Yêu nước là một truyền thống quý báu của dân tộc ta. Đặc biệt, “mỗi khi tổ quốc bị xâm lăng, thì tinh thần ấy lại sôi nổi, nó kết thành một làn sóng vô cùng mạnh mẽ, to lớn, nó lướt qua mọi sự nguy hiểm, khó khăn, nó nhấn chìm tất cả lũ bán nước và lũ cướp nước”(1). Sự phát triển của tình cảm, tư tưởng yêu nước, tinh thần dân tộc đến trình độ cao, hình thành chủ nghĩa yêu nước, bao gồm hệ thống những luận điểm về nhận thức và ứng xử mang giá trị cao quý của dân tộc; là chuẩn mực hướng dẫn tư tưởng và hành động của các thành viên trong cộng đồng dân tộc đối với lợi ích và chủ quyền quốc gia. Chủ nghĩa yêu nước Việt Nam là một giá trị bền vững, trở thành bản lĩnh Việt Nam trong suốt quá trình hình thành và phát triển của dân tộc qua các thời kỳ lịch sử; là cơ sở vững chắc gắn kết khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tạo nên sức mạnh trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Chính sức mạnh truyền thống yêu nước đã hun đúc quyết tâm cứu nước, cứu đồng bào, thôi thúc Hồ Chí Minh bôn ba tìm đường cứu nước. Hơn ai hết, Chủ tịch Hồ Chí Minh là tấm gương sáng ngời về chủ nghĩa yêu nước, là hiện thân của chủ nghĩa yêu nước Việt Nam hiện đại. Bác đã ra đi, nhưng những di sản vật chất và tinh thần mà Người để lại là tài sản quý giá của dân tộc. Hiện nay, rất nhiều tài liệu, hình ảnh, hiện vật về Chủ tịch Hồ Chí Minh đang được lưu giữ, trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam là bằng chứng lịch sử về con người, phẩm chất, đạo đức, đặc biệt là chủ nghĩa yêu nước Hồ Chí Minh.

1. Tài liệu, hiện vật về Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam

Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam hiện đang lưu giữ khoảng 340(2) tư liệu, hiện vật quý, có giá trị lịch sử về Chủ tịch Hồ Chí Minh hoặc có liên quan tới Người. Các hiện vật đa dạng về chủng loại, chất liệu, được sưu tầm từ các thế hệ cán bộ, chiến sĩ của Bảo tàng trong suốt quá trình xây dựng và phát triển. Các tư liệu, hiện vật được lưu giữ và phát huy giá trị lịch sử tại Bảo tàng thể hiện Chủ tịch Hồ Chí Minh là một vị lãnh tụ thiên tài, một nhà quân sự kiệt xuất, Anh hùng giải phóng dân tộc, Danh nhân văn hóa thế giới, người đặt nền móng xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam và nghệ thuật quân sự của chiến tranh nhân dân Việt Nam trong thời đại mới.

Các tư liệu, hiện vật về Người gắn với quá trình xây dựng và trưởng thành của các Lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam. Mỗi chặng đường, mỗi chiến công đều gắn liền với tình thương yêu, sự quan tâm giáo dục, rèn luyện, động viên của vị lãnh tụ kính yêu. Tư liệu, hiện vật về Chủ tịch Hồ Chí Minh được lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam được chia thành các nhóm chủ đề sau:

Tư liệu, hiện vật về Chủ tịch Hồ Chí Minh và con đường giải phóng dân tộc: Giới thiệu về quá trình tìm đường cứu nước, giải phóng dân tộc của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong 30 năm (1911 - 1941). Với hành trang là lòng yêu nước, thương dân sâu sắc, cùng những truyền thống tốt đẹp, những bài học kinh nghiệm lịch sử hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc, Người đã tiếp thu có chọn lọc những giá trị tinh hoa của quân sự thế giới, vận dụng và phát triển sáng tạo học thuyết quân sự Mác - Lênin để giải quyết các vấn đề quân sự của cách mạng Việt Nam.

Tư liệu, hiện vật về Chủ tịch Hồ Chí Minh gắn với quá trình xây dựng và phát triển Quân đội nhân dân Việt Nam: Vị lãnh tụ thiên tài với tư tưởng quân sự giàu tính nhân văn thể hiện trong việc xây dựng lực lượng vũ trang. Người đã dành nhiều tâm huyết xây dựng và rèn luyện Quân đội nhân dân thành một đội quân cách mạng vững mạnh về mọi mặt, từng bước tiến lên chính quy, hiện đại, cùng với toàn Đảng, toàn dân đưa cách mạng nước ta đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. Người quyết tâm xây dựng Quân đội tuyệt đối trung thành với Đảng, Tổ quốc và Nhân dân, chăm lo việc “trồng người”, trọng dụng nhân tài, gieo mầm cách mạng, đào tạo con người mới. Người luôn giành sự quan tâm, chăm lo, giáo dục, rèn luyện, động viên cán bộ, chiến sĩ như người cha thân yêu.

Các tư liệu, hiện vật thể hiện nội dung này, như: các sắc lệnh do Chủ tịch Hồ Chí Minh ký về xây dựng Quân đội; các tài liệu, cuốn sách do Người biên soạn sử dụng để huấn luyện cán bộ quân sự; cờ thưởng, bằng khen, giấy khen, thư khen của Người dành cho các tập thể, cá nhân có nhiều thành tích trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc. Đặc biệt, trong đó có những hiện vật là món quà của Chủ tịch Hồ Chí Minh dành tặng cho các tướng lĩnh, cán bộ và chiến sĩ lập nhiều thành tích xuất sắc, tiêu biểu, như: đồng hồ đeo tay của Người tặng cho các đồng chí chỉ huy trong Quân đội, huy hiệu Chiến sĩ Điện Biên Phủ, huy hiệu ngôi sao đỏ, huy hiệu Bác Hồ,…

Tư liệu, hiện vật về Chủ tịch Hồ Chí Minh trong trái tim cán bộ, chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam: Thể hiện lòng kính yêu vô hạn và tình cảm sâu sắc của cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang nhân dân với Bác Hồ. Hình ảnh của Người luôn khắc sâu trong trái tim người chiến sĩ, là nguồn động viên sâu sắc, làm nên ý chí quyết tâm hoàn hành nhiệm vụ, chiến thắng mọi kẻ thù, sẵn sàng chiến đấu, hi sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân, “nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng”.

Các tư liệu, hiện vật tiêu biểu cho nội dung này, như: tranh vẽ, hình ảnh Bác Hồ, quyết tâm thư của cán bộ, chiến sĩ thể hiện niềm tin, quyết tâm chiến đấu, đánh đuổi quân xâm lược; quốc kỳ và băng tang của bộ đội trong ngày Bác qua đời với lòng quyết tâm biến đau thương thành hành động cách mạng, chiến đấu, lập công đền ơn Bác. Những hiện vật thể hiện tình cảm các thế hệ cán bộ, chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam đối với vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc, mãi mãi ghi lòng tạc dạ công ơn trời biển của Người, sẵn sàng chiến đấu, hi sinh vì độc lập dân tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân.

2. Công tác tuyên truyền, giáo dục chủ nghĩa yêu nước cho bộ đội thông qua tư liệu, hiện vật về Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam

Tuyên truyền, giáo dục là một trong những nhiệm vụ chính của Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam. Trong đó, giáo dục chủ nghĩa yêu nước thông qua các tư liệu, hiện vật về Chủ tịch Hồ Chí Minh được quan tâm thường xuyên, đầu tư nghiên cứu nội dung và đổi mới phương pháp, hình thức nhằm nâng cao hiệu quả tuyên truyền. Đặc biệt, giáo dục chủ nghĩa yêu nước cho bộ đội là góp phần đẩy mạnh tuyên truyền, thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị “Về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, gắn với Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, XII, XIII) về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; Kết luận số 01-KL/TW về tiếp tục thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị; Chỉ thị số 87-CT/QUTW của Quân ủy Trung ương “Về đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” trong Đảng bộ Quân đội và toàn quân; Nghị quyết số 847-NQ/QUTW của Quân ủy Trung ương về phát huy phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”, kiên quyết chống chủ nghĩa cá nhân trong tình hình mới; Cuộc vận động “Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ” thời kỳ mới. Công tác tuyên truyền, giáo dục chủ nghĩa yêu nước cho bộ đội thông qua tư liệu, hiện vật về Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam được thực hiện thông qua các hoạt động:

Thứ nhất, công tác tổ chức hướng dẫn tham quan tại Bảo tàng.

Đây là hình thức phổ biến diễn ra tại Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam. Đối với đối tượng là bộ đội, thường đi theo đoàn do các cơ quan, đơn vị đến đều có nội dung thuyết minh riêng, phù hợp với trình độ, nhu cầu nghiên cứu và học tập. Tùy thuộc vào đối tượng cụ thể, Bảo tàng đều có chương trình, phương pháp giới thiệu phù hợp. Chẳng hạn như: Học viên Trường sĩ quan Lục quân I đến tham quan, học tập sẽ được tìm hiểu kỹ hơn những hiện vật về Bác Hồ có liên quan tới nhà trường, điển hình là câu chuyện Người đến thăm Trường Võ bị Trần Quốc Tuấn ngày 26/5/1946 và tặng Trường bức trướng “Trung với nước, hiếu với dân”. Học viên, chiến sĩ các đơn vị Phòng không - Không quân sẽ được tìm hiểu nhiều hơn các hiện vật về Bác Hồ gắn với Bộ đội Phòng không - Không quân được trưng bày Bảo tàng,…

Qua các câu chuyện của thuyết minh viên gắn với tư liệu, hiện vật trưng bày về Chủ tịch Hồ Chí Minh, cán bộ, chiến sĩ thấu hiểu sâu sắc về lãnh tụ thiên tài của dân tộc, nhà quân sự kiệt xuất, người cha thân yêu của Lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam, từ đó, bồi dưỡng lý tưởng cách mạng, chủ nghĩa yêu nước cho cán bộ, chiến sĩ.

Thứ hai, công tác tổ chức triển lãm chuyên đề và triển lãm lưu động.

Đây là hình thức tuyên tuyền, giáo dục có tính chuyên sâu về một sự kiện hay một vấn đề lịch sử nhất định, được cập nhật, bổ sung những thông tin mang tính thời sự, cộng hưởng cùng các hoạt động khác, tổ chức vào dịp kỷ niệm năm chẵn, những ngày lễ lớn của đất nước và quân đội. Những năm gần đây, Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam đã tổ chức nhiều cuộc triển lãm về Bác Hồ, như: “Bác Hồ với lực lượng vũ trang nhân dân” (2010), “Di chúc của Bác - nguồn sáng dẫn đường” (2019),“Luôn có Bác trong tim” (2020), … Các triển lãm chuyên đề được tuyên truyền trên các phương tiện truyền thông đại chúng rộng rãi, thu hút đông đảo công chúng quan tâm. Đặc biệt, chương trình khai mạc triển lãm được tổ chức long trọng, có sự tham gia của các tướng lĩnh, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, là dịp để các cán bộ, chiến sĩ gặp gỡ, giao lưu truyền thống, học hỏi các thế hệ đi trước, trở thành đợt sinh hoạt chính trị thiết thực mang lại nhiều ý nghĩa giáo dục cho bộ đội.

Triển lãm lưu động phục vụ rộng rãi và thu hút sự quan tâm của cán bộ, chiến sĩ ở những nơi không có điều kiện tới tham quan Bảo tàng, nhất là vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo. Trong giai đoạn triển khai nhiều đợt triển lãm lưu động, Bảo tàng đã xây dựng bộ triển lãm lưu động phục vụ các đơn vị trong quân đội; trong đó, giới thiệu về Chủ tịch Hồ Chí Minh là trọng tâm. Hoạt động này góp phần giới thiệu tới cán bộ, chiến sĩ không có điều kiện tham quan trực tiếp tại Bảo tàng có dịp nghiên cứu, tìm hiểu về vị lãnh tụ kiệt xuất của dân tộc.

Thứ ba, công tác xuất bản ấn phẩm, tuyên truyền trên website.

Hằng năm, Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam thường tổ chức xuất bản các ấn phẩm tuyên truyền, trong đó sách “Kỷ vật kháng chiến” đến nay đã xuất bản được 11 tập (bắt đầu thực hiện từ năm 2001). Nội dung ấn phẩm là những hiện vật được lưu giữ từ hệ thống các bảo tàng Quân đội, trong đó có nhiều bài viết hiện vật về Chủ tịch Hồ Chí Minh với bộ đội. Sách sau khi xuất bản được phát hành đến tủ sách đại đội của các đơn vị trong toàn quân.

Bên cạnh đó, hoạt động tuyên truyền trên website của Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam với các bài viết hiện vật về Bác Hồ với Quân đội được cập nhật thường xuyên, góp phần tuyên truyền, giáo dục thông qua internet. Việc phối hợp tuyên truyền với các cơ quan thông tấn, báo chí, truyền hình thường xuyên được duy trì, góp phần giáo dục lịch sử truyền thống cho bộ đội trên mọi phương tiện.

3. Nâng cao chất lượng công tác giáo dục chủ nghĩa yêu nước cho bộ đội thông qua các tư liệu, hiện vật về Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam

Có thể khẳng định, Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam đã làm tốt chức năng của một thiết chế văn hóa, công tác đảng, công tác chính trị trong Quân đội, góp phần giáo dục chủ nghĩa yêu nước tới cán bộ, chiến sĩ trong toàn quân. Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác tuyên truyền, giáo dục còn gặp nhiều khó khăn, như: bộ sưu tập số lượng hiện vật còn ít so với tiềm năng vốn có; liên kết phối hợp tuyên truyền chưa thực sự hiệu quả; số hóa tư liệu hiện vật chưa đồng bộ,…

Để khắc phục những hạn chế, Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam thường xuyên đổi mới nội dung, phương pháp giáo dục đối với đối tượng bộ đội. Trong đó, việc giới thiệu tư liệu, hiện vật về Chủ tịch Hồ Chí Minh cần được chú trọng chọn lọc, nghiên cứu các câu chuyện đặc sắc, kết hợp với khả năng, nghệ thuật trình bày của thuyết minh viên để chuyển tải tới cán bộ, chiến sĩ là một trong những yêu cầu quan trọng.

Trong bối cảnh hiện nay, sự phát triển mạnh mẽ của truyền thông và mạng xã hội đặt ra những yêu cầu cao đối với công tác giáo dục chủ nghĩa yêu nước nhằm trang bị cho cán bộ, chiến sĩ nền tảng tư tưởng chính trị vững chắc. Nhu cầu tiếp cận thông tin, hưởng thụ văn hóa của bộ đội có sự tác động của nhiều yếu tố, các thế lực thù địch tăng cường chống phá trên không gian mạng. Do đó, việc giáo dục chủ nghĩa yêu nước cho bộ đội càng trở nên quan trọng, cấp thiết.

Nhằm góp phần nâng cao chất lượng công tác giáo dục chủ nghĩa yêu nước cho bộ đội thông qua các tư liệu, hiện vật về Chủ tịch Hồ Chí Minh, Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam cần tiếp tục triển khai nghiên cứu và đẩy mạnh một số giải pháp sau:

Một là, nghiên cứu xây dựng bổ sung các bộ sưu tập hiện vật về Chủ tịch Hồ Chí Minh với Quân đội nhân dân Việt Nam.

Sưu tập hiện vật bảo tàng là cội nguồn, là xương sống tạo nên sự hấp dẫn khách tham quan, nghiên cứu. Công tác xây dựng sưu tập chiếm vị trí quan trọng trong các khâu hoạt động nghiệp vụ của Bảo tàng. Với cơ sở tư liệu, hiện vật được lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam, việc đẩy mạnh nghiên cứu xây dựng sưu tập hiện vật về Bác Hồ với Quân đội nhân dân Việt Nam đã được triển khai từ nhiều năm trước, cụ thể như: sưu tập súng lập chiến công của bộ đội từ năm 1969 - 1975; tình cảm của cán bộ, chiến sĩ đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh qua các tác phẩm văn học nghệ thuật,… Vì vậy, việc tích cực sưu tầm, đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, xây dựng nhiều bộ sưu tập hiện vật về Bác Hồ với Quân đội nhân dân Việt Nam có tính cấp thiết, nhằm sử dụng cho các trưng bày cố định, triển lãm chuyên đề, tạo sự phong phú, hấp dẫn cho khách tham quan. Nội dung trưng bày của Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam về hoạt động này mới chỉ có chuyên đề “Bác Hồ với lực lượng vũ trang nhân dân”, vì vậy, việc sưu tầm mới, nghiên cứu bổ sung các sưu tập hiện vật về Chủ tịch Hồ Chí Minh là yếu tố quan trọng đảm bảo chất lượng của nội dung trưng bày mới.

Hai là, số hóa tư liệu, hiện vật về Chủ tịch Hồ Chí Minh, xây dựng cơ sở dữ liệu số phục vụ các phần mềm trưng bày số của Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam hoặc của các bảo tàng, di tích về Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Việc xây dựng cơ sở dữ liệu số mang lại nhiều lợi ích, cho phép các bảo tàng dễ dàng chia sẻ, tích hợp, chuyển đổi dữ liệu phục vụ cho các phần mềm (chương trình) trưng bày thay vì mượn hiện vật gốc. Năm 2021, thực hiện chỉ đạo của Thủ trưởng Tổng cục Chính trị về việc triển khai phần mềm tham quan Khu Di tích quốc gia đặc biệt Bộ Chỉ huy Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam (Di tích Tà Thiết) và công tác giáo dục chính trị bằng công nghệ 3D, Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam đã phối hợp cùng Viện Khoa học và Công nghệ Quân sự, Bộ Tổng Tham mưu thực hiện nội dung chuyển đổi, tích hợp dữ liệu phần mềm tham quan 3D vào thiết bị giáo dục chính trị và được triển khai rộng rãi trong toàn quân.

Triển khai xây dựng Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam tại vị trí mới, việc số hóa các tư liệu, hiện vật đang được triển khai nghiên cứu. Khi hoàn thành, từ kho cơ sở dữ liệu số, có thể phát triển các chương trình (phần mềm) có nội dung về Chủ tịch Hồ Chí Minh nhằm phục vụ công tác giáo dục chính trị cho cán bộ, chiến sĩ trong toàn quân. Các tư liệu, hiện vật về Chủ tịch Hồ Chí Minh là kho tàng di sản văn hóa quý báu, được lưu giữ từ các bảo tàng, di tích trong nước. Vì vậy, việc số hóa tư liệu, hiện vật mang tính cấp thiết, cần được tiến hành đồng bộ, tạo tiền đề xây dựng sưu tập hiện vật số về Chủ tịch Hồ Chí Minh nhằm góp phần bảo tồn, lưu giữ hiện vật lâu dài, cũng như có nhiều giải pháp tuyên truyền mới phù hợp với xu thế phát triển của xã hội số ngày nay.

Ba là, xây dựng chương trình giáo dục di sản cho học viên, chiến sĩ tại Bảo tàng và ứng dụng tại các đơn vị Quân đội.

Tổ chức chương trình giáo dục di sản là hoạt động phổ biến tại các bảo tàng, góp phần đa dạng hóa hình thức tham quan, tạo điều kiện để khách tham quan, nhất là thế hệ trẻ chủ động nghiên cứu, tìm tòi các vấn đề lịch sử theo sự gợi mở từ hướng dẫn viên. Thời gian qua, Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam đã nghiên cứu, triển khai nhiều chương trình giáo dục di sản dành cho nhiều đối tượng khác nhau, thu hút được nhiều kiến thức thực tế, tạo hiệu ứng tốt, được các đơn vị, nhà trường phản hồi tích cực. Đối với đối tượng là bộ đội, nhất là các chiến sĩ mới, việc có các chương trình giáo dục di sản trong quá trình tham quan tại Bảo tàng sẽ góp phần mang lại hiệu quả giáo dục cao. Do đó, việc nghiên cứu, tổ chức xây dựng và triển khai các chương trình giáo dục di sản về Bác Hồ với Quân đội sẽ là giải pháp phù hợp nhằm đổi mới công tác giáo dục cho bộ đội, nhất là đối tượng tân binh. Bên cạnh đó, các đơn vị có thể tiếp cận hoạt động giáo dục di sản, ứng dụng nội dung giáo dục này trong sinh hoạt tập thể tại đơn vị, tạo điều kiện cho cán bộ, chiến sĩ vừa học tập, vừa giải trí bằng các trò chơi lịch sử với chủ đề về Chủ tịch Hồ Chí Minh sẽ mang lại sự hấp dẫn, bổ ích, niềm vui và sáng tạo cho cán bộ, chiến sĩ.

Bốn là, phối hợp với các cơ quan, bảo tàng và di tích về Chủ tịch Hồ Chí Minh trong công tác tuyên truyền trên website.

Hiện nay, hầu hết các bảo tàng, di tích đều có website là công cụ tuyên truyền chính trên internet, song việc liên kết, phối hợp tuyên truyền còn hạn chế. Đối với website Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam, chuyên mục hiện vật với nhiều bài viết, các tư liệu, hiện vật về Bác Hồ với Quân đội là những câu chuyện lịch sử ý nghĩa, có giá trị giáo dục cao. Vì vậy, các nội dung đó cần được chia sẻ nhiều trên các website của các đơn vị, học viện, nhà trường, bảo tàng và di tích nhằm lan tỏa thông tin cho cán bộ, chiến sĩ tìm đọc. Ngược lại, Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam cũng cần tích cực sưu tầm thông tin, phối hợp cùng các bảo tàng, di tích chia sẻ những nội dung liên quan trên website, góp phần nâng cao hiệu quả công tác.

Bên cạnh đó, website Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam có hệ thống mạng lưới cộng tác viên, trong đó có cộng tác viên là bộ đội từ các đơn vị, học viện, nhà trường. Vì vậy, việc động viên cán bộ, chiến sĩ viết bài tuyên truyền, nhất là các nội dung liên quan đến Chủ tịch Hồ Chí Minh đăng tải trên các kênh thông tin của bảo tàng, di tích hoặc chính các đơn vị, học viện, nhà trường cũng là giải pháp kết hợp nhằm làm tốt công tác giáo dục chính trị cho bộ đội.

Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam ra đời là một tất yếu lịch sử nhằm đáp ứng nhu cầu bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa quân sự Việt Nam; đồng thời, là “trường học lớn” có chức năng giáo dục cho cán bộ, chiến sĩ trong toàn quân. Thông qua các tư liệu, hiện vật trưng bày, nhất là về Chủ tịch Hồ Chí Minh với các lực lượng vũ trang nhân dân đã góp phần trang bị thế giới quan khoa học, nâng cao bản lĩnh chính trị, ý thức trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ, đặc biệt là chủ nghĩa yêu nước, tinh thần cách mạng của cán bộ, chiến sĩ; đồng thời, nêu cao ý thức tu dưỡng, rèn luyện theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, phát huy phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”, sẵn sàng nhận và hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao./.

Chú thích:

(1) Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 7, Sđd, tr. 38.

(2) Danh mục hiện vật trưng bày Chuyên đề Chủ tịch Hồ Chí Minh với Quân đội nhân dân Việt Nam, thuộc dự án trưng bày Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam tại vị trí mới.

Thượng tá, ThS Lê Vũ Huy

Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam

Bài viết khác: