Sư đoàn 324 (Đoàn Ngự Bình), Quân khu 4 được thành lập ngày 01/7/1955 tại xã Triêu Dương, huyện Tĩnh Gia, tỉnh Thanh Hóa. Trưởng thành qua từng trận đánh, lớn mạnh cùng lịch sử và tình yêu quê hương, đất nước, trải qua 68 năm chiến đấu và xây dựng, Sư đoàn không ngừng lớn mạnh và trưởng thành, lập được nhiều chiến công xuất sắc, hoàn thành thắng lợi mọi nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước, Quân đội và Nhân dân giao. Sư đoàn đã được Đảng và Nhà nước 02 lần tuyên dương Danh hiệu đơn vị Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, tô thắm thêm truyền thống:“Trung dũng, kiên cường, liên tục tiến công, đoàn kết chiến thắng”và luôn xứng đáng với lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh:“Quân đội ta trung với Ðảng, hiếu với dân, sẵn sàng chiến đấu hi sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội. Nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng”.

Truyền thống đó được dựng xây bằng mồ hôi, nước mắt và cả xương máu của các thế hệ cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn; được ghi dấu bằng những chiến công oai hùng trong lịch sử và chỉ có thể có được từ một đội quân có kỷ luật nghiêm minh, đoàn kết chặt chẽ, gắn bó máu thịt với nhân dân.

Với đặc thù là đơn vị chủ lực, đủ quân của Quân khu và Bộ, nhiệm vụ chính trị trung tâm là huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, cơ động giúp đỡ nhân dân phòng, chống, khắc phục thiên tai, bão, lụt, cháy rừng, tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn… Quá trình thực hiện nhiệm vụ, Sư đoàn luôn nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, Thủ trưởng Bộ Tư lệnh và các cơ quan Quân khu, sự phối hợp chặt chẽ và giúp đỡ có hiệu quả của cấp ủy, chính quyền, nhân dân trên địa bàn đứng chân. Đặc biệt, cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn chủ yếu đến từ 6 tỉnh thuộc Quân khu 4, mảnh đất địa linh, nhân kiệt, giàu truyền thống cách mạng, là cơ sở điều kiện thuận lợi để Sư đoàn hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao, giữ vững và phát huy phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ” trên quê hương Bác.

Trên địa bàn đứng chân tại Nghệ An của Sư đoàn có rất nhiều khu di tích, địa chỉ đỏ, trong đó có Khu Di tích Kim Liên, cách sở chỉ huy Sư đoàn khoảng 30km. Khu Di tích Kim Liên là Di tích quốc gia đặc biệt, nơi lưu giữ những di vật vô giá liên quan đến cuộc đời và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới. Nhiều năm qua, Khu Di tích Kim Liên đã được Nhà nước quan tâm, bảo tồn, tôn tạo, nhằm thể hiện lòng tôn kính của toàn thể nhân dân Việt Nam đối với Bác Hồ kính yêu; đồng thời, góp phần gìn giữ và phát huy những giá trị lịch sử, văn hóa thiêng liêng của dân tộc.

Có thể nói, đây là điều kiện thuận lợi cho Sư đoàn trong công tác giáo dục truyền thống, giáo dục tình yêu quê hương, đất nước cho cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn; bởi công tác giáo dục truyền thống, giáo dục những giá trị tốt đẹp của dân tộc, của Đảng, của quân và dân ta trong công cuộc đấu tranh bảo vệ và xây dựng đất nước hiện nay đang là vấn đề cấp thiết; qua đó xây dựng và phát huy tinh thần đoàn kết, ý thức tự cường, tự tôn dân tộc trong thời đại hội nhập và phát triển, góp phần khơi dậy tình yêu quê hương, đất nước trong mỗi cán bộ, chiến sĩ Đoàn Ngự Bình anh hùng.

Nhận thức sâu sắc công tác giáo dục chính trị là nhiệm vụ có vị trí ý nghĩa, vai trò to lớn đối với chất lượng hoàn thành nhiệm vụ của đơn vị. Những năm qua, Đảng ủy, chỉ huy Sư đoàn luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo đổi mới nội dung, hình thức, biện pháp giáo dục chính trị, giáo dục pháp luật cho bộ đội; chú trọng hình thức học tập chính trị thông qua lên lớp bài giảng chính trị gắn với hoạt động thực tiễn như: Tham quan nhà truyền thống, bảo tàng, di tích lịch sử, nhất là Khu Di tích Kim Liên; tuyên truyền trên truyền thanh nội bộ, pa nô, áp phích, băng rôn, khẩu hiệu; thông qua các hội thi tìm hiểu, kể chuyện chiến đấu, trận đánh nổi bật của Quân đội và đơn vị, giao lưu với nhân chứng lịch sử… Qua đó, giúp cán bộ, chiến sĩ dễ hiểu, dễ tiếp thu nội dung học tập, khơi dậy niềm tự hào, lòng yêu nước và tình cảm biết ơn sâu sắc công lao to lớn của các thế hệ cha anh.

Đặc biệt, trong những ngày lễ lớn của Đảng, Nhà nước, nhất là dịp kỷ niệm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh 19/5, Sư đoàn thường xuyên tổ chức các hoạt động “về nguồn”, các hoạt động giáo dục tại Khu Di tích Kim Liên và Khu Di tích Truông Bồn. Những cán bộ, chiến sĩ tiêu biểu, có nhiều thành tích xuất sắc trong quá trình học tập, công tác là những đại diện ưu tú của Sư đoàn được tham quan, trải nghiệm tại Khu Di tích.

Với mong muốn mỗi cán bộ, chiến sĩ tiếp tục giữ gìn các giá trị truyền thống của dân tộc, phát huy tinh thần yêu nước, rèn luyện bản lĩnh trong quá trình công tác tại đơn vị, mỗi dịp về với Khu Di tích Kim Liên là về với vùng đất giàu truyền thống lịch sử văn hóa, để được tìm hiểu, được nghe và thấy ngọn nguồn văn hóa đã sinh ra và nuôi dưỡng một người con ưu tú “đã làm rạng rỡ non sông đất nước ta”. Với quần thể cụm di tích Hoàng Trù, Làng Sen, Khu mộ Bà Hoàng Thị Loan, các di tích về thời niên thiếu của Chủ tịch Hồ Chí Minh và hai lần Người về thăm quê, hơn 10 di tích được Bộ Văn hóa - Thông tin xếp hạng Di tích lịch sử văn hóa Quốc gia.

Cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn còn được tham quan, tìm hiểu những tài liệu, hiện vật trưng bày tại Khu Di tích Kim Liên mang nội dung ý nghĩa và giá trị giáo dục sâu sắc, phản ánh truyền thống và đời sống của một vùng quê trong một quá trình lịch sử, mảnh đất đã hun đúc và nuôi dưỡng con người Hồ Chí Minh, phản ánh cuộc sống gia đình, tuổi thơ của Chủ tịch Hồ Chí Minh và những nhân tố hình thành nên nhân cách của Người. Bởi thực tế, quần thể Khu Di tích Kim Liên chứa đựng truyền thống yêu nước, tinh thần kiên cường, bất khuất; truyền thống văn hóa; truyền thống hiếu học, tôn sư trọng đạo; lòng nhân ái bao la, đức hi sinh cao cả của con người xứ Nghệ.

Hiểu về giá trị văn hóa lịch sử của Khu Di tích Kim Liên giúp cho cán bộ, chiến sĩ hiểu sâu sắc hơn về truyền thống của quê hương, đất nước, nhất là hiểu rõ hơn về cuộc đời và thân thế, sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại. Qua đó, từng cán bộ, chiến sĩ xây dựng bản lĩnh chính trị vững vàng, phẩm chất đạo đức tốt, tình yêu thương đồng chí, đồng đội; hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao, làm cơ sở nâng cao chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu của đơn vị.

 Thế hệ cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn 324 hôm nay đều trưởng thành trong thời bình, chủ yếu được rèn luyện, thử thách trong nhà trường và trên thao trường. Thời gian qua, phát huy giá trị lịch sử Khu Di tích Kim Liên trong công tác giáo dục truyền thống nói chung và giáo dục tình yêu quê hương, đất nước nói riêng của Sư đoàn, đã phần nào cụ thể hóa việc đổi mới nội dung, đa dạng hóa hình thức tuyên truyền về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Bên cạnh các chủ trương, biện pháp lãnh đạo, chỉ đạo cụ thể hóa thực hiện các tiêu chí, đăng ký phấn đấu học tập và làm theo Bác sát chức trách, nhiệm vụ, cấp ủy, chỉ huy các cấp trong Sư đoànđã triển khai nhiều hoạt động cụ thể, thiết thực, đưa việc học và làm theo Bác gắn với thực tiễn thực hiện nhiệm vụ chính trị của từng cơ quan, đơn vị. Đồng thời, là nguồn động lực tinh thần to lớn để mỗi cán bộ, chiến sĩ dũng cảm, kiên cường vượt qua mọi khó khăn, thách thức, giữ vững phẩm chất, đạo đức của người quân nhân cách mạng, giữ vững và phát huy phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”, kiên quyết đấu tranh chống lại những luận điệu xấu độc, thủ đoạn nguy hiểm của các thế lực thù địch, tích cực tu dưỡng, rèn luyện để tránh sự suy thoái về tư tưởng chính trị, phẩm chất, đạo đức lối sống, sa vào chủ nghĩa cá nhân, ích kỷ, hẹp hòi, hư hỏng, biến chất làm mờ nhạt hình ảnh “Bộ đội Cụ Hồ”. 

Tự hào về truyền thống của dân tộc, truyền thống Quân đội anh hùng; cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn nguyện tiếp tục phát huy truyền thống hào hùng của dân tộc, của Quân đội và truyền thống Sư đoàn 02 lần Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, đoàn kết thống nhất, trên dưới đồng lòng, khắc phục khó khăn, phấn đấu vươn lên hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao, xây dựng Đảng bộ trong sạch vững mạnh tiêu biểu, Sư đoàn vững mạnh toàn diện “mẫu mực, tiêu biểu”, góp phần thực hiện thắng lợi sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới./.

Thiếu tá Nguyễn Xuân Chiến

Trưởng ban Tuyên huấn, Sư đoàn 324, Quân khu 4

Bài viết khác: