Thứ bảy, 21/12/2024

Chỉ mục bài viết

phan 6 anh 1

Đồng chí Thúy Bách kể lại trong hồi ký “Trong vùng núi đá Lam Sơn”

Hồi ấy, khoảng 3/1942, một ngày đẹp trời giữa mùa Xuân tôi trở về cơ quan vào lúc phải nấu bữa cơm chiều. Nhìn vào hang tôi thấy một người lạ có râu cằm. Vẻ ngồi, cách ăn mặc hệt người cán bộ Nùng. Đồng chí Vũ Anh đi vắng. Người cán bộ lạ ngồi nói chuyện với Vân Trình, trông như hai bố con. Sau khi chào qua, tôi quay sang hốc đá bên cạnh nhóm bếp nấu cơm. Đang bận tay làm, bỗng tôi thấy người cán bộ lạ đến ngồi bên tôi, hỏi chuyện xa, chuyện gần, chuyện làng xóm và gia đình, tay luôn giúp tôi đun củi. Sự quan tâm thăm hỏi và cử chỉ thân mật của người cán bộ mới đến khiến tôi có cảm tình ngay.

Nhìn kỹ, tôi thấy đồng chí có đôi mắt sáng, nét mặt xương xương, nói tiếng Nùng lơ lớ như người Nùng miền Hà Quảng, có râu cằm. Tôi nghĩ ngay đến “Đồng chí già” mà đồng chí Lã và Mã Sơn đã kể cho nghe.

Đến bữa cơm, tôi đơm cho Bác bát đầy. Bác bảo gạt cho bằng. Bát thứ hai, tôi đơm vơi xuống một chút, bác bảo tôi đơm cho bằng miệng. Ăn xong hai bát Bác buông đũa. Tôi định đơm nữa nhưng Bác không ăn. Thương Bác làm việc nhiều sức khỏe yếu, nhưng bữa sau khi Bác đi công tác vắng, tôi dành phần cơm cho Bác nhiều hơn. Lúc về Bác cũng chỉ ăn đúng hai bát cơm đầy bằng miệng bát. Tôi mời thêm, Bác nói: “Cơ quan ở bí mật, gặp nhiều khó khăn, chúng ta chưa thể ăn nhiều hơn”.

 Từ ngày sang ăn ở ngay bên nhà báo, Bác làm việc cả ngày. Nhưng đêm, Bác cũng không ngủ trọn giấc. Đến giờ ngủ, Bác giục Vân Trình và tôi đi ngủ. Vân Trình nằm trên một cái sàn riêng; tôi và Bác nằm chung sàn, mỗi người một tấm chiên. Nhà có ngõ gì đâu, thỉnh thoảng, trời mưa, tôi vẫn thấy vết chân hổ bằng cái bát to in trên đường lầy, tôi nằm mép giường ngoài, dành Bác nằm trong. Nhiều lần, trăng sáng nửa đêm, tôi thức giấc nhìn không thấy Bác đâu. Có ai đã đắp thêm lên người tôi một tấm chăn? Bác không ngủ, trở dậy làm việc từ lúc nào. Nhiều buổi sáng tinh mơ, bừng mắt dậy tôi cũng không thấy Bác. Dụi mắt nhìn ra ngoài hang, hình Bác đang in lên khoảng trời rạng nắng. Bác vung tay tập thể dục.

Ở gần Bác, tôi chăm chỉ hơn mọi khi. Đường xa, tôi không ngại; đường khó qua lại, tôi không phàn nàn. Cơ quan hết gạo, tôi đến trạm nhà Lén dưới chân núi. Cơ quan hết thức ăn, tôi lặn lội đi tới trạm nhà Sơn Tinh. Quần chúng mến cách mạng, ủng hộ nhiều. Nửa đêm giữa đường rừng, tôi gánh lợn trên vai: Nào gà, vịt, chanh quả, gạo... đi vun vút.

Cuộc sống trong rừng âm thầm, lạnh ngắt... Sang Xuân lá vàng rụng nốt chiếc cuối cùng, nhường cho đám lá mới non xanh mơn mởn.

Bác viết bài, Vân Trình cùng tôi lăn ru lô in báo. Khi một chữ bật lên, Vân Trình lại hí hoáy chữa. Tôi chắp tay ngồi chờ, mắt lim dim, đầu gật gật. Vân Trình bảo tôi đứng ra ngoài hang, đi lại một lúc cho tỉnh táo...

Biết tôi làm việc chăm chỉ, Bác không phê bình tôi ngủ gật, Bác thương tôi, không bao giờ trách móc một lời.

Lúc này thực dân Pháp vẫn tăng cường lùng sục cơ sở cách mạng tìm bắt cán bộ. Cường hào gian ác hống hách, nạt nộ, bóc lột nhân dân. Lòng căm thù trong nhân dân lên cao như ngọn lửa rừng ngày gặp gió. Hàng trăm báo cáo gửi đến xin cho khởi nghĩa.

Bác gọi các đồng chí Vũ Anh, Vân Trình và cả tôi nữa đặt vấn đề: Nên khởi nghĩa hay chưa?

Mọi người đều tham gia ý kiến. Bác lắng nghe hết ý kiến mọi người, cuối cùng Bác bảo:

Để khi Pháp thua Nhật, mình đánh lấy lại nước từ tay Nhật mới được.

Tối hôm qua, tôi cứ nghĩ mãi về ý kiến Bác và giữ lại câu kết luận cuốn Lịch sử nước ta diễn ca do Bác biết dùng để huấn luyện cán bộ hồi ở Pác Bó. Ở cuối quyển sách huấn luyện này, Bác viết:

“Chúng ta có hội Việt Minh

Đủ tài lãnh đạo chúng mình đấu tranh

Mai sau, sự nghiệp hoàn thành

Rõ tên Nam Việt rạng danh Lạc Hồng

Dân ta xin nhớ chữ đồng;

Đồng tình, đồng sức, đồng lòng, đồng minh !”

Đường liên lạc giữa cơ quan báo với cơ quan cách mạng ngày càng gặp khó khăn. Các đội quân tuần tiễu của Pháp đi luồn rừng, thỉnh thoảng cắt ngang đường liên lạc ấy. Pháp đặt thêm đồn lính ở Hào Lịch để có thể vây rừng một cách bất ngờ. Các đồn nhỏ của bang tá đặt khắp nơi, bao vây rừng núi Lam Sơn. Trước đây đi liên lạc nhiều ngày, nay tôi chỉ còn xuống phía trên núi nhà các đồng chí: Tòng Thàng, Cho The, Đáp Hải, Bích Long, Hoàng Nghiệp, Hoành Tấm Sơn, Nghi Dương, Xuân Hồng...

Ngày lại ngày, hết mùa chim queng quý gọi, sang mùa chim tìm cô gào; hết tiếng ve sầu than, lại đến mùa chim rừng ca hát...

Đế quốc càng đi lùng, tôi lại càng phải tích cực xuống làng, đến các cơ quan nghe ngóng tình hình hoạt động của địch. Cụ bà Xin, một bà lão bình thường trong làng Lam Sơn, nói với tôi:

Ông xã L. sáng nay nói bô bô với người nào ở giữa sân rằng: Đường từ mỏ nước Bó Thay lên hang núi bỏ thấy lâu nay không có nay tự nhiên thấy con đường mòn có dấu người qua lại. Nhất định có cộng sản ở hang ấy.

Tôi nghe mà giật mình. Nó nói đúng chỗ ở của ta. Cái tổ ấm của mình sắp bị kẻ ác phá...  Tôi vùng chạy theo đường tắt về hang Bó Thay, báo cáo lại với Bác. Chín giờ đêm hôm ấy, Bác gửi một thư theo đường dây bí mật vào Nguyên Bình. Chín giờ đêm hôm sau, đồng chí Xích Thắng được đoàn thể cử đến đón cơ quan báo Việt Nam Độc lập vào hang Lũng Dẻ mà (thuộc xã Minh Tâm, huyện Nguyên Bình) ở sườn bên kia dãy núi đá vôi Lam Sơn.

Tôi không được đi theo tòa báo nữa. Bác cho tôi ở lại vùng núi đá này trồng rau cải ở mãi sâu tít trong rừng thẳm. Khi ấy vào khoảng cuối tháng 6-1942.

Phiến đá litô, mực in, giấy bút, ru lô, của công, của riêng nằm gọn trên lưng hai đồng chí Vân Trình, Xích Thắng. Sau những cái bắt tay rất chặt, hai đồng chí mất hút trong đêm.

Ngay sau đó, tôi được theo Bác đến cơ quan tỉnh ủy. Trên đường rừng,  tôi hỏi bác:

- Cơ quan đã đi, Bác còn trồng rau cải làm gì?

Bác hỏi lại tôi:

- Chúng ta đi được, đồng chí ở lại, đồng chí không ăn à? Lại còn cán bộ bí mật qua, nấu rau cải ăn chẳng đỡ đói hay sao?

Bác nghĩ xa quá. Giờ tôi mới hiểu ý Bác. Mấy ngày sau, Bác lại ra đi, mở tiếp cho xong lớp huấn luyện. Năm bẩy ngày sau nữa Bác mới vào hang Lũng Dẻ...

“Con đường dẫn tôi đến với Bác” - Đặng Văn Cáp kể

Tháng 3- 1942, Bác về Lam Sơn, tôi được giao trách nhiệm ở lại thu xếp một số công việc, thu xếp xong tôi theo Bác về Lam Sơn.

Lam Sơn cũng như nhiều vùng khác ở Cao Bằng, thung lũng lại ở giữa các rừng núi cao. Hòa An là một vùng đồng bằng, một vựa thóc của tỉnh, nhưng nơi đây thung lũng lại hẹp. Con sông Bằng Giang cách đó chừng dăm cây số án ngữ lối đi quan trọng ra vùng Nước Hai, thị trấn của huyện lị Hòa An và cũng là đồn binh trọng yếu của Pháp hồi đó. Thật là một địa thế tốt và hiểm trở.

Tôi vẫn được giao nhiệm vụ bảo vệ Bác và đi huấn luyện quân sự cho các lớp. Sau này khi Bác đi Trung Quốc rồi, do nhu cầu về vũ khí mà các đội vũ trang cấp bách đòi hỏi tôi được Tổng bộ Việt Minh giao thêm một trách nhiệm: Xây dựng “Xưởng vũ khí”. Xưởng nằm trong vùng Lũng Hoàng mà chúng tôi đã đổi tên là Lam Sơn.

Thực ra ý định lập “xưởng” này đã có từ lâu, hồi tôi còn ở Côn Minh, cùng với Bác. Hồi ấy, cứ sáng tập thể dục xong, lúc ngồi nghỉ, Bác thường bàn tình hình trong nước và thế giới. Một hôm Bác nói:

- Du kích phải tạo điều kiện mà đánh địch, cái gì đánh được giặc là phải dùng cả. Anh biết nghề rèn, Anh lên chú ý khi có gì phải rèn dao, mác cho du kích.

Tôi biết rèn dao mác và biết cả chữa súng nữa kia. Tôi nói với Bác như vậy vì hồi tôi ở cơ quan quân sự ở Quảng Đông tôi có tham gia việc chữa súng. Bản thân tôi là nông dân, vì bắt buộc phải kiếm sống cho nên tôi có biết qua nghề mộc, nghề rèn. Năm 1940, khi cùng ở với Bác tại Côn Minh, tôi đã làm thợ sắt, chính vì thế mà Bác mới gợi ý cho tôi như vậy.

Tôi đứng ra đảm nhận việc xây dựng “xưởng” sản xuất bộc phá, lựu đạn thô sơ, chữa súng và rèn dao, rèn mác. Bác gọi xưởng này là “nhà chữa súng”.

Vùng Lam Sơn này, sau Hội nghị Trung ương lần thứ Tám, trở thành trụ sở chính, nơi Bác qua lại chỉ đạo phong trào toàn quốc. Tờ Việt Lập sau những số đầu tiên được in ở Pác Bó, Khuổi Nậm, tiếp tục ra ở đây.

Nhà Bác ở là nhà một đồng bào Nùng, tức là cụ Lén, một nông dân nghèo. Sau nhà là dãy núi đá, hễ có động chỉ mấy bước chân là Bác có thể nấp vào hang hay thoát lên núi.

- Người nghèo là người bị áp bức - Bác thường nói: Những người rất toàn tâm với cách mạng. Chỉ cần biết cách tuyên truyền giáo dục họ.

Đúng vậy, sau này cả gia đình cụ Lén giác ngộ một lòng một dạ bảo vệ cách mạng, bảo vệ Bác kể cả những lúc nguy hiểm đến tính mạng. Cụ Lén, tên thực là Ma Văn Hán, trước kia là một người khó tính ít ai gần. Có lần cụ mang rau cải ra chợ bán, người mua lấy thêm một tàu cụ đuổi theo giằng cho kỳ được, tàu lá bị rách bươm ra cụ không bỏ. Một hôm cụ mang thịt đi bán, người mua chỉ bốc thêm một mẩu xương, cụ cũng giằng lại. Sau này, cụ giúp cho anh em cán bộ từng đùi thịt lợn, có anh em hỏi, cụ thủng thẳng đáp:

Trước kia tôi không đòi lại, người ta sẽ cho là mình dại, bây giờ ủng hộ cách mạng là giúp nước sao lại gọi là dại được?

Được gần Bác được Bác giáo dục, cụ Lén được kết nạp vào Đảng và tỏ ra rất kiên cường, mưu trí. Một hôm cụ đi liên lạc về thư còn trong túi thì địch ập đến. Biết là nguy nhưng cụ vẫn bình tĩnh thấy một con trâu cụ liền lùa nó xuống ruộng, rồi đuổi theo trâu xuống bùn. Nhân đó cụ dúi được lá thư xuống bùn. Đi hoạt động được một thời gian cụ bị bọn quan bắt. Bị tra tấn, kìm kẹp cụ không hề khai báo một câu nào. Địch không moi được gì, phải thả cụ ra. Về nhà cũ bị ốm liệt rồi chết. Bà cụ Lén cũng không kém gan góc như chồng. Tây bắt bà cụ lên tra tấn, bắt khai chỗ ở của con trai là anh Lén đi hoạt động cách mạng. Cụ cũng không hề nói.

…Cuộc sống của Bác, bao giờ cũng giản dị, vui tươi, Bác làm từ việc lớn như lãnh đạo cách mạng đến việc bình thường nhất như xay bột, giã gạo, vác gỗ...

Có lần Bác đang cầm dụng cụ trồng khoai môn trước cửa nhà thì chúng tôi vào, Bác liền cười nói:

- “Trồng môn trước cửa”, thử đối lại xem sao.

Câu đối cũng khá hóc búa vì “môn” tức là cửa, làm thế nào chọn được viết kia cho chọi.

- Bắt ốc sau nhà! - Chúng tôi cũng cười thưa lại, sau một lúc lâu suy nghĩ.

- Tạm cho là được! Bác lại cười một cách vui vẻ.

... Bác rất chú trọng đào tạo cán bộ cho phong trào cách mạng. Khi ở nước ngoài cũng như khi về nước trực tiếp lãnh đạo cách mạng Bác đã đào tạo ra biết bao cán bộ ưu tú. Trong số 43 anh em đã được dự lớp huấn luyện ở lớp Nậm Quang cũng như các anh em Bác mới biết, Bác chú ý đến ba đồng chí Bình Dương, Bắc Vọng - tên thực là Hoàng Đức Thạc và sau đổi là Lã Minh Giang và Xích Thắng. Bác đã tìm được một địa điểm hẻo lánh, đặt là hang Lênin để huấn luyện thêm công tác đảng cho các đồng chí ấy. Trong đợt huấn luyện này lại có thêm một số đồng chí nữa được tham gia như đồng chí Cuông Tiên, đồng chí Quang Hưng...

Được Bác đặc biệt dìu dắt, các đồng chí nói trên đều trở thành những cán bộ cốt cán, sau này giữ những trọng trách của Đảng.

Xong những lớp huấn luyện này, Bác cho dời cơ quan đi Lũng Nặm vùng đồng bào Dao. Đến tháng 6-1942, Bác lại cho dọn lên núi, vùng Lũng Dẻ.

Thời gian này Bác có viết bài thơ Lên núi:

Lục nguyệt nhị thập tứ

Thướng đáo thử sơn lai.

Cử đầu hồng nhật cận,

Đối ngạn nhất chi mai.

Dịch thơ:

Hai mươi tư tháng sáu,

Lên ngọn núi này chơi.

Ngẩng đầu mặt trời đỏ,

Bên suối một nhành mài.

Đó là mấy câu thơ Bác làm rồi viết lên vách đá hồi ở Lũng Dẻ. Bác có một tâm hồn thơ dào dạt. Việc nước, công tác cách mạng, việc tham gia lao động hàng ngày, bao thứ bận rộn, nhưng gặp một cảnh đẹp, một ý thơ là Bác có ngay xúc cảm. Tiếc rằng nhiều khi Bác đọc lên không ghi chép, về sau không ai sưu tầm được.

Thời gian này Bác cũng sáng tác Bài ca sợi chỉ đăng trên báo Việt Nam Độc lập, số 122 là:

Mẹ tôi là một đoá hoa,

Thân tôi trong sạch, tôi là cái bông.

Xưa tôi yếu ớt vô cùng,

Ai vò cũng đứt, ai rung cũng rời.

Khi tôi đã thành chỉ rồi,

Cũng còn yếu lắm, ăn ngồi không ngon,

Mạnh gì sợi chỉ con con,

Khôn thiêng biết có vuông tròn cho chăng!

Càng dài lại càng mỏng manh,

Thế gian ai sợ chi anh chỉ xoàng!

Nhờ tôi có nhiều đồng bang,

Họp nhau sợi dọc, sợi ngang rất nhiều.

Dệt nên tấm vải mỹ miều,

Đã bền hơn lụa, lại điều hơn da

Đố ai bứt xé cho ra,

Đó là lực lượng, đó là vẻ vang.

***

Hỡi ai con cháu Hồng Bàng,

Chúng ta phải biết kết đoàn mau mau.

Yêu nhau xin nhớ lời nhau,

Việt Minh hội ấy mau mau phải vào.

Ở một địa thế có núi cao ở giữa từng mây đã trong hang lại lởm chởm, một hôm ngắm xung quanh Bác nói:

- Người Mán ở cao, ta lại ở cao hơn người Mán.

Một hôm khác, cơm đã dọn ra, tự nhiên một hòn đá từ trên cao rơi xuống đánh ầm một tiếng trước mặt chúng tôi, may không ai việc gì.

- Đây là một điềm tốt - Bác cười và nói.

Tuy nhiên, vì ở cao, mùa nắng khó có nước, chỗ này không thuận tiện, Bác lại cho dọn cơ quan đến Lũng Diên....

Bác Hồ đóng vai thầy mo

Tháng 5/1942, Bác đi họp tỉnh uỷ Cao Bằng, Bác đóng vai ông thầy mo kiêm thầy thuốc nhưng mà điếc. Đồng chí Thế Anh đóng vai đón ông thầy mo về chữa cho vợ bị ốm.

Lúc này, đồng chí Thế Anh mới chỉ biết Bác là ông Ké Thu. Bác nhờ tỉnh uỷ Cao Bằng chuẩn bị cho Bác một cuốn sách cúng, một cái thanh la, một con gà và mấy bao gạo nếp. Đồng chí Thế Anh đeo các bao gạo nếp. Bác đội nón Nùng, lấy khăn che râu, mặc bộ quần áo Nùng, tay chống gậy. Đến ngã ba Đôn Chương thì gặp bọn tổng đoàn và bọn lính gác. Bọn chúng hỏi:

- Đi đâu?

Đồng chí Thế Anh đáp:

- Đi đón ông Ké về chữa cho vợ đang bị bệnh phong.

- Tốt lắm. Về chữa cho vợ tao đang ốm nặng.

Như thế thì gay go rồi. Đồng chí Thế Anh nói đi nói lại với tụi nó:

Ông Ké này cũng xoàng thôi. Chỉ biết cúng có bệnh phong thôi, lại điếc nữa mà.

Nói mãi, chúng nó cũng nhượng bộ và nói rằng:

- Mày đi xong, chiều về nhớ cúng cho vợ tao.

Ông Ké quay lại cười. Đồng chí Thế Anh bực quá, đi một quãng xa, rồi quay lại phê bình ông Ké:

- Đã bảo là điếc rồi, mà ông Ké còn quay lại cười với nó. Làm vậy nó bắt thì làm sao?

- Nếu không cười thì nó bắt rồi. Điếc thì nó nói không nghe. Nhưng mình còn hệ thần kinh. Ông Ké giải thích, mình còn đi lại được, nó vỗ vào người phải biết. Chứ nó vỗ vào mà không đứng lên nó cho là điếc giả vờ, nó bắt rồi.

Đi một quãng, đồng chí Thế Anh lại ngạc nhiên khi nhìn hàm răng ông Ké trắng là thế, sao hôm nay lại bẩn vậy, Bác cười và nói:

- Chục, chục, cheng chong, xôi đầy, gà béo đưa cho thầy, thầy ăn. Ăn chưa hết nó còn dính như thế!

Bác đã lấy nhựa sung phơi khô tai tái rồi dí vào răng sau đó lấy xôi nhét vào. Lúc Bác cười, hạt xôi cứ rơi lả tả. Việc làm này của Bác càng làm cho chúng ta thấy rõ Bác đã chuẩn bị cải trang và giữ bí mật rất chu đáo./.

Đức Hiếu (Tổng hợp)

Bài viết khác: