Ngành y với tính chất là một nghề đặc biệt, tác động trực tiếp đến sức khỏe và tính mạng của con người, nên đạo đức ngành y (y đức) luôn được xã hội quan tâm. Y đức không chỉ là nghĩa vụ mà còn là những phẩm chất tốt đẹp, cao quý của người thầy thuốc, là yếu tố nền tảng trong nhân cách người thầy thuốc nói chung, người thầy thuốc trong Quân đội nói riêng, là điều kiện quan trọng nhất để người thầy thuốc Quân đội hoàn thành nhiệm vụ vẻ vang của mình trong sự nghiệp chăm sóc, bảo vệ sức khỏe bộ đội và nhân dân. Y đức là hệ thống các giá trị đạo đức, thể hiện dưới dạng các yêu cầu, quy tắc, chuẩn mực và khi được thấm sâu vào người thầy thuốc Quân đội, nó trở thành động lực thôi thúc bên trong, làm bùng lên ngọn lửa nhiệt tình cách mạng, lý tưởng, hoài bão, chí tiến thủ, tinh thần phấn đấu hết mình cho các hoạt động y học quân sự; định hướng một cách vững chắc cho sự phát triển các giá trị nhân cách người thầy thuốc Quân đội.

Tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh bao quát trên nhiều lĩnh vực và có ý nghĩa chỉ đạo thực tiễn rất lớn. Việc nghiên cứu, vận dụng sáng tạo tư tưởng của Người đã và đang là một vấn đề cấp thiết đối với công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay. Trong đó, tư tưởng Hồ Chí Minh về đạo đức cách mạng nói chung và y đức nói riêng là một trong những nội dung quan trọng. Trong 20 năm (từ năm 1947-1967), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi 25 bức thư đến ngành y tế, thương binh - xã hội và cán bộ nhân viên quân y. Ngoài những lời khuyên về công tác chăm sóc, cứu chữa người bệnh, người bị thương, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm đến y đức - đạo đức cần phải có của người thầy thuốc cách mạng vì dân. Tháng 3/1948, trong thư gửi Hội nghị Quân y, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: “Người thầy thuốc chẳng những có nhiệm vụ cứu chữa bệnh tật mà còn phải nâng đỡ tinh thần những người ốm yếu. Vì sự kích thích trong chiến trận, vì sự sinh hoạt khắc khổ trong Quân đội, vì sự tu dưỡng chưa đầy đủ, hoặc vì những điều kiện thiếu thốn, một số anh em quân nhân không được trấn tĩnh, đối với thầy thuốc không được nhã nhặn. Gặp những trường hợp như vậy, chúng ta nên lấy tình thân ái mà cảm động, cảm hóa họ. Người ta có câu “Lương y kiêm từ mẫu”, nghĩa là người thầy thuốc đồng thời phải là một người mẹ hiền”(1). Lời dạy đó đã nhắc nhở các cán bộ y tế Quân đội từ bác sĩ, y tá, hộ lý cần phải thể hiện lòng nhân ái, tính nhân văn để chia sẻ, cảm thông với nỗi đau bệnh tật, thương tích của bệnh nhân; an ủi, động viên họ lạc quan, là một biện pháp tâm lý tinh thần rất quan trọng để chiến thắng bệnh tật, sớm phục hồi sức khỏe. Trong thư gửi Hội nghị cán bộ y tế toàn quốc năm 1953, Người viết: “Cán bộ y tế (bác sĩ, y tá, những người giúp việc) cần phải: thương yêu người bệnh như anh em ruột thịt. Cần phải tận tâm, tận lực phụng sự nhân dân. “Lương y phải kiêm từ mẫu”(2). Với tinh thần nhân văn cao cả, lòng nhân hậu hết mực, trong thư gửi Hội nghị cán bộ Y tế, tháng 02/1955, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn nhấn mạnh: “Người bệnh phó thác tính mệnh của họ nơi các cô, các chú. Chính phủ phó thác cho các cô, các chú việc chữa bệnh tật và giữ sức khỏe cho đồng bào. Đó là một nhiệm vụ rất vẻ vang. Vì vậy, cán bộ cần phải thương yêu, săn sóc người bệnh như anh em ruột thịt của mình, coi họ đau đớn cũng như mình đau đớn”(3). Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn chăm lo cho hạnh phúc của nhân dân, trong đó, Người dành sự quan tâm rất lớn đến những người đau ốm, bệnh tật. Trong thư gửi cán bộ và nhân viên quân y ngày 31/7/1967, Chủ tịch Hồ Chí Minh ân cần căn dặn “Bác nhắc nhủ các cô, các chú phải: Đoàn kết chặt chẽ, nêu cao tinh thần tập thể, thi đua học tập và công tác để tiến bộ không ngừng về chính trị, tư tưởng, về chuyên môn kỹ thuật. Luôn luôn ghi nhớ rằng, người thầy thuốc giỏi đồng thời phải là người mẹ hiền, hết lòng hết sức cứu chữa và phục vụ thương binh, bệnh binh, tích cực nâng cao sức khỏe của bộ đội, góp phần cùng toàn quân, toàn dân đẩy mạnh sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước đến thắng lợi hoàn toàn…”(4).

Ngày nay, trong các đối tượng chăm sóc y tế của người thầy thuốc Quân đội, có đối tượng thương bệnh binh - những người đã hi sinh một phần xương máu cho nền độc lập của Tổ quốc - với những bệnh tật, di chứng để lại thường nặng nề, dai dẳng nên tâm lý, tinh thần của người bệnh đôi khi bất bình thường, có thái độ không đúng mực với bản thân. Do đó, người thầy thuốc Quân đội cần thể hiện tình đồng đội, đồng chí thì mới làm tốt được nhiệm vụ điều trị thương bệnh binh. Tư tưởng Hồ Chí Minh về y đức đã được ngành Quân y từng thời điểm cụ thể hóa và trở thành nền tảng đạo đức của mọi thầy thuốc Quân đội, là cốt lõi của mọi hoạt động xây dựng và phát triển ngành.

Mấy chục năm qua, tuân theo lời dạy về y đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đội ngũ thầy thuốc Quân đội luôn thực hiện tốt các mặt công tác quân y, chăm sóc và bảo vệ sức khỏe cho bộ đội và nhân dân, cấp cứu và điều trị thương, bệnh binh. Đặc biệt, các thầy thuốc Quân đội đã tích cực góp công sức, trí tuệ để thực hiện hiệu quả các chủ trương, chính sách y tế của Đảng và Nhà nước, tham gia các hoạt động kết hợp quân - dân y, giúp nhân dân trong khám chữa bệnh, vệ sinh phòng dịch, khắc phục hậu quả thiên tai, thảm họa và bước đầu tham gia các hoạt động cứu trợ nhân đạo của Liên Hiệp quốc. Các thầy thuốc Quân đội đã không quản ngại gian khổ, khó khăn, hết lòng, hết sức cứu chữa người bệnh. Nhiều tấm gương mẫu mực về tinh thần, thái độ phục vụ người bệnh, thể hiện phẩm chất cách mạng cao đẹp của người thầy thuốc Quân đội được bộ đội và nhân dân tin yêu, xứng đáng với lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Lương y như từ mẫu”.

Tuy nhiên, như Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã nhận định: “Tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, chủ nghĩa các nhân, “lợi ích nhóm”, bệnh lãng phí, vô cảm, bệnh thành tích ở một số bộ phận, cán bộ, đảng viên chưa bị đẩy lùi”(5). Những tác động từ mặt trái của kinh tế thị trường và chủ nghĩa cá nhân đã dẫn tới sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trong đó có cả những người công tác trong ngành y tế Quân đội và y tế nhân dân. Những biểu hiện cơ hội, thực dụng, thiếu ý thức trách nhiệm trong phục vụ người bệnh, thậm chí cửa quyền, tắc trách, chạy theo đồng tiền, coi th­ường sức khỏe và mạng sống của người bệnh, làm giảm sút lòng tin của nhân dân đối với người thầy thuốc. Một số cán bộ, nhân viên y tế còn có những nhận thức sai lệch về giá trị y đức. Việc giáo dục và tự giáo dục, rèn luyện, phát triển y đức còn bị xem nhẹ,....Những biểu hiện tiêu cực đó đã gây bức xúc trong dư­ luận xã hội, nếu chậm được khắc phục sẽ làm xói mòn lòng tin của nhân dân đối với truyền thống tốt đẹp của ngành Y tế nói chung và ngành Quân y nói riêng. Để góp phần nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, khắc phục những hạn chế trên, cần tập trung phát triển phẩm chất y đức cách mạng của người thầy thuốcQuân đội hiện nay trên những nội dung cơ bản như sau:

Thứ nhất, người thầy thuốc Quân đội không ngừng rèn luyện, trau dồi về chuyên môn, đạo đức nghề nghiệp, thực hiện “Lương y như từ mẫu” trong thực hành lâm sàng, nghiên cứu khoa học và trong cuộc sống xã hội. Nghề thầy thuốc là nghề phải học hỏi suốt cuộc đời, bởi kiến thức y khoa rất rộng lớn. Những phát minh, khám phá, phát triển kỹ thuật hiện đại luôn thay đổi hằng ngày, nên người thầy thuốc Quân y cần không ngừng cập nhật, học hỏi để có thể theo kịp những bước tiến của thời đại. Hơn thế, y học ngoài tính chất là một khoa học, còn là một nghệ thuật. Người thầy thuốc giỏi cần nắm chắc về lý thuyết và giỏi về thủ thuật hành nghề. Điều này phụ thuộc vào năng khiếu cũng như sự rèn luyện thực hành nghiêm túc và cần mẫn của mỗi người. Bởi ít có nghề nào mà xã hội đòi hỏi về phẩm chất và tài năng cao như đối với người làm công tác y tế. Đó là một nghề đặc biệt, đòi hỏi sự hiểu biết sâu rộng, tấm lòng nhân ái, từng trải và kinh nghiệm nghề nghiệp mà mọi công việc dù nhỏ đến đâu đều liên quan đến tính mạng con người, hạnh phúc của mỗi gia đình, sự quan tâm của cộng đồng xã hội.

Thứ hai, người thầy thuốc Quân đội là những người luôn sẵn sàng hi sinh quên mình vì lợi ích của thương, bệnh binh, của người bệnh và cộng đồng. Người thầy thuốc phải đặt quyền lợi của thương, bệnh binh và bệnh nhân lên trên lợi ích bản thân; tập trung bảo vệ sức khỏe cho bộ đội, quyền lợi của bệnh nhân trong việc chẩn đoán, điều trị bệnh mà không bị sao nhãng bởi địa vị xã hội, tiền tài, giới tính, tôn giáo, màu da... của họ. Để thực hiện được điều đó, phẩm chất quan trọng nhất của người thầy thuốc chính là đức tính quên mình. Ngành y là ngành làm việc trong môi trường nhiều rủi ro (như nguy cơ lây nhiễm bệnh), nhiều áp lực (sức khỏe và tính mạng người bệnh), tiếp xúc với các yếu tố độc hại (khi nghiên cứu, thực nghiệm, thực hành) và chịu tác động không nhỏ trong dư luận xã hội. Có thể nói, nghề y luôn đòi hỏi sự hi sinh quên mình vì sức khỏe bệnh nhân trong quá trình thực hiện nghĩa vụ của người thầy thuốc đối với người bệnh. Ngành Quân y Việt Nam luôn thấm nhuần tư tưởng Hồ Chí Minh về y đức cách mạng. Trong các cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, nhiều cán bộ, chiến sĩ quân y, dân y đã làm việc quên mình để cứu chữa thương, bệnh binh, bệnh nhân. Những tấm gương sáng về y đức của người thầy thuốc được bộ đội và nhân dân ca ngợi, ghi công như anh hùng Phạm Ngọc Thạch, bác sĩ Đặng Văn Ngữ, giáo sư Tôn Thất Tùng, bác sĩ Đặng Thùy Trâm, y tá Trần Xuân Dậu, y tá Hoàng Xuân Thúy...

Thứ ba,người thầy thuốc Quân độicần giữ vững bản lĩnh nghề nghiệp trước mọi sự cám dỗ và trướcnhững khó khăn trong cuộc sống. Bản lĩnh cách mạng là sự thể hiện cao nhất của lý tưởng và phẩm chất của người thầy thuốc Quân đội, có năng lực, tự tin và dám chịu trách nhiệm, không lùi bước trước những khó khăn, trở ngại. Bản lĩnh cách mạng được hình thành và thể hiện qua thói quen, hành vi, lối sống và nghề nghiệp của con người cách mạng. Từ đó, tạo nên những giá trị đạo đức, nhân cách của người thầy thuốc chân chính - người thầy thuốc quân y. Người hành nghề y luôn đứng trước những cám dỗ, trước hết là vật chất, do họ nắm trong tay sinh mệnh, sức khỏe của người bệnh. Hơn thế, trong mối quan hệ với bệnh nhân, họ lại là người có quyền lực, chức trách; bệnh nhân sẵn sàng làm theo, tin theo nên dễ có cơ hội lạm dụng, nảy sinh lòng ham muốn trước những cám dỗ vật chất tầm thường. Người có chuyên môn nghề nghiệp vững, khi đã có lý tưởng cách mạng cao đẹp, thì giữ vững bản lĩnh nghề nghiệp của mình - giữ vững và nêu cao y đức - là vấn đề mang tính logic trong sự phát triển nhân cách cá nhân. Vì vậy, người thầy thuốc Quân đội trước hết cần có nghiệp vụ vững vàng (được rèn luyện trong đào tạo, tự đào tạo và hành nghề); bên cạnh đó, cần có sự thấm nhuần quan điểm y đức cao đẹp và tình đồng chí sâu sắc. Không để bị dao động trước những cám dỗ là việc làm hết sức cần thiết trong suốt quá trình rèn luyện đạo đức nghề nghiệp. Vượt qua mọi cám dỗ để giữ vững bản lĩnh nghề nghiệp là biểu hiện tập trung nhất của ý thức đạo đức cách mạng trong thực tiễn; đồng thời, là thước đo sự trưởng thành trong đạo đức nhân cách của mỗi thầy thuốc Quân đội.

Thứ tư, quan tâm chăm lo đời sống và bảo đảm tốt các chính sách cho người thầy thuốc Quân đội trong tình hình hiện nay. Để thực hiện tốt công tác chăm lo đời sống, bảo đảm tốt chính sách cho người thầy thuốc Quân đội là một nội dung lớn, một vấn đề thuộc quan điểm chiến lược con người của Đảng, Nhà nước, gắn liền với công tác tư tưởng và công tác tổ chức, tạo thành động lực trực tiếp tác động đến xây dựng đội ngũ cán bộ nói chung, đội ngũ thầy thuốc Quân đội nói riêng. Do vậy, đòi hỏi lãnh đạo, chỉ huy các cấp trong các đơn vị quân y và mọi người đều phải nhận rõ vai trò, phát huy trách nhiệm cao trong tổ chức thực hiện. Cần đảm bảo cho mọi người nắm vững và được hưởng đầy đủ các quyền lợi, nghĩa vụ, chế độ, tiêu chuẩn về ăn, mặc, vệ sinh phòng bệnh, thuốc chữa bệnh, chế độ bồi dưỡng, ăn thêm và các khoản thu, chi thuộc quĩ vốn của đơn vị. Phải giám sát, kiểm tra việc sử dụng các thành quả lao động và thực hiện công khai, công bằng trong phân phối sử dụng phúc lợi của đơn vị, thực hiện đúng chế độ kinh tế công khai theo quy định. Tổ chức thông báo, tuyên truyền về thời sự, các chế độ tiêu chuẩn về sách, báo, xem phim, văn nghệ, thể dục thể thao, vui chơi giải trí; thực hiện tốt các chính sách cụ thể về nhà ở, đất ở, chính sách về ưu tiên quân hàm, nâng lương, kéo dài tuổi phục vụ tại ngũ, về hưu, ra quân, xuất ngũ theo quy định của Nhà nước, Quân đội và đặc thù của ngành y Quân đội. Mặt khác, cần động viên mọi người tích cực thực hiện tốt các chế độ quản lý, bảo quản, sử dụng các trang thiết bị y tế, cơ sở vật chất, phương tiện phục vụ công tác và đời sống. Khuyến khích mọi tổ chức, cá nhân quân y chủ động, sáng tạo, khắc phục mọi khó khăn, thực hành tiết kiệm, vệ sinh môi trường để đảm bảo cuộc sống vui tươi, lành mạnh, sức khỏe; có chế độ đãi ngộ, tương xứng với công việc đặc thù của người thầy thuốc Quân đội như: chính sách đào tạo hợp lý, khoa học; chế độ khuyến khích, ưu đãi đối với cán bộ, nhân viên quân y; những thầy thuốc về công tác ở miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn, biên giới, hải đảo. Để người thầy thuốc có đời sống ổn định và từng bước được nâng cao, góp phần xây dựng và phát triển y đức cho người thầy thuốc, để họ luôn hoàn thành nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe cho thương, bệnh binh, bộ đội và nhân dân trong tình hình hiện nay. 

Thứ năm, xây dựng môi trường văn hóa ở các đơn vị quân y thực sự trong sạch, lành mạnh và đẩy mạnh các hoạt động xây dựng ngành Quân y làm theo lời Bác. Môi trường văn hóa trong sạch, lành mạnh là nền tảng vững chắc để chống lại sự tác động tiêu cực từ mặt trái của nền kinh tế thị trường và sự tấn công về tư tưởng, đạo đức, lối sống của các thế lực thù địch. Vì vậy, môi trường văn hóa có ý nghĩa quan trọng, góp phần xây dựng và phát triển y đức ở người thầy thuốc. Để xây dựng môi trường văn hóa thực sự trong sạch, lành mạnh, các đơn vị quân y cần quán triệt, thực hiện tốt quan điểm: toàn diện, đồng bộ, phù hợp với thực tiễn và kiên quyết xử lý nghiêm những hiện tượng vi phạm, kịp thời biểu dương, khen thưởng những tấm gương y đức trong sáng, mẫu mực. Bên cạnh đó, cần duy trì thường xuyên và hiệu quả các Cuộc vận động: “Tuổi trẻ ngành Y học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, “Bác Hồ với người thầy thuốc”, nhất là thực hiện tốt phong trào: “Xây dựng đơn vị Quân y 5 tốt”, và “Chiến sĩ Quân y làm theo lời Bác Hồ dạy” do Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam phát động. Thực hiện các nội dung phong trào chính là đã thiết thực tu dưỡng, rèn luyện, phát triển y đức cách mạng theo tư tưởng Hồ Chí Minh của người thầy thuốc Quân đội; đồng thời, góp phần nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, thực hiện tốt các mặt công tác quân y trong tình hình mới./.

Chú thích :

(1) Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 5, Sđd, tr. 487.

(2) Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 8, Sđd, tr. 154.

(3) Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 9, Sđd, tr. 343.

(4) Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 15, Sđd, tr. 361.

(5) Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập I, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, tr. 95

Thiếu tướng, PGS,TS Nghiêm Đức Thuận

Chính ủy Học viện Quân Y

Bài viết khác: