10. Bài thơ “Hồ Chí Minh” của Tố Hữu ( 26/8/1945)
Hồ Chí Minh
Người lính già
Đã quyết chiến hy sinh
Cho Việt Nam độc lập
Cho thế giới hoà bình!
Người đã sống nǎm mươi nǎm vũ bão
Vì nhân loại
Người quyết dâng xương máu
Vì giang sơn
Người quyết dứt gia đình!
Hồ Chí Minh
Người đã quyết
Mặc phong ba giá tuyết
Mặc gươm súng xiềng gông
Làm tên quân cảm tử đi tiên phong
Đánh trǎm trận, thề trǎm phen quyết thắng!
Bao thất bại dẫu xát lòng cay đắng
Hồn vẫn tươi vui, thơm ngát tình đời
Bước trường chinh dầu mỏi gối khan hơi
Tim gang thép vẫn bừng bừng lửa chiến
Cờ đã phất, phải gương cao quyết tiến! Người xông lên
Và cả đoàn quân, thừa huyết khí thanh niên
Rập bước tiến bên người Cha anh dũng.
Tiếng Người thét
Mau lên gươm lắp súng!
Và cả đoàn quân
Đã bao nhiêu nǎm tháng trải phong trần
Mắt sáng quắc tay xanh loè mã tấu
Vụt ào lên quyết hy sinh chiến đấu
Diệt cường quyền!
Ôi sức mạnh vô biên!
Hồ Chí Minh
Hỡi ngọn đuốc thiêng liêng
Trên đầu ta, ngọn cờ dân tộc
Trǎm thế kỷ trong tên Người: A'i Quốc
Bạn muôn đời của thế giới đau thương!
Chúng tôi đây
Lớp con cháu trên đường
Gươm tuốt vỏ, súng cầm tay, xốc tới
Ngọn cờ đỏ sao vàng bay phấp phới
Nước non Hồng vang dội Tiến quân ca
Hồ Chí Minh
Người trẻ mãi không già!
11. Bài thơ “Hồ Chí Minh” của Prékimala Mak - Dân tộc Châu Ro
Kính dâng Bác với tất cả tấm lòng
biết ơn của người Thượng
Khi viết tới Hồ Chí Minh
Người Ê-Đê, người Xê-đǎng, người Châu-Ro, người Gia-rai, người Ba-na...
Không dùng bút, dùng giấy, dùng mực
Mà rủ nhau vô rừng đào cây xachk-lang
Về mài thay bút, thay mực
Đời trước, đời sau chuyền nhau viết mãi
Viết về Hồ Chí Minh.
Hồ Chí Minh, Người là con sông lớn
Người là mặt trời
Người là mặt trǎng.
Mùa lạnh nhắc tới Hồ Chí Minh
cái bụng ấm
Mùa nắng nhắc tới Hồ Chí Minh
mây thêu mặt trời hồng
Mùa thu nhắc tới Hồ Chí Minh
mây lắng, trời trong.
Mùa xuân nhắc tới Hồ Chí Minh
cây cỏ đơm nhựa trổ bông.
Nói tới Hồ Chí Minh
Người Chàm, người H'rê, người Mơ-nông...
Không có lời nói nổi với lòng mình
Chỉ biết gói trong cái bụng.
Khi hát ca ngợi Hồ Chí Minh
Người Thượng mình chưa có bài ca để hát.
Chưa có đàn để đệm
Phải mượn:
Gió thổi lá cây to, cây nhỏ
Chim đrao, chim kơ-tia, chim nhông.
Nhờ sông bé, sông to
Nhờ rẫy lúa, nhờ thác cao
Nhờ sóng vỗ mạn đò...
Đất nước mình
Nhiều cây cao, cây thấp
Nhiều cây to, cây nhỏ
Nhiều sông dài, biển rộng...
Chẳng có sông núi, cây nào lớn bằng Hồ Chí Minh.
Hồ Chí Minh
Ôi! Người đó thiệt tình lớn quá!
Người là đất nước dạt dào bất diệt,
Người là gang, là thép
Đôi mắt Người hào quang rất đẹp
Người,hải đǎng của con tàu mặt biển
Người,niềm tin hy vọng
và sự sang giàu của đồng bào
Thượng chúng tôi...
12. Bài thơ “Bác Hồ” của Mađơlen Riphô (nữ thi sĩ Pháp)/Tế Hanh dịch
Người vào, cửa vẫn lặng im,
Hỏi han thân mật giống in những hình
Giấu thầm khi chửa hòa bình
Đêm đêm soi ảnh thấy mình ở trong
Người cầm hai đóa hoa hồng
Tựa như những đóa ta trồng vườn hoa
Hỏi thǎm tin tức chúng ta
Hiểu dân tộc Pháp hơn là bạn, tôi
Tôi như chim trắng trước Người
Chim lành thợ mỏ chǎn nuôi mái hè
Bay cùng xứ của Tôrê (1)
Tôi yêu tôi khổ vì quê hương mình
Toàn dân đã chặn chiến tranh
Với ta, người tặng tấm hình. Và hoa.
------------
(1) Đồng chí Tôrê (Maurice Thorez), Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Pháp, xuất thân thợ mỏ quê ở vùng mỏ miền Bắc nước Pháp.
13. Bài thơ “Bộ đội Ông Cụ” của Nông Quốc Chấn(7-1948)
Đồ ǎn đã sắm đủ rồi -
Mǎng vầu, phiắc pàn(1) nõn chuối,
Lợn bò, gạo nếp, gạo nương...
Các bản người người đưa tới,
Làng như sắp đám cưới!
Lần này nhộn nhịp hơn mọi khi.
Tại sao? Ta sẽ đón người gì?
Ai cũng mong để được xem bộ đội.
Cơm trưa xong, nắng lui về ngọn núi
Anh giao thông đến đưa gói thư
Tin bay đi bản trên xóm dưới
Già già trẻ trẻ đợi hoan hô,
Lớp học tan, tiếng ríu rít của học trò,
Tiếng của đồng bào gọi nhau tập hợp.
Bộ đội đã đến kia!
A lúi! Những người là người (2)!
Đeo súng ngắn, súng dài, súng dóp...
Hoan hô! Hoan hô!
Nhìn không chớp mắt.
Có cả người mũi lõ tóc quǎn,
Hai con mắt màu gio như lính Pháp(3)
Lại có Cụ Già chân đi đất,
Mặc bộ quần áo Nùng,
Tay cầm cái gậy mây rừng,
Miệng ngậm một điếu can không khói,
Bộ râu dài vừa trắng vừa đen,
Chân tay nhanh nhẹn như thanh niên...
Cụ Già cười, vẫy chào người đứng đón
Dân chúng rỉ tai nhau:
Bộ đội gì toàn những người lạ lạ?
Có lẽ đây là người "Gốc trỏ" (4).
Khi ǎn cơm chiều,
Bộ đội đếm: một, hai... ngồi trật tự.
Cụ đi từng bàn xem bát đũa.
Cho thổi còi, rồi Cụ ǎn sau.
Mọi người rủ nhau
Đốt đuốc đến xem quân Ông Cụ.
Người già đến, Cụ mời ngồi niềm nở,
Trẻ con lại, Cụ bế xoa đầu.
Cụ nói, dân nghe rõ từng câu -
"Muốn cách mệnh thành công mau!
Ta phải đoàn kết như bó đũa...!"
Gà đã gáy lượt đầu,
Nhưng tiếng vỗ tay còn như nứa nổ.
Còn vang vang tiếng hát của thiếu nhi.
Hôm sau, Cụ rời bản lên đường,
Cho bộ đội xếp hàng,
Cụ cảm ơn, Cụ trả tiền - dù chủ nhà không nhận;
Cụ bắt tay từng người.
Cụ đi khỏi rồi,
Ai cũng thương nhớ,
Người hỏi người không ai biết rõ:
"Tên Cụ Già là chi?
Tóc bạc vẫn còn đi,
"Nhất định đây là người "Pỏ cốc(5)"!
"Dân ta sắp tới ngày Độc lập".
Bước sang rằm tháng bảy,
Nhận được một tin mừng:
"Giải phóng quân đã vào Hà Nội"
"Khắp nơi mở hội tưng bừng...!
Có nhiều ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh!
Nhìn đôi mắt, bộ râu, ta nhớ nhớ
Giống Cụ Già trước đến bản ta!
Đúng! Đích đúng!
Đây là Ông Cụ!
Sung sướng thay! Bản ta toàn nam nữ
Lần đầu tiên đã được đón Bác Hồ
Chúng ta xin gửi một bức thư
Rằng: "Cả bản Mường vẫn nhớ lời Người nói".
----------------------------
(1) Tên một loại rau trong rừng, thường ǎn độn với nõn chuối.
(2) "A lúi" là tiếng trầm trồ khi thấy cái gì lạ.
(3) Mấy người Mỹ (danh nghĩa đồng minh) cùng đánh Nhật.
(4) "Gốc trỏ" nghĩa là ông tổ.
14. Bài thơ “Cây Bác Hồ” Tế Hanh (6-1970)
Mười nǎm về trước chưa sinh con
Khắp cả vùng đây đất xói mòn
Đá sỏi đồi hoang cây chẳng mọc
Xuân về không hé chút mầm non
Vâng theo lời Bác, Tết trồng cây
Từ đấy cành xanh, nhánh biếc đầy
Dương liễu đằng xa, dǎng lưới lục
Bạch đàn loang loáng trắng quanh đây
Theo đội con trai cha trồng vải
Hàng vải sum suê gió thổi lùa
Mẹ theo đội con gái đi trồng nhãn
Khóm nhãn ra hoa đã mấy mùa
Các chị em con có bóng xanh
Có chim ríu rít rộn trên cành
Có hoa thơm ngát bay theo gió
Khiến bầy ong kiếm mật vây quanh
Tháng nǎm ǎn vải, tháng sáu ǎn nhãn
Nhặt lá vun cành, lượm củi khô
Trưa chơi bóng mát, đêm trǎng sáng
Tất cả là ơn của Bác Hồ
Bác mênh mông quá, phải không con?
Như cả đất trời, cả núi non
Như lá hoa bốn mùa tươi tốt
Như rễ sâu tận đáy tâm hồn
Yêu Bác các con chǎm đi học
Giữ gìn nụ biếc lá non xanh
Lớn lên góp sức cùng anh chị
Bảo vệ quê hương đất nước mình
Và mỗi lần các con nhớ Bác
Các con im lặng ngẩng đầu lên:
Một vùng ánh sáng soi trên ngọn
Lộng gió từng cao - Bác ở trên...
15. Bài thơ “Đêm Tháng Nǎm” của Vǎn Thảo Nguyên (Đêm 19/5/1950)
Cơm gạo mốc, mà tưởng cơm nếp mới
Rau "tàu bay" không muối cũng thành canh
Trà không có, vội đun nồi nước suối
Lá "cơm xôi" ta thay lá chè xanh.
Vui mở tiệc giữa đồi cao núi đỏ
Mừng Bác Hồ tuổi thọ sáu mươi
Đêm tháng Nǎm, trời rung rinh ngọn gió
Như lòng con rung tiếng hát yêu đời.
Con cứ ngỡ như được ngồi bên Bác
Giữa thủ đô yêu quý của nước non
Con cứ ngỡ như đang cầm tay Bác
Nhảy kết đoàn trong buổi tối liên hoan.
Giờ xuất kích giữa tiếng gà rừng gáy
Lưỡi lê soi lấp lánh vạn vì sao
Quà dâng Bác là đồn Tây bốc cháy
Đêm tháng Nǎm, ôi! Vĩ đại biết bao!
16. Bài thơ “Giếng nước Bác Hồ” của Phan Thị Thanh Nhàn/Quảng An, (9-1969)
Làng con nghèo, ở ngoại ô
Một chiều vui được Bác Hồ tới thǎm
Bác xem chỗ ở chỗ ǎn
Đến bên giếng đất, ân cần Bác khuyên:
Làng ta rồi phải sạch hơn
Giữ cho đôi mắt như gương trong ngần
Bác về, gửi gạch tặng dân
Giếng đầu tiên ấy ở sân đình làng
Tròn xoe dưới một tán bàng
Ôi gàu nước mát đầy tràn thương yêu
Lòng Cha chia khắp xóm nghèo
Thẳm sâu mạch nước trong veo giếng này...
Cả làng đau mắt xưa nay
Bác về, như có bàn tay diệu kỳ
Tình thương lòng Bác chở che
Giếng sâu trong vắt bốn bề khơi lên
Bác cho con gái mắt huyền
Cụ già mắt sáng trẻ em mắt tròn
Tin đâu sét đánh làng con
Bác không còn? Bác không còn! Bác ơi!
Cả làng không hẹn không mời
Bước chân tụ lại một nơi - giếng đình
Cúi đầu, tay nắm vòng quanh
Đỏ hoe bờ giếng ân tình, Bác ơi!
Giếng đầy còn có khi vơi
Lòng dân nhớ Bác chẳng nguôi bao giờ.
17. Bài thơ “Hồ Chí Minh - tên Người là cả một niềm thơ” FÊLIX PITA RÔĐ'RIGHET – Cuba/Hoàng Hiệp dịch
Bởi vì người, Hồ Chí Minh
Nhà thơ Hồ Chí Minh,
Người nông dân Việt Nam trong sáng: Hồ Chí Minh,
bảy mươi tám nǎm gần trọn cả đời mình tranh đấu,
Và người đã hy sinh từ bỏ mọi tên,
để chỉ còn là một giọng nói, một hơi thở, một cái nhìn
để chỉ còn là... có gì đâu khác...
là đất nước, là máu xương Tổ quốc;
Bởi vì Người đau nỗi đau của những vết thương
trên mình mỗi em bé Việt nam bị quỷ "Yanki" giết chết,
Khi giặc lái của Lầu Nǎm goởc phá đổ mỗi ngôi nhà,
Thì lòng Người bỗng nhiên như sụp mái.
Bởi vì trong mỗi xóm nhỏ tan hoang vì bom napan Mỹ,
Một mảnh tim Người tự cháy xót xa!
Hồ Chí Minh, tên Người là cả đói ngày xưa
Vì Người đã chết hai triệu lần nǎm đói bốn nhǎm khủng khiếp
Bởi vì người đã mặc lên mọi tấm áo xác xơ
đã đi chân đất với mỗi đôi chân trần của người dân đất nước,
Bởi vì Người đã chứa chất nỗi tủi nhục của mọi người cùng cực,
Bởi vì Người đã từng chịu đau nỗi roi vọt đánh vào dân tộc,
Thuở bọn thực dân Pháp
hòa trộn than Hồng Gai với máu người thợ mỏ,
cao su miền Nam với máu người phu đất đỏ,
lúa gạo đồng bằng với máu nông dân,
để biến thành vàng bạc gấp trǎm;
Bởi vì lòng Người héo hon khi nắng hạn
Với ruộng đồng chết khát nǎm lại qua nǎm,
Và người mang cấy lại trên lòng mình
mỗi cây lúa chết ngạt vì lụt nước trắng bờ!
Hồ Chí Minh, tên Người là cả một niềm thơ.
Bởi vì Người đã sống cùng phu Quảng Châu, Thượng Hải.
Và đo được mức tận cùng đói rách,
và ở Nam Phi, Người cũng đo được đói rách tận cùng
của những người Âận cùng đinh sang đó
tìm miếng cơm nuôi sống qua ngày
Bởi vì Người đã đến với dân lao động
từ đào huyệt chôn mình khi vét dòng kênh Panama
Và như thế, Người đã nhận ra rằng:
Bất cứ ở đâu, con người cũng chỉ là một và đói khổ cũng chỉ là một,
và Người cũng biết: ở đâu cũng một lòng cǎm uất,
và đường đi chỉ có một mà thôi.
Bởi tất cả những điều đó và nhiều điều khác nữa
mà lời nói khó lòng chứa đựng:
Bởi vì đối với Người thì phẩm giá con người
còn cao hơn miếng cơm, danh vọng
Cao hơn cả trường tồn cuộc sống,
Hồ Chí Minh, tên Người là cả một niềm thơ.
Có thể ca ngợi Người như ca ngợi biển cả, núi cao,
như ngợi ca sông Cửu Long, sóng Hồng Hà.
Nói tới Người là nói vịnh Hạ Long, Điện Biên Phủ,
Chùa Một Cột, là nói những ruộng đồng đỏ ánh phù sa.
Có thể nói tới Người bằng hết thảy những lời tương tự
khi nói tới cây nhãn và cây tre xứ sở.
Bởi vì ca ngợi Người, Chủ tịch Hồ Chí Minh,
Nhà thơ Hồ Chí Minh
Người nông dân Việt Nam trong sáng: Hồ Chí Minh,
là ca ngợi đất nước Việt Nam tươi đẹp và đau thương.
Ca ngợi nước Việt Nam mà dáng dấp
không còn là một chiếc đòn tre gánh mỗi đầu mỗi thúng.
Mà là một hình dáng quang vinh của cửa ngõ có một không hai
để đi vào thế giới tương lai.
18. Bài thơ “Quê Bác” của Nguyễn Trọng Oánh (1959)
Thuyền xuôi xuôi mãi dòng sông
Dòng sông quê Bác nước trong đôi bờ
Xôn xao sóng đục con đò
Đã nghe âm ấm câu hò Nghệ An:
"Quê ta ngọt mía Nam Đàn
"Ngon khoai chợ Rộ, thơm cam Xã Đoài..."
Đường sang quê Bác đây rồi
Con nông giang nhỏ chạy dài đầu thôn
Nhà xưa Bác ở vẫn còn
Mái tranh nho nhỏ, nếp vườn thân yêu
Bác ơi, nhà Bác cũng nghèo
Quê hương Bác cũng như nhiều quê hương
Chỉ vì Bác rộng tình thương
Cho nên nắng đẹp mười phương tràn về.
Để người cuộn chỉ ngừng xe
Khǎn vuông yếm trắng lên đê giữ làng
Để người tắm nước quê hương
Thấy sông thêm rộng thấy đường thêm xinh
Tôi như chim nhỏ giữa rừng
Bác như nắng đẹp sưởi hồng ban mai
Lời đâu mà nói hết lời
Mái tranh còn mãi dấu Người thân yêu
Ra về bãi mía nhìn theo
Thuyền ai lên Rộ nước triều dâng dâng
Đất vui đất có anh hùng
Ta vui ta sống giữa lòng quê hương.
Còn nữa
Huyền Trang (tổng hợp)