thái Nguyên - Tuyên Quang - Hà Giang và quyết định Tân Trào, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang là Thủ đô Khu giải phóng.

Tại căn lán Nà Nưa, cuối tháng 7/1945, Người đã chỉ thị: “Lúc này thời cơ thuận lợi đã tới, dù hi sinh tới đâu, dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải kiên quyết giành cho được độc lập”. Trước tình thế cách mạng hết sức khẩn trương, Bác Hồ đã chỉ đạo triệu tập Hội nghị cán bộ toàn quốc của Đảng (từ ngày 13 - 15/8/1945). Hội nghị quyết định thành lập Ủy ban khởi nghĩa toàn quốc; phát động toàn dân Tổng khởi nghĩa giành chính quyền từ tay phát xít Nhật và tay sai. Trong hai ngày (16 và 17/8/1945), Quốc dân Đại hội được tổ chức tại đình Tân Trào, đến dự có hơn 60 đại biểu đại diện cho ba miền Bắc - Trung - Nam, các ngành, các giới, các đảng phái chính trị và một số kiều bào ở nước ngoài. Quốc dân Đại hội đã nhất trí tán thành chủ trương Tổng khởi nghĩa của Đảng Cộng sản Đông Dương, thông qua 10 chính sách lớn của Mặt trận Việt Minh và bầu ra Ủy ban Dân tộc giải phóng Việt Nam (tức Chính phủ lâm thời) do đồng chí Hồ Chí Minh làm Chủ tịch, đồng chí Trần Huy Liệu làm Phó Chủ tịch. Đại hội đã quy định Quốc hiệu, Quốc kỳ, Quốc ca. Quốc dân Đại hội Tân Trào - tiền thân của Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Hội nghị Diên Hồng lần thứ hai trong lịch sử nước ta”,là mốc son chói lọi mãi được ghi vào lịch sử vẻ vang của dân tộc Việt Nam.

 Chiều ngày 16/8/1945, Quân giải phóng cử hành lễ xuất quân; đồng chí Võ Nguyên Giáp thay mặt Ủy ban khởi nghĩa đọc bản Quân lệnh số I và hạ lệnh xuất quân. Từ Tân Trào, Sơn Dương, Tuyên Quang lệnh Tổng khởi nghĩa được truyền đi: “Giờ quyết định cho vận mệnh dân tộc ta đã đến. Toàn quốc đồng bào hãy đứng dậy đem sức ta mà tự giải phóng cho ta”. Đáp lời kêu gọi ấy, nhân dân cả nước nhất tề đứng lên giành chính quyền, làm nên cuộc Cách mạng tháng Tám long trời chuyển đất, giành lại độc lập, tự do cho dân tộc, lập nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nhà nước dân chủ nhân dân đầu tiên ở Đông Nam Châu Á, mở ra một kỷ nguyên mới cho dân tộc Việt Nam - kỷ nguyên độc lập dân tộc, gắn liền với chủ nghĩa xã hội.

Tháng 11/1946, một lần nữa, Tân Trào lại được chọn là Thủ đô kháng chiến, căn cứ vững chắc, chở che cho Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh, Mặt trận và các bộ, ban, ngành, cơ quan Trung ương trong những năm tháng kháng chiến chống thực dân Pháp. Trong suốt 9 năm trường kỳ kháng chiến, Khu ATK Tân Trào, với vị thế là trung tâm đầu não của cuộc kháng chiến, nơi phát nguồn những tư tưởng chỉ đạo chiến lược của Trung ương Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh, đã diễn ra nhiều sự kiện trọng đại của Đảng, của cách mạng Việt Nam: Hội nghị Trung ương 6 khóa II mở rộng; kỳ họp thứ ba Quốc hội khóa I - kỳ họp duy nhất của Quốc hội được tổ chức trong thời kỳ kháng chiến; kỳ họp Bộ Chính trị ra nghị quyết “tiếp tục thấu triệt phương châm đánh chắc, tiến chắc, đề cao quyết tâm, tích cực giành toàn thắng cho chiến dịch Điện Biên Phủ”. Khu Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Tân Trào đã trở thành địa danh thân thiết và thiêng liêng, nơi khắc ghi những mốc son chói lọi, những trang sử hào hùng của Đảng và cách mạng Việt Nam.

 Có thể nói, Khu Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Tân Trào là bảo tàng sống”, là kho tư liệu vô giá của lịch sử Đảng và lịch sử cách mạng Việt Nam, là niềm tự hào của nhân dân các dân tộc tỉnh Tuyên Quang cũng như đồng bào cả nước. Đặc biệt, Khu Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Tân Trào “nằm trong hệ thống di tích lịch sử cách mạng quan trọng bậc nhất của lịch sử dân tộc Việt Nam trong thế kỷ 20” chứa đựng những dấu ấn quan trọng của Cách mạng tháng Tám - Cuộc giải phóng vĩ đại trong lịch sử dân tộc Việt Nam. Tân Trào, mảnh đất địa linh, “Quê hương Cách mạng dựng nên Cộng hòa”, nơi hội tụ tinh hoa trí tuệ của dân tộc, luôn là điểm tựa tinh thần cho đồng bào cả nước trong tiến trình thực hiện các nhiệm vụ chiến lược của cách mạng Việt Nam.

Với vị trí, vai trò và ý nghĩa đặc biệt quan trọng của Khu Di tích, những năm qua Đảng, Nhà nước và cấp ủy đảng, chính quyền tỉnh Tuyên Quang đã ban hành nhiều nghị quyết, chương trình, kế hoạch, dự án thực hiện công tác bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị lịch sử, cách mạng của Khu Di tích. Nổi bật là dự án bảo quản, tu bổ, phục hồi và phát huy giá trị Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Tân Trào, gắn với phát triển du lịch đến năm 2025, gồm nhiều công trình đặc biệt quan trọng, như: Khu Tưởng niệm các vị tiền bối cách mạng, Bảo tàng Tân Trào, Quảng trường Tân trào,... đây sẽ trở thành một trong những điểm nhấn nổi bật trong tổng thể trong Khu Di tích, phục vụ có hiệu quả công tác giáo dục truyền thống lịch sử cách mạng của dân tộc, gắn với khai thác tiềm năng để phát triển du lịch.

 Với thế mạnh là điểm kết nối với các tỉnh nằm trong vùng An toàn khu, như: Thái Nguyên, Cao bằng, Bắc Kạn, Hà Giang,... những năm qua, tỉnh Tuyên Quang đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá bằng nhiều các hình thức, như: chỉ đạo các cơ quan chức năng biên soạn, xuất bản tờ gấp, xây dựng các videoclip với nhiều nội dung để giới thiệu về Khu Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Tân Trào; tổ chức triển lãm chuyên đề giới thiệu về giá trị văn hóa lịch sử của địa phương; xây dựng website; tuyên truyền quảng bá hình ảnh Khu Di tích thông qua phương tiện thông tin đại chúng; phối hợp với các đơn vị công ty lữ hành du lịch Trung ương và địa phương đưa khách đến Khu Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Tân Trào để tham quan, giáo dục truyền thống; tổ chức Lễ báo công; Lễ kết nạp đảng viên, Lễ kết nạp đoàn viên, đội viên Đội thiếu niên tiền phong Hồ Chí Minh. Chỉ tính riêng năm 2022 và những tháng đầu năm 2023, Khu Di tích đã đón trên 835 nghìn lượt khách trong và ngoài nước đến tham quan, học tập, tìm hiểu lịch sử.

Lực lượng vũ trang tỉnh Tuyên Quang rất vinh dự, tự hào được sinh ra và trưởng thành trên quê hương cách mạng Tân Trào lịch sử, những năm qua, Đảng ủy, Bộ Chỉ huy quân sự Tỉnh đã tham mưu cho Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân Tỉnh trong lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện thắng lợi nhiệm vụ quân sự, quốc phòng địa phương; xây dựng khu vực phòng thủ tỉnh, huyện, xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân ngày càng vững chắc, cùng với các lực lượng giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế, xã hội ở địa phương.

Đảng ủy, Bộ Chỉ huy quân sự Tỉnh xác định, công tác giáo dục chính trị, tư tưởng nói chung và công tác giáo dục truyền thống nói riêng là một nhiệm vụ quan trọng của hoạt động công tác đảng, công tác chính trị. Cùng với việc lãnh đạo, chỉ đạo quán triệt, triển khai và thực hiện đồng bộ các chỉ thị, nghị quyết về công tác giáo dục chính trị. Đảng ủy, Bộ Chỉ huy quân sự Tỉnh đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị thực hiện hiệu quả công tác giáo dục chính trị gắn với giáo dục truyền thống cho cán bộ, chiến sĩ; nghiên cứu biên soạn lịch sử truyền thống Lực lượng vũ trang Tỉnh, lịch sử Đảng bộ Quân sự Tỉnh. Đồng thời, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương nghiên cứu, biên soạn lịch sử truyền thống Lực lượng vũ trang, lịch sử Đảng bộ quân sự các huyện, thành phố để giáo dục, tuyên truyền truyền thống vẻ vang của các cơ quan, đơn vị và địa phương. Cùng với đó, đã tổ chức nhiều hoạt động tham quan, học tập chính trị tại Khu Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Tân Trào, như: Tổ chức Lễ báo công với Bác trong mỗi đợt sơ kết thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW, ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị (khóa XII) “Về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”. Tổ chức cho cán bộ, chiến sĩ, đoàn viên, hội viên tham quan, học tập nhân các ngày lễ, ngày kỷ niệm lớn của đất nước, Quân đội, địa phương, ngày truyền thống Lực lượng vũ trang Tỉnh,…

Hằng năm, nhân kỷ niệm ngày truyền thống Quân đội, địa phương, Bộ Chỉ huy quân sự Tỉnh đã phối hợp với báo, đài địa phương, xây dựng các video clip về truyền thống quê hương, truyền thống Lực lượng vũ trang Tỉnh để tuyên truyền sâu rộng trên các phương tiện thông tin đại chúng. Trong ngày hội giao quân đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị tổ chức cho thanh niên lên đường nhập ngũ xem phim truyền thống; qua đó, nâng cao lòng tự hào về truyền thống quê hương “Thủ đô khu giải phóng, “Thủ đô kháng chiến”, tiếp tục nối tiếp truyền thống cha anh, quyết tâm học tập, rèn luyện, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước, Quân đội và Nhân dân giao phó, xứng danh “Bộ đội Cụ Hồ”. Đồng thời, phát huy vai trò của đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên các cấp để giáo dục tuyên truyền cho cán bộ, chiến sĩ Lực lượng vũ trang và nhân dân trên địa bàn.

Phát huy truyền thống vẻ vang của Quân đội nhân dân Việt Nam Anh hùng, truyền thống “Trung thành - Đoàn kết - Anh dũng - Chiến thắng” của Lực lượng vũ trang Tỉnh, trong thời gian tới, Đảng ủy, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Tuyên Quang xác định, tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục truyền thống lịch sử của dân tộc, Quân đội, địa phương và truyền thống của Lực lượng vũ trang Tỉnh; đẩy mạnh các hoạt động tham quan, học tập chính trị và tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa tại Khu Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Tân Trào. Tiếp tục chỉ đạo cơ quan chính trị tổ chức xây dựng nhiều video clip về các cụm di tích trong Khu Di tích, để tuyên truyền cho cán bộ, chiến sĩ Lực lượng vũ trang và cán bộ, đảng viên, nhân dân trên địa bàn về truyền thống cách mạng của quê hương Tuyên Quang, lịch sử và truyền thống vẻ vang của Quân đội nhân dân Việt Nam Anh hùng. Góp phần giữ vững và phát huy cao độ chủ nghĩa anh hùng cách mạng, tiếp bước các thế hệ cha anh, mãi mãi xứng đáng với truyền thống quê hương cách mạng, đoàn kết, thống nhất, vượt qua mọi khó khăn, kiên định vững vàng, tuyệt đối tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, ra sức phấn đấu hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ, góp phần tích cực cùng Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xây dựng tỉnh Tuyên Quang ngày càng vững mạnh về chính trị, giàu về kinh tế, mạnh về quốc phòng, an ninh, có đời sống văn hóa, xã hội phát triển, giàu bản sắc dân tộc, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của đội quân chiến đấu, đội quân công tác, đội quân lao động sản xuất, xứng đáng là lực lượng chính trị, lực lượng chiến đấu tuyệt đối trung thành, tin cậy của Đảng, Nhà nước và Nhân dân./.

Đại tá Hà Đình Khiêm

Chính ủy Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Tuyên Quang

Bài viết khác: