Những năm qua, việc bảo tồn, phát huy vai trò, ý nghĩa của Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh được quân và dân trên địa bàn nói chung, cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn 242 nói riêng luôn coi đây là vinh dự, trách nhiệm và hành động thiết thực để tưởng nhớ đến những công lao, đóng góp của Người đối với đất nước, dân tộc Việt Nam. Đây cũng là cơ hội, là địa chỉ đỏ để giáo dục cho các thế hệ cán bộ, chiến sĩ về truyền thống cách mạng của dân tộc và tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người.

Quảng Ninh là một tỉnh có địa chính trị, lịch sử quan trọng ở vùng Đông Bắc tổ quốc. Sinh thời, Bác Hồ đã nhiều lần về thăm vùng mỏ và lần nào nhân dân Quảng Ninh cũng dành cho Người những tình cảm kính trọng đặc biệt. Hiện nay trên địa bàn đơn vị đóng quân có 2 khu di tích, tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh, gồm: Di tích quốc gia đặc biệt Khu lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh (nằm tại Khu 3, thị trấn Cô Tô, huyện Cô Tô); Di tích quốc gia Khu lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh (trên đảo Ngọc Vừng, huyện Vân Đồn).

Đối với Di tích quốc gia đặc biệt Khu lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh trên đảo Cô Tô. Vào ngày 09/5/1961, lần đầu tiên Bác Hồ đã ra thăm đảo và căn dặn đồng bào, chiến sĩ trên đảo: “...Thủ đô Hà Nội tuy cách xa các đảo, nhưng Đảng và Chính phủ luôn quan tâm đến đồng bào các đảo và mong đồng bào đoàn kết cố gắng, tiến bộ”. Với tấm lòng kính trọng vô hạn đối với Bác Hồ, quân và dân trên đảo Cô Tô đã xin được dựng tượng Người trên đảo. Nguyện vọng quân và dân trên đảo Cô Tô đã được Bác Hồ đồng ý. Khu lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh trên đảo Cô Tô cũng là nơi duy nhất trong cả nước được Bác Hồ đồng ý cho dựng tượng mình lúc sinh thời. Đây chính là cột mốc chủ quyền, cột mốc văn hóa di sản quốc gia quý báu cần được bảo tồn, gìn giữ và giáo dục truyền thống, lịch sử của dân tộc cho thế hệ trẻ. Có Bác Hồ trên đảo Cô Tô, đồng bào và chiến sĩ nơi đây như được tiếp thêm sức mạnh để sống, học tập và làm việc theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, kiên cường bám trụ, sẵn sàng bảo vệ, giữ gìn từng tấc đất, tấc biển của quê hương. Ngày 09/5/1961 đã trở thành mốc son lịch sử trọng đại khắc sâu trong trái tim của mỗi người dân đảo Cô Tô và càng vinh dự, tự hào hơn cho quân và dân trên đảo khi ngày 18/01/2022, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 93/QĐ-TTg xếp hạng Khu Di tích lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh trên đảo Cô Tô là Di tích quốc gia đặc biệt. Di tích Khu lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh trên đảo Cô Tô là một quần thể những dấu tích lưu niệm về Hồ Chí Minh khi Bác về thăm đảo Cô Tô ngày 09/5/1961, bao gồm: (1) điểm di tích Tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh; (2) điểm di tích Đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh; (3) điểm di tích Dốc Khoai; (4) điểm di tích Nhà trưng bày lưu niệm chủ tịch Hồ Chí Minh; (5) điểm di tích Cánh đồng muối, tọa lạc tại trung tâm thị trấn Cô Tô.

Đối với Di tích quốc gia Khu lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh trên đảo Ngọc Vừng, huyện Vân Đồn. Ngày 12/11/1962, quân và dân đảo Ngọc Vừng đã vinh dự được đón Bác Hồ về thăm, Bác đã căn dặn cán bộ, chiến sĩ, học sinh và nhân dân: “Phải làm giàu về kinh tế, tích cực cấy lúa, trồng màu, trồng cây, đánh cá và chăm sóc sức khỏe, chữa bệnh cho nhân dân; dạy học cho các cháu, nâng cao đời sống cho mọi người trên đảo; bộ đội và nhân dân phải đoàn kết, bộ đội phải giúp nhân dân sản xuất và xây dựng hợp tác xã. Nhân dân phải giúp bộ đội chiến đấu và phục vụ chiến đấu”. Tại nơi Bác đến thăm, trò chuyện cùng quân và dân đảo Ngọc Vừng đã được xây dựng thành Di tích lưu niệm Bác Hồ. Khu Di tích lưu niệm Bác Hồ trên đảo Ngọc Vừng có tổng diện tích quy hoạch khoảng 6,3 ha, trong đó diện tích xây dựng là gần 2,5 ha... Qua các giai đoạn dự án đầu tư tôn tạo, hiện nay Khu Di tích có diện mạo khang trang với khuôn viên vườn cây, ao cá, nhà trưng bày, nhà bia, nhà quản lý,… Ngày 24/02/2023 Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành Quyết định số 401/QĐ-BVHTTDL về việc xếp hạng Di tích quốc gia đối với Di tích lịch sử địa điểm lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh trên đảo Ngọc Vừng (huyện Vân Đồn). Đây là niềm vinh dự, tự hào cho cán bộ, chiến sĩ và nhân dân xã đảo Ngọc Vừng. Khu Di tích lưu niệm Bác Hồ trên đảo Ngọc Vừng đã trở thành điểm đến du lịch, “địa chỉ đỏ” giáo dục truyền thống văn hóa, lịch sử, hằng năm thu hút đông đảo nhân dân, du khách đến tham quan, tìm hiểu.

Tại các khu Di tích, khi được trực tiếp tiếp xúc với những bằng chứng sát thực nhất thông qua cảnh quan môi trường và những nhân vật, hiện vật lịch sử, giúp cho cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn càng hiểu đầy đủ hơn về cuộc đời và sự nghiệp vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Hằng năm, nhân dịp kỷ niệm các ngày Lễ của Đảng, đất nước, dân tộc, quân đội, khi có các đoàn kiểm tra, đặc biệt là khi tiếp nhận các đồng chí chiến sĩ mới về đơn vị thì việc đầu tiên sau khi đặt chân lên đảo là dâng hương tại khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh trên các đảo. Đây là hoạt động hết sức ý nghĩa, là bài học đầu tiên đối với mỗi cán bộ, chiến sĩ trước khi về đơn vị công tác.

Nhận thức rõ vinh dự và trách nhiệm của mình các thế hệ cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn 242 nối tiếp nhau, luôn trung thành tuyệt đối với Đảng và Bác Hồ, đoàn kết một lòng, vượt qua mọi khó khăn, thử thách, nêu cao ý chí độc lập, tự chủ, tự lực, tự cường, chủ động sáng tạo, vươn lên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, xây đắp nên truyền thống “Đoàn kết, bám trụ, kiên cường giữ đảo” cùng quân và dân tuyến đảo Đông Bắc đặc biệt là trên 2 đảo Cô Tô và Ngọc Vừng, thường xuyên được bảo quản, giữ gìn, tôn tạo và xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ công tác tuyên truyền, đón tiếp đồng bào, các đoàn khách đến tham quan khu Di tích; góp phần phát huy ý nghĩa lịch sử, văn hóa đặc biệt và đẩy mạnh lan tỏa sâu rộng việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Tiếp nối truyền thống của các thế hệ đi trước, Đảng ủy, chỉ huy Lữ đoàn 242 đã thường xuyên lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt công tác giáo dục, nâng cao ý thức trách nhiệm cho cán bộ, chiến sĩ về niềm vinh dự, tự hào khi được đứng chân trên các địa danh lịch sử. Việc bảo tồn, phát huy giá trị của các hiện vật gắn với cuộc đời hoạt động cách mạng của Người là tình cảm, trách nhiệm của mỗi cán bộ, chiến sĩ, góp phần giáo dục tư tưởng, đạo đức, sự nghiệp cách mạng vĩ đại của Người.

Trước hết, từ Đảng ủy, chỉ huy Lữ đoàn đến cấp ủy chỉ huy các cơ quan, đơn vị đã nghiêm túc quán triệt để đội ngũ cán bộ hiểu sâu sắc về thân thế, sự nghiệp, tư tưởng và phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Từ đó, truyền đạt để bộ đội tin tưởng và làm theo Bác với tất cả tình cảm, trách nhiệm và niềm tin vào con đường mà Đảng, Bác Hồ đã lựa chọn. Vì thế, đơn vị luôn chú trọng chăm lo đào tạo, bồi dưỡng, giáo dục xây dựng tình cảm, đạo đức, tinh thần trách nhiệm cao cho đội ngũ cán bộ, chiến sĩ, phát huy hiệu quả ý nghĩa chính trị, văn hóa của Khu Di tích. Bảo đảm đội ngũ cán bộ, chiến sĩ hiểu biết sâu sắc về thân thế, sự nghiệp, tư tưởng, tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, vừa hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị, vừa tạo phối hợp cùng cấp ủy, chính quyền các ban ngành đoàn thể và nhân dân trên địa bàn giữ gìn, củng cố khu Di tích.

Phát huy ý nghĩa lịch sử, văn hóa của Khu Di tích trong giai đoạn mới là nhiệm vụ thiêng liêng, cao cả, là vinh dự, trách nhiệm của các lực lượng trên địa bàn trong đó có cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn 242. Các công trình, hiện vật tại khu Di tích đều là những hiện vật gốc, được bảo quản, giữ gìn trong điều kiện khí hậu biển đảo khắc nghiệt, các công trình mở cửa thường xuyên nên chịu ảnh hưởng không nhỏ của yếu tố thời tiết. Do đó, đòi hỏi công tác bảo quản, giữ gìn các công trình, hiện vật phải hết sức nghiêm ngặt; phải đặc biệt coi trọng yếu tố gốc, bảo đảm giữ nguyên vẹn cảnh quan, môi trường và không gian thiêng liêng vốn có của di tích. Cùng với bảo quản, phát huy hiệu quả các công trình, hiện vật hiện có, cần tiếp tục sưu tầm, bổ sung những hiện vật, tư liệu liên quan đến hoạt động của Chủ tịch Hồ Chí Minh để làm đầy đủ thêm, sâu sắc thêm giá trị lịch sử, văn hóa của Khu Di tích.

Để các Khu Di tích tiếp tục phát huy được những giá trị lịch sử, thực sự trở thành địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống, nơi hội tụ tình cảm, niềm tin của nhân dân, cán bộ, chiến sĩ trên đảo nói riêng, quân và dân cả nước nói chung. Cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn 242 sẽ luôn nhận thức sâu sắc niềm vinh dự, tự hào và xây dựng ý chí, quyết tâm hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, phối hợp cùng cấp ủy, chính quyền các ban ngành đoàn thể, các lực lượng và nhân dân trên địa bàn quyết tâm bảo vệ, củng cố, giữ gìn và phát huy ý nghĩa lịch sử, chính trị, văn hóa của Khu Di tích trong giai đoạn mới; góp phần đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh./.

Đại tá Phạm Văn Dương

Chính ủy Lữ đoàn 242, Quân khu 3

Bài viết khác: