Chủ tịch Hồ Chí Minh là người sáng lập, tổ chức và rèn luyện Quân đội ta; những tư tưởng của Người là kim chỉ nam xây dựng lực lượng vũ trang nói chung, Ngành Hậu cần quân đội nói riêng. Ghi sâu lời Bác, trong những năm qua Bộ Quốc phòng đã phát động phong trào thi đua “Ngành Hậu cần quân đội làm theo lời Bác Hồ dạy”, nhằm cụ hóa tư tưởng của Người về công tác hậu cần Quân đội. Nội dung cơ bản của phong trào thi đua, đó là “Một tập trung, ba khâu đột phá và năm tốt”(1). Học viện Hậu cần là trung tâm đào tạo cán bộ hậu cần toàn quân, đã quán triệt sâu sắc, triển khai quyết liệt, thu được nhiều kết quả quan trọng, trực tiếp góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ giáo dục, đào tạo; xây dựng Học viện vững mạnh toàn diện “Mẫu mực, tiêu biểu”, góp phần xây dựng Ngành Hậu cần toàn quân. Trong phạm vi tham luận, chúng tôi đề cập một số kết quả nổi bật trong thực hiện phong trào thi đua và một số kinh nghiệm, nhằm thực hiện hiệu quả phong trào thi đua trong những năm tiếp theo.
I- MỘT SỐ KẾT QUẢ NỔI BẬT
Thứ nhất, làm chuyển biến nhận thức tư tưởng, hành động đối với đội ngũ cán bộ, giảng viên, học viên nhân viên, chiến sĩ với công tác hậu cần.
Đây là kết quả quan trọng có ý nghĩa quyết định chi phối tới mọi hoạt động của Học viện, từ công tác giáo dục, đào tạo; nghiên cứu khoa học hậu cần quân sự; công tác hậu cần; phòng chống tham ô, lãng phí, thực hành tiết kiệm… Học Bác, trước hết mỗi cán bộ, giảng viên, học viên, nhân viên, chiến sĩ Học viện Hậu cần thấm nhuần sâu sắc các quan điểm cơ bản về công tác hậu cần, đó là cách mạng, khoa học, thực tiễn, quần chúng, phục vụ bộ đội; “cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư”; tư tưởng lấy “đức làm gốc”. Từ thấm nhuần các quan điểm, tư tưởng, mà không ngừng rèn đức, luyện tài, “đem lòng chí công vô tư mà đối với người, với việc”, “lo trước thiên hạ, vui sau thiên hạ”, làm tròn bổn phận của người cán bộ hậu cần, để làm thế nào “một bát gạo, một đồng tiền, một viên đạn, một viên thuốc, một tấc vải, phải đi thẳng đến tay người chiến sĩ”. Các quan điểm, tư tưởng cơ bản đó từng bước đã thấm sâu vào suy nghĩ của mỗi học viên, lực lượng nòng cốt tiến hành công tác hậu cần của đơn vị sau khi tốt nghiệp, ra trường.
Thứ hai, hoàn thành tốt nhiệm vụ bảo đảm hậu cần sẵn sàng chiến đấu, thường xuyên và đột xuất.
Đây là mục tiêu cơ bản của phong trào thi đua hướng tới, vì hậu cần luôn lấy thực hiện thắng lợi nhiệm vụ quân sự làm mục tiêu. Đối với công tác hậu cần sẵn sàng chiến đấu, Học viện luôn coi trọng bổ sung, hoàn thiện các phương án bảo đảm; xây dựng, hoàn thiện hệ thống văn kiện; tổ chức luyện tập, duy trì nghiêm các chế độ trực; dự trữ đủ về số lượng, tốt về chất lượng vật chất hậu cần sẵn sàng chiến đấu. Thực tiễn những năm qua, công tác hậu cần đã bảo đảm kịp thời, đầy đủ mọi mặt hậu cần cho đơn vị thực hiện thắng lợi nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu và đột xuất của Học viện; nhất là trong công tác phòng, chống dịch Covid-19. Ngay từ những ngày đầu, Học viện đã quán triệt và thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Trung ương, Quân ủy Trung ương với tinh thần “Chống dịch như chống giặc”; tổ chức thực hiện đồng bộ, quyết liệt các biện pháp, khẩn trương truy vết, khoanh vùng, cách ly kịp thời đã ngăn chặn không để dịch lây lan vào Học viện(2). Đội ngũ y, bác sĩ phát huy phẩm chất “Bộ đội cụ Hồ” vượt trên gian khó, tận tụy, nỗ lực bất kể ngày đêm thần tốc truy vết, cách ly kịp thời, điều trị tận tình, hướng dẫn, chăm sóc chu đáo, đã điều trị an toàn hàng nghìn bệnh nhân Covid-19. Trong thời gian cao điểm, số bệnh nhân điều trị gấp gần 30 lần năng lực hiện có của quân y Học viện(3); khi Bộ có dự báo huy động y, bác sĩ vào Nam chống dịch, đã có 6 đồng chí (100% chỉ tiêu dự báo) làm đơn tình nguyện sẵn sàng “Nam tiến” chống dịch Covid-19.
Công tác bảo đảm hậu cần thường xuyên của Học viện có nhiều khó khăn, phức tạp do phải bảo đảm cho quân số đông, trên nhiều khu vực (Long Biên, Sơn Tây, Hòa Bình), trong điều kiện lực lượng hậu cần mỏng,… Song với tinh thần phát huy sức mạnh tổng hợp, chủ động khắc phục khó khăn nên đã đạt được kết quả toàn diện. Bảo đảm đầy đủ, kịp thời mọi mặt hậu cần cho các nhiệm vụ; đúng, đủ tiêu chuẩn, định mức cho các đối tượng đúng quy định. Học viện không ngừng đổi mới, hoàn thiện phương thức bảo đảm hậu cần; tổ chức khai thác, tạo nguồn vật chất, trang bị, phương tiện hậu cần; tăng gia sản xuất cải thiện đời số bộ đội(4); quân số khỏe hàng năm đạt trên 99,7%; triển khai và hoàn thành nhiều dự án, công trình xây dựng cơ bản, công trình nước sạch, hạ tầng kỹ thuật, sân đường, cải tạo các công trình cấp thiết, xóa nhà cấp 4 xuống cấp nghiêm trọng bảo đảm chất lượng, tiến độ, tiết kiệm, phát huy hiệu quả công năng sử dụng và bảo đảm đúng quy trình, thủ tục quy định(5); tổ chức 111 lớp tập huấn cho cán bộ, nhân viên hậu cần. Thực hiện tốt các phòng trào thi đua “Bếp nuôi quân giỏi, quản lý quân nhu tốt”, "Đơn vị quân y 5 tốt", “Xây dựng và quản lý doanh trại chính quy, xanh, sạch, đẹp", “Xây dựng đơn vị vận tải chính quy, an toàn, hiệu quả”, “Quản lý, sử dụng xăng dầu an toàn, tiết kiệm, hiệu quả”, “Xây dựng đơn vị vận tải chính quy, an toàn, hiệu quả”, “Cuộc vận động 50”; không ngừng nhân rộng các điển hình tiến tiến, nhiều tập thể, cá nhân được Bộ khen thưởng trong thực hiện phong trào thi đua “Ngành Hậu cần quân đội làm theo lời Bác Hồ dạy”(6).
Thứ ba, nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng cơ sở vật chất hậu cần, tài chính, phòng chống tham nhũng, lãng phí.
Trong điều kiện kinh tế, xã hội còn nhiều khó khăn, đầu tư của Nhà nước cho nhiệm vụ quốc phòng, an ninh nói chung, Ngành Hậu cần quân đội nói riêng còn hạn chế. Thực hiện phong trào thi đua “Ngành Hậu cần làm theo lời Bác Hồ dạy”, Học viện triển khai quyết liệt, đồng bộ nhiều giải pháp, nhằm không ngừng nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng cơ sở vật chất hậu cần, tài chính, phòng chống tiêu cực, lãng phí.
Học viện tập trung đẩy mạnh cải cách hành chính; xây dựng, ban hành, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện quy chế làm việc, quy chế lãnh đạo các mặt công tác trọng yếu thực hiện thống nhất trong Học viện. Các cấp ủy đảng, người chỉ huy các cấp đặc biệt coi trọng về công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, làm chuyển biến về nhận thức, nâng cao tinh thần trách nhiệm đối với mọi cán bộ, giảng viên, học viên, nhân viên, chiến sĩ tham gia quản lý, sử dụng vật chất, trang bị, kinh phí hậu cần, phòng chống tham ô, tiêu cực, lãng phí.
Sử dụng kinh phí đúng nguyên tắc, công khai, minh bạch, thực hiện nghiêm các quy định đầu thấu mua sắm, xây dựng… Phát huy tốt vai trò của Ban Chỉ đạo phòng chống tham nhũng, trách nhiệm của các cơ quan, các tổ chức quần chúng và đội ngũ cán bộ, đảng viên trong thực hiện tiết kiệm, phòng chống tham nhũng, lãng phí(7). Qua 02 cuộc kiểm toán Nhà nước, 01 cuộc kiểm toán, 02 cuộc thanh tra của Bộ Quốc phòng về công tác tài chính, Học viện được đánh giá là đơn vị quản lý tài chính tốt(8). Sử dụng hiệu quả, kéo dài tuổi thọ trung bình các trang bị hậu cần; sử dụng hiệu quả nguồn lực đất đai và các trang thiết bị công nghệ trong công tác hậu cần.
Thứ tư, xây dựng ngành hậu cần Học viện vững mạnh toàn diện.
Quán triệt và thực hiện Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ XIII, Nghị quyết Đại hội toàn quân lần thứ XI, với lộ trình “Đến năm 2025, cơ bản xây dựng quân đội, công an tinh, gọn, mạnh, tạo tiền đề vững chắc, phấn đấu năm 2030 xây dựng Quân đội nhân dân, Công an nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại”, Học viện đã quán triệt sâu sắc chủ trương, nghị quyết, chỉ thị, quyết định, hướng dẫn của trên về tổ chức biên chế(9), xây dựng kế hoạch, tổ chức thực hiện chặt chẽ, nghiêm túc, bảo đảm dân chủ, đúng quy định. Kết hợp điều chỉnh tổ chức biên chế(10) với bồi dưỡng nâng cao phẩm chất, năng lực cán bộ, nhân viên hậu cần; 100% cán bộ ở cơ quan, đơn vị hậu cần được bố trí đúng chuyên ngành đào tạo. Cùng với kiện toàn về con người, Học viện coi trọng trang bị đồng bộ cơ sở vật chất, nhất là trang bị tiến tiến, hiện đại.
Xây dựng hệ thống quy chế, quy định, hướng dẫn, các mối quan hệ công tác với các cơ quan, khoa giáo viên, đơn vị quản lý học viên, thực hiện thống nhất trong toàn Học viện. Tăng cường công tác huấn luyện, bồi dưỡng về trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, nhất là về chính trị, tư tưởng, đạo đức. 100% cán bộ, nhân viên, chiến sĩ hậu cần có bản lĩnh chính trị vững vàng, tuyệt đối trung thành với Đảng, Nhà nước, Nhân dân, không có hiện tượng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Coi trọng đào tạo chuyên sâu, lĩnh vực mũi nhọn, tham gia huấn luyện và cử lực lượng tham dự Army Games theo quyết định của Bộ (năm 2021 được Bộ trưởng Bộ Quốc phòng tặng Bằng khen).
Thứ năm, công tác giáo dục, đào tạo, nghiên cứu khoa học bám sát thực tiến, giải quyết tốt vấn đề thực tiễn đặt ra.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy: “Thực tiễn không có lý luận hướng dẫn thì thành thực tiễn mù quáng. Lý luận mà không liên hệ với thực tiễn là lý luận suông”(11). Quán triệt quan điểm thực tiễn đó, công tác giáo dục, đào tạo, nghiên cứu khoa học ở Học viện Hậu cần đã thường xuyên bám sát chủ trương, đường lối của Đảng, tình hình thực tiễn công tác hậu cần, thực hiện tốt phương châm “Chất lượng đào tạo của nhà trường là khả năng sẵn sàng chiến đấu của đơn vị”; đổi mới phương pháp dạy học, lấy người học làm trung tâm, coi trọng truyền thụ kinh nghiệm thực tiễn; “dạy thực chất, học thực chất, đánh giá thực chất”. Đào tạo cán bộ, nhân viên hậu cần “vừa hồng, vừa chuyên” theo tư tưởng Hồ Chí Minh, trên cơ sở lấy đức làm gốc.
Trong 10 năm (2012 - 2022), Học viện đã có 10.454 học viên các đối tượng tốt nghiệp ra trường(12), cơ bản đáp ứng tốt yêu cầu nhiệm vụ theo chức trách, nhiều đồng chí phát triển, trở thành các tướng lĩnh, giữ các cương vị chủ chốt về công tác hậu cần cấp chiến lược, chiến dịch. Học viện tích cực rà soát, điều chỉnh, đổi mới nội dung, chương trình đào tạo theo hướng giảm lý thuyết, tăng thực hành, coi trọng truyền thụ kinh nghiệm, phát triển phẩm chất, năng lực toàn diện của người học(13). Chương trình từng bước được chuẩn hóa, bám sát chủ trương, đường lối của Đảng, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng; cập nhật những vấn đề mới về chiến lược, chiến dịch, về khoa học hậu cần quân sự, sát với chức trách người học, coi trọng phát triển kỹ năng người học, hoàn thành tốt chức trách nhiệm vụ sau khi tốt nghiệp, ra trường, đa số phát triển tốt. Công tác nghiên cứu khoa học được triển khai quyết liệt, thực hiện đi trước một bước, chú trọng giải quyết vấn đề thực tiễn đặt ra, nhất là các vấn đề bảo đảm hậu cần trong điều kiện chiến tranh hiện đại, sử dụng vũ khí công nghệ cao; đã nghiên cứu thành công 1.227 đề tài, sáng kiến cấp Bộ, cấp ngành và cơ sở, thiết thực góp phần giải quyết các vấn đề thực tiễn công tác hậu cần đang đặt ra và nâng cao chất lượng huấn luyện, chất lượng đội ngũ nhà giáo, cán bộ nghiên cứu.
II- MỘT SỐ KINH NGHIỆM RÚT RA
Từ thực tiễn thực hiện phong trào thi đua “Ngành Hậu cần Quân đội làm theo lời Bác Hồ dạy” ở Học viện Hậu cần trong những năm vừa qua, rút ra một số kinh nghiệm sau:
Một là, nâng cao vai trò của các cấp ủy, người chỉ huy các cấp; phát huy đông đảo lực lượng quần chúng trong thực hiện phong trào thi đua.
Đây là vấn đề có ý nghĩa quyết định đến hiệu quả của phong trào thi đua, nó vừa có tính nguyên tắc, vừa phù hợp với các quan điểm của Đảng, Bác Hồ về thi đua, “người người thi đua, nhà nhà thi đua”. Cấp ủy đảng, cán bộ chủ trì các cấp phải coi đây là nhiệm vụ chính trị trung tâm, thường xuyên, nhằm thúc đẩy mọi mặt công tác hậu cần; thực hiện tiền phong, gương mẫu của cán bộ lãnh đạo, chỉ huy; phong trào thi đua phải trở thành phong trào quần chúng sâu rộng trọng đơn vị, với tinh thần “sự nghiệp cách mạng là của quần chúng”, cán bộ, chiến sĩ “từ người binh nhì” phải thực hiện một cách tự giác, trách nhiệm.
Hai là, gắn phong trào thi đua với Cuộc vận động học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh vào thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của đơn vị. Đây là vấn đề “gốc” trong thực hiện phong trào trào thi đua “Ngành hậu cần Quân đội làm theo lời Bác Hồ dạy” ở Học viện Hậu cần. Theo đó, đề học Bác, thi đua làm theo Bác, trước hết phải thường xuyên tu dưỡng về phẩm chất, đạo đức, lối sống; học về lề nối, tác phong làm việc của Bác, “cán bộ hậu cần các cấp như là người mẹ, người chị của người binh nhì”. Phong trào thi phải bám sát nhiệm vụ chính trị trung tâm, tập trung có trọng tâm, trọng điểm, vào những vấn đề khó.
Ba là, cần tập trung nguồn lực, tạo sức bật trong phong trào thi đua. Trước yêu cầu đòi hỏi ngày càng cao đối với công tác hậu cần quân đội, nhằm đáp ứng yêu cầu xây dựng quân đội “tinh, gọn, mạnh” vào năm 2025, đến năm 2030 xây dựng quân đội hiện đại, cũng như trước yêu cầu bảo đảm hậu cần trong tình hình mới, nhất là bảo đảm cho tác chiến. Công tác thi đua cần tập trung vào những vấn đề lớn, trọng điểm, giải quyết những vấn đề khó, cần được đầu tư nguồn lực hợp lý, tạo hiệu quả, hiệu ứng mạnh mẽ thiết thực thúc đẩy các mặt công tác hậu cần của từng đơn vị và toàn quân.
Bốn là, coi trọng sơ kết, tổng kết, nhân rộng điển hình tiên tiến. Xuất phát từ vị trí, vai trò của công tác sơ kết, tổng kết, nhằm đánh giá chính xác, khách quan những vấn đề đạt được, những hạn chế, tồn tại, rút ra kinh nghiệm để tổ thực hiện hiệu quả hơn, đồng thời nhân rộng điển hình tiên tiến. Thông qua sơ kết, tổng kết nhằm tuyên truyền, vận động đông đảo quần chúng tham gia, tạo sức lan tỏa, hiệu ứng tích cực trong từng cơ quan, đơn vị và Ngành Hậu cần quân đội về thực hiện phong trào thi đua làm theo lời Bác Hồ dạy.
Tóm lại, hưởng ứng phong trào thi đua “Ngành Hậu cần quân đội làm theo lời Bác Hồ dạy”, những năm qua, Học viện Hậu cần tiến hành thường xuyên, quyết liệt, gắn với nhiệm vụ chính trị trung tâm giáo dục, đào tạo và nghiên cứu khoa học hậu cần quân sự đã thu được nhiều kết quả quan trọng, tạo lên chuyển biến mới về mọi mặt, đáp ứng yêu cầu sự nghiệp công nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; xây dựng quân đội cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại. Từ thực tiễn thực hiện phong trào thi đua, Học viện rút ra kinh nghiệm có ý nghĩa chỉ đạo nâng cao hiệu quả phong trào trong những năm tiếp theo, thiết thực xây dựng Học viện xứng đáng là một trung tâm đào tạo, nghiên cứu khoa học hậu cần có uy tín của Quân đội, xứng đáng danh hiệu Học viện Anh Hùng./.
Chú thích:
(1) “Một tập trung”: Đẩy mạnh học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, xây dựng cơ quan, đơn vị hậu cần vững mạnh toàn diện. “Ba khâu đột phá”: Nâng cao chất lượng bảo đảm đời sống sinh hoạt, sức khỏe bộ đội; Triệt để thực hành tiết kiệm; chống lãng phí. Bổ sung, hoàn thiện phương thức bảo đảm hậu cần; Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính; xây dựng chính quy trong công tác hậu cần. Bảo đảm tốt an toàn giao thông. “Năm tốt”: Tinh thần phục vụ tốt; Tăng gia sản xuất, nuôi dưỡng, chăm sóc sức khỏe bộ đội tốt; Chống lãng phí và thực hành tiết kiệm tốt; Phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, xây dựng các mô hình hậu cần tốt; Xây dựng chính quy, cải cách hành chính tốt.
(2) Tổ chức xét nghiệm gần 30.000 lượt người; tổ chức truy vết, cách ly và hướng dẫn cách ly gần 13.000 lượt người; xây dựng kế hoạch, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, đơn vị trong và ngoài Học viện tổ chức tiêm phòng vắc xin Covid-19mũi 2, 3, 4 đạt 99,9 % quân số toàn Học viện, bảo đảm an toàn.
(3) Ngày cao điểm thu dung điều trị tại Học viện 450 BN Covid-19/Khả năng 15 giường.
(4) Kết quả tăng gia sản xuất, chế biến đưa vào bữa ăn bộ đội đạt bình quân 780.000đ/người/năm.
(5) Từ năm 2013 đến nay: đã xoá 4.299 m2 nhà cấp 4 xuống cấp nghiêm trọng; xây dựng mới 16 công trình nhà công vụ, nhà ở và làm việc, giảng đường với diện tích: 97.953 m2; cải tạo, sửa chữa, nâng cấp 12 công trình nhà ở và làm việc, giảng đường, sân đường nội bộ, hạ ngầm mạng điện hạ thế, mạng thông tin liên lạc và mạng công nghệ thông tin toàn Học viện với tích: 84.223 m2.
(6) Sơ kết 5 năm lần thứ năm phong trào thi đua “Ngành Hậu cần quân đội làm theo lời Bác Hồ dạy” giai đoạn 2015-2020 Học viện được Bộ Quốc phòng tặng Bằng khăn cho 01 tập thể, 01 cá nhân.
(7) Từ 2012 đến năm 2022 Học viện tiết kiệm được 2,205 tỷ đồng; 20.454 lít xăng, 1.924 lít dầu.
(8) Năm 2020 Học viện được Bộ Quốc phòng tặng Cờ thi đua đơn vị “Quản lý tài chính tốt giai đoạn 2010-2020”; Ban Tài chính được Bằng khen của Bộ Quốc phòng.
(9) Quyết định số 797/QĐ-TM ngày 16/10/2020 của Tổng Tham mưu trưởng.
(10) Tháng 1 năm 2021 Học viện đã thực hiện sáp nhập Phòng Kỹ thuật với Phòng Hậu cần theo tổ chức biên chế mớitheo Kế hoạch số 7870/KH-HV ngày 29/12/2020 của Giám đốc Học viện về việc thực
(11) Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 11, Sđd, tr. 95.
(12) Các đối tượng tốt nghiệp ra trường: 2.727 CBHC cấp Chiến thuật - Chiến dịch; 365 cán bộ có trình độ sau đại học; 4.460 cán bộ cấp phân đội; 1.064 cán bộ hoàn thiện đại học; 82 cán bộ văn bằng 2; 1.756 nhân viên chuyên môn kỹ thuật.
(13) Kết quả rà soát, xây dựng mới chương trình, 42 bộ chương trình đào tạo, cụ thể: đào tạo cán bộ, nhân viên hậu cần 22 bộ; đào tạo dân sự 08 bộ; liên kết đào tạo cho Bộ công an 04 bộ; đào tạo tiến sĩ 03 bộ; đào tạo thạc sĩ 05 bộ. Từ năm 2016 đến nay, xây dựng mới 08 chương trình, rà soát điều chỉnh 10 chương trình đào tạo; 100% môn học có đề cương môn học.
Thiếu tướng Nguyễn Văn Kiên
Phó Giám đốc Học viện Hậu Cần