Hệ thống Trợ năng

Thứ hai, 20/01/2025

 

7 truong sa dat vao nguoi  anh 1
Đảo Song Tử Tây nhìn từ phía Đông

Tiếng gáy của chim gù cất lên như một điệu sáo diều ngân nga, trầm ấm như một nốt nhạc trầm. Tôi như thấy trước mặt đồng lúa chín vàng, vườn cây trái xum xuê bóng mát.

“... Tình nghĩa quân dân ân tình như biển/Đất với người hóa cột mốc tiền tiêu”. Câu thơ của anh Trần Vũ Lân, Phó Chủ tịch UBND xã đảo Song Tử Tây đọc trong buổi tiếp Đoàn phóng viên ra công tác tại Quần đảo Trường Sa cứ ngân nga mãi, theo chúng tôi trong suốt hải trình thăm các đảo chìm, đảo nổi. Và những câu chuyện mà tôi ghi được trên huyện đảo Trường Sa lần này cũng xoay quanh hai từ: Đất và người.

300 năm trước đây, các đội “hùng binh Trường Sa” của triều đình Nhà Nguyễn xuất phát từ Cù Lao Ré (đảo Lý Sơn ngày nay) ra Hoàng Sa, Trường Sa thay mặt triều đình làm nhiệm vụ quản lý chủ quyền lãnh thổ phải đi mất ba ngày, ba đêm trong điều kiện thời tiết thuận lợi. Còn bây giờ, chúng tôi đi tàu HQ 936, từ quân cảng Cam Ranh, đè lên những con sóng bạc đầu trong điều kiện gió giật cấp 6 và mới đến ngày thứ hai, khi tôi còn mơ màng trong giấc ngủ, đã thấy phóng viên Dương Hồng Lâm (báo Nhân Dân) lay lay và nói lớn:

- Dậy! Anh em dậy mà xem này, đã thấy đảo rồi đó!

Tôi mở mắt. Chao! Bình minh ở Trường Sa đến sớm nhất cả nước có khác. Đồng hồ của tôi mới chỉ 5 giờ kém 15 mà đất trời đã bừng sáng. Ánh nắng sáng chói, hắt vào người mang hương vị mặn mòi của biển. Sóng biển khiến tôi tỉnh giấc thật nhanh. Bên mạn tàu, một đàn cá heo 5 chú thích thú phóng mình lên khỏi mặt nước rồi lặn sâu vào lòng biển theo nhịp đập sóng tàu. Trước mũi, một đàn hải âu chao lượn. Đúng là đã đến đảo thật rồi. Xã đảo Song Tử Tây, hòn đảo nhiều nắng nhất Trường Sa hiện ra xanh ngút tầm mắt...

Lên đảo. Tôi bám theo Thượng tá Trịnh Lương Vượng, Đoàn phó Đoàn Trường Sa (Vùng D, Quân chủng Hải quân), đồng thời là Phó Trưởng Đoàn công tác Trường Sa lần này. Tôi đã ngầm “theo dõi” và thấy cán bộ, chiến sĩ rất “sợ” anh Vượng. Nhóm sĩ quan trẻ hễ định làm gì đó “chệch chuẩn” một chút thường bảo nhau: “Cẩn thận kẻo “bố Vượng" biết, không qua được mắt “bố” ấy đâu”. Hỏi thêm, tôi biết anh Vượng là một trong những sĩ quan đã có mặt làm nhiệm vụ tại Trường Sa ngay sau những ngày quần đảo được giải phóng (tháng 4/1975). Gần 40 năm quân ngũ, anh đã công tác trên rất nhiều hòn đảo, đặc biệt là những đảo lớn như Trường Sa, Song Tử Tây... Thượng tá Hồ Xuân Ưng, Phó Chủ nhiệm chính trị Đoàn Trường Sa ghé tai tôi nói nhỏ: “Ở Quần đảo Trường Sa này, hơn 100 đảo, bãi đá, bãi cạn, bãi ngầm... anh Vượng thuộc như lòng bàn tay. Cần thông tin gì, cứ hỏi là anh ấy sẽ biết. Nhưng phải cẩn thận, tính anh ấy thẳng tưng, bắn súng không cần ngắm, anh em gọi là Vượng “cối” mà”. Biết vậy, nên tôi cứ bám chắc lấy anh Vượng, hy vọng sẽ phát hiện ra điều gì đó thú vị.

Quả nhiên, anh Vượng vừa đặt chân vào sân nhà chỉ huy của đảo, đã có những tiếng chim cu gáy vọng ra chào mừng: “Cúc cù, cúc cù”. Mắt anh Vượng sáng lên, chạy về chỗ đôi chim gáy, miệng “cúc cù, cúc cù” đáp lễ. Hai con chim gáy, vỗ cánh loạt soạt, tỏ ý như muốn bay ra khỏi lồng để đón ông chủ lâu ngày không gặp.

Trên hòn đảo nhỏ giữa đại dương mênh mông, bỗng nghe tiếng chim gáy gù chào khách, cảm giác thanh bình thật đặc biệt. Anh Vượng bảo, đôi chim gáy này, năm 2006, từ đất liền bay theo tàu chở những người lính thợ của Đơn vị Công binh T3 ra đảo. Anh em bộ đội công binh quý lắm, đem biếu anh Vượng, lúc đó là Đảo Trưởng đảo Song Tử Tây.

Anh Vượng vốn quê ở Quảng Xương (Thanh Hóa), một huyện đồng bằng ven biển, từ hàng trăm năm trước đã nổi tiếng với nghề thuần dưỡng chim gáy. Tuổi thơ anh gắn với đồng bãi, những rặng tre xanh và tiếng chim gáy đổ đồng mỗi mùa lúa chín. Được tặng đôi chim gáy, anh Vượng lặng lẽ làm lồng nuôi. Có người bảo, đảo nhỏ thế này, cần gì lồng nhốt, cứ để nó bay lượn khắp đảo cho vui. Anh Vượng bảo: Chim gáy là loại chim rừng nhưng rất đặc biệt, rất gắn bó với người nông dân và chỉ nuôi trong lồng chật, tiếng gù của nó mới hay.

7 truong sa dat vao nguoi  anh 2
Chim gáy giọng kim trên đảo Song Tử Tây

Chuyện anh Vượng nuôi chim gáy sau đó bỗng trở thành vấn đề “thời sự” của quân và dân trên đảo. Đôi chim gáy của Đảo trưởng trong phút chốc bỗng được bộ đội tiến cử làm "đại diện Đồng bằng sông Hồng". Chuyện là: Đoàn thanh niên trên đảo tổ chức diễn đàn thanh niên, tìm hiểu, phát hiện về những nét đặc trưng văn hóa Việt Nam trên đảo. Đảo Song Tử Tây có rất nhiều di chỉ văn hóa của người Việt cổ, với sự góp mặt của vô số những mảnh bình, vò, hũ, vại, nồi, bát, đĩa thuộc nền văn hóa Đông Sơn, văn hóa Sa Huỳnh và văn hóa Lý-Trần. Đặc biệt, cán bộ, chiến sĩ Đảo Song Tử Tây vẫn thường nhặt được những đồng tiền thời nhà Nguyễn và nhiều hiện vật khác trên vách con đê cũ bao quanh đảo. Trong lúc anh em đang mải liệt kê thì một chiến sĩ quê ở Thái Bình thốt lên:

- Đôi chim gáy của Đảo trưởng, đích thị là đại biểu của Đồng bằng sông Hồng quê tôi đang có mặt ở đây.

Tiếng vỗ tay hưởng ứng của bộ đội vang lên rào rào. Tranh thủ lúc nghỉ giải lao, anh em ùa ra chỗ đặt hai chiếc lồng nuôi chim gáy. Bộ đội ở Song Tử Tây tập hợp từ rất nhiều miền quê: Quảng Ninh, Thái Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Khánh Hòa, Đồng Nai... Mỗi miền lại có một hiểu biết riêng về chim gáy, thế là tranh luận nổ ra. Người bảo đôi chim gáy này có lông trắng ở cánh và tiếng gáy của con trống đang “hội hai”- tức là một tiếng gáy, một tiếng gù đi kèm nhau - đúng là chim quý, trong đất liền cũng khó kiếm. Có anh lại bảo: Các loài chim chỉ con trống mới biết gáy, con mái chỉ biết hót nhưng riêng cu gáy sống gần gũi với ruộng đồng nên bị “đồng hóa”, con nào cũng “gáy” được, đố phân biệt được chim trống, chim mái. Thế là “cãi” nhau to (cuộc tranh cãi đến giờ vẫn chưa chấm dứt). Mấy anh đã từng nuôi chim gáy hồi nhỏ bảo: Con nào mỏ to, gồ, khi đứng trên cầu đuôi hay cụp xuống, khi gáy có khả năng đảo giọng thì chắc chắn đó là chim trống. Thế nhưng, đến khi anh em yêu cầu phân biệt đâu là con trống, đâu là con mái trong cặp chim của đảo thì anh nào cũng... lúng túng bởi chúng khá giống nhau...

7 truong sa dat vao nguoi  anh 3
Chuồng của đôi chim cu gáy đặt giữa đảo.

Chuyện cánh lính trẻ tranh luận và yêu quý đôi chim gáy không biết có đến tai Đảo trưởng Trịnh Lương Vượng? Chỉ thấy Ban Chỉ huy đảo dường như cưng chiều đôi chim hơn. Đôi chim cũng chiều lòng bộ đội, không chỉ biết gáy “hội hai” mà còn biết gù đôi, gù nhại rất hay. Anh Vượng cho biết: “Con chim trống này rất đặc biệt, chiến sĩ trẻ cứ gù trêu nó là nó gù lại, rất dài: Cúc cù, gù gù gù” như thể đối đáp: Đừng có trêu tôi”. Không giống như những loài chim khác chỉ có một loại giọng nhất định, chim gáy có nhiều loại giọng khác nhau, thường được chia làm hai loại là tiếng thổ (giọng trầm, ấm) và tiếng kim (giọng thanh, cao). Giọng thổ là giọng được ưa chuộng nhất của chim gáy trống. Và rất vô tình, đôi chim trên Đảo Song Tử Tây hội đủ một con giọng kim, một con giọng thổ. Có điều, chim gáy chỉ ăn thóc, đỗ xanh... chứ không ăn được thức ăn từ biển. Ban đầu, anh Vượng cũng lo: Trên đảo, gạo sẵn nhưng thóc hiếm; đỗ xanh thì đã có định mức, dành để ủ giá thay rau xanh phục vụ bữa ăn của bộ đội. “Đôi chim này mỗi năm chẳng tốn đến dăm chục cân đỗ xanh ấy chứ. Nuôi nó không khéo vi phạm tiêu chuẩn của bộ đội” - Đảo phó Phạm Văn Hà tinh nghịch “chọc” Đảo trưởng. Anh Vượng xung phong nhường toàn bộ “khẩu phần” đỗ xanh của mình cho đôi chim nhưng tính ra không đủ.

Đó là chuyện mấy anh em trong Ban Chỉ huy đảo nói vui với nhau. Chẳng dè, cánh lính trẻ tưởng Thủ trưởng lo chim thiếu thức ăn thật, sợ đôi chim sẽ bị “trảm”. Vì vậy, hằng ngày, khi anh Vượng thức dậy, ra thăm thì thấy hai lồng chim đã đầy những hạt đỗ xanh của mấy chiến sĩ trẻ lén bỏ vào. Chiều chiều, những anh đam mê chim gáy thường quây quần bên lồng, anh nào cũng “thủ thỉ” với nhà bếp xin ít hạt đỗ xanh làm quà cho bạn quý... Đến bây giờ, khi đôi chim được “công nhận” là “tài sản” chung của cả đảo, nhiều người hết thời gian công tác, trở về đất liền đã gửi quà cho chim bằng những hạt thóc của đồng đất quê nhà thì vấn đề “lương thực” của đôi chim gáy mới không còn “nóng bỏng” nữa. Một đôi lồng to, đẹp đã được “khánh thành” trước khi Đảo trưởng Vượng chia tay anh em về đất liền nhận nhiệm vụ mới.

Đó là câu chuyện đầu tiên tôi nghe được khi đặt chân lên Đảo Song Tử Tây. Sau bữa cơm trưa, anh Vượng cùng Đoàn công tác đi nghỉ bên dãy nhà cạnh hai chiếc lồng chim. 13 giờ 15 phút, tiếng gáy của chú chim trống vang lên thay hồi còi báo thức. Tiếng gáy của chú được cất lên như một điệu sáo diều ngân nga, trầm ấm như một nốt nhạc trầm. Tôi như thấy trước mặt đồng lúa chín vàng, vườn cây trái xum xuê bóng mát. Và bất giác, bài thơ "Vòng cườm trên cổ chim cu" của nhà thơ Chế Lan Viên vang lên trong tôi: "Chỗ cành xanh là cỗ chim gù/Hồn đất nước theo tiếng chim dân dã/Như chửa nghe bao giờ/Mà như đã/Nghe rồi. Tự đâu trời xa xửa xa xưa...”.

CHUYÊN ĐỀ ĐẤT NƯỚC VÀ CON NGƯỜI (ĐÀI PT&TH CÀ MAU)
Theo http://vovgiaothong.vn
Kim Yến (st)

Bài viết khác:

Bài viết liên quan: