1. Tư tưởng Hồ Chí Minh về đoàn kết quốc tế

Chủ tịch Hồ Chí Minh là lãnh tụ thiên tài, người thầy vĩ đại của Đảng Cộng sản Việt Nam và của dân tộc Việt Nam, anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hóa kiệt xuất, chiến sĩ lỗi lạc của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế. Cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của Người đã để lại cho Đảng ta và dân tộc ta những di sản vô giá, đặc biệt là tư tưởng về đoàn kết quốc tế. Tư tưởng Hồ Chí Minh là một hệ thống quan điểm toàn diện và sâu sắc về những vấn đề cơ bản của cách mạng Việt Nam. Tư tưởng Hồ Chí Minh về đoàn kết quốc tế là một bộ phận rất quan trọng và đặc sắc trong hệ thống các quan điểm của tư tưởng Hồ Chí Minh.

Trong quan hệ ngoại giao, đoàn kết quốc tế, Hồ Chí Minh luôn kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Tất cả hoạt động đối ngoại và đoàn kết quốc tế đều xuất phát từ lợi ích quốc gia, dân tộc, đặt lợi ích quốc gia dân tộc lên trên hết trước hết. Tất cả phải nhằm mục tiêu bảo vệ độc lập chủ quyền của dân tộc, tự do và hạnh phúc của nhân dân. Không có gì quý hơn độc lập, tự do. Không ngừng nâng cao thực lực của cách mạng để nâng cao sức mạnh và hiệu quả của đoàn kết quốc tế: “Phải trông ở thực lực. Thực lực mạnh, ngoại giao sẽ thắng lợi. Thực lực là cái chiêng mà ngoại giao là cái tiếng. Chiêng có to tiếng mới lớn”(1). Tư tưởng ngoại giao rất quan trọng này đã xác định vị trí và mối quan hệ giữa xây dựng thực lực của cách mạng, xây dựng và phát huy sức mạnh của dân tộc với sức mạnh và hiệu quả của hoạt động ngoại giao. Trong mối quan hệ này, hoạt động đối ngoại và đoàn kết quốc tế là rất quan trọng, còn xây dựng thực lực cách mạng có ý nghĩa quyết định.

 Nguyên tắc định hướng trong đoàn kết quốc tế là kiên định vững chắc về mục tiêu chiến lược; đồng thời, linh hoạt, mềm dẻo về sách lược. Nguyên tắc ở đây cần kiên định đó là mục tiêu giành và giữ vững độc lập cho dân tộc, bảo vệ toàn vẹn chủ quyền, lãnh thổ quốc gia, đặt lợi ích quốc gia dân tộc lên trên hết trước. Muốn thực hiện đúng đắn và hiệu quả nguyên tắc nêu trên khi tiến hành các hoạt động đối ngoại và đoàn kết quốc tế phải vận dụng nhuần nhuyễn phương châm: biết mình, biết người, biết thời, biết thế, biết tiến, biết thoái, biết nhu, biết cương, biết dừng và biết biến.

 Trong thực hiện đoàn kết quốc tế phải xử lý tốt mối quan hệ giữa độc lập tự chủ, tự lực tự cường gắn liền với hợp tác quốc tế sẽ kết hợp tối ưu sức mạnh của dân tộc với sức mạnh của thời đại. Hồ Chí Minh từng chỉ rõ một trong những nguyên nhân suy yếu của các dân tộc phương Đông trong lịch sử là sự cô lập, là chính sách “bế quan, tỏa cảng”. Trong tác phẩm Đường cách mệnh, Người đã chỉ rõ: Cách mạng Việt Nam là một bộ phận của cách mạng thế giới, gắn bó mật thiết với phong trào cách mạng tiến bộ trên thế giới vì hòa bình, độc lập và tiến bộ xã hội. Trong Di chúc để lại, Người căn dặn: “Đoàn kết là một truyền thống cực kỳ quý báu của Đảng và của dân ta. Các đồng chí từ Trung ương đến các chi bộ: cần phải giữ gìn sự đoàn kết nhất trí của Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình”(2). Đảng ta là một đảng cầm quyền. Mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, người đầy tớ thật trung thành của nhân dân.

Hồ Chí Minh đã chỉ ra, thực tiễn thắng lợi của Cách mạng tháng Mười Nga năm 1917 đã mở đầu cho một thời đại mới - thời đại quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội trên phạm vi toàn thế giới. Thời đại mới đã chấm dứt sự tồn tại biệt lập giữa các quốc gia, mở ra mối quan hệ ngày càng rộng lớn giữa các dân tộc. Trong quá trình tìm đường cứu nước, Hồ Chí Minh đã nhanh chóng nắm bắt được đặc điểm của thời đại. Ngay từ những năm 20 của thế kỷ XX, Người đã tổng kết, khái quát những nhận xét đầu tiên của mình bằng những luận điểm về nhu cầu, khả năng, điều kiện hợp tác giữa các dân tộc. Điểm nổi bật trong tư tưởng của Người lúc bấy giờ là sự hợp tác, đoàn kết giữa các dân tộc nhỏ yếu, lạc hậu, bị áp bức tạo nên sức mạnh chống đế quốc, thực dân, đặc biệt là chống lại chính sách “chia để trị”. Người cho rằng: “Công cuộc giải phóng các nước và các dân tộc bị áp bức là một bộ phận khăng khít của cách mạng vô sản. Do đó mà trước hết nảy ra khả năng và sự cần thiết phải có liên minh chiến đấu chặt chẽ giữa các dân tộc thuộc địa với giai cấp vô sản của các nước đế quốc để thắng kẻ thù chung”(3).

Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng sôi nổi, nhiệt huyết của mình, Hồ Chí Minh luôn chăm lo xây dựng, vun đắp cho tình hữu nghị, hợp tác và đoàn kết giữa nhân dân các nước với tinh thần “bốn phương vô sản đều là anh em”, qua đó tạo nên sức mạnh to lớn cho sự nghiệp cách mạng của dân tộc. Hồ Chí Minh đã nhiều lần tuyên bố: “Chính sách ngoại giao của Chính phủ thì chỉ có một điều tức là thân thiện với tất cả các nước dân chủ trên thế giới để giữ gìn hòa bình”(4). Người đã tuyên bố: “Việt Nam sẵn sàng cộng tác thân thiện với nhân dân Pháp. Những người Pháp tư bản hay công nhân, thương gia hay trí thức, nếu họ muốn thật thà cộng tác với Việt Nam thì sẽ được nhân dân Việt Nam hoan nghênh như bầu bạn”(5). Tuy nhiên, trong quan hệ quốc tế, Người không chủ trương đối thoại, hợp tác với bên ngoài, với các nước bằng mọi giá, mà phải trên cơ sở giữ vững độc lập chủ quyền, bình đẳng, các bên cùng có lợi. Người chỉ rõ: “Trên nguyên tắc bình đẳng và hai bên cùng có lợi, chúng tôi sẵn sàng đặt quan hệ ngoại giao và thương mại với tất cả các nước”(6). Thấm nhuần tư tưởng Hồ Chí Minh về đoàn kết quốc tế trên tinh thần “muốn làm bạn với tất cả mọi nước dân chủ và không gây thù oán với một ai”(7).

Đến nay, Việt Nam đã có quan hệ hợp tác ở nhiều cấp độ khác nhau với hầu hết các quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, xây dựng quan hệ hữu nghị, củng cố lòng tin với các nước trong khu vực và quốc tế. “Việt Nam đã thiết lập quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với 3 quốc gia, đối tác chiến lược với 16 nước, đối tác toàn diện với 11 nước và quan hệ chiến lược đặc biệt với Lào, Campuchia); đã thiết lập quan hệ quốc phòng với nhiều nước và tổ chức quốc tế (Đến năm 2019, Việt Nam đã thiết lập quan hệ quốc phòng với trên 80 nước và tổ chức quốc tế; đặt Văn phòng Tùy viên quốc phòng tại Liên hợp quốc và 37 nước; 49 nước đặt Văn phòng Tùy viên quốc phòng, quân sự tại Việt Nam”(8)...

Thực hiện đoàn kết quốc tế, Hồ Chí Minh luôn quan tâm phát huy sức mạnh dân tộc, coi đó là nguồn lực nội sinh giữ vai trò quyết định. Người luôn nêu cao khẩu hiệu “tự lực cánh sinh, dựa vào sức mình là chính”. Bởi, “nếu tự mình không có thực lực làm cơ sở thì không thể nói gì đến ngoại giao”(9); “Muốn người ta giúp cho thì trước mình phải tự giúp lấy mình đã”(10).

2. Công tác giáo dục, đào tạo học viên quân sự nước ngoài ở Học viện Khoa học Quân sự theo tưởng Hồ Chí Minh về đoàn kết quốc tế

 Dưới ánh sáng tư tưởng đoàn kết quốc tế của Hồ Chí Minh, hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế của Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Môi trường hòa bình thuận lợi cho phát triển, độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ tiếp tục được giữ vững. Quan hệ đối ngoại của đất nước được mở rộng và ngày càng đi vào chiều sâu. Quan hệ với các nước láng giềng và các nước trong ASEAN được củng cố. Tích cực, chủ động tham gia các diễn đàn, tổ chức khu vực và quốc tế, nâng cao vị thế của đất nước.

Học viện Khoa học Quân sự là một cơ sở đào tạo đa ngành, đa nghề của quân đội. Trong những năm qua, Học viện đã đào tạo hàng vạn cán bộ cho các cơ quan, đơn vị trong và ngoài Quân đội. Với tinh thần vừa giáo dục - đào tạo vừa làm công tác đối ngoại quốc phòng, tăng cường đoàn kết quốc tế giữa quân đội nhân dân Việt Nam với Quân đội các nước cũng như nhân dân Việt Nam với nhân dân các nước. Hiện nay, tình hình thế giới và trong nước có cả thuận lợi, thời cơ và khó khăn thách thức đan xen, đặt ra nhiều vấn đề mới yêu cầu mới nặng nề phức tạp hơn đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc. Để góp phần cùng với toàn Đảng, toàn dân, toàn quân hoàn thành thắng lợi mục tiêu Đại hội XIII của Đảng đề rangoại giao Việt Nam trên cơ sở quán triệt và vận dụng sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh về đối ngoại và đoàn kết quốc tế, triển khai đồng bộ, sáng tạo, hiệu quả cao đường lối đối ngoại độc lập tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ đối ngoại. Ngoại giao Việt Nam luôn bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia, dân tộc trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế, bình đẳng hợp tác cùng có lợi; kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế toàn diện sâu rộng.

Việt Nam là bạn, là đối tác tin cậy và là thành viên tích cực, có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế. Với quan điểm chính sách quốc phòng bốn không: Việt Nam chủ trương “không tham gia liên minh quân sự; không liên kết với nước này để chống nước kia; không cho nước ngoài đặt căn cứ quân sự hoặc sử dụng lãnh thổ Việt Nam để chống lại nước khác; không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế. Đồng thời, tăng cường hợp tác quốc phòng với các nước để nâng cao khả năng bảo vệ đất nước và giải quyết các thách thức an ninh chung...”(11). Trong đó, nhiệm vụ hợp tác về giáo dục, đào tạo học viên quân sự nước ngoài của Học viện Khoa học Quân sự đã có những bước phát triển mạnh cả về quy mô, loại hình, đối tượng.

Trong 20 năm qua (2002 - 2022), thực hiện Chỉ lệnh của Tổng Tham mưu trưởng về giao nhiệm vụ đào tạo ngôn ngữ cho học viên quân sự nước ngoài, Học viện Khoa học Quân sự đã đào tạo được hơn 1000 học viên đến từ 26 quốc gia với các trình độ đào tạo, các ngành đào tạo khác nhau như: cử nhân Việt Nam học, cử nhân Ngôn ngữ Anh, cử nhân Ngôn ngữ Trung Quốc, cử nhân ngôn ngữ Pháp, cử nhân Quan hệ quốc tế. Trong đó, đào tạo đối đẳng (ngoài hiệp định) cho học viên 26 quốc gia như: Angêri, Ấn Độ, Australia, Bỉ, Bêlarút, Campuchia, Cuba, Hàn Quốc, Haiti, Hunggari, Indonesia, Lào, Malaisia, Mianmar, Mông Cổ, Mozambique, Mỹ, Nga, Pháp, Philipine, Singapore, Cộng hòa Séc, Thái Lan, Triều Tiên, Trung Quốc, Ucraina. Chương trình đào tạo bao gồm cả thạc sĩ Việt Nam học, cử nhân Việt Nam học, đào tạo tiếng Việt ngắn hạn 01 năm, tiếng Việt thực hành, tiếng Việt nâng cao và dự khóa tiếng Việt. Ngoài ra, Học viện còn đào tạo, bồi dưỡng chương trình biên, phiên dịch và bồi dưỡng ngắn hạn cho học viên một số nước.

Cơ sở vật chất, nơi ăn ở, giảng đường, thư viện ngày càng hiện đại, đội ngũ giảng viên được quan tâm đào tạo cơ bản, riêng Khoa tiếng Việt có 100% giảng viên có trình độ đại học, trong đó có trên 85% trình độ sau đại học. Đây là lực lượng quan trọng trong giáo dục, đào tạo học viên quốc tế, đội ngũ giảng viên có nhiều kinh nghiệm trong giảng dạy, yêu nghề, góp phần quan trọng vào đảm bảo chất lượng giáo dục - đào tạo, cũng như tăng cường đoàn kết hữu nghị giữa Việt Nam và các nước trên thế giới.     

Ngoài ra, Học viện Khoa học Quân sự cũng thường xuyên chủ động phối hợp với các học viện, nhà trường, cơ sở đào tạo trong quân đội có tổ chức đào tạo học viên quân sự nước ngoài như Đoàn 871/Tổng cục Chính trị, Học viện Kỹ thuật Quân sự, Học viện Quân y,… nhằm trao đổi kinh nghiệm thực tiễn, các vấn đề nảy sinh vướng mắc trong quá trình quản lý, đào tạo học viên quân sự nước ngoài tại các đơn vị.

Kết quả trong giai đoạn 2002 - 2022, Học viện đã và đang đào tạo được 17 khóa cử nhân Việt Nam học, 17 khóa đào tạo Tiếng Việt thực hành (Tiếng Việt thực hành 1, Tiếng Việt thực hành 2, Tiếng Việt nâng cao), 2 khóa Dự khóa tiếng Việt cho học viên Lào, Campuchia với tổng số 684 lượt học viên (chưa tính 49 học viên các chuyên ngành đào tạo khác như tiếng Anh, tiếng Trung Quốc, tiếng Pháp và Quan hệ quốc tế về quốc phòng). Nhìn chung, học viên sau khi tốt nghiệp đã sử dụng thành thạo tiếng Việt, có khả năng giao tiếp tốt.

3. Giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo học viên quân sự nước ngoài ở Học viện Khoa học Quân sự hiện nay

Trong những năm tới, tình hình thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, hội nhập quốc tế và đối ngoại quốc phòng đặt ra những yêu cầu mới về công tác giáo dục đào tạo học viên quân sự nước ngoài. Quán triệt Nghị quyết số 22-NQ/TW, ngày 10/4/2013 của Bộ Chính trị “Về hội nhập quốc tế” và Nghị quyết số 806-NQ/QUTW, ngày 31/12/2013 của Quân ủy Trung ương “Về hội nhập quốc tế và đối ngoại về quốc phòng đến năm 2020 và những năm tiếp theo”; quán triệt sâu sắc tư tưởng Hồ Chí Minh về đoàn kết quốc tế, công tác giáo dục, đào tạo ở Học viện Khoa học Quân sự nói chung, đào tạo học viên quân sự nước ngoài nói riêng, cần thực hiện tốt một số giải pháp cơ bản sau:

Một là,tiếp tục quán triệt và triển khai thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, Quân đội về tăng cường, mở rộng hợp tác quốc tế về đào tạo, về công tác đối ngoại quốc phòng; về tăng cường đoàn kết, hợp tác toàn diện, củng cố mối quan hệ hữu nghị truyền thống tốt đẹp giữa Việt Nam và các nước trên thế giới. Nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các tổ chức, các lực lượng tham gia công tác giáo dục - đào tạo, quản lý học viên.

Hai là, đẩy mạnhđổi mới quy trình, chương trình đào tạo theo hướng mở, linh hoạt, liên thông đáp ứng chuẩn đầu ra; tích cực đổi mới phương pháp giảng dạy theo hướng giảm lên lớp lý thuyết, tăng thực hành, trao đổi, thảo luận; giảm khối kiến thức đại cương, tăng khối kiến thức về giáo dục chuyên nghiệp. Phát huy tính tích tích cực, chủ động, tự học, tự nghiên cứu của học viên; khai thác có hiệu quả phương tiện, công nghệ vào giảng dạy, nghiên cứu khoa học. Phối hợp với các cơ sở giáo dục - đào tạo có cùng chuyên ngành đào tạo, tổ chức khóa tập huấn phương pháp giảng dạy tiếng Việt để nâng cao trình độ và kỹ năng sư phạm cho giảng viên.

Ba là, có kế hoạch bồi dưỡng tiếng Lào, tiếng Campuchia và tiếng Anh, cũng như bồi dưỡng kiến thức văn hóa, phong tục tập quan các nước, kiến thức đối ngoại quốc phòng cho giảng viên và cán bộ quản lý học viên quân sự nước ngoài. Tăng cường tổ chức các hoạt động ngoại khóa, như: thi tìm hiểu, thi ứng xử, hội trại truyền thống, giao lưu văn hóa, thể dục, thể thao,... Nâng cao năng lực nghiên cứu khoa học cho đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý giáo dục. Tổ chức các buổi tọa đàm, hội thảo, rút kinh nghiệm trong giảng dạy; tạo điều kiện cho nhà giáo đi thăm quan, học tập, nghiên cứu, dự hội thảo quốc tế; chuẩn hóa, bồi dưỡng năng lực chuyên môn, năng lực sư phạm cho nhà giáo.

Bốn là, chuẩn hóa hệ thống giáo trình, tài liệu đảm bảo phù hợp với chương trình đào tạo, đảm bảo tính khoa học, hiện đại, đồng bộ, hệ thống từ cấp cơ sở đến nâng cao. Đổi mới phương thức kiểm tra, đánh giá, đảm bảo khách quan, công bằng, phản ánh chính xác năng lực, trình độ nhận thức, tiếp thu kiến thức của người học. Tiếp tục đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị giáo dục, hệ thống thư viện, phòng học; phát triển đồng bộ hạ tầng số, hạ tầng dữ liệu, hạ tầng kỹ thuật. Xây dựng “nhà trường thông minh, hiện đại”, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin, chuyển đổi số.

Năm là, đẩy mạnh hoạt động truyền thông, tăng cường tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu các chương trình đào tạo, các hoạt động liên quan đến đào tạo tiếng Việt cho học viên quân sự nước ngoài; mở rộng, nâng cao hiệu quả hợp tác giữa Học viện và các cơ sở đào tạo trong nước và nước ngoài, các tổ chức quốc tế trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo; đẩy mạnh đàm phán, ký kết, triển khai các thỏa thuận, chương trình hợp tác với đối tác quốc tế, đặc biệt trong việc tiếp nhận chuyển giao chương trình, giáo trình, học liệu, phương pháp giảng dạy và học tập; trao đổi giáo viên, giảng viên, học viên, chuyên gia quốc tế./.

Chú thích:

[1] Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 4, Sđd, tr. 147.

[2] Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 15, Sđd, tr. 611.

[3] Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 11, Sđd, tr. 169.

[4] Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 5, Sđd, tr. 39.

[5] Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 6, Sđd, tr. 56.

[6] Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 10, Sđd, tr. 317.

[7] Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 5, Sđd, tr. 256.

[8] Bộ Quốc phòng, Quốc phòng Việt Nam 2019, Nxb Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2019, tr. 16.

[9] Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 3, Sđd, tr 488.

[10] Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 2, Sđd, tr. 320.

[11] Bộ Quốc phòng, Quốc phòng Việt Nam 2019, Sđd,tr. 25.

Đại tá Nguyễn Đình Trung

Chính ủy Học viện Khoa học Quân sự

Bài viết khác: