Trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm, chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ có đủ phẩm chất, năng lực và coi đó là vấn đề có tầm quan trọng chiến lược, nhân tố quyết định sự thành bại của cách mạng, là khâu then chốt trong công tác xây dựng Đảng và sự nghiệp cách mạng. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, cán bộ có vị trí rất quan trọng, là chủ thể của sự nghiệp cách mạng “Muôn việc thành công hoặc thất bại đều do cán bộ tốt hay kém. Cán bộ là cái gốc của mọi công việc…”(1). Về mục đích của công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Học để làm việc, làm người, làm cán bộ. Học để phụng sự đoàn thể, giai cấp và nhân dân, Tổ quốc và nhân loại… Học để sửa chữa tư tưởng... tu dưỡng đạo đức cách mạng... Học để tin tưởng... Học để hành”(2). Đó là những tư tưởng lớn chỉ đạo xuyên suốt toàn bộ công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ.
Theo Hồ Chí Minh, muốn có cán bộ tốt thì Đảng phải tích cực bồi dưỡng để cán bộ có kiến thức sâu rộng, đáp ứng nhiệm vụ của đoàn thể giao cho. Việc đào tạo, bồi dưỡng cán bộ phải toàn diện, chuyên sâu và có phương pháp khoa học, coi đây là khâu có ý nghĩa quyết định đến chất lượng cán bộ. Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ về phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, phương pháp, tác phong công tác, chấp hành kỷ luật và cách ứng xử, tính nêu gương trong các mối quan hệ xã hội của cán bộ, nhất là bồi dưỡng về chuyên môn nghề nghiệp, lý luận, chính trị, văn hóa,... cả đức và tài trong đó đức làm gốc. Nội dung đào tạo, bồi dưỡng cụ thể; phương pháp sát, hợp với đặc thù thực tiễn công tác cán bộ, làm việc gì học việc ấy. Phương châm là coi trọng tính thiết thực vững chắc, thường xuyên, công phu, kiên trì, lâu dài; bồi dưỡng cán bộ phải gắn lý luận với thực tiễn, kinh nghiệm với thực tế phải đi liền với nhau. Kiên quyết, khắc phục việc bồi dưỡng cán bộ thiếu hiệu quả, không sử dụng được.
Nội dung đào tạo, bồi dưỡng theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, cần tập trung vào lý luận, chính cương của Đảng, chính sách, tình hình trong nước và trên thế giới; hiểu lý luận, tinh thần của chủ nghĩa Mác - Lênin để áp dụng lập trường, quan điểm và phương pháp ấy mà giải quyết cho tốt những vấn đề thực tế trong công tác cách mạng, là cốt để áp dụng vào thực tế “lý luận liên hệ với thực tế” cho hợp với điều kiện cụ thể: “Người cách mạng ắt phải học chủ nghĩa Mác. Không học hiểu chủ nghĩa Mác, thì như nhắm mắt đi đêm. Càng hiểu chủ nghĩa Mác, thì công tác càng tiến bộ, tư tưởng càng đứng đắn, lập trường càng vững chắc, tin tưởng càng nồng nàn, cách mạng càng mau thắng lợi”(3); bồi dưỡng nghề nghiệp chuyên môn mà Đảng và Chính phủ giao cho mình phụ trách “Cán bộ phải ra sức học tập văn hóa và chính trị, phải gương mẫu trong công tác và sản xuất, phải thiết thực quan tâm đến đời sống của nhân dân”(4). Bồi dưỡng tính đảng, tính kỷ luật cho cán bộ, đảng viên để cán bộ có tính tốt, như: quyết tâm, gan dạ, kiên quyết, không sợ khó, không sợ khổ, được bồi dưỡng tính tổ chức, kỷ luật, tính nguyên tắc trong sinh hoạt. Nếu mỗi cán bộ mà kém tính đảng, tính kỷ luật sẽ nảy sinh những thứ bệnh sau này, như: bệnh ba hoa, chủ quan, địa phương, hình thức, ham danh vị, ích kỷ, thiếu kỷ luật, hủ hóa, cẩu thả, thiếu ngăn nắp, xa quần chúng, lười biếng,...
Hình thức đào tạo, bồi dưỡng phải đa dạng, coi trọng bồi dưỡng thực tế “học đi đôi với hành”, với rèn luyện, thử thách cán bộ, nếu cán bộ không chịu nổi thử thách, trước sự kiểm tra nghiêm khắc mà công bằng của quần chúng, thì người ấy chỉ có thể mình tự trách mình. Nếu vượt qua khó khăn trong thử thách thì chắc chắn thành người cán bộ tốt. Đồng thời, Hồ Chí Minh yêu cầu mỗi cán bộ nêu cao tinh thần tự bồi dưỡng, phấn đấu vươn nên “Nếu không cố gắng để tiến bộ, thì tức là thoái bộ, là lạc hậu. Mà thoái bộ và lạc hậu sẽ bị xã hội tiến bộ sa thải”(5).
Quán triệt tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ Quân đội hiện nay là vấn đề có ý nghĩa vô cùng quan trọng:Những năm qua, công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ Quân đội thường xuyên được Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ, toàn diện và đạt được nhiều kết quả quan trọng. Hệ thống nhà trường Quân đội được tổ chức, sắp xếp từng bước tinh, gọn, theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa. Chương trình đào tạo đã được xây dựng và thường xuyên rà soát, điều chỉnh, cập nhật, bổ sung, thể hiện được tính khoa học, thực tiễn, kế thừa và liên thông. Nội dung đào tạo bảo đảm cơ bản, toàn diện, hệ thống, thiết thực. Đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục thường xuyên được kiện toàn, bảo đảm đủ về số lượng, chất lượng và từng bước chuẩn hóa. Cơ sở vật chất, trang thiết bị đào tạo được đầu tư ngày càng hiện đại. Cán bộ qua đào tạo, bồi dưỡng có phẩm chất, năng lực hoàn thành chức trách, nhiệm vụ theo mục tiêu đào tạo và có khả năng phát triển, góp phần quan trọng nâng cao chất lượng tổng hợp và sức mạnh chiến đấu của Quân đội. Tuy nhiên, ở một số cấp ủy và cán bộ chủ trì chưa thực sự quan tâm đúng mức đến công tác quy hoạch, đào tạo, luân chuyển và bố trí sử dụng cán bộ; công tác chuẩn bị nguồn, bồi dưỡng nguồn đào tạo chưa toàn diện. Quy trình đào tạo một số đối tượng chưa phù hợp, một số chương trình đào tạo chưa tích hợp, chưa gắn với yêu cầu sử dụng cán bộ, nhất là đào tạo theo chức vụ; xây dựng chuẩn đầu ra chương trình đào tạo chưa kịp thời, chưa đồng bộ và thống nhất “nội dung, chương trình huấn luyện, đào tạo ở nhà trường chưa theo kịp yêu cầu thực tiễn huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, xây dựng đơn vị”(6); trình độ của một số cán bộ sau khi đào tạo chưa thích ứng với điều kiện, môi trường công tác mới, kinh nghiệm thực tiễn, trình độ ngoại ngữ, tin học còn hạn chế.
Những năm tới, tình hình thế giới, khu vực dự báo tiếp tục có nhiều biến động nhanh chóng, phức tạp. Cách mạng khoa học công nghệ, nhất là công nghệ số phát triển mạnh mẽ, tạo đột phá trên nhiều lĩnh vực, trong đó có giáo dục và đào tạo.Để đáp ứng yêu cầu xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, ưu tiên hiện đại hóa một số quân chủng, binh chủng, lực lượng tạo tiền đề vững chắc để phấn đấu từ năm 2030 xây dựng Quân đội hiện đại, đòi hỏi các cấp ủy, tổ chức đảng, cán bộ chủ trì, cơ quan chức năng, đơn vị, nhà trường Quân đội tiếp tục nghiên cứu, vận dụng sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh trong đào tạo, bồi dưỡng cán bộ Quân đội hiện nay, theo đó, cần thực thực hiện một số nội dung, biện pháp sau:
Một là, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức đảng, cán bộ chủ trì, cơ quan chức năng, đơn vị, nhà trường quân đội đối với công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ quân đội.
Theo đó, các cấp tiếp tục nghiên cứu vận dụng sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, quán triệt, nắm vững quan điểm, chủ trương Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ Quân đội lần thứ XI về giáo dục, đào tạo để tiếp tục vận dụng, cụ thể hóa vào nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ ở từng cấp, đáp ứng yêu cầu, mục tiêu xây dựng Quân đội hiện đại. Trước hết, phải quán triệt, nắm vững Nghị quyết số 109-NQ/QUTW, ngày 11/2/2019 của Quân ủy Trung ương về xây dựng đội ngũ cán bộ quân đội, nhất là cấp chiến dịch, chiến lược đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ tình hình mới; Nghị quyết số 1659-NQ/QUTW, ngày 20/12/2022 của Quân ủy Trung ươngvề nâng cao chất lượng huấn luyện giai đoạn 2023 - 2030 và những năm tiếp theo; Nghị quyết số 1657-NQ/QUTW, ngày 20/12/2022 của Quân ủy Trung ương về đổi mới công tác giáo dục và đào tạo đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ xây dựng Quân đội trong tình hình mới; Chiến lược phát triển giáo dục, đào tạo trong Quân đội giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2045 ; Quy chế công tác cán bộ trong Quân đội nhân dân Việt Nam ban hành kèm theo Quyết định số 548-QĐ/QUTW, ngày 29/5/2018 của Quân ủy Trung ương; Thông tư số 02/2023/TT-BQP, ngày 12/01/2023 của Bộ Quốc phòng quy định về đối tượng, tiêu chuẩn đào tạo cán bộ Quân đội nhân dân Việt Nam; Đề án xây dựng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục trong Quân đội đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo trong Quân đội 2020 - 2030,… từ đó nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò của cán bộ, công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ; thấy hết được những thuận lợi, khó khăn và sự cần thiết phải nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ quân đội, đáp ứng yêu cầu xây dựng Quân đội thời kỳ mới.
Hai là, nắm chắc nhu cầu biên chế, số, chất lượng đội ngũ cán bộ, xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng gắn với công tác quy hoạch cán bộ; nâng cao chất lượng công tác tạo nguồn, bồi dưỡng nguồn đào tạo cán bộ các cấp; kết hợp chặt chẽ giữa đào tạo, bồi dưỡng với luân chuyển cán bộ.
Công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ quân đội phải có quy hoạch cụ thể ở từng vị trí, chức danh cán bộ đúng Hướng dẫn 1124/HD-CT, ngày 07/7/2022 của Tổng cục Chính trị, kết hợp chặt chẽ đào tạo, bồi dưỡng với luân chuyển cán bộ theo Quy định số 1663-QĐ/QUTW, ngày 21/12/2022 của Quân ủy Trung ương“về luân chuyển cán bộ trong Quân đội nhân dân Việt Nam”. Trước hết, tập trung nâng cao chất lượng xây dựng kế hoạch tạo nguồn đào tạo cán bộ trong nước và nước ngoài; đồng thời, tổ chức tạo nguồn, bồi dưỡng nguồn đào tạo các cấp, nhất là ngoại ngữ cho nguồn đào tạo nước ngoài, nguồn đào tạo sau đại học; tổ chức tốt dự khóa cho nguồn đào tạo sau đại học và nguồn đi học ở nước ngoài. Nâng cao chất lượng tạo nguồn đào tạo cán bộ cấp phân đội, tuyển chọn đúng đối tượng, đủ tiêu chuẩn theo quy định; thực hiện tốt công tác quy hoạch, gắn công tác quy hoạch với công tác đào tạo cán bộ, nhất là đào tạo cấp trung đoàn, sư đoàn và đào tạo cán bộ cấp chiến dịch, chiến lược.
Đào tạo cán bộ mới chỉ là khâu cơ bản; để có kiến thức thực tiễn làm việc, đòi hỏi phải tiếp tục đào tạo lại, bồi dưỡng tại chỗ, kết hợp chặt chẽ với công tác luân chuyển cán bộ, thực tế, dự nhiệm để bổ sung kiến thức, kinh nghiệm lẫn nhau, thực hiện việc điều động giữa cán bộ ở nhà trường về đơn vị cơ sở, cán bộ cơ quan về đơn vị và ngược lại, để chuẩn hóa đội ngũ cán bộ theo tiêu chí xác định: đánh giá, quy hoạch, đào tạo, bố trí, sắp xếp và luân chuyển cán bộ giữa các cơ quan, đơn vị, trước hết là đội ngũ cán bộ chủ trì lãnh đạo, chỉ huy các cấp, tăng cường việc rèn luyện, thử thách, để nâng cao bản lĩnh chính trị và năng lực lãnh đạo, chỉ huy của cán bộ.
Ba là, tiếp tục hoàn thiện mục tiêu, đổi mới quy trình, chương trình đào tạo, xây dựng chuẩn đầu ra chương trình đào tạo cho từng đối tượng.
Đổi mới, hoàn thiện mục tiêu đào tạo, chuẩn đầu ra và chuẩn hóa, hiện đại hóa chương trình,nội dung, hình thức, phương pháp đào tạo, bồi dưỡng cán bộ quân độilà xu thế tất yếu của quá trình đào tạo. Tập trung rà soát, đổi mới quy trình đào tạo theo hướng rút ngắn thời gian đào tạo tại nhà trường, tăng cường thực hành, thực tập, thực tế, tự học của học viên, tạo điều kiện cho cán bộ có nhiều thời gian công tác và trưởng thành từ thực tế. Xây dựng chuẩn đầu ra các chương trình đào tạo phải nhất quán với mục tiêu, yêu cầu đào tạo và phù hợp với từng đối tượng, sát với chức danh đảm nhiệm sau khi tốt nghiệp, thực tế huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu và yêu cầu xây dựng Quân đội.
Việc đổi mới quy trình, chương trình đào tạo phải khoa học, cơ bản, thiết thực, toàn diện, đồng bộ, hiện đại; bảo đảm tích hợp, liên thông giữa các cấp học, bậc học nhằm đào tạo đội ngũ cán bộ có bản lĩnh chính trị vững vàng, có phẩm chất đạo đức cách mạng, có kiến thức năng lực toàn diện, chuyên nghiệp, theo yêu cầu nhiệm vụ.
Bốn là, đổi mới nội dung, hình thức, phương pháp đào tạo, bồi dưỡng cán bộ quân đội sát chức trách, nhiệm vụ ở từng cấp.
Tích cực, chủ động nghiên cứu, điều chỉnh, bổ sung kiến thức và cập nhật thông tin mới vào nội dung đào tạo theo hướng giảm lý thuyết, tăng thực hành, sát thực tế. Chú trọng gắn kết chặt chẽ giữa giáo dục với đào tạo toàn diện về đức, trí, thể, mỹ; tăng cường rèn luyện bản lĩnh chính trị, lập trường giai cấp công nhân; bồi dưỡng phẩm chất đạo đức đi đôi với trang bị kiến thức chuyên môn nghiệp vụ, pháp luật, phương pháp, tác phong công tác, trình độ ngoại ngữ, công nghệ thông tin cho cán bộ, đặc biệt đối với cán bộ cấp chiến dịch, chiến lược. Nội dung đào tạo, bồi dưỡng cần coi trọng kiến thức, kỹ năng, tay nghề, kinh nghiệm, phương pháp quản lý, chỉ huy, điều hành đơn vị, nâng cao khả năng vận dụng kiến thức vào thực tiễn; phát triển tư duy sáng tạo, khả năng phát hiện và giải quyết vấn đề từ thực tiễn công tác lãnh đạo, quản lý, chỉ huy; đề xuất những chủ trương, biện pháp lãnh đạo sát, đúng từng cấp, có khả năng nghiên cứu, tham mưu đề xuất cho lãnh đạo, chỉ huy tổng kết, hoạch định chính sách ở tầm chiến lược, có khả năng phát hiện, dự báo, quyết sách những vấn đề lớn, phạm vi ảnh hưởng rộng lớn.Xây dựng đội ngũ cán bộ có phẩm chất, năng lực, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ đặt ra. Trước hết, “Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ quân đội, nhất là cấp chiến dịch, chiến lược có bản lĩnh chính trị vững vàng, tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với Đảng, với Nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa; có phẩm chất đạo đức trong sáng, ý thức tổ chức kỷ luật nghiêm; kiến thức năng lực toàn diện, tín nhiệm, sức khỏe, độ tuổi phù hợp; có số lượng và cơ cấu hợp lý, chất lượng cao, bảo đảm sự chuyển tiếp vững chắc giữa các thế hệ, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ xây dựng Quân đội thời kỳ mới”(6).
Thực hiện đào tạo, bồi dưỡng cán bộ theo chức vụ gắn với trình độ học vấn và lý luận chính trị tương ứng; vận dụng tốt 3 quan điểm, 8 nguyên tắc, 6 mối kết hợp trong huấn luyện, bồi dưỡng với sử dụng cán bộ; thực hiện tốt phương châm “Chất lượng đào tạo của nhà trường là khả năng sẵn sàng chiến đấu của đơn vị”. Hình thức đào tạo linh hoạt, kết hợp giữa đào tạo dài hạn với ngắn hạn và bồi dưỡng tại chỗ theo hướng thiết thực “yếu gì, bồi dưỡng ấy”, bằng các hình thức, như: cấp trên bồi dưỡng cấp dưới, cán bộ bồi dưỡng lẫn nhau, kết hợp tập huấn cán bộ các cấp,tổ chức hội thi, hội thao, hội giảng, sơ kết, tổng kết, rút kinh nghiệm, đưa cán bộ vào hoạt động thực tiễn để bồi dưỡng, nâng cao trình độ kiến thức, kinh nghiệm, kỹ năng nghề nghiệp cho đội ngũ cán bộ.
Năm là, nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục ở các cơ sở đào tạo trong Quân đội; đầu tư cơ sở vật chất, giảng đường, thao trường, cơ sở nghiên cứu thực hành.
Đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục có vai trò quyết định trong việc bảo đảm chất lượng đào tạo tại các nhà trường Quân đội; do vậy, xây dựng đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục phải đạt chuẩn theo quy định của Nhà nước, Bộ Quốc phòng, bảo đảm đủ về số lượng, có cơ cấu hợp lý, có trình độ, chức danh, đáp ứng yêu cầu công tác và có sự chuyển tiếp vững chắc giữa các thế hệ.
Thực hiện tốt việc chuẩn hóa đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục theo từng cấp học, bậc học; quan tâm đúng mức đến nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo, xây dựng, chuẩn hóa đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục có trình độ tương xứng với công việc, ngành đào tạo; thực hiện tốt bồi dưỡng, rèn luyện đội ngũ nhà giáo, nhà khoa học qua thực tiễn; đổi mới và tăng cường chế độ luân phiên đi thực tế bằng nhiều hình thức theo hướng rút ngắn thời gian, tăng số lần và số lượng nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục đi thực tế; thực hiện tốt quy trình, kế hoạch tạo nguồn, tuyển chọn, đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục, nhất là cán bộ chủ trì, người đứng đầu các nhà trường. Quan tâm xây dựng, bảo đảm tốt chính sách cán bộ, nhất là cán bộ trực tiếp giảng dạy, cán bộ quản lý giáo dục,…
Hiện đại hóa cơ sở vật chất, trang thiết bị đào tạo; tập trung xây dựng trung tâm điều hành huấn luyện, thao trường, bãi tập, phòng học chuyên dùng, phòng thí nghiệm, cơ sở thực hành, bổ sung vũ khí, trang bị kỹ thuật hiện đại hoặc hệ thống mô phỏng cho các nhà trường; tăng cường ứng dụng khoa học, công nghệ và chuyển đổi số vào hoạt động giáo dục; tạo điều kiện để đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục thực hiện tốt nhiệm vụ giáo dục và đào tạo, khai thác có hiệu quả cơ sở vật chất, phương tiện kỹ thuật phục vụ giảng dạy và nghiên cứu khoa học.
Sáu là, tăng cường hợp tác quốc tế trong đào tạo, bồi dưỡng cán bộ Quân đội, chủ động làm tốt công tác tuyển chọn, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, đáp ứng yêu cầu mới trong hợp tác quốc tế về quốc phòng.
Hợp tác quốc tế trong đào tạo, bồi dưỡng cán bộ Quân đội là một phương cách hữu hiệu để xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu xây dựng Quân đội trong tình hình mới; do vậy, trong hợp tác đào tạo phải thực hiện tốt công tác quy hoạch; đào tạo phải gắn với sử dụng, bảo đảm tính đồng bộ, thiết thực, hiêu quả; hợp tác toàn diện nhưng phải quan tâm đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, chú trọng đào tạo cơ bản, dài hạn và chuyên sâu, đồng bộ với trang bị vũ khí của Quân đội.
Chủ động mở rộng hợp tác đào tạo với các nước, nhất là các nước có nền khoa học kỹ thuật và công nghệ phát triển, trước hết là các nước bè bạn truyền thống và các nước có thế mạnh trên từng lĩnh vực; đồng thời, tranh thủ cơ hội để mở ra các địa bàn khác; ưu tiên đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, chuyên sâu, mũi nhọn phục vụ công tác chỉ huy, nghiên cứu, thiết kế, chế tạo, sản xuất, sửa chữa, cải tạo, hiện đại hóa các vũ khí, trang bị kỹ thuật để phát triển công nghiệp quốc phòng và hiện đại hóa Quân đội.
Bảy là, phát huy tính chủ động, tích cực tự bồi dưỡng nâng cao phẩm chất, năng lực của đội ngũ cán bộ quân đội đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ được giao.
Phẩm chất, năng lực, phương pháp tác phong công tác của mỗi cán bộ quân đội đạt đến mức độ nào, trước hết phụ thuộc có tính quyết định “tự thân” vận động, bên cạnh việc đào tạo, bồi dưỡng của tổ chức thì mỗi cán bộ quân đội phải chủ động đối chiếu, so sánh giữa kiến thức được trang bị với thực tiễn sinh động đang cần, tự tìm ra những hạn chế của chính mình về kiến thức, kỹ năng để có biện pháp “tự soi, tự sửa”, tự tích lũy, củng cố, hoàn thiện, phát triển trình độ, kiến thức, kinh nghiệm công tác, từ đó nêu cao tính chủ động tìm tòi, sáng tạo trong công việc, biết vận dụng kiến thức linh hoạt, sáng tạo vào giải quyết các công việc thực tiễn đặt ra, không rập khuôn máy móc; đồng thời, tích cực cập nhật kiến thức bồi dưỡng của cấp trên, học hỏi cấp dưới và ở nhân dân để không bị lạc hậu, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao./.
Chú thích:
(1) Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 5, Sđd, tr. 309, 280.
(2) Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 5, Sđd, tr. 208, 360.
(3) Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 7, Sđd, tr.559.
(4) Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 5, Sđd, tr.413.
(5) Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 5, Sđd, tr.602.
(6) Đảng bộ Quân đội, Báo cáo chính trị của Quân ủy Trung ương nhiệm kỳ 2020 - 2025 tại Đại hội đại biểu Đảng bộ Quân đội lần thứ XI, ngày 09/10/2020, tr. 16.
Cục Cán bộ, Tổng cục Chính trị QĐNDVN