Phần 1. Giai đoạn 1890 - 1945
Khoảng gần cuối năm 1895
Sau khi đậu cử nhân (1894), ông Nguyễn Sinh Sắc vào kinh đô Huế dự thi Hội, nhưng không đỗ. Ông xin vào học trường Quốc Tử Giám để chuẩn bị thi Hội kỳ sau. Được tiếp nhận, ông về quê đưa vợ và hai con trai cùng vào Huế; gửi con gái là Nguyễn Thị Thanh ở lại nhờ mẹ vợ nuôi.
Nguyễn Sinh Cung cùng anh theo cha mẹ vào Huế. Thời kỳ này từ Nghệ An vào Huế chưa có đường xe lửa và ôtô. Mọi người đều đi bộ, trẻ con thường được ngồi trong quang gánh, vất vả nhiều ngày dọc đường mới tới được kinh đô Huế.
Tới Huế, lúc đầu gia đình Nguyễn Sinh Cung phải ở nhờ những người quen, sau ở tạm trong một gian của trại lính gần Viện đô sát.
* Gần cuối năm 1898
Nguyễn Sinh Cung cùng anh theo cha về làng Dương Nỗ, xã Phú Dương, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên, cách thành phố Huế khoảng 7km. Theo lời mời của ông Nguyễn Sĩ Độ, ông Nguyễn Sinh Sắc về đây dạy chữ Hán cho một số học sinh trong làng.
Ông Nguyễn Sinh Sắc và hai con ở trong nhà người em ông Nguyễn Sĩ Độ là Nguyễn Sĩ Khuyến(lúc này ông Khuyến chưa lập gia đình, nhà bỏ không. Ngôi nhà này hiện nay đã được công nhận là di tích).
Nguyễn Sinh Cung bắt đầu học chữ Hán từ đây. Với trí nhớ tốt, các bài học Nguyễn Sinh Cung chỉ đọc ba, bốn lần là thuộc.
* Gần cuối năm 1900
Nguyễn Sinh Cung vẫn ở Huế với mẹ trong thời gian ông Nguyễn Sinh Sắc đi làm giám thị kỳ thi Hương tại Thanh Hoá, đưa Nguyễn Sinh Khiêm đi cùng.
Cuối năm bà Hoàng Thị Loan sinh người con thứ tư, vì ông Sắc đi vắng, bà lại thiếu sữa phải cho con đi bú nhờ nên bà con gọi đùa là Xin, nhưng Xin quá yếu, đã mất sau một thời gian rất ngắn.
* Sau tháng 9-1901
Nguyễn Tất Thành được phụ thân gửi học chữ Hán với thầy Vương Thúc Quý ở trong làng Kim Liên. Thầy Vương Thúc Quý là người con độc nhất của tú tài Vương Thúc Mậu, lãnh tụ Cần Vương của huyện Nam Đàn, người đã hy sinh trong cuộc càn quét của giặc Pháp tại Kim Liên. Mang nặng nợ nước thù nhà, thầy Quý tuy đỗ cử nhân nhưng không ra làm quan mà ở nhà mở trường dạy học và cùng các sĩ phu yêu nước trong vùng âm mưu chống Pháp. Nhà thầy Quý là nơi các sĩ phu yêu nước thường lui tới, trong đó có các ông Phan Bội Châu, Đặng Thái Thân… Những hôm nhà có khách, Nguyễn Tất Thành thường được thầy Quý lưu lại giúp đun nước, pha trà… Nhờ đó Nguyễn Tất Thành được nghe nhiều chuyện qua các buổi luận bàn thời cuộc của các sĩ phu yêu nước.
* Nửa cuối năm 1904
Nguyễn Tất Thành theo cha sang làng Du Đồng, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh. Thời gian này ông Nguyễn Sinh Sắc dạy học tại nhà ông Nguyễn Bá Uý, ở thôn Hạ, xã Chính Trung, tổng Du Đồng, phủ Đức Thọ(nay là xã Đức Đồng, huyện Đức Thọ).
Trong thời gian dạy học, ông Nguyễn Sinh Sắc đã tổ chức những buổi bình văn thơ, có lúc kéo dài tận khuya. Nguyễn Tất Thành thường chăm chú lắng nghe các buổi bình thơ đó.
Ngoài thời gian học tập, Nguyễn Tất Thành thường theo cha đến các vùng trong tỉnh như làng Đông Thái, quê hương của Phan Đình Phùng, làng Trung Lễ, quê hương của Lê Ninh, thăm các di tích thành Lục niên, miếu thờ La Sơn phu tử Nguyễn Thiếp, v.v..
* Từ nửa sau tháng 9-1910 đến trước tháng 2-1911
Nguyễn Tất Thành dạy học ở Trường Dục Thanh (Phan Thiết). Thời gian đầu, thầy Thành ở nhờ nhà cụ Hồ Tá Bang, sau chuyển ra ở cùng với học sinh nội trú của trường tại một căn nhà có tên gọi là nhà Ngư trong vườn cụ Nguyễn Thông.
Thầy dạy rất tận tâm, hết lòng thương yêu, chăm sóc học sinh. Thầy thường phổ biến cho học sinh những thơ ca yêu nước, chẳng hạn bài Á tế á ca, bài Ca hớt tóc, v.v.. Thầy phụ trách thể dục buổi sáng của nhà trường, chăm lo xây dựng tủ sách, hướng dẫn học sinh thăm phong cảnh trong vùng, như động Thiềng Đức, bãi biển Thương Chánh.
* Tháng 10-1911
- Trước ngày 31: Nguyễn Tất Thành vẫn làm việc trên tàu Đô đốc Amiran Latusơ Tơrêvin, theo hành trình con tàu trở về Sài Gòn.
- Ngày 31: Từ Sài Gòn Nguyễn Tất Thành gửi thư cho Khâm sứ Trung Kỳ nhờ chuyển số tiền 15 đồng cho cha là Nguyễn Sinh Huy. Số tiền trên đã được ông Nguyễn Sinh Huy ký nhận ngày 9-11-1911.
* Khoảng cuối năm 1913
Sau hai tuần nghỉ việc đốt lò vì bị cảm, Nguyễn Tất Thành đến làm thuê ở khách sạn Đraytơn Cơớc, đại lộ Đraytơn, khu Oét Ilinh (Drayton Court, Drayton Av., West Ealing), Tây Luân Đôn.
Một thời gian sau, Nguyễn Tất Thành lại chuyển sang làm phụ bếp ở khách sạn Cáclơtơn (Carlton), phố Hây Makét, một khách sạn sang nổi tiếng ở Luân Đôn. Anh làm việc dưới sự điều khiển của vua đầu bếp người Pháp Étcốpphie (Escophier). Công việc của anh là dọn dẹp bát đĩa và đồ đạc. Anh làm rất cẩn thận. Đáng lẽ vứt thức ăn thừa vào một cái thùng thì anh lại để riêng những thức ăn còn sạch sẽ, có lúc là một phần tư con gà hoặc còn nguyên cả miếng bít tết để đưa lại cho nhà bếp.
Ông già Étcốpphie chú ý tới việc làm đó và hỏi anh:
- Tại sao anh không quẳng thức ăn thừa vào thùng như những người khác?
Tất Thành trả lời:
- Không nên vứt đi. Ông có thể cho người nghèo những thứ ấy.
Étcốpphie vừa nói vừa cười và có vẻ bằng lòng:
- Tạm thời anh hãy gác ý nghĩ cách mạng của anh lại một bên, và tôi sẽ dạy cho anh cách làm bếp, làm ngon và anh sẽ được nhiều tiền.
Từ đó, Tất Thành được ông vua bếp đưa vào chỗ làm bánh với số lương cao hơn. Những người trong khách sạn cho đó là một việc lớn vì lần đầu tiên ông vua bếp làm như thế.
* Tháng 10-1919
- Ngày 14: Bài viết của Nguyễn Ái Quốc nhan đề Thư gửi ông Utơrây, đăng trên báo Le Populaire. Bài báo tố cáo Utơrây (Outrey) xuyên tạc sự thật về tình hình Đông Dương.
- Ngày 16: Nguyễn Ái Quốc gửi thư cho Utơrây. Trong bức thư dài này, Nguyễn Ái Quốc vạch trần thái độ xấu xa và những luận điệu xuyên tạc sự thật của ông ta trong các cuộc thảo luận tại Nghị viện Pháp, ngày 18-9-1919.
* Tháng 10-1920
- Ngày 5: Nguyễn Ái Quốc cùng với Phan Châu Trinh, Võ Văn Toàn (còn có tên là Marcel), Ba Sóc và Trần Xuân Hộ rời số 6 Vila đê Gôbơlanh đến 167 đại lộ Soadi dự cuộc họp của Uỷ ban Đệ tam quốc tế, nhóm Quận 13.
- Ngày 9: Nguyễn Ái Quốc nhận được thư của ông Tixo Duypông (Tissot Dupont) ở 24 đại lộ Crôxnơ (Crosne) mời đến chơi ngày chủ nhật 10-10.
- Ngày 10: Nguyễn Ái Quốc rời số 6 phố Vila đê Gôbơlanh lúc 6 giờ sáng và đi tới 1 giờ khuya mới về nhà.
- Từ ngày 10 đến ngày 16: Suốt tuần, ngày nào Nguyễn Ái Quốc cũng đến nhà Phan Châu Trinh vào các buổi chiều để sửa ảnh.
- Ngày 20: Nguyễn Ái Quốc nhận được thư gửi từ Boócđô (Bordeaux) của một người tên là Thuyết, phục vụ trên tàu Manila (Manilla) hoạt động ở vùng nam Đại Tây Dương.
- Ngày 21: Nguyễn Ái Quốc cùng một số người Việt Nam dự cuộc mít tinh do các đảng viên Đảng Xã hội Quận 13 tổ chức tại Phòng hoà nhạc Ếchxenxiơ (Exelsieur), số 13 Pácgông (Pargon), dưới sự chủ toạ của A.Phrăngxơ (A.France) nhằm lên tiếng ủng hộ một số đồng chí bị giam giữ độc đoán.
- Ngày 24: Nguyễn Ái Quốc và một số người Việt Nam dự cuộc họp của Chi bộ 13 Đảng Xã hội ở 163 đại lộ Ôpitan (Hôpital).
* Tháng 10-1921
- Ngày 4: Nguyễn Ái Quốc tham dự cuộc họp đầu tiên của Hội liên hiệp thuộc địa, bắt đầu từ 18 giờ tại nhà số 9, phố Valoa (Vallois). Thời gian này, tuy mới thành lập Hội đã có gần 100 hội viên, phần lớn là những người trước đây ở trong Hội những người yêu nước Việt Nam và Hội đấu tranh cho quyền công dân của người Mađagátxca thành lập ở Pháp.
- Ngày 7: Bài viết của Nguyễn Ái Quốc, nhan đề Hãy yêu mến nước Pháp, người bảo hộ các anh đăng trên báo Le Libertaire.
Tác giả tố cáo nhà cầm quyền Pháp đã thực hiện chính sách ngu dân đối với thuộc địa. Trường tiểu học hiếm tới mức "phải hơn một trăm quán rượu và thuốc phiện mới có một trường học".Người muốn được vào học trong những "thiên đường"đó đã phải chạy chọt đủ kiểu, gửi hết đơn này đến đơn khác cho quan khâm sứ, quan công sứ, quan giám đốc của trường... mà vẫn chẳng nhận được một sự phúc đáp nào. Các nhà "khai hoá"hằng năm kiếm được trên hai mươi mốt triệu đồng bạc Đông Dương bằng cách bán các chất độc rượu và thuốc phiện, vậy mà một năm họ chỉ chi cho giáo dục một trăm bảy mươi hai ngàn đồng, v.v..
Tác giả mỉa mai: "Ôi! Nước Pháp, nếu người biết chúng tôi được che chở như thế nào, người sẽ kiêu hãnh là những kẻ bảo hộ chúng tôi".
- Ngày 16: Nguyễn Ái Quốc tham dự cuộc họp thường kỳ hằng tháng của Hội liên hiệp thuộc địa tại hội trường của Hội các nhà bác học, phố Đăngtông (Danton), khai mạc lúc 15 giờ.
Phát biểu ý kiến về vấn đề Bắc Kỳ, Nguyễn Ái Quốc đã lên án chính sách cai trị của Pháp ở thuộc địa, vạch ra một bản án thực sự đối với bọn quan lại thực dân, nhất là tên Đáclơ, Công sứ tỉnh Thái Nguyên, kẻ đã có những hành động vô cùng tàn nhẫn đối với nhân dân Việt Nam trong cuộc nổi dậy của binh lính Thái Nguyên do Lương Ngọc Quyến lãnh đạo năm 1917. Một hành động vô nhân đạo như vậy mà tên Đáclơ chỉ bị đưa ra toà án sơ thẩm ngày 7-3-1919 và chỉ bị phạt có 200 phrăng, theo Nguyễn Ái Quốc, thật không thể nào chấp nhận được, vì nó chỉ nhằm xoa dịu lòng phẫn nộ chứ không phải trừng trị tội ác một cách đích đáng. Chưa hết, Đáclơ sau đó lại còn được nhà nước"đền bù"bằng cách cử hắn làm Chủ tịch Uỷ ban học bổng rồi Chánh Văn phòng toà Khâm sứ trước khi về hưu. Giọng phẫn nộ cao độ, Nguyễn Ái Quốc kết thúc bài phát biểu của mình: "Tôi sẽ cho đăng bài này trên báo L'Humanité và sẽ được bổ sung thêm một số chi tiết cụ thể nữa".
- Ngày 23: Nguyễn Ái Quốc dự cuộc biểu tình do Đảng Xã hội (SFIC) và Liên hiệp Công đoàn tổ chức để phản đối việc hành quyết Sáccô và Vandétti đã bị nhà cầm quyền Mỹ kết án tử hình một cách trái phép.
* Tháng 10-1922
- Ngày 3: Nguyễn Ái Quốc họp cùng Ban biên tập báo Le Paria tại trụ sở tờ báo, số 3, đường Mácsê đê Patơriácsơ. Tham dự cuộc họp còn có Bơlôngcua, Xtêphani, Môngnécvin, Ralaimônggô và Nguyễn Văn Ái.
Xtêphani đã báo cáo tình hình tài chính. Sau khi trả cho nhà in 150 phrăng số tiền còn thiếu, trong quỹ không còn một xu nào. Môngnécvin cho biết một số người mới ghi tên vào Hội liên hiệp thuộc địa đã đặt mua báo dài hạn, có 103 người đã đặt mua cả năm.
Mọi người quyết định phải có người thường trực tại trụ sở để tiếp những đồng bào (người dân tộc thuộc địa) đến thăm hỏi. Những người cần có mặt ở các buổi ấy là Nguyễn Văn Ái, Nguyễn Ái Quốc, Bơlôngcua, Môngnécvin và Lapôlônhơ.
- Mùa Thu 1922
Sau một thời gian tiếp xúc với một số thanh niên Trung Quốc du học ở Pari, Nguyễn Ái Quốc đã khuyên họ nên gia nhập Đảng Cộng sản Pháp và hứa sẽ làm người giới thiệu.
Ý kiến của Nguyễn Ái Quốc đã được trao đổi trong tổ chức Đảng và Đoàn của những người Trung Quốc ở Pari và được chấp thuận. Nhóm thanh niên Triệu Thế Viêm, Trần Diên Niên, Trần Kiều Niên, Vương Nhược Phi, Tiêu Tam đã được Nguyễn Ái Quốc giới thiệu kết nạp Đảng Cộng sản Pháp khoảng tháng 9, tháng 10-1922 và cùng sinh hoạt một chi bộ với Nguyễn Ái Quốc.
- Ngày 5: Lúc 5 giờ chiều, Nguyễn Ái Quốc rời nhà số 9 ngõ Côngpoanh đến trụ sở báo L'Humanité, khoảng 30 phút. Sau đó đến nhà Nguyễn Thế Truyền từ 7 giờ đến 10 giờ đêm.
- Từ ngày 21 đến ngày 24: Nguyễn Ái Quốc tham dự Đại hội II Đảng Cộng sản Pháp họp tại nhà số 33 phố La Grănggiơ Ô Belơ, Quận 10, Pari.
Tại Đại hội này, Nguyễn Ái Quốc gặp Manuinxki, thay mặt Thường vụ Quốc tế Cộng sản tham dự Đại hội.
Từ diễn đàn Đại hội, Nguyễn Ái Quốc đã phê bình Đảng Cộng sản Pháp chưa quan tâm đúng mức đến vấn đề công tác ở các thuộc địa. Theo đề nghị của Nguyễn Ái Quốc, Đại hội đã thông qua lời kêu gọi Những người bản xứ ở các thuộc địa.
- Ngày 26: Bài viết của Nguyễn Ái Quốc nhan đề Chế độ nô lệ "hiện đại hoá", đăng trên báo L'Humanité.
Sau khi tường thuật vụ sáu nông dân bản xứ đi làm thuê tại đồn điền của điền chủ kiêm công sứ Đờ la Rôdơ (De la Roses) bị bắt vì không nạp thuế và đã bị đưa ra toà; và việc viên điền chủ kiêm công sứ ấy đã được Toàn quyền bao che mặc dầu hắn đã có hành vi phi pháp là không những không thực hiện lời cam kết khi thuê mướn họ mà còn chiếm luôn cả số tiền mà họ chuyển cho hắn để nhờ nộp thuế, tác giả bài báo kết luận: "Những người lao động ở thuộc địa được bảo hộ như thế đấy và chính sách hợp tác được thực hiện như thế đấy".
* Tháng 10-1923
- Ngày 3: Nguyễn Ái Quốc gặp Tưởng Giới Thạch và Trương Thái Lôi tại Mátxcơva.
- Ngày 10: Nguyễn Ái Quốc dự Hội nghị lần thứ nhất Quốc tế Nông dân khai mạc tại Cung Anđrâyépxki trong Điện Kremli (Mátxcơva) với tư cách đại biểu chính thức của nông dân Đông Dương. Đại hội có 158 đại biểu, trong đó 122 là chính thức, gồm các lãnh tụ các Đảng Nông dân, các liên minh nông dân, đại biểu nông dân trong các nghị viện và chính phủ, tổng biên tập báo Nông dân.
Trong phiên họp đầu tiên này, sau lời chào của Calinin và phát biểu của Ganvan (Mêhicô) và Rưdơlô (Tiệp Khắc), Nguyễn Ái Quốc được Đoàn Chủ tịch mời phát biểu ý kiến. Từ diễn đàn, Người đã tố cáo tội ác của thực dân Pháp đối với các thuộc địa, nêu lên nỗi khổ cực của người nông dân và kêu gọi:“Thưa các đồng chí, khi các đồng chí được tổ chức lại, các đồng chí cần phải nêu gương cho chúng tôi, giúp đỡ chúng tôi, dang rộng cánh tay anh em đón chúng tôi để chúng tôi cũng có thể bước vào gia đình vô sản quốc tế”.
- Ngày 13: Buổi chiều, Nguyễn Ái Quốc phát biểu lần thứ hai tại phiên họp thứ 7 của Hội nghị Quốc tế Nông dân.
Sau khi so sánh tình cảnh của người nông dân Nga với người nông dân Việt Nam nói riêng và người nông dân Đông Dương nói chung, vạch trần những thủ đoạn thực dân như dùng thuốc phiện, nhà thờ, rượu cồn, sưu cao thuế nặng, trắng trợn cướp đoạt ruộng đất, cho vay nặng lãi, chính sách ngu dân… để biến người nông dân thành nô lệ hai bàn tay trắng…, Nguyễn Ái Quốc kết luận: “Quốc tế của các đồng chí chỉ trở thành một quốc tế thật sự khi mà không những nông dân phương Tây, mà cả nông dân ở phương Đông, nhất là nông dân ở các thuộc địa là những người bị bóc lột và bị áp bức nhiều hơn các đồng chí, đều tham gia Quốc tế của các đồng chí".
- Ngày 16: Nguyễn Ái Quốc được Hội nghị Quốc tế Nông dân bầu vào Hội đồng Quốc tế Nông dân, trở thành một trong số 52 uỷ viên của Hội đồng.
- Ngày 17: Nguyễn Ái Quốc dự kỳ họp đầu tiên của Hội đồng Quốc tế Nông dân và được bầu vào Đoàn Chủ tịch của Hội đồng gồm 11 uỷ viên.
* Tháng 10-1924
- Ngày 9: Bài báo của Nguyễn Ái Quốc nhan đề Hành hình kiểu Linsơ, đăng trên Nhật báo Dieweltribune, số ra ngày 9-10-1924 và trên Tập sanInprekorr, bản tiếng Pháp, số 59.
Theo tác giả: tục hành hình kiểu Linsơ (Lynch) là tàn ác nhất, ghê tởm nhất, gây bao nhiêu thống khổ ghê gớm về tinh thần và vật chất đối với người da đen châu Mỹ, tiếng rằng đã được giải phóng 65 năm nay. Lối hành hình này đã trở thành phổ biến và kéo dài ở khắp các bang của nước Mỹ.
Sau khi kể lại cụ thể và chi tiết cảnh nạn nhân bị hành hình như thế nào, bài báo cho biết: Trong vòng 30 năm (1889 - 1919) đã có 2.600 người da đen, trong đó có 51 phụ nữ bị hành hình một cách khủng khiếp như vậy. Cũng trong 30 năm ấy, 708 người da trắng, trong đó có 11 phụ nữ đã bị hành hình theo kiểu trên vì họ tổ chức bãi công hoặc vì đồng tình với cuộc đấu tranh của người da đen. Vậy mà, "những thủ phạm chính không bao giờ bị làm rầy rà, chỉ đơn giản là vì họ luôn luôn được bọn chính khách, bọn tài chính, bọn cầm quyền và nhất là báo chí phản động kích thích, khuyến khích, xúi bẩy, rồi lại bao che".
Kết luận bài báo, tác giả viết:"Hành hình kiểu Linsơ thật đáng chiếm một vị trí vinh dự trong bộ sưu tập toàn bộ những tội ác của nền "văn minh" Mỹ".
- Ngày 17: Bài viết của Nguyễn Ái Quốc nhan đề Thống chế Liôtây và Bản Tuyên ngôn nhân quyền, đăng trên Tập san Inprekorr, bản tiếng Pháp, số 71.
Bài báo thuật lại bằng giọng văn châm biếm việc Thống chế Liôtây (Lyautey) - viên toàn quyền Marốc, đã cấm ngặt không cho niêm yết ở xứ này Bản Tuyên ngôn nhân quyền, vì theo ông ta "Trong lúc này và trong nhiều năm về sau nữa, đối với dân bản xứ, nước Pháp có một nhiệm vụ trước nhất phải làm tròn là: Dạy cho họ biết giữ bổn phận của mình...".
Theo tác giả,"Trong cuộc chiến tranh vì "công lý" - không phải công lý cho Con người và cho Công dân, mà công lý cho bọn Diều hâu và Cá mập..."thì người Marốc đã làm tròn "bổn phận"của họ, bổn phận người nô lệ rồi. Nhưng"để xứng đáng với quyền Con người và quyền Công dân, họ còn phải làm bổn phận của họ là những Con người và những Công dân nữa, nghĩa là phải tổ chức nhau lại và đấu tranh để giành lấy các quyền đó, như người Pháp từng làm hồi 1789 và như giai cấp vô sản cách mạng ngày nay đang làm".
- Ngày 28: Bài viết của Nguyễn Ái Quốc nhan đề Chủ nghĩa thực dân bị lên án, đăng trên Tập san Inprekorr, bản tiếng Pháp, số 73.
Tác giả trích đăng và bình luận một số đoạn báo, diễn văn, v.v. của chính bọn quan lại thực dân Pháp đã viết về tình trạng xã hội và dân số các nước ở châu Phi xích đạo thuộc Pháp đang suy thoái và có thể bị tiêu diệt do chính sách thống trị tàn bạo, sự áp bức bóc lột dã man của bọn thực dân Pháp gây ra, qua đó lên án mạnh mẽ chủ nghĩa thực dân mà bọn đế quốc Pháp đã thực hiện ở đây.
* Tháng 10-1925
- Ngày 14: Nguyễn Ái Quốc nhận được thư của Đoàn Chủ tịch Quốc tế Nông dân viết ngày 13-8-1925 do Đômban - Phó Tổng thư ký Quốc tế Nông dân, Gôrốp - Thư ký tổ chức và Vônhêxienxki - Trưởng ban Phương Đông và thuộc địa, cùng ký tên.
Thư nhấn mạnh đến yêu cầu mở rộng và tăng cường hơn nữa công tác vận động nông dân Trung Quốc. Qua cuộc trao đổi với Đoàn đại biểu Quốc dân Đảng ở Mátxcơva, được biết đảng này sẵn sàng phối hợp hành động với Quốc tế Nông dân trong một chương trình đối với nông dân, do đó Đoàn Chủ tịch đề nghị Nguyễn Ái Quốc với tư cách là đại diện của Quốc tế Nông dân, chính thức liên hệ với Ban Chấp hành Trung ương Quốc dân Đảng để bàn việc thực hiện. Đoàn Chủ tịch Quốc tế Nông dân cũng yêu cầu Nguyễn Ái Quốc phải hết sức cố gắng phát triển Ban Nông dân Quảng Châu của Quốc dân Đảng và thành lập các Ban Nông dân của Quốc dân Đảng tại khắp các địa phương, đồng thời làm cho các Ban Nông dân đó gia nhập Quốc tế Nông dân.
- Ngày 16: Nguyễn Ái Quốc, ký tên Nilốpxki, viết báo cáo gửi Quốc tế Nông dân về Phong trào nông dân tỉnh Quảng Đông. Báo cáo nêu bật sự phát triển của phong trào nông dân tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc) về các mặt tổ chức, hoạt động và đấu tranh, đặc biệt là ở bốn huyện Hải Phong, Quảng Ninh, Hoa Yên và Vệ Hoa.
Nguyễn Ái Quốc cho biết, đông đảo nông dân Quảng Đông đã được tập hợp trong các hội nông dân. Tới thời điểm hiện tại, các hội nông dân đã được thành lập ở 32 huyện. Hưởng ứng lời kêu gọi của hội, nông dân đã tổ chức lực lượng tự vệ của mình, xuống đường tuần hành đòi giảm tô giảm tức, tiến hành nhiều cuộc biểu tình bày tỏ tình đoàn kết với anh em công nhân bãi công... Tỷ lệ thanh niên và phụ nữ tham gia Hội Nông dân chiếm khá cao, và "sẽ là một điều rất lý thú nếu thiết lập được sự trao đổi tin tức giữa thanh niên nông dân với Ban Thanh niên của Quốc tế Nông dân".
- Ngày 17: Nguyễn Ái Quốc viết thư gửi Đoàn Chủ tịch Quốc tế Nông dân, báo tin đã nhận được sáu thư của tháng 8 và năm thư của tháng 9 do Đoàn Chủ tịch gửi tới; hứa sẽ thực hiện một số những nội dung công việc đã được nêu trong thư ngày 18-8-1925 của Đoàn Chủ tịch và lưu ý tổ chức gửi cho các tài liệu bằng tiếng Pháp hoặc tiếng Anh chứ không phải bằng tiếng Đức"vì chúng tôi không hiểu".
Gửi kèm theo thư là một báo cáo về công tác nông dân ở tỉnh Quảng Đông.
Cuối thư ký tên: Nilốpxki.
* Tháng 10-1926
- Ngày 24: Bài Nhân đức của Pháp của Nguyễn Ái Quốc đăng trên báo Thanh niên, số 66, viết về vụ nhà cầm quyền Pháp trong mùa nước lũ đã sai lính phá đê sông Hồng ở phía bên kia để giữ an toàn cho thành Hà Nội "vì có nhiều Tây ở",mặc dầu chúng biết khi đê lở nước ào vào, người lính kia không phòng bị trước chắc chắn sẽ chết trôi và dân chúng bên đó chắc chắn sẽ bị nhấn chìm. Quả nhiên, người lính phá đê rồi thì chết đuối ngay. Và 20.000 dân ta bất thình lình bị nước ùa vào làm cho chết trôi hết.
Bài viết có đoạn:"Thương ôi! Dân ta bị Tây nó giết mòn, giết mỏi. Giết cách này không chết hết, thì nó giết cách khác. Nó lấy rượu và a phiến làm cho dân ta chết nhiều. Nó bắt đi đào sông, đào đường bị nước độc mà chết. Nó bắt đi lính đi làm nô lệ bên các xứ đen mà chết. Nay nó lại nhận chìm cả xứ!
Đồng bào ơi! Mau mau dậy cứu lấy nòi!
Kẻo mà Nam Việt đi đời nhà ma!".
* Tháng 10-1928
- Trước ngày 2: Nguyễn Ái Quốc gửi cho Tập san Inprekorr một tài liệu nhan đề Chủ nghĩa tư bản đế quốc Pháp ở Đông Dương.
Bài viết đưa ra những số liệu cụ thể và chia ra các phần( Tình hình kinh tế; Sự tích luỹ tư bản; Lợi nhuận; Công nghiệp hoá thuộc địa; Chiếm đoạt ruộng đất; Sự độc quyền; Đầu sỏ tài chính; Tư bản nước ngoài ở Đông Dương; Đối kháng thực dân ở Đông Dương; Sự bóc lột người An Nam; Vô sản hoá người bản xứ; Lao động khổ sai đối với người bản xứ; Sợ hãi cách mạng).
Bài viết có đoạn:“Mặc dù có hoạt động bề ngoài về kinh tế, và mặc dù làm ra vẻ an tâm, những tên đế quốc Pháp ở Đông Dương luôn luôn bị ám ảnh bởi ý nghĩ về một cuộc cách mạng sắp tới. Việc đã tạo ra một giai cấp vô sản và dạy cho người An Nam biết sử dụng súng ống là một bằng cớ chứng tỏ chủ nghĩa đế quốc tự mình đào hố để chôn mình”.
* Tháng 10-1929:Ngày 10, Nguyễn Ái Quốc bị Tòa án Vinh (Nghệ An) xử vắng mặt và đã bị khép vào tội tử hình.
* Tháng 10-1931: Nguyễn Ái Quốc tiếp bà Xtenla Benxơn - một nhà hoạt động văn học và sân khấu ở Hồng Kông, vào thăm Người trong nhà tù Hồng Kông.
Người nói chuyện với bà Xtenla Benxơn bằng tiếng Anh với một thái độ rất lịch thiệp. Với thiện cảm đặc biệt, bà Benxơn đã yêu cầu chồng mình - ông Tômát Xaothonơ, lúc đó là Phó Thống đốc Hồng Kông - giúp đỡ Nguyễn Ái Quốc.
* Khoảng mùa thu đến cuối năm 1933
Ở Thượng Hải, Nguyễn Ái Quốc tiếp tục tìm cách bắt liên lạc với các tổ chức cách mạng và đồng chí của mình. Nhờ đọc báo, Người được biết một đoàn đại biểu từ châu Âu đến Viễn Đông tuyên truyền chống chiến tranh đế quốc đang có mặt ở đây, trong đoàn có Pôn Vayăng Cutuyariê. Người liền viết thư gửi cho Pôn, thuê một chiếc xe du lịch đến tự tay bỏ vào thùng thư trước nhà bà Tống Khánh Linh để nhờ bà chuyển giúp tới Pôn Vayăng Cutuyariê.
Vài hôm sau, Nguyễn Ái Quốc gặp Pôn Vayăng Cutuyariê. Người kể cho Pôn Vayăng Cutuyariê biết hoàn cảnh khó khăn của mình. Còn Vayăng Cutuyariê nói cho Nguyễn Ái Quốc rõ tình hình phong trào cách mạng Đông Dương và phong trào cách mạng thế giới thời gian qua. Mấy ngày sau cuộc gặp gỡ này, Nguyễn Ái Quốc đã chắp được liên lạc với đoàn thể. Sau này, Người có dịp kể lại nỗi vui mừng của Người lúc ấy:
“Ba năm lưu lạc linh đinh,
Nay đà trở lại trong đại gia đình công nông”.
* Tháng 10-1934
Với bí danh Lin, Nguyễn Ái Quốc chính thức được nhận vào học Trường Quốc tế Lênin năm học 1934-1935 (theo Quyết định số 45, ngày 2-10-1934 của Ban Giám đốc Trường Quốc tế Lênin do Phó giám đốc Liđốpxky và Chánh Văn phòng Makinhe thì Lin được Đảng Cộng sản Đông Dương gửi đến học).
Người được đăng ký trong danh sách sinh viên, số hiệu 375.
* Tháng 10-1937: Nguyễn Ái Quốc viết thư gửi đồng chí Ăngđrê Mácty ( đảng viên Đảng Cộng sản Pháp, Uỷ viên Đoàn Chủ tịch Quốc tế Cộng sản, Uỷ viên Ban Bí thư Quốc tế Cộng sản (nhiệm kỳ Đại hội VII), trực tiếp phụ trách Ban Phương Đông của Quốc tế Cộng sản ) thể hiện tình cảm thắm thiết, lòng tiếc thương vô hạn về việc đồng chí Pôn Vayăng Cutuyariê từ trần.
* Tháng 10-1938:Vào một buổi chiều se lạnh, Nguyễn Ái Quốc đáp xe lửa ở ga Iarôxlapxki rời Mátxcơva đi về phương Đông.
* Tháng 10-1939 : Nguyễn Ái Quốc đến Quế Lâm ; rời Quế Lâm qua Liễu Châu, Nam Ninh đi Long Châu để bắt liên lạc với các đồng chí Việt Nam ở trong nước phái ra. Cùng đi có một đồng chí Trung Quốc, có công vụ qua Việt Nam đi Hồng Kông kết hợp làm nhiệm vụ hộ tống.
Tại Long Châu, Nguyễn Ái Quốc không gặp được người từ Việt Nam cử sang. Người lại quay về Quế Lâm.
Cuối tháng Nguyễn Ái Quốc đến Quý Dương, thủ phủ tỉnh Quý Châu (Trung Quốc). Người được bố trí ở tầng trên của Văn phòng Bát lộ quân tại Quý Dương.
* Khoảng tháng 10-1940
- Nguyễn Ái Quốc đến Quế Lâm. Người được bố trí ở một ngôi nhà nhỏ, vách đất, lợp lá, thuộc ngoại thành. Nhiều đồng chí của ta cũng đã tập trung ở đây.
- Trong một cuộc họp triệu tập tại một bãi cỏ ở vùng ngoại ô Quế Lâm, Nguyễn Ái Quốc nhận xét về những diễn biến tình hình vừa qua và chỉ dẫn về đối sách của ta:“Tình hình Quốc Cộng hợp tác hiện nay đang trải qua một bước rất gay go... Từ nay kỷ luật bí mật của Đảng phải được chấp hành triệt để. Sách vở, tài liệu phải hết sức cẩn thận. Mua sách, báo về chủ nghĩa cộng sản, đọc xong huỷ đi trước khi về nhà. Trong lúc giao dịch với bọn Quốc dân Đảng tuyệt đối không để lộ mình là cộng sản”.
“Trong việc giao dịch với Quốc dân Đảng không mong chi nhiều. Điều chủ yếu là làm sao cho chúng không cản trở công việc của ta. Phải hết sức bí mật. Về chuyện “Hoa quân nhập Việt” đừng chỉ nhìn mặt thuận lợi. Hiện nay chỉ có Hồng quân Liên Xô và Hồng quân Trung Hoa mới là những đội quân anh em, mới là đồng minh thực sự của ta. Còn quân đội Tưởng Giới Thạch dù có vào Việt Nam để đánh Nhật cũng chỉ là đồng minh tạm thời, về bản chất chúng vẫn là kẻ thù. Phải thấy hết tính chất phản động của nó, nếu không thấy thì nguy hiểm. Chúng nó không vào Việt Nam càng tốt cho ta hơn”.
Người cũng nhận định tình hình chung trên thế giới và Đông Dương càng có lợi cho ta, không nên ở Quế Lâm lâu, phải chuyển về biên giới tìm cách về nước ngay để hoạt động.
- Được tin hơn 40 thanh niên các dân tộc Cao Bằng, vì bị đế quốc Pháp khủng bố mạnh đã vượt biên giới sang Quảng Tây (Trung Quốc), Nguyễn Ái Quốc nói với các đồng chí cùng hoạt động ở Quế Lâm: “Chúng ta sẽ tổ chức một lớp huấn luyện cho các anh em, sau đó, đưa anh em trở về củng cố và mở rộng phong trào Cao Bằng và tổ chức đường liên lạc về nước”.Người còn nhận định:“Căn cứ địa Cao Bằng sẽ mở ra triển vọng lớn cho cách mạng ta. Cao Bằng có phong trào tốt từ trước, lại kề sát biên giới, lấy đó làm cơ sở liên lạc quốc tế rất thuận lợi. Nhưng từ Cao Bằng còn phải phát triển về Thái Nguyên và thông xuống nữa mới có thể tiếp xúc với toàn quốc được. Có nối phong trào được với Thái Nguyên và toàn quốc thì khi phát động đấu tranh vũ trang, lúc thuận lợi có thể tiến công, lúc khó khăn có thể giữ”.
Nguyễn Ái Quốc cử các đồng chí Võ Nguyên Giáp, Cao Hồng Lĩnh và Vũ Anh đến Tĩnh Tây (thuộc tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc) để tìm cách liên lạc với số thanh niên ấy.
* Tháng 10-1941
- Khoảng đầu tháng : Tại Pác Bó, Nguyễn Ái Quốc gặp Lê Thiết Hùng mới ở Trung Quốc về nước. Sau một thời gian ngắn, Người giao cho Lê Thiết Hùng và Lê Quảng Ba, Hoàng Sâm cùng cộng tác mở lớp huấn luyện quân sự.
- Ngày 11: Bài thơ Công nhân của Nguyễn Ái Quốc gồm 20 câu, in trên báo Việt Nam độc lập. Bài thơ nêu lên nỗi khổ cực của công nhân Việt Nam dưới ách thống trị và bóc lột của bọn Pháp, Nhật: bị đánh đập, bị phạt, bị bớt xén tiền lương; và kết thúc bằng lời kêu gọi:
“Thợ thuyền ta phải đứng ra,
Trước ta cứu nước, sau ta cứu mình.
Cùng nhau vào hội Việt Minh,
Ra tay tranh đấu hy sinh mới là.
Bao giờ khôi phục nước nhà,
Của ta ta giữ, công ta ta làm”.
- Khoảng từ giữa đến cuối tháng: Một buổi trưa, Nguyễn Ái Quốc yêu cầu các đồng chí Lê Thiết Hùng, Lê Quảng Ba báo cáo về việc thành lập đội vũ trang. Người chỉ định Lê Quảng Ba làm đội trưởng, Lê Thiết Hùng làm chính trị viên, Hoàng Sâm làm đội phó và căn dặn huấn luyện xong toàn đội đi hoạt động ngay.
Người nói thêm với Lê Thiết Hùng: Trước chú quen chỉ huy hàng ngàn người, bây giờ chú thử chỉ huy chục người xem khác nhau chỗ nào?
- Khoảng cuối tháng 10
Nguyễn Ái Quốc viết diễn ca Mười chính sách của Việt Minh. Mở đầu, Người giới thiệu mục tiêu đấu tranh của Việt Minh:
...“Quyết làm cho nước non này,
Cờ treo độc lập, nền xây bình quyền”.
Người vạch rõ vai trò to lớn của Mười chính sách của Việt Minh:
“Có mười chính sách bày ra,
Một là ích nước, hai là lợi dân”.
Tiếp đó là diễn ca nội dung các chính sách về ruộng đất, quyền tự do, về thuế khoá. Cuối cùng, Người kêu gọi mọi người đoàn kết trong Mặt trận Việt Minh.
“Khuyên ai xin nhớ chữ đồng,
Đồng tình, đồng sức, đồng lòng, đồng minh”.
* Tháng 10- 1942:Hồ Chí Minh bị bọn Quốc dân Đảng Trung Quốc giải từ Tĩnh Tây sang Thiên Bảo.
*Tháng 10 -1943: Hồ Chí Minh bắt đầu tham gia một số hoạt động của Việt Nam cách mạng đồng minh hội
* Tháng 10-1944: Hồ Chí Minh viết Thư gửi đồng bào toàn quốc. Người phân tích tình hình và nhiệm vụ cấp bách của cách mạng Việt Nam và cho rằng: “Cơ hội cho dân tộc ta giải phóng chỉ ở trong một năm hoặc năm rưỡi nữa. Thời gian rất gấp. Ta phải làm nhanh!”.
Muốn vậy cần phải có một“Toàn quốc đại biểu Đại hội gồm tất cả các đảng phái cách mệnh và các đoàn thể ái quốc trong nước bầu cử ra", "phải có một cái cơ cấu đại biểu cho sự chân thành đoàn kết và hành động nhất trí của toàn thể quốc dân ta”.
Cuối tháng, Hồ Chí Minh đến Pác Bó kiểm tra Đại đội tự vệ vũ trang chiến đấu Hồng Phong. Người nói: “Hiện nay, đế quốc Pháp và phát xít Nhật ở Đông Dương, khác gì hai con gà trống nhốt trong chuồng. Trước sau chúng cũng chọi nhau. Tất cả hai con bị thương nặng, có con què. Lúc đó ta bắt mới dễ! Làm cách mệnh phải biết dựa vào thời cơ, và phải nhìn chung phong trào mọi nơi mọi chốn, mới chắc thắng!... Việc lớn nhất hiện nay là phải củng cố lại phong trào cách mệnh các địa phương cho vững chắc, chống khủng bố. Chúng ta huấn luyện vài buổi nữa, rồi chia tay nhau đi các địa phương”.
Còn nữa
Huyền Trang (tổng hợp)