Chỉ mục bài viết

 

52.  Mức trợ cấp tuất hằng tháng - Căn cứ Điều 68, Luật Bảo hiểm xã hội 2014.

Về cơ bản, không thay đổi nội dung mà chỉ thay cụm từ “mức lương tối thiểu chung” thành cụm từ “mức lương cơ sở”

Ngoài ra, thời điểm hưởng trợ cấp tuất hằng tháng được thực hiện kể từ tháng liền kề sau tháng mà đối tượng quy định nêu trên chết.

 Trường hợp khi bố chết mà người mẹ đang mang thai thì thời điểm hưởng trợ cấp tuất hằng tháng của con tính từ tháng con được sinh.

Trước đây, không có quy định này tại Luật bảo hiểm xã hội 2006.

53. Bổ sung trường hợp hưởng trợ cấp tuất một lần - Căn cứ Điều 69, Luật Bảo hiểm xã hội 2014.

Bổ sung thêm 02 trường hợp được hưởng trợ cấp tuất 01 lần:

- Thân nhân thuộc diện hưởng trợ cấp tuất hằng tháng theo quy định trên mà có nguyện vọng hưởng trợ cấp tuất 01 lần, trừ trường hợp con dưới 06 tuổi, con hoặc vợ hoặc chồng mà bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên.

- Trường hợp NLĐ chết mà không có thân nhân là con đẻ, con nuôi, vợ hoặc chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, cha vợ hoặc cha chồng, mẹ vợ hoặc mẹ chồng hoặc thành viên khác trong gia đình mà họ đang có nghĩa vụ nuôi dưỡng theo quy định pháp luật về hôn nhân và gia đình thì trợ cấp tuất 01 lần được thực hiện theo quy định pháp luật về thừa kế.

54. Mức trợ cấp tuất một lần - Căn cứ Điều 70, Luật Bảo hiểm xã hội 2014.

Cách tính mức trợ cấp tuất 01 lần có phần khác so với Luật bảo hiểm xã hội 2006.

Mức trợ cấp tuất 01 lần đối với thân nhân của NLĐ đang tham gia BHXH hoặc NLĐ đang bảo lưu thời gian đóng BHXH (thay cụm từ “đang làm việc “bằng cụm từ “đang tham gia BHXH”) = (1,5 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH x số năm đã đóng BHXH trước năm 2014) + (02 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH x số năm đóng BHXH từ năm 2014 trở đi). Đây là quy định được bổ sung nhằm cụ thể hóa cách tính trợ cấp, tránh gây nhầm lẫn.

55.  Chế độ hưu trí và chế độ tử tuất đối với người vừa có thời gian đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc vừa có thời gian đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện - Căn cứ Điều 71, Luật Bảo hiểm xã hội 2014

Quy định có phần khác về cách xác định chế độ được hưởng so với trước đây.

Chế độ hưu trí và tử tuất đối với NLĐ vừa có thời gian đóng BHXH bắt buộc vừa có thời gian đóng BHXH tự nguyện được thực hiện như sau:

- Có từ đủ 20 năm đóng BHXH bắt buộc trở lên thì điều kiện, mức hưởng lương hưu thực hiện theo chính sách BHXH bắt buộc; mức lương hưu hằng tháng thấp nhất bằng mức lương cơ sở, trừ người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn.

- Có từ đủ 15 năm đóng BHXH bắt buộc trở lên thì trợ cấp tuất hằng tháng được thực hiện theo chính sách BHXH bắt buộc.

- Có từ đủ 12 tháng đóng BHXH bắt buộc trở lên thì trợ cấp mai táng được thực hiện theo chính sách BHXH bắt buộc.

56. Đối tượng áp dụng chế độ hưu trí - - Căn cứ Điều 72, Luật Bảo hiểm xã hội 2014.

Người tham gia BHXH tự nguyện là công dân Việt Nam từ đủ 15 tuổi trở lên và không thuộc đối tượng phải tham gia BHXH bắt buộc.

Trước đây không quy định cụ thể về độ tuổi mà chỉ quy định chung chung là trong độ tuổi lao động.

57.  Mức lương hưu hằng tháng -  Căn cứ Điều 74, 79, Luật bảo hiểm xã hội 2014.

- Từ thời điểm 01/01/2016 đến trước ngày 01/01/2018, mức lương hưu hàng tháng được tính như Luật bảo hiểm xã hội 2006.

- Tuy nhiên, từ ngày 01/01/2018, mức lương hưu hằng tháng của NLĐ đủ điều kiện quy định tại Điều 73 của Luật này được tính bằng 45% mức bình quân thu nhập tháng đóng BHXH và tương ứng với số năm đóng BHXH.

58. Trợ cấp một lần khi nghỉ hưu -  Căn cứ Điều 75, Luật bảo hiểm xã hội 2014.

- NLĐ có thời gian đóng BHXH cao hơn số năm tương ứng với tỷ lệ hưởng lương hưu 75%, khi nghỉ hưu, ngoài lương hưu còn được hưởng trợ cấp 01 lần.

Do cách tính hưởng lương hưu có phần khác so với trước đây, nên ở quy định mới không ghi cụ thể là vượt quá bao nhiêu năm như trước.

59. Thời điểm hưởng lương hưu - Căn cứ Điều 76, Luật Bảo hiểm xã hội 2014.

Thời điểm hưởng lương hưu của các đối tượng tham gia BHXH tự nguyện được tính từ tháng liền kề sau tháng người tham gia bảo hiểm xã hội đủ điều kiện hưởng lương hưu theo quy định.

Trước đây chưa có quy định cụ thể về nội dung này.

60. Bảo hiểm xã hội một lần Căn cứ Điều 77, Luật Bảo hiểm xã hội 2014.

Thêm trường hợp mới, đồng thời bãi bỏ trường hợp không tiếp tục đóng BHXH và có yêu cầu nhận BHXH 01 lần mà chưa đủ 20 năm đóng BHXH:

  + Người đang bị mắc một trong những bệnh nguy hiểm đến tính mạng như ung thư, bại liệt, xơ gan cổ chướng, phong, lao nặng, nhiễm HIV đã chuyển sang giai đoạn AIDS và những bệnh khác theo quy định của Bộ Y tế.

- Mức hưởng BHXH 01 lần được tính theo số năm đã đóng BHXH, cứ mỗi năm được tính như sau: 1,5 tháng mức bình quân thu nhập tháng đóng BHXH cho những năm đóng trước năm 2014; 02 tháng mức bình quân thu nhập tháng đóng BHXH cho những năm đóng từ năm 2014 trở đi; Trường hợp thời gian đóng BHXH chưa đủ 01 năm thì mức hưởng BHXH bằng số tiền đã đóng, mức tối đa bằng 02 tháng mức bình quân thu nhập tháng đóng BHXH.

Cách xác định mức hưởng có phần khác so với Luật bảo hiểm xã hội 2006, đồng thời bổ sung thêm một số quy định mới:

- Mức hưởng BHXH 01 lần của đối tượng được Nhà nước hỗ trợ thực hiện theo quy định trên không bao gồm số tiền Nhà nước hỗ trợ đóng BHXH tự nguyện, trừ trường hợp người đang bị mắc một trong những bệnh nguy hiểm đến tính mạng như ung thư, bại liệt, xơ gan cổ chướng, phong, lao nặng, nhiễm HIV đã chuyển sang giai đoạn AIDS và những bệnh khác theo quy định của Bộ Y tế.

- Thời điểm tính hưởng BHXH 01 lần là thời điểm ghi trong quyết định của cơ quan BHXH.

- Việc thực hiện chế độ BHXH đối với NLĐ tham gia BHXH tự nguyện đang hưởng lương hưu ra nước ngoài để định cư được thực hiện như đối với chế độ BHXH bắt buộc.

61.  Bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm xã hội, tạm dừng, hưởng tiếp lương hưu - Căn cứ Điều 78, Luật Bảo hiểm xã hội 2014.

Quy định này không khác so với Luật bảo hiểm xã hội 2006, tuy nhiên bổ sung thêm nội dung: Việc tạm dừng, hưởng tiếp lương hưu đối với người tham gia BHXH tự nguyện được thực hiện theo quy định như đối với chế độ BHXH bắt buộc.

62. Trợ cấp tuất - Căn cứ Điều 81, Luật Bảo hiểm xã hội 2014.

Quy định mới về cách tính trợ cấp tuất đối với thân nhân của NLĐ đang đóng BHXH hoặc đang bảo lưu thời gian đóng BHXH:

- Mức trợ cấp tuất 01 lần đối với thân nhân của NLĐ đang đóng BHXH hoặc đang bảo lưu thời gian đóng BHXH = (1,5 tháng mức bình quân thu nhập tháng đóng BHXH x số năm đã đóng BHXH trước năm 2014) + (02 tháng mức bình quân thu nhập tháng đóng BHXH x số năm đóng BHXH từ năm 2014 trở đi)

Trường hợp NLĐ có thời gian đóng BHXH chưa đủ 01 năm thì mức trợ cấp tuất một lần bằng số tiền đã đóng nhưng mức tối đa bằng 02 tháng mức bình quân thu nhập tháng đóng BHXH.

 Trường hợp NLĐ có cả thời gian đóng BHXH bắt buộc và tự nguyện thì mức hưởng trợ cấp tuất một lần tối thiểu bằng 03 tháng mức bình quân tiền lương và thu nhập tháng đóng BHXH.

63. Sử dụng Quỹ bảo hiểm xã hội - Căn cứ Điều 84, Luật Bảo hiểm xã hội 2014.

- Trả các chế độ BHXH cho NLĐ theo quy định trên.

- Đóng BHYT cho người đang hưởng lương hưu hoặc nghỉ việc hưởng trợ cấp TNLĐ, bệnh nghề nghiệp hằng tháng hoặc nghỉ việc hưởng trợ cấp thai sản khi sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi hoặc nghỉ việc hưởng trợ cấp ốm đau đối với NLĐ bị mắc bệnh thuộc Danh mục bệnh cần chữa trị dài ngày do Bộ Y tế ban hành.

Nội dung được bổ sung nhằm bảo đảm quyền lợi cho lao động nữ sinh con, người nhận nuôi con nuôi và NLĐ hưởng trợ cấp ốm đau mắc bệnh theo danh mục bệnh cần chữa trị dài ngày của Bộ Y tế.

- Chi phí quản lý BHXH theo quy định.

- Trả phí khám giám định mức suy giảm khả năng lao động đối với trường hợp không do NSDLĐ  giới thiệu đi khám giám định mức suy giảm khả năng lao động mà kết quả giám định đủ điều kiện hưởng chế độ BHXH.

Đây là điểm mới được bổ sung tại Luật Bảo hiểm xã hội 2014.

- Đầu tư để bảo toàn và tăng trưởng quỹ theo quy định.

64. Mức đóng và phương thức đóng của người lao động tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc - Căn cứ Điều 85, Luật Bảo hiểm xã hội 2014.

Cụ thể hóa mức đóng và phương thức đóng với NLĐ là người đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng quy định tại Luật người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng:

+ Mức đóng hằng tháng vào quỹ hưu trí và tử tuất bằng 22% mức tiền lương tháng đóng BHXH của NLĐ  trước khi đi làm việc ở nước ngoài, đối với NLĐ đã có quá trình tham gia BHXH bắt buộc; bằng 22% của 02 lần mức lương cơ sở đối với NLĐ chưa tham gia BHXH bắt buộc hoặc đã tham gia BHXH bắt buộc nhưng đã hưởng BHXH một lần.

+ Phương thức đóng được thực hiện 03 tháng, 06 tháng, 12 tháng một lần hoặc đóng trước một lần theo thời hạn ghi trong hợp đồng đưa NLĐ đi làm việc ở nước ngoài. NLĐ đóng trực tiếp cho cơ quan BHXH nơi cư trú của NLĐ trước khi đi làm việc ở nước ngoài hoặc đóng qua doanh nghiệp, tổ chức sự nghiệp đưa NLĐ đi làm việc ở nước ngoài.

Trường hợp đóng qua doanh nghiệp, tổ chức sự nghiệp đưa NLĐ đi làm việc ở nước ngoài thì doanh nghiệp, tổ chức sự nghiệp thu, nộp BHXH cho NLĐ và đăng ký phương thức đóng cho cơ quan BHXH.

Trường hợp NLĐ được gia hạn hợp đồng hoặc ký HĐLĐ mới ngay tại nước tiếp nhận lao động thì thực hiện đóng BHXH theo phương thức quy định hoặc truy nộp cho cơ quan BHXH sau khi về nước.

- NLĐ hưởng tiền lương theo sản phẩm, theo khoán tại các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh cá thể, tổ hợp tác hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp, diêm nghiệp thì mức đóng BHXH hằng tháng bằng 8% mức tiền lương tháng vào quỹ hưu trí và tử tuất; phương thức đóng được thực hiện hằng tháng, 03 tháng hoặc 06 tháng một lần.

Trước đây, Luật Bảo hiểm xã hội 2006 sử dụng cụm từ “theo chu kỳ sản xuất, kinh doanh”

- NLĐ không làm việc và không hưởng tiền lương từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng thì không đóng BHXH tháng đó. Thời gian này không được tính để hưởng BHXH, trừ trường hợp nghỉ việc hưởng chế độ thai sản.

65. Mức đóng và phương thức đóng của người sử dụng lao động - Căn cứ Điều 86, Luật Bảo hiểm xã hội 2014

Ngoài những nội dụng theo Luật BHXH năm 2006 thì có quy định thêm một số nội dung mới:

- NSDLĐ hằng tháng đóng 14% mức lương cơ sở vào quỹ hưu trí và tử tuất cho NLĐ là người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn

- NSDLĐ không phải đóng BHXH cho NLĐ không làm việc và không hưởng tiền lương từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng.

66. Mức đóng và phương thức đóng của người lao động tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện - Căn cứ Điều 87, Luật Bảo hiểm xã hội 2014.

- NLĐ thuộc nhóm tham gia BHXH tự nguyện hằng tháng đóng bằng 22% mức thu nhập tháng do NLĐ lựa chọn để đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất.

Mức thu nhập tháng làm căn cứ đóng BHXH thấp nhất bằng mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn và cao nhất bằng 20 lần mức lương cơ sở.

Căn cứ vào điều kiện phát triển kinh tế - xã hội, khả năng NSNN trong từng thời kỳ để quy định mức hỗ trợ, đối tượng hỗ trợ và thời điểm thực hiện chính sách hỗ trợ tiền đóng BHXH cho NLĐ tham gia BHXH tự nguyện.

Đây là nội dung được bổ sung cho phù hợp với hoàn cảnh thực tế. Đồng thời, bổ sung thêm phương thức đóng.

67. Tạm dừng đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc - Căn cứ Điều 88, Luật Bảo hiểm xã hội 2014.

Ngoài quy định về tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất như Luật bảo hiểm xã hội 2006, còn thêm các quy định sau:

- Hết thời hạn tạm dừng đóng quỹ hưu trí và tử tuất , NSDLĐ và NLĐ tiếp tục đóng BHXH và đóng bù cho thời gian tạm dừng đóng, số tiền đóng bù không phải tính lãi chậm đóng theo quy định tại khoản 3 Điều 122 của Luật này.

- NLĐ đang tham gia BHXH bắt buộc mà bị tạm giam thì NLĐ và NSDLĐ được tạm dừng đóng BHXH. Trường hợp được cơ quan có thẩm quyền xác định NLĐ bị oan, sai thì thực hiện việc đóng bù BHXH cho thời gian bị tạm giam. Số tiền đóng bù không phải tính lãi chậm đóng theo quy định tại khoản 3 Điều 122 của Luật này.

68. Tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc - Căn cứ Điều 89, Luật Bảo hiểm xã hội 2014

Nội dung này được bổ sung thêm vào Luật bảo hiểm xã hội 2014.

- Đối với NLĐ đóng BHXH theo chế độ tiền lương do NSDLĐ quyết định thì tiền lương tháng đóng BHXH là mức lương và phụ cấp lương theo quy định của pháp luật về lao động.

Từ ngày 01/01/2018 trở đi, tiền lương tháng đóng BHXH là mức lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác theo quy định của pháp luật về lao động.

Khoản này được bổ sung thêm vào từ thời điểm 01/01/2018 trở đi.

- Trường hợp tiền lương tháng quy định trên cao hơn 20 lần mức lương cơ sở thì tiền lương tháng đóng BHXH bằng 20 lần mức lương cơ sở.

Thay cụm từ “mức lương tối thiểu chung” thành cụm từ “mức lương cơ sở”.

69. Chi phí quản lý bảo hiểm xã hội - Căn cứ Điều 90, Luật Bảo hiểm xã hội 2014.

Không còn quy định “Chi phí quản lý BHXH bắt buộc bằng mức chi phí quản lý của cơ quan hành chính nhà nước”.

70. Các hình thức đầu tư - Căn cứ Điều 92, Luật Bảo hiểm xã hội 2014.

Quy định có phần khác so với Luật Bảo hiểm xã hội 2006:

- Mua trái phiếu Chính phủ.

- Gửi tiền, mua trái phiếu, kỳ phiếu, chứng chỉ tiền gửi tại các ngân hàng thương mại có chất lượng hoạt động tốt theo xếp loại tín nhiệm của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

- Cho ngân sách nhà nước vay.

71. Cơ quan bảo hiểm xã hội - Căn cứ Điều 93, Luật Bảo hiểm xã hội 2014.

Trước đây quy định tổ chức BHXH là tổ chức sự nghiệp mà không phải là cơ quan nhà nước, hơn nữa, cơ quan BHXH được trao quyền và nhiệm vụ nhiều hơn so với trước.

72. Hội đồng quản lý bảo hiểm xã hội - Căn cứ Điều 94, Luật Bảo hiểm xã hội 2014

Bổ sung thêm nội dung về các thành viên Hội đồng quản lý BHXH.

73. Nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng quản lý bảo hiểm xã hội - Căn cứ Điều 95, Luật Bảo hiểm xã hội 2014.

Cụ thể hóa các quyền và nghĩa vụ và bổ sung thêm một số nội dung

- Thông qua chiến lược phát triển ngành BHXH, kế hoạch dài hạn, 05 năm, hằng năm về thực hiện các chế độ BHXH, BHYT, BHTN, đề án bảo toàn và tăng trưởng các quỹ BHXH, BHYT, BHTN.

Giám sát, kiểm tra việc thực hiện của cơ quan BHXH về chiến lược, kế hoạch, đề án sau khi được phê duyệt.

- Kiến nghị với cơ quan nhà nước có thẩm quyền xây dựng, sửa đổi, bổ sung chính sách, pháp luật về BHXH, BHYT, BHTN, chiến lược phát triển BHXH, kiện toàn hệ thống tổ chức cơ quan BHXH, cơ chế quản lý và sử dụng quỹ BHXH, BHYT, BHTN.

- Quyết định và chịu trách nhiệm trước Chính phủ về các hình thức đầu tư và cơ cấu đầu tư của các quỹ BHXH, BHYT, BHTN trên cơ sở đề nghị của cơ quan BHXH.

- Thông qua các báo cáo hằng năm về việc thực hiện các chế độ BHXH, BHYT, BHTN, tình hình quản lý và sử dụng các quỹ BHXH, BHYT, BHTN trước khi BHXH Việt Nam trình cơ quan có thẩm quyền.

- Thông qua dự toán hằng năm về thu, chi các quỹ BHXH, BHYT, BHTN; mức chi phí quản lý BHXH, BHYT, BHTN trước khi BHXH Việt Nam trình cơ quan có thẩm quyền.

- Hằng năm, báo cáo Thủ tướng Chính phủ về tình hình thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định và kết quả hoạt động.

- Thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn khác do Thủ tướng Chính phủ giao.

74. Sổ bảo hiểm xã hội - Căn cứ Điều 96, Luật Bảo hiểm xã hội 2014

Đến năm 2020, sổ BHXH sẽ được thay thế bằng thẻ BHXH.

75. Hồ sơ đăng ký tham gia và cấp sổ bảo hiểm xã hội - Căn cứ Điều 97, Luật Bảo hiểm xã hội 2014.

Quy định thêm hồ sơ cần thiết khi có nhu cầu cấp lại sổ BHXH. Đồng thời, các trình tự, thủ tục đăng ký tham gia và cấp sổ BHXH đối với hạ sĩ quan, chiến sĩ QĐND… sẽ do Chính phủ quyết định.

- Hồ sơ cấp lại sổ BHXH trong trường hợp hỏng hoặc mất bao gồm:

+ Đơn đề nghị cấp lại sổ BHXH của NLĐ.

+ Sổ BHXH trong trường hợp bị hỏng.

- Đối với Hạ sĩ quan, chiến sĩ QĐND; hạ sĩ quan, chiến sĩ CAND phục vụ có thời hạn; học viên quân đội, công an, cơ yếu đang theo học được hưởng sinh hoạt phí để tham gia và được cấp sổ BHXH sẽ thực hiện theo trình tự, thủ tục do Chính phủ quy định.

76. Điều chỉnh thông tin tham gia bảo hiểm xã hội - Căn cứ Điều 98, Luật Bảo hiểm xã hội 2014

Đây là quy định mới mà Luật bảo hiểm xã hội 2006 không có.

- NSDLĐ phải thông báo bằng văn bản với cơ quan BHXH khi có thay đổi thông tin tham gia BHXH.

77. Giải quyết đăng ký tham gia và cấp sổ bảo hiểm xã hội - Căn cứ Điều 99, Luật Bảo hiểm xã hội 2014.

Rút ngắn thời gian xem xét để cấp sổ BHXH, đồng thời quy định thời hạn đối với việc cấp lại sổ BHXH, điều chỉnh thông tin tham gia BHXH:

- Cơ quan BHXH phải cấp sổ BHXH trong thời hạn:

    + 20 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định đối với người tham gia BHXH bắt buộc lần đầu. (Trước đây là 30 ngày)

    + 07 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định đối với người tham gia BHXH tự nguyện lần đầu. (Trước đây là 20 ngày)

78. Hồ sơ hưởng chế độ ốm đau - Căn cứ Điều 100, Luật Bảo hiểm xã hội 2014)

Đơn giản hóa thủ tục để được hưởng chế độ ốm đau so với trước, cho phép sử dụng bản sao giấy ra viện trong hồ sơ hưởng chế độ ốm đau và quy định cả trường hợp điều trị ngoại trú, khám chữa bệnh tại nước ngoài.

79. Hồ sơ hưởng chế độ thai sản - Căn cứ Điều 101, Luật Bảo hiểm xã hội 2014

Bổ sung thêm một số giấy tờ trong hồ sơ hưởng chế độ thai sản so với trước.

- Hồ sơ hưởng chế độ thai sản đối với lao động nữ sinh con bao gồm:

+ Bản sao giấy khai sinh hoặc bản sao giấy chứng sinh của con.

+ Bản sao giấy chứng tử của con trong trường hợp con chết, bản sao giấy chứng tử của mẹ trong trường hợp sau khi sinh con mà mẹ chết.

+ Giấy xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền về tình trạng người mẹ sau khi sinh con mà không còn đủ sức khỏe để chăm sóc con.

+ Trích sao hồ sơ bệnh án hoặc giấy ra viện của người mẹ trong trường hợp con chết sau khi sinh mà chưa được cấp giấy chứng sinh.

+ Giấy xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền về việc lao động nữ phải nghỉ việc để dưỡng thai theo chỉ định của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền khi đã đóng BHXH từ đủ 03 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con.

- Trường hợp lao động nữ đi khám thai, sẩy thai, nạo, hút thai, thai chết lưu hoặc phá thai bệnh lý, người lao động thực hiện biện pháp tránh thai theo quy định phải có giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH đối với trường hợp điều trị ngoại trú, bản chính hoặc bản sao giấy ra viện đối với trường hợp điều trị nội trú.

- Trường hợp NLĐ nhận nuôi con nuôi dưới 06 tháng tuổi phải có giấy chứng nhận nuôi con nuôi. Trước đây quy định con nuôi dưới 04 tháng tuổi.

- Trường hợp lao động nam nghỉ việc khi vợ sinh con phải có bản sao giấy chứng sinh hoặc bản sao giấy khai sinh của con và giấy xác nhận của cơ sở y tế đối với trường hợp sinh con phải phẫu thuật, sinh con dưới 32 tuần tuổi.

Điểm mới này là hệ quả của quy định cho phép lao động nam có vợ sinh con được hưởng chế độ thai sản.

80. Giải quyết hưởng chế độ ốm đau, thai sản - Căn cứ Điều 102, Luật Bảo hiểm xã hội 2014

Bổ sung thêm một số quy định:

- Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ từ NLĐ, NSDLĐ phải lập hồ sơ quy định trên nộp cho cơ quan BHXH. Trước đây, quy định trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ từ NLĐ, NSDLĐ phải giải quyết chế độ ốm đau, thai sản cho NLĐ.

- Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định từ NSDLĐ, cơ quan BHXH phải giải quyết và tổ chức chi trả cho NLĐ. Quy định này được rút ngắn hơn so với trước đây, Luật bảo hiểm xã hội 2006 quy định thời hạn này là 15 ngày.

81. Giải quyết hưởng trợ cấp dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau ốm đau, thai sản - Căn cứ Điều 103, Luật Bảo hiểm xã hội 2014.

- Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày NLĐ đủ điều kiện hưởng trợ cấp dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau ốm đau, thai sản, NSDLĐ lập danh sách và nộp cho cơ quan BHXH. Luật Bảo hiểm xã hội 2006 quy định trong thời hạn 03 ngày.

- Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định, cơ quan BHXH có trách nhiệm giải quyết và tổ chức chi trả cho NLĐ; trường hợp không giải quyết thì phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do. Trước đây thời hạn này kéo dài đến 15 ngày.

82. Hồ sơ hưởng lương hưu - Căn cứ Điều 108, Luật Bảo hiểm xã hội 2014.

- Hồ sơ hưởng lương hưu đối với NLĐ đang tham gia BHXH bắt buộc bao gồm: Sổ BHXH; Quyết định nghỉ việc hưởng chế độ hưu trí hoặc văn bản chấm dứt HĐLĐ hưởng chế độ hưu trí. Trước đây là quyết định nghỉ việc của người đang đóng BHXH; đơn đề nghị hưởng lương hưu đối với người bảo lưu thời gian đóng BHXH.

Bổ sung thêm các giấy tờ vào hồ sơ hưởng lương hưu trong một số trường hợp.

83. Hồ sơ hưởng bảo hiểm xã hội một lần - Căn cứ Điều 109, Luật Bảo hiểm xã hội 2014

Cụ thể hóa thủ tục hưởng BHXH 01 lần.

- Sổ BHXH.

- Đơn đề nghị hưởng BHXH 01 lần của NLĐ.

- Đối với người ra nước ngoài để định cư phải nộp thêm bản sao giấy xác nhận của cơ quan có thẩm quyền về việc thôi quốc tịch Việt Nam hoặc bản dịch tiếng Việt được chứng thực hoặc công chứng một trong các giấy tờ:

+ Hộ chiếu do nước ngoài cấp;

+ Thị thực của cơ quan nước ngoài có thẩm quyền cấp có xác nhận việc cho phép nhập cảnh với lý do định cư ở nước ngoài.

+ Giấy tờ xác nhận về việc đang làm thủ tục nhập quốc tịch nước ngoài; giấy tờ xác nhận hoặc thẻ thường trú, cư trú có thời hạn từ 05 năm trở lên của cơ quan nước ngoài có thẩm quyền cấp.

- Trích sao hồ sơ bệnh án trong trường hợp NLĐ tham gia BHXH bắt buộc, tự nguyện là người đang bị mắc một trong những bệnh nguy hiểm đến tính mạng như ung thư, bại liệt, xơ gan cổ chướng, phong, lao nặng, nhiễm HIV đã chuyển sang giai đoạn AIDS và những bệnh khác theo quy định của Bộ Y tế.

- Đối với NLĐ tham gia BHXH bắt buộc và tự nguyện ra nước ngoài để định cư thì hồ sơ hưởng trợ cấp 01 lần được thực hiện theo quy định trên.

84. Giải quyết hưởng lương hưu, bảo hiểm xã hội một lần - Căn cứ Điều 110, Luật Bảo hiểm xã hội 2014

Quy định rõ hơn thời hạn giải quyết hưởng lương hưu, BHXH 01 lần so với trước. Thời hạn giải quyết hưởng lương hưu được rút ngắn hơn so với trước, Luật bảo hiểm xã hội 2006 quy định thời hạn 30 ngày đối với người hưởng lương hưu và thời hạn 15 ngày đối với trường hợp hưởng BHXH 01 lần.

85. Hồ sơ hưởng chế độ tử tuất Căn cứ Điều 111, Luật Bảo hiểm xã hội 2014

Bổ sung hồ sơ hưởng chế độ tử tuất trong mỗi trường hợp.

86. Giải quyết hưởng chế độ tử tuất - Căn cứ Điều 112, Luật Bảo hiểm xã hội 2014

Quy định cụ thể về thời gian giải quyết hưởng chế độ tử tuất.

Rút ngắn lại còn 15 ngày để giải quyết chế độ tử tuất so với trước đây.

87. Hồ sơ và giải quyết hưởng tiếp lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng đối với người xuất cảnh trái phép trở về nước định cư hợp pháp và người bị Tòa án tuyên bố mất tích trở về

Đây là quy định mới tại Luật bảo hiểm xã hội 2014.

Căn cứ Điều 113, 114 Luật Bảo hiểm xã hội 2014.

88. Giải quyết hưởng chế độ bảo hiểm xã hội chậm so với thời hạn quy định

Đây là quy định mới mà trước đây chưa có nhằm nâng cao trách nhiệm giải quyết hưởng các chế độ BHXH cho NLĐ.

Căn cứ Điều 116, Luật Bảo hiểm xã hội 2014

89. Hồ sơ, trình tự khám giám định mức suy giảm khả năng lao động để giải quyết chế độ bảo hiểm xã hội -Căn cứ Điều 117, Luật Bảo hiểm xã hội 2014.

Quy định mới được bổ sung vào Luật bảo hiểm xã hội 2014.

- Hồ sơ, trình tự khám giám định mức suy giảm khả năng lao động để giải quyết chế độ BHXH do Bộ trưởng Bộ Y tế quy định.

- Việc khám giám định mức suy giảm khả năng lao động phải bảo đảm chính xác, công khai, minh bạch. Hội đồng giám định y khoa chịu trách nhiệm về tính chính xác của kết quả giám định của mình theo quy định pháp luật.

90. Trình tự giải quyết khiếu nại về bảo hiểm xã hội - Căn cứ Điều 119, Luật Bảo hiểm xã hội 2014.

- Việc giải quyết khiếu nại đối với quyết định, hành vi hành chính về BHXH được thực hiện theo quy định  pháp luật về khiếu nại.

Trước đây, sẽ phải thực hiện theo quy định pháp luật về khiếu nại, tố cáo.

91. Tố cáo, giải quyết tố cáo về bảo hiểm xã hội - Căn cứ Điều 120, Luật Bảo hiểm xã hội 2014

Việc tố cáo và giải quyết tố cáo hành vi vi phạm pháp luật về bảo hiểm xã hội được thực hiện theo quy định pháp luật về tố cáo.

Trước đây, sẽ phải thực hiện theo quy định pháp luật về khiếu nại, tố cáo.

92. Thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính, mức phạt và biện pháp khắc phục hậu quả trong lĩnh vực bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp - Căn cứ Điều 121, Luật Bảo hiểm xã hội 2014

Luật Bảo hiểm xã hội 2006 không có quy định này, quy định này được bổ sung nhằm nâng cao trách nhiệm của cơ quan BHXH trong việc quản lý thực hiện chế độ BHXH.

- Thẩm quyền của cơ quan BHXH bao gồm:

+ Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam có thẩm quyền theo quy định tại khoản 4 Điều 46 của Luật xử lý vi phạm hành chính.

+ Giám đốc BHXH cấp tỉnh có thẩm quyền theo quy định tại khoản 2 Điều 46 của Luật xử lý vi phạm hành chính.

+ Trưởng đoàn thanh tra chuyên ngành do Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam quyết định thành lập có thẩm quyền theo quy định tại khoản 3 Điều 46 của Luật xử lý vi phạm hành chính.

- Người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính quy định trên có thể giao cho cấp phó thực hiện xử lý vi phạm hành chính.

- Mức phạt tiền tối đa đối với lĩnh vực BHXH, BHYT, BHTN, các hình thức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả, thủ tục xử phạt vi phạm hành chính và các quy định khác có liên quan về xử phạt vi phạm hành chính thực hiện theo quy định của Luật xử lý vi phạm hành chính và quy định khác của pháp luật có liên quan.

93. Xử lý vi phạm pháp luật về bảo hiểm xã hội - Căn cứ Điều 122, Luật Bảo hiểm xã hội 2014.

Quy định cụ thể số lãi mà NSDLĐ phải nộp nếu chưa đóng hoặc chậm đóng trong các trường hợp mới, các nội dung còn lại vẫn được giữ nguyên./.

Kim Yến (Tổng hợp)

Bài viết khác: