201. Trong tháng 5 năm 1968
Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư khen Đại đội pháo binh dân quân gái xã Ngư Thủy, tỉnh Quảng Bình đã bắn cháy tàu khu trục Mỹ số 013 và bắn cháy hai tàu khu trục khác. Người tặng Huy hiệu cho 34 chiến sĩ của Đại hội.201
202. Ngày 05 tháng 6 năm 1968
Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp thân mật chị Kan Lịch (dân tộc Pacô). Cùng tiếp có Thủ tướng Phạm Văn Đồng và đồng chí Tố Hữu. Sau đó, mọi người ở lại ăn cơm cùng Người.202
203. Ngày 08 tháng 6 năm 1968
Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp nữ giao liên miền Nam Trần Thị Lý ra chữa bệnh ở miền Bắc vào thăm Người.20
204. Ngày 09 tháng 6 năm 1968
Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp thân mật nghệ sĩ Trần Thị Tuyết đến thăm Người, sau đó ở lại cùng ăn cơm trưa với Người.204
205. Trước ngày 07 tháng 7 năm 1968
Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi Huy hiệu của Người tặng 8 cán bộ, bộ đội, công nhân, xã viên và học sinh tỉnh Quảng Bình đã có nhiều thành tích trong chiến đấu và phục vụ chiến đấu. Trong đó, có bà Duẩn, xã viên Hợp tác xã Trung Nam, huyện Bố Trạch.205
206. Ngày 07 tháng 7 năm 1968
Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp Đoàn đại biểu Đại đội 9 nữ công nhân cầu đường, đơn vị anh hùng thuộc Bộ Giao thông vận tải. 206
207. Trước ngày 26 tháng 7 năm 1968
Nhân Ngày thương binh, liệt sĩ, Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng Huy hiệu của Người cho một số thương binh, gia đình liệt sĩ đã hăng hái tham gia sản xuất, công tác, chiến đấu, góp phần đánh thắng giặc Mỹ xâm lược.
Trong đó có gia đình liệt sĩ: chị Đỗ Thị Nô, vợ liệt sĩ, xã Hồng Thái, Kiến Xương, Thái Bình; chị Đoàn Thị Ty, vợ liệt sĩ, xã Thái Hòa, Bất Bạt, Hà Tây. 207
208. Trước ngày 27 tháng 7 năm 1968
Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng Huy hiệu của Người cho chị Bùi Thị Kim, y tá Bệnh viện Hòn Gai, Quảng Ninh vì đã hết lòng chăm sóc cứu chữa thương, bệnh binh. 208
209. Cuối tháng 8 năm 1968
Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi Huy hiệu của Người tặng toàn tiểu đội dân quân gái xã Kỳ Phương, huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh trong 27 ngày (từ ngày 25-7 đến ngày 21-8-1968) đã độc lập và phối hợp với các đơn vị bắn rơi 3 máy bay giặc Mỹ. 209
210. Ngày 10 tháng 9 năm 1968
Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi tặng Huy hiệu của Người cho các nữ chiến sĩ nuôi quân giỏi, hết lòng phục vụ bộ đội: Dương Thị Tùy, tiểu đội trưởng, Đơn vị 1, Đoàn vận tải quân sự Quang Trung; Dương Thị Hiền, chiến sĩ, Quân khu 3; Nguyễn Thị Châu, chiến sĩ, Quân khu 4. 210
211. Trước ngày 11 tháng 9 năm 1968
Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi tặng Huy hiệu của Người cho các cô giáo có tinh thần dũng cảm hết lòng vì học sinh:
- Cô giáo Ất, trường Dân tộc rẻo cao Kiến Thiết, Tây Bắc.
- Cô giáo Vũ Thị Hồng Phú, Phương Đông, Vân, Nhung, trường Cấp I ở Nâm Mòn, vùng cao Bắc Hà, Lào Cai.
- Cô giáo Hoa, Bích Diệp, Hà Nội.
- Cô Lục Kim Hồng, dạy mẫu giáo ở bản Na Nhưng, Mường Khương, Lào Cai. 21
212. Ngày 11 tháng 9 năm 1968
Người gặp gỡ và hỏi chuyện 3 chiến sĩ dân quân gái Quảng Bình vừa dự Đại hôi liên hoan thanh niên và sinh viên thế giới ở Xôphia về đến Hà Nội: Trần Thị Bưởi, Nguyễn Thị Xuân và Trương Thị Khuê.
Người thăm hỏi tình hình sinh hoạt của bà con Quảng Bình ở dưới hầm tránh bom, đạn Mỹ.
Người hỏi:
- “Bà con ta ăn có no không?”
Các chiến sĩ trả lời:
- Thưa Bác, mỗi đầu người bình quân 16kg thóc một tháng. Còn sắn, khoai, muốn ăn lúc nào cũng sẵn…
Người vui vẻ nói:
- “Thế là tốt, ăn no, đánh Mỹ giỏi là tốt”.
Cuối buổi gặp, Người gói cho mỗi chiến sĩ một gói kẹo để về làm quà cho anh chị em ở nhà. Sau đó, Người nói:
- “Nghe đồn dân quân Quảng Bình, Vĩnh Linh hát hay lắm. Giờ các cháu hát cho Bác nghe, mỗi người một bài”.
Ba chiến sĩ dân quân hát xong thì chụp ảnh cùng với Người, mỗi người một lần đứng gần bên Chủ tịch. 212
213. Thư gửi các chiến sĩ dân quân du kích
Thân ái gửi các chiến sĩ dân quân du kích,
Dân quân du kích ta có truyền thống rất vẻ vang: già trẻ, gái trai, đều anh dũng đánh giặc, cứu nước cứu nhà; tài giỏi mưu trí, lấy ít thắng nhiều.
Dân quân du kích miền Nam đánh rất giỏi, liên tục tiến công địch khắp nơi, thắng Mỹ, thắng ngụy, lập nhiều chiến công oanh liệt, hỗ trợ đắc lực cho đồng bào nổi dậy giành quyền làm chủ, góp phần hết sức to lớn vào thắng lợi chung của sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước.
Dân quân du kích miền Bắc chiến đấu giỏi, đánh thắng máy bay tàu chiến Mỹ, sản xuất giỏi, làm tốt các công tác giao thông vận tải, phòng không nhân dân, giữ vững trật tự trị an, và phục vụ tiền tuyến.
Bác rất vui lòng khen ngợi thành tích to lớn của dân quân du kích cả nước ta, đặc biệt khen ngợi các cháu dân quân du kích gái.
Các chiến sĩ dân quân du kích hãy nêu cao tinh thần liên tục tiến công địch, dũng cảm mưu trí, sáng tạo nhiều cách đánh giỏi, lập công lớn hơn nữa về mọi mặt, cùng với quân và dân cả nước đánh thắng hoàn toàn giặc Mỹ xâm lược.
Chào thân ái và quyết thắng
Ngày 30 tháng 10 năm 1968
Bác Hồ
Tài liệu lưu tại Bảo tàng Hồ Chí Minh. 213
214. Nói chuyện với Đoàn cán bộ Tỉnh ủy Thanh Hóa
Thanh Hóa có bao nhiêu đất, bao nhiêu dân, bao nhiêu đoàn viên, bao nhiêu đảng viên?
Trong Tỉnh ủy có bao nhiêu ủy viên gái? Tại sao không có đồng chí gái nào đi đây cả? Gái làm nhiều nhưng đi gặp Trung ương lại không có ai là gái? Điều đó chứng tỏ các đồng chí còn trọng trai khinh gái. Cần tích cực sửa chữa.
Đảng bộ và nhân dân Thanh Hóa đã chiến đấu tốt. Cả tỉnh bắn rơi 297 máy bay giặc Mỹ. Riêng Hàm Rồng bắn rơi 99 chiếc; cả tả ngạn và hữu ngạn Hàm Rồng đều đánh giặc giỏi. Thanh Hóa cũng đã làm tốt nhiệm vụ giao thông vận tải phục vụ tiền tuyến, làm tốt nhiệm vụ phục vụ kháng chiến. Hiện nay, đồng bào cần tiếp tục làm tốt công tác phòng không sơ tán, chớ có chủ quan.
Gần đây, Thanh Hóa đã có tiến bộ trong sản xuất. Trong tỉnh có nhiều hợp tác xã giỏi. Ví dụ như Hợp tác xã Trung Hòa mỗi năm đã đạt 6,8 tấn thóc/ha trên diện tích hai vụ lúa, 3 con lợn trên 1 hécta gieo trồng và 1 lao động làm 1 hécta ruộng đất; như Hợp tác xã Khoan Hồng đã đạt 6 tấn thóc/ha và mỗi gia đình nuôi 5 con lợn. Nhưng vì sao kinh nghiệm tốt của các hợp tác xã giỏi chưa loang được ra các nơi khác? Chính là vì các cấp chưa coi trọng việc rút kinh nghiệm, học tập, phổ biến kinh nghiệm của những nơi làm giỏi và chưa tích cực giúpđỡ, đôn đốc các nơi khác làm theo.
Trong sản xuất, Thanh Hóa tiến bộ còn chậm, cần tiến lên nhanh hơn.
Cán bộ phải đi sát sản xuất, đi sát quần chúng và phải dân chủ với dân.
Cán bộ đi về hợp tác xã không phải chỉ vào nhà chủ nhiệm để có chỗ ở sạch sẽ và có cơm nước đàng hoàng mà phải đi vào nhân dân.
Không biết bây giờ nhân dân có chào chủ tịch, chào cán bộ bằng “cụ” nữa không? Như thế vẫn là còn thói “quan trên về làng”. Phải làm sao cho cán bộ mỗi khi về làng, nhân dân niềm nở vỗ vai, mời “anh” uống nước mới tốt. Nếu cán bộ về mà dân trải chiếu hoa, bắt gà làm cơm là không được. Bao giờ dân coi cán bộ là người của dân, đối với cán bộ không còn “lạy cụ ạ”thì dân mới dám nói, mới dám phê bình.
Để phát triển ưu điểm, điều quan trọng nhất là để cho dân nói. Dân biết nhiều việc mà các cấp lãnh đạo không biết. Việc gì cũng bàn với dân; dân sẽ có ý kiến hay. Phải làm tốt công tác báo công, bình công ngoài nhân dân. Rõ ràng nơi nào đã làm tốt công tác này thì nhân dân làm ăn vui vẻ, phong trào tiến bộ.
Từ trước tới nay, cán bộ vì quan liêu mà sinh ra mệnh lệnh. Ta đã cầm quyền trên 23 năm, mà bây giờ Thanh Hóa mới bắt đầu sửa chữa bệnh quan liêu, mệnh lệnh là chậm. Sắp tới phải tích cực hơn trong việc này để phát huy mạnh mẽ quyền làm chủ tập thể của nhân dân.
Đảng viên, đoàn viên phải gương mẫu, phải thường xuyên tự phê bình và phê bình để tiến bộ.
Thanh Hóa có 8 vạn đảng viên, 15 vạn đoàn viên mà cách mạng trong tỉnh không được trôi chảy vì lãnh đạo chưa sát, cán bộ còn thiếu dân chủ và cán bộ, đảng viên chưa thật gương mẫu. Các chú cần tự phê bình và phê bình thường xuyên để tiến bộ. Người vào Đảng, vào Đoàn không phải để làm quan, làm giàu, mà là để phục vụ nhân dân, làm đày tớ trung thành của nhân dân. Cần tự phê bình và phê bình để phát huy ưu điểm, khắc phục khuyết điểm nhằm phục vụ tốt nhân dân hơn nữa. Nhân dân rất thương yêu và quý trọng cán bộ, đảng viên. Nhưng nếu cán bộ, đảng viên quan liêu, mệnh lệnh, tham ô thiếu gương mẫu thì dân không tin, do đó làm nguy hại đến công tác của Đảng.
Thanh Hóa không biết còn có nhiều rượu lậu và cán bộ, đảng viên còn có ai nấu rượu lậu nữa không? Đảng ta không phải là đảng nấu rượu lậu. Ai là đảng viên mà còn nấu rượu lậu thì phải kiên quyết đưa ra khỏi Đảng. Chủ tịch ủy ban hành chính xã, chủ nhiệm hợp tác xã, và các cán bộ khác mà nấu rượu lậu làcó tội với dân, có tội với Đảng. Nếu các chú không trị thì quần chúng nhân dân sẽ trị.
Hiện nay, Thanh Hóa có còn tệ đánh vợ nữa không? Nếu còn, cần phải kiên quyết sửa chữa.
Việc “liên hoan, chè chén” tuy có giảm bớt so với trước nhưng vẫn còn phổ biến. Dân phải đóng tiền để cho cán bộ ăn mà mình không được ăn; như vậy tức là không giúp cho cán bộ “vạn thọ vô cương”. Có nơi Bác tới thăm, cán bộ làm thịt cả một con bò và bảo rằng để “chiêu đãi Hồ Chủ tịch”; thế là họ “ăn” cả Hồ Chủ tịch. Phải tích cực sửa chữa.
Tóm lại, cán bộ, đảng viên, đoàn viên phải gương mẫu.
Mặt khác, thế hệ thanh niên hiện nay, gái cũng như trai rất tốt và gan dạ; cần tích cực giáo dục họ và kết nạp những người có đủ tiêu chuẩn vào Đảngđể phục vụ Đảng, phục vụ nhân dân.
Còn đối với những người có tư tưởng vào Đảng, vào Đoàn để làm quan, làm giàu, thì phải đóng cửa lại, không cho họ vào.
*
* *
Trước đây, khi Bác vào thăm Thanh Hóa, Bác đã nói rõ: Thanh Hóa dân đông, đất rộng, rừng vàng, biển bạc, đủ điều kiện để trở thành một tỉnh giàu đẹp và kiểu mẫu. Để tiến lên, các cấp và cán bộ Thanh Hóa phải thực hiện dân chủ rộng rãi với nhân dân; đảng viên, đoàn viên phải gương mẫu với nhân dân.
Bác gửi lời khen các hợp tác xã làm ăn giỏi như Trung Hòa, Khoan Hồng, Đông Phương Hồng, Thống Nhất, Thắng Lợi... Bác gửi lời hỏi thăm đồng bào, đảng viên và cán bộ trong tỉnh.
Bác mong các hợp tác xã đã giỏi làm ăn càng giỏi hơn, mong đồng bào và Đảng bộ Thanh Hóa chiến đấu tốt, sản xuất tốt để lần sau Tỉnh ủy ra báo cáo với Trung ương có nhiều thành tích hơn và có đông đại biểu gái cùng đi.
Tài liệu lưu tại Cục Lưu trữ Văn phòng Trung ương Đảng. 214
Thu Hiền (tổng hợp)
201, 202, 203, 204, 205, 206, 207, 208, 209, 210, 211, 212. Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử, sđd, tập 10, tr.186; tr.188, tr.191, tr.192, tr.197, tr.198, tr.202, tr.203, tr.211, tr.214, tr.215, tr.215.
213, 214. Hồ Chí Minh, Toàn tập, sđd, tập 15, tr.510, tr.525-528.