Học viện Biên phòng là trung tâm đào tạo, bồi dưỡng cán bộ và nghiên cứu khoa học của lực lượng Bộ đội Biên phòng có nhiệm vụ đào tạo cán bộ biên phòng có phẩm chất, năng lực toàn diện đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ quản lý, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia. Thực hiện Cuộc vận động “Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ”. Đảng ủy, Ban Giám đốc Học viện luôn nêu cao tinh thần chủ động, sáng tạo, thường xuyên coi trọng nâng cao ý thức, trách nhiệm, phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống cho cán bộ, đảng viên, quần chúng nhằm phát huy nhân tố tích cực, đẩy lùi tiêu cực, tạo chuyển biến toàn diện trên các mặt công tác. Từ đó, Cuộc vận động trở thành việc làm thường xuyên, hằng ngày giúp cho mỗi cán bộ, đảng viên, quần chúng trong đơn vị luôn đề cao ý thức, trách nhiệm thi đua rèn đức, luyện tài, phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ. Sau 10 năm thực hiện Cuộc vận động đã đạt được kết quả trên một số mặt công tác cơ bản như sau:
Một là, Đảng ủy, Ban Giám đốc, cấp ủy, chỉ huy các cơ quan, đơn vị đã thường xuyên quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt Cuộc vận động.
Ngay sau khi triển khai thực hiện Cuộc vận động, Đảng ủy, Ban Giám đốc Học viện đã ra Nghị quyết lãnh đạo chuyên đề, xây dựng kế hoạch, chương trình hành động, tổ chức phát động thi đua, triển khai cho cán bộ, đảng viên, quần chúng viết cam kết thực hiện Cuộc vận động. Các cấp ủy Đảng đã gắn nội dung Cuộc vận động với thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị, Chỉ thị số 87 của Thường vụ Quân ủy Trung ương về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; Nghị quyết Trung ương 4 Khóa XII, Kết luận, Quy định của Ban Chấp hành Trung ương 4 khóa XIII,Nghị quyết số 847 của Quân ủy Trung ương về phát huy phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”, kiên quyết chống chủ nghĩa cá nhân trong tình hình mới... Để nâng cao hiệu quả thực hiện Cuộc vận động, Đảng ủy, Ban Giám đốc Học viện luôn duy trì thực hiện nghiêm túc các nguyên tắc, chế độ nền nếp sinh hoạt Đảng, chế độ kiểm tra, sơ kết, tổng kết, rút kinh nghiệm nhằm kịp thời kích lệ, động viên những tập thể, cá nhân tiêu biểu, đấu tranh khắc phục các biểu hiện tiêu cực, “bệnh thành tích”, thỏa mãn dừng lại hoặc ganh đua... Do có định hướng đúng và các biện pháp lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện phù hợp, sáng tạo, quyết liệt nên Cuộc vận động đã phát huy hiệu quả tích cực, thực sự, tạo động lực để các tổ chức, cá nhân thực hiện thắng lợi mọi nhiệm vụ chính trị được giao.
Hai là, vai trò, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, đảng viên, quần chúng trong thực hiện nhiệm vụ chính trị và chấp hành kỷ luật được nâng lên rõ rệt, tích cực hưởng ứng Cuộc vận động trong toàn Học viện.
Nhận thức Cuộc vận động là dịp đểcán bộ, đảng viên phát huy hơn nữa truyền thống cách mạng của dân tộc, của Quân đội, bản chất tốt đẹp của “Bộ đội Cụ Hồ”, ra sức phấn đấu vươn lên hoàn thành tốt nhiệm vụ, do đó, đội ngũ cán bộ, đảng viên, quần chúng trong Học viện luôn nêu cao vai trò trách nhiệm, tuyệt đối tin tưởng vào quan điểm, chủ trương của Đảng, chấp hành tốt Điều lệ Đảng, tích cực, tự giác trong học tập, công tác nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ. Thông qua thực hiện Cuộc vận động, phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ” đã trở thành động lực to lớn thúc đẩy cán bộ, đảng viên, quần chúng xác định tốt xu hướng nghề nghiệp, tích cực học tập, rèn luyện, tu dưỡng phẩm chất đạo đức, lối sống, phương pháp tác phong công tác, tự giác chấp hành nghiêm pháp luật, kỷ luật, vượt qua khó khăn, thử thách để hoàn thành thắng lợi mọi nhiệm vụ. Sức lan tỏa của Cuộc vận động đã trở thành phong trào thi đua sôi nổi, có ý nghĩa quyết định đến việc hoàn thành tốt nhiệm vụ của đơn vị.
Ba là, hình thức, phương pháp tổ chức thực hiện Cuộc vận động được vận dụng một cách linh hoạt, phong phú, phù hợp với đặc điểm tình hình nhiệm vụ của từng cơ quan, đơn vị mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của Học viện.
Với quyết tâm chính trị cao của từng cán bộ, đảng viên, quần chúng trong Học viện, Cuộc vận động diễn ra với nhiều hình thức đa dạng, phong phú từ việc tổ chức nghiên cứu, quán triệt, học tập, hội thảo, tổ chức hội thao, hội thi, các phong trào thi đua, các cuộc vận động, các phong trào cách mạng: “Thanh niên Quân đội vươn tới những đỉnh cao”, “Nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục”… với nhiều mô hình tiêu biểu: “Giờ giảng mẫu”; “Bài giảng mẫu”; “Tuần dạy học kiểu mẫu”; “Bộ đội Biên phòng cùng toàn quân chung sức, đồng lòng thi đua phòng, chống và chiến thắng đại dịch Covid-19”, “Học viên Biên phòng “xếp bút nghiên” lên biên cương phòng, chống dịch Covid-19”, “Vành đai thép” phòng, chống dịch Covid-19 nơi biên giới”…Đồng thời, chú trọng chỉ đạo xây dựng, nhân rộng các điển hình tiên tiến; gắn kết chặt chẽ thi đua với khen thưởng, kịp thời phát hiện, tôn vinh, cổ vũ, động viên tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện Cuộc vận động. Phát huy truyền thống đoàn kết quân - dân, Học viện đã phối hợp cấp ủy, chính quyền địa phương nơi đóng quân thực hiện tốt chính sách hậu phương Quân đội, phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”; tham gia thực hiện mô hình: “Xây dựng nông thôn mới”, “Nâng bước em tới trường”, “Con nuôi đồn biên phòng”, “Xuân biên phòng ấm lòng dân bản”, tổ chức thăm hỏi, tặng quà Mẹ Việt Nam anh hùng, gia đình chính sách trên địa bàn, tổ chức khám bệnh, tư vấn sức khỏe, cấp thuốc miễn phí cho các đối tượng chính sách... Kết hợp giữa các hình thức, phương pháp triển khai đa dạng, phong phú góp phần lan tỏa phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ” thời kỳ mới.
Bốn là, cấp ủy đảng các cấp đã thường xuyên chú trọng công tác kiểm tra, giám sát thực hiện Cuộc vận động đảm bảo bám sát nhiệm vụ chính trị và tình hình thực tế của đơn vị.
Những năm qua, cấp ủy, tổ chức đảng các cấp trong Học viện đã thường xuyên coi trọng công tác kiểm tra, giám sát thực hiện Cuộc vận động đối với các tập thể và cá nhân trong toàn Học viện. Nội dung kiểm tra, giám sát tập trung đánh giá quan điểm, lập trường tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, phương pháp tác phong công tác, ý thức tổ chức kỷ luật, kết quả thực hiện chức trách nhiệm vụ được giao; kiểm tra, giám sát trên các lĩnh vực nhạy cảm và phức tạp, dễ phát sinh tiêu cực; coi trọng kiểm tra, giám sát việc lãnh đạo thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; chú ý kiểm tra, giám sát trách nhiệm của tổ chức đảng và người đứng đầu trong khắc phục những yếu kém, khuyết điểm đã được chỉ ra sau kiểm điểm tự phê bình và phê bình. Kết quả trong 10 năm thực hiện Cuộc vận động, các cấp ủy đảng đã tiến hành kiểm tra, giám sát 96 tổ chức đảng, 2.302 đảng viên; giám sát và phối hợp giám sát theo chuyên đề 25 tổ chức đảng, 433 đảng viên. Từ đó, kịp thời uốn nắn, chấn chỉnh những tồn tại, hạn chế trong thực hiện Cuộc vận động.
Năm là, kết quả thực hiện Cuộc vận động góp phần làm chuyển biến nhận thức và hành động của đội ngũ cán bộ, đảng viên, quần chúng trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao.
Sau 10 năm thực hiện Cuộc vận động, Học viện đã có 72 tập thể, 150 cá nhân tiêu biểu được cấp ủy, chỉ huy các cấp tôn vinh về tinh thần học tập và làm theo tấm gương Bác Hồ, phát huy truyền thống “Trung dũng, sáng tạo, đoàn kết, kỷ luật, dạy tốt, học giỏi” của Học viện; trong huấn luyện 100% đạt yêu cầu về nội dung, thời gian; tỷ lệ Khá, Giỏi đạt hơn 85%; có 06 cá nhân được Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo tặng bằng khen, 08 đồng chí đạt chức danh Phó Giáo sư, 15 đồng chí được công nhận Giảng viên Cao cấp, 25 đồng chí đạt danh hiệu Giảng viên Giỏi cấp Bộ Quốc phòng, có 161 đồng chí giảng viên đạt danh hiệu Giảng viên Giỏi cấp cơ sở. Tổ chức triển khai 578 đề tài khoa học các cấp, trong đó: 01 đề tài cấp Quốc gia; 06 đề tài cấp Bộ; 45 đề tài cấp Ngành; 148 đề tài cấp cơ sở, 378 đề tài học viên. Đồng thời, tham gia nghiên cứu hàng chục đề tài khoa học các cấp với các cơ quan, đơn vị ngoài Học viện. Học viện gửi 118 công trình của đội ngũ cán bộ, giảng viên trẻ và học viên dự thi Giải thưởng Tuổi trẻ sáng tạo trong Quân đội, kết quả: 02 đề tài đoạt giải Nhất, 09 đề tài đoạt giải Nhì, 14 đề tài đoạt giải Ba và 25 đề tài đoạt giải Khuyến khích.
Các đề tài khoa học có giá trị lý luận và thực tiễn góp phần hoàn thiện lý luận làm cơ sở khoa học để nghiên cứu, vận dụng nâng cao hiệu quả chỉ đạo thực tiễn hoạt động quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia và công tác đào tạo, đào tạo tại các nhà trường Bộ đội Biên phòng. Trong đại dịch Covid-19, Học viện Biên phòng đã thực hiện tốt nhiệm vụ kép, vừa hoàn thành tốt nhiệm vụ giáo dục, đào tạo, vừa tích cực tham gia phòng chống dịch. Năm 2020, 2021 Học viện đã tổ chức được 3 đợt, có 760 cán bộ, giảng viên, học viên đi thực tập, thực tế và phòng, chống dịch Covid-19 trên tuyến biên giới phía Bắc và phía Tây Nam.
Bên cạnh những kết quả đạt được, việc thực hiện Cuộc vận động ở Học viện thời gian qua còn hạn chế nhất định; nhận thức của một số cán bộ, giảng viên, học viên về giá trị, nội dung, sự cần thiết phải đẩy mạnh thực hiện Cuộc vận động chưa thực sự sâu sắc. Một số cấp ủy, người chỉ huy chưa cụ thể hóa, bổ sung kịp thời tiêu chí thực hiện Cuộc vận động cho phù hợp; những giá trị, chuẩn mực chưa sát với đối tượng và nhiệm vụ của đơn vị; việc tổ chức thực hiện có đơn vị còn biểu hiện hình thức. Từ kết quả sau 10 năm thực hiện Cuộc vận động “Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh Bộ đội cụ Hồ” ở Học viện Biên phòng có thể rút ra một số kinh nghiệm sau đây:
Một là, coi trọng công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện Cuộc vận động.
Để thực hiện tốt Cuộc vận động cấp ủy, chỉ huy các cấp thường xuyên quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức quán triệt triển khai thực hiện nghiêm túc, tổ chức Lễ phát động thi đua thực hiện Cuộc vận động trong toàn Học viện. Hằng năm, các đơn vị cần xây dựng kế hoạch thực hiện Cuộc vận động “Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh Bộ đội cụ Hồ” gắn với nội dung học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức phong cách Hồ Chí Minh. Cấp ủy, chỉ huy các đơn vị tổ chức quán triệt học tập đến từng cán bộ, đảng viên, quần chúng; xây dựng nghị quyết lãnh đạo chuyên đề, hằng năm xây dựng kế hoạch, chương trình thực hiện Cuộc vận động, xác định trách nhiệm của bí thư, cấp ủy, chính trị viên, người chỉ huy, cơ quan chính trị và các tổ chức trong triển khai, đôn đốc thực hiện Cuộc vận động, coi đó là nhiệm vụ thường xuyên cơ bản của các cơ quan, đơn vị trong toàn Học viện.
Hai là, phát huy vai trò trách nhiệm, tính tiền phong gương mẫu của đội ngũ cán bộ, đảng viên và vai trò nêu gương của cán bộ chủ trì các cấp.
Kinh nghiệm thực tiễn tổ chức triển khai thực hiện Cuộc vận động cho thấy, ở đâu, nơi nào muốn cho cán bộ, đảng viên trong đơn vị tích cực hưởng ứng và triển khai thực hiện quyết liệt, hiệu quả Cuộc vận động, thì đòi hỏi người đứng đầu của các cơ quan, đơn vị, cán bộ, đảng viên phải noi gương trước, làm trước, nói đi đôi với làm, lấy việc làm của bản thân để giáo dục, thuyết phục cấp dưới và quần chúng noi theo. Cán bộ có chức vụ càng cao, cương vị càng lớn càng phải gương mẫu trong tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất đạo đức, lối sống, phong cách, tác phong, lề lối công tác để cấp dưới noi theo; phải thể hiện tư tưởng vững vàng, quan điểm đúng đắn, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, hết lòng vì học viên; có phong cách làm việc khoa học, dân chủ, sâu sát để thực hiện thiết thực, hiệu quả Cuộc vận động.
Ba là, kết hợp đa dạng giữa các hình thức, phương pháp tổ chức thực hiện Cuộc vận động.
Trong quá trình thực hiện Cuộc vận động, cấp ủy, chỉ huy các cơ quan, đơn vị ở Học viện cần kết hợp giữa hình thức sinh hoạt chính trị với giáo dục truyền thống, học tập các chuyên đề, tổ chức hoạt động tham quan nhà truyền thống, khu di tích lịch sử, hoạt động phòng Hồ Chí Minh, duy trì các thiết chế văn hóa, tổ chức các cuộc vận động, các cuộc thi tìm hiểu về truyền thống Quân đội và Bộ đội Biên phòng. Kết hợp giữa phương pháp nắm bắt tư tưởng, kịp thời phát hiện, giải quyết từ gốc những vấn đề tư tưởng nảy sinh với phương pháp thuyết phục, đối thoại, tạo dư luận xã hội, động viên khen thưởng, bắt buộc, xử phạt,… Cùng với đó, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền gương người tốt, việc tốt trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, phấn đấu xứng danh “Bộ đội Cụ Hồ”,… tạo sự lan tỏa sâu rộng trong đơn vị.
Bốn là, phát huy sức mạnh tổng hợp trong thực hiện Cuộc vận động.
Để thực hiện có hiệu quả Cuộc vận động, ngoài phát huy tốt vai trò trách nhiệm của Đảng ủy, Ban Giám đốc, cấp ủy, chỉ huy, người đứng đầu các cơ quan, đơn vị trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, định hướng tư tưởng, quán triệt nhiệm vụ, xây dựng động cơ, ý chí, quyết tâm, tổ chức thực hiện, kiểm tra giám sát Cuộc vận động; cơ quan chính trị nghiên cứu, tham mưu đề xuất và chỉ đạo, hướng dẫn các đơn vị tổ chức thực hiện Cuộc vận động; đội ngũ cán bộ, đảng viên nêu cao tinh thần thái độ, trách nhiệm, tính tiền phong gương mẫu trong tự học, tự rèn, tự hoàn thiện phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”; Hội đồng quân nhân, các tổ chức quần chúng tăng cường giáo dục đạo đức, lối sống, xây dựng bản lĩnh chính trị cho quân nhân, đoàn viên thanh niên, hội viên công đoàn, phụ nữ; thông qua các phong trào, các mô hình tạo nên sức mạnh tổng hợp của toàn đơn vị trong thực hiện Cuộc vận động.
Năm là, coi trọng xây dựng và nhân rộng điển hình tiên tiến trong thực hiện Cuộc vận động.
Quá trình tổ chức triển khai thực hiện Cuộc vận động, các cơ quan, đơn vị trong toàn Học viện đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng và nhân rộng các điển hình tiên tiến làm nòng cốt cho thực hiện Cuộc vận động. Thông qua xây dựng và nhân rộng điển hình tiên tiến để phổ biến kịp thời những tập thể, cá nhân có thành tích tiêu biểu trong học tập, giảng dạy, nghiên cứu khoa học, xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên có bản lĩnh chính trị vững vàng, phẩm chất đạo đức trong sáng, năng lực chuyên môn vững vàng, luôn sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt chức trách nhiệm vụ.
Có thể thấy rằng: Kết quả thực hiện Cuộc vận động “Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ” ở Học viện Biên phòng trong thời gian qua là sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của Đảng ủy, Ban Giám đốc; tính chủ động, sáng tạo của cấp ủy, chỉ huy các cơ quan đơn vị; sự nỗ lực, cố gắng của cán bộ, đảng viên, quần chúng trong Học viện. Một số kinh nghiệm bước đầu rút ra trong thực hiện Cuộc vận động là nguồn tư liệu tiếp tục phục vụ cho công tác lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai nhân rộng các mô hình, cuộc vận động, góp phần lan tỏa phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ” trong cán bộ, đảng viên, quần chúng, xây dựng Học viện vững mạnh chính quy “Mẫu mực, tiêu biểu”, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ giáo dục, đào tạo trong tình hình mới./.
Đại tá, PGS,TS Nguyễn Xuân Bắc
Phó Giám đốc Học viện Biên phòng