Chủ nhật, 22/12/2024

Chỉ mục bài viết

Phần 1. Giai đoạn 1890 - 1929

Tháng 5, ngày 19, năm 1890: Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Tháng 5, ngày 22, năm 1893: Nguyễn Sinh Cung (tên thời niên thiếu của Bác Hồ) chịu tang ông ngoại (mất ngày 7 tháng 4 năm Quý Tỵ ).

Tháng 5- 1901: Nguyễn Sinh Cung đón nhận tin thân phụ đậu Phó bảng khoa thi Hội Tân Sửu, năm Thành Thái thứ 13.

Cuối tháng 5-1906: Nguyễn Tất Thành cùng Nguyễn Tất Đạt theo cha vào Huế trong dịp ông Nguyễn Sinh Huy vào kinh đô nhậm chức.

Những người đỗ cùng khoa với ông Nguyễn Sinh Huy đều đi làm thừa biện từ năm 1903, sau kỳ thi hai năm. Ông Nguyễn Sinh Huy không muốn đi làm quan, đã một vài lần lấy cớ ốm đau, chịu tang mẹ vợ, v.v. để nấn ná ở lại quê nhà. Song không thể trì hoãn thêm được nữa, cuối tháng 5-1906, ông phải vào Huế để chờ bổ nhiệm.

* Năm 1920:

-Tháng 5, ngày 1, Nguyễn Ái Quốc dự mít tinh kỷ niệm Ngày 1-5 với nhóm đảng viên Xã hội ở Cremlanh - Bixéttơrơ (Kremlin - Bicêtre). Anh đã lên diễn đàn, đề cập đến vấn đề đang được bàn trên báo L'Humanité: "Chương trình hoạt động của nhóm Xã hội đòi ngừng gửi người thuộc địa sang Pháp".

- Tháng 5, ngày 2: Nguyễn Ái Quốc đến Bệnh viện Van đơ Graxơ (Val de Grâce) nơi quản Lâm làm việc để thăm anh, anh bị phạt không được ra khỏi bệnh viện, vì anh đã đình công hôm 30-4. Nguyễn Ái Quốc đã đem báo đến cho Lâm cùng những tin tức của Ngày 1-5.

- Tháng 5, ngày 5: Bài viết của Nguyễn Ái Quốc, nhan đề Tại Đông Dương đăng trên báo L'Humanité. Bài viết nêu rõ:"Tại Hải Phòng cũng có những buổi đình công của lính thuỷ. Sự kiện này đã diễn ra vào ngày 15-8 vừa qua, khi hai chiếc tàu sửa soạn đưa một số lớn lính thợ An Nam sang Xiri.

Tốp thợ trên đã từ chối không chịu làm việc, lấy cớ là họ không được trả lương bằng tiền đồng. Hiện thời giá đồng bạc Đông Dương được vào "khoảng 10 quan thay vì 2 quan 50". Những hãng chuyên chở hàng hải này đã lợi dụng một cách quá đáng, họ trả lương thuỷ thủ bằng tiền phrăng, trong lúc đó công chức được lĩnh đồng bạc Đông Dương.

Người ta bắt mọi người rời khỏi tàu, và những người trong ê kíp đều bị bắt".

Bài báo viết: "Chúng tôi quyết liệt chống việc gửi lính người An Nam sang Xiri".

Nguyễn Ái Quốc tố cáo: "Nước Pháp đã để hàng ngàn đồng bào chúng tôi chết đói, và hàng ngàn người bị làm bia thịt cho đạn đại bác ở vùng Trung Đông. Đó là cách nước Pháp đã bảo hộ chúng tôi!".

- Tháng 5, ngày 13: Nguyễn Ái Quốc đưa cho Mácxen Casanh bản thảo cuốn sách Những người bị áp bức để nhờ đề tựa. Nguyễn Ái Quốc nói rằng Ban Quản lý báo L'Humanité đã hứa sẽ in quyển sách này không lấy tiền, báo L'Humanité sẽ bán sách để thu lại vốn. Nguyễn Ái Quốc còn nói sẽ đưa đến cho Chủ tịch nhóm phụ nữ để xin đề tựa.

* Năm 1921:

- Tháng 5, ngày 7: Bài viết của Nguyễn Ái Quốc nhan đề Quyền của những người lính chiến, đăng trên báo La Vie Ouvriève, số 105.

Tác giả tố cáo những lời lẽ mị dân, giả dối, lừa bịp của Clêmăngxô (Clémençeau) và vạch trần thực chất cái gọi là "Quyền của những người lính chiến", chỉ là quyền tự do giết hại đồng loại để bảo vệ những két bạc kếch sù của giai cấp tư sản đã được tạo ra bằng mồ hôi của giai cấp công nhân và chứa đầy xương máu của binh lính Pháp và binh lính bản xứ. Đó cũng là quyền tự do tàn sát nhân dân các nước thuộc địa để mang lại lợi nhuận cao nhất cho bọn tư bản...

Nguyễn Ái Quốc kêu gọi giai cấp công nhân và nhân dân lao động Pháp hãy đoàn kết với nhân dân các nước thuộc địa, đấu tranh chống bọn sát nhân và bọn cá mập thuộc địa để bảo vệ nhân phẩm, tự do và công lý.

- Tháng 5, ngày 15: Buổi sáng, buổi chiều và buổi tối, Nguyễn Ái Quốc tham dự cuộc họp Hội đồng toàn quốc Đoàn Thanh niên Cộng sản, tổ chức tại phòng Êgalitê phố Sămbrơ ê Mơdơ (Chambre et Meuse).

Tháng 5, ngày 17: Nguyễn Ái Quốc dự cuộc họp Chi bộ Đảng Xã hội (SFIC) Quận 13, tại 167 phố Soadi.

- Tháng 5, ngày 22: Nguyễn Ái Quốc nhận được thư của Mác Clanhvin Blôngcua (Max Clainville Bloncourt), trả lời về thủ tục miễn thuế trực thu trong thời gian bị động viên nhập ngũ.

- Tháng 5, ngày 29: Nguyễn Ái Quốc tham gia cuộc biểu tình do Đảng Xã hội (SFIC) tổ chức tại nghĩa trang Perơ Lasedơ (Père Lachaise) để tưởng niệm "Tuần lễ đẫm máu". Trong khi biểu tình, Nguyễn Ái Quốc có xô xát với cảnh sát và bị đàn áp, Nguyễn Ái Quốc chạy thoát.

Nguyễn Ái Quốc còn dự cuộc họp do nhóm đoàn viên thanh niên cộng sản tổ chức tại phòng họp Blăngki, số nhà 94 đại lộ Blăngki (Blanqui), nghe thuyết trình của một số diễn giả: Vidan, Báckisô, Ráppôpo, Penlơchiê, Văngđôm, P.Vayăng Cutuyariê.

Một số việc khác trong tháng 5-1921:

Bài viết của Nguyễn Ái Quốc nhan đề Đông Dương, đăng trên tạp chí La Revue Communiste, số 15, tháng 5-1921.

Tác giả đã phân tích điều kiện địa lý, lịch sử của châu Á và Đông Dương để chứng minh cho luận điểm của mình rằng "chế độ cộng sản có thể áp dụng được ở châu Á nói chung và ở Đông Dương nói riêng". Đồng thời nêu lên trách nhiệm của những người cộng sản phải truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin. "Chúng tôi phải nói lên ở đây để những đồng chí của chúng ta có nhiệt tình truyền bá chủ nghĩa cộng sản và thực tâm muốn giúp đỡ những người lao động lật đổ ách của những kẻ bóc lột và đi vào gia đình chung của giai cấp vô sản quốc tế, để cho những người đồng chí đó có thể giúp đỡ chúng tôi, một cách có hiệu quả".

Kết thúc bài báo, tác giả vạch rõ mối quan hệ khăng khít giữa phong trào cách mạng của nhân dân châu Á với phong trào của giai cấp công nhân, nhân dân lao động ở phương Tây và dự đoán về một khả năng có thể xảy ra: "Ngày mà hàng trăm triệu người dân châu Á bị tàn sát và áp bức thức tỉnh để gạt bỏ sự bóc lột đê tiện của một bọn thực dân lòng tham không đáy, họ sẽ hình thành một lực lượng khổng lồ, và trong khi thủ tiêu một trong những điều kiện tồn tại của chủ nghĩa tư bản là chủ nghĩa đế quốc, họ có thể giúp đỡ những người anh em mình ở phương Tây trong nhiệm vụ giải phóng hoàn toàn".

* Năm 1922:

- Tháng 5, ngày 1: Nguyễn Ái Quốc bắt đầu làm thợ ảnh cho ông Lenê (Lainé) ở nhà số 7 ngõ Côngpoanh. Người đề nghị được làm công nhật và có thể nghỉ buổi chiều để làm việc riêng. Cùng ngày, bài viết của Nguyễn Ái Quốc, nhan đề Động vật học, đăng trên báo Le Paria, số 2.

Bài báo cho biết, trong giới động vật ngày nay, còn có một loài vật "có thể được liệt vào hàng đầu trong giới động vật" do số lượng và chất lượng của nó. Loài động vật này có nguồn gốc lâu đời như nguồn gốc loài người, cấu tạo thể chế hết sức kỳ lạ, da màu vàng hoặc màu đen chứ ít khi trắng, đi bằng hai chân, sống ở một địa bàn rất rộng trên trái đất, thịt của nó không ăn được, nhưng máu và mồ hôi của nó lại là "những thứ không thể thiếu để làm béo những cái máy làm dồi thịt".

Cái giống vật kỳ dị đó, theo tác giả bài báo, có tên khoa học là "Dân bản xứ thuộc địa (Colonial Indigéna) nhưng tuỳ theo từng vùng mà nó có tên gọi khác nhau: Người An Nam, người Mangát, người Angiêri, người Ấn Độ, v.v..".

Cùng ngày, Nguyễn Ái Quốc nhận một thư mời ký tên Môngnécvin dự cuộc họp của Hội Liên hiệp thuộc địa triệu tập tại số 16 Xanh Xêvêranh (St Sévérin) Libơreri Pôxtivixtơ (Librairie Postiviste).

Buổi tối, Nguyễn Ái Quốc đã dự cuộc mít tinh kỷ niệm Ngày 1-5 tại số 33 La Gơrănggiơ ô Benlơ (La Grange aux Belles).

- Tháng 5, ngày 7: Nguyễn Ái Quốc họp Chi bộ Quận 17 Đảng Cộng sản Pháp tại phòng Địa Cầu.

- Tháng 5, ngày 14: Nguyễn Ái Quốc dự cuộc mít tinh phản đối chiến tranh do Đảng Cộng sản Pháp và Công đoàn cách mạng quận Xen tổ chức ở Medông đê Phêđêraxiông (Maison des Fédérations), số 33 phố La Gơrănggiơ Ô Benlơ.

- Tháng 5, ngày 24: Tuyên ngôn của Hội liên hiệp thuộc địa, do Nguyễn Ái Quốc thảo đã được thông qua tại Hội đồng nghiên cứu vấn đề thuộc địa của Hội liên hiệp thuộc địa.

Tuyên ngôn nêu rõ mục đích của hội là tập hợp mọi người dân thuộc địa cư trú trên đất Pháp nhằm tố cáo trước dư luận những tội ác của chủ nghĩa thực dân, tuyên truyền giác ngộ nhân dân các thuộc địa đứng lên tự giải phóng. Hội đoàn kết nhân dân các nước thuộc địa trong mặt trận chung chống chủ nghĩa đế quốc và xây dựng quan hệ đoàn kết chiến đấu giữa nhân dân các nước thuộc địa với giai cấp công nhân và nhân dân lao động Pháp.

Tuyên ngôn có đoạn viết:

"Anh em phải làm thế nào để được giải phóng?

"Vận dụng công thức của Các Mác chúng tôi xin nói với anh em rằng, công cuộc giải phóng anh em chỉ có thể thực hiện được bằng sự nỗ lực của bản thân anh em.

"Hội liên hiệp thuộc địa thành lập chính là để giúp đỡ anh em trong công cuộc ấy".

Cuối cùng, Tuyên ngôn kêu gọi:

"Hỡi các bạn bị áp bức ở chính quốc! Giai cấp tư sản trong nước các bạn đã lừa dối các bạn, dùng các bạn làm công cụ đi xâm lược đất nước chúng tôi. Ngày nay, vẫn dùng cái chính sách quỷ quyệt ấy, giai cấp tư sản nước các bạn lại định dùng chúng tôi để đàn áp mọi cố gắng tự giải phóng của các bạn.

"Đứng trước chủ nghĩa tư bản và chủ nghĩa đế quốc, quyền lợi của chúng ta là thống nhất, các bạn hãy nhớ lời kêu gọi của Các Mác:

"Vô sản tất cả các nước, đoàn kết lại!"

Hội liên hiệp thuộc địa".

- Tháng 5, ngày 25: Bài viết của Nguyễn Ái Quốc nhan đề Mấy ý nghĩ về vấn đề thuộc địa, đăng trên báo L'Humanité.

Tác giả bài báo cho rằng Đảng Cộng sản Pháp cần phải có một kế hoạch hoạt động đúng đắn, một chính sách thiết thực và có hiệu quả đối với vấn đề thuộc địa, chứ không thể thoả mãn với những bản tuyên ngôn nặng về tình cảm, và nêu lên những khó khăn chủ yếu trong hoạt động của Đảng hiện tại như diện tích các thuộc địa rất rộng; tình trạng thờ ơ của giai cấp vô sản chính quốc đối với các thuộc địa; tình trạng dốt nát của người dân bản xứ; những thành kiến từ cả hai phía giữa công nhân chính quốc với dân bản xứ; sự đàn áp dã man của bọn thực dân Pháp.

Bài báo kết luận: "Trước những khó khăn ấy, Đảng phải làm gì? Tăng cường công tác tuyên truyền của Đảng để khắc phục".

- Tháng 5, ngày 29: Bài viết của Nguyễn Ái Quốc nhan đề Dưới cuộc "khai hoá cao cả", đăng trên báo La Vie Ouvrière. Tác giả nêu một số dẫn chứng cụ thể về sự đối xử dã man của bọn thực dân Pháp đối với nhân dân các nước thuộc địa, để vạch trần luận điệu bịp bợm "sự nghiệp khai hoá cao cả" của Anbe Xarô - Bộ trưởng Bộ Thuộc địa Pháp, khi ông ta tuyên bố với nhóm thuộc địa trong Hạ nghị viện Pháp.

- Tháng 5, ngày 30: Nguyễn Ái Quốc dự cuộc mít tinh do Đảng Cộng sản Pháp tổ chức tại phòng Pranhtania (Printania) số 123 đại lộ Cơlisi (Clichy) để phản đối chiến tranh. Tại cuộc mít tinh, Mácxen Casanh, Môngmútxô và một số nhân vật có tiếng tăm đã phát biểu ý kiến.

- Tháng 5, ngày 30 và ngày 31: Truyện ngắn đầu tiên của Nguyễn Ái Quốc nhan đề Pari được đăng liền hai kỳ trên báo L'Humanité.

Dưới hình thức một bức thư, thông qua việc miêu tả chân thực gương mặt của một vùng Quận 17 Pari gồm ba xóm cư dân tiêu biểu cho "những thứ bậc xã hội" của nước Pháp: Giới thượng lưu, tầng lớp trung gian và những người thợ thuyền, tác giả thiên truyện muốn khái quát "đủ bộ mặt và đủ tâm lý của cả Pari, cả nước Pháp, cả vũ trụ", "cái sang trọng của bên này và cái đau khổ của phía kia", sự bất công giữa "một bên là giàu sang và nhàn rỗi, một bên là cần cù và thiếu thốn".

Trong tháng 5

Để tuyên truyền cái gọi là "công cuộc khai hoá thuộc địa" của chúng, thực dân Pháp đưa tên vua bù nhìn Khải Định sang dự Hội chợ thuộc địa tổ chức tại Mácxây năm 1922. Nhân dịp này, Nguyễn Ái Quốc viết vở kịch Con rồng tre để vạch trần bộ mặt bán nước hại dân của bọn vua quan phong kiến phản động làm tay sai cho đế quốc Pháp.

Đại ý vở kịch như thế này: Có những cây tre thân hình quằn quẹo. Những người chơi đồ cổ lấy về đẽo gọt thành con rồng. Nó là một đồ chơi. Là con rồng nhưng thật ra chỉ là một khúc tre. Là một khúc tre, nhưng lại hãnh diện có một tên hình dáng con rồng. Tuy vậy nó chỉ là một quái vật vô dụng.

Sau khi được đọc bản thảo vở kịch, ông Lêô Pônđét, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Phôbua đã đánh giá như sau: "Tôi đã đọc tập bản thảo. Thật là hay, thật là đẹp, lời văn vừa chải chuốt vừa gọn gàng, với những cái châm biếm dí dỏm của Arítxtôphan (Aristophane). Vở kịch này có đầy đủ ưu điểm để mang lên sân khấu".

Trong khoảng tháng 5-1922

Nguyễn Ái Quốc đem số báo Le Paria mới phát hành ở Pari đến biếu nhà văn Hăngri Bacbuýt (Henri Barbusse). Cũng đúng lúc ấy danh họa Picátxô đến rủ Nguyễn Ái Quốc và Hăngri Bacbuýt đi xem bộ phim Tư bản và tôn giáo của đạo diễn Giôrít Iven (Joris Ivens), người Hà Lan. Từ khi ra đời bộ phim đã bị cấm chiếu, và tác giả đã bị vua Hà Lan trục xuất ra khỏi đất nước của mình.

Xem xong bộ phim, Nguyễn Ái Quốc đã được các bạn bè đề nghị viết ngay một bài bình luận về nội dung bộ phim, tố cáo tư bản đã lợi dụng tôn giáo để áp bức và đi xâm lược các dân tộc để chiếm thị trường, và ca ngợi bản lĩnh nghệ sĩ tài hoa của Giôrít Iven. Bài báo ấy của Nguyễn Ái Quốc đã được đăng trên báo L'Humanité tháng 6-1922.

* Năm 1923:

- Tháng 5, ngày 2: Nguyễn Ái Quốc nhận đơn xin gia nhập Hội liên hiệp thuộc địa của một người tên là Valêriuýt Tômát Ăngtoan (Valérius Thomas Antoine) làm việc ở Khách sạn Brơtanhơ (Bretagne) Quận 14, Pari.

Tháng 5, ngày 10: Nguyễn Ái Quốc gửi thư cho cô Buđông (Boudhon) báo tin đã làm xong ảnh của cô. Anh tỏ ý muốn làm gấp đôi số ảnh và gửi lại một nửa “để kỷ niệm tình bạn của chúng ta”. Anh gửi kèm theo lá thư hai tấm ảnh của Buđông và tờ Le Paria số 14. Bức thư này bị trả lại vì “không có người nhận”.

- Tháng 5, ngày 15: Nguyễn Ái Quốc dự đám tang Bêrađanh (Béradin). Bêrađanh đã chết sau khi bị thương trong cuộc biểu tình ngày 1-5 tại phố La Grănggiơ Ô Belơ. Tất cả các đảng viên cộng sản đều dự đám tang này.

- Tháng 5, ngày 23: Nguyễn Ái Quốc họp Chi bộ 5 quận Xen tại số nhà 11 phố Graxiơ (Gracieux).

- Tháng 5, ngày 28:  Nguyễn Ái Quốc dự cuộc mít tinh kỷ niệm Công xã Pari tổ chức tại nghĩa trang Perơ Lasedơ, và đã phát truyền đơn cho những người trong Câu lạc bộ Phôbua.

Trong tháng 5-1923

Bài viết của Nguyễn Ái Quốc, ký tên N., nhan đề Các vị thống trị của chúng ta, đăng trên báo Le Paria, số 14.

Nhân vụ Mácxian Méclanh (Martial Merlin), nguyên Toàn quyền Tây Phi thuộc Pháp sắp được cử sang làm Toàn quyền Đông Dương để “cai trị đất nước mà Ngài không biết gì về nó cả”, tác giả bài báo đã vạch trần tâm địa của “các vị thống trị của chúng ta”, nhất là tâm địa của Anbe Xarô trong việc bổ nhiệm viên “tân thái thú” này.

* Năm 1924:

Tháng 5, ngày 14: Bài viết của Nguyễn Ái Quốc, nhan đề Sự phá sản của chế độ thực dân Pháp), đăng trên Tập san Inprekorr, bản tiếng Pháp, số 26.

Sau khi nhắc lại việc Anbe Xarô - Bộ trưởng Bộ Thuộc địa Pháp, một người "luôn luôn tự cho mình là một cường quốc thực dân số một biết cách thực dân", bị đuổi ra khỏi chính phủ, tác giả viết: "Việc cách chức này một lần nữa lại chứng tỏ cho chúng ta thấy rằng chế độ thực dân Pháp đã phá sản".

Bằng những số liệu cụ thể về nhập khẩu, xuất khẩu, tác giả khẳng định:

"Chế độ thực dân Pháp chỉ làm lợi cho một bọn đầu cơ, cho những tên chính khách bất lương và vô tài ở chính quốc, cho bọn buôn rượu và thuốc phiện, cho lũ con buôn vô liêm sỉ và bọn lý tài xấu xa".

- Tháng 5, ngày 16: Bài viết của Nguyễn Ái Quốc nhan đề Cách mạng Nga và các dân tộc thuộc địa, đăng trên báo La Vie Ouvrière. Mở đầu bài báo viết:

"Chủ nghĩa tư bản là một con đỉa có một cái vòi bám vào giai cấp vô sản ở chính quốc và một cái vòi khác bám vào giai cấp vô sản ở các thuộc địa. Nếu người ta muốn giết con vật ấy, người ta phải đồng thời cắt cả hai vòi. Nếu người ta chỉ cắt một vòi thôi, thì cái vòi kia vẫn tiếp tục hút máu của giai cấp vô sản; con vật vẫn tiếp tục sống và cái vòi bị cắt đứt sẽ lại mọc ra".

Bài viết nêu rõ cách mạng Nga "không vừa lòng với việc đọc những bài diễn văn rỗng tuếch và viết ra những quyết định "nhân đạo" đối với các dân tộc bị áp bức, mà cách mạng Nga dạy cho họ đấu tranh, giúp đỡ họ bằng tinh thần và vật chất như Lênin đã tuyên bố trong luận cương của Người về vấn đề thuộc địa".

Sự giúp đỡ nước Nga đã thực hiện qua một trong những việc quan trọng là thành lập Trường Đại học Phương Đông, nơi "sinh viên ăn, ở và mặc không phải mất tiền. Mỗi tháng mỗi sinh viên còn được lĩnh 5 đồng rúp vàng để tiêu vặt"...

"Người ta có thể nói không ngoa rằng "Trường Đại học Phương Đông ôm ấp dưới mái trường mình tất cả tương lai của các dân tộc thuộc địa".

Bài viết nêu rõ những việc mà Trường Đại học Phương Đông đã làm được là:

+ Giáo dục cho học viên nguyên lý đấu tranh giai cấp.

+ Làm cho giai cấp vô sản các nước thuộc địa tiếp xúc mật thiết với giai cấp vô sản phương Tây.

+ Làm cho các dân tộc thuộc địa hiểu biết nhau và đoàn kết với nhau.

+ Nêu một tấm gương cho giai cấp vô sản những nước "chính quốc" có thể và cần phải làm vì những người anh em mà họ đang bị áp bức.

- Tháng 5, ngày 20: Nguyễn Ái Quốc gửi thư cho Pêtơrốp, Tổng Thư ký Ban Phương Đông của Quốc tế Cộng sản. Bức thư viết bằng tiếng Pháp, gồm ba nội dung chính:

1. Nêu nguyên nhân đầu tiên đã dẫn tới sự suy yếu của các dân tộc phương Đông, đó là sự đơn độc. "Họ hoàn toàn không biết đến những việc xảy ra ở các nước láng giềng gần gũi nhất của họ, do đó họ thiếu sự tin cậy lẫn nhau, sự phối hợp hành động và sự cổ vũ lẫn nhau". Người đề nghị hãy phổ biến cho họ kinh nghiệm tổ chức đấu tranh chống chủ nghĩa đế quốc và kinh nghiệm đoàn kết giai cấp chống ách bóc lột của chủ nghĩa tư bản ở các nước Ấn Độ, Nhật Bản, Ai Cập.

2. Cử cán bộ nước này sang nước khác hoạt động để tăng cường việc hợp tác trao đổi kinh nghiệm đấu tranh và đoàn kết giữa các dân tộc.

3. Đề nghị triệu tập một Tiểu ban Phương Đông họp bàn việc thành lập một "nhóm châu Á" ở Trường Đại học Phương Đông.

Trong tháng 5-1924

Bài viết của Nguyễn Ái Quốc, nhan đề Đoàn kết giai cấp, đăng trên báo Le Paria, số 25. Bài viết kể lại vụ xử án anh công nhân da đen Hôxê Lêanđrô đa Xinva ở Braxin. Anh tham gia bãi công, bị cảnh sát bắt, đánh đập tàn nhẫn, rồi bị đưa ra toà, bị kết án 30 năm tù khổ sai.

Được tin đó, lập tức "anh em công nhân cách mạng lập ngay một Uỷ ban bảo vệ" và "một chiến dịch vận động đấu tranh ủng hộ Hôxê được tiến hành mạnh mẽ suốt ba năm". Dư luận công chúng công phẫn, buộc nhà chức trách phải xử lại... và cuối cùng toà xử trắng án.

Tác giả kể: "Bản tuyên án được hoan nghênh bằng những tiếng vỗ tay vang như sấm. Và Hôxê, anh chiến sĩ bãi công da đen ngả mình trong cánh tay các đồng chí và các người bảo vệ anh, những đại biểu của công nhân da trắng". Và kết luận:

"Vậy là, dù màu da có khác nhau, trên đời này chỉ có hai giống người: giống người bóc lột và giống người bị bóc lột. Mà cũng chỉ có một mối tình hữu ái là thật mà thôi: tình hữu ái vô sản".

Trong tháng, bài viết của Nguyễn Ái Quốc nhan đề Phụ nữ phương Đông, đăng trên Tạp chí Nga Rabốtnhitxa (Nữ công nhân).

Tác giả đã giới thiệu sự chuyển mình của phụ nữ các nước phương Đông: Phụ nữ Thổ Nhĩ Kỳ tham gia bảo vệ đất nước chống sự xâm lược của chủ nghĩa đế quốc phương Tây; phụ nữ Ấn Độ vùng lên chống lại sự đô hộ của Anh; phụ nữ Triều Tiên đã và đang đấu tranh vì độc lập của Tổ quốc; phụ nữ Nhật Bản đã buộc Chính phủ phải huỷ bỏ đạo luật cấm phụ nữ tham gia đời sống chính trị, v.v..

Về kinh tế, tác giả viết "những "bông hồng" của phương Đông bắt đầu tỏ cho chủ nghĩa tư bản thấy ở họ có những chiếc gai nhọn. Những cuộc bãi công của nữ công nhân ở các nhà máy và xưởng dệt lụa không còn là hiện tượng hiếm nữa".

Về tổ chức, "trong các tổ chức công đoàn Nhật Bản, phụ nữ chiếm một tỷ lệ đáng kể. Đoàn Thanh niên Cộng sản Trung Quốc mới thành lập được 3 năm đã có trong hàng ngũ của mình hơn 150 nữ công nhân và nữ sinh viên".

"Từ khi đồng chí Lênin mất, các tổ chức chính trị, văn hoá và các tổ chức khác của học sinh các nước phương Đông tổ chức nhiều cuộc mít tinh và hội họp".

Tác giả giới thiệu toàn văn Lời kêu gọi của một nữ sinh viên đăng trên báo Phụ nữ ở Thượng Hải (Trung Quốc) và kết luận:

"Lời kêu gọi trên đây nói lên rằng đã có một bước ngoặt lớn ở các nước phương Đông từ khi ngọn cờ đỏ in hình búa liềm tung bay trên nước Nga Sa hoàng".

* Năm 1925:

- Tháng 5, ngày 1: Cùng với những người cộng sản Trung Quốc, Nguyễn Ái Quốc tham gia tổ chức Đại hội lần thứ nhất của nông dân tỉnh Quảng Đông. Tham dự Đại hội có 117 đại biểu, thay mặt cho trên 20 vạn nông dân Quảng Đông, nhằm thành lập Hội Nông dân tỉnh để thống nhất sự lãnh đạo về công tác và đấu tranh.

- Tháng 5, ngày 2: Từ Quảng Châu, với bí danh HOWANG T.S, Nguyễn Ái Quốc viết báo cáo gửi Quốc tế Công hội đỏ về ngày làm việc đầu tiên của Đại hội lần thứ nhất của nông dân tỉnh Quảng Đông và Đại hội lần thứ hai của công nhân toàn Trung Quốc, cả hai đại hội cùng họp chung. Nguyễn Ái Quốc cho biết, "do đã nhất trí với nhau và nhằm thực hiện một mặt trận thống nhất giữa những người bị bóc lột ở các thành phố với những người bị bóc lột ở nông thôn, những người lãnh đạo đã triệu tập đồng thời vào một lúc hai đại hội họp ở cùng một địa điểm.

Báo cáo mô tả chi tiết quang cảnh hội trường đại hội, lễ khai mạc và lễ kết thúc ngày làm việc đầu tiên. Đồng thời, chuyển tới Quốc tế Công hội đỏ bức điện văn của đại hội sau cuộc lễ.

- Tháng 5, đầu tháng: Cùng với những người cộng sản Trung Quốc, Nguyễn Ái Quốc tham gia tổ chức Hội nghị đại biểu đầu tiên của 20 vạn nông dân có tổ chức của tỉnh Quảng Đông và Hội nghị đại biểu lần thứ hai của công nhân Trung Quốc nhằm mục đích thành lập một mặt trận thống nhất giữa những người bị bóc lột ở thành thị và nông thôn.

* Năm 1926:

- Tháng 5, sau ngày 14: Nguyễn Ái Quốc nhận được thư của Đoàn Chủ tịch Quốc tế Nông dân do Phó Tổng thư ký Đômban, Trưởng ban Phương Đông Vônhêxienxki và Thư ký tổ chức Oóclốp, thay mặt ký tên.

Thư báo cho biết đã nhận được các thư của Nguyễn Ái Quốc đề ngày 13-1-1926, 3-2-1926, và 8-3-1926 với hai số báo Nông dân và những bài cắt của Quảng Châu báo nói về tình cảnh nông thôn Quảng Đông. Đoàn Chủ tịch muốn biết tình hình phong trào nông dân Sơn Đông sau khi gia nhập Quốc tế Nông dân và yêu cầu Nguyễn Ái Quốc gửi cho một thông báo chi tiết về tình hình các tỉnh Quảng Tây, Quý Châu và về kế hoạch tổ chức nông dân.

Thư còn yêu cầu Nguyễn Ái Quốc gửi cho Đoàn Chủ tịch "vào chuyến thư sắp tới" Cương lĩnh của Quốc dân Đảng về vấn đề nông dân, những nghị quyết, những biên bản của Đại hội II Quốc dân Đảng về công tác nông thôn.

* Năm 1928: 

Tháng 5, ngày 21: Từ Béclin, Nguyễn Ái Quốc viết thư gửi các đồng chí trong Ban Phương Đông Quốc tế Cộng sản, cho biết Người đã nhận được các thứ cần thiết để lên đường và dự định sẽ đi vào khoảng tuần thứ ba tháng này.

Trong thư, Người nêu một số nhận xét về hoạt động của Ban Thuộc địa Đảng Cộng sản Pháp và những đề nghị cụ thể về tài chính, về lề lối làm việc của ban.

Trong tháng 5-1928: Hai bài viết của Nguyễn Ái Quốc, ký bút danh Wang, nhan đề Phong trào công nhân và nông dân mới đây tại Ấn Độ  Chủ nghĩa đế quốc, kẻ tiêu diệt nòi giống bản xứ đăng trên Tập san Inprekorr, bản tiếng Pháp số 43 và số 47.

Bài Phong trào công nhân và nông dân mới đây tại Ấn Độ cho biết, cũng như tại các thuộc địa khác, ở Ấn Độ, chủ nghĩa đế quốc Anh đã tìm cách chia rẽ hàng ngũ vô sản bằng cách thường xuyên khoét sâu những thành kiến dân tộc. Chính sách đặc quyền đặc lợi dành cho những công nhân viên chức người Anh và người lai Anh - Ấn đã tạo ra ở đây một lớp công nhân quý tộc làm chỗ dựa chống lại công nhân bản xứ, phá hoại giai cấp vô sản Ấn Độ.

Song, trong điều kiện đó, công nhân Ấn Độ vẫn kiên trì đấu tranh chống lại mọi âm mưu của bọn đế quốc và những thành kiến chủng tộc. Các cuộc đấu tranh của công nhân đã thống nhất trong những yêu sách chung: đòi tăng lương, đòi ngày làm tám giờ, đòi cải thiện đời sống và điều kiện làm việc, đòi được bảo hiểm xã hội, đòi tự do hoạt động nghiệp đoàn, chống đánh đập, cúp phạt, sa thải…

Giải thích tình hình đó, tác giả cho rằng: “Những  cuộc đấu tranh này của công nhân chỉ là rất thường tình nếu ta xét đến hoàn cảnh vô cùng khổ cực của vô sản Ấn Độ”.

Cùng với phong trào công nhân đang trên đà phát triển, cuộc đấu tranh của nông dân Ấn Độ cũng diễn ra sôi động dưới nhiều hình thức. Đó là hậu quả tất yếu của tình trạng khốn cùng của họ do chính sách thống trị của đế quốc Anh. Các cuộc đấu tranh của nông dân tuy còn rời rạc, nhưng tác giả bài viết đã nhận thấy ý nghĩa to lớn: nông dân từ chỗ dễ bảo và thụ động, giờ đây đã thức tỉnh và biết cách tự vệ và cho rằng đây là "một dấu hiệu của thời đại!".

Bằng những số liệu cụ thể, bài Chủ nghĩa đế quốc, kẻ tiêu diệt nòi giống bản xứ  cho biết: Từ sau chiến tranh, để khôi phục lại những đổ nát, chủ nghĩa đế quốc đã tăng cường khai thác bóc lột thuộc địa, thu về những món lợi kếch xù, nhờ đó tạo nên bộ phận phồn vinh về kinh tế, kỹ nghệ và thương mại cho các nước đó.

Một trong những thủ đoạn tàn ác gia tăng sự bóc lột đối với dân bản xứ được thi hành ở tất cả các thuộc địa của Pháp, Bỉ, Anh và những nước khác là chế độ lao động khổ sai. Lao động khổ sai và những hậu quả của nó làm cho số dân bản xứ ở các thuộc địa chết tới mức khủng khiếp và đang trên đà bị diệt vong. Điều này được khẳng định qua những lời thú nhận của báo chí và chính khách tư sản mà bài viết đã trích dẫn.

Tác giả kết luận: “Ta có thể kết luận rằng mọi chế độ thực dân đế quốc đều tiêu diệt hết các nòi giống bản xứ, và muốn cứu vãn những nòi giống này, ta phải lật đổ chủ nghĩa đế quốc!".

Khoảng đầu năm1929

Từ Uđon, Nguyễn Ái Quốc đến Sacôn, nơi có đông Việt kiều hơn ở Uđon và các tổ chức cách mạng cũng ra đời từ lâu.

Ở Sacôn, Nguyễn Ái Quốc tiếp tục củng cố và xây dựng cơ sở cách mạng để mở rộng phong trào. Ngoài việc dịch sách và huấn luyện thanh niên, hằng ngày Người tổ chức cho cán bộ học tập và nghiên cứu về tình hình thế giới, tình hình trong nước, về chủ nghĩa Mác - Lênin, chú ý nhiều hơn việc giáo dục cán bộ về công tác quần chúng và công tác bí mật.

Kiều bào ở đây, một số theo đạo Thiên Chúa, một số theo đạo Phật, một số thờ Đức thánh Trần, nói chung còn chậm tiến và mê tín. Thấy bà con đau ốm lại chữa bệnh bằng cúng bái, Nguyễn Ái Quốc vận động lập tủ thuốc chung và mời thầy thuốc đến khám bệnh. Người viết bài ca Trần Hưng Đạo theo thể song thất lục bát, kể rõ sự tích đánh giặc cứu nước của vị anh hùng dân tộc để giáo dục lòng yêu nước cho kiều bào. Bài ca có đoạn:

Diên Hồng thề trước thánh minh

Lòng dân đã quyết hy sinh rành rành

Nếu ai muốn đến giành đất Việt,

Đưa dân ta ra giết sạch trơn,

Một người dân Việt hãy đương còn,

Thì non sông Việt vẫn non sông nhà.

Người còn viết nhiều vở kịch thường lấy đề tài lịch sử, bày cho bà con cách diễn kịch và đôi khi cũng tham gia diễn.

Một thời gian dài Nguyễn Ái Quốc ở ngay tại hiệu thuốc của Đặng Văn Cáp và đã tranh thủ học nghề thuốc, nắm được những hiểu biết cơ bản về thuốc và chữa bệnh. Có lần đã bốc thuốc cho một cán bộ bị ốm và người này đã khỏi bệnh. Người còn tìm ra cây hy thiêm mọc trong vùng, chữa được chứng bệnh phong thấp.

Thỉnh thoảng, Người cùng với một số cán bộ, cũng khăn gói tay đẫy đi buôn để gây quỹ cho tổ chức.

Còn nữa

Huyền Trang (tổng hợp)

Bài viết khác: