Thứ hai, 23/12/2024

Chỉ mục bài viết

duoc gan BH phan 1

 Chủ tịch Hồ Chí Minh với cố vấn Trung quốc tại Chiến khu Việt Bắc (1950)

 Trong số những người nước ngoài có dịp làm việc với Chủ tịch Hồ Chí Minh các đồng chí Trung Quốc chiếm số đông nhất. Phong cách sống và đạo đức của Bác đã để lại những ấn tượng vô cùng sâu sắc và khó quên đối với các đồng chí đó.

Giáo sư Văn Trang là người có vinh dự được gặp Bác nhiều lần. Sang Việt Nam từ cuối năm 1948, Giáo sư Văn Trang cùng với 2 đảng viên Đảng Cộng sản Trung Quốc khác làm nhiệm vụ chắp nối liên lạc giữa 2 Đảng. Sau đó, ông có gần 20 năm công tác ở vùng giải phóng Việt Nam và tại Đại sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội. Ông cũng là người được trực tiếp dịch cho Chủ tịch Mao Trạch Đông và Chủ tịch Hồ Chí Minh trong nhiều chuyến sang thăm Trung Quốc của Người. Khi Bác Hồ chữa bệnh và điều dưỡng ở Tùng Hoá (tỉnh Quảng Đông), ông Văn Trang đã được phân công phục vụ Bác Hồ. Có lúc Bác đọc báo Nhân dân của Trung Quốc, gặp những từ ngữ khó đọc mà Bác không hiểu, Bác đã viết thư nhờ ông Văn Trang giải thích hộ.

Tạp chí Những vấn đề Quốc tế đã đăng một loạt bài của Giáo sư Văn Trang với nhan đề “Được ở gần Bác Hồ”, thể hiện tình cảm sâu đậm của ông với Chủ tịch Hồ Chí Minh. Chúng tôi xin trích và giới thiệu một số đoạn hồi ký đó.

Một chiều cuối Thu năm 1948, trong vùng tự do Việt Bắc, tôi được gặp Hồ Chủ tịch. Một anh giao liên dẫn tôi ra khỏi trụ sở Ban Hoa kiều Trung ương, đi khoảng 2-3 cây số, men theo một con đường mòn trong rừng vào tới một bản nhỏ chỉ lèo tèo vài ba nóc nhà. Chúng tôi dừng lại trước một ngôi nhà sàn bên đồi. Đồng chí Hoàng Quốc Việt, Trưởng ban Dân vận Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương đón tôi ở cạnh chiếc thang gỗ. Bước lên gác vào nhà, tôi thấy ngay một cụ già để bộ râu dài kiểu phương Đông ngồi xếp bằng trên sàn. Đó là Bác Hồ Chí Minh, Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, một nhân vật truyền kỳ mà tôi khao khát muốn được gặp gỡ từ lâu sau khi đặt chân lên đất Việt Nam.

- Chào Bác ạ! Tôi liền bước tới chào hỏi theo kiểu cán bộ Việt Nam.

- Chào chú! Bác vẫn ngồi xếp bằng, vừa bắt tay tôi, vừa gợi ý tôi ngồi, tỏ vẻ hoà nhã và xuề xoà, khác hẳn một vị lãnh đạo nước ngoài mà tôi được yết kiến lần đầu tiên.

- Chú biết nói tiếng Việt chưa?

- Dạ, cháu đã biết nói được một ít rồi, thưa Bác.

- Thế tốt. Hoan nghênh chú sang Việt Nam công tác. Làm việc ở Việt Nam thì phải biết tiếng Việt.

Bác biết tôi đến từ tỉnh Vân Nam, liền hỏi tôi có quen biết đồng chí Nhã Tử Khanh và đồng chí Trần Phương là hai đồng chí phụ trách cơ sở bí mật của Đảng ở đó không. Tôi trả lời không quen biết. Bác nói, trước và sau năm 1940, Người có sang Vân Nam mấy lần, đều bắt liên lạc và được sự giúp đỡ khá nhiều của hai đồng chí đó. Bác hỏi tôi về tình hình Vân Nam. Tôi cố trình bày bằng tiếng Việt một số điều mà tôi biết về phong trào sinh viên học sinh kể từ sự kiện “mồng 1 tháng 12” ở Côn Minh và cuộc đấu tranh của nhân dân Vân Nam chống nạn đói, chống nội chiến, đòi dân chủ và chống sự can thiệp của Mỹ. Gặp những chỗ tôi nói không rõ bằng tiếng Việt thì Bác uốn nắn cho ngay. Khi tôi kể lại chuyện nhân dân Côn Minh rầm rộ xuống đường biểu tình, đòi Mỹ rút quân ra khỏi Trung Quốc năm 1947, Bác nói:

- Bác ở Vân Nam là trong thời kỳ chống Nhật, ở đó đã có quân Mỹ, nhưng hồi ấy họ còn là quân đồng minh.

Tiếp đó, tôi báo cáo tóm tắt về công tác Hoa kiều, chủ yếu là việc huy động anh chị em Hoa kiều tích cực tham gia cuộc kháng chiến chống Pháp… Tôi hỏi Bác có chỉ thị gì cho công tác Hoa kiều.

- Vẫn phải tiếp tục cố gắng tăng cường sự đoàn kết giữa nhân dân Hoa Kiều để cùng chống bọn xâm lược Pháp. Chú sang Việt Nam chưa lâu, cần chú ý tìm hiểu tình hình và phải cố gắng học thêm tiếng Việt. Chú nói khá nhanh, nhưng nói chưa đúng lắm, còn phải cố gắng hơn nữa.

Tôi tỏ ý nhất định làm theo chỉ thị của Bác và chúc Bác mạnh khoẻ. Bác ngồi thẳng người nói:

- Bác khoẻ lắm!

Tôi đứng dậy xin phép ra về, Bác dặn tôi gửi lời thăm hỏi các đồng chí Hoa kiều, chúc vợ và con tôi mạnh khoẻ.

Khi mới gặp vị lãnh đạo Đảng và Nhà nước Việt Nam mà tôi từng ngưỡng mộ từ lâu, trong lòng rất hồi hộp, phải tập trung tư tưởng suy nghĩ đến việc đáp ứng như thế nào và diễn đạt bằng tiếng Việt ra sao. Nhưng khi tiếp chuyện, thái độ thân mật, tự nhiên của Bác, coi tôi như người trong nhà, khiến tôi cảm thấy như đang nói chuyện với một người thầy của mình nên không cần dè dặt gì cả.

Đồng chí Hoàng Quốc Việt đưa tôi xuống gác. Về đến trụ sở thì trời đã xế chiều, tôi xúc động kể lại cho các anh chị em xung quanh nghe chuyện gặp Bác vừa rồi…

Ngày 19/5/1950 là ngày sinh nhật lần thứ 60 của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Chính phủ Việt Nam sắp xếp cho các đại biểu Đảng, chính quyền, nhân dân đến Phủ Chủ tịch ở Việt Bắc để chúc thọ Người. Tôi hân hạnh được thay mặt cơ quan Hoa kiều đến dự.

Hồi ấy, khu căn cứ Trung ương của Việt Nam đóng ở vùng giáp giới giữa 3 tỉnh Thái Nguyên, Tuyên Quang, Bắc Cạn. Từ trên cao nhìn xuống, chỉ thấy một dải đất rừng cây um tùm, nhưng dưới sự che phủ của bóng cây, có một xã hội đã thoát khỏi ách thống trị thực dân mà cơ quan đầu não đang hoạt động sôi nổi. Phần lớn các cán bộ và nhân viên làm việc ở ngay các nhà dân người Tày rải rác trong các bản làng. Trung ương Đảng của Việt Nam đã bố trí vùng này thành “An toàn khu” gọi tắt là “ATK”.

Tôi cưỡi ngựa đi hơn 20km, đến Phủ Chủ tịch ở “An toàn khu”. Lễ chúc thọ được tổ chức trong một hội trường khá rộng bằng phên nứa lợp tranh. Trên bức tường chính diện có bức chân dung vẽ mầu Chủ tịch Hồ Chí Minh, hai bên treo 2 lá cờ đỏ sao vàng và cờ búa liềm. Ở đó, tôi được gặp những người lãnh đạo Đảng, chính quyền, quân đội và nhân dân như Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Đông Dương Trường Chinh, Phó Thủ tướng Phạm Văn Đồng, Tổng Tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam Võ Nguyên Giáp, Chủ tịch Hội liên hiệp quốc dân Việt Nam (mặt trận thống nhất) Tôn Đức Thắng, v.v…

Hồ Chủ tịch đến. Tất cả mọi người đứng dậy hô to “Hồ Chủ tịch muôn năm!” Tiếng hô khẩu hiệu và tiếng vỗ tay vang động cả khu rừng. Hồ Chủ tịch mỉm cười ngồi xuống. Đại biểu các giới lần lượt đứng ra chúc thọ Người. Đến lượt Ban công tác Hoa kiều, tôi bước tới trước mặt Bác và đọc lời chúc thọ đã chuẩn bị sẵn, ngỏ ý anh chị em Hoa kiều ở Việt Nam cũng là một bộ phận của nhân dân Việt Nam, sẵn sàng tích cực tham gia vào cuộc kháng chiến dưới sự lãnh đạo của Bác, coi việc làm cách mạng Việt Nam cũng như làm cách mạng của Trung Quốc và xin chân thành chúc Bác sống lâu muôn tuổi. Bác chắp hai bàn tay lại, gật đầu mỉm cười và nói: Bác cũng xin chúc anh chị em Hoa kiều mạnh khoẻ, tiến bộ và đoàn kết. Cả hội trường vỗ tay nhiệt liệt.

Để giới thiệu tình hình cuộc chiến tranh giải phóng ở Trung Quốc cho anh chị em Hoa kiều và động viên họ tích cực tham gia cuộc chiến tranh chống Pháp ở Việt Nam, Ban Hoa kiều vận Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương quyết định xuất bản một tờ báo bằng Trung văn. Trưởng ban Hoa kiều vận của Việt Nam là đồng chí Lý Bích Sơn (tức Lý Ban), một người từng tham gia cuộc cách mạng Trung Quốc trong nhiều năm. Đồng chí có dự định cho tờ báo này lấy tên “Báo Hoa Việt” hoặc “Báo Đoàn kết”. Sau khi xin ý kiến trên, Hồ Chủ tịch quyết định đặt tên báo là “Hoa Việt thân thiện”.

Có lần, Hồ Chủ tịch đến trường Đảng thăm hỏi các học viên. Các anh chị em trường Đảng và đội viên văn công vây quanh Bác. Bác được biết anh chị em đội viên của đội văn công Hoa Việt (thuộc cơ quan Ban Hoa Kiều vận, do một số thanh niên Hoa kiều và thanh niên Việt Nam tổ chức thành) cũng có mặt, Bác hỏi chuyện chị Tinh và một chị đứng cạnh Bác về quê quán, thời gian sang Việt Nam, đã biết nói tiếng việt chưa. Bác lại hỏi một cô đội viên Việt Nam có biết nói tiếng Trung không. Bác khuyến khích các chị em Trung Quốc phải cố gắng học tiếng Việt, các anh chị em Việt Nam cũng phải cố gắng học tiếng Trung Quốc. Bác nói:

- Phải học tiếng của nhau thì mới có thể hiểu biết lẫn nhau và đoàn kết chặt chẽ.

Bác Hồ rất quan tâm đến đời sống của cán bộ và nhân dân. Tôi vừa vào tới vùng tự do Việt Nam đã được nghe nhiều cán bộ nói vậy. Trước năm 1949 vùng tự do Việt Bắc còn nằm trong vòng vây phong toả của địch, đời sống hết sức khó khăn. Các cán bộ Hoa kiều vận chúng tôi cũng vậy. Con tôi đã hơn 1 tuổi toàn mặc áo khâu lại từ quần áo cũ. Một hôm đồng chí Lý Ban đưa cho tôi một mảnh lụa màu, vàng nhạt dài hơn 1m của Bác Hồ gửi cho con tôi. Tấm vải luạ Nam Định này do nhân dân miền xuôi biếu Bác, nhưng Bác không dùng mà chia ra cho các cháu bé con của một số cán bộ. Chúng tôi đã nhận mảnh lụa khâu thành chiếc áo mới đầu tiên cho con...

Mùa Đông năm 1950, tôi được điều động sang Đoàn cố vấn chính trị Trung Quốc tại Việt Nam, nhiệm vụ chính là làm phiên dịch cho đồng chí trưởng đoàn cố vấn La Quý Ba.

Nhà ở cũng là phòng làm việc của Bác Hồ ở sườn dốc, cách phòng họp hơn 10 mét. Lần đầu tiên tôi theo đồng chí La Quý Ba đến họp ở địa điểm này, Bác liền dẫn chúng tôi đến thăm quan. Đó là một ngôi nhà sàn tre, mái tranh. Ở dưới rào có một cái bàn gỗ nhỏ để giữa cột nhà, trên đặt chiếc máy đánh chữ cỡ nhỏ và mấy loại sách báo. Sau khi leo lên bậc thang gỗ, vào trong buồng rộng khoảng 6-7m2, trên chiếc chiếu có chăn màn gấp nhỏ, gọn gàng. Bác dùng tiếng Trung Quốc mời khách ngồi trên sàn nhà rồi dí dỏm nói:

- Đây là dinh Chủ tịch của Bác đấy.

Trên khoảng đất trống bên cạnh nhà, Bác cùng anh em phục vụ trồng được mấy luống rau. Ở đằng trước và sau nhà, có trồng một số cây chuối, ngô và sắn. Khi họp ở chỗ Bác, chúng tôi nhiều lần được ăn rau muống do Bác trồng.

Mỗi khi chủ trì cuộc họp của Bộ Chính trị Trung ương, Bác đều ngồi ở một đầu chiếc bàn dài (có chiếc ghế gỗ riêng), đồng chí La Quý Ba ngồi bên tay phải của Bác, Tổng bí thư Trường Chinh ngồi ở bên tay trái của Bác, còn các uỷ viên khác và những cán bộ được mời thêm thì ngồi chung quanh bàn. Lúc nào có tiếng máy bay tới gần thì anh em cảnh vệ gõ kẻng làm hiệu báo động. Tất cả mọi người ra hầm trú ẩn, máy bay đi thì lại họp tiếp. Đến giờ ăn trưa, bàn họp lại được thu xếp thành bàn ăn. Bữa cơm nấu theo tiêu chuẩn cao nhất hồi bấy giờ ở Việt Bắc, thường là 2 món thịt và 2 đĩa rau với một bát canh, thỉnh thoảng được uống một ít rượu vang. Ăn xong, mọi người nghỉ khoảng 2 tiếng đồng hồ. Bác về nhà nghỉ, các đồng chí khác nghỉ trên giường tre ở buồng họp. Đồng chí La Quý Ba và tôi được sắp xếp ở buồng trong. Thường là đang lúc tôi buồn ngủ, thì đã nghe vài ba tiếng vỗ tay, đó là Bác Hồ đã đến trước cửa gọi mọi người dậy vì giờ họp buổi chiều sắp đến. Bác là người đến rất đúng thời gian.

Giúp việc cho Bác là một nhóm gồm có 8 người, Bác đặt tên cho anh em là “Trường”, “Kỳ”, “Kháng”, “Chiến”, “Nhất”, “Định”, “Thắng”, “Lợi”. Sau đó, có mấy anh em được lần lượt điều động đi làm công tác khác, chỉ còn lại 3, 4 người… Có việc gì cần gọi anh em giúp việc, Bác không gọi tên hoặc chức vụ, mà chỉ kêu một tiếng Cúc Cu ! như chim rừng, người thường trực đến ngay lập tức. Đó là một tín hiệu liên lạc trong hành quân thời kỳ đầu xây dựng căn cứ cách mạng ở Việt Bắc. Lấy tiếng chim kêu làm hiệu thì dù địch ở gần cũng khó phát hiện được.

Trước đó, một trong những chỗ ở của Bác mà tôi đã từng theo đồng chí La Quý Ba đến chỉ là một chiếc lều tre, rộng 3-4m2, đặt ở chỗ lõm trên vách núi cách mặt đất độ 3m. Bác rất hài lòng với “Dinh thự trong rừng” đó. Cũng ở nơi đây Bác từng thết đãi các đồng chí lãnh đạo Đoàn cố vấn Chính trị và Đoàn cố vấn quân sự Trung Quốc. Bác còn mời đồng chí La Quý Ba cùng 6 đồng chí nữ trong Đoàn đến chơi. Các chị kể lại rằng, Bác đã đưa các chị đi thăm nhà ở của Bác và vườn rau. Dưới những cây cọ rừng to, Bác mời khách ngồi quanh một chiếc bàn gỗ đóng bằng cọc trên mặt đất, cùng ăn sắn do Người trồng và con cua nhỏ do Người bắt được trong khe núi, cùng ca hát liên hoan với anh em giúp việc ở bên cạnh.

Sau khi đến thăm mấy nơi ở của Bác trong rừng Việt Bắc, tôi thấy Bác không chỉ sống quen trong hoàn cảnh núi rừng gian khổ và giản dị mà còn chứa đầy tình cảm nồng thắm đối với non sông Việt Bắc. Bài thơ chữ Hán của Bác nhan đề “Vô đề”, nguyên văn như sau:

Sơn kính khách lai hoa mãn địa

Tùng lâm quân đáo điểu xung thiên

Quân cơ quốc kế thương đàm liễu,

Huề dũng giai đồng quán thái viên

Bài thơ được nhà thơ Xuân Thuỷ dịch ra tiếng Việt như sau:

Đường non khách tới hoa đầy

Rừng sâu quân đến, tung bay chim ngàn

Việc quân, việc nước đã bàn

Xách bương, dắt trẻ ra vườn tưới rau.

Suốt 4, 5 năm làm việc trong Đoàn cố vấn Trung Quốc tại Việt Nam, tôi luôn luôn cảm nhận được tình cảm của Bác Hồ với anh em chúng tôi.

Năm 1952, Đoàn cố vấn Chính trị và Đoàn cố vấn quân sự hợp lại thành một, dọn sang địa điểm mới. Một hôm, Bác Hồ đột nhiên đến thăm nơi ở của Đoàn. Đồng chí La Quý Ba dẫn Bác xem xét tình hình. Nhà nằm dưới bóng cây to, sân bóng rổ kề sát khu rừng, ở sâu trong núi. Đồng chí La Quý Ba nói với Bác rằng, các đồng chí Việt Nam đã sắp xếp ổn thoả cả rồi, mong Bác cứ yên tâm. Bác kiểm tra mái nhà có lộ không, rồi chỉ thị cho cán bộ Việt Nam đi nguỵ trang thêm một vài chỗ, nhắc nhở anh em Trung Quốc khi phơi chăn đệm, quần áo ở sân bóng rổ thì phải cẩn thận đừng để lộ mục tiêu. Bác nói với đồng chí La Quý Ba bằng tiếng Trung Quốc:

- Phải đặc biệt chú ý phòng không, nhắc các đồng chí đừng có chủ quan, có báo động thì phải ra ngay.

Bác Hồ rất hay đến nơi ở của Đoàn cố vấn. Có lần, Bộ Chính trị trung ương Đảng Việt Nam họp thường lệ, nhưng đồng chí La Quý Ba bị đau lưng không dậy được, phải xin phép Bác không đến dự. Bác quyết định ngay: Cuộc họp này sẽ họp tại nơi ở của Đoàn cố vấn. Sáng sớm hôm ấy, tôi ra đón Bác, vừa đi khỏi nhà ở đã thấy Bác đang đi tới theo đường mòn trong rừng.

- Chào Bác ạ! Tôi bước tới chào Bác.

- Chào chú! Bác vừa nói vừa cởi bỏ cái khăn “ngụy trang”.

Các uỷ viên Bộ Chính trị cũng xuất hiện hầu như cùng lúc đó. Tôi chào từng đồng chí và mời vào khu ở của Đoàn.

Bác bước vào phòng họp (cũng là phòng tiếp khách), đồng chí La Quý Ba vừa chào hỏi Bác, vừa cố sức đứng dậy từ chiếc ghế nằm bằng gỗ. Thấy vậy, Bác vội đến ngăn, bảo đồng chí cứ nằm yên, rồi nói dí dỏm: - Bây giờ anh là “ngoạ long tiên sinh” thật rồi.

Hễ đến mồng 1 tháng 7, Bác đều đến thăm Đoàn cố vấn để cùng chúc mừng ngày thành lập Đảng Cộng sản Trung Quốc. Bác thường nói: - Bác cũng là đảng viên của Đảng Cộng sản Trung Quốc mà. Trong thời kỳ kháng chiến của Trung Quốc, Bác từng làm bí thư chi bộ của Văn phòng Bát lộ quân đóng ở Hành Dương đấy!

Ngày 2/9/1953 nhân dịp Kỷ niệm 8 năm thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, Bác với Chủ tịch Quốc hội Tôn Đức Thắng, Tổng Bí thư Trường Chinh, Phó Thủ tướng Phạm Văn Đồng và Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp đến nơi ở của Đoàn cố vấn để trao tặng Huân chương Hồ Chí Minh – huân chương cao nhất của nước Việt Nam cho Trưởng đoàn cố vấn chính trị La Quý Ba và Trưởng đoàn cố vấn quân sự Vi Quốc Thanh. Chính phủ nước Việt Nam và Bộ Tổng tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam cũng trao tặng những loại huân chương các cấp cho một số đồng chí khác. Ấn tượng sâu sắc nhất đã để lại cho tôi là trong lời phát biểu, Bác đã đặc biệt ngợi khen tinh thần quốc tế vô sản của các đồng chí trong Đoàn cố vấn Trung Quốc; chân thành cảm ơn Đảng Cộng sản Trung Quốc và Mao Chủ tịch đã viện trợ Việt Nam một cách khẳng khái vô tư, Bác nhấn mạnh, Đảng Lao động Việt Nam tuyệt đối tín nhiệm Đảng Cộng sản Trung Quốc, cũng tuyệt đối tín nhiệm các đồng chí cố vấn Trung Quốc. Bác còn căn dặn các đồng chí Việt Nam phải cố gắng học hỏi những kinh nghiệm quý báu của Trung Quốc để đẩy mạnh cuộc kháng chiến cho đến thắng lợi cuối cùng.

Bác rất thông cảm các anh em chúng tôi làm việc trong hoàn cảnh gian khổ ở nước ngoài. Ngày Tết hay ngày lễ, Bác đều đến Đoàn hỏi thăm. Thường ngày, Bác hết sức quan tâm đến các đồng chí Trung Quốc làm việc tại Việt Nam. Mỗi lần gặp đồng chí La Quý Ba, câu đầu của Bác là hỏi các đồng chí trong Đoàn có được mạnh khoẻ không, trong sinh hoạt có vấn đề gì không và thường hay chia sẻ một số kinh nghiệm sống ở Việt Bắc của Bác. Đối với anh chị em chúng tôi vốn làm việc ở vùng tự do Việt Bắc khi Đoàn cố vấn chưa sang Việt Nam, Bác luôn gần gũi và thân thiết, Bác gọi các anh em cán bộ và nhân viên Trung Quốc mới sang Việt Nam bằng “đồng chí”, nhưng gọi chúng tôi bằng “chú” như đối với cán bộ Việt Nam. Hễ phát hiện chúng tôi có khuyết điểm gì là Bác chỉ bảo luôn. Có mấy lần Bác sang Đoàn cố vấn nói chuyện với đồng chí Trưởng đoàn Cố vấn, khi về có ghé qua tổ phiên dịch chúng tôi. Do buổi tối hôm trước mưa to, mái nhà bị dột, những sách báo, giấy tờ và đồ đạc vất ngổn ngang, chưa kịp thu dọn lại. Bác vừa bước vào nhà thì phê bình ngay: - Sao các chú lung tung thế này, thanh niên thì phải ngăn nắp chứ! Tôi ngượng ngùng tiếp thu lời phê bình của Bác.

Khi tôi phiên dịch, thấy tôi dùng sai chữ thì Bác nhắc nhở ngay, phát âm sai thì Bác uốn nắn cho đúng mới thôi. Một hôm, khi ăn cơm, Bác kể lại một câu chuyện: Trong thời kỳ đại cách mạng Trung Quốc, Bác làm việc ở chỗ ông Bô-rô-đin, Cố vấn Liên Xô của ông Tôn Trung Sơn tại Quảng Châu. Trong một buổi tiệc, có những sĩ quan cao cấp của Quốc dân Đảng đến dự. Anh phiên dịch tiếng Nga làm việc rất hăng, dịch cả từng câu từng chữ. Ngay cả khi mấy người Liên Xô đang thì thầm, anh phiên dịch này cũng chuẩn bị dịch luôn. Bác vội kéo mạnh viền áo anh ta, mới chặn được anh ta dịch câu này ra. Kể xong chuyện, Bác ngoảnh lại nói với tôi: - Này, chú làm phiên dịch thì phải chú ý đấy…

Hiệp định Giơnevơ được ký kết vào tháng 7 năm 1954, cuộc chiến tranh kéo dài 8 năm đã chấm dứt, miền Bắc Việt Nam được giải phóng hoàn toàn. Ngày 1/1/1955 Chính phủ Việt Nam trở về Thủ đô Hà Nội. Chủ tịch Hồ Chí Minh được nhân dân Hà Nội chào đón nhiệt liệt. Bác Hồ chính thức về ở Phủ Chủ tịch - một toà nhà lớn ở Hà Nội lúc bấy giờ, nhưng Người đã khước từ và chọn một ngôi nhà nhỏ gần bờ ao để ở và làm việc. Chủ tịch Hồ Chí Minh sống và làm việc tại ngôi nhà này từ tháng 12 năm 1954 đến tháng 5 năm 1958 (vì vậy ngôi nhà được gọi là nhà 54). Đầu năm 1958, ngôi Nhà sàn được khởi công xây dựng. Ngôi Nhà sàn là nơi gắn bó với cuộc sống của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong suốt 11 năm cuối đời của Người (1958 - 1969).

Đầu năm 1955, Bác được biết vợ tôi và con thứ hai vừa chào đời 2 tháng đã từ Côn Minh về đến Hà Nội, liền bảo chúng tôi bế cháu cho Bác xem. Đại sứ La Quý Ba đưa chúng tôi đến chỗ Bác và cùng ăn cơm tối. Theo yêu cầu của chúng tôi, Bác đặt tên cho cháu là “Việt Dũng”. Năm 1959, trước khi tôi được điều động về nước, Bác lại gọi tôi đến cùng ăn cơm tối, còn tặng tôi một tấm ảnh, trên có viết một dòng chữ bằng trung văn “chúc chú tiến vọt, ngày 3.6.59. Bác Hồ tặng”. Buổi ấy, Thủ tướng Phạm Văn Đồng cũng có mặt và cũng biếu tôi một tấm ảnh có ký tên.

(Còn nữa)
Cù Thị Ban/Phòng Sưu tầm-Kiểm kê-Tư liệu

Theo ditichhochiminhphuchutich.gov.vn
Anh Thư (st)


 

duoc gan BH phan 2

Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp Đoàn đại biểu Hội Trung - Việt hữu hảo do ông Dương Tú Phong, Ủy viên TƯ ĐCS Trung Quốc, Chủ tịch Hội Trung - Việt hữu hảo dẫn đầu sang thăm và dự lễ kỷ niệm Quốc khánh của Việt Nam, tại vườn hoa Phủ Chủ tịch ngày

30-8-1962 (ông Văn Trang là người đứng ở đầu hàng sau).

Ngày 17-5-1960, Bác đi thăm không chính thức Nam Ninh và nghỉ ngơi. Cùng đi có đồng chí Hà Vĩ, Đại sứ Trung Quốc tại Việt Nam. Ngày 19-5, tại Nam Ninh, buổi sáng Bác tiếp đoàn cán bộ Nam Ninh đến thăm và mừng sinh nhật Người. Buổi tối, đồng chí Vi Quốc Thanh mời cơm thân mật Bác.

Tháng 8-1960, Bác đi nghỉ ở Bắc Đới Hà, tỉnh Hà Bắc. Tại đây đồng chí Lưu Thiếu Kỳ và một số cán bộ ra đón Bác về Nhà nghỉ, sau đó 5 ngày Bác rời Trung Quốc đi thăm Liên Xô. Sau 7 ngày ở thăm Liên Xô trở về Bắc Kinh, Thủ tướng Chu Ân Lai ra đón Bác. Buổi chiều Bác gặp gỡ các đồng chí lãnh đạo Trung Quốc. Buổi tối Người đến dự liên hoan ở Cung Văn hoá. Hôm sau Người rời Trung Quốc về nước.

Tháng 10-1960, Chủ tịch Hồ Chí Minh đi Liên Xô nhân dịp kỷ niệm Cách mạng Tháng Mười. Trên đường về, từ Liên Xô quá cảnh ở Trung Quốc, các bác sĩ Trung Quốc đến thăm và kiểm tra sức khoẻ cho Người.

Trong thời gian ở thăm và nghỉ phép tại Trung Quốc, Bác đã đi thăm Khu tự trị Tân Cương, sau đó thăm thành phố Thanh Đảo, từ miền Đông Bắc ở phía Bắc đến Đảo Hải Nam ở phía Nam. Bác từng đi thăm nhiều danh lam thắng cảnh ở Trung Quốc, như phong cảnh sơn thủy Quế Lâm, rừng đá Lộ Nam ở Côn Minh; Tây Hồ ở Hàng Châu; Thái Hồ ở tỉnh Giang Tô; vườn tược ở Tô Châu; núi Nhạc Lộc ở Hồ Nam; núi Hoàng Sơn ở An Huy; Khổng Miếu ở Khúc Phụ (tỉnh Sơn Đông) và Vạn lý trường thành v.v…

Về địa điểm nghỉ phép, thông thường là Bác bàn định trước với đồng chí Đại sứ Trung Quốc tại Việt Nam. Chỉ có Thiều Sơn Xung (quê hương Mao Chủ tịch) và Diên An là do Bác tự mình nêu ra. Còn việc đi thăm Hoàng Sơn là Bác xem bộ phim (Hoàng Sơn) rồi quyết định. Sau năm 1960, Bác có nhiều lần sang Trung Quốc nghỉ phép thường là vào trung tuần tháng 5 đến trung tuần tháng 6 để tránh mừng thọ.

Tháng 5-1961, Người đi nghỉ ở Trung Quốc 15 ngày. Trước khi đi Bác gặp Đại sứ Trung Quốc Hà Vỹ. Đại sứ báo cáo và được Bác đồng ý về việc đón tiếp ở Trung Quốc. Ra đón Bác ở Quế Lâm có đồng chí Vi Quốc Thanh và một số cán bộ ở Bắc Kinh.

Ngày 14-5-1961, Bác nghỉ tại Quế Lâm 3 ngày. Ngày 17-5-1961, Bác rời Quế Lâm đi Nam Kinh, nghỉ ở Nam Kinh 3 hôm và đi thành phố Vô Tích rồi sau đó đi Hồ Nam, tại đây đồng chí Diệp Kiếm Anh ra đón Bác.

Ngày 23-5-1961, Bác rời Vô Tích đi Hồ Nam. Ngày 29-5-1961, 8 giờ sáng Bác rời Trường Sa (tỉnh Hồ Nam) và trở về Việt Nam, lúc 11h15 về đến sân bay Gia Lâm.

Từ tháng 5-1962 đến đầu tháng 6 Bác đi nghỉ ở một số địa phương của Trung Quốc. Tại Nam Ninh vợ chồng đồng chí Vi Quốc Thanh ra đón Bác. Hôm sau Bác đi Bắc Kinh, đón Người có đồng chí Lưu Thiếu Kỳ và Vương Quang Mỹ cùng các con đến thăm Người. Bác nghỉ ở Điếu Ngư Đài có các bác sĩ Tây y Trung Quốc đến kiểm tra sức khoẻ cho Người.

Ngày 4-6-1962, Bác rời Bắc Kinh đi Matxcơva.

Tháng 9-1963, Bác đi nghỉ tại Tùng Hoá (ngoại thành Quảng Châu). Hàng ngày bác sĩ Tây y đến khám và kiểm tra sức khoẻ cho Người và Bác mời cơm thân mật các bác sĩ. Ngày 15-5-1964, Bác đi máy bay từ Côn Minh về Quảng Châu và nghỉ ở Ôn Tuyền. Ngày 18-5-1964, bác sỹ Tây y đến khám bệnh và kiểm tra tim cho Bác.

Từ năm 1961 đến năm 1967, mỗi lần sang Trung Quốc nghỉ phép hoặc chữa bệnh, Bác đều gọi tôi cùng đi, thế là tôi được nhiều dịp tiếp xúc với Bác. Bác không coi tôi là người xa lạ. Trong thời gian nghỉ phép tại Trung Quốc (thường là 1 tháng), giờ giấc sinh hoạt của Bác rất đều đặn và có qui luật. Ngoài việc đi thăm các nơi, mỗi ngày Bác dậy lúc 6 giờ, đánh răng, rửa mặt xong, đi bách bộ. Đến 7 giờ ăn sáng xong, Bác về phòng nghỉ, mà thực ra là ngồi viết, hoặc xem những văn kiện do thư ký mang theo, hoặc những tài liệu sách báo do địa phương cung cấp. Chỉ có trong thời gian chữa mắt Bác mới để thư ký đọc văn kiện cho Bác nghe. Bác rất chú ý đọc những tờ báo và các tài liệu tham khảo bằng tiếng Trung Quốc, thấy chỗ nào quan trọng cần lưu trữ thì lấy bút đỏ đánh dấu trên bài.

1giờ rưỡi ăn cơm trưa xong Bác thường nghỉ một lát rồi xem sách báo. Việc ăn uống của Bác rất đơn giản, hoàn toàn không theo tiêu chuẩn khách quí. Bác có qui định mỗi bữa không được ăn hơn 3 món và một bát canh. Nhưng các nơi đều sắp xếp cho nhiều hơn ý Bác một chút để Bác có thể lựa chọn. Lúc thấy món ăn quá nhiều, Bác bảo tôi vào nhà bếp góp ý kiến, vừa dành ra một đĩa để lại nguyên vẹn. Bác nói: Để nguyên thế này tiện cho các đồng chí khác ăn. Bác còn qui định những món nào đã động tới là phải ăn cho hết, không được thừa lại. Nếu còn nhiều thì chia cho mọi người ăn hết. Bác thích ăn nhạt và không kén ăn, hay ăn ít ớt. Bác thích ăn nhất là món bít tết nửa chín nửa hồng. Trong thời gian nghỉ phép, lần nào Bác cũng phải đích thân bày cho anh thư ký tự làm ở nhà bếp, nhưng chỉ ăn có một lần thôi. Bác còn thích ăn “cháo cập đệ” và ăn cơm rang với trứng gà mang phong vị Quảng Đông. Bác không thích ăn hoa quả sống mà thích ăn táo nướng với bơ. Anh thư ký có mang theo cà phê Việt Nam với cốc lọc cà phê 2 tầng kiểu Pháp, khi cần thì pha bằng nước sôi để chảy nhỏ giọt xuống cốc. Bác uống rất ngon miệng. 5 giờ rưỡi Bác ăn cơm chiều. Sau bữa ăn, Bác nghỉ ngơi rồi đi bách bộ lần nữa. Buổi tối có lúc Bác dự biểu diễn văn nghệ hoặc xem phim, khoảng 9 giờ rưỡi Bác đi ngủ.

Bác thường gọi mỗi buổi sáng đi bách bộ là đi “trèo núi”. Miễn là xung quanh chỗ ở có núi, Bác đều phải đi bộ khoảng 5 km men theo đường mòn. Năm 1965 do chân Bác hơi yếu, Trung Quốc cử bác sĩ Tôn Chấn Hoàn sang Hà Nội chữa cho Bác bằng cách châm cứu và xoa bóp điểm huyệt, Bác thấy có đỡ hơn. Nhưng Bác vẫn tin chắc rằng rèn luyện bằng cách “trèo núi” vẫn có hiệu quả hơn.

Ở đằng sau khu “Tùng Viên” tại vùng suối nước nóng Tùng Hoá, núi dốc đường hẹp, nhưng Bác vẫn kiên trì trèo núi, mỗi ngày chọn một cây to hoặc một tảng đá ở phía trước làm mục tiêu để cố trèo tới nơi, rồi vừa nghỉ chân, vừa ngắm một lát thì quay trở về. Gặp chỗ hiểm trở, đồng chí cảnh vệ muốn đỡ Bác, nhưng Bác nhất định không chịu, cứ phải tự mình trèo từ từ. Trên đường, Bác chuyện trò niềm nở với các cháu thanh niên cùng đi.

Theo tôi quan sát, Bác kiên trì “trèo núi” như thế, có công hiệu cho việc chữa bệnh bị yếu chân thật.

Mỗi lần nghỉ phép đều có anh thư ký của Bác, bác sĩ bảo vệ sức khoẻ (một bác sĩ Việt Nam hoặc bác sĩ Văn Dĩnh Mai là bác sĩ bệnh viện Bắc Kinh - Trung Quốc) và tôi cùng ăn cơm với Bác. Bác không thích ăn cơm một mình, thích vừa dùng cơm vừa nói chuyện. Đó là quãng thời gian chuyện trò vui vẻ và sôi nổi nhất trong ngày.

Thông thường là tôi giới thiệu với Bác phát biểu một số nhận xét, hoặc nhân đó mà kể lại chuyện cổ tích, chuyện vui và chuyện từng trải… bầu không khí nhẹ nhàng và khoan khoái. Thỉnh thoảng tôi cũng có hỏi một vài câu hoặc trình bày nhận xét cá nhân. Có hỏi và có trả lời, thì Bác vui hơn, có lần sau khi nghe tôi phê phán gay gắt những người lãnh đạo của mấy Đảng xét lại hồi bấy giờ, Bác bình tĩnh nói: Chú quá “tả”.

Trong buổi ăn cơm, bác sĩ Văn Dĩnh Mai cũng hay phát biểu những ý kiến về chuyện ăn ở, ví dụ những người có tuổi nên ăn ít những món có nhiều chất cholesterol….

Nghe vậy, Bác cười nói: Tóm lại, phàm những thứ ngon miệng đều không được ăn cả.

Tháng 5-1966, Bác đi nghỉ ở Bắc Kinh. Các bác sĩ Trung Quốc đến kiểm tra mắt và khám sức khoẻ cho Bác. Ở Bắc Kinh vài ngày Bác đi Vô Tích, rồi Bác đến thăm “Thuyết Chính Viện” ở Tô Châu, gặp một đám đội viên thiếu niên tiền phong đang họp sinh hoạt đội trong một cái đình. Bác bèn bước đến nghe các cháu ca hát. Khi các cháu ấy nhận ra Bác Hồ, lập tức chạy đến vây quanh Bác chào hỏi. Một cháu quàng khăn đỏ mạnh dạn xin Bác kể chuyện về các bạn nhỏ Việt Nam. Bác đồng ý, rồi bảo tôi kể thay. Tôi kể lại câu chuyện về em Lê Văn Tám, anh hùng thiếu niên của Việt Nam đã tự tưới xăng lên mình rồi châm lửa xông vào kho đạn của địch để cùng chết với kẻ thù. Các cháu vỗ tay nhiệt liệt chào Bác. Bác nói:

- Hiện nay miền Nam Việt Nam còn chưa được giải phóng, các cháu ở bên ấy còn phải kề vai với các chú bác cùng chiến đấu. Sau này, khi miền Nam Việt Nam được giải phóng, thì các bạn nhỏ bên ấy cũng sẽ sống hạnh phúc như các cháu vậy. Bác mong các cháu làm cháu ngoan của Bác Mao. Đám thiếu nhi lại vỗ tay nhiệt liệt…

Năm 1965, Bác nghỉ phép ở Hoàng Sơn. Bể bơi suối nóng nằm ngay bên cạnh khách sạn nơi Bác ở, nhiệt độ nước trong bể có thể tuỳ ý điều hoà. Được biết đội bơi lội của thanh niên tỉnh An Huy đang huấn luyện ở đó, Bác đi thăm. Các cháu vận động viên đã nhận ra Bác ngay và vỗ tay hoan nghênh; sau đó anh em tổ chức riêng một buổi thi bơi thao diễn, Bác rất hào hứng xem hết cuộc thi, và khuyến khích các cháu cố sức tập luyện để giành tiến bộ to lớn hơn nữa. Ngày hôm sau, Bác không nén nổi, cũng xuống bể bơi một hồi. Bác bơi nghiêng, khá thành thạo. Bác đã 75 tuổi rồi mà vẫn bơi được như thế, thật không phải việc dễ, thế nhưng Bác vẫn tỏ vẻ không hài lòng về mình lắm:

- Sức kém rồi, không như trước kia nữa. Khi ở suối nóng Tùng Hoá, Bác từng đi bơi ở bể chứa nước ở gần đó. Tuy trời hơi rét và nước lành lạnh, Bác nhờ phao bơi trôi trên mặt nước khá lâu. Lên thuyền, tôi hỏi Bác có thấy lạnh không, Bác trả lời thản nhiên:

- Sợ rét thì đừng xuống bơi.

Trong thời gian nghỉ phép, Bác dứt khoát không cho chúc thọ. Tháng 5-1961, Bác đi thăm làng Thiều Sơn Xung, quê hương của Mao Chủ tịch. Hôm ghé qua Trường Sa đúng là ngày sinh của Bác, các đồng chí địa phương có bố trí bàn chúc thọ. Bác bước vào, chợt thấy cảnh đó, dừng ngay lại, vẻ ngạc nhiên, cố nói một cách dí dỏm: “Cái gì đấy, như tổ chức đám cưới” rồi nói nghiêm túc với các đồng chí phụ trách ở địa phương:

- Cũng như đồng chí Mao Trạch Đông, tôi phản đối chúc thọ. Các đồng chí làm thế này không đúng.

 Ăn cơm xong, Bác tìm đến Đại sứ Hà Vỹ nhắc lại ý kiến đó. Đồng chí Hà Vỹ tỏ lời tiếp thu phê bình của Bác. Thủ tướng Chu Ân Lai được biết chuyện này, đã ra luôn chỉ thị: Cần phải tôn trọng ý kiến của Hồ Chủ tịch, đừng áp đặt cho Người. Từ đó về sau, mỗi khi đến ngày sinh của Bác, một số đồng chí lãnh đạo của Trung Quốc đến thăm Bác và cùng ăn một bữa cơm, nhưng không nói đến chuyện chúc thọ. Hai lần nhân ngày sinh của Bác năm 1965 và 1966, đều do Chủ tịch Lưu Thiếu Kỳ, Thủ tướng Chu Ân Lai thiết tiệc nội bộ để khoản đãi Bác tại Bắc Kinh. Có một lần, các đồng chí Đặng Dĩnh Siêu (phu nhân đồng chí Lưu Thiếu Kỳ), v.v... đưa các con cháu đi thăm Bác, cuộc gặp mặt tràn đầy bầu không khí gia đình, Bác rất hài lòng.

Trong thời gian nghỉ phép, Bác rất chú ý tìm hiểu tại chỗ những kinh nghiệm thích hợp cho Việt Nam tham khảo. Bác từng cùng với đồng chí lãnh đạo của thành phố Quảng Châu bố trí ra ngoại ô thăm những thửa ruộng lúa đạt sản lượng cao, và tìm hiểu tỉ mỉ với bà con nông dân về các biện pháp tăng sản lượng, còn bảo anh thư ký ghi chép lại cẩn thận. Trên đường về, Bác nói với tôi:

- Những kinh nghiệm của Quảng Đông thích hợp với Việt Nam hơn.

Tôi cảm thấy, Bác Hồ coi việc nghỉ phép tại Trung Quốc là dịp để tiếp xúc mật thiết với những người lãnh đạo Trung Quốc, cũng là để tỏ tình đặc biệt hữu nghị với Trung Quốc.

Hồi ấy phong trào cộng sản quốc tế đang có bất đồng nghiêm trọng, những cuộc tranh luận rất gay gắt. Trong các trường hợp công khai, Bác giữ thái độ không thiên về bên nào giữa Trung Quốc và Liên Xô, nhưng trong các cuộc gặp mặt không chính thức vào thời gian nghỉ phép, Bác luôn luôn cố gắng tỏ rõ từ mặt chính diện về tình cảm đặc biệt đối với Trung Quốc. Bác trao đổi ý kiến với những người lãnh đạo Đảng và Nhà nước Trung Quốc, như các đồng chí Mao Trạch Đông, Chu Ân Lai, Lưu Thiếu Kỳ, Đặng Tiểu Bình, Trần Nghị v.v.. về tình hình phong trào cộng sản quốc tế, cuộc đấu tranh ở miền Nam và công cuộc xây dựng ở miền Bắc Việt Nam, cũng như những tình hình hữu quan về Trung Quốc, v.v..

Tháng 5-1966, sau khi nghỉ ở Hoàng Sơn, trước khi lên đường đi thăm Diên An. Bác Hồ và Bác Mao gặp lại nhau ở Hàng Châu, lúc này sức khoẻ của Mao Chủ tịch đã hồi phục. Những vấn đề lớn cần giải quyết thì hai chủ tịch đã nói với nhau rồi, lần gặp mặt này không giới hạn một chủ đề chính nào, chủ yếu Mao Chủ tịch nói về chủ đề triết học, thời điểm đó phong trào cộng sản quốc tế đang chia rẽ lớn. Hồ Chủ tịch chủ trương phong trào cộng sản quốc tế và các nước xã hội chủ nghĩa phải giữ vững khối đoàn kết, và vì điều đó Người đã đích thân đến Bắc Kinh và Matxcơva trao đổi v.v.

Mao Chủ tịch đánh giá rất cao lời tuyên bố của Bác Hồ về quyết tâm kiên trì lâu dài cuộc đấu tranh chống Mỹ cho đến thắng lợi hoàn toàn được phát biểu vào ngày 8-12-1965, còn giới thiệu với Bác về tình hình cuộc đại cách mạng văn hoá Trung Quốc đang được triển khai. Nghe xong, Bác nói:

- Việt Nam không phải không có vấn đề, nhưng bây giờ vẫn còn phải làm cuộc đại cách mạng vũ hoá đã. Mao Chủ tịch cũng khẳng định:

 - Việt Nam không thể làm cuộc đại cách mạng văn hoá được.

Trong chuyến đi nghỉ phép này, Bác ghé qua Hàng Châu gặp Mao Chủ tịch, rồi đi Bắc Kinh gặp Thủ tướng Chu Ân Lai và Chủ tịch Lưu Thiếu Kỳ, sau đó đi nghỉ một thời gian ở Đại Liên và Thanh Đảo, cuối cùng đi thăm Diên An.

 Buổi chiều, máy bay riêng cỡ nhỏ đưa Bác đỗ xuống sân bay Diên An, được đồng chí Lý Ninh - con gái của đồng chí Lý Khắc Nông (vốn là bạn cũ của Bác), các đồng chí phụ trách địa phương và một số trẻ em tiếp đón nồng nhiệt. Xe đi vào nội thành, Bác vẫy tay chào quần chúng đứng hai bên đường hoan nghênh Bác, vừa chăm chú ngắm nhìn cảnh tượng ở Diên An.

Khi xe đi đến gần chiếc cầu lớn bắc ngang qua sông Diên Thủy, Bác nhờ đồng chí lái xe dừng lại, rồi xuống xe, chắp hai bàn tay chào hỏi thân mật với quần chúng nhân dân, sau đó, nghỉ chân trong phòng khách ở đối diện núi Bảo Tháp. Bác nói:

- Trước kia, ở đây không có phòng khách gì cả.

 Bác có nhớ từng ở trong một nhà hang làm phòng khách, do đồng chí Vương Gia Tường sắp xếp cho, nhưng không nhớ nhà hang ấy ở chỗ nào.

Trong thời gian ở thăm Diên An, Bác đã đi thăm nhà Bảo tàng kỷ niệm cách mạng Trung Quốc, Đại lễ đường Trung ương Đảng cộng sản Trung Quốc ở Dương Gia Lĩnh, trụ sở cũ của Tổng bộ Bát Lộ Quân ở Vương Gia Bình, hầm trú ẩn ở nơi trú ngụ cũ của Mao Chủ tịch ở Phượng Hoàng Sơn, cuối cùng đến thăm nơi ở và làm việc cũ của Mao Chủ tịch trong nhà hang ở Tảo Viên.

- Đúng rồi, Bác nhớ rồi! Bác nói. Vừa đi ra khỏi nhà hang Bác nói vui vẻ:

- Năm 1938, Bác ở đây này, Bác còn nhớ, lúc ấy là mùa đông, Bác rửa một chiếc khăn tay phơi ở trước của nhà hang tưởng đã phơi khô, lấy gập lại thì bị đứt rách, té ra nó chưa khô đâu, mà là bị đông cứng. Hỏi lại một đồng chí lão thành ở địa phương từng làm công tác ở Diên An vào lúc đó, đồng chí ấy cho biết, hồi năm 1938, đồng chí Mao Trạch Đông cũng ở Phượng Hoàng Sơn, nơi này là phòng khách của Bộ xã hội dùng để đón tiếp những đồng chí nước ngoài. Tất cả mọi người đều vui mừng. Nhớ lại những ngày sống ở Diên An, ăn không quen cơm kê, hạt kê nhỏ bé lăn trong miệng, như nhai không tới. Sau đó dần dần quen, thấy cơm kê cũng ngon. Nói đến đây, Bác dừng một lát, rồi nói tiếp:

- Trước đây Diên An có bao nhiêu dân?

- Có khoảng 5 vạn người gồm cán bộ các cơ quan và bộ đội.

Để hoan nghênh Bác Hồ, các cháu thanh thiếu niên Diên An đã tổ chức buổi dạ hội văn nghệ. Chương trình biểu diễn vừa kết thúc, Bác vui vẻ bước lên sân khấu, chỉ huy cả hội trường hát vang lên bài “Đông Phương Hồng”.

Khi sắp rời khỏi Diên An, Bác nhận lời thỉnh cầu của các đồng chí địa phương vui vẻ cầm bút lông viết một dòng chữ Hán:

“Diên An là nơi bắt nguồn của cuộc cách mạng Trung Quốc”.

Trong thời gian ở thăm Trung Quốc, với nhiều hình thức khác nhau, Bác Hồ đã giới thiệu rộng rãi cho các anh em cán bộ và nhân dân Trung Quốc về cuộc đấu tranh chống Mỹ cứu nước ở Việt Nam, tỏ rõ mối tình thắm thiết của nhân dân Việt Nam đối với Trung Quốc. Trong khi Bác nghỉ phép ở Hoàng Sơn, Bác nhận lời mời, đã diễn thuyết cho toàn thể anh chị em làm việc ở đó. Cả hội trường tràn đầy bầu không khí nhiệt liệt và sôi nổi từ trước tới nay chưa từng có. Bất cứ Bác Hồ đến đâu, mối tình hữu nghị Trung - Việt và ủng hộ Việt Nam chống Mỹ lập tức trở thành nhạc điệu chính.

Bác Hồ thật xứng đáng là người sứ giả hữu nghị của nhân dân Việt Nam và người bạn thân thiết của nhân dân Trung Quốc…

Ngày 16-5-2009, ông Văn Trang cùng các cán bộ, bác sĩ, y tá chữa bệnh cho Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Trung Quốc và Việt Nam đã có dịp trở lại Việt Nam theo lời mời của Hội Việt - Trung hữu nghị trong buổi “Gặp gỡ trên quê hương Bác Hồ “tổ chức trên Quê hương Nghệ An. Đoàn rất xúc động có dịp  thăm lại nơi ở và làm việc của của Bác Hồ trong Phủ Chủ tịch. Thời gian đã trôi đi nhưng ấn tượng về Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn còn in đậm trong Ông Văn Trang, trở thành nguồn động lực thôi thúc ông viết những dòng hồi tưởng bày tỏ tình cảm sâu sắc về những năm tháng ông được ở gần Bác. Những dòng hồi ký đã minh chứng cho hoạt động của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại chiến khu ATK và khu Phủ Chủ tịch tại Hà Nội. Qua đó, thể hiện được tình cảm tốt đẹp của Người đối với nhân dân Trung Quốc nói chung và ông Văn Trang nói riêng./

Cù Thị Ban/Phòng Sưu tầm-Kiểm kê-Tư liệu

Theo ditichhochiminhphuchutich.gov.vn
Anh Thư (st)

Bài viết khác: