Là một trung tâm hàng đầu về đào tạo, nghiên cứu khoa học xã hội và nhân văn quân sự của Quân đội và quốc gia, Học viện Chính trị được Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng giao nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ chính trị, giảng viên khoa học xã hội và nhân văn trình độ cử nhân và sau đại học cho Quân đội và thực hiện một số nhiệm vụ khác. Trải qua hơn 70 năm thực hiện nhiệm vụ, Học viện đã luôn bám sát chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước, tình hình thực tiễn nhiệm vụ Quân đội, đặc biệt là thực hiện nghiêm túc theo chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh để không ngừng nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo và nghiên cứu khoa học.
Trong tình hình hiện nay, để đáp ứng yêu cầu “đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục, đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao”(1); thực hiện “Chiến lược phát triển giáo dục và đào tạo trong quân đội giai đoạn 2011-2020 và những năm tiếp theo”; đồng thời, đổi mới, nâng cao chất lượng nghiên cứu khoa học xã hội và nhân văn, đòi hỏi Học viện Chính trị phải tiếp tục thực hiện theo di huấn của Chủ tịch Hồ Chí Minh để nâng cao hơn nữa chất lượng giáo dục, đào tạo và nghiên cứu khoa học, góp phần thực hiện thắng lợi sự nghiệp xây dựng Quân đội tinh, gọn, mạnh vào năm 2025 và cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại vào năm 2030(2).
1. Nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo
Một là, về thực hiện mục tiêu, phương châm và đổi mới nội dung giáo dục, đào tạo.
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng mục tiêu của giáo dục và đào tạo dưới chế độ mới là : “học để: Yêu Tổ quốc… Yêu nhân dân… Yêu lao động… Yêu khoa học… Yêu đạo đức... Học để phụng sự ai? Để phụng sự Tổ quốc, phụng sự nhân dân, làm cho dân giàu, nước mạnh”(3); “Học để phụng sự đoàn thể, giai cấp và nhân dân, Tổ quốc và nhân loại”(4).
Tư tưởng dạy và học để phục vụ Tổ quốc, phục vụ nhân dân được Hồ Chí Minh quán triệt thực hiện trong ngành giáo dục và toàn xã hội. Người yêu cầu ngành giáo dục phải sửa đổi triệt để chương trình, nội dung, sách giáo khoa cho phù hợp với sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc, khôi phục kinh tế, quốc phòng.
Theo Hồ Chí Minh, quá trình giáo dục và đào tạo, cần thực hiện phương châm học đi đôi với hành; lý luận gắn liền với thực tiễn. Đây là hai khâu của quá trình nhận thức gắn bó khăng khít với nhau, chỉ khi học đi đôi với hành, lý luận gắn với thực tiễn, học tập kết hợp với lao động sản xuất thì người học mới rèn luyện được cả tri thức và kỹ năng, mới gắn tri thức với thực tiễn xã hội. Người chỉ rõ: “Lý luận phải đem ra thực hành. Thực hành phải nhằm theo lý luận. Lý luận cũng như cái tên (hoặc viên đạn). Thực hành cũng như cái đích để bắn. Có tên mà không bắn, hoặc bắn lung tung, cũng như không có tên. Lý luận cốt để áp dụng vào thực tế. Chỉ học thuộc lòng, để đem loè thiên hạ thì lý luận ấy cũng vô ích.”(5).
Nét đặc sắc trong tư tưởng Hồ Chí Minh về nội dung giáo dục và đào tạo là phải chú trọng giáo dục toàn diện. Người yêu cầu phải chú trọng giáo dục toàn diện, đủ các mặt: đạo đức cách mạng, giác ngộ xã hội chủ nghĩa, văn hóa, kỹ thuật, lao động và sản xuất; đồng thời, phải ra sức tẩy sạch ảnh hưởng giáo dục nô dịch của thực dân còn sót lại như thái độ thờ ơ với xã hội, xa vời đời sống lao động và đấu tranh của nhân dân, học để lấy bằng cấp…
Quán triệt di huấn của Người và thực hiện chủ trương “chuyển mạnh quá trình giáo dục chủ yếu từ trang bị kiến thức sang phát triển toàn diện năng lực, phẩm chất người học; học đi đôi với hành, lý luận gắn với thực tiễn”(6), Học viện Chính trị tiếp tục chủ trương nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo để đào tạo đội ngũ cán bộ chính trị và đội ngũ giảng viên khoa học xã hội và nhân văn quân sự trở thành những cán bộ quân đội và những giảng viên có trình độ, năng lực và phẩm chất đạo đức tốt, góp phần quan trọng thực hiện thắng lợi nhiệm vụ xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam “cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại” và công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, đổi mới toàn diện, đồng bộ giáo dục và đào tạo, tiếp tục đột phá đổi mới nội dung gắn với đổi mới phương pháp, nâng cao chất lượng dạy học, phát triển toàn diện phẩm chất và năng lực người học theo mô hình, mục tiêu đào tạo. Theo đó, nội dung cần được tiếp tục đổi mới theo hướng cập nhật lý luận, thực tiễn; khắc phục triệt để sự trùng lặp một số nội dung giữa các cấp học, giữa các môn học, các bài giảng; rà soát, kiên quyết loại bỏ những nội dung không còn phù hợp, bổ sung các nội dung thiết thực, cập nhật sự phát triển của thực tiễn nhằm bảo đảm cho đội ngũ cán bộ chính trị có trình độ tư duy lý luận và năng lực thực tiễn đáp ứng yêu cầu thực hiện chức trách, nhiệm vụ xây dựng Quân đội vững mạnh về chính trị trong thời kỳ mới. Bên cạnh chú trọng khối kiến thức đặc thù thuộc lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn quân sự còn quan tâm một tỷ lệ thích đáng những kiến thức nền tảng chung về kinh tế, văn hóa, xã hội, pháp luật, quản lý nhà nước... bảo đảm cho đội ngũ cán bộ chính trị có khả năng hội nhập và phát triển cùng đội ngũ cán bộ của Đảng và Nhà nước. Quá trình hoàn thiện chương trình, đổi mới nội dung cần tiếp tục có sự gắn kết chặt chẽ giữa các cấp học, bậc học, bảo đảm sự liên thông giữa chương trình đào tạo bậc dưới, phát huy được thế mạnh trong liên kết đào tạo chuyên ngành giữa các trường và vai trò của đơn vị trong bổ sung, cập nhật những vấn đề thực tiễn của Quân đội và đất nước.
Hai là,tích cực đổi mới phương pháp dạy và học.
Theo Hồ Chí Minh, dạy học nhằm phát triển trí tuệ, phát huy tính chủ động, sáng tạo của người học. Trong giáo dục, người học bao giờ cũng là trung tâm, Người luôn lưu ý những người dạy, những nhà giáo phải chú ý tới đặc điểm của đối tượng, phải “đóng giầy theo chân”, không phải “khoét chân cho vừa giầy”. Điều này, đòi hỏi người thầy phải bám sát, hiểu rõ đặc điểm đối tượng người học, từ đó có phương pháp dạy phù hợp nhằm đảm bảo tính vừa sức. Người nhiều lần bày tỏ quan điểm phải khắc phục cách dạy, cách học không hướng vào sự phát triển của người học, không kích thích sự suy nghĩ trong học tập. Người yêu cầu phải tránh lối dạy nhồi sọ. Người thầy cần phải có phương pháp dạy sao cho phát huy tốt tính chủ động, sáng tạo của người học. Cần phải thực hành dân chủ trong giáo dục. Đối với mọi vấn đề “thầy và trò cùng nhau thảo luận, ai có ý kiến gì đều thật thà phát biểu. Điều gì chưa thông suốt, thì hỏi, bàn cho thông suốt”(7).
Hồ Chí Minh rất chú trọng đến tính thiết thực của việc dạy. Người nhiều lần nhắc nhở phải tránh lối dạy học ôm đồm, chạy theo số lượng, chạy theo thành tích, vừa không đạt hiệu quả đặt ra, vừa gây tốn kém, lãng phí cả về thời gian, công sức và tiền của. Người cho rằng, giáo dục phải bảo đảm tính vừa sức, phải căn cứ vào đặc điểm của đối tượng, trình độ, năng lực và tâm lý người học, không nên tham nhiều sẽ tạo tâm lý chán nản, không hứng thú trong học tập, vì thế sẽ không phát triển trí tuệ, phát huy tính chủ động, sáng tạo của người học.
Thực hiện di huấn của Người, để nâng cao chất lượng đào tạo, Học viện Chính trị tiếp tục đổi mới mạnh mẽ, đồng bộ phương pháp dạy học bằng việc chuyển mạnh từ giảng dạy theo chủ đề sang giảng dạy theo chuyên đề. Các chuyên đề phải chứa đựng được những vấn đề lý luận, thực tiễn, có tính khái quát tổng hợp cao, vừa toàn diện, chuyên sâu, vừa thiết thực đáp ứng được yêu cầu nâng cao tư duy lý luận, tư duy lãnh đạo, tư duy khoa học, đồng thời mang tính hướng dẫn hành động; nâng cao năng lực thực hành, giúp người cán bộ chính trị có khả năng phát hiện, giải quyết tốt những vấn đề nảy sinh trong thực tiễn. Tiếp tục đẩy mạnh xây dựng, hoàn thiện, phát huy tác dụng những bài giảng “mẫu” của mỗi giảng viên. Tăng cường áp dụng các phương pháp dạy học hiện đại, trong đó chủ yếu là phương pháp nêu vấn đề, kích thích tính độc lập, sáng tạo của người học; khắc phục triệt để những rơi rớt của lối dạy - học “thầy đọc - trò ghi” và tình trạng người thầy chiếm vị trí độc tôn, truyền thụ kiến thức một chiều theo kiểu bày sẵn, thiếu tính dân chủ, tính hợp tác trong quá trình dạy - học. Tích cực nâng cao chất lượng bài giảng điện tử và sử dụng có hiệu quả các phương tiện dạy học hiện đại; đổi mới các hình thức đánh giá kết quả học tập của học viên theo hướng yêu cầu học viên phải học tập liên tục suốt cả quá trình, phải tích cực tìm tòi tài liệu tham khảo, phải vận dụng những kiến thức lý luận vào giải quyết các vấn đề nảy sinh trong thực tiễn hoạt động quân sự ở đơn vị hiện nay... Tất cả những đổi mới này đều nhằm hướng vào thực hiện yêu cầu và tạo điều kiện cho người học tích cực tự học, lấy tự học, tự nghiên cứu là chính, qua đó phát triển tư duy sáng tạo, rèn luyện phong cách làm việc khoa học, có khả năng hoàn thành tốt chức trách, nhiệm vụ sau này.
Ba là, chăm lo xây dựng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục.
Theo Hồ Chí Minh, vấn đề then chốt quyết định chất lượng giáo dục và đào tạo là xây dựng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục. Bởi vì, “nếu không có thầy giáo thì không có giáo dục”(8), phải xây dựng đội ngũ những người thầy giáo tốt - “thầy giáo xứng đáng là thầy giáo”(9). Đó là những người yêu nghề, yêu trường, hết lòng thương yêu, chăm sóc, giáo dục học sinh, không ngừng trau dồi đạo đức cách mạng, “khó khăn thì phải chịu trước thiên hạ, sung sướng thì hưởng sau thiên hạ”(10). Phải thường xuyên tự bồi dưỡng, nâng cao tay nghề, trình độ chuyên môn, phương pháp sư phạm để thực sự là tấm gương sáng cho học sinh noi theo; chủ động thích ứng với điều kiện và đối tượng trong quá trình dạy - học. Cũng theo Hồ Chí Minh: “người huấn luyện phải học thêm mãi thì mới làm được công việc huấn luyện của mình”(11); “người huấn luyện nào tự cho mình đã biết đủ cả rồi thì người đó dốt nhất”(12).
Thực hiện theo di huấn của Người và quán triệt chủ trương của Đảng tại Đại hội lần thứ XIII về: “nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục các cấp đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo”(13), Học viện Chính trị tiếp tục quan tâm xây dựng đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục có phẩm chất chính trị vững vàng, lối sống trong sạch, trình độ học vấn, năng lực chuyên môn, sư phạm đáp ứng tốt yêu cầu đổi mới nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo hiện nay. Tập trung xây dựng đội ngũ này có đủ về số lượng, hợp lý về cơ cấu, có trình độ đạt chuẩn và trên chuẩn, có năng lực chuyên môn, khả năng nghiên cứu khoa học và nghiệp vụ sư phạm vững vàng, có nhân cách tốt, tâm huyết với nghề nghiệp, say mê học tập và nghiên cứu. Tiếp tục xây dựng, hoàn thiện và thực hiện đề án kiện toàn, phát triển đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục, nhất là chuyên gia đầu ngành. Quan tâm thực hiện chính sách đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng, đãi ngộ và tôn vinh, cải thiện đời sống, điều kiện làm việc, thu hút tài năng và đội ngũ nhà giáo của Học viện.
Bốn là, phát huy tinh thần tự học của đội ngũ học viên.
Trong toàn bộ di sản tư tưởng giáo dục của Hồ Chí Minh, tư tưởng về tự học, đặc biệt là tấm gương mẫu mực tự học và học suốt đời của Người là bài học vô cùng quý giá đối với các thế hệ người Việt Nam. Vấn đề cơ bản nhất, nổi bật nhất là vấn đề xây dựng và hoàn thiện con người thông qua hoạt động giáo dục và tự giáo dục. Trong tác phẩm Sửa đổi lối làm việc (năm 1947), khi nói về công tác huấn luyện cán bộ, Người đã có những chỉ dẫn xác đáng, đó là: “Lấy tự học làm cốt. Do thảo luận và chỉ đạo giúp vào”14). Sau này, khi nói về công tác huấn luyện và học tập (năm 1950), Người lại nhấn mạnh: “Phải nâng cao và hướng dẫn việc tự học”(15). Những lời dạy ngắn gọn của Hồ Chí Minh làm nổi bật lên tính cần thiết của việc tự học và mối liên hệ khăng khít của các chủ thể tham gia vào quá trình tự học.
Quán triệt, thực hiện di huấn của Người, trong giáo dục và đào tạo, Học viện Chính trị tiếp tục chú trọngphát huy sự nỗ lực, tích cực, tự giác học tập, rèn luyện hoàn thiện phẩm chất, năng lực, phong cách và tác phong công tác của các đối tượng học viên, góp phần quan trọng nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo.
Năng lực chuyên môn và phẩm chất của đội ngũ học viên tham gia đào tạo, bồi dưỡng tại Học viện có được là nhờ quá trình học tập, rèn luyện. Những kiến thức trang bị trên giảng đường chỉ là những vấn đề cơ bản có tính định hướng, hướng dẫn về phương pháp. Điều quan trọng nhất để nâng cao trình độ, năng lực, tự hoàn thiện nhân cách, xây dựng phong cách và tác phong công tác của mình đòi hỏi mỗi học viên phải thực sự nỗ lực, không ngừng tự học tập, tự rèn luyện. Vì thế, trong công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, Học viện phải tiếp tục đặt ra yêu cầu cao, thường xuyên thực hiện phương châm biến quá trình đào tạo thành tự đào tạo; chú trọng cả đào tạo và giáo dục hướng vào nâng cao năng lực và xây dựng, bồi dưỡng phẩm chất đạo đức, lối sống cho người cán bộ, giảng viên. Quá trình tham gia đào tạo, bồi dưỡng tại Học viện, mỗi học viên phải tiếp tục thực hiện những yêu cầu ở mức cao trong tự tìm kiếm kiến thức, phải động não suy nghĩ, tích cực, chủ động đặt ra nhiều câu hỏi trong trao đổi, tranh luận, thảo luận, tọa đàm và tiếp thu những ý kiến phê phán, phản biện khoa học. Đồng thời, người học cần được khuyến khích những ý tưởng, tư duy sáng tạo và được tạo điều kiện thuận lợi để pháthuy sự nỗ lực, tích cực, tự giác học tập, rèn luyện, hoàn thiện phẩm chất, năng lực, phong cách và tác phong công tác của mình. Qua đó, góp phần quyết định vào chất lượng, hiệu quả đào tạo, bồi dưỡng năng lực, phẩm chất của đội ngũ cán bộ chính trị, đáp ứng yêu cầu xây dựng Quân đội vững mạnh về chính trị.
2. Nâng cao chất lượng nghiên cứu khoa học
Hồ Chí Minh cho rằng, quy trình nghiên cứu khoa học là đề xuất ý tưởng, nghiên cứu xâu chuỗi chúng thành lý luận, thực hiện lý luận và giải quyết tốt mối quan hệ giữa các nội dung này. Bởi ý tưởng khoa học đúng, chân chính là nguồn gốc của thắng lợi. Song, nguồn gốc đi tới thắng lợi thực sự còn phải tổ chức, phải đấu tranh. Theo Hồ Chí Minh, quá trình thực hiện nghiên cứu đòi hỏi thực hiện các vấn đề cơ bản sau:
Một là, nghiên cứu có mục đích, dựa trên chương trình, kế hoạch cụ thể, chi tiết, cẩn trọng, chu đáo.
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng nghiên cứu phải có mục đích rõ ràng, tập trung, có chương trình khoa học cụ thể, có trọng điểm để đạt được mục tiêu nghiên cứu trong khoảng thời gian nhất định. Người yêu cầu, làm bất cứ việc gì cũng phải có mục đích rõ ràng. “Đích nghĩa là nhằm vào đó mà bắn. Nhiều đích quá thì loạn mắt, không bắn trúng đích nào”(16). Người luôn nhắc nhở chúng ta trong nghiên cứu phải biết quý trọng thời gian, việc tiết kiệm thời gian cũng quan trọng như tiết kiệm của cải, nhưng tiết kiệm thời gian, ngoài việc làm đúng giờ, đủ giờ còn là làm việc theo kế hoạch, “phải có kế hoạch cho mọi việc. Nghĩa là, phải tính toán cẩn thận, sắp đặt gọn gàng”(17).
Hai là, nghiên cứu phải đi sâu, đi sát, có điều tra, khảo sát thực tiễn.
Tôn trọng thực tế khách quan trở thành yêu cầu tất yếu trong mọi hoạt động nghiên cứu khoa học. Theo Hồ Chí Minh, trong nghiên cứu để đi tới quyết định bất cứ công việc gì, bao giờ cũng phải đi sâu, đi sát, tìm hiểu, điều tra, thu thập thông tin đầy đủ, có cơ sở lý luận và thực tiễn, đề ra các phương án, giải pháp phù hợp thực thi hiệu quả, không chủ quan duy ý chí.
Ba là, trong nghiên cứu khoa học phải nâng cao và mở rộng dân chủ, kịp thời tổng kết, rút kinh nghiệm.
Đối với hoạt động nghiên cứu khoa học, dân chủ là môi trường tốt cần thiết, là “giá đỡ”, là nấc thang cho sự tiến bộ của khoa học. Trong nghiên cứu, Hồ Chí Minh cho rằng: “Chúng ta cần phải nâng cao mở rộng dân chủ ra, khuyên gắng cán bộ và đảng viên, bày cho họ suy nghĩ, bày cho họ học hỏi quần chúng, cổ động họ tìm tòi, đề nghị, làm những việc ích lợi cho quần chúng. Khi họ đã có ít nhiều sáng kiến, thì giúp đỡ cho họ phát triển, khen ngợi cho họ thêm hăng hái”(18). Mỗi khi làm xong một công việc, dù thành công hay thất bại đều phải rút kinh nghiệm đến cội rễ, phân tích rõ ràng rồi kết luận để làm “khuôn phép” cho những công việc khác và đó là “chìa khóa” phát triển công việc.
Thực hiện di huấn của Chủ tịch Hồ Chí Minh để nâng cao chất lượng nghiên cứu khoa học, các lực lượng, nhất là đội ngũ cán bộ khoa học của Học viện Chính trị cần nhận thức đầy đủ nghiên cứu khoa học là điều kiện quan trọng để nâng cao trình độ, năng lực của cán bộ, giảng viên và kết quả học tập của học viên. Đổi mới giáo dục và đào tạo sẽ không thể đạt kết quả tốt nếu như không gắn với nghiên cứu khoa học. Chính vì vậy, Học viện tiếp tục đặt nhiệm vụ nghiên cứu khoa học ngang tầm với nhiệm vụ giáo dục và đào tạo. Các hình thức nghiên cứu khoa học cần được triển khai toàn diện. Trong nghiên cứu hướng mạnh sang nghiên cứu cơ bản; kết hợp nghiên cứu cơ bản với nghiên cứu ứng dụng và tổng kết thực tiễn phục vụ trực tiếp cho nhiệm vụ giáo dục và đào tạo; gắn nghiên cứu với đấu tranh chống các quan điểm sai trái, thù địch. Thông qua quá trình nghiên cứu khoa học giúp cán bộ, giảng viên, học viên tự nâng cao trình độ, kiến thức, năng lực. Nhờ đó, mà người dạy và người học vừa có khả năng làm việc độc lập, sáng tạo vừa có khả năng làm việc hợp tác theo nhóm, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo ở Học viện Chính trị.
Nghiên cứu khoa học cần tiếp tục hướng vào phục vụ trực tiếp cho công tác giáo dục và đào tạo như: nghiên cứu các đề tài nhằm giải quyết những vấn đề lý luận và thực tiễn của từng khoa học chuyên ngành đặt ra; biên soạn giáo trình, tài liệu dạy học, sách tham khảo, chuyên khảo, các chuyên đề tập huấn; hội thảo khoa học các cấp…
Đồng thời, thực hiện các đề tài cấp ngành, cấp bộ và cấp quốc gia nghiên cứu những vấn đề trong lĩnh vực quân sự, quốc phòng, đề xuất nội dung, giải pháp góp phần xây dựng Quân đội vững mạnh và cung cấp những luận cứ khoa học phục vụ việc hoạch định chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước về nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong bối cảnh mới. Để nâng cao chất lượng, quá trình nghiên cứu khoa học cần thực hiện tốt những chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đó là,nghiên cứu phải có mục đích, dựa trên chương trình, kế hoạch cụ thể, chi tiết, cẩn trọng, chu đáo; nghiên cứu phải đi sâu, đi sát, có điều tra, khảo sát thực tiễn;trong nghiên cứu khoa học phải nâng cao và mở rộng dân chủ, kịp thời tổng kết, rút kinh nghiệm.
Nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo và nghiên cứu khoa học ở Học viện Chính trị vừa là yêu cầu cấp thiết trước mắt, vừa là nhiệm vụ cơ bản, lâu dài đang đặt ra hiện nay. Để thực hiện tốt yêu cầu, nhiệm vụ này, đòi hỏi Học viện tiếp tục nghiên cứu, thấu triệt sâu sắc và đặc biệt là chủ động, tích cực triển khai thực hiện sáng tạo theo di huấn của Chủ tịch Hồ Chí Minh về giáo dục, đào tạo và nghiên cứu khoa học trong tình hình mới. Qua đó, nâng cao chất lượng đào tạo đội ngũ cán bộ chính trị và đội ngũ giảng viên khoa học xã hội và nhân văn quân sự, góp phần xây dựng Quân đội vững mạnh về chính trị, đáp ứng công cuộc xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong tình hình mới./.
Chú thích:
(1) Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội, 2016, tr.218.
(2) Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập I, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tr.158.
(3) Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 9, Sđd, tr.178.
(4) Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 6, Sđd, tr.208.
(5) Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 5, Sđd, tr.684.
(6) Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội, 2016, tr.214.
(7) Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 9, Sđđ, tr.266.
(8) Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 10, Sđd, tr.345.
(9) Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 14, Sđd, tr.402.
(10) Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 14, Sđd, tr.403.
(11) Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 6, Sđd, tr.356.
(12) Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 6,Sđd, tr.356.
(13) Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập II, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tr.338.
(14) Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 5, Sđd, tr.312.
(15) Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 6,Sđđ, tr.360.
(16) Hồ Chí Minh, Toàn tập,tập 5, Sđd, tr. 463.
(17) Hồ Chí Minh, Toàn tập,tập 6,Sđd,tr.118.
(18) Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 5, Sđd, tr.285.
Trung tướng, PGS,TS Nguyễn Văn Bạo
Giám đốc Học viện Chính trị