Hệ thống Trợ năng

Thứ hai, 27/01/2025

Chỉ mục bài viết

 

Bac ho voi dang

Đảng Cộng sản Việt Nam – là đội tiên phong của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam; đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam.

Đảng Cộng sản Việt Nam do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập, giáo dục và rèn luyện. Từ khi ra đời đến nay, Đảng luôn trung thành, vận dụng sáng tạo những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng Đảng để xây dựng Đảng Cộng sản Việt Nam thành một Đảng macxít chân chính. Là người sáng lập và lãnh đạo Đảng ta, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tham dự và chỉ đạo nhiều đại hội và hội nghị Trung ương cũng như đại hội của các ngành, các địa phương.

Mùa Xuân năm 1930, tại Cửu Long, Hương Cảng (Trung Quốc), Nguyễn Ái Quốc thay mặt Quốc tế Cộng sản đã triệu tập và chủ trì Hội nghị hợp nhất Đông Dương Cộng sản Đảng, An Nam Cộng sản Đảng thành Đảng Cộng sản Việt Nam. Ngay sau đó, Đông Dương Cộng sản Liên đoàn cũng gia nhập Đảng Cộng sản Việt Nam. Hội nghị thông qua Chánh cương vắn tắt, Sách lược vắn tắt, Chương trình tóm tắt, Điều lệ vắn tắt của Đảng và điều lệ các tổ chức quần chúng do Người soạn thảo. Đó là những văn kiện được thể hiện rất ngắn gọn nhưng phản ánh đầy đủ những yêu cầu cơ bản của dân tộc và giai cấp. Thành công tốt đẹp của Hội nghị hợp nhất có ý nghĩa cực kỳ quan trọng đối với tiến trình cách mạng Việt Nam mà Hồ Chí Minh là người giữ vai trò quyết định. Sự chỉ đạo tài tình, phương pháp làm việc khoa học hợp tình, hợp lý của Người là nhân tố quan trọng nhất dẫn đến thành công của Hội nghị. Hội nghị đánh dấu bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam, mang tầm vóc lịch sử của một Đại hội thành lập Đảng.

Tại Đại hội lần thứ II và lần thứ III của Đảng, Người trực tiếp chỉ đạo, điều hành với tư cách là Chủ tịch Đảng, nhiều vấn đề hệ trọng của Đảng, của dân tộc đã được bàn thảo và quyết định, mở đường cho cách mạng tiến lên.

Chủ tịch Hồ Chí Minh còn tham dự, chỉ đạo Đại hội Đảng một số ngành, địa phương. Các Hội nghị, Đại hội mà Người tham dự, điều hành, chỉ đạo có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với cách mạng nước ta, để lại những bài học hết sức quý báu trong việc tổ chức, điều hành đại hội. Các văn kiện, bài phát biểu do Người soạn thảo, trình bày thường rất ngắn gọn, súc tích, dễ hiểu, đầy tính thuyết phục. Đó còn là phương pháp, phong cách làm việc khoa học, dân chủ, sâu sát, cụ thể. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã để lại những ấn tượng khó phai mờ trong tâm trí những người có vinh dự được làm việc với Người trong quá trình chuẩn bị Đại hội, được dự các Đại hội do Người chỉ đạo và điều hành.

Chào mừng Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng, chúng ta hãy cùng xem lại những bài nói, bài viết, văn kiện… của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Hội nghị hợp nhất Đảng Cộng sản, Đại hội lần thứ II, III của Đảng, Đại hội Đảng một số ngành, địa phương. Qua đó, chúng ta càng thấy rõ hơn vai trò, công lao to lớn của Bác đối với Đảng ta, với cách mạng nước ta.

I. BÁC HỒ VỚI HỘI NGHỊ THÀNH LẬP ĐẢNG

Chánh cương vắn tắt của Đảng

Tư bản bản xứ đã thuộc tư bản Pháp, vì tư bản Pháp hết sức ngăn trở sức sinh sản làm cho công nghệ bản xứ không thể mở mang được. Còn về nông nghệ một ngày một tập trung đã phát sinh ra lắm khủng hoảng, nông dân thất nghiệp nhiều. Vậy tư bản bản xứ không có thế lực gì ta không nên nói cho họ đi về phe đế quốc được, chỉ bọn đại địa chủ mới có thế lực và đứng hẳn về phe đế quốc chủ nghĩa nên chủ trương làm tư sản dân quyền cách mạng và thổ địa cách mạng để đi tới xã hội cộng sản.

A. Về phương diện xã hội thì:

a) Dân chúng được tự do tổ chức.

b) Nam nữ bình quyền, v.v..

c) Phổ thông giáo dục theo công nông hoá.

B. Về phương diện chính trị:

a) Đánh đổ đế quốc chủ nghĩa Pháp và bọn phong kiến.

b) Làm cho nước Nam được hoàn toàn độc lập.

c) Dựng ra chính phủ công nông binh.

d) Tổ chức ra quân đội công nông.

C. Về phương diện kinh tế:

a) Thủ tiêu hết các thứ quốc trái.

b) Thâu hết sản nghiệp lớn (như công nghiệp, vận tải, ngân hàng, v.v.) của tư bản đế quốc chủ nghĩa Pháp để giao cho chính phủ công nông binh quản lý.

c) Thâu hết ruộng đất của đế quốc chủ nghĩa làm của công chia cho dân cày nghèo.

d) Bỏ sưu thuế cho dân cày nghèo.

e) Mở mang công nghiệp và nông nghiệp.

f) Thi hành luật ngày làm 8 giờ.

Hồ Chí Minh: Toàn tập Nxb. Chính trị quốc gia,
Hà Nội, 2000, t.3, tr.1-2.

Sách lược vắn tắt của Đảng

1. Đảng là đội tiên phong của vô sản giai cấp, phải thu phục cho được đại bộ phận giai cấp mình, phải làm cho giai cấp mình lãnh đạo được dân chúng.

2. Đảng phải thu phục cho được đại bộ phận dân cày và phải dựa vào hạng dân cày nghèo làm thổ địa cách mạng đánh trúc bọn đại địa chủ và phong kiến.

3. Đảng phải làm cho các đoàn thể thợ thuyền và dân cày (công hội, hợp tác xã) khỏi ở dưới quyền lực và ảnh hưởng của bọn tư bản quốc gia.

4. Đảng phải hết sức liên lạc với tiểu tư sản, trí thức, trung nông, Thanh niên, Tân Việt, v.v. để kéo họ đi vào phe vô sản giai cấp. Còn đối với bọn phú nông, trung, tiểu địa chủ và tư bản An Nam mà chưa rõ mặt phản cách mạng thì phải lợi dụng, ít lâu mới làm cho họ đứng trung lập. Bộ phận nào đã ra mặt phản cách mạng (Đảng Lập hiến, v.v.) thì phải đánh đổ.

5. Trong khi liên lạc với các giai cấp, phải rất cẩn thận, không khi nào nhượng một chút lợi ích gì của công nông mà đi vào đường thoả hiệp, trong khi tuyên truyền cái khẩu hiệu nước An Nam độc lập, phải đồng tuyên truyền và thực hành liên lạc với bị áp bức dân tộc và vô sản giai cấp thế giới, nhất là vô sản giai cấp Pháp.

Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia,
Hà Nội, 2000, t.3, tr.3.

Chương trình tóm tắt của Đảng

1. Đảng là đội tiên phong của đạo quân vô sản gồm một số lớn của giai cấp công nhân và làm cho họ có đủ năng lực lãnh đạo quần chúng.

2. Đảng tập hợp đa số quần chúng nông dân, chuẩn bị cách mạng thổ địa và lật đổ bọn địa chủ và phong kiến.

3. Đảng giải phóng công nhân và nông dân thoát khỏi ách tư bản.

4. Đảng lôi kéo tiểu tư sản, trí thức và trung nông về phía giai cấp vô sản; Đảng tập hợp hoặc lôi kéo phú nông, tư sản và tư bản bậc trung, đánh đổ các đảng phản cách mạng như Đảng Lập hiến, v.v..

5. Không bao giờ Đảng lại hy sinh quyền lợi của giai cấp công nhân và nông dân cho một giai cấp nào khác.

Đảng phổ biến khẩu hiệu "Việt Nam tự do" và đồng thời Đảng liên kết với những dân tộc bị áp bức và quần chúng vô sản trên thế giới nhất là với quần chúng vô sản Pháp.

ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM 1930

Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia,
Hà Nội, 2000, t.3, tr.4

Điều lệ tóm tắt của Đảng Cộng sản Việt Nam

I- Tên: Đảng Cộng sản Việt Nam.

II- Tôn chỉ: Đảng Cộng sản Việt Nam tổ chức ra để lãnh đạo quần chúng lao khổ làm giai cấp tranh đấu để tiêu trừ tư bản đế quốc chủ nghĩa, làm cho thực hiện xã hội cộng sản.

III- Lệ vào Đảng: Ai tin theo chủ nghĩa cộng sản, chương trình Đảng và Quốc tế Cộng sản, hăng hái tranh đấu và dám hy sinh phục tùng mệnh lệnh Đảng và đóng kinh phí, chịu phấn đấu trong một bộ phận Đảng thời được vào Đảng. Thợ vào Đảng thời phải có một đảng viên giới thiệu và phải dự bị 3 tháng, thủ công nghiệp nghèo, dân cày và lính phải có hai đảng viên giới thiệu và dự bị 6 tháng, học sinh, các giai cấp khác và người đảng phái khác phải có hai đảng viên giới thiệu và phải dự bị 9 tháng.

Người dưới 21 tuổi phải vào thanh niên cộng sản đoàn.

IV- Hệ thống tổ chức:

Chi bộ gồm tất cả đảng viên trong một nhà máy, một công xưởng, một hầm mỏ, một sở xe lửa, một chiếc tàu, một đồn điền, một đường phố, v.v..

Huyện bộ, thị bộ hay là khu bộ:

Huyện bộ gồm tất cả các chi bộ trong một huyện.

Thị bộ gồm tất cả các chi bộ trong một châu thành nhỏ.

Khu bộ gồm tất cả các chi bộ trong khu của một thành phố lớn như Sài Gòn, Chợ Lớn, Hải Phòng, Hà Nội hay của một sản nghiệp lớn như mỏ Hòn Gai.

Tỉnh bộ, thành bộ hay đặc biệt bộ:

Tỉnh bộ gồm các huyện bộ, thị bộ trong một tỉnh.

Thành bộ gồm tất cả các khu bộ trong một thành phố. Đặc biệt bộ gồm tất cả khu bộ trong một sản nghiệp lớn.

Trung ương

V- Trách nhiệm của đảng viên:

a) Tuyên truyền chủ nghĩa cộng sản và cổ động quần chúng theo Đảng.

b) Tham gia mọi sự tranh đấu về chính trị và kinh tế của công nông.

c) Phải thực hành cho được chánh sách và nghị quyết của Đảng và Quốc tế Cộng sản.

d) Điều tra các việc.

e) Kiếm và huấn luyện đảng viên mới.

VI- Quyền lợi đảng viên:

Trong các cuộc hội nghị của chi bộ, đảng viên dự bị có quyền tham gia và phát biểu ý kiến, song không có quyền biểu quyết, ứng cử và tuyển cử.

VII- Các cấp đảng chấp hành uỷ viên:

a) Một cấp đảng bộ có hội chấp hành uỷ viên để giám đốc và chỉ huy cho mọi đảng viên làm việc.

b) Mỗi chấp hành uỷ viên phải thường báo cáo cho đảng viên biết.

VIII- Kinh phí:

a) Kinh phí của Đảng do nguyệt phí và đặc biệt quyên mà ra.

b) Nguyệt phí do các cấp đảng bộ tuỳ kinh phí mỗi đảng viên mà định.

c) Người không việc hoặc ốm thì khỏi phải góp nguyệt phí.

IX- Kỷ luật:

a) Đảng viên ở nơi này đi nơi khác phải xin phép Đảng và theo cơ quan nơi đó để làm việc.

b) Bất cứ về vấn đề nào đảng viên đều phải hết sức thảo luận và phát biểu ý kiến, khi đa số đã nghị quyết thì tất cả đảng viên phải phục tùng mà thi hành.

c) Cách xử phạt người có lỗi trong đảng viên: Cách xử phạt người có lỗi trong Đảng do hội chấp hành uỷ viên trong cấp Đảng hay đại biểu đại hội định.

Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia,
Hà Nội, 2000, t.3, tr.5-7

Lời kêu gọi

Hỡi công nhân, nông dân, binh lính, thanh niên, học sinh, anh chị em2 bị áp bức, bóc lột!

Anh chị em! Các đồng chí!

Nhận chỉ thị của Quốc tế Cộng sản giải quyết vấn đề cách mạng ở nước ta, tôi đã hoàn thành nhiệm vụ và thấy có trách nhiệm phải gửi tới anh chị em và các đồng chí lời kêu gọi này.

Mâu thuẫn gay gắt về kinh tế giữa các nước đế quốc chủ nghĩa đã gây ra Chiến tranh thế giới 1914-1918. Sau cuộc chém giết đẫm máu đó, thế giới chia ra làm hai mặt trận: Mặt trận cách mạng gồm các dân tộc bị áp bức và giai cấp vô sản bị bóc lột trên toàn thế giới mà đội tiên phong là nước Nga Xô viết, và mặt trận của chủ nghĩa đế quốc mà tổng hành dinh là Hội quốc liên.

Cuộc chiến tranh đế quốc ấy đã làm cho thế giới bị thiệt hại nặng nề về người và của, đặc biệt là đế quốc Pháp bị thiệt hại nhiều hơn các đế quốc khác. Hiện nay, để tổ chức lại nền kinh tế ở Pháp, đế quốc Pháp ra sức khai thác tài nguyên "của chúng" ở Đông Dương. Chúng xây dựng thêm nhà máy để bóc lột công nhân và buộc họ phải chịu đói rét. Chúng chiếm ruộng đất của nông dân để lập đồn điền, làm cho nông dân mất hết ruộng đất và lâm vào cảnh tuyệt vọng. Chúng tìm mọi cách để bóp nặn nhân dân ta; chúng thu thuế ngày càng nặng, bắt mua "quốc trái" ngày càng nhiều, làm cho đồng bào ta ngày thêm nghèo khổ.

Càng ngày chúng càng tăng cường quân đội: Một là để giết hại cách mạng An Nam, hai là để chuẩn bị một cuộc chiến tranh đế quốc nữa ở Thái Bình Dương nhằm chiếm thêm thuộc địa, ba là để phá cách mạng Trung Quốc, bốn là để chống lại nước Nga Xôviết, vì nước này đang giúp đỡ các dân tộc bị áp bức và các giai cấp bị bóc lột trên thế giới đứng lên đánh đổ bọn thống trị. Cuộc chiến tranh đế quốc thứ hai đang được ráo riết chuẩn bị. Khi cuộc chiến tranh đó nổ ra, thì nhất định đế quốc Pháp sẽ đẩy anh chị em chúng ta vào một cuộc chém giết đầy tội ác. Nếu chúng ta để cho chúng chuẩn bị chiến tranh, nếu chúng ta để cho chúng chống lại cách mạng Trung Quốc và nước Nga Xôviết, nếu chúng ta để cho chúng tiêu diệt cách mạng An Nam thì khác nào chúng ta để cho chúng dìm giống nòi An Nam ta xuống Thái Bình Dương.

Sự áp bức và bóc lột vô nhân đạo của đế quốc Pháp đã làm cho đồng bào ta hiểu rằng có cách mạng thì sống, không có cách mạng thì chết. Chính vì vậy mà phong trào cách mạng ngày càng lớn mạnh: Công nhân bãi công, học sinh bãi khoá, nông dân đòi ruộng đất, nhà buôn nhỏ đóng cửa hàng, nhân dân cả nước đang vùng dậy chống bọn đế quốc.

Phong trào cách mạng An Nam làm cho đế quốc Pháp phải run sợ. Cho nên, một mặt chúng dùng bọn phong kiến An Nam, bọn đại tư sản phản cách mạng và bọn địa chủ để áp bức, bóc lột nhân dân An Nam. Mặt khác, chúng khám xét nhà cửa, bắt bớ, giam cầm và giết hại những người cách mạng An Nam; chúng hy vọng dùng khủng bố trắng tiêu diệt cách mạng An Nam.

Nếu đế quốc Pháp tưởng có thể dùng khủng bố trắng hòng tiêu diệt cách mạng An Nam thì chúng đã lầm to! Một là, cách mạng An Nam không bị cô lập, trái lại nó được giai cấp vô sản thế giới nói chung và giai cấp cần lao Pháp nói riêng ủng hộ. Hai là, giữa lúc các cuộc khủng bố trắng lên đến đỉnh cao thì những người cộng sản An Nam trước kia chưa có tổ chức, đang thống nhất lại thành một đảng, Đảng Cộng sản Việt Nam, để lãnh đạo toàn thể anh chị em bị áp bức chúng ta làm cách mạng.

Hỡi công nhân, nông dân, binh lính, thanh niên, học sinh! Anh chị em bị áp bức, bóc lột!

Đảng Cộng sản Việt Nam1 đã được thành lập. Đó là Đảng của giai cấp vô sản. Đảng sẽ dìu dắt giai cấp vô sản lãnh đạo cách mạng An Nam đấu tranh nhằm giải phóng cho toàn thể anh chị em bị áp bức, bóc lột chúng ta. Từ nay anh chị em chúng ta cần phải gia nhập Đảng, ủng hộ Đảng và đi theo Đảng để:

1) Đánh đổ đế quốc Pháp, phong kiến An Nam và giai cấp tư sản phản cách mạng.

2) Làm cho nước An Nam được độc lập.

3) Thành lập Chính phủ công nông binh.

4) Tịch thu tất cả các nhà băng và cơ sở sản xuất của đế quốc trao cho Chính phủ công nông binh.

5) Quốc hữu hoá toàn bộ đồn điền và đất đai của bọn đế quốc và địa chủ phản cách mạng An Nam chia cho nông dân nghèo.

6) Thực hiện ngày làm 8 giờ.

7) Huỷ bỏ mọi thứ quốc trái và thuế thân, miễn các thứ thuế cho nông dân nghèo.

8) Đem lại mọi quyền tự do cho nhân dân.

9) Thực hành giáo dục toàn dân.

10) Thực hiện nam nữ bình quyền.

Thay mặt Quốc tế Cộng sản và Đảng Cộng sản Việt Nam
NGUYỄN ÁI QUỐC

Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia,
Hà Nội, 2000, t.3, tr.8-10

Báo cáo gửi Quốc tế Cộng sản

A. Ngày 18-2-1930

1) Nhận được chỉ thị của Quốc tế Cộng sản về công tác ở Đông Dương, tôi từ giã nước Đức vào tháng 6 và đến Xiêm vào tháng 7-1928. Tôi đã làm việc với một số người An Nam di cư ở đấy tới tháng 11-1929.

2) Những điều kiện ở Xiêm (đúng hơn là cả ở Lào).

(a) Dân cư rất phân tán, hầu hết theo đạo Phật, một số ít theo đạo Thiên chúa.

(b) Chừng 10 hay 15 nghìn người An Nam di cư ở Xiêm và ở Lào. Hơn một nửa trong số họ đã nhiều thế hệ theo đạo Thiên chúa.

(c) Kinh tế - không có công nghiệp, nông nghiệp tự nhiên và lạc hậu, điều đó dẫn đến chỗ đồng ruộng bỏ hoang; người ta có thể sử dụng bao nhiêu đất tùy ý, không hạn chế, không đánh thuế. Thương nghiệp ở trong tay người Trung Quốc.

(d) Thiên nhiên - nửa năm nóng, nửa năm lạnh, và ở mùa này, tất cả mọi thứ giao thông liên lạc đều không thực hiện được.

B. Công tác của tôi ở Lào.

1) Do những điều kiện của người An Nam (nông dân tự do, thợ thủ công, tiểu thương), họ chỉ có thể được tổ chức vào "Hội ái hữu" với tư tưởng yêu nước và chống đế quốc. Trước đây, họ có hơn 1000 người. Nhưng hiện nay ít hơn vì những người An Nam theo đạo Thiên chúa bị các giám mục người Pháp đe doạ rút phép thông công nên họ đã rút ra khỏi Hội ái hữu.

2) Ba trường học đã được tổ chức. Một trường khác sắp được tổ chức nhưng phải hoãn lại, vì:

(a) Địa điểm gần người Pháp.

(b) Tỉnh trưởng người Xiêm theo đạo Thiên chúa.

(c) Có một nhà thờ do người Pháp làm cố đạo, dĩ nhiên là ông ta chống lại chúng tôi.

3) Một tờ báo, tờ "Thân ái" sắp được xuất bản.

C. Đi về An Nam.

Đã hai lần tôi cố gắng về An Nam, nhưng phải quay trở lại. Bọn mật thám và cảnh sát ở biên giới quá cẩn mật, đặc biệt là từ khi xảy ra vụ An Nam "Quốc dân đảng".

D. Tới Trung Quốc.

Tôi đã cố gắng đi lần thứ ba khi một đồng chí từ Hồng Công tới Xiêm và tin cho tôi biết tình hình Hội An Nam Thanh niên Cách mạng3 bị tan rã; những người cộng sản chia thành nhiều phái v.v..

Lập tức tôi đi Trung Quốc, tới đó vào ngày 23-12. Sau đó, tôi triệu tập các đại biểu của 2 nhóm (Đông Dương và An Nam). Chúng tôi họp vào ngày mồng 6-1.

Với tư cách là phái viên của Quốc tế Cộng sản có đầy đủ quyền quyết định mọi vấn đề liên quan đến phong trào cách mạng ở Đông Dương, tôi nói cho họ biết những sai lầm và họ phải làm gì. Họ đồng ý thống nhất vào một đảng.

Chúng tôi cùng nhau xác định cương lĩnh và chiến lược theo đường lối của Quốc tế Cộng sản.

Các đại biểu phải tổ chức một Trung ương lâm thời gồm 7 uỷ viên chính thức và 7 uỷ viên dự khuyết. Các đại biểu trở về An Nam ngày 8-2.

E. Công tác của Trung ương mới.

1) Ngoài công tác hàng ngày, họ phải tổ chức ngay:

a. Đoàn thanh niên cộng sản.

b. Hội tương tế.

c. Hội phản đế.

Họ cũng phải làm những việc tốt nhất của họ để mở rộng ảnh hưởng của Xôviết Quảng Tây.

2) Để tạo cho quần chúng cách mạng, đặc biệt là giai cấp cần lao, biết rằng họ được Quốc tế Cộng sản dìu dắt và giai cấp công nhân thế giới ủng hộ, rằng họ phải bảo vệ Liên Xô và cách mạng Trung Quốc, rằng họ phải đấu tranh chống việc chuẩn bị chiến tranh thế giới mới - tôi đã viết Lời kêu gọi để phân phát khi Trung ương được tổ chức xong (khoảng ngày 20-3).

F. Những lực lượng của chúng tôi

Có 5 tổ chức chính trị ở Đông Dương:

a) Đảng Lập hiến được lập nên bởi một số tư sản An Nam - ở Nam Kỳ - hợp tác với đế quốc.

b) Đảng Tân Việt được lập nên bởi tầng lớp trí thức đã một thời có ảnh hưởng nhưng bắt đầu suy yếu từ khi có khủng bố trắng.

c) An Nam Quốc dân đảng cũng được tổ chức bởi trí thức và giai cấp tiểu tư sản. Từ khi bị khủng bố trắng, lực lượng chủ yếu của họ bị tiêu diệt và số còn lại thì phân hóa thành nhiều phe phái: Cánh tả thì quan hệ chặt chẽ với chúng tôi, cánh hữu thì đang trở thành như những người manh động.

d) Hội An Nam Thanh niên Cách mạng do chúng tôi tổ chức từ năm 1925. Có thể nói rằng, nó là quả trứng, mà từ đó, nở ra con chim non cộng sản (Đảng Cộng sản). Con chim ra đời, cái vỏ bị phá huỷ gần hết do chính sách sai lầm của những người cộng sản. Phần còn lại của nó chịu ảnh hưởng và chịu sự lãnh đạo của chúng tôi trong công tác vận động quần chúng. Từ nay, với chính sách đúng và với sự thống nhất, chúng tôi có thể chắc rằng Đảng Cộng sản sẽ tiến bộ nhanh chóng.

e) Mặc dù non trẻ và nhỏ bé, Đảng Cộng sản được tổ chức tốt nhất và hoạt động mạnh nhất trong tất cả các lực lượng. Chúng tôi có:

Xiêm: 40 đảng viên chính thức và dự bị.

Bắc Kỳ: 204 đảng viên chính thức và dự bị.          

Nam Kỳ: 51đảng viên chính thức và dự bị.

Trung Quốc và nơi khác: 15.

(Trung Kỳ thì ghép vào Bắc Kỳ và Nam Kỳ).

Các tổ chức quần chúng:

Bắc Kỳ: 2.747 hội viên

Nam Kỳ: 327 hội viên

Xiêm: 500 hội viên

Hồng Công: 14 hội viên

Thượng Hải: 14 hội viên

Nên nhớ rằng, từ khi Hội An Nam Thanh niên Cách mạng tan rã, hai nhóm cộng sản sử dụng nhiều - nếu không nói là tất cả - nghị lực và thời gian trong cuộc đấu tranh nội bộ và bè phái.

g) Tình hình kinh tế và chính trị nói chung sẽ được báo cáo sau vì lúc này không có tài liệu.

G. Phong trào đình công

Tên địa phương

Tháng

Nghề nghiệp

Hà Nội

6-1929

Công nhân cơ khí

Sài Gòn

6

"

Đà Nẵng

6

"

Hải Phòng

6

Công nhân thuỷ tinh

Nam Định

6

Công nhân điện

Hải Phòng

7

Công nhân dệt lụa

Rạch Giá

8

Công nhân kéo xe

Thủ Dầu Một

8

Công nhân đồn điền

Sài Gòn

9

Công nhân khách sạn

Chợ Lớn

9

Công nhân nhà in Trung Quốc

Bắc Ninh

9

Công nhân làm gạch

Hải Phòng

9

Công nhân hãng dầu lửa

Cần Thơ

9

Công nhân kéo xe

Bến Tre

9

"

Mai Mot

9

Phu đồn điền

Trà Vinh

10

"

Rạch Giá

10

"

Kiến An

11

Công nhân kéo xe

Châu Đốc

11

"

Nam Định

12

Công nhân xây dựng

Hải Phòng

12

Công nhân xi măng

(Bản Thống kê này không đầy đủ, mà chỉ là điều tôi biết vào thời gian hiện giờ).

H. Khủng bố trắng

Bị bắt giữ, kết án từ 2 năm đến 20 năm, lưu đày, tống giam vào nhà ngục:

407 đàn ông

14 con gái và đàn bà

Bị kết án chung thân: 7

Xử tử theo luật hình: 4 (tôi là một trong số họ)

Chết trong tù: 3

Bị bắn chết: 1

I. Những kiến nghị

1) Singapo. Đảng bộ Singapo đã viết thư cho chúng tôi nói rằng Đảng Cộng sản Việt Nam sẽ ở dưới sự chỉ dẫn của Singapo. Nhưng xét về hoàn cảnh địa lý (Nga - Trung Quốc - An Nam) cũng như hoàn cảnh chính trị (Đảng mạnh hơn, công nghiệp phát triển ở Bắc Kỳ hơn ở Nam Kỳ), tôi kiến nghị rằng Đảng Cộng sản Việt Nam sẽ được sự chỉ dẫn từ Thượng Hải qua Hồng Công.

Tuy nhiên Đảng Cộng sản Việt Nam phải quan hệ thật chặt chẽ với Singapo. Vì lẽ đó, tôi đề nghị Đảng Cộng sản Trung Quốc gửi một bức thư giới thiệu để chúng tôi có thể phái một đồng chí An Nam làm việc với Singapo.

2) Xiêm. Tôi yêu cầu Đảng Cộng sản Trung Quốc gửi một bức thư khác và địa chỉ của đồng chí lãnh đạo nào đó (Trung Quốc) tại Xiêm để các đồng chí An Nam ở nước này có thể làm việc với các đồng chí Trung Quốc.

3) Sài Gòn. Trong chừng mực tôi biết thì có khoảng 200 đồng chí Trung Quốc ở đó. Nhưng họ hoạt động rất ít vì họ không có người lãnh đạo có năng lực.

Tôi đề nghị Đảng Cộng sản Trung Quốc:

(a) Phái một số đồng chí lãnh đạo đến đó.

(b) Các đảng bộ Trung Quốc và An Nam ở đó, mỗi Đảng sẽ có 1 đại biểu hoặc nhiều hơn để thành lập một văn phòng. Văn phòng này phải:

(1) Phối hợp công tác của họ với nhau nhằm giải quyết quyền lợi của cả người Trung Quốc và An Nam.

(2) Làm tốt nhất việc xếp đặt các đồng chí Trung Quốc hay An Nam làm công dưới tàu thuỷ đi Singapo, Sài Gòn, Hải Phòng, Hồng Công, Thượng Hải để giải quyết tốt hơn giao thông liên lạc của chúng ta.

(3) Bất cứ khi nào một đồng chí Trung Quốc bị cảnh sát làm khó khăn4, các đồng chí An Nam phải bảo vệ họ, và "ngược lại".

4) Bắc Kỳ. Có một số lớn công nhân Trung Quốc ở Bắc Kỳ, đặc biệt là ở Hải Phòng và Hà Nội. Hơn nữa, hai thành phố này và các vùng miền ngược là đường duy nhất dễ dàng cho sự thông thương với Quảng Tây và Vân Nam, tôi kiến nghị Đảng Cộng sản Trung Quốc phái một số đồng chí có khả năng đến công tác ở những thành phố đó.

5) Vân Nam. Có chừng 2.000 người Trung Quốc và nhiều hơn một chút là công nhân An Nam ở ngành đường sắt Vân Nam . Tôi nghe nói có các đồng chí Trung Quốc ở đó.

Tôi hỏi địa chỉ của vài người trong số các đồng chí đó để chúng tôi có thể phái một số đồng chí An Nam đến phối hợp với họ.

6) Quảng Tây. Bắc Ninh, Cao Bằng, Lạng Sơn và những tỉnh khác của An Nam ở vùng đó rất quan trọng về chiến lược đối với Quảng Tây. Trước đây, chúng tôi đã có năm đồng chí làm việc ở đó. Mới đây tất cả họ đều đã bị bắt. Tôi kiến nghị phái những người khác đến. Nhưngchúng tôi phải bàn xem thực hiện việc đó như thế nào.

7) Hồng Công. Sự hiểu biết về lý luận và chính trị của các đồng chí An Nam rất thấp, việc học tập và đọc sách báo ở thuộc địa gần như không có được. Thượng Hải thì quá xa. Do đó, tôi đề nghị tổ chức một lớp học ở Hồng Công. Chúng tôi phải thảo luận xem nên tổ chức lớp học đó thế nào.

8) Thượng Hải. Có binh lính An Nam ở đây. Chúng tôi phải bàn xem nên làm việc với họ như thế nào.

K. Những vấn đề như phái những đồng chí An Nam đến học ở trường Đại học, vấn đề kinh tế, cương vị công tác của tôi, v.v.. Tôi nghĩ là tôi sẽ nói với các đồng chí khi chúng ta gặp nhau thì tốt hơn.

Một lần nữa tôi đề nghị gặp các đồng chí, càng sớm càng tốt, vì các đồng chí của tôi có thể cần tôi ở Hồng Công đúng vào lúc này.

L. Tôi rời Hồng Công vào ngày 13-2. Cho tới khi đó tôi không nhận được tin tức gì từ Pháp và hai đồng chí An Nam. Tôi rất lo lắng về họ.

Tái bút: Đồng chí thân mến, tôi mong được gặp đồng chí càng sớm càng tốt. 1- Vì báo cáo này viết đã được hai ngày mà vẫn chưa đến tay đồng chí. Như vậy quá chậm trễ. 2- Chúng ta có thể giải quyết tất cả những vấn đề này trong vòng vài giờ nhưng tôi đã mất tám ngày rồi. 3- Tôi buộc lòng phải đợi, không biết làm gì cả, trong khi đó công việc khác đang chờ tôi.

N.A.Q

Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia,
 Hà Nội, 2000, t.3, tr.11-18

Năm điểm lớn

1. Bỏ mọi thành kiến xung đột cũ, thành thật hợp tác để thống nhất các nhóm cộng sản Đông Dương;

2. Định tên Đảng Cộng sản Việt Nam;

3. Thảo Chính cương và Điều lệ sơ lược của Đảng;

4. Định kế hoạch thực hiện việc thống nhất trong nước;

5. Cử một Ban Trung ương lâm thời gồm 9 người, trong đó có hai đại biểu chi bộ cộng sản Trung Quốc ở Đông Dương.

Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia,
Hà Nội, 2000, t.3, tr.561.       

Kim Yến (Tổng hợp)
Còn nữa

Bài viết khác: