Công tác giáo dục chính trị, tư tưởng là bộ phận quan trọng của công tác tư tưởng; mặt hoạt động cơ bản của công tác Đảng, công tác chính trị, có ý nghĩa quyết định đến việc xây dựng Quân đội vững mạnh về chính trị, làm cơ sở để nâng cao chất lượng tổng hợp và sức mạnh chiến đấu, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ được giao. Công tác giáo dục chính trị, tư tưởng trong Quân đội góp phần xây dựng phẩm chất, nhân cách người quân nhân cách mạng; trang bị thế giới quan khoa học, phương pháp luận đúng đắn, niềm tin cộng sản; nâng cao bản lĩnh chính trị, ý thức trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ của cán bộ, chiến sĩ; nêu cao ý thức tu dưỡng, rèn luyện theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; phát huy phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”, kiên quyết chống chủ nghĩa cá nhân, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong cán bộ, chiến sĩ; kịp thời định hướng tư tưởng cho bộ đội trước những vấn đề nhạy cảm, phức tạp, xây dựng tổ chức đảng trong sạch, vững mạnh, cơ quan, đơn vị vững mạnh toàn diện, “mẫu mực, tiêu biểu”; đấu tranh có hiệu quả với âm mưu, thủ đoạn “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch, phản động.
Nhận thức rõ vị trí, vai trò của công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, thời gian qua, Đảng ủy, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Đồng Tháp và cấp ủy, chỉ huy các cấp luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, hướng dẫn, tổ chức tốt việc học tập, quán triệt và triển khai thực hiện nghiêm các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của cấp trên; thực hiện có hiệu quả Đề án “Đổi mới công tác giáo dục chính trị tại đơn vị trong giai đoạn mới”, trọng tâm là đổi mới nội dung, hình thức, phương pháp giáo dục chính trị, tư tưởng; đồng thời gắn với việc tiếp tục đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh ở đơn vị cơ sở chặt chẽ, nghiêm túc, thực chất. Qua đó, từng bước nâng cao chất lượng công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, góp phần nâng cao bản lĩnh chính trị, ý thức trách nhiệm, tô thắm phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ” trong tình hình mới.
Bên cạnh nội dung, chương trình giáo dục chính trị theo quy định, cấp ủy, chỉ huy các cấp thường xuyên quan tâm đến công tác giáo dục truyền thống cách mạng quê hương Đồng Tháp cho cán bộ, chiến sĩ, nhất là sĩ quan trẻ và hạ sĩ quan - binh sĩ. Trong đó, chú trọng việc phát huy giá trị của các di tích lịch sử trên địa bàn tỉnh vào việc giáo dục chính trị, tư tưởng cho cán bộ, chiến sĩ, thông qua việc tổ chức cho bộ đội tham quan, học tập tại các di tích lịch sử trên địa bàn nhân các ngày lễ lớn trong năm. Đây là một hình thức giáo dục truyền thống tốt nhất vì giúp bộ đội được hiểu về mảnh đất mình được sinh ra và lớn lên, về nơi mà ông bà, cha mẹ mình đã sinh cơ, lập nghiệp, chiến đấu, hi sinh để bảo vệ xóm làng, giành độc lập, tự do. Tình yêu đất nước của mỗi người đều phải bắt nguồn từ tình yêu gia đình, làng xóm, quê hương...
Một trong những di tích được xem là “địa chỉ đỏ” được cấp ủy, chỉ huy chọn là địa điểm tổ chức cho bộ đội đến tham quan, học tập là Khu Di tích Nguyễn Sinh Sắc. Khu Di tích nằm ở vị trí trung tâm của thành phố Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp, được khởi công xây dựng vào ngày 22/8/1975 và khánh thành vào ngày 13/02/1977. Khu Di tích Nguyễn Sinh Sắc là một khu phức hợp, gồm nhiều di tích như: Khu mộ Cụ Phó Bảng Nguyễn Sinh Sắc; Mô hình Nhà sàn Bác Hồ; Nhà trưng bày về cuộc đời hoạt động của Cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc, Nhà trưng bày Chủ tịch Hồ Chí Minh với cách mạng Việt Nam, Ao Sen, Khu Làng Hòa An xưa,... Trong đó, di tích “Mô hình Nhà sàn Bác Hồ” và “Nhà trưng bày Chủ tịch Hồ Chí Minh với cách mạng Việt Nam” trong Khu Di tích Nguyễn Sinh Sắc là 02 di tích có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là những công trình tưởng niệm về Chủ tịch Hồ Chí Minh; đồng thời có giá trị to lớn trong công tác giáo dục chính trị, tư tưởng cho cán bộ, đảng viên, nhân dân trên địa bàn nói chung và cho cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang Tỉnh nói riêng.
Di tích “Mô hình Nhà sàn Bác Hồ”, được xây dựng vào tháng 02/1990 và khánh thành vào ngày 19/5/1990, nhân dịp Kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Việc xây dựng mô hình Nhà sàn Bác Hồ ở Đồng Tháp với ý nghĩa sâu sắc, đó là Đồng Tháp muốn đưa Bác về bên ngôi mộ cụ Phó bảng- Người Cha kính yêu của Bác. Vì sinh thời, Bác Hồ luôn hướng về miền Nam ruột thịt, ai ai cũng biết rằng Bác mong muốn được vào thăm miền Nam, thăm quê hương Đồng Tháp, nơi có hương hồn và anh linh của người cha mà Bác chưa một ngày vào thăm, chưa một lần thắp nén hương trước mộ của Cha, những ước mơ rất đổi bình dị ấy chưa được thực hiện thì Bác đã “về với cõi người hiền”. Đồng thời, để nhân dân ở miền Nam, những người chưa có điều kiện ra thăm nhà sàn của Bác ở Thủ đô Hà Nội thì khi đến đây, cũng hình dung được ngôi nhà của Bác Hồ, vị Lãnh tụ kính yêu lúc sinh thời đã sống và làm việc. Vì mỗi người dân miền Nam và đặc biệt là người dân Đồng Tháp đều mong muốn được một lần đến thăm ngôi nhà sàn của Bác ở Thủ đô Hà Nội, nhưng vì nhiều khó khăn khách quan, một số đồng bào miền Nam chưa thể ra miền Bắc để tham quan. Chính vì vậy, để đáp lại tấm lòng yêu mến Bác Hồ và sự mong mỏi ấy của nhân dân miền Nam nói chung, của người dân Đồng Tháp nói riêng, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Đồng Tháp đã tiến hành xây dựng mô hình Nhà sàn trong khuôn viên Khu Di tích Nguyễn Sinh Sắc nhân dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Người.
Di tích “Mô hình Nhà sàn Bác Hồ” được làm theo tỉ lệ 1/1 giống ngôi nhà sàn của Bác trong Phủ Chủ tịch ở Hà Nội, nhưng được bằng loại gỗ thuộc nhóm I như: gỗ giáng hương, bên, căm xe để có thể giữ gìn lâu đời. Tuy vậy, từ kích thước, kiểu dáng đến các hiện vật trưng bày trong nhà đều được phục chế giống như Nhà sàn Bác đã sống tại Hà Nội. Bao gồm phòng làm việc vào mùa hè, phòng làm việc vào mùa đông, phòng ngủ; với những vật dụng sinh hoạt rất đơn giản như: chiếc giường gỗ trải chiếu trơn, chiếc quạt lá cọ, phích nước và chai nước lọc, chiếc radio để nghe tin tức... Phía trước Nhà sàn là Ao Sen; quanh nhà sàn trồng nhiều loại cây cảnh, cây ăn quả, cây bóng mát và hoa. Qua đó, thể hiện đạo đức, phong cách, lối sống hết sức giản dị, thanh cao của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Đối với Di tích “Phòng trưng bày Chủ tịch Hồ Chí Minh với cách mạng Việt Nam”, đây là công trình tưởng niệm thứ hai về Chủ tịch Hồ Chí Minh trong khuôn viên Khu Di tích Nguyễn Sinh Sắc. Phòng trưng bày được khởi công xây dựng vào ngày17/10/2018 và khánh thành vào ngày 19/5/2022 đúng vào kỷ niệm 132 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đây là một công trình tưởng niệm nhằm phục vụ tốt hơn nhu cầu tham quan, học tập, tìm hiểu và nghiên cứu về quê hương, gia đình, thời niên thiếu của Chủ tịch Hồ Chí Minh; ghi nhớ những cống hiến to lớn của Người trong công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, giành độc lập chủ quyền, thống nhất đất nước, những đóng góp hết sức quan trọng của Chủ tịch Hồ Chí Minh với cách mạng Việt Nam. Qua đó góp phần giáo dục truyền thống lịch sử cách mạng cho thế hệ trẻ, lan tỏa đến cán bộ, chiến sĩ những giá trị sâu sắc về tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
Phòng trưng bày có diện tích 600m2 với trên 200 hình ảnh, hiện vật, được trưng bày theo 06 chuyên đề, về cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của Người: Thời thơ ấu của Chủ tịch Hồ Chí Minh và hành trình đi tìm đường cứu nước (1890 - 1930); Chủ tịch Hồ Chí Minh - Người sáng lập chính đảng của giai cấp công nhân Việt Nam, trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam giai đoạn tiền khởi nghĩa (1930 - 1945);Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo Cách mạng Tháng Tám thắng lợi và sáng lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (2/9/1945); Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược (1945 - 1954); Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo xây dựng cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc và đấu tranh chống đế quốc Mỹ xâm lược, giải phóng miền Nam thống nhất Tổ quốc (1954 - 1969); Đảng bộ, nhân dân Đồng Tháp học tập và làm theo tư tưởng đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
Thời gian qua, các cơ quan, đơn vị trong lực lượng vũ trang Tỉnh luôn chú trọng việc tổ chức cho bộ đội đến tham quan, học tập tại Khu Di tích Nguyễn Sinh Sắc, đặc biệt là 02 Di tích về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Một trong những đơn vị làm tốt nội dung này là Trung đoàn 320. Cấp ủy, chỉ huy Trung đoàn luôn quan tâm công tác giáo dục chính trị, tư tưởng cho cán bộ, chiến sĩ, nhất là chiến sĩ mới nhập ngũ. Một hình thức rất hiệu quả trong công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, bồi dưỡng phẩm chất đạo đức cách mạng cho cán bộ, chiến sĩ nhất là chiến sĩ mới nhập ngũ là gắn việc học lý luận với thực tiễn, để các chiến sĩ mới tận mắt chứng kiến những dấu tích được lưu giữ trong các khu di tích lịch sử, đặc biệt là các di tích về Chủ tịch Hồ Chí Minh, sẽ giúp chiến sĩ mới hiểu được chính xác, đầy đủ và sâu sắc hơn không chỉ về cuộc sống đời thường, về lối sống giản dị của Chủ tịch Hồ Chí Minh, mà còn cho thấy sự cống hiến to lớn của Người đối với cách mạng Việt Nam, củng cố niềm tin vào con đường mà Đảng và Bác Hồ đã lựa chọn, tăng thêm sự tin yêu, kính trọng Người, tăng thêm lòng tự tôn dân tộc cho cán bộ, chiến sĩ...Qua đó, giáo dục cho cán bộ, chiến sĩ về tấm gương đạo đức của Người được thể hiện qua hoạt động, hành vi và lối sống, qua các mối quan hệ với con người, với công việc, trong giao tiếp, ứng xử hàng ngày, là sự nhất quán giữa nói và làm, tính trung thực và khiêm tốn; tính kiên định về nguyên tắc và niềm tin gắn liền với tính linh hoạt và uyển chuyển trong phương pháp đối nhân xử thế; lòng dũng cảm, sự sáng suốt, đức hi sinh và nghị lực phi thường vượt lên mọi khó khăn, thử thách; sự ân cần, chu đáo, lòng khoan dung độ lượng đầy tính nhân ái, vị tha với con người; sự nhạy cảm và rất mực tinh tế của Người đối với mỗi con người, mỗi cảnh đời và những số phận khác nhau. Đó là những đức tính và phẩm chất của Người. Cũng từ đó, mỗi cán bộ, chiến sĩ phải nỗ lực hơn nữa trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; thể hiện trách nhiệm với đất nước, làm cho hình ảnh Việt Nam, hình ảnh “Bộ đội Cụ Hồ” ngày càng rực sáng trong lòng người dân, để mỗi cán bộ, chiến sĩ, nhất là chiến sĩ mới nhập ngũ thực sự tự hào về quá khứ hào hùng, không ngừng phấn đấu rèn luyện, gìn giữ và phát huy thành quả để hoàn thành tốt nhiệm vụ quốc phòng, quân sự địa phương trong giai đoạn mới. Để xứng đáng với lời khen tặng của Bác: “Quân đội ta trung với Đảng, hiếu với dân, sẵn sàng chiến đấu hi sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội, nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng”. Tuy nhiên, vẫn còn một số cấp ủy, chỉ huy chưa thật sự quan tâm, tạo điều kiện, tổ chức cho bộ đội tham quan, học tập tại các khu di tích lịch sử trên địa bàn. Thời gian tới, để tiếp tục phát huy giá trị các di tích, đặc biệt là di tích Hồ Chí Minh trong Khu Di tích Nguyễn Sinh Sắc, góp phần giáo dục truyền thống cho cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang Tỉnh, các cấp ủy, người chỉ huy cần tiếp tục thực hiện tốt một số nội dung sau:
Thứ nhất, nâng cao nhận thức của cấp ủy, chỉ huy về giáo dục truyền thống cách mạng cho bộ đội, trong đó chú ý phát huy giá trị của các di tích, đặc biệt là Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh trong Khu Di tích Nguyễn Sinh Sắc. Tiếp tục thực hiện tốt việc đổi mới, nâng cao chất lượng tuyên truyền, giáo dục truyền thống cách mạng gắn với Cuộc vận động “phát huy truyền thống, công hiến tài năng, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ” và xây dựng hình ảnh văn hóa, con người Đồng Tháp “nghĩa tình, năng động, sáng tạo”.
Thứ hai, đưa nội dung tìm hiểu ý nghĩa, giá trị các di tích trên địa bàn tỉnh nói chung và di tích Hồ Chí Minh trong Khu Di tích Nguyễn Sinh Sắc nói riêng vào phần nội dung giáo dục tự xác định, là nội dung bắt buộc trong chương trình giáo dục chính trị cho đối tượng chiến sĩ mới. Qua đó, giúp cán bộ, chiến sĩ có hiểu biết về truyền thống quê hương, nâng cao nhận thức, lý tưởng cách mạng, lòng yêu nước, tự hào dân tộc, đạo đức, lối sống, cũng như nêu cao tinh thần trách nhiệm trong việc gìn giữ và phát huy những giá trị quý báu về cuộc đời, sự nghiệp, tư tưởng, đạo đức, phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Thứ ba, khuyến khích các cơ quan, đơn vị tổ chức các buổi sinh hoạt chính trị tại các di tích lịch sử trên địa bàn và Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh trong Khu Di tích Nguyễn Sinh Sắc như: lễ báo công, kết nạp Đoàn, kết nạp Đảng; hành trình về nguồn; tổ chức các hoạt động sơ kết, tổng kết về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh... Đồng thời, thường xuyên tổ chức cho bộ đội tham gia chỉnh trang, trồng hoa, cây xanh tại các khu di tích trên địa bàn.
Thứ tư, làm tốt công tác tuyên truyền về các di tích lịch sử, cách mạng trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp, đặc biệt là di tích Hồ Chí Minh trong Khu Di tích Nguyễn Sinh Sắc đến mọi cán bộ, chiến sĩ; khơi dậy lòng tự hào trong cán bộ, chiến sĩ về truyền thống của quê hương Đồng Tháp. Nâng cao ý thức trách nhiệm của cán bộ, đảng viên và hạ sĩ quan, binh sĩ trong giữ gìn, phát huy giá trị của các di tích trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp nhất là di tích Hồ Chí Minh trong Khu Di tích Nguyễn Sinh Sắc.
Có thể nói, việc phát huy giá trị các di tích lịch sử trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp, trong đó có Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh trong Khu Di tích Nguyễn Sinh Sắc vào công tác giáo dục chính trị, tư tưởng cho cán bộ, chiến sĩ là nhiệm vụ quan trọng và cần được duy trì thường xuyên, liên tục, rộng rãi trong lực lượng vũ trang Tỉnh để không ngừng hoàn thiện nhân cách quân nhân cách mạng, tạo sức mạnh tổng hợp, hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ quốc phòng, quân sự địa phương trong giai đoạn cách mạng mới./.
Đại tá Nguyễn Hữu Cương
Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Đồng Tháp