Công tác giáo dục chính trị là một hình thức cơ bản của công tác tư tưởng trong Quân đội; trực tiếp góp phần xây dựng Quân đội vững mạnh về chính trị, nâng cao chất lượng tổng hợp và sức mạnh chiến đấu; bảo đảm cho Quân đội luôn là lực lượng chính trị, lực lượng chiến đấu tuyệt đối trung thành, tin cậy của Đảng, Nhà nước và Nhân dân, bảo vệ vững chắc Tổ quốc, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao. Để nâng cao hiệu quả công tác giáo dục, học tập chính trị, việc phát huy giá trị các khu di tích lịch sử, truyền thống quê hương cách mạng trong tổ chức học tập chính trị là hoạt động quan trọng, có ý nghĩa sâu sắc để giáo dục lịch sử, truyền thống, định hướng lý tưởng cho cán bộ, chiến sĩ Lực lượng vũ trang tỉnh Cao Bằng; làm cho mỗi cán bộ, chiến sĩ hiểu rõ và tự hào về lịch sử truyền thống cách mạng địa phương, có ý thức cùng nhân dân các dân tộc bảo vệ, gìn giữ những di tích lịch sử, văn hóa; nêu cao trách nhiệm trong rèn luyện, học tập, công tác, khơi dậy ý chí tự lực, tự cường, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao.
Cao Bằng là tỉnh miền núi, biên giới nằm ở vùng địa đầu Đông Bắc đất nước. Trong lịch sử dựng nước và giữ nước, Cao Bằng luôn là “phên dậu” vững chắc của cả nước, giữ vị trí trọng yếu nơi biên cương của Tổ quốc. Vinh dự là quê hương cội nguồn cách mạng, Cao Bằng có nhiều di tích lịch sử, văn hóa quan trọng, tiêu biểu là: Khu Di tích quốc gia đặc biệt Pác Bó, huyện Hà Quảng gắn liền với cuộc đời và sự nghiệp hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh và cách mạng Việt Nam; Khu Di tích quốc gia đặc biệt Rừng Trần Hưng Đạo, huyện Nguyên Bình gắn liền với lịch sử Quân đội nhân dân Việt Nam; Khu Di tích quốc gia đặc biệt Địa điểm Chiến thắng Biên giới năm 1950, huyện Thạch An,...
Khu Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Pác Bó, nơi Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc trở về nước vào ngày 28/01/1941, trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam sau 30 năm bôn ba tìm đường cứu nước.Đây không chỉ là một dấu ấn đặc biệt trong cuộc đời cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, mà còn là một dấu mốc trọng đại đối với lịch sử dân tộc Việt Nam. Từ đây, những tư tưởng chỉ đạo cách mạng của Người được đưa vào thực tế một cách nhanh chóng và linh hoạt, từng bước đưa cách mạng cả nước tới thành công.
Tại Pác Bó, Nguyễn Ái Quốc đã tiến hành ngay việc xây dựng Cao Bằng thành căn cứ địa cách mạng của cả nước. Một trong việc đầu tiên của Người là chỉ đạo xây dựng, tổ chức thí điểm các tổ chức Việt Minh ở ba châu: Hòa An, Hà Quảng, Nguyên Bình và phong trào Việt Minh nhanh chóng thâm nhập, phát triển mạnh trong các thôn, xóm Cao Bằng. Ngày 15/5/1941, tại thôn Nà Mạ, xã Trường Hà, huyện Hà Quảng, tổ chức đầu tiên của Đội Nhi đồng cứu quốc (tiền thân của Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh) đã được thành lập với 5 đội viên đầu tiên do Nông Văn Dền (Kim Đồng) làm đội trưởng.
Một sự kiện lịch sử tại Pác Bó có vai trò và ý nghĩa đặc biệt quan trọng quyết định thắng lợi của cách mạng Việt Nam là Hội nghị lần thứ 8 của Trung ương Đảng (khóa I), diễn ra từ ngày 10 - 19/5/1941 dưới sự chủ trì của đồng chí Nguyễn Ái Quốc, hoàn chỉnh sự chuyển hướng chiến lược cách mạng. Hội nghị xác định: Nhiệm vụ giải phóng dân tộc là nhiệm vụ bức thiết nhất của cách mạng Đông Dương. Nhiệm vụ trước hết của cách mạng Việt Nam lúc này là phải giành cho được độc lập dân tộc và tự do, hạnh phúc cho đồng bào. Nghị quyết của Hội nghị nêu rõ: “Trong lúc này, nếu không giải quyết được vấn đề dân tộc giải phóng, không đòi được độc lập, tự do cho toàn thể dân tộc, thì chẳng những toàn thể quốc gia dân tộc còn chịu mãi kiếp ngựa trâu, mà quyền lợi của bộ phận, giai cấp đến vạn năm cũng không đòi lại được”. Để tập hợp được mọi người Việt Nam yêu nước, tranh thủ các lực lượng cách mạng chĩa mũi nhọn vào kẻ thù chủ yếu của dân tộc là phát xít Nhật - Pháp, Hội nghị lần thứ 8 của Trung ương Đảng đã quyết định nhiều vấn đề quan trọng, như: Thành lập Việt Nam Độc lập Đồng minh hội (gọi tắt là Việt Minh); tạm gác khẩu hiệu: “Tịch thu ruộng đất của địa chủ chia cho dân cày”; đề ra chủ trương tịch thu ruộng đất của đế quốc và Việt gian chia cho dân cày nghèo; giảm tô, giảm tức, chia lại ruộng công, tiến tới thực hiện người cày có ruộng; chủ trương giải quyết vấn đề dân tộc trong khuôn khổ mỗi nước ở Đông Dương; thành lập, phát triển và tăng cường lãnh đạo các tổ chức vũ trang và nửa vũ trang; chuẩn bị khởi nghĩa vũ trang, đi từ khởi nghĩa từng phần đến Tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước.
Nhằm mục đích động viên mọi lực lượng trong cuộc đấu tranh cách mạng ngày càng trở nên quyết liệt và triển khai công tác tuyên truyền Nghị quyết đến các tổ chức cơ sở Đảng, các đảng viên và đoàn thể quần chúng, cuối năm 1941, đồng chí Nguyễn Ái Quốc đã sáng lập ra tờ báo Việt Nam độc lập(Báo Việt Lập), in tại Pác Bó, với số báo đầu tiên ra ngày 01/8/1941, đánh số báo từ 101.
Cùng với trực tiếp chỉ đạo công tác xây dựng, củng cố, phát triển lực lượng chính trị, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã đề ra nhiệm vụ gấp rút tổ chức Lực lượng vũ trang, bắt đầu từ việc xây dựng các đội tự vệ, tìm kiếm vũ khí. Tháng 11/1941, tại khu vực hang Pác Bó, theo Chỉ thị của đồng chí Nguyễn Ái Quốc, đội du kích tập trung đầu tiên của tỉnh Cao Bằng (Đội du kích Pác Bó) được thành lập. Ban Chỉ huy đội gồm ba người: Lê Quảng Ba (Ðội trưởng), Lê Thiết Hùng (Chính trị viên), Trần Sơn Hùng (Ðội phó). Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đến dự lễ thành lập đội và căn dặn: “Toàn đội phải đoàn kết, chấp hành kỷ luật tốt, khiêm tốn học hỏi, giúp nhau thực sự về chính trị, quân sự cũng như trong sinh hoạt, đối với dân phải như cá với nước”. Sau ngày thành lập, Ðội du kích Pác Bó kết hợp việc huấn luyện quân sự với thực hiện các nhiệm vụ bảo vệ cơ quan lãnh đạo của Ðảng, bảo vệ cán bộ, làm giao thông liên lạc đặc biệt, tiến hành vũ trang tuyên truyền trong quần chúng, giúp việc huấn luyện tự vệ chiến đấu.
Nguyễn Ái Quốc còn chỉ đạo công tác vận động xây dựng lực lượng quần chúng cách mạng; chỉ đạo thực hiện Nam tiến nối liền được hai căn cứ cách mạng: Cao Bằng và Bắc Sơn - Võ Nhai gắn liền với phong trào cả nước; chỉ đạo công tác đào tạo, huấn luyện cán bộ, coi công tác cán bộ là gốc của sự nghiệp cách mạng; chỉ đạo công tác tuyên truyền dưới nhiều hình thức, đưa chủ trương, đường lối của Đảng đến với phong trào cách mạng; chỉ đạo xây dựng quan hệ với các nước.
Từ những chỉ đạo và hoạt động của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc tại Pác Bó trong thời gian đầu về nước, ngọn lửa cách mạng đã lan rộng ra cả nước, mở ra thời kỳ phát triển mới của cách mạng Việt Nam, thời kỳ chuẩn bị về mọi mặt, tiến tới phát động cao trào Tổng khởi nghĩa giành thắng lợi trong Cách mạng tháng Tám năm 1945; đất nước giành thắng lợi trong công cuộc giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước và bảo vệ Tổ quốc, đạt nhiều thành tựu to lớn trong xây dựng và phát triển đất nước.
Tròn 20 năm sau khi về nước lãnh đạo toàn dân làm cách mạng, mùa Xuân năm Tân Sửu (1961), Bác Hồ trở lại thăm Cao Bằng và Pác Bó. Bác về Cao Bằng như trở về quê hương. Đồng bào và cán bộ, chiến sĩ ở Cao Bằng đón Bác như đón một người thân lâu ngày về thăm quê hương. Bác xúc động nói: “Tôi về thăm nhà, làm sao lại phải đón tôi!”. Tại Pác Bó, Bác làm bài thơ:
Hai mươi năm trước ở nơi này
Đảng vạch con đường đánh Nhật, Tây
Lãnh đạo toàn dân ta chiến đấu
Non sông gấm vóc có ngày nay.
Với tấm lòng biết ơn vô hạn, nhân dân các dân tộc và Lực lượng vũ trang tỉnh Cao Bằng luôn luôn trân trọng, giữ gìn những dấu tích quý giá của Bác Hồ để lại trên quê hương mình. Tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh tại trung tâm thành phố Cao Bằng; Khu Di tích lịch sử Pác Bó, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng đã được xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt; Nhà tưởng niệm - Đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Khu Di tích quốc gia đặc biệt Pác Bó,... Đây là những “địa chỉ đỏ” giáo dục truyền thống cách mạng, để các thế hệ ghi nhớ công ơn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nâng cao niềm tự hào và trách nhiệm trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Nhận thức được những giá trị to lớn đó, Đảng ủy, Chỉ huy Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Cao Bằng đã phát huy vai trò Khu Di tích quốc gia đặc biệt Pác Bó trong tổ chức học tập chính trị cho cán bộ, chiến sĩ Lực lượng vũ trang Tỉnh một cách thiết thực, hiệu quả; góp phần nâng cao nhận thức lịch sử, truyền thống, xây dựng trách nhiệm chính trị, giữ vững trận địa tư tưởng cho cán bộ, chiến sĩ.
Trong giai đoạn hiện nay, Lực lượng vũ trang tỉnh Cao Bằng không ngừng được xây dựng vững mạnh về mọi mặt, có chức năng, nhiệm vụ tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương tổ chức thực hiện công tác quân sự, quốc phòng địa phương; xây dựng Lực lượng vũ trang vững mạnh toàn diện, lấy chất lượng chính trị làm cơ sở; tập trung nâng cao chất lượng huấn luyện, trình độ, khả năng sẵn sàng chiến đấu; phối hợp với các lực lượng giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, bảo vệ chủ quyền biên giới,… với yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn mới ngày càng cao. Trước yêu cầu đó, việc nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giáo dục chính trị, tổ chức học tập chính trị không chỉ là nhiệm vụ thường xuyên, cơ bản, lâu dài mà còn là vấn đề cấp bách có ý nghĩa quyết định sự lớn mạnh, trưởng thành của Lực lượng vũ trang Tỉnh. Nhiệm vụ đặt ra cho cấp ủy, chỉ huy các cấp là phải thường xuyên quan tâm chăm lo giáo dục, nâng cao nhận thức toàn diện, phát huy hiệu quả các giá trị truyền thống quê hương cách mạng, nắm chắc những vấn đề lý luận, vận dụng sáng tạo vào thực tiễn công tác; phát huy tối đa những thuận lợi, khắc phục những khó khăn, hạn chế trong học tập chính trị, góp phần xây dựng và phát triển nhân cách cán bộ, chiến sĩ Lực lượng vũ trang Tỉnh.
Hằng năm, cấp ủy, chính ủy, chính trị viên, chỉ huy các cấp đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, kết hợp tốt việc giảng dạy lý luận, kiến thức cơ bản với tổ chức các hoạt động tham quan học tập, báo công, dâng hương tại Nhà tưởng niệm - Đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Khu Di tích. Xây dựng hướng dẫn, kế hoạch giáo dục chính trị sát, đúng với điều kiện thực tế, lồng ghép với giáo dục các sự kiện, hoạt động của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Pác Bó cho cán bộ, chiến sĩ. Biên soạn bài giảng chính trị với nhiều ví dụ thực tiễn về hoạt động của Chủ tịch Hồ Chí Minh và của Đảng tại Pác Bó. Đồng thời, tăng cường công tác giáo dục, tuyên truyền nhằm không ngừng nâng cao nhận thức cho các đối tượng về vị trí, vai trò và ý nghĩa của Khu Di tích.
Phối hợp với các cấp ngành, trực là tiếp Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Tỉnh và huyện Hà Quảng tổ chức cho cán bộ, chiến sĩ Lực lượng vũ trang Tỉnh thăm quan, học tập thực tế tại Khu Di tích từ Khu ruộng Nà Chang, đến suối Lê Nin, núi Các Mác, vườn cây ăn quả Bác Hồ và hang Cốc Bó,… củng cố thêm kiến thức về lịch sử Khu Di tích. Nhân dịp các ngày lễ lớn, sự kiện quan trọng của Quân đội, địa phương, các cơ quan, đơn vị tổ chức báo công với Bác tại Khu Di tích, khơi dậy ý chí phấn đấu, khẳng định trách nhiệm của từng quân nhân trong thực hiện nhiệm vụ; đồng thời, cử cán bộ, chiến sĩ tham gia các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao tại Khu Di tích, các cuộc thi tìm hiểu về thân thế, sự nghiệp của Hồ Chí Minh với tỉnh Cao Bằng, góp phần cùng cấp ủy, chính quyền, nhân dân địa phương phát huy những giá trị to lớn của Khu Di tích.
Kết hợp chặt chẽ giáo dục truyền thống Khu Di tích với học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và phát huy phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ” thời kỳ mới, kiên quyết chống chủ nghĩa cá nhân trong tình hình mới; hằng năm, căn cứ vào các chuyên đề học tập, cơ quan chính trị đưa vào kế hoạch giáo dục chính trị; biên soạn bài giảng lồng ghép với các nội dung tư tưởng của Bác khi Người hoạt động cách mạng tại Khu Di tích; kết hợp chặt chẽ giáo dục lý luận gắn với thực tiễn thăm quan để củng cố thêm những kiến thức đã được trang bị về thân thế, sự nghiệp hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Khu Di tích Pác Bó.
Với việc phát huy vai trò của Khu Di tích Pác Bó trong tổ chức học tập chính trị cho cán bộ, chiến sĩ đã góp phần nâng cao chất lượng công tác giáo dục chính trị của Bộ Chỉ huy quân sự Tỉnh. Cán bộ, chiến sĩ luôn đoàn kết, thống nhất, quyết tâm cao, luôn nhận và hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao, Đảng bộ luôn đạt trong sạch, vững mạnh; đơn vị vững mạnh toàn diện “Mẫu mực, tiêu biểu”.
Trong những năm tới, yêu cầu nhiệm vụ xây dựng Quân đội vững mạnh về chính trị ngày càng cao, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ xây dựng Quân đội cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại theo Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết số 05 của Bộ Chính trị (khóa XIII) và Nghị quyết số 230-NQ/QUTW của Quân ủy Trung ương. Để phát huy vai trò, giá trị của Khu Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Pác Bó trong công tác giáo dục chính trị ở Lực lượng vũ trang Tỉnh đạt hiệu quả tốt hơn, Đảng ủy, Bộ Chỉ huy quân sự Tỉnh thực hiện tốt một số nội dung sau:
Một là, tiếp tục quán triệt sâu sắc các chỉ thị, nghị quyết của Trung ương, Quân ủy Trung ương về công tác giáo dục chính trị; thực hiện đầy đủ, nghiêm túc nội dung, chương trình giáo dục chính trị hằng năm cho các đối tượng; tăng cường tuyên truyền nhằm không ngừng nâng cao nhận thức cho mọi đối tượng về vị trí, vai trò, giá trị và ý nghĩa tầm quan trọng của Khu Di tích Pác Bó trong công tác giáo dục, tổ chức học tập chính trị. Tập trung tuyên truyền, giáo dục để mỗi cán bộ, chiến sĩ hiểu sâu sắc những giá trị tư tưởng, lịch sử của Khu Di tích Pác Bó là niềm tự hào của Đảng bộ, nhân dân và Lực lượng vũ trang tỉnh Cao Bằng. Mỗi cán bộ, chiến sĩ không ngừng tu dưỡng, rèn luyện nhằm phát huy hơn nữa truyền thống “Bộ đội Cụ Hồ”, truyền thống hơn 76 năm của Lực lượng vũ trang Tỉnh “Đoàn kết, sáng tạo, tự lực, tự cường, trưởng thành, quyết thắng”. Từ đó, không ngừng trau dồi phẩm chất cách mạng, đạo đức, lối sống, củng cố niềm tin, xây dựng bản lĩnh, ý chí của người quân nhân cách mạng.
Hai là, đa dạng hóa các hình thức giáo dục, thường xuyên đổi mới nội dung, phương pháp giáo dục với phát huy vai trò Khu Di tích phù hợp với đặc điểm nhiệm vụ và đối tượng; gắn tổ chức học tập chính trị và phát huy vai trò khu di tích với các cuộc vận động lớn của Nhà nước, Quân đội và các phong trào thi đua ở địa phương. Việc đổi mới nội dung, hình thức, phương pháp học tập chính trị và phát huy vai trò Khu Di tích phải linh hoạt, phù hợp với từng đối tượng, sát với đặc điểm, lịch sử của Khu Di tích qua từng giai đoạn. Trong khi khẳng định những giá trị truyền thống phải đi đôi với việc bổ sung, phát triển những giá trị mới tốt đẹp; kế thừa và phát huy tốt giá trị Khu Di tích, làm cho giá trị truyền thống không ngừng được làm mới trong thực tiễn. Cùng với tổ chức học tập chính trị theo chương trình cơ bản, cần chú trọng lồng ghép vào nội dung sinh hoạt, học tập tham quan, báo công, dâng hương, về nguồn,… tại Khu Di tích; qua đó, làm cho các giá trị văn hóa truyền thống lan tỏa và thấm đẫm trong nhận thức, tình cảm của mỗi cán bộ, chiến sĩ.
Ba là, phát huy vai trò của các tổ chức, lực lượng trong Lực lượng vũ trang Tỉnh; sự ủng hộ, tạo điều kiện của cấp ủy, chính quyền và nhân dân địa phương. Việc tổ chức học tập chính trị và phát huy vai trò của Khu Di tích chỉ có thể đạt được hiệu quả khi có sự vào cuộc của các tổ chức, lực lượng trong Lực lượng vũ trang Tỉnh dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo thống nhất bằng các biện pháp đồng bộ và tạo điều kiện, giúp đỡ của cấp ủy, chính quyền và nhân dân địa phương.
Bốn là, kiên quyết đấu tranh loại bỏ các biểu hiện tiêu cực, nhận thức lệch lạc về quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, về nhiệm vụ học tập chính trị và phát huy vai trò Khu Di tích. Biểu dương, khen thưởng kịp thời những thành tích của các cá nhân, tập thể; kiên quyết đấu tranh loại bỏ những tư tưởng lệch lạc, xem nhẹ giáo dục truyền thống hay những tư tưởng, nhận thức chưa thấu đáo, làm hạn chế hiệu quả phát huy vai trò của Khu Di tích Pác Bó trong công tác học tập chính trị tại đơn vị./.
Đại tá Phương Nam Ký
Phó Chính ủy, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Cao Bằng