Chủ tịch Hồ Chí Minh - Anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới, Người đã để lại cho dân tộc ta và nhân loại hệ thống di sản vô cùng quý báu, góp phần định hướng sự phát triển của nhân loại. Trong toàn bộ di sản to lớn của Người, thi đua ái quốc là Di huấn có giá trị vô cùng to lớn, thúc đẩy mạnh mẽ, cổ vũ toàn Đảng, toàn quân và các tầng lớp nhân dân Việt Nam trong cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa; đồng thời, vẫn còn nguyên giá trị trong công cuộc đổi mới đất nước, bảo vệ Tổ quốc hiện nay.

1. Thi đua ái quốc trong Di huấn của Chủ tịch Hồ Chí Minh

Chủ tịch Hồ Chí Minh là lãnh tụ của Đảng, của dân tộc, là người đã đạt đến đỉnh cao của nghệ thuật cuốn hút và thu phục lòng người, đã động viên, lôi cuốn, thuyết phục toàn thể nhân dân Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống thực dân, đế quốc xâm lược giành độc lập dân tộc và đi lên chủ nghĩa xã hội. Tổ chức phong trào thi đua ái quốc được Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm và phát động từ rất sớm, nhất là trong giai đoạn cả nước bước vào cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược lần thứ 2 vào tháng 12 năm 1946. Di huấn của Người về thi đua ái quốc thể hiện tập trung trong các lời kêu gọi, bài phát biểu trong các kỳ đại hội thi đua yêu nước, các bức thư, bức điện gửi các cơ quan, tổ chức, lực lượng, đoàn thể, những cá nhân có thành tích nổi bật trong chiến đấu, lao động sản xuất, học tập, công tác và các nhân sĩ, trí thức chức sắc tôn giáo… Trong đó, phải kể đến: “Lời kêu gọi trong dịp 1000 ngày kháng chiến” (10/6/1948), “Lời kêu gọi Thi đua ái quốc” (11/6/1948), “Thư gửi Hội nghị quân sự toàn quốc lần thứ năm” (09/8/1948), “Bài nói tại đại hội các chiến sĩ thi đua và cán bộ gương mẫu toàn quốc” (01/5/1952), “Tinh thần yêu nước” (25/4/1953), “Điện gửi Đại hội liên hoan chiến sĩ thi đua Nam Bộ” (6/1954), “Nói chuyện tại Đại hội chiến sĩ thi đua ngành giáo dục lần thứ nhất” (21/02/1956), “Nói chuyện tại Đại hội chiến sĩ thi đua ngành thương nghiệp lần thứ nhất” (31/5/1956), “Nói chuyện tại đại hội chiến sĩ thi đua nông nghiệp toàn quốc lần thứ III” (23/5/1958), “Bài nói tại Đại hội chiến sĩ thi đua ngành công nghiệp” (11/3/1960), “Bài nói tại Đại hội chiến sĩ thi đua Công an nhân dân vũ trang” (02/3/1962), “Thư gửi kiều bào ở Pháp” (27/01/1969)… Trong toàn bộ Di huấn đó, Người đã chỉ rõ mục đích, nội dung, đối tượng, cách thức tổ chức phong trào thi đua nhằm động viên, cổ vũ toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta phát huy tinh thần sáng tạo, quyết tâm trong học tập, lao động sản xuất và chiến đấu hoàn thành thắng lợi sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, Tổ quốc thống nhất vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội.

Về mục đích, ý nghĩa và nội dung của thi đua ái quốc, Hồ Chí Minh khẳng định: thi đua ái quốc là để diệt giặc đói, giặc dốt, giặc ngoại xâm; tạo nên động lực, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân để kháng chiến mau thắng lợi, kiến quốc chóng thành công, giành độc lập cho nước nhà, “kháng chiến thắng lợi, dân giàu, nước sang”(1). Cho nên, “Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua. Và những người thi đua là những người yêu nước nhất”(2). Nghĩa là, đồng thời với rèn luyện, phát huy ý chí quyết tâm đấu tranh chống đế quốc, thực dân xâm lược, giải phóng đất nước giành độc lập cho dân tộc, toàn thể quốc dân đồng bào phải ra sức thi đua trong chiến đấu, lao động sản xuất, học tập, kiến thiết, xây dựng nước nhà và tất cả những hành động thi đua sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, nâng cao hiệu suất, hiệu quả trong công tác đều là hành động yêu nước. Chính sự đóng góp và thành tích nổi bật trên các mặt trận đấu tranh thống nhất nước nhà, đó là những người yêu nước.

Về đối tượng thi đua ái quốc là toàn thể quốc dân đồng bào, các tổ chức, lực lượng, nhà nhà thi đua, ngành ngành thi đua. Do đó, Hồ Chí Minh đã viết thư, gửi điện, thăm hỏi, động viên các tổ chức, đối tượng trong toàn dân tham gia hưởng ứng và thực hiện phong trào. Đồng thời, suốt quá trình lãnh đạo Người thường xuyên động viên khen ngợi những cá nhân, tập thể có thành tích xuất sắc trong công tác lao động sản xuất, chiến đấu. Trong đó, Người khẳng định: “Bồi dưỡng và phát huy tác dụng của điển hình, rút kinh nghiệm điển hình mà chỉ đạo phong trào chung để tiến bộ đều”(3). Đây là một nội dung cốt lõi nhằm duy trì sức sống thi đua trong từng thời kỳ cũng như suốt phong trào, trên phạm vi cả nước, các cấp, các ngành, toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta.

Về cách thức, phương pháp tổ chức phong trào thi đua phải “nâng cao kỹ thuật, gom góp sáng kiến, tổng kết kinh nghiệm”, sáng tạo, linh hoạt, rộng khắp và có chiều sâu. Trong đó, chú trọng xây dựng điển hình tiên tiến và gương người tốt, việc tốt để nuôi dưỡng và phát huy tác dụng của phong trào thi đua. Như vậy, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm đến phong trào thi đua ái quốc của toàn dân ta. Những lời chỉ dẫn của Người đã trở thành động lực to lớn, thúc đẩy phong trào thi đua trong suốt quá trình đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, vẫn còn nguyên giá trị trong phong trào thi đua yêu nước cả nước nói chung, Quân đội nhân dân Việt Nam nói riêng, trong đó có Học viện Lục quân.

2. Học viện Lục quân tổ chức phong trào Thi đua Quyết thắng theo Di huấn thi đua ái quốc của Chủ tịch Hồ Chí Minh

Nghiên cứu và thấm nhuần Di huấn của Chủ tịch Hồ Chí Minh về thi đua ái quốc, thực hiện nghiêm Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi đua, khen thưởng năm 2013, Thông tư 151/2018/TT-BQP của Bộ Quốc phòng, các nghị quyết, chỉ thị của Quân ủy Trung ương Bộ Quốc phòng, hướng dẫn của Tổng cục Chính trị về công tác thi đua, khen thưởng, Đảng ủy, Ban Giám đốc, các cơ quan, đơn vị ở Học viện Lục quân “đã gắn kết chặt chẽ với thực hiện các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước, tạo sự lan tỏa sâu rộng, đạt hiệu quả thiết thực”(4), thực sự là động lực tinh thần to lớn, trực tiếp góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ, giảng viên, học viên, nhân viên, chiến sĩ có bản lĩnh chính trị vững vàng, quyết tâm cao, sẵn sàng nhận, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ giáo dục - đào tạo, nghiên cứu khoa học, công tác thông tin khoa học và công tác đối ngoại quân sự; xây dựng Đảng bộ Học viện vững mạnh về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ, Học viện vững mạnh toàn diện, “mẫu mực, tiêu biểu”, góp phần quan trọng giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn. Đồng thời, Học viện đã được tặng nhiều phần thưởng cao quý của Đảng, Nhà nước và Quân đội trao tặng. Trong giai đoạn 2014 - 2019, có 02 tập thể được tặng Huân chương; 10 tập thể được Chính phủ tặng Cờ thi đua và Bằng khen; 141 lượt tập thể được Bộ Quốc phòng,Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Tổng Tham mưu, Tổng cục Chính trị tặng Bằng khen; 61 lượt cá nhân được tặng Huân chương; 137 lượt cá nhân được tặng Huy chương các loại; 140 lượt cá nhân được tặng Bằng khen, Chiến sĩ thi đua toàn quân, toàn quốc(5). Riêng năm 2022, Học viện có 29 tập thể, 74 cá nhân được cấp trên khen thưởng; ba năm liền (2020, 2021, 2022) Học viện được tặng Cờ thi đua của Bộ Quốc phòng, năm 2021 được Thủ tướng Chính phủ tặng Huân chương bảo vệ Tổ quốc hạng Nhất(6). Những thành tích nổi bật trên là sự phản ánh sinh động kết quả quán triệt và vận dụng sáng tạo Di huấn Chủ tịch Hồ Chí Minh về thi đua ái quốc của cán bộ, giảng viên, học viên, nhân viên, chiến sĩ Học viện Lục quân trong những năm qua.

Tuy nhiên, thực hiện phong trào thi đua yêu nước ở Học viện trong những năm qua còn có những hạn chế, bất cập: công tác phổ biến, quán triệt về thi đua, khen thưởng của số ít cơ quan, đơn vị chưa thật sự sâu sắc, đầy đủ. Nhận thức của một bộ phận nhỏ cán bộ, đảng viên, quần chúng về công tác thi đua, khen thưởng có nội dung còn hạn chế. Công tác tuyên truyền, nhân rộng mô hình hay, cách làm sáng tạo và điển hình tiên tiến có đơn vị chưa được chú trọng thường xuyên, chất lượng chưa cao, chưa tạo được sự lan tỏa sâu rộng trong toàn Học viện(7). Những hạn chế, bất cập trên do nhiều nguyên nhân, chủ yếu là do công tác lãnh đạo, chỉ đạo ở một số cơ quan, đơn vị chưa chặt chẽ, một bộ phận cán bộ, học viên, nhân viên, chiến sĩ chưa thật sự phát huy tính năng động, sáng tạo trong tổ chức phong trào thi đua yêu nước theo Di huấn của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

3. Một số giải pháp đẩy mạnh phong trào thi đua ái quốc theo Di huấn của Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Học viện Lục quân hiện nay

Trong những năm tới, tiếp tục đẩy mạnh phòng trào thi đua ái quốc theo Di huấn của Chủ tịch Hồ Chí Minh là nhiệm vụ rất quan trọng của Học viện Lục quân và cần thực hiện đồng bộ một số giải pháp cơ bản sau:

Một là, tăng cường công tác giáo dục nâng cao nhận thức Di huấn của Chủ tịch Hồ Chí Minh về thi đua yêu nước; quán triệt sâu sắc mục tiêu, nội dung, chỉ tiêu phong trào Thi đua Quyết thắng đến mọi tổ chức, lực lượng trong Học viện.

Đây là giải pháp rất quan trọng nhằm xây dựng động cơ thi đua đúng đắn, quyết tâm thi đua cao, nâng cao tinh thần trách nhiệm của mọi tổ chức, mọi lực lượng, tạo động lực thúc đẩy phong trào. Do đó, cần làm tốt công tác giáo dục, tuyên truyền tư tưởng Hồ Chí Minh về bản chất, mục đích, nội dung của thi đua yêu nước, nhằm thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của từng cơ quan, đơn vị và toàn Học viện. Do đó, cần quán triệt sâu sắc các nghị quyết của Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, hướng dẫn của Tổng cục Chính trị về công tác thi đua khen thưởng và phong trào Thi đua Quyết thắng. Trong đó, tập trung giáo dục, quán triệt cho các tổ chức, lực lượng nhận thức sâu sắc những chủ trương nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo của Đảng ủy, Ban Giám đốc Học viện Lục quân như: thực hiện 03 nội dung đột phá “Chất lượng giảng dạy tốt nhất - Quản lý, rèn luyện, học tập nghiêm nhất - Kết quả đào tạo, nghiên cứu khoa học cao nhất” và 3 thực chất “Dạy thực chất, học thực chất, kiểm tra, đánh giá thực chất”; trong thực hiện phương châm “Chất lượng giáo dục, đào tạo của nhà trường là khả năng sẵn sàng chiến đấu của đơn vị”; trong thực hiện biện pháp đột phá về xây dựng chính quy, chấp hành pháp luật Nhà nước, kỷ luật Quân đội “Vững mạnh về chính quy, nghiêm minh về chấp hành kỷ luật”; trong thực hiện phong trào “Cán bộ, chiến sĩ Học viện Lục quân thi đua thực hiện văn hóa công sở, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ”; “Ngành Hậu cần Quân đội làm theo lời Bác Hồ dạy”, “Xây dựng đơn vị quản lý tài chính tốt”; “Quản lý, khai thác vũ khí, trang bị kỹ thuật tốt, bền, an toàn, tiết kiệm và an toàn giao thông”…Để thực hiện thắng lợi những chủ trương đó, trong lãnh đạo, chỉ đạo cần tiến hành tổng hợp các hình thức biện pháp tuyên truyền, giáo dục coi trọng hình thức tự giáo dục của mỗi cán bộ, giảng viên, học viên, nhân viên, chiến sĩ trong nâng cao nhận thức. Trên cơ sở đó tạo động lực thúc đẩy phong trào thi đua quyết thắng của Học viện phát triển cả bề rộng lẫn chiều sâu, thường xuyên, liên tục, vững chắc và hiệu quả cao.

Hai là,tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện phong trào thi đua chặt chẽ, thường xuyên, liên tục và hiệu quả.

Giải pháp này có ý nghĩa quyết định đến chất lượng, hiệu quả thực hiện phong trào thi đua. Bởi vì, trong tổ chức thực hiện phong trào thi đua, nếu chỉ “phát” mà không “động” thì hiệu quả sẽ không cao. Để thực hiện tốt giải pháp này, trước hết phải lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ việc xây dựng kế hoạch thi đua cho từng năm học, học kỳ, các đợt thi đua cao điểm, đột kích sát với nhiệm vụ chính trị của toàn Học viện; chủ đề thi đua phải mang tính định hướng, động viên, cuốn hút, tạo động lực thúc đẩy ý chí, quyết tâm cao, phát huy khả năng, thế mạnh, sức sáng tạo trong thực hiện phong trào của mọi cán bộ, giảng viên, học viên, nhân viên chiến sĩ trong toàn Học viện. Muốn vậy, phải thường xuyên đổi mới nội dung, phương pháp, hình thức tổ chức phong trào thi đua ở Học viện. Theo đó, xác định nội dung thi đua phải toàn diện trên các mặt công tác, trọng tâm là nhiệm vụ giáo dục, đào tạo, nghiên cứu khoa học, chuyển đổi số và xây dựng Học viện vững mạnh toàn diện “Mẫu mực, tiêu biểu” có môi trường văn hóa sư phạm tốt đẹp, xây dựng Đảng bộ Học viện vững mạnh về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ. Phấn đấu thực hiện mục tiêu “Đến năm 2030: xây dựng Học viện đạt tiêu chuẩn Nhà trường thông minh, ứng dụng cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; đến năm 2045: xây dựng Học viện đạt tiêu chuẩn chính quy, mẫu mực, tiêu biểu, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới”(8). Kết hợp chặt chẽ phong trào Thi đua Quyết thắng với các cuộc vận động lớn của Đảng, Nhà nước, Quân đội và đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và Cuộc vận động “Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ” trong toàn Học viện. Đổi mới phương pháp, hình thức thi đua tập trung vào phát huy các mô hình đã và đang thực hiện, khuyến khích các cơ quan, đơn vị sáng tạo các mô hình thi đua hiệu quả, thiết thực, tập trung vào các nhiệm vụ, các khâu đột phá, những mặt còn hạn chế của cơ quan, đơn vị để giải quyết dứt điểm những hạn chế, yếu kém. Chú trọng khâu triển khai kế hoạch thi đua và tổ chức thực hiện thường xuyên, liên tục, chặt chẽ, hiệu quả ở từng cơ quan, đơn vị, tạo khí thế thi đua sôi nổi trong toàn Học viện. Đồng thời, nghiên cứu cách thức tổ chức phong trào thi đua của các đơn vị Quân đội, địa phương nơi đóng quân, nhất là các đơn vị kết nghĩa như: Quân Khu 7, Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội, Bộ Tư lệnh Thành phố Hồ Chí Minh, Binh đoàn 15… Trên cơ sở đó, vận dụng những mô hình hay, cách làm tốt vào tổ chức phong trào thi đua của Học viện.

Ba là, phát huy vai trò của các tổ chức, các lực lượng trong thực hiện phong trào thi đua ở Học viện.

Đây là giải pháp có ý nghĩa rất quan trọng tạo nên sức mạnh tổng hợp thúc đẩy phong trào thi đua của Học viện. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn phải phát huy được “người người thi đua, nhà nhà thi đua, ngành ngành thi đua”; hơn nữa, thực hiện phong trào thi đua quyết thắng là một trong những nhiệm vụ chính trị rất quan trọng của mỗi cơ quan, đơn vị nói riêng và Học viện nói chung. Do đó, phải phát huy vai trò của các cấp ủy đảng, chính trị viên (bí thư), người chỉ huy của các cơ quan, khoa, hệ trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo và chịu trách nhiệm về chất lượng, hiệu quả công tác thi đua của đơn vị mình trước Đảng ủy, Ban Giám đốc Học viện. Trong đó, đội ngũ cán bộ trực tiếp chỉ đạo phong trào thi đua có vai trò rất quan trọng, cho nên phải nâng cao trách nhiệm, năng lực, trình độ, kỹ năng của đội ngũ cán bộ trực tiếp chỉ đạo phong trào thi đua. Đồng thời, cán bộ, đảng viên cần phát huy tốt vai trò tiền phong, gương mẫu, phấn đấu trở thành tấm gương sáng trong thực hiện các phong trào thi đua ở các cơ quan, đơn vị.

Các tổ chức quần chúng (đoàn thanh niên, công đoàn, phụ nữ) và hội đồng quân nhân phát huy vai trò xung kích, đi đầu, dân chủ, đoàn kết, sáng tạo các mô hình thi đua phong phú, đa dạng và động viên mọi cán bộ, hội viên tham gia các phong trào thi đua; tiếp tục phát huy hiệu quả của các mô hình thi đua bảo đảm tính vững chắc và lan tỏa trong toàn Học viện.

Thường xuyên củng cố, kiện toàn, nâng cao chất lượng cơ quan và cán bộ tham mưu về công tác thi đua, khen thưởng; duy trì hoạt động thi đua, khen thưởng theo quy chế của hội đồng, ban (tổ) thi đua khen thưởng; đồng thời, phối hợp chặt chẽ các cơ quan chức năng để làm tốt công tác thi đua, khen thưởng trong toàn Học viện.

Bốn là, phát hiện, bồi dưỡng, phát huy tác dụng điển hình tiên tiến, tạo động lực thúc đẩy phong trào thi đua ở Học viện.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất chú trọng phát hiện và phát huy tác dụng của gương người tốt, việc tốt, các anh hùng chiến sĩ thi đua trên các mặt trận. Theo đó, phát hiện và bồi dưỡng điển hình tiên tiến cần phát huy cao trí tuệ, tài năng, sáng tạo của cán bộ, chiến sĩ trong quản lý, giảng dạy, học tập, nghiên cứu khoa học và công tác phục vụ làm cho chất lượng giáo dục, đào tạo của Học viện ngày càng nâng cao. Bồi dưỡng điển hình tiên tiến cần có kế hoạch ngay từ đầu năm học, khóa học hoặc giai đoạn thi đua, có tập trung, trọng tâm, trọng điểm, tránh dàn trải, chung chung. Phát hiện và bồi dưỡng điển hình tiên tiến phải lựa chọn những cá nhân, tập thể có thành tích thực chất, thực sự xuất sắc và nổi bật; tránh chạy theo thành tích mà bỏ qua chất lượng dẫn đến tính thuyết phục không cao. Khi đã xây dựng, bồi dưỡng được điển hình tiên tiến cần phát huy tác dụng, tạo phong trào thi đua học tập các điển hình tiên tiến trong từng cơ quan, đơn vị, làm cho phong trào thi đua của Học viện luôn sôi nổi, khí thế mạnh mẽ, rộng khắp trên mọi mặt hoạt động của đơn vị. Mặt khác, những cá nhân, tập thể điển hình tiên tiến phải thường xuyên phấn đấu, sáng tạo, rèn luyện để xứng đáng với danh hiệu được trao tặng. Quá trình chỉ đạo phong trào thi đua cần phát huy tác dụng của điển hình tiên tiến, phát triển bằng nhiều hình thức, biện pháp như: tăng cường tuyên truyền trên các phương tiện truyền thông của Học viện; trong các hội nghị, hoạt động của các đơn vị về điển hình, tiên tiến, gương người tốt, việc tốt, những kinh nghiệm hay, sáng kiến tốt... Tổ chức học tập, đua, đuổi, vượt các điển hình, tiên tiến bằng tổ chức báo cáo thành tích, phổ biến kinh nghiệm; giao lưu, kết nghĩa... Đồng thời, tạo mọi điều kiện để điển hình tiên tiến phát huy, phát triển, lan tỏa, khắc phục triệt để những biểu hiện của tư tưởng thỏa mãn dừng lại ở điển hình tiên tiến.

Năm là, thực hiện tốt công tác khen thưởng, thường xuyên sơ kết, tổng kết, rút kinh nghiệm phong trào Thi đua Quyết thắng trong toàn Học viện.

Đây là giải pháp tạo động lực trực tiếp trong mỗi cán bộ, giảng viên, học viên, nhân viên, chiến sĩ trong toàn Học viện. Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn: “Khen thưởng là tổng kết và phổ biến kinh nghiệm ra cho mọi ngành hoạt động”(9). Do đó phải kết hợp chặt chẽ giữa công tác thi đua với công tác khen thưởng, coi khen thưởng là biện pháp, động lực quan trọng để kịp thời ghi nhận, biểu dương, tôn vinh, động viên cán bộ, giảng viên, học viên, nhân viên, chiến sĩ trong các cơ quan, đơn vị hăng hái phấn đấu vươn lên hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao.

Thường xuyên sơ kết, tổng kết, rút kinh nghiệm kịp thời, nhằm phát huy, lan tỏa những kết quả trong tổ chức phong trào thi đua; đồng thời, phát hiện, chấn chỉnh những nhận thức sai lệch, động cơ không đúng trong phong trào thi đua và kiên quyết đấu tranh phòng, chống mọi biểu hiện “bệnh thành tích”, ganh đua, kết quả thiếu bền vững trong thực hiện phong trào thi đua.

Tựu trung lại, Kỷ niệm 133 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại và 75 năm Người ra “Lời kêu gọi thi đua ái quốc” ngày 11/6/1948, là dịp chúng ta tiếp tục nghiên cứu, khẳng định giá trị bền vững của hệ thống di sản tư tưởng Hồ Chí Minh. Trong đó, Di huấn về thi đua ái quốc không chỉ cổ vũ, động viên, lôi cuốn toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta trong công cuộc kháng chiến, kiến quốc giành độc lập dân tộc mà còn có giá trị to lớn trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa hiện nay. Thấm nhuần Di huấn của Chủ tịch Hồ Chí Minh về thi đua ái quốc, những năm qua Học viện Lục quân đã tổ chức tốt phong trào Thi đua Quyết thắng, góp phần hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ chính trị của Học viện. Những năm tới, Học viện Lục quân tiếp tục đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước theo Di huấn của Chủ tịch Hồ Chí Minh bằng nhiều giải pháp tích cực, chủ động nhằm hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ chính trị, xây dựng Đảng bộ Học viện trong sạch vững mạnh, Học viện vững mạnh toàn diện “Mẫu mực, tiêu biểu”, xứng đáng là một trung tâm giáo dục, đào tạo và nghiên cứu khoa học có uy tín cao của Quân đội và quốc gia; xứng đáng với công lao to lớn đối với sự phát triển dân tộc ta của Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu./.

Chú thích:

(1) Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 7, Sđd, tr.346.

(2) Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 7, Sđd, tr. 407.

(3) Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 13, Sđd, tr. 261.

(4) Đảng ủy Học viện Lục quân, Báo cáo Chính trị của Ban chấp hành Đảng bộ nhiệm kỳ 2015 - 2020 tại Đại hội đại biểu Đảng bộ Học viện Lục quân lần thứ XIII, nhiệm kỳ 2020 - 2025, Lâm Đồng, tháng 7/2020, tr.4.

(5) Học viện Lục quân, Báo cáo Tổng kết công tác thi đua, khen thưởng giai đoạn 2014 - 2019; phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ, biện pháp giai đoạn 2019 - 2024, Lâm Đồng, 2019, tr.8.

(6) Học viện Lục quân, Báo cáo Tổng kết công tác thi đua, khen thưởng năm 2022, Lâm Đồng, 2019, tr.6.

(7) Học viện Lục quân, Báo cáo Tổng kết công tác thi đua, khen thưởng giai đoạn 2014 - 2019; phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ, biện pháp giai đoạn 2019 - 2024, Sđd, tr. 9.

(8) Đảng ủy Học viện Lục quân, Báo cáo Chính trị của Ban chấp hành Đảng bộ nhiệm kỳ 2015 - 2020 tại Đại hội đại biểu Đảng bộ Học viện Lục quân lần thứ XIII, nhiệm kỳ 2020 - 2025,Lâm Đồng, tháng 7/2020, tr. 14.

(9) Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 7, Sđd, tr. 347.

Thiếu tướng, PGS,TS Nguyễn Công Sơn

Phó Giám đốc Học viện Lục quân

Bài viết khác: