Sư đoàn 5, Quân khu 7 được thành lập ngày 02/9/1965. Ngày 23/11/1965, tại chân núi Mây Tàu, huyện Đất Đỏ, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, Đảng ủy Sư đoàn họp phiên đầu tiên, thống nhất lấy ngày 23/11/1965 làm Ngày truyền thống của Sư đoàn. Sư đoàn đã có hơn 10 năm tham gia kháng chiến chống Mỹ cứu nước, 03 năm bảo vệ biên giới Tây Nam của Tổ quốc và 10 năm làm nghĩa vụ quốc tế giúp bạn Campuchia. Quá trình xây dựng, chiến đấu, trưởng thành, hàng chục nghìn cán bộ, chiến sĩ của Sư đoàn đã anh dũng hi sinh, mãi mãi hiến dâng tuổi thanh xuân của mình cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, bảo vệ Tổ quốc và làm nghĩa vụ quốc tế cao cả, xây đắp nên truyền thống: “Đoàn kết, trung dũng, cơ động, linh hoạt, tự lực tự cường, đánh thắng mọi kẻ thù”. Sư đoàn vinh dự 02 lần được tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân (lần 1 vào tháng 01/1976, lần 2 vào tháng 12/1979), được Nhà nước Campuchia trao tặng Huân chương Ăng co, cùng nhiều phần thưởng cao quý khác. Năm 2015, đơn vị vinh dự được Chủ tịch nước tặng Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Ba.Năm 2021, gần 4.000 lượt cán bộ, chiến sỹ đã không quản ngại khó khăn, gian khổ, hiểm nguy, tiến vào tâm dịch hỗ trợ các địa phương trên địa bàn Quân khu “Chống dịch, cứu dân”, Sư đoàn vinh dự được Nhà nước trao tặng Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Nhì, nhiều tập thể, cá nhân được cấp trên và địa phương khen thưởng. Năm 2023, Sư đoàn vinh dự được Bộ Quốc phòng tin tưởng chọn làm đơn vị điểm về huấn luyện điều lệnh, xây dựng chính quy, quản lý kỷ luật trong toàn quân.

Có được kết quả trên là sự tổng hợp của nhiều yếu tố; trong đó, công tác giáo dục chính trị, xây dựng bản lĩnh, ý chí quyết tâm cho cán bộ, chiến sĩ vượt qua mọi khó khăn, thử thách, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ là yếu tố hàng đầu. Trong các hoạt động của đơn vị, công tác giáo dục chính trị có vai trò rất quan trọng, là yêu cầu khách quan trong tổng thể quá trình xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện “Mẫu mực, tiêu biểu”, trước hết là xây dựng Sư đoàn vững mạnh về chính trị, tạo cơ sở tiền đề để giữ vững trận địa tư tưởng trong mọi hoàn cảnh. Những năm qua, Sư đoàn đã thực hiện nền nếp các hình thức giáo dục chính trị cơ bản, mang lại hiệu quả tích cực, góp phần nâng cao nhận thức chính trị, củng cố lập trường tư tưởng cách mạng, kiên định mục tiêu lý tưởng chiến đấu vì độc lập dân tộc, vì chủ nghĩa xã hội, ý chí quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, chiến đấu thắng lợi trước mọi kẻ thù, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ ngày càng cao, hằng năm, Đảng ủy, Chỉ huy Sư đoàn cùng các cấp ủy, tổ chức đảng đã tập trung quán triệt sâu sắc các nghị quyết, chỉ thị của trên về công tác giáo dục chính trị, nhất là Đề án “Đổi mới công tác giáo dục chính trị ở đơn vị cơ sở trong giai đoạn mới” của Bộ Quốc phòng và tổ chức thực hiện có hiệu quả. Trong đó, chú trọng đổi mới công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, sự điều hành của chính ủy, chính trị viên và người chỉ huy; nêu cao trách nhiệm của đội ngũ cán bộ chủ trì trong tổ chức, quản lý và tham gia công tác giáo dục chính trị.

Sư đoàn tập trung đổi mới toàn diện, đồng bộ nội dung, hình thức, phương pháp giáo dục chính trị. Trên cơ sở chương trình giáo dục chính trị do trên quy định, Sư đoàn chủ động biên soạn tài liệu, giáo án, bài giảng theo phân cấp; gắn nội dung giáo dục cơ bản với giáo dục do đơn vị tự xác định, như: Giáo dục truyền thống, nhiệm vụ của đơn vị; các chuyên đề học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; tuyên truyền nhân các ngày lễ lớn của dân tộc, Quân đội; tuyên truyền về biên giới quốc gia, biển, đảo; những vấn đề thời sự nổi bật trong nước và quốc tế; những quy định mới của pháp luật; những chuyên đề, nội dung mới mà dư luận xã hội quan tâm có tác động đến tình hình chính trị, kinh tế, xã hội và lực lượng vũ trang,… để kịp thời định hướng nhận thức, tư tưởng và hướng dẫn hành động cho cán bộ, chiến sĩ.

Thực tiễn cho thấy, các hình thức tổ chức giáo dục chính trị ở đơn vị theo Quy chế 438 ban hành năm 2016 đang phát huy tác dụng thiết thực đối với việc xây dựng đơn vị về chính trị, tư tưởng. Tuy nhiên, do trình độ nhận thức của hạ sĩ quan, binh sĩ không đồng đều; một số cán bộ còn hạn chế về kinh nghiệm, kỹ năng, phương pháp tiến hành công tác giáo dục chính trị; âm mưu, thủ đoạn “diễn biến hòa bình”, bạo loạn lật đổ của các thế lực thù địch tiếp tục diễn biến phức tạp; sự tác động của mặt trái kinh tế thị trường; yêu cầu, nhiệm vụ huấn luyện và xây dựng đơn vị ngày càng cao tác động không nhỏ đến công tác giáo dục chính trị của đơn vị. Do đó, đổi mới hình thức giáo dục chính trị là rất cần thiết.

Trong những năm qua, cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn đã phát huy truyền thống của các thế hệ đi trước, chủ động phối hợp với các mạnh thường quân, các đơn vị kết nghĩa và nguồn lực hiện có, từ cuối năm 2010 tiến hành xây dựng Tượng đài Sư đoàn. Tháng 8/2011, Sư đoàn khánh thành và đi vào hoạt động Nhà truyền Sư đoàn, với tổng kinh phí xây dựng hơn 4 tỷ đồng; đến năm 2021, Sư đoàn tiến hành tôn tạo, sữa chữa Nhà truyền thống với kinh phí hơn 1,1 tỷ đồng. Nhà truyền thống Sư đoàn được bố trí các nội dung trưng bày như: Tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh; Danh hiệu Sư đoàn 2 lần Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân; danh sách trên 34.000 anh hùng, liệt sĩ của Sư đoàn. Tháng 4/2021, tiến hành xây dựng và đi vào hoạt động Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Sư đoàn 5 với diện tích khoảng 324m2, tổng kinh phí 1,8 tỷ đồng; Nhà bia Liệt sĩ Sư đoàn có diện tích 356m2 với tổng kinh phí 11,7 tỷ đồng. 

Các công trình trên không chỉ thể hiện sự tôn vinh, tri ân công lao to lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, các thế hệ cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn trong suốt 45 năm xây dựng, chiến đấu, trưởng thành đối với sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, làm nhiệm vụ quốc tế vẻ vang mà còn đáp ứng nguyện vọng thiết tha của các thế hệ cán bộ, chiến sĩ đã và đang công tác tại Sư đoàn; đồng thời, giáo dục, khơi dậy lòng tự hào, cổ vũ, động viên cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn hôm nay và mai sau tiếp tục phát huy truyền thống “Đoàn kết trung dũng, cơ động linh hoạt, tự lực tự cường, đánh thắng mọi kẻ thù”, phấn đấu xứng danh “Bộ đội Cụ Hồ” trong thời kỳ mới, xây dựng Sư đoàn vững mạnh toàn diện “Mẫu mực, tiêu biểu”, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao trong tình hình mới.

Hằng năm, đơn vị đã chủ động xây dựng kế hoạch, chương trình và nội dung giáo dục thực tiễn, trực quan cụ thể để bổ trợ cho nội dung học tập truyền thống và định hướng tình hình nhiệm vụ của đơn vị. Qua đó, cán bộ, chiến sĩ được tìm hiểu và thể hiện lòng thành kính và biết ơn sâu sắc đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, góp phần đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Đồng thời, thông qua những tư liệu, hình ảnh, hiện vật lịch sử về quá trình xây dựng, chiến đấu và trưởng thành của Sư đoàn 5 trong chiến tranh giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc, làm nghĩa vụ quốc tế và trong thực hiện nhiệm vụ xây dựng, bảo vệ Tổ quốc hiện nay, giúp cho cán bộ, chiến sĩ hiểu rõ hơn về truyền thống, những cống hiến, hi sinh của các thế hệ cha anh đi trước; từ đó, ra sức phấn đấu học tập, rèn luyện, sẵn sàng nhận và hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao, xứng đáng với truyền thống đơn vị và phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”. Bài học thực tiễn sinh động trong tham quan, học tập tại Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh, Tượng đài và Nhà bia các anh hùng liệt sĩ, Nhà truyền thống Sư đoàn đã giúp các chiến sĩ thấy rõ hơn niềm vinh dự, tự hào khi được trở thành chiến sĩ trong Quân đội nói chung và đối với Sư đoàn 5 nói riêng, Từ đó, giúp mọi cán bộ, chiến sĩ có động cơ phấn đấu thường xuyên, liên tục, tích cực, tự giác tu dưỡng, rèn luyện để từng bước trưởng thành hơn trong môi trường Quân đội.

Từ thực tiễn triển hoạt động giáo dục chính trị tại Sư đoàn 5, có thể rút ra một số kinh nghiệm sau:

Một là, thường xuyên đổi mới nội dung, hình thức giáo dục chính trị; chú trọng hoạt động tham quan, học tập tại các di tích, Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh, Tượng đài liệt sĩ Sư đoàn, Nhà bia tưởng niệm các Anh hùng Liệt sĩ của Sư đoàn, Nhà truyền thống Sư đoàn và phòng Hồ Chí Minh, góp phần tuyên truyền, giáo dục, cung cấp kiến thức lịch sử, nếp sống đạo đức, văn hóa ứng xử cho cán bộ, chiến sĩ khi đến tham quan.

Hai là, ngoài các hình thức giáo dục, tuyên truyền theo Quy chế của Tổng cục Chính trị, chú trọng phát huy hiệu quả của các thiết chế văn hóa tại đơn vị, thường xuyên tổ chức cuộc thi tìm hiểu, tuyên truyền, kể chuyện về cuộc đời, thân thế, sự nghiệp Chủ tịch Hồ Chí Minh; phát huy hiệu quả các mô hình giáo dục tại đơn vị như: Mô hình “Mỗi tối một câu chuyện lịch sử” (hàng tuần có chuyên mục về học tập và làm theo lời Bác); tuyên truyền thông qua hệ thống pa nô, bảng ảnh; hệ thống truyền thanh nội bộ và hoạt động của lực lượng 47 trong tham gia đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh, phê phán, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới để bảo vệ chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và đường lối, quan điểm của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước.

Ba là, đẩy mạnh hình thức trực quan sinh động, góp phần nâng cao phẩm chất, đạo đức, lối sống, nhân cách của người quân nhân cách mạng; củng cố niềm tin, sự trung thành tuyệt đối của cán bộ, chiến sĩ với Đảng, Tổ quốc và Nhân dân. Đó là nền tảng vững chắc để Sư đoàn xây dựng Đảng bộ trong sạch, vững mạnh tiêu biểu, đơn vị vững mạnh toàn diện “Mẫu mực, tiêu biểu”, làm cơ sở nâng cao chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng Quân đội và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

Bốn là,chú trọng quán triệt và thực hiện đúng, đủ nội dung,chương trình giáo dục chính trị, thường xuyên đổi mới hình thức, phương pháp và cách thức truyền đạt; đầu tư cơ sở vật chất, nhất là hệ thống phương tiện trình chiếu, tổ chức xem phim tư liệu, đặc biệt là tổ chức tham quan, quan sát thực tiễn các thiết chế văn hóa tại đơn vị và các di tích lịch sử cách mạng trên địa bàn Quân khu 7 và tỉnh Tây Ninh (Trung ương Cục Miền Nam, Địa đạo Củ Chi...) bước đầu đã đem lại hiệu ứng tích cực đối với bộ đội, nhất là với đối tượng chiến sĩ mới của đơn vị.

Năm là, tổ chức tốt hình thức tham quan học tập thực tiễn - đây là hình thức hiệu quả, tạo nên sự say mê, hứng thú cho bộ đội, nhất là đối với thế hệ trẻ, giúp họ tiếp nhận thông tin một cách thực tế, tự nhiên và hiệu quả. Qua tham quan, quan sát thực tiễn các thiết chế văn hóa, giúp cho cán bộ, chiến sĩ có thể cảm nhận được cái hay, cái đẹp một cách trực tiếp bằng các giác quan, lấy việc quan sát trực quan là cơ sở. Với đặc điểm nổi bật là tính chân thật và sinh động của nó, cán bộ, chiến sĩ trực tiếp cảm nhận bằng các giác quan của mình một cách đầy đủ, sâu sắc và toàn diện hơn về các thiết chế văn hóa cũng như các nội dung đã được giới thiệu và truyền đạt, nhất là các nội dung về giáo dục truyền thống và các giá trị lịch sử của thế hệ cha anh đi trước đã để lại.

Sáu là, gìn giữ và phát huy hiệu quả các di tích cách mạng trong cuộc sống, góp phần bồi đắp tình yêu nước, nuôi dưỡng tinh thần dân tộc, ý thức trách nhiệm của người quân nhân cách mạng, giáo dục truyền thống vẻ vang của đơn vị hai lần Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, nâng cao nhận thức cho cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn về ý nghĩa của hoạt động tri ân các Anh hùng, Liệt sĩ và phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” trong tình hình mới. Khẳng định đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, “Ăn quả nhớ người trồng cây” của dân tộc Việt Nam; cổ vũ, động viên cán bộ, chiến sĩ nêu cao tinh thần trách nhiệm trong xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện “Mẫu mực, tiêu biểu”, ra sức thi đua thực hiện thắng lợi mọi nhiệm vụ được giao./.

Đại tá Nguyễn Hồng Cảnh

Phó Chính ủy Sư đoàn 5, Quân khu 7

Bài viết khác: