Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất quan tâm đến biển, đảo và dành nhiều tình cảm cho nhân dân vùng biển đảo nói chung, Bộ đội Hải quân nói riêng. Sự quan tâm và tình cảm đó được thể hiện qua từng bài viết, từng lời căn dặn của Người khi đến thăm các địa phương hay các đơn vị Hải quân. Những lời di huấn của Người về bảo vệ chủ quyền biển, đảo đến nay vẫn vẹn nguyên giá trị, đã, đang và sẽ mãi là kim chỉ nam - chỉ đạo, định hướng sự nghiệp đấu tranh bảo vệ vững chắc, toàn vẹn chủ quyền biển, đảo, thềm lục địa thiêng liêng của Tổ quốc.

1. Tư tưởng Hồ Chí Minh về bảo vệ chủ quyền biển, đảo

Sinh ra và lớn lên ở một vùng quê giàu truyền thống cách mạng (thuộc xã Kim Liên, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An - cách bãi biển Cửa Lò trên dưới 20 km) và đặc biệt là trong quá trình hoạt động cách mạng, Nguyễn Văn Ba - Nguyễn Tất Thành - Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh luôn gắn bó mật thiết với các địa bàn, địa danh có liên quan trực tiếp đến môi trường sông, nước, biển, đảo,… Vì vậy, Bác Hồ là người hiểu rõ về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của biển, đảo; đồng thời, luôn căn dặn, nhắc nhở các thế hệ con cháu phải đề cao cảnh giác, phát huy tinh thần yêu nước, khí phách, lòng tự hào dân tộc, đoàn kết một lòng để bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.

Ngay từ những ngày đầu Hồ Chí Minh ra đi tìm đường cứu nước, Người đã chọn phương tiện đường biển là nhanh nhất và duy nhất lúc đó có thể giúp Người thực hiện ước mơ, khát vọng cháy bỏng lúc bấy giờ là tìm ra con đường cứu nước, cứu dân. Nhờ việc “làm công” lênh đênh trên con tàu buôn của Pháp đã giúp Người đi qua 3 đại dương, 4 châu lục và gần 30 quốc gia trên thế giới để tiếp thu những tiến bộ, tinh hoa văn hóa của nhân loại, đặc biệt là của những đất nước văn minh, phát triển để về giúp giải phóng đồng bào khỏi ách nô lệ lầm than và giành lại độc lập, tự do cho dân tộc.

Trong quá trình bôn ba tìm đường cứu nước, nhiều lần Bác từ châu Âu về châu Á và ngược lại, phần lớn đều đi bằng đường biển. Khi đã là nguyên thủ quốc gia, là thượng khách của chính phủ Pháp (1946), khi rời nước Pháp, Người cũng chọn đường biển, đi trên tàu Dumont Durville (Đuymông Đuyếcvin) để về nước. Ngày 18/10/1946, tàu Đuymông Đuyếcvin về đến Vịnh Cam Ranh, Hồ Chí Minh đã rời tàu Dumont Durville bằng một chiếc xuồng nhỏ để đến tuần dương hạm Suffren hội kiến với Cao ủy Pháp D’Argenlieu. Khi D’Argenlieu nói: “Chủ tịch thật quen với biển cả, có lẽ xin tặng Người danh hiệu “Người thủy thủ nhỏ” như quân đội Pháp đã yêu quí mến tặng Napoleon cái tên “Người đội trưởng nhỏ”. Hồ Chí Minh đáp: “Phải, người thủy thủ nhỏ của Hải quân Việt Nam”. Với tài ứng phó, dí dỏm thông minh và rất đỗi khiêm nhường, Người đã khẳng định rõ vị thế, chủ quyền của quốc gia, dân tộc Việt Nam. Theo đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh không những là người Cha thân yêu của Lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam, mà Bác còn là thủy thủ đầu tiên - người chiến sĩ Hải quân tiền bối của Hải quân nhân dân Việt Nam Anh hùng.

Với nhãn quan chính trị sâu, rộng và tầm nhìn chiến lược của một lãnh tụ thiên tài, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn nhận thức sâu sắc và khẳng định vị trí, tầm quan trọng của biển, đảo trong sự nghiệp bảo vệ và kiến thiết đất nước.

 Khi trở thành người đứng đầu Đảng, Nhà nước, Người luôn đánh giá rất cao vị trí của biển, đảo; coi đó là một bộ phận cấu thành, một trong những lợi thế tạo nên sự giàu mạnh của đất nước ta. Người đã khẳng định: “Nước ta ở về xứ nóng, khí hậu tốt. Rừng vàng, biển bạc, đất phì nhiêu”. Ngày 31/3/1959 khi về thăm làng cá Cát Bà, Người căn dặn: “Biển bạc của ta do dân ta làm chủ”. Lời căn dặn đó của Người không những chỉ rõ tiềm năng, nguồn lợi to lớn của biển, đảo, mà còn yêu cầu, đòi hỏi phải chú trọng thực hiện tốt vai trò của người “làm chủ” biển khơi. Theo đó, không những đòi hỏi các tầng lớp nhân dân phải chú trọng bảo vệ và khai thác có hiệu quả các nguồn lợi từ biển để phục vụ cho công cuộc xây dựng, phát triển đất nước, nâng cao đời sống cho nhân dân, mà quan trọng hơn, đó là phải đặc biệt quan tâm thực hiện tốt nhiệm vụ bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo.

Ngày 10/4/1956, khi nói chuyện tại Hội nghị cán bộ cải cách miền biển, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: “Đồng bằng là nhà, mà biển là cửa. Giữ nhà mà không giữ cửa có được không? Kẻ gian tế nó sẽ vào chỗ nào trước? Nó vào ở cửa trước. Vì vậy ta phải giáo dục cho đồng bào biết bảo vệ bờ biển. Vì bọn địch thường thả bọn mật thám, gián điệp vào tìm chỗ nấp ở miền biển. Nếu để nó lọt vào, thì người bị thiệt hại trước là đồng bào miền biển. Nếu mình không lo bảo vệ miền biển, thì đánh cá, làm muối cũng không yên. Cho nên một nhiệm vụ quan trọng của đồng bào miền biển là phải bảo vệ bờ biển. Đồng bào miền biển là người canh cửa cho Tổ quốc”(1). Lời huấn thị mộc mạc, giản dị, dễ hiểu đó của Người không những đã chỉ rõ vị trí, vai trò của biển, mà còn vạch rõ sự cần thiết phải gắn kết chặt chẽ giữa đẩy mạnh phát triển các ngành nghề, kinh tế biển với các hoạt động bảo vệ biển.

2. Tình cảm và những lời huấn thị của Bác đối với Bộ đội Hải quân

Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm và dành tình cảm đặc biệt đối với lực lượng vũ trang nhân dân, nhất là Bộ đội Hải quân. Với cương vị là người đứng đầu Đảng, Nhà nước, bận trăm công nghìn việc, nhưng Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn dành nhiều thời gian trực tiếp đi thăm, kiểm tra và chỉ đạo xây dựng Hải quân nhân dân Việt Nam. Ngày 07/5/1955, Người chỉ đạo thành lập Cục Phòng thủ bờ biển (nay là Quân chủng Hải quân). Trong các năm (từ 1959 đến 1962), Người đã ba lần về thăm Bộ đội Hải quân. 

Lần thứ nhất, ngày 30/3/1959, Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm Trường Huấn luyện bờ bể (tiền thân của Học viện Hải quân ngày nay). Người ân cần hỏi thăm sức khỏe mọi người và đến thăm nơi làm việc, nhà nghỉ, nhà bếp, sân tập,.. Nói chuyện với giáo viên, học viên Nhà trường, Người căn dặn: “Cán bộ, chiến sĩ, công nhân viên phải coi trọng công tác lãnh đạo, chỉ huy, phục vụ tốt chăm lo cải thiện đời sống tinh thần, vật chất của đơn vị; giáo viên, học viên của trường thực hiện dạy tốt, học tốt, nâng cao chất lượng trong tiếp thu kỹ thuật tàu thuyền”; “dù ở cương vị nào cũng phải thường xuyên rèn luyện, phấn đấu không ngừng để bản thân tiến bộ và xây dựng Hải quân mau chóng trưởng thành”. Thăm nơi ở, bếp ăn, Bác nhắc nhở: “Nuôi quân là quan trọng lắm, quân có khỏe thì mới học tập được”. Tàu 254 thuộc Đại đội 3 được giao nhiệm vụ đưa Bác và các đồng chí cán bộ cao cấp đi thăm và kiểm tra một số đơn vị trên vùng biển Hạ Long. Bác đã truyền lại kinh nghiệm đi biển cho các cán bộ, chiến sĩ trên tàu, từ cách chống sào, cuộn dây mồi sao cho đẹp, cho chặt mới ném đi được xa và cả những động tác của người thủy thủ khi tàu rời bến, cập bến. Trên đường đi, Bác đã nói nhiều về việc xây dựng lực lượng Hải quân, cũng như công tác giảng dạy của Trường Huấn luyện bờ biển. Người nhấn mạnh: “Thời chống Pháp, ta chưa có lực lượng Hải quân, bây giờ các chú được đi học tập ở nước ngoài về để xây dựng và phát triển lực lượng. Muốn xây dựng lực lượng Hải quân làm tốt công tác bảo vệ biển, đảo và thềm lục địa, phải nghiên cứu làm sao cho phù hợp với vùng biển Việt Nam”. Khi Bác quay về, các học viên của Trường tặng Bác bông hoa đá, Người nhắc nhở nhẹ nhàng: “Hoa đá đẹp mà không ăn được. Giá các chú biếu Bác quả bầu, quả bí trồng được để Bác mang về nấu canh, rồi mời các đồng chí trong Trung ương cùng ăn thì Bác càng vui hơn”. Lời nhắc nhở của Bác thật tinh tế, nhẹ nhàng, là một bài học sâu sắc về tính thực tiễn, tính hiệu quả của mọi hoạt động, nhất là đối với đội ngũ cán bộ lãnh đạo, chỉ huy các cấp phải chú trọng quán triệt và triển khai thực hiện công tác tăng gia, sản xuất một cách thiết thực, hiệu quả.

Ngày 15/3/1961, Bác về thăm Bộ đội Hải quân lần thứ hai. Người ân cần hỏi thăm sức khỏe từng người như người cha đi xa lâu ngày trở về. Sau khi nghe đồng chí Ðại tá Nguyễn Bá Phát - Phó Cục trưởng Cục Hải quân báo cáo một số thành tích, sự tiến bộ của Bộ đội Hải quân, những khó khăn, khuyết điểm còn tồn tại và lời hứa quyết tâm của Bộ đội Hải quân,… Bác khen ngợi: “Các chú có nhiều cố gắng thế là tốt. Hiện giờ tàu bè, vũ khí ta chưa nhiều, ta phải từng bước, từng bước xây dựng. Trước hết phải giữ gìn tốt các thứ sẵn có để có thể đánh địch khi cần thiết”. Nghe lời dạy của Bác, mọi người đều hiểu, Bác nhấn mạnh hai chữ “từng bước, từng bước” với mong muốn phải xây dựng một lực lượng Hải quân từng bước lớn mạnh và vững chắc. Làm việc với cơ quan Cục xong, Bác đi thăm biển. Từ sông Cấm, chiếc tàu đưa Bác ra vùng biển Ðông Bắc. Khi đi trên sông Bạch Ðằng, Bác xúc động nói: “Bờ biển nước ta có vị trí rất quan trọng. Vì vậy, nhiệm vụ của Hải quân trước mắt cũng như lâu dài rất nặng nề nhưng rất vẻ vang. Phải biết tìm cách đánh phù hợp với điều kiện con người, địa hình bờ biển nước ta và vũ khí trang bị mình có. Hải quân ta phải học tập kinh nghiệm chiến đấu hiện đại nhưng không được quên truyền thống đánh giặc xa xưa của tổ tiên”(2). Lời căn dặn đó của Người, đến nay đã và đang trở thành hiện thực. Để bảo đảm cho Hải quân nhân dân Việt Nam thực hiện thắng lợi “nhiệm vụ nặng nề nhưng rất vẻ vang” đó, hơn một thập kỷ qua, Quân chủng Hải quân là một trong những lực lượng vinh dự được Đảng, Nhà nước, mà trực tiếp là Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng ưu tiên đầu tư, xây dựng tiến thẳng lên hiện đại. Cùng với đó, các cơ quan, đơn vị, học viện, nhà trường trong toàn Quân chủng luôn chú trọng quán triệt và triển khai thực hiện chủ trương tổng kết kinh nghiệm chiến đấu trên các chiến trường sông biển, nhất là Chỉ thị số 89/CT-BQP, ngày 04/4/2018 “Về việc tăng cường tổng kết thực tiễn công tác huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu gắn với công tác giáo dục, đào tạo của các nhà trường Quân đội, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới”. Theo đó, thời gian qua, Đảng ủy, Ban Giám đốc Học viện Hải quân đã lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan, khoa giảng viên thực hiện tốt việc mời các cán bộ lão thành, cán bộ lãnh đạo, chỉ huy các cơ quan, đơn vị trong Quân chủng về truyền thụ kinh nghiệm chiến đấu cho cán bộ, giảng viên, học viên của Học viện. Qua đó, đã giúp các thế hệ cán bộ, giảng viên, học viên,… “không được quên truyền thống đánh giặc xa xưa của tổ tiên” (như lời căn dặn của Bác); góp phần nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho sự nghiệp xây dựng Quân chủng tiến thẳng lên hiện đại. Đồng thời, góp phần thực hiện tốt nguyên tắc bảo đảm gắn kết chặt chẽ giữa lý luận và thực tiễn, lý thuyết với thực hành, thao trường với chiến trường, nhà trường với đơn vị; đặc biệt là góp phần hiện thực hóa phương châm “chất lượng đào tạo của nhà trường là khả năng sẵn sàng chiến đấu của đơn vị”.

Khi tàu cập bến, đưa Bác đến thăm hang Ðầu Gỗ, nơi xưa kia Trần Hưng Ðạo dựng công trường làm cọc cắm trên sông Bạch Ðằng đánh tan giặc Nguyên Mông, Bác xúc động nói: “Ngày trước ta chỉ có đêm và rừng. Ngày nay ta có ngày, có trời, có biển. Bờ biển ta dài tươi đẹp, ta phải biết giữ gìn lấy nó”. Lời huấn thị đó của Người tuy ngắn gọn, nhưng hàm chứa trong đó những thông điệp vô cùng quý báu, có giá trị lý luận và thực tiễn to lớn, vượt mọi không gian và thời gian; không những giúp ôn lại lịch sử hào hùng của sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc và khẳng định rõ thành quả cách mạng đã đạt được, mà còn có giá trị chỉ đạo, định hướng đặc biệt quan trọng đối với tương lai. Theo đó, các thế hệ con dân đất Việt cả trong nước, cũng như kiều bào ta ở nước ngoài, cả hiện tại và tương lai, đặc biệt là Bộ đội Hải quân phải luôn khắc ghi trong tiềm thức, có trách nhiệm giữ vững và phát huy hơn nữa truyền thống hào hùng của dân tộc; trân quý, giữ gìn và bảo vệ vững chắc những thành quả cách mạng, bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo, thềm lục địa thiêng liêng của Tổ quốc.

 Ngày 13/11/1962, Bác Hồ đến thăm Bộ đội Hải quân lần thứ ba. Sau khi thăm nơi ăn, ở của bộ đội trên đảo, tại quân cảng Vạn Hoa (nay thuộc đảo Cái Bầu, huyện Vân Đồn), Người căn dặn: “Là chiến sĩ Hải quân, các chú phải biết yêu quý đảo như nhà mình, chịu khó cải tạo xây dựng thành những mảnh đất vừa giàu, vừa đẹp, vừa có lợi cho mình, vừa có ích cho đất nước”(3). Người còn khuyên bộ đội trên đảo nên tích cực tăng gia sản xuất trồng rau, trồng cây ăn quả, cây lấy gỗ, học tập nhân dân đánh bắt cá để cải thiện đời sống, nâng cao sức khỏe, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao. 

Ngoài ba lần về thăm trực tiếp, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn luôn theo dõi, chỉ đạo sát sao mỗi bước tiến bộ, trưởng thành, lớn mạnh của Hải quân nhân dân Việt Nam. Ngày 07/8/1964, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng tổ chức trọng thể lễ tuyên dương công trạng các đơn vị phòng không và hải quân đã lập công xuất sắc trong trận chiến đấu ngày 2 và 5 tháng 8. Chủ tịch Hồ Chí Minh đến dự và khen ngợi: “Các chú đã lập được thành tích lớn trong các cuộc chiến đấu chống đế quốc Mỹ vừa qua. Các chú đã chiến đấu rất dũng cảm, đã bắn rơi 8 máy bay Mỹ và bắn hỏng 3 chiếc… Các chú đã bắt sống phi công Mỹ, đánh đuổi tàu chiến Mỹ ra khỏi vùng biển nước ta. Như vậy là rất tốt”(4); đồng thời, Người căn dặn: “Các chú đã thu được thắng lợi vẻ vang nhưng chớ vì thắng lợi mà tự mãn, chủ quan, khinh địch… Các chú phải tiếp tục đẩy mạnh mọi mặt công tác và luôn luôn nâng cao cảnh giác, sẵn sàng chiến đấu bảo vệ Tổ quốc”(5).

Ngày 11/8/1965, nhân dịp Hải quân Nhân dân Việt Nam vừa tròn 10 tuổi, Bác gửi thư khen ngợi cán bộ và chiến sĩ Hải quân: “Tuy còn non trẻ, nhưng nhờ sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, sự tin yêu, giúp đỡ của Nhân dân, sự cố gắng không ngừng của mình, Hải quân ta đã anh dũng chiến đấu, tích cực diệt địch, bắn rơi máy bay và đánh đuổi tàu chiến Mỹ, đoàn kết lập công, bảo vệ Nhân dân, bảo vệ vùng trời và vùng biển của Tổ quốc. Các chú đã nêu cao truyền thống anh hùng của dân tộc ta”. Đồng thời, Người căn dặn : “Các chú hãy ra sức phát huy ưu điểm, sửa chữa nhược điểm, khó không nản, thắng không kiêu, cùng với đơn vị bạn và Nhân dân quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp bảo vệ miền Bắc, ủng hộ cách mạng giải phóng miền Nam, tiến tới hòa bình thống nhất nước nhà”(6).

Thấm thoát, hơn nửa thế kỷ đã trôi qua, kể từ ngày Bác về với “thế giới người hiền”, song tư tưởng, đạo đức, phong cách, đặc biệt là những lời huấn thị của Người về bảo vệ chủ quyền biển, đảo đến nay vẫn vẹn nguyên giá trị, vẫn mãi tỏa chiếu, soi sáng sự nghiệp cách mạng của dân tộc ta, cũng như sự nghiệp xây dựng Hải quân nhân dân Việt Nam cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại. Những lời huấn thị, đặc biệt là lời căn dặn của Người tại hang Đầu Gỗ: “Ngày trước ta chỉ có đêm và rừng. Ngày nay ta có ngày, có trời, có biển. Bờ biển ta dài tươi đẹp, ta phải biết giữ gìn lấy nó” không những là kim chỉ nam - sợi chỉ đỏ xuyên suốt chỉ đạo, định hướng sự nghiệp đấu tranh bảo vệ biển đảo, mà còn tiếp thêm ý chí, nghị lực, sức mạnh, niềm tin cho các thế hệ cán bộ, chiến sĩ Hải quân nhân dân Việt Nam nói chung, cán bộ, giảng viên, học viên, chiến sĩ, công nhân viên Học viện Hải quân nói riêng trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao, góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo, thềm lục địa thiêng liêng của Tổ quốc. Gần 7 thập kỷ qua, các cơ quan, khoa giảng viên, đơn vị trong toàn Học viện luôn thấu triệt sâu sắc những lời di huấn của Người trong quá trình thực hiện các nhiệm vụ, đặc biệt là nhiệm vụ chính trị trọng tâm (giáo dục, đào tạo và nghiên cứu khoa học). Trên cơ sở đó, góp phần truyền lửa, nhiệt huyết cách mạng, khát vọng cống hiến, hun đúc ý chí, nghị lực và củng cố niềm tin cho các thế hệ học viên; không ngừng nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo bảo đảm cung ứng nguồn nhân lực chất lượng cao cho Quân đội nói chung, Quân chủng Hải quân nói riêng đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong giai đoạn mới./.

Chú thích:

(1) Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 10, Sđd, tr. 311.

(2) Truyền thống Hải quân nhân dân Việt Nam (1955 - 2020), Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2020, tr. 80.

(3) Lịch sử Hải quân nhân dân Việt Nam (1955 - 1995), Biên niên sự kiện, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1996, tr. 40.

(4) Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 14, Sđd, tr. 366.

(5) Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 14, Sđd, tr. 366 - 367.

(6) Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 14, Sđd, tr. 597.

Chuẩn Đô đốc Chu Ngọc Sáng

Chính ủy Học viện Hải quân

Bài viết khác: