Chỉ mục bài viết

150. Cứu hàng

Anh Đản đang tắm bên bờ sông thì bỗng thấy máy bay giặc Mỹ bay là là theo dòng sông rồi nhào xuống ném bom một đồi cây bên đường L.

Mặc cho bom rơi và tiếng gầm rít của máy bay địch, Đản lao về phía địch bắn phá, thì thấy một chiếc xe đang bốc lửa. Bom vẫn rơi, nổ tung, đất cát bay  mù mịt vây lấy anh, những mảnh bom bay vèo vèo. “Nằm xuống”, Đản vừa kịp  nhủ mình; nhưng trước mắt anh cả một đám cháy lớn gió thổi tốc vào người anh  nóng phừng phừng. Nằm bên rãnh đường, Đản miên man suy nghĩ: “Có nên xông vào cứu không?”.

Trên trời, mấy tên cướp Mỹ vẫn chúi xuống ngóc lên. Lại một loạt bom nổ. Anh không nghe tiếng nổ to như mọi lần, mà chỉ nghe gọn tiếng bộp, bộp...  rồi nhắc bổng người anh lên từng đợt, từng đợt, toàn thân đau nhói. Trong chốc  lát cái thôn nhỏ quê anh bị giặc Mỹ ném bom cháy trụi, các em cháy co quắp cứ hiện dần, to dần như đòi hỏi Đản phải xông lên trả thù cho đồng bào thân yêu của mình. “Một cân hàng lên đây sẽ đổi lấy một tên giặc Mỹ”, câu nói đơn giản nhưng chí lý đó của đồng chí bí thư chi bộ càng làm cho Đản thấy rõ trách nhiệm của một người công nhân giao thông lúc này. Chờ loạt bom nổ xong, Đản lao vào, miệng hét to: “Cứu lấy hàng, các đồng chí ơi! Cứu lấy hàng!”.

Người Đản như được tiếp thêm sức mạnh, từng bao hàng một, anh vác chạy như bay hết chuyến này đến chuyến khác...

Vừa lúc này, bốn chị công nhân là Hà, Thủy, Nhu và Đào nghe tiếng Đản gọi cũng vượt bom đạn giặc Mỹ, lao tới. Họ cùng nhau chuyển hết số hàng trên xe dù trên đầu họ bọn cướp Mỹ đang bổ nhào bắn phá.

(Trích báo Miền Tây Nghệ An, ngày 13-10-1966)

Anh Đản và các chị Hà, Thủy, Nhu, Đào đã không sợ nguy hiểm, xông pha bom đạn để cứu lấy của công. Đó là một hành động tốt đáng khen.

Bảo vệ của công là nghĩa vụ thiêng liêng mà mọi người Việt Nam già,  trẻ, gái, trai đều phải làm. Bảo vệ của công tức là góp phần vào việc chống Mỹ, cứu nước. Vì vậy, cần phải tuyên truyền, giáo dục rộng khắp, làm cho mọi người đều hiểu rõ và làm đúng nghĩa vụ giữ gìn của công.

Chiến sĩ

Báo Nhân Dân, số 4663, ngày 13-1-1967.150

151. Bài nói tại Lớp bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo cấp huyện

Các cô, các chú,

Hôm nay, Bác rất vui, vì ít khi Bác được gặp các đồng chí huyện ủy đông như thế này.

Lớp học có bao nhiêu đồng chí?

Có bao nhiêu cô?

Cán bộ nữ ít như vậy là một thiếu sót. Các đồng chí phụ trách lớp học chưa quan tâm đến việc bồi dưỡng cán bộ nữ. Đây cũng là thiếu sót chung ở trong Đảng. Nhiều người còn đánh giá không đúng khả nǎng của phụ nữ, hay thành kiến, hẹp hòi. Như vậy là rất sai. Hiện nay, có nhiều phụ nữ tham gia công tác lãnh đạo ở cơ sở. Nhiều người công tác rất giỏi. Có cháu gái làm chủ nhiệm hợp tác xã toàn thôn, không những hǎng hái mà còn làm tốt. Các cháu gái ở các hợp tác xã thường có nhiều ưu điểm: ít mắc tệ tham ô, lãng phí, không hay chè chén, ít hống hách mệnh lệnh như một số cán bộ nam, có đúng như thế không? Nếu Bác nói không đúng, các đồng chí cứ phát biểu.

Bác mong rằng các đồng chí hãy thật sự sửa chữa bệnh thành kiến, hẹp hòi đối với phụ nữ. Các cô, nhất là các cô ở huyện, phải đấu tranh mạnh. Vì các cô mà không đấu tranh thì những đồng chí nam có thành kiến với phụ nữ sẽ không tích cực sửa chữa.

*

* *

Lớp học này nhằm bồi dưỡng cho các đồng chí hiểu rõ hơn đường lối chống Mỹ, cứu nước, đường lối xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, đường lối chiến tranh nhân dân, phương hướng phát triển nông nghiệp và công tác Đảng, công tác quần chúng trong tình hình hiện nay, để các đồng chí khi về địa phương có thể làm tốt hơn các công tác chiến đấu, sản xuất, tổ chức đời sống nhân dân, xây dựng các tổ chức ở cơ sở, làm cho huyện uỷ trở thành huyện uỷ “bốn tốt”.

Yêu cầu, nội dung học tập như trên trong tình hình hiện nay là rất thiết thực. Các đồng chí Trung ương đã đến giảng bài. Các cô, các chú nghe có hiểu không, có nắm vững không?

Nói đến chuyện học, Bác nói lại câu chuyện cũ mà Bác thường hay nhắc tới để các cô, các chú nghe.

Hồi kháng chiến chống Pháp, có một lần Bác đi công tác về, thấy một số đồng chí đang nghỉ ở một gốc cây đa to, bóng mát. Bác hỏi:

- Các cô, các chú đi đâu về?

- Chúng cháu đi học về.

- Học cái gì?

- Học Các Mác.

- Có hay không?

- Hay lắm?

- Có hiểu không?

Họ ấp úng trả lời:

- Thưa Bác, nhiều cái khó quá, không hiểu được.

Như vậy là học không thiết thực.

Bác kể một câu chuyện khác. Trước Cách mạng Tháng Tám, trong vùng giải phóng ở Tân Trào có làm một nhà vǎn hóa, một hôm có một cán bộ nam, một cán bộ nữ đến diễn thuyết, họ nói rất say sưa. Lúc ấy, Bác cũng ngồi cạnh đấy. Bác ghé sang một người ngồi bên cạnh, hỏi ông có hiểu gì không? Ông ta lắc đầu nói không hiểu gì cả. Cái đó cũng dễ hiểu thôi. Vì mấy đồng chí kia nói nhiều quá, lại dùng những chữ cao xa. Trình độ hiểu biết của đồng bào ta lúc ấy còn thấp, mà nói nào là “chủ quan”, “khách quan”, “tích cực”, “tiêu cực”, v.v. cho nên họ không hiểu.

Vui chuyện, Bác kể lại mấy câu chuyện cũ, nhưng cũng để nói với các cô, các chú là bây giờ chúng ta phải học tập thiết thực để về làm cho tốt. Và khi về địa phương mở lớp cho cán bộ, đảng viên ở xã cũng phải chú ý theo tinh thần lớp học trên này mà làm.

Bây giờ lớp học sắp bế mạc, Bác cǎn dặn các cô, các chú mấy điều:

1. Cần nắm vững đường lối, chính sách của Đảng, chịu khó đi sâu, đi sát cơ sở, hợp tác xã để hiểu rõ tình hình sản xuất, đời sống của nhân dân, tình hình các chi bộ và các đoàn thể quần chúng. Do đó mà có chủ trương, biện pháp cho đúng, cho kịp thời.

Điểm này có lẽ các đồng chí nắm vững rồi. Bác chỉ nhắc các cô, các chú phải đi sâu, đi sát cơ sở, nằm ở cơ sở để chỉ đạo phong trào, không nên xuống cơ sở theo lối chuồn chuồn đạp nước. Vấn đề này nghe thì dễ, nhưng thực hiện chưa tốt lắm. Hiện nay, có một số đồng chí huyện ủy chưa thật sự lǎn lộn ở cơ sở, còn ngại khó, ngại khổ cho nên chưa nắm được tình hình cụ thể của địa phương mình phụ trách.

Hiện nay, mỗi huyện uỷ có từ 15 đến 20 đồng chí. Phải chia nhau mà nắm tình hình. Mỗi đồng chí huyện ủy nắm một hai xã. Phải đi sâu, đi sát nắm vững tình hình, không những phải nắm vững tình hình hợp tác xã, mà còn phải nắm vững tình hình ǎn, ở, học tập, sức khỏe… của các gia đình. Nếu không đi sâu, đi sát cơ sở, nắm vững tình hình sản xuất và đời sống của nhân dân thì các đồng chí làm thế nào có thể vận dụng đúng đắn đường lối, chính sách của Đảng, chủ trương của tỉnh vào huyện mình.

2. Phải chǎm lo xây dựng hợp tác xã, xây dựng chi bộ Đảng, Đoàn thanh niên, Hội phụ nữ cho thật tốt.

Chi bộ là nền móng của Đảng, chi bộ tốt thì mọi việc sẽ tốt. Cho nên các cô, các chú phải quan tâm đến việc xây dựng chi bộ, phải làm cho chi bộ trở thành “bốn tốt”. Phải làm thiết thực, đừng hình thức, đừng báo cáo sai.

Muốn trở thành chi bộ “bốn tốt”, trước hết đảng viên phải gương mẫu, làm đúng chính sách, thật sự tôn trọng quyền làm chủ của nhân dân, lắng nghe ý kiến của quần chúng thì mới được dân tin, dân phục, dân yêu. Như vậy công việc khó mấy cũng làm được.

Đoàn viên và các đội thanh niên xung phong phải là cánh tay của chi bộ, xung phong đi đầu trong sản xuất, chiến đấu. Các ban quản trị hợp tác xã phải dân chủ, phải chống tham ô, lãng phí. Tệ tham ô trong hợp tác xã bây giờ còn nhiều. Ai chịu trách nhiệm về tình hình ấy? Huyện có chịu trách nhiệm không? Trong cán bộ huyện, có cán bộ nào tham ô, mệnh lệnh không? Các cô, các chú phải nghiêm khắc kiểm tra.

3. Cán bộ, đảng viên phải đoàn kết chặt chẽ, bảo đảm dân chủ và kỷ luật trong Đảng. Đảng viên cũ, mới, già, trẻ, gái, trai phải thương yêu nhau, giúp đỡ nhau cùng tiến bộ.

Hiện nay, trong đội ngũ cán bộ của Đảng có cán bộ già, có cán bộ trẻ. Cán bộ già là vốn quý của Đảng, họ có kinh nghiệm về mặt lãnh đạo, được rèn luyện, thử thách nhiều trong thực tế đấu tranh. Nhưng cũng có một số cán bộ già đến một thời kỳ nào đấy là dừng lại, không tiến lên được, hay bám lấy cái cũ, không nhạy cảm với cái mới. Còn cán bộ trẻ tuy chưa có một số ưu điểm như cán bộ già, nhưng họ lại hǎng hái, nhạy cảm với cái mới, chịu khó học tập, cho nên tiến bộ rất nhanh.

Đảng ta phải khéo kết hợp cán bộ già với cán bộ trẻ. Không nên coi thường cán bộ trẻ. Một số ít cán bộ già mắc bệnh công thần, cho mình là người có công lao, hay có thái độ “cha chú”‘ với cán bộ trẻ, đảng viên trẻ nói gì cũng gạt đi, cho là “trứng khôn hơn vịt”, “mǎng mọc quá tre”. Thời đại của ta hiện nay rất oanh liệt. Xã hội, thế giới phát triển rất nhanh. Thế mà các đồng chí lớn tuổi lại coi thường cán bộ trẻ là không đúng. Còn cán bộ trẻ không được kiêu ngạo, phải khiêm tốn học hỏi các đồng chí già có kinh nghiệm.

Tất cả cán bộ, đảng viên của Đảng phải vì Đảng, vì dân mà hǎng hái phấn đấu. Phải chịu khó học tập chính trị, kinh tế, khoa học, kỹ thuật để nâng cao nǎng lực, làm cho kinh tế phát triển, chiến đấu thắng lợi, đời sống của nhân dân ngày càng no ấm, tươi vui.

Khi nói đến học tập khoa học, kỹ thuật, có người còn cho là cao xa quá. Nhưng biết nói một cách phổ thông, nôm na như chúng ta vẫn làm thì không phải là cao xa, không tiếp thụ nổi. Ví dụ: làm bèo hoa dâu là khoa học, kỹ thuật, cách ủ phân cũng là khoa học, kỹ thuật. Khoa học, kỹ thuật là như vậy, không chịu khó học tập thì không lãnh đạo được sản xuất, không đưa được nǎng suất cây trồng lên.

4. Phải dựa vào quần chúng mà phát động mọi phong trào sản xuất, chiến đấu. Phải làm cho quần chúng luôn luôn phấn khởi, tin tưởng.

Làm việc gì cũng phải có quần chúng. Không có quần chúng thì không thể làm được. Vừa rồi trên báo Nhân dân có đǎng câu chuyện về phòng không. Có mấy đồng chí cán bộ xã ngồi bàn với nhau. Phòng không phải là đào hầm, xây hầm tốn mấy vạn viên gạch, mấy nghìn cây tre và mấy trǎm đồng nữa. Chi phí lớn quá và khó thực hiện. Nhưng có một cô kỹ sư có ý kiến là cần đưa ra quần chúng bàn bạc tham gia. Sau đó mời quần chúng lại, nói rõ âm mưu của địch là hiện nay nó bắn lung tung như thế, ta phải đào hầm để ẩn nấp. Vậy ta nên đào như thế nào? Thế là quần chúng giơ tay hưởng ứng, người thì xin góp mấy tấm ván, người thì xin góp mấy chục viên gạch, người thì xin góp mấy cây tre… Chỉ trong hai ngày là họ làm xong tất cả các hầm trú ẩn. Ở Quảng Bình, Vĩnh Linh, do đi theo đường lối quần chúng mà nhân dân đào được hàng nghìn cây số hào, hàng chục vạn hầm. Cho nên việc gì có quần chúng tham gia bàn bạc, khó mấy cũng trở nên dễ dàng và làm được tốt. Các đồng chí ở Quảng Bình nói rất đúng:

Dễ mười lần không dân cũng chịu,

Khó trǎm lần dân liệu cũng xong.

Ở Thái Bình, Quảng Bình và một số nơi khác đang tiến hành việc “bình công”, “báo công”. Qua bình công, báo công, ai làm được gì tốt, ai không làm hoặc làm xấu, mọi người đều biết. Đó mới thực sự dân chủ, đó là cách phê bình, tự phê bình rất tốt. Làm như vậy, quần chúng tự giáo dục cho nhau và giáo dục cho cả cán bộ nữa. Vì trong cán bộ, có những đồng chí tốt, miệng nói tay làm, nhưng cũng có một số đồng chí “chỉ tay nǎm ngón”, không chịu làm. Bình công, báo công cũng là cách rất tốt để lựa chọn những người tốt mà tuyên truyền giáo dục, đưa họ vào Đảng, bồi dưỡng họ thành cán bộ. Như vậy là không bao giờ thiếu cán bộ. Đó là cách làm công tác xây dựng Đảng rất tốt.

Các cô, các chú thấy làm như thế có tốt không?

Có làm được không?

Nhưng có đồng chí lại không làm được như thế. Từ trước tới giờ, có nơi dân chưa nói, hoặc không dám nói, vì sợ cán bộ “trù”, cán bộ “chụp mũ”. Những cán bộ có khuyết điểm thường sợ dân nói. Nhưng nếu thành thật với dân, biết mình có lỗi, xin lỗi dân thì dân cũng rất vui lòng và sẽ tha thứ cho. Dân ta rất tốt, rất yêu thương Đảng, yêu thương cán bộ. Khi ta có khuyết điểm mà nói trước dân, chẳng những dân không ghét, không khinh, mà còn thương yêu, quý trọng, tín nhiệm ta hơn nữa.

5. Trước mắt, vụ sản xuất Đông - Xuân rất khẩn trương. Cần làm kịp thời vụ. Phải chú ý chǎm sóc trâu bò, không để trâu bò bị rét, phải cho trâu bò ǎn no, ở ấm. Chú ý giáo dục quần chúng tiết kiệm. Chớ liên hoan lu bù. Cấm nấu rượu lậu, giết lợn, bò, ǎn uống lãng phí. Các đồng chí ở huyện phải đi xuống xã mà xem xét, kiểm tra, chớ làm theo lối quan liêu, tỉnh gửi giấy về huyện, huyện gửi giấy về xã. Giấy không thể che rét cho trâu bò được. Làm như vậy trâu bò sẽ bị gầy đi vì đói, vì rét, ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất.

Chǎm sóc trâu bò là để sản xuất, chứ không phải để liên hoan, để đánh chén! Tết sắp đến, do đó cần chú ý tiết kiệm. Trung ương thường nhắc nhở các địa phương: “Chúng ta phải ra sức sản xuất và tiết kiệm”. Nhiều nơi đã thực hiện tốt. Nhưng có nơi, giấy gửi đi hình như chữ bị hao mòn, chữ “tiết kiệm” lại hoá ra chữ “tiết canh”!

Bác nói có sách, mách có chứng. Bác đọc một đoạn đǎng ở báo Hải Phòng: “Vì cán bộ thiếu gương mẫu, ở xã Mỹ Phúc nạn lạm sát lợn vẫn thường xảy ra. Khánh thành trạm bơm cũng giết hai con lợn. Hợp tác xã tổng kết cũng giết bốn con lợn. Rồi đội sản xuất tổ chức ǎn tập đoàn cũng giết một con lợn”, v.v..

Lại đây nữa! Xã Đoàn Kết và xã Ngô Quyền ở huyện Thanh Miện đã giết trái phép nhiều lợn và trâu để dùng vào việc ǎn uống liên hoan.

Cán bộ, đảng viên làm như vậy là không gương mẫu, nêu gương xấu.

Sở dĩ có tình trạng đó là do không dân chủ. Đảng viên không dám nói, dân không dám nói. Như thế này thì xã viên không oán sao được? Như thế này thì hợp tác xã làm sao mà tiến lên được? Dân người ta làm cả ngày cả đêm mà một số ít người thì đụng tới cái gì cũng chén, mà lại chén nhiều chứ không phải chén ít!

Trên đây là một vài ví dụ những nơi không tốt, nhưng chúng ta cũng có nhiều nơi làm tốt.

Xã D. thuộc Thái Nguyên là một xã người đông, ruộng ít. Sản xuất có nhiều khó khǎn. Hơn một nǎm nay, máy bay giặc Mỹ luôn luôn bắn phá các thôn xóm trong xã. Nhưng nhân dân xã D. vẫn dũng cảm lao động, tổ chức đời sống cho phù hợp với thời chiến, phát triển sản xuất phục vụ sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước và xây dựng chủ nghĩa xã hội. Vụ mùa nǎm 1965 thu hoạch kém, mức thu nhập của xã viên bị sút. Bà con xã D. đã động viên nhau sản xuất, bảo đảm tự túc lương thực không ỷ lại vào Nhà nước. Nhân dân trong xã đã khắc phục mọi khó khǎn đưa diện tích, nǎng suất và sản lượng lúa chiêm vừa qua lên cao hơn tất cả các nǎm trước. Rau, màu trồng gấp đôi, gấp rưỡi. Mọi gia đình đều có vườn rau tự túc. Hợp tác xã chú ý quản lý hoa màu để điều hoà cho những gia đình thiếu ǎn trong những ngày giáp hạt. Tệ ǎn uống lãng phí trong các dịp cưới xin, cúng bái đều xóa bỏ, bà con tính toán mức ǎn hằng tháng trong gia đình để có kế hoạch ǎn thêm màu, tiết kiệm gạo, bảo đảm có đủ lương thực cho đến hết vụ.

Nhờ thực hành tiết kiệm và phát triển sản xuất đúng hướng cho nên trong những ngày giáp hạt, trong lúc nhiều xã khác phải xin Nhà nước cung cấp gạo, thì xã D. không những có đủ lương thực điều hòa trong xã mà còn làm nghĩa vụ lương thực vượt mức kế hoạch Nhà nước.

Như thế là ở đấy vừa có thiên tai, vừa có địch họa. Họ sản xuất chẳng những để tự túc mà lại còn làm nghĩa vụ đối với Nhà nước.

Vụ mùa nǎm 1966 mặc dù bị máy bay địch bắn phá nhiều lần, hạn và sâu bệnh khá nặng, nhưng xã D. vẫn thu được thắng lợi lớn nhất từ trước tới nay. Nǎng suất lúa tǎng từ bốn đến bảy tạ thóc một hécta so với những nǎm trước. Các xã viên chọn thóc tốt phơi khô, quạt sạch đem nộp ngay cho Nhà nước. Sau khi tính toán đủ mức ǎn của xã viên, đã bán thêm nǎm tạ thóc theo giá khuyến khích. Các cụ “bạch đầu quân” ở hợp tác xã Minh Hòa và Thống Nhất vỡ ruộng cày cấy thu được một số thóc đem bán cho Nhà nước. Mọi người nêu khẩu hiệu: “Tiết kiệm một hạt gạo là cung cấp một viên đạn cho bộ đội ta bắn vào đầu giặc Mỹ”.

Mười trận máy bay địch ném bom, bắn phá, nhiều nhà cửa và tài sản của nhân dân bị hư hại. Song, nhờ tổ chức phòng tránh tốt, cả xã không có người nào chết và bị thương. Bà con bảo nhau “còn người còn của”, họ giúp đỡ nhau lương thực, quần áo, nồi niêu, bát đĩa, chǎn màn, không phải xin Nhà nước một đồng nào.

Hơn hai nǎm nay, xã D. luôn luôn dẫn đầu phong trào gửi tiền tiết kiệm ở Thái Nguyên. Nǎm 1965 bình quân mỗi người trong xã gửi được 13 đồng 20. Nǎm 1966, đến cuối tháng 11 toàn xã đã gửi được 4 vạn 2 nghìn đồng, chưa kể số vốn đã huy động phục vụ sản xuất. Tính bình quân mỗi người gửi được 31 đồng. Hầu hết các đồng chí chi ủy, đảng viên và cán bộ đều nêu gương hàng đầu gửi tiền tiết kiệm. Nhiều đồng chí sau khi bán lợn, bán gà, bán nông sản chỉ giữ lại số tiền cần thiết để tiêu dùng, còn bao nhiêu đem gửi vào quỹ tín dụng ở xã. Các đồng chí giáo viên ở xã cũng tiết kiệm chi tiêu, gửi được gần 1.000 đồng vào quỹ tín dụng, góp thêm vốn cho bà con nông dân sản xuất. Nhiều bà con trong xã, như bà Lê Thị Thư đã tiết kiệm chi tiêu, gửi được 2.000 đồng.

Nhờ gửi tiền tiết kiệm mà các hợp tác xã có thêm vốn phát triển sản xuất, cải thiện đời sống của xã viên. Nǎm nay, hợp tác xã tín dụng ở xã đã cho hợp tác xã vay 2.000 đồng để mua các tư liệu sản xuất, mua thêm máy xay xát và 120 con lợn giống; giúp thêm tiền cho những gia đình bị máy bay địch bắn phá.

Hợp tác xã này đáng nêu gương về công tác phòng không làm tốt, sản xuất tốt, tiết kiệm tốt, đoàn kết giúp đỡ nhau tốt. Các xã khác cần noi theo.

Những gương tốt như vậy, ta nên học, nên bắt chước. Còn những gương xấu, ta nên tránh.

6. Phải tích cực làm tốt công tác phòng không, đào thêm nhiều hầm hố. Phải giúp đỡ đồng bào sơ tán, nhất là các cụ già, các cháu bé. Giúp đỡ những gia đình bị nạn bom đạn, gia đình thương binh, liệt sĩ và bộ đội đi xa.

Cuối cùng, Bác nhờ các cô, các chú chuyển lời chào của Bác và các đồng chí Trung ương, của Chính phủ đến đồng bào, cán bộ, bộ đội, dân quân, các cháu thanh niên và nhi đồng. Các đồng chí cố gắng làm việc tốt, trở thành huyện “bốn tốt”!.

Còn mấy ngày nữa là Tết. Tết này là Tết kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Ta phải tổ chức Tết cho thật vui vẻ nhưng tiết kiệm. Các cô, các chú có hứa sẽ làm như vậy không?

Nói ngày 18-1-1967.

Báo Nhân Dân, số 4722. ngày 14-3-1967. 151

152. Trước ngày 29 tháng 01 năm 1967

Chủ tịch Hồ Chí Minh thưởng Huy hiệu của Người cho chị Hoàng Thị Tuyết (công nhân chăn nuôi thuộc Khu gang thép Thái Nguyên) và bà Sùng (75 tuổi, cán bộ miền Nam tập kết, ở xã Thái Phúc, Thái Thụy, Thái Bình) đã có thành tích trong công tác chăn nuôi đàn gia súc.152

153. Ngày 09 tháng 02 năm 1967 (mùng 1 Tết Đinh Mùi)

Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp chị Trần Thị Tuyết tại Nhà sàn.153

154. Ngày 10 tháng 02 năm 1967 (mùng 2 Tết Đinh Mùi)

Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp chị Đặng Bích Nga (con gái đồng chí Trường Chinh) đến thăm và chúc Tết Người nhân dịp đầu năm mới.154

155. Ngày 12 tháng 02 năm 1967

Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp nữ diễn viên điện ảnh Trà Giang đến chúc Tết.155

 Thu Hiền (tổng hợp)

---------------

150, 151. Hồ Chí Minh, Toàn tập, sđd, tập 15, tr.267-268; tr.275-284.

152, 153, 154, 155. Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử, sđd, tập 10, tr.22; tr.27; tr.28; tr.29.


 156. Ngày 05 tháng 3 năm 1967

Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi Huy hiệu của Người tặng:

- Em Hoàng Thị Nhình, học sinh Trường cấp II Bò Gai, tỉnh Cao Bằng, có nhiều thành tích trong học tập, trong việc tham gia phong trào xóa nạn mù chữ trong xóm, cải tiến kỹ thuật canh tác, vận động sản xuất tốt.

- Chị Hoàng Thị Thanh Tâm, y tá Viện Quân y 10, Tổng cục Hậu cần, Quân đội nhân dân Việt Nam có thành tích chăm sóc người bệnh.

- Chị Lục Thị Ong, dân tộc Nùng, huyện Võ Nhai, tỉnh Bắc Thái (nay thuộc tỉnh Thái Nguyên), Bí thư chi bộ xã, đã có thành tích lãnh đạo sản xuất, xây dựng hợp tác xã, chỉ huy dân quân chiến đấu.156

157. Trước ngày 07 tháng 3 năm 1967

Chủ tịch Hồ Chí Minh thưởng Huy hiệu của Người cho 20 phụ nữ đã nêu gương dũng cảm, đảm đang, chống Mỹ, cứu nước:

- Đào Thị Hào, Anh hùng Lao động, công nhân Nhà máy dệt Nam Định.

- Vũ Thị Thanh Bằng, công nhân hái chè Nông trường Mộc Châu (Sơn La).

- Lê Thị My, công nhân Xí nghiệp cơ điện Tam Quang.

- Dương Thị Hiền, công nhân hái bông Nông trường Tô Hiệu (Sơn La).

- Lương Thị Mái, Anh hùng Lao động, đội trưởng chăn nuôi Hợp tác xã Đông Phong (Hải Phòng).

- Nguyễn Thị Khiu, Anh hùng Lao động, đội phó đội đánh cá Minh Khai, xã Bảo Ninh (Quảng Bình).

- Nguyễn Thị Xon, xã viên Hợp tác xã nông nghiệp Đại Vi Trung (Tiên Sơn, Hà Bắc).

- Nguyễn Thị Sê, xã viên Hợp tác xã nông nghiệp Mỹ Lộc, xã Cao Đức (Gia Lương, Hà Bắc).

- Lê Thị Quân, 50 tuổi, đội trưởng sản xuất xã Nam Ngạn (Thanh Hóa).

- Nguyễn Thị Viên, công nhân sửa chữa đường xã Văn Tô (Tứ Kỳ, Hải Dương).

- Nguyễn Thị Lựu, xã viên Hợp tác xã Vân Động (Đông Triều, Quảng Ninh).

- Bùi Thị Kim, xã viên Hợp tác xã Gò Mu (Lương Sơn, Hòa Bình).

- Chị Giả, Chủ nhiệm Hợp tác xã Cụ Tri (Thanh Miện, Hải Dương).

- Hoàng Thị Thanh Tâm, y tá quân y.

- Nguyễn Thị Mát, nhân viên kiểm tiền ở chi điếm Ngân hàng Gia Lộc (Hải Dương).

- Dương Thị Hoa, hộ lý Đoàn điều dưỡng.

- Nguyễn Thị Ban, giáo viên mẫu giáo thôn Chúc Thôn (xã Cộng Hòa, Chí Linh, Hải Dương).

- Nguyễn Thị Ngát, hộ lý Viện B.8.

- Thanh Nghị, giáo viên mẫu giáo xã Vĩnh Trung (Vĩnh Linh).

- Nguyễn Thị Liên, cô giữ trẻ Hợp tác xã khai hoang Vi Quang (Bảo Khánh, Lào Cai). 157

158. Ngày 09 tháng 3 năm 1967

Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi Huy hiệu của Người tặng:

- Cụ Bông, Hợp tác xã Yên Duyên, Yên Sở, Hà Nội, có thành tích sáu năm liền tham gia ban bảo trợ mẫu giáo.

- Chị Nguyễn Thị Mão, công nhân lái xe ở cảng Hải Phòng, mười năm lái xe an toàn, hoàn thành kế hoạch được giao.

- Cô Biểu, công nhân đội cầu X, thuộc tuyến đường Tĩnh Gia, Thanh Hóa, dũng cảm cứu gạo khỏi bị cháy khi giặc Mỹ ném bom phá hoại.158

159. Ngày 16 tháng 3 năm 1967

Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi Huy hiệu tặng 23 phụ nữ thuộc Thành hội Phụ nữ Hải Phòng, có thành tích trong lao động, sản xuất, đạt tiêu chuẩn “Ba đảm đang” xuất sắc.159

160. Trước ngày 17 tháng 3 năm 1967

Chủ tịch Hồ Chí Minh thưởng Huy hiệu của Người cho em Lê Thị Thành, (đội viên thiếu niên tiền phong ở Hải Phòng) chăm học, dũng cảm và mưu trí, đạt thành tích tốt trong phong trào thi đua “Việc nhỏ giúp nước”.

161. Trong tháng 3 năm 1967

Chủ tịch Hồ Chí Minh gọi điện hỏi thăm tình hình gia đình đồng chí Lê Anh Tài, cán bộ Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam, chồng của Anh hùng quân đội Nguyễn Thị Chiên. Khi được biết chị Chiên đã sinh cháu gái, Người vui vẻ chúc mừng và nói: “Con gái đầu lòng là quý lắm đó”.161

162. Ngày 01 tháng 4 năm 1967

Chủ tịch Hồ Chí Minh thưởng Huy hiệu cho chị Nguyễn Thị Thanh (vợ Anh hùng liệt sĩ Nguyễn Viết Xuân), đã có nhiều cố gắng, khắc phục khó khăn, hăng hái tham gia lao động sản xuất: “Giỏi việc nước, đảm việc nhà”.162

163. Thư khen Trung đội dân quân gái huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa

Thân ái gửi các cháu Trung đội dân quân gái huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa,

Các cháu thân mến,

Bác rất vui lòng khen các cháu đã chiến đấu giỏi và bắn rơi một máy bay phản lực Mỹ. Bác gửi tặng mỗi cháu một huy hiệu.

Bác mong các cháu hãy phát huy những điểm tốt: chăm học, chăm làm,  sản xuất giỏi, đánh giặc giỏi, cùng với bà con địa phương giành nhiều thắng lợi to lớn hơn nữa.

Các đơn vị dân quân các nơi khác hãy thi đua sản xuất và chiến đấu với trung đội dân quân gái huyện Hậu Lộc.

Bác sẽ khen thưởng những đơn vị nào lập được thành tích xuất sắc nhất.

Chào thân ái và quyết thắng

Ngày 05 tháng 7 năm 1967

Bác Hồ

Báo Nhân Dân, số 4835, ngày 06-7-1967.163

164. Ngày 28 tháng 7 năm 1967

Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi Huy hiệu của Người tặng:

- Hộ lý Nguyễn Thị Huệ, Viện Quân y 5, tận tình phục vụ thương binh.

- Chị Nguyễn Thị Hồi, xã Nguyên Khê, huyện Đông Anh, Hà Nội, vợ liệt sĩ, tích cực tăng gia sản xuất, tham gia phong trào phụ nữ, có hai con đi bộ đội chống Mỹ.164

165. Ngày 29 tháng 7 năm 1967

Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi Huy hiệu của Người tặng chị Nguyễn Thị Đông, Thuyền trưởng tàu “Ba đảm đang”, Công ty vận tải đường thủy Hà Nội, cùng chị em điều khiển, quản lý tốt tàu thuyền.165

166. Trong tháng 7 năm 1967

Chủ tịch Hồ Chí Minh xem kịch sân khấu “Trong phòng trực chiến” do Đoàn kịch điện ảnh của Xưởng phim truyện Việt Nam trình diễn.

Kết thúc buổi diện, Người cầm một bó hoa đến tặng một nữ diễn viên đóng vai bà mẹ rồi nói:

- Các cháu sang phòng bên ăn kẹo, uống nước.

Người nói thêm:

- Các cháu uống nước nhớ phải giữ lấy nước nhé.166

167. Trước ngày 20 tháng 8 năm 1967

Chủ tịch Hồ Chí Minh thưởng Huy hiệu của Người cho những công nhân có thành tích xuất sắc trên mặt trận giao thông vận tải, trong đó có:

- Nguyễn Thị Hòe, công nhân cầu đường Thanh Hóa.

- Vũ Thị Ngọc, công nhân lái máy kéo Đội cơ giới cảng Hải Phòng.

- Trần Thị Loan, công nhân đường bộ Quảng Bình.16

168. Ngày 28 tháng 8 năm 1967

Nhân dịp Quốc khánh nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký lệnh tặng thưởng 20 Huân chương Lao động cho một số đơn vị và cán bộ phụ nữ các tỉnh, huyên, xã vì đã có thành tích xuất sắc trong phong trào “Ba đảm đang” năm 1966. Cụ thể:

- 2 Huân chương Lao động hạng Nhì cho:

+ Cán bộ và chị em phụ nữ tỉnh Hưng Yên.

+ Cán bộ và chị em phụ nữ huyện Quỳnh Long, Quỳnh Lưu, Nghệ An.

- 18 Huân chương Lao động hạng Ba cho:

+ Cán bộ và chị em phụ nữ 3 tỉnh Phú Thọ, Hà Giang, Hòa Bình.

+ Cán bộ và chị em phụ nữ 5 huyện: Quỳnh Lưu, Nghi Lộc (Nghệ An); An Lão (Hải Phòng); Thụy Anh (Thái Bình); Yên Mỹ (Hưng Yên).

+ Cán bộ và chị em phụ nữ 10 xã: Nghi Thu (Nghi Lộc, Nghệ An); Phục Lễ (Thủy Nguyên, Hải Phòng); An Thắng (An Lão, Hải Phòng); Thụy Xuân (Thụy Anh, Thái Bình); Lai Vu (Kim Thành , Hải Dương); Hồng Lạc (Thanh Hà, Hải Dương); Đồng Lạc (Nam Sách, Hải Dương); Ứng Hòe (Ninh Giang, Hải Dương); Quốc Trị (Tiên Lữ; Hưng Yên); Hải Thịnh (Hải Hậu, Nam Hà).168

169. Trước ngày 09 tháng 9 năm 1967

Chủ tịch Hồ Chí Minh thưởng Huy hiệu của Người cho những người có thành tích dũng cảm cứu nhân dân và cứu tài sản của Nhà nước trong khi Mỹ đang ném bom đánh phá. Trong đó có:

- Chị Nguyễn Thị Chuông, Cửa hàng ăn uống Hòa Bình, khu Hai Bà Trưng, Hà Nội.

- Chị Phạm Thị Lựu, Hưng Yên.

- Chị Nguyễn Thị Đáy, công nhân.169

170. Trước ngày 16 tháng 10 năm 1967

Chủ tịch Hồ Chí Minh thưởng Huy hiệu của Người cho những chiến sĩ, cán bộ, công nhân đã nêu gương tốt trong chiến đấu, sản xuất và công tác được báo Nhân Dân giới thiệu thành tích trong thời gian qua. Trong đó có:

- Chị Vàng Pê Dính, dân tộc Hán (Hoa), Hà Giang.

- Chị Nguyễn Thị Tỉnh ở Vĩnh Linh.

- Chị Nguyễn Thị Hiền, cửa hàng lương thực ở Vĩnh Phúc.

- Chị Đào thị Tính, công nhân Nhà máy văn phòng phẩm Hồng Hà, Hà Nội.170

Thu Hiền (tổng hợp)

 ---------------

163. Hồ Chí Minh, Toàn tập, sđd, tập 15, tr.356
156, 157, 158, 159, 160, 161, 162, 164, 165, 166, 167, 168, 169, 170. Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử, sđd, tập 10, tr.40; tr.41; tr.43; tr.46; tr.47; tr.56; tr.56; tr.95; tr.96; tr.97-98; tr.102; tr.104; tr.108; tr.113.


171. Thư khen dân quân gái xã T. huyện Tĩnh Gia, Thanh Hóa

Thân ái gửi các cháu dân quân gái xã T, huyện Tĩnh Gia, tỉnh Thanh Hóa,

Bác rất vui lòng khen ngợi các cháu đã cố gắng học tập, thi đua với các bạn dân quân gái xã H. (Hậu Lộc) và đã bắn rơi một máy bay Mỹ. Để thưởng chiến công đầu vẻ vang đó, Bác tặng mỗi cháu một huy hiệu.

Bác chúc các cháu luôn luôn cố gắng sản xuất tốt, tập luyện giỏi để thu nhiều thành tích hơn nữa.

Bác mong các đội dân quân gái các địa phương hãy ra sức thi đua với dân quân gái Hậu Lộc và Tĩnh Gia để góp phần xứng đáng với toàn quân và toàn dân ta trong sự nghiệp vĩ đại chống Mỹ, cứu nước.

Bác hôn các cháu

Ngày 22 tháng 10 nǎm 1967

Hồ Chí Minh

Báo Nhân Dân, số 4950, ngày 30-10-1967.171

172. Trong tháng 10 năm 1967

Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi Huy hiệu của Người tặng: 15 dân quân gái xã H, huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa đã dũng cảm bắn rơi máy bay giặc Mỹ; 10 dân quân xã T, huyện Tĩnh Gia, tỉnh Thanh Hóa đã dũng cảm chiếu đấu bắn rơi máy bay Mỹ.172

173. Trước ngày 11 tháng 11 năm 1967

Chủ tịch Hồ Chí Minh thưởng Huy hiệu của Người cho các cụ phụ lão đã có thành tích trong công cuộc chống Mỹ, cứu nước. Trong đó có:

- Cụ Tà Khang và con gái I Khôn ở Quảng Bình.

- Cụ Phạm Thị Đệm, xã An Lương, Hải Dương.17

174. Thư khen dân quân gái xã H. (Thanh Hóa)

Thân ái gửi các cháu dân quân gái xã H., huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa,

Ngày 11 tháng 11 năm 1967, các cháu đã chiến đấu dũng cảm, bắn rơi  một máy bay phản lực Mỹ. Cùng với thành tích to lớn chống Mỹ, cứu nước  của phụ nữ cả nước ta, chiến công của các cháu càng làm rạng rỡ thêm truyền thống của  phụ nữ Việt Nam dũng cảm, đảm đang.

Bác rất vui lòng khen ngợi các cháu và tặng mỗi cháu một huy hiệu.

Các cháu hãy luôn luôn cố gắng học tập, sản xuất giỏi, chiến đấu giỏi, cùng với bà con địa phương và quân, dân cả nước giành nhiều thắng lợi to lớn hơn nữa.

Bác hôn các cháu.

Chào thân ái và quyết thắng

Hà Nội, ngày 13 tháng 11 năm 1967

Bác Hồ

Báo Nhân dân, số 4965, ngày 14-11-1967.174

175. Thư khen đơn vị dân quân gái xã N. huyện Quảng Ninh (Quảng Bình)

Thân ái gửi các cháu dân quân gái xã N., huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình,

Bác rất vui lòng khen ngợi các cháu đã chiến đấu giỏi, bắn rơi tại chỗ  một máy bay phản lực Mỹ. Bác gửi tặng mỗi cháu một huy hiệu.

Các  cháu  hãy  ra  sức  rèn  luyện,  học  hỏi  những  kinh  nghiệm hay, sản xuất giỏi, chiến đấu giỏi hơn nữa.

Dân quân, tự vệ, già trẻ, gái trai nhiều địa phương đã bắn rơi máy bay Mỹ. Như vậy là rất tốt.

Các tỉnh hãy đưa phong trào dân quân, tự vệ thi đua bắn rơi máy bay Mỹ  lên cao hơn nữa, góp phần cùng với cả nước đánh thắng hoàn toàn giặc Mỹ xâm lược.

Chào thân ái và quyết thắng

Hà Nội, ngày 16 tháng 11 năm 1967

Bác Hồ

Báo Nhân Dân, số 4968, ngày 17-11-1967.175

176. Thư khen đơn vị dân quân gái các xã P. và T. Huyện Hà Trung (Thanh Hóa)

Thân ái gửi các cháu dân quân gái xã P. và xã T., huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hóa,

Thi đua với dân quân gái Hậu Lộc, Tĩnh Gia, ngày 7 tháng 11 năm 1967,  các cháu đã phối hợp chặt chẽ, chiến đấu dũng cảm, bắn rơi một máy bay Mỹ.  Thành tích đó góp phần làm vẻ vang truyền thống chiến đấu của tỉnh nhà và của phụ nữ cả nước ta.

Bác gửi lời khen ngợi và tặng mỗi cháu một huy hiệu.

Bác mong các cháu sản xuất giỏi, chiến đấu giỏi hơn nữa, cùng với toàn  quân và toàn dân ta kiên quyết đánh thắng hoàn toàn giặc Mỹ xâm lược.

Chào thân ái và quyết thắng

Ngày 18 tháng 11 năm 1967

Bác Hồ

Báo Nhân Dân, số 4970, ngày 19-11-1967.17

177. Thư khen dân quân gái các xã H. và T. huyện Hoằng Hóa (Thanh Hóa)

Thân ái gửi các cháu dân quân gái xã H. và xã T., huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa,

Bác rất vui lòng khen ngợi các cháu ngày 16-11-1967 đã hiệp đồng chặt chẽ, chiến đấu hết sức dũng cảm, mưu trí, bắn rơi cả tốp hai máy bay Mỹ. Bác đặc biệt khen ngợi các cháu xã H. trong sáu ngày đã bắn rơi hai máy bay Mỹ.

Riêng các cháu dân quân gái xã T. đã lập công đầu, Bác gửi tặng mỗi cháu một huy hiệu.

Thanh Hóa là tỉnh có nhiều đội dân quân gái bắn rơi máy bay Mỹ. Đó là vinh dự chung của tỉnh nhà và của phụ nữ cả nước ta.

Các cháu chớ vì thắng lợi mà chủ quan, hãy chịu khó học hỏi và thi đua với dân quân, tự vệ các tỉnh bạn, chiến đấu giỏi và sản xuất giỏi hơn nữa.

Bác hôn các cháu

Chào thân ái và quyết thắng

Hà Nội, ngày 20 tháng 11 năm 1967

Bác Hồ

Báo Nhân Dân, số 4972, ngày 21-11-1967.177

178. Trước ngày 28 tháng 11 năm 1967

Chủ tịch Hồ Chí Minh thưởng Huy hiệu của Người cho Nguyễn Thị Tính (thanh niên lao động ở Vĩnh Linh) đã thể hiện tinh thần dũng cảm, quên mình vì nhân dân.178

179. Trước ngày 05 tháng 12 năm 1967

Chủ tịch Hồ Chí Minh thưởng Huy hiệu của Người cho một số cán bộ, công nhân, nông dân đã đi đầu trong phong trào thi đua nêu cao ý thức cải tiến sản xuất, thực hành tiết kiệm. Trong đó có:

- Chị Ngọc, lái xe thuộc Xí nghiệp cảng Hải Phòng.

- Lê Thị Trân, công nhân Xí nghiệp cơ khí kiến thiết (Hải Phòng).

- Chử Thị Nhân, Đội trưởng đội thủy lợi xã Quyết Tiến, Lâm Thao, Phú Thọ.

- Chị Quý, Tổ trưởng tổ làm muối ở Hải Phòng.17

180. Trước ngày 11 tháng 12 năm 1967

Chủ tịch Hồ Chí Minh thưởng Huy hiệu của Người cho những phụ nữ sản xuất, công tác giỏi và chiến đấu dũng cảm.

- Phạm Thị Kế, xã viên Hợp tác xã Gia Thắng, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình.

- Đặng Thị Mão, công nhân chăn nuôi ngành hậu cần quân đội.

- Phùng Thị Yên, công nhân lâm trường ở Hà Bắc.

- Đinh Thị Việt Hoa, người dân tộc Tày, giáo viên cấp I xã Hữu Sà, huyện Sơn Động, Hà Bắc.

- Sùng Thị Tùng, người dân tộc Mèo (Hmông), xã Tả Lũng, huyện Đồng Văn, Hà Giang.180

181. Trước ngày 22 tháng 12 năm 1967

Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp bà Lê Hằng Huân và cô Thanh Hà là vợ và con gái của Thiếu tướng Nguyễn Sơn (nguyên Tư lệnh Liên khu 4 Quân đội nhân dân Việt Nam thời kỳ kháng chiến chống Pháp, đã mất ngày 21-10-1956).181

182. Bài nói tại cuộc mít tinh trọng thể kỷ niệm ngày thành lập quân đội nhân dân Việt Nam (22-12-1944) và ngày toàn quốc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược (19-12-1946)

Thưa các đồng chí và các bạn,

Trong dịp kỷ niệm ngày xây dựng Quân đội nhân dân ta và ngày cả nước  kháng chiến lần thứ nhất, tôi là một trong những người rất vui mừng, rất phấn khởi. Tôi thấy trẻ lại 20 tuổi. Vì lẽ rằng cách đây 23 năm, tôi và một số đồng chí được Đảng ta giao cho nhiệm vụ vẻ vang là tổ chức, huấn luyện và lãnh đạo Quân đội nhân dân ta. Lúc đầu chỉ có mấy nhóm du kích bé nhỏ với  những vũ khí thô sơ. Nhờ đường lối mácxít - lêninnít của Đảng và sự ủng hộ hăng hái của đồng bào, quân đội ta đã lớn mạnh nhanh chóng, đã góp phần  quan  trọng giành chính quyền trong Cách mạng Tháng Tám và sau gần chín năm kháng chiến đã đánh thắng quân đội nhà nghề thực dân trong trận  Điện  Biên Phủ oanh liệt. Nay quân đội ta lại có thêm người anh em ruột thịt là các lực lượng vũ trang anh hùng dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam. Các lực lượng vũ trang đó đang đánh thắng 1 triệu 20 vạn quân Mỹ và bè lũ tay sai.

Trong cuộc chiến tranh nhân dân của cả nước ta chống đế quốc Mỹ, đã nảy nở rất nhiều anh hùng và dũng sĩ. Vài ví dụ:

Ở miền Bắc, có những đơn vị dân quân già như ở Thanh Hóa đã bắn rơi nhiều máy bay Mỹ. Có những trung đội dân quân toàn là các cháu gái nông thôn đã bắn rơi máy bay Mỹ. Đặc biệt là có cháu Nguyễn Thị Xuân, 19 tuổi, ở tỉnh  Quảng  Bình,  một mình dùng súng bộ binh với hơn 20 viên đạn, đã bắn rơi máy bay phản lực của Mỹ. Có những đồng chí phi công trẻ tuổi, một mình đã bắn tan xác bảy máy bay Mỹ.

Ở miền Nam Việt Nam, Phó Tổng tư lệnh Quân đội giải phóng là một phụ nữ, đồng chí Nguyễn Thị Định. Cháu Hồ Văn  Mên, ở khu Đông Nam Bộ, mới 13 tuổi đã giật mìn, diệt 75 tên giặc Mỹ và tay sai. Cháu Nguyễn Thị Hạnh, ở tỉnh Long An, là một cán bộ du kích ưu tú, đã xây dựng được một đội du kích rất mạnh, tổ chức đánh hơn 300 trận, diệt nhiều địch, thu nhiều vũ khí. Cháu Kpacơlơng, người dân tộc Gia Rai, lúc 15 tuổi, đã làm chông bẫy, dùng tên nỏ diệt tám tên địch, nay là một chiến sĩ trẻ đã diệt hơn 100 giặc Mỹ và tay sai.

Những chuyện như thế có rất nhiều và được cả thế giới ca ngợi. Tôi tưởng ca ngợi là phải mà chúng ta tự hào là phải.

Đường lối, chính sách của ta đúng đắn.

Toàn dân ta đoàn kết, nhất trí, quân đội ta anh hùng vô song, ta lại được các nước anh em trong phe xã hội chủ nghĩa giúp đỡ tận tình và bè bạn khắp năm châu ra sức ủng hộ, cho nên ta nhất định thắng, Mỹ nhất định thua!

Mỹ thua đã rõ ràng. Một chứng cớ là Mắc Namara, một trong những tên  trùm gây chiến tranh xâm lược, đã bị buộc phải thôi chức Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, chịu đòn thay cho Giônxơn và phe lũ. Tuy vậy, đế quốc Mỹ “chết thì chết, nết không chừa”, chúng chưa từ bỏ âm mưu xâm lược. Vậy quân và dân cả nước ta hãy đoàn kết chặt chẽ hơn nữa, luôn luôn nâng cao cảnh  giác, thừa thắng xông lên, kiên quyết đập tan mọi âm mưu của chúng.

31 triệu đồng bào ta ở cả hai miền, bất kỳ già trẻ, gái trai, phải là 31 triệu chiến sĩ anh dũng diệt Mỹ, cứu nước, quyết giành thắng lợi cuối cùng.

Nhân dịp này, tôi thay mặt nhân dân và Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa cảm ơn nhân dân và chính phủ các nước anh em trong phe xã hội  chủ nghĩa, cảm ơn nhân dân và chính phủ các nước bạn, cảm ơn nhân dân thế giới, kể cả nhân dân tiến bộ Mỹ, đang chống đế quốc Mỹ xâm lược và ủng hộ cuộc chiến đấu chính nghĩa của nhân dân Việt Nam.

Tôi thân ái khen ngợi quân đội và đồng bào ta không ngại gian khổ, hy sinh, kiên quyết chống Mỹ, cứu nước, giành nhiều thắng lợi to lớn, để hoàn thành nhiệm vụ vĩ đại là bảo vệ miền Bắc, giải phóng miền Nam, thống nhất nước nhà.

Cuối cùng, chúc các đồng chí và các bạn sang năm mới, cố gắng mới và giành nhiều thắng lợi mới!

Báo Nhân Dân, số 5007, ngày 26-12-1967.182 

Thu Hiền (tổng hợp)

 ---------------

171, 174, 175, 176, 177, 182. Hồ Chí Minh, Toàn tập, sđd, tập 15, tr.383; tr.403; tr.404; tr.405; tr.407; tr.410-412.
172, 173, 178, 179, 180, 181. Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử, sđd, tập 10, tr.116; tr.120; tr.123; tr.124; tr.125; tr.126.


 183. Ngày 30 tháng 12 năm 1967

Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp Phó Chủ tịch Tôn Đức Thắng và nữ Anh hùng Lực lượng vũ trang Tạ Thị Kiều.

Cùng ngày, Người tiếp và mời cơm vợ cùng hai con của cố Đại tướng Nguyễn Chí Thanh đến thăm Người.183

184. Trước ngày 07 tháng 01 năm 1968

Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi tặng Huy hiệu của Người cho 10 cụ già đã nêu gương tốt cho con, cháu noi theo.

- Chu Văn Du, xã Nghi Thu, Nghi Lộc, Nghệ An.

- Hoàng Thị Phúc, xã Nhân Thọ, Quảng Thọ, Quảng Bình.

- Lầu Gia May, dân tộc Mèo (Hmông), bản Huổi Tổng, Nà Noi, Nghệ An.

- Nguyễn Văn Hiến, ở Quảng Bình.

- Cung Quang Tồn, thị xã Cao Bằng.

- Cụ Quyết, xã Đạo Lý, Lý Nhân, Hà Nam.

- Cụ Thanh, xã Quang Thiện, Kim Sơn, Ninh Bình.

- Cụ Chừ, xã Quốc Phong, Quảng Hòa, Cao Bằng.

- Đoàn Thị Hòa, thị xã Tuyên Quang.

- Cụ Thích, xã Yên Bình, Lương Sơn, Hòa Bình.184

185. Trước ngày 15 tháng 01 năm 1968

Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi tặng Huy hiệu của Người cho chị Nguyễn Thị Bảy, công nhân lái máy kéo, cảng Hải Phòng đã có thành tích xuất sắc trên mặt trận giao thông vận tải.185

186. Trước ngày 22 tháng 01 năm 1968

Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi tặng Huy hiệu của Người cho 9 cán bộ, chiến sĩ đã nêu cao tinh thần dũng cảm cứu người, cứu tài sản nhà nước trong các trận oanh tạc của máy bay giặc Mỹ, trong đó có: Nguyễn Thị Sinh, C6, Đội 812 thanh niên xung phong; Phan Thị Bạch Tuyết, y sĩ, bệnh viện T, Quảng Bình; Nguyễn Thị Hiền, nhân viên cửa hàng lương thực.186

187. Trước ngày 22 tháng 02 năm 1968

Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi tặng Huy hiệu của Người cho thưởng 9 công nhân và thanh niên xung phong đã nêu gương dũng cảm, góp phần giữ vững mạch máu giao thông vận tải; trong đó có: Nguyễn Thị Sáu, công nhân, đoàn xà lan Công ty vận tải đường sông Hà Nội; Nguyễn Thị Mẽ, thanh niên xung phong Đội 773.187

188. Trước ngày 29 tháng 02 năm 1968

Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi tặng Huy hiệu của Người cho cụ bà Hoàng Kiều (gần 60 tuổi) ở Hải Phòng, đã nêu gương sáng trong chiến đấu, sản xuất và công tác.188

189. Thơ tặng 11 cô gái sông Hương

Tháng 2-1968, được tin 11 nữ dân quân tự vệ thành phố Huế đã lập nhiều thành tích trong chiến đấu giải phóng thành phố, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khen tặng bốn câu thơ:

“Dõng dạc tay cầm khẩu súng trường,

Khôn ngoan dàn trận khắp trong phường.

Bác khen các cháu dân quân gái,

Đánh giặc Hoa Kỳ phải nát xương.”

In trong sách Quân khu 4: Lịch sử kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (1954 - 1975), Nxb. Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1994, tr. 240.189

190. Ngày 08 tháng 3 năm 1968

Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi tặng Huy hiệu của Người cho một số phụ nữ xuất sắc của thủ đô Hà Nội trong phong trào “Ba đảm đang”.190

191. Trước ngày 26 tháng 3 năm 1968

Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi tặng Huy hiệu của Người cho các nữ thanh niên đã nêu gương sáng trong chiến đấu và sản xuất: Cam Thị Thưng, Nguyễn Thị Bình, dân quân thuộc Gia Lâm, Hà Nội; Phạm Thị Thảo, đội viên dân phòng khối 31, khu Ba Đình, Hà Nội; Trần Thị Liên, tự vệ nhà máy ở Hải Phòng; Nguyễn Thị Nghệ, dân quân ở huyện Lạng Giang, Hà Bắc (nay là tỉnh Bắc Giang).191

192. Thư khen quân và dân Quảng Bình

Thân ái gửi đồng bào, bộ đội và cán bộ Quảng Bình,

Quảng Bình là tỉnh đầu tiên bắn rơi 100, 200, 300 máy bay Mỹ, nay lại là tỉnh đầu tiên bắn rơi 400 máy bay Mỹ. Quảng Bình cũng dẫn đầu về thành tích bắn chìm, bắn cháy tàu chiến và tàu biệt kích địch.

Ba thứ quân của Quảng Bình đều lớn mạnh. Đặc biệt dân quân, tự vệ, già trẻ, gái trai đã dùng súng bộ binh bắn rơi nhiều máy bay Mỹ (64 chiếc); dân quân gái dùng pháo hai lần bắn cháy tàu chiến Mỹ.

Quảng Bình đã lập được chiến công lớn, lại có thành tích xuất sắc trong mọi công tác phục vụ tiền tuyến.

Các mặt công tác khác đều có nhiều tiến bộ:

- Về sản xuất: Mặc dù địch đánh phá ác liệt, nông nghiệp Quảng Bình đã cố gắng làm tốt, công nghiệp địa phương và thủ công nghiệp phát triển hơn trước.

- Về giao thông vận tải: Bảo đảm thông suốt và hoàn thành kế hoạch.

- Về văn hóa, y tế: Có 10 vạn học sinh, việc giữ gìn sức khỏe cho nhân dân, cứu chữa người bị thương, việc bảo vệ bà mẹ và trẻ em vẫn làm tốt.

Như vậy là Quảng Bình càng đánh càng thắng, càng đánh càng mạnh.

Bác rất vui lòng thay mặt Trung ương Đảng và Chính phủ khen ngợi đồng bào, bộ đội và cán bộ Quảng Bình.

Quân và dân Quảng Bình hãy phát huy thắng lợi, ra sức học tập và thi đua với đồng bào miền Nam anh hùng, kiên quyết đánh bại mọi âm mưu và hành động chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp thiêng liêng bảo vệ miền Bắc, giải phóng miền Nam, tiến tới thống nhất nước nhà.

Chào thân ái và quyết thắng

Ngày 9 tháng 4 năm 1968

Bác Hồ

Báo Nhân Dân, số 5112, ngày 10-4-1968.192

193. Trong tháng 4 năm 1968

Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi tặng Huy hiệu của Người cho các nữ công nhân đã lập nhiều thành tích trong sản xuất và phục vụ chiến đấu:

- Ngô Thị Mai, công nhân giao thông Nghệ An.

- Phạm Thị Xuy, công nhân ngành hải sản Quảng Bình.

- Trần Thị Uông, công nhân lái xe cảng Hải Phòng.

- Phạm Thị Cúc, công nhân Nhà máy dệt Hà Tây (nay là Hà Nội).

- Nguyễn Thị Phòng, công nhân Nhà máy gỗ Hà Nội.

- Nguyễn Thị Nga, công nhân Nhà máy điện cơ Hà Nội.

- Đặng Thị Hà, Nguyễn Thị Mão, Vũ Thị Ngọc, công nhân Xí nghiệp cảng Hải Phòng.193

194. Ngày 05 tháng 5 năm 1968

Chủ tịch Hồ Chí Minh mời cơm bà cụ thân sinh đồng chí Nguyễn Chí Thanh và chị Cúc (vợ đồng chí Nguyễn Chí Thanh).194

195. Ngày 08 tháng 5 năm 1968

Chủ tịch Hồ Chí Minh làm việc với Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam Nguyễn Thị Thập.

Cùng ngày, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp vợ đồng chí Phạm Hùng và cháu nhỏ vào thăm và cùng ăn cơm.195

196. Ngày 09 tháng 5 năm 1968

Chủ tịch Hồ Chí Minh gặp và cùng ăn cơm trưa với Anh hùng Tạ Thị Kiều và dũng sĩ diệt Mỹ Hồ Văn Nên.

Cùng ngày, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp chị Cúc (vợ đồng chí Nguyễn Chí Thanh) cùng con nhỏ vào thăm Bác.196

197. Ngày 12 tháng 5 năm 1968

Chủ tịch Hồ Chí Minh mời cơm thân mật cháu Hồng Minh, con gái của hai đồng chí Lê Hồng Phong và Nguyễn Thị Minh Khai.197

198. Ngày 18 tháng 5 năm 1968

Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp nghệ sĩ Linh Nhâm đến chào và thăm sức khỏe của Người.198

199. Trước ngày 20 tháng 5 năm 1968

Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi tặng Huy hiệu của Người cho các nữ công nhân: Vũ Thị Ngọc, Đào Thị Bảy, Đặng Thị Hà, Vũ Thị Định, công nhân cảng Hải Phòng đã dũng cảm, mưu trí, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.19

200. Trong tháng 5, khoảng ngày 20-21

Đầu một buổi họp của Kỳ họp thứ tư Quốc hội khóa III, Chủ tịch Hồ Chí Minh đưa cho đồng chí Hồ Thị Bi, cán bộ của Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam, một bài báo cắt rời và hỏi:

- Cô Bi có biết gì về phụ nữ quê cô không?

Đồng chí Bi thú thật là chưa biết.

Người đề nghị tất cả các đại biểu cùng nghe bài báo viết về tấm gương chiến đấu dũng cảm của một người con gái ở Hóc Môn - Nam Bộ, bị địch bắt, tra tấn hết sức dã man, nhưng nhất định không chịu cung khai. Khi kẻ thù mang bàn chông ra định đóng đinh vào tay chị, chị giơ cao tay đập mạnh xuống bàn chông…

Hồ Thị Bi: “Trái tim của phụ nữ miền Nam hướng về Bác Hồ”, in trong Bác Hồ với miền Nam, miền Nam với Bác Hồ, Nxb. Thành phố Hồ Chí Minh, 1986, tr.114.200

Thu Hiền (tổng hợp)

183, 184, 185, 186, 187, 188, 190, 191, 193, 194, 195, 196, 197, 198, 199, 200. Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử, sđd, tập 10, tr. tr.130-131, tr.139, tr.142, tr.145, Tr.153, tr.153, tr.156, tr.159, tr.169, tr.172, tr.173-174, tr.174-175, tr.177, tr.180, tr.181, tr.183.

189, 192. Hồ Chí Minh, Toàn tập, sđd, tập 15, tr.434, tr.446-447


 201. Trong tháng 5 năm 1968

Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư khen Đại đội pháo binh dân quân gái xã Ngư Thủy, tỉnh Quảng Bình đã bắn cháy tàu khu trục Mỹ số 013 và bắn cháy hai tàu khu trục khác. Người tặng Huy hiệu cho 34 chiến sĩ của Đại hội.201

202. Ngày 05 tháng 6 năm 1968

Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp thân mật chị Kan Lịch (dân tộc Pacô). Cùng tiếp có Thủ tướng Phạm Văn Đồng và đồng chí Tố Hữu. Sau đó, mọi người ở lại ăn cơm cùng Người.202

203. Ngày 08 tháng 6 năm 1968

Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp nữ giao liên miền Nam Trần Thị Lý ra chữa bệnh ở miền Bắc vào thăm Người.20

204. Ngày 09 tháng 6 năm 1968

Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp thân mật nghệ sĩ Trần Thị Tuyết đến thăm Người, sau đó ở lại cùng ăn cơm trưa với Người.204

205. Trước ngày 07 tháng 7 năm 1968

Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi Huy hiệu của Người tặng 8 cán bộ, bộ đội, công nhân, xã viên và học sinh tỉnh Quảng Bình đã có nhiều thành tích trong chiến đấu và phục vụ chiến đấu. Trong đó, có bà Duẩn, xã viên Hợp tác xã Trung Nam, huyện Bố Trạch.205

206. Ngày 07 tháng 7 năm 1968

Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp Đoàn đại biểu Đại đội 9 nữ công nhân cầu đường, đơn vị anh hùng thuộc Bộ Giao thông vận tải. 206

207. Trước ngày 26 tháng 7 năm 1968

Nhân Ngày thương binh, liệt sĩ, Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng Huy hiệu của Người cho một số thương binh, gia đình liệt sĩ đã hăng hái tham gia sản xuất, công tác, chiến đấu, góp phần đánh thắng giặc Mỹ xâm lược.

Trong đó có gia đình liệt sĩ: chị Đỗ Thị Nô, vợ liệt sĩ, xã Hồng Thái, Kiến Xương, Thái Bình; chị Đoàn Thị Ty, vợ liệt sĩ, xã Thái Hòa, Bất Bạt, Hà Tây. 207

208. Trước ngày 27 tháng 7 năm 1968

Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng Huy hiệu của Người cho chị Bùi Thị Kim, y tá Bệnh viện Hòn Gai, Quảng Ninh vì đã hết lòng chăm sóc cứu chữa thương, bệnh binh. 208

209. Cuối tháng 8 năm 1968

Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi Huy hiệu của Người tặng toàn tiểu đội dân quân gái xã Kỳ Phương, huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh trong 27 ngày (từ ngày 25-7 đến ngày 21-8-1968) đã độc lập và phối hợp với các đơn vị bắn rơi 3 máy bay giặc Mỹ. 209

210. Ngày 10 tháng 9 năm 1968

Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi tặng Huy hiệu của Người cho các nữ chiến sĩ nuôi quân giỏi, hết lòng phục vụ bộ đội: Dương Thị Tùy, tiểu đội trưởng, Đơn vị 1, Đoàn vận tải quân sự Quang Trung; Dương Thị Hiền, chiến sĩ, Quân khu 3; Nguyễn Thị Châu, chiến sĩ, Quân khu 4. 210

211. Trước ngày 11 tháng 9 năm 1968

Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi tặng Huy hiệu của Người cho các cô giáo có tinh thần dũng cảm hết lòng vì học sinh:

- Cô giáo Ất, trường Dân tộc rẻo cao Kiến Thiết, Tây Bắc.

- Cô giáo Vũ Thị Hồng Phú, Phương Đông, Vân, Nhung, trường Cấp I ở Nâm Mòn, vùng cao Bắc Hà, Lào Cai.

- Cô giáo Hoa, Bích Diệp, Hà Nội.

- Cô Lục Kim Hồng, dạy mẫu giáo ở bản Na Nhưng, Mường Khương, Lào Cai. 21

212. Ngày 11 tháng 9 năm 1968

Người gặp gỡ và hỏi chuyện 3 chiến sĩ dân quân gái Quảng Bình vừa dự Đại hôi liên hoan thanh niên và sinh viên thế giới ở Xôphia về đến Hà Nội: Trần Thị Bưởi, Nguyễn Thị Xuân và Trương Thị Khuê.

Người thăm hỏi tình hình sinh hoạt của bà con Quảng Bình ở dưới hầm tránh bom, đạn Mỹ.

Người hỏi:

- “Bà con ta ăn có no không?”

Các chiến sĩ trả lời:

- Thưa Bác, mỗi đầu người bình quân 16kg thóc một tháng. Còn sắn, khoai, muốn ăn lúc nào cũng sẵn…

Người vui vẻ nói:

- “Thế là tốt, ăn no, đánh Mỹ giỏi là tốt”.

Cuối buổi gặp, Người gói cho mỗi chiến sĩ một gói kẹo để về làm quà cho anh chị em ở nhà. Sau đó, Người nói:

- “Nghe đồn dân quân Quảng Bình, Vĩnh Linh hát hay lắm. Giờ các cháu hát cho Bác nghe, mỗi người một bài”.

Ba chiến sĩ dân quân hát xong thì chụp ảnh cùng với Người, mỗi người một lần đứng gần bên Chủ tịch. 212

213. Thư gửi các chiến sĩ dân quân du kích

Thân ái gửi các chiến sĩ dân quân du kích,

Dân quân du kích ta có truyền thống rất vẻ vang: già trẻ, gái trai, đều anh dũng đánh giặc, cứu nước cứu nhà; tài giỏi mưu trí, lấy ít thắng nhiều.

Dân quân du kích miền Nam đánh rất giỏi, liên tục tiến công địch khắp nơi, thắng Mỹ, thắng ngụy, lập nhiều chiến công oanh liệt, hỗ trợ đắc lực cho đồng bào nổi dậy giành quyền làm chủ, góp phần hết sức to lớn vào thắng lợi chung của sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước.

Dân quân du kích miền Bắc  chiến đấu giỏi, đánh thắng máy bay tàu chiến Mỹ, sản xuất giỏi, làm tốt các công tác giao thông vận tải, phòng không nhân dân, giữ vững trật tự trị an, và phục vụ tiền tuyến.

Bác rất vui lòng khen ngợi thành tích to lớn của dân quân du kích cả nước ta, đặc biệt khen ngợi các cháu dân quân du kích gái.

Các chiến sĩ dân quân du kích hãy nêu cao tinh thần liên tục tiến công địch, dũng cảm mưu trí, sáng tạo nhiều cách  đánh giỏi, lập công lớn hơn nữa về mọi mặt, cùng với quân và dân  cả nước đánh thắng hoàn toàn giặc Mỹ xâm lược.

Chào thân ái và quyết thắng

Ngày 30 tháng 10 năm 1968

Bác Hồ

Tài liệu lưu tại Bảo tàng Hồ Chí Minh. 213

214. Nói chuyện với Đoàn cán bộ Tỉnh ủy Thanh Hóa

Thanh Hóa có bao nhiêu đất, bao nhiêu dân, bao nhiêu đoàn viên, bao nhiêu đảng viên?

Trong Tỉnh ủy có bao nhiêu ủy viên gái? Tại sao không có đồng chí gái nào đi đây cả? Gái làm nhiều nhưng đi gặp Trung ương lại không có  ai  là  gái? Điều đó chứng tỏ các đồng chí còn trọng trai khinh gái. Cần tích cực sửa chữa.

Đảng bộ và nhân dân Thanh Hóa đã chiến đấu tốt. Cả tỉnh bắn rơi 297 máy bay giặc Mỹ. Riêng Hàm Rồng bắn rơi 99 chiếc; cả tả ngạn và hữu ngạn  Hàm Rồng đều đánh giặc giỏi. Thanh Hóa cũng đã làm tốt nhiệm vụ giao thông vận tải phục vụ tiền tuyến, làm tốt nhiệm vụ phục vụ kháng chiến. Hiện nay,  đồng bào cần tiếp tục làm tốt công tác phòng không sơ tán, chớ có chủ quan.

Gần đây, Thanh Hóa đã có tiến bộ trong sản xuất. Trong tỉnh có nhiều hợp tác xã giỏi. Ví dụ như Hợp tác xã Trung Hòa mỗi năm đã đạt 6,8 tấn thóc/ha trên diện tích hai vụ lúa, 3 con lợn trên 1 hécta gieo trồng và 1 lao động làm 1 hécta ruộng đất; như Hợp tác xã Khoan Hồng đã đạt 6 tấn thóc/ha và mỗi gia đình nuôi 5 con lợn. Nhưng vì sao kinh nghiệm tốt của các hợp tác xã giỏi chưa loang được ra các nơi khác? Chính là vì các cấp chưa coi trọng việc rút kinh nghiệm,  học tập, phổ biến kinh nghiệm của những nơi làm giỏi và chưa tích cực giúpđỡ, đôn đốc các nơi khác làm theo.

Trong sản xuất, Thanh Hóa tiến bộ còn chậm, cần tiến lên nhanh hơn.

Cán  bộ phải đi sát sản xuất, đi sát quần chúng và phải dân chủ với dân.

Cán bộ đi về hợp tác xã không phải chỉ vào nhà chủ nhiệm để có chỗ ở sạch sẽ và có cơm nước đàng hoàng mà phải đi vào nhân dân.

Không biết bây giờ nhân dân có chào chủ tịch, chào cán bộ bằng “cụ”  nữa không? Như thế vẫn là còn thói “quan trên về làng”. Phải làm sao cho cán bộ mỗi khi về làng, nhân dân niềm nở vỗ vai, mời “anh” uống nước mới tốt. Nếu cán bộ về mà dân trải chiếu hoa, bắt gà làm cơm là không được. Bao giờ dân  coi cán bộ là người của dân, đối với cán bộ không còn “lạy cụ ạ”thì dân mới dám nói, mới dám phê bình.

Để phát triển ưu điểm, điều quan trọng nhất là để cho dân nói. Dân biết nhiều việc mà các cấp lãnh đạo không biết. Việc gì cũng bàn với dân; dân sẽ có ý kiến hay. Phải làm tốt công tác báo công, bình công ngoài nhân dân. Rõ ràng nơi nào đã làm tốt công tác này thì nhân dân làm ăn vui vẻ, phong trào tiến bộ.

Từ trước tới nay, cán bộ vì quan liêu mà sinh ra mệnh lệnh. Ta đã cầm quyền trên 23 năm, mà bây giờ Thanh Hóa mới bắt đầu sửa chữa bệnh quan liêu, mệnh lệnh là chậm. Sắp tới phải tích cực hơn trong việc này để phát huy mạnh mẽ quyền làm chủ tập thể của nhân dân.

Đảng viên, đoàn viên phải gương mẫu, phải thường xuyên tự phê bình và phê bình để tiến bộ.

Thanh Hóa có 8 vạn đảng viên, 15 vạn đoàn viên mà cách mạng trong tỉnh không được trôi chảy vì lãnh đạo chưa sát, cán bộ còn thiếu dân chủ và cán bộ, đảng viên chưa thật gương mẫu. Các chú cần tự phê bình và phê bình thường xuyên để tiến bộ. Người vào Đảng, vào Đoàn không phải để làm quan, làm giàu, mà là để phục vụ nhân dân, làm đày tớ trung thành của nhân dân. Cần tự phê  bình và phê bình để phát huy ưu điểm, khắc phục khuyết điểm nhằm phục vụ tốt nhân dân hơn nữa. Nhân dân rất thương yêu và quý trọng cán bộ, đảng viên. Nhưng nếu cán bộ, đảng viên quan liêu, mệnh lệnh, tham ô thiếu gương mẫu thì dân không tin, do đó làm nguy hại đến công tác của Đảng.

Thanh Hóa không biết còn có nhiều rượu lậu và cán bộ, đảng viên  còn  có ai nấu rượu lậu nữa không? Đảng ta không phải là đảng nấu rượu lậu. Ai là đảng viên mà còn nấu rượu lậu thì phải kiên quyết đưa ra khỏi Đảng. Chủ tịch ủy ban hành chính xã, chủ nhiệm hợp tác xã, và các cán bộ khác mà nấu rượu lậu làcó tội với dân, có tội với Đảng. Nếu các chú không trị thì quần chúng nhân dân sẽ trị.

Hiện nay, Thanh Hóa có còn tệ đánh vợ nữa không? Nếu còn, cần phải kiên quyết sửa chữa.

Việc “liên hoan, chè chén” tuy có giảm bớt so với trước nhưng vẫn còn phổ biến. Dân phải đóng tiền để cho cán bộ ăn mà mình không được ăn; như vậy tức là không giúp cho cán bộ “vạn  thọ vô cương”. Có nơi Bác tới thăm, cán bộ làm thịt cả một con bò và bảo rằng để “chiêu đãi Hồ Chủ tịch”; thế là họ “ăn” cả Hồ Chủ tịch. Phải tích cực sửa chữa.

Tóm lại, cán bộ, đảng viên, đoàn viên phải gương mẫu.

Mặt khác, thế hệ thanh niên hiện nay, gái cũng như trai rất tốt và gan dạ; cần tích cực giáo dục họ và  kết nạp những người có đủ tiêu chuẩn vào Đảngđể phục vụ Đảng, phục vụ nhân dân.

Còn đối với những người có tư tưởng vào Đảng, vào Đoàn để làm quan, làm giàu, thì phải đóng cửa lại, không cho họ vào.

*

* *

Trước đây, khi Bác vào thăm Thanh Hóa, Bác đã nói rõ: Thanh Hóa dân đông, đất rộng, rừng vàng, biển bạc, đủ điều kiện để trở thành một tỉnh giàu đẹp và kiểu mẫu. Để tiến lên, các cấp và cán bộ Thanh Hóa phải thực hiện dân chủ rộng rãi với nhân dân; đảng viên, đoàn viên phải gương mẫu với nhân dân.

Bác gửi lời khen các hợp tác xã làm ăn giỏi như Trung Hòa, Khoan Hồng,  Đông Phương Hồng, Thống Nhất, Thắng Lợi... Bác gửi lời hỏi thăm đồng bào, đảng viên và cán bộ trong tỉnh.

Bác mong các hợp tác xã đã giỏi làm ăn càng giỏi hơn, mong đồng bào và Đảng bộ Thanh Hóa chiến đấu tốt, sản xuất tốt để lần sau Tỉnh ủy ra báo cáo với Trung ương có nhiều thành tích hơn và có đông đại biểu gái cùng đi.

Tài liệu lưu tại Cục Lưu trữ Văn phòng Trung ương Đảng. 214 

Thu Hiền (tổng hợp)

201, 202, 203, 204, 205, 206, 207, 208, 209, 210, 211, 212. Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử, sđd, tập 10, tr.186; tr.188, tr.191, tr.192, tr.197, tr.198, tr.202, tr.203, tr.211, tr.214, tr.215, tr.215.

213, 214. Hồ Chí Minh, Toàn tập, sđd, tập 15, tr.510, tr.525-528.

Bài viết khác: