Chủ tịch Hồ Chí Minh quan sát đồn Đông Khê tại Chiến dịch Biên giới 1950. Ảnh tư liệu
1. Vệ quốc quân là quân đội của nhân dân, để bảo vệ đồng bào, giữ gìn Tổ quốc.
"Gửi Báo Vệ quốc quân", ngày 27-3-1947, theo Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, t.5, tr.135
2. Nhân dân là nền tảng, là cha mẹ của bộ đội.
"Thư gửi Hội nghị chính trị viên", tháng 3-1948, theo Hồ Chí Minh toàn tập, Sđd, t.5, tr485
3. Trung với nước, hiếu với dân.
"Thư gửi Trường Trần Quốc Tuấn nhân dịp khai giảng khóa thứ IV". tháng 5-1948, theo Hồ Chí Minh toàn tập, Sđd, t.5, tr.542
4. Quân đội ta là quân đội nhân dân, do dân đẻ ra, vì dân mà chiến đấu, yêu nước, yêu dân, cho nên hy sinh kham khổ.
"Thư gửi bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương và dân quân du kích nhân ngày kỷ niệm ngày thành lập quân giải phóng Việt Nam", ngày 22-12-1949, theo Hồ Chí Minh toàn tập, Sđd, t.6, tr.264.
5. Cần phải tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong Quân đội và phải thực hiện dân chủ trong bộ đội.
"Báo cáo chính trị tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng", ngày 11-02-1951, theo Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.7, tr.29.
6. Phải học tập chính trị: Quân sự mà không có chính trị như cây không có gốc, vô dụng lại có hại. Quân đội ta là Quân đội nhân dân. Nhân dân có Đảng lãnh đạo, Đảng có chính cương, chính sách. Đã là Quân đội nhân dân thì phải học chính sách của Đảng.
… Cán bộ phải dạy cho đội viên biết kính trọng dân, thương yêu dân, giúp đỡ dân, làm cho đội viên thành một người tuyên truyền bằng công việc thực tế.
"Bài nói chuyện tại Trường Chính trị Trung cấp Quân đội", ngày 25-10-1951, theo Hồ Chí Minh toàn tập, Sđd, t.7, tr.217-219.
7. Cán bộ và bộ đội nhất định phải đi sát với nhân dân vì lực lượng của nhân dân là vô cùng mạnh mẽ.
"Thư gửi đồng bào và bộ đội tả ngạn Liên khu III", ngày 10-11-1951, theo Hồ Chí Minh toàn tập, Sđd, t.7, tr.230
8. Ta đã xây dựng một Quân đội nhân dân mạnh mẽ, gồm mấy mươi vạn Vệ quốc quân, bộ đội địa phương và dân quân du kích.
"Lời kêu gọi nhân dịp kỷ niệm lần thứ năm ngày toàn quốc kháng chiến", ngày 19-12-1951, theo Hồ Chí Minh toàn tập, Sđd, t.7, tr.253.
9. Lập trường quân đội của nhân dân do giai cấp công nhân lãnh đạo.
"Tình hình và nhiệm vụ", từ ngày 22 đến ngày 28-4-1952, theo Hồ Chí Minh toàn tập, Sđd, t.7, tr.397-398.
10. Điểm trọng yếu là bất kỳ bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương, dân quân du kích đều phải bám sát lấy dân, rời dân ra là nhất định thất bại. Bám lấy dân là làm sao cho được lòng dân, dân tin, dân mến, dân yêu. Như vậy thì bất kể việc gì khó cũng làm được cả và nhất định thắng lợi.
"Bài nói tại Hội nghị chiến tranh du kích", ngày 13-7-1952, theo Hồ Chí Minh toàn tập, Sđd, t.7, tr.448.
11. Xây dựng Quân đội - một Quân đội nhân dân thật mạnh, dưới sự lãnh đạo của giai cấp công nhân và của Đảng. Quân đội ta phải được trang bị đầy đủ, phải học tập nhiều để tiến bộ mãi về mặt kỹ thuật. Phải luôn tăng cường công tác chính trị để bảo đảm là Quân đội cách mạng, Quân đội quyết chiến quyết thắng.
"Thường thức chính trị", đăng trên báo Cứu quốc, từ ngày 16-01 đến ngày 23-9-1953, theo Hồ Chí Minh toàn tập, Sđd, t.8, tr.265.
12. Phải tăng cường công tác chính trị, luôn luôn nâng cao trình độ chính trị và giác ngộ giai cấp của bộ đội ta; phải bảo đảm sự chấp hành chính sách của Đảng và Chính phủ; phải triệt để giữ gìn kỷ luật tự giác về mặt quân sự và về mặt chính trị. Vì vậy, cần phải tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong Quân đội và phải thực hiện dân chủ trong bộ đội.
"Diễn văn khai mạc Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa II)", ngày 25-01-1953, theo Hồ Chí Minh toàn tập, Sđd, t.8, tr.29.
13. Chỉ có quân đội cách mạng của nhân dân mới có tinh thần dũng cảm vô cùng như vậy. Và nhờ tinh thần ấy, mà kháng chiến nhất định thắng lợi hoàn toàn.
"Anh hùng và chiến sỹ gương mẫu của quân chí nguyện Trung Quốc", đăng trên Báo Nhân Dân, số 160, từ ngày 16 đến ngày 20-01-1954, theo Hồ Chí Minh toàn tập, Sđd, t.8, tr.392.
14. Quân đội ta là quân đội của nhân dân. Trong thời kỳ kháng chiến, quân dội thi đua giết giặc, để bảo vệ nhân dân, hòa bình trở lại, quân đội vừa lo học tập, vừa ra sức giúp nhân dân trong mọi việc.
… Vì bộ đội ta luôn ra sức phục vụ nhân dân, cho nên nhân dân luôn thương yêu bộ đội như con em ruột thịt của mình. Trong công cuộc củng cố miền Bắc, khôi phục kinh tế, v.v… quân đội ta phải đóng góp một phần rất quan trọng và chắc sẽ có những thành tích vẻ vang.
"Quân đội nhân dân", đăng trên Báo Nhân Dân, số 661, ngày 24-12-1955, theo Hồ Chí Minh toàn tập, Sđd, t.10, tr.224 - 225.
15. Bộ đội ta là bộ đội nhân dân, bộ đội cách mạng, có truyền thống anh dũng, khắc khổ, kiên nhẫn, cần kiệm, chất phác, việc khó khăn nguy hiểm mấy cũng không sợ, nhất định làm cho kỳ được. Đó là truyền thống, đạo đức, tác phong tốt, phải luôn luôn giữ vững và phát triển.
"Nói chuyện với các đại biểu quân dội, thương binh và quân nhân phục vụ dịp Tết Đinh Dậu", ngày 29-01-1957, theo Hồ Chí Minh toàn tập, Sđd, t.10, tr.490.
16. Quân đội ta là quân đội nhân dân, con đẻ của nhân dân, bảo vệ nhân dân, đó là nhiệm vụ rất vẻ vang.
"Bài nói chuyện nhân dịp về thăm khu mỏ", ngày 04-10-1957, theo Hồ Chí Minh toàn tập, Sđd, t.11, tr.113.
17. Phải tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong Quân đội.
"Bài nói về tình hình và nhiệm vụ trước mắt của Quân đội tại Hội nghị cao cấp toàn quân", ngày 20-3-1958, theo Hồ Chí Minh toàn tập, Sđd, t.11, tr.365.
18. Chống bọn xâm lược và bọn phá hoại là nhiệm vụ của quân đội, của công an nói riêng và toàn dân nói chung; là nhiệm vụ mà quân đội và công an phải dựa vào nhân dân mới hoàn thành được tốt.
Bài nói chuyện tại lễ thành lập Công an nhân dân vũ trang", tháng 3-1959, theo Hồ Chí Minh toàn tập, Sđd, t.12, tr.154.
19. Một điều rất quan trọng là phải biết luôn dựa vào lực lượng của nhân dân, có quyết tâm khắc phục mọi khó khăn thì nhất định làm trọn nhiệm vụ mà Đảng và Chính phủ giao phó cho các đồng chí.
"Bài nói chuyện với đồng bào và cán bộ tỉnh Cao Bằng", ngày 21-02-1961, theo Hồ Chí Minh toàn tập, Sđd, t.13, tr.47.
20. Quân đội ta có sức mạnh vô địch, vì nó là một Quân đội nhân dân do Đảng ta xây dựng, Đảng ta lãnh đạo và giáo dục.
"Bài nói trong buổi chiêu đãi mừng Quân đội ta 20 tuổi", ngày 22-12-1964, theo Hồ Chí Minh toàn tập, Sđd, t.14, tr.435.
21. Quân đội ta trung với Đảng, hiếu với dân, sẵn sàng chiến đấu, hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội. Nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng.
"Bài nói trong buổi chiêu đãi mừng Quân đội ta 20 tuổi", ngày 22-12-1964, theo Hồ Chí Minh toàn tập, Sđd, t.14, tr.435.
22. Tuy còn non trẻ, nhưng nhờ sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, sự tin yêu, giúp đỡ của nhân dân, sự cố gắng không ngừng của mình, hải quân ta đã anh dũng chiến đấu, tích cực diệt địch, bắn rơi máy bay và đánh đuổi tàu chiến Mỹ, đoàn kết lập công, bảo vệ nhân dân, bảo vệ vùng trời và vùng biển của Tổ quốc. Các chú đã nêu cao truyền thống anh hùng của dân tộc ta.
"Thư gửi cán bộ và chiến sỹ Hải quân" đăng trên Báo Nhân Dân, số 4147, ngày 11-8-1965, theo Hồ Chí Minh toàn tập, Sđd, t.14, tr.597.
23. Được sự giáo dục và lãnh đạo sáng suốt của Đảng, sự thương yêu và giúp đỡ tận tình của đồng bào, quân đội nhân dân ta đã đánh đuổi phát xít Nhật, thực dân Pháp. Hiện nay đang đánh thắng đế quốc Mỹ.
"Lời phát biểu nhân dịp kỷ niệm lần thứ 21 ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam", theo Hồ Chí Minh toàn tập, Sđd, t.14, tr.688.
24. Bộ đội phải kính trọng dân, giúp đỡ dân.
"Gửi toàn thể cán bộ và chiến sỹ đường số 4 cùng dân quân du kích và đồng bào trong miền đường số 4", theo Hồ Chí Minh toàn tập, Sđd, t.6, tr.253.
Đức Lâm (tổng hợp)
Còn nữa
25. Dân tộc Việt Nam nhất định phải được giải phóng. Muốn giải phóng thì phải đánh phát xít Nhật và Pháp. Muốn đánh chúng thì phải có lực lượng quân sự. Muốn có lực lượng thì phải có tổ chức. Muốn tổ chức thành công thì phải có kế hoạch, có quyết tâm.
"Kỷ niệm Ngày thành lập giải phóng quân Việt Nam", ngày 19-12-1947, theo Hồ Chí Minh, toàn tập, Sđd, t.5, tr.370.
26. Muốn đánh giặc, phải có quân đội.
"Đảng ta", viết đầu năm 1949, theo Hồ Chí Minh, toàn tập, Sđd, t.6, tr.5.
27. Chúng ta phải củng cố Quân đội nhân dân là lực lượng chủ chốt để bảo vệ nhân dân, giữ gìn hòa bình.
"Lời kêu gọi nhân dịp Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9", đăng trên Báo Nhân Dân, số 220, từ ngày 01 đến ngày 03-9-1954, theo Hồ Chí Minh, toàn tập, Sđd, t.9, tr.38.
28. Chúng ta phải ra sức bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ hòa bình, cho nên chúng ta phải củng cố quốc phòng, bộ đội ta phải thi đua học tập chính trị và kỹ thuật, giữ vững kỷ luật và tác phong khắc khổ.
"Diễn văn chúc mừng năm mới trong dịp lễ mừng Trung ương Đảng và Chính phủ về Thủ đô", đăng trên Báo Nhân Dân, số 206, ngày 01-01-1955, theo Hồ Chí Minh, toàn tập, Sđd, t.9, tr.226.
29. Trong kháng chiến, quân đội ta đã ra sức thi đua giết giặc lập công, đã phát huy truyền thống vẻ vang của Quân đội nhân dân và chủ nghĩa anh hùng cách mạng, đã vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, chiến đấu dũng cảm, đã lập được nhiều chiến công oanh liệt và thành tích vẻ vang, đã đào tạo được nhiều anh hùng và chiến sỹ thi đua xứng đáng là những người con yêu của Tổ quốc.
… Trước kia, các chú đã thi đua giết giặc lập công; ngày nay, các chú phải thi đua xây dựng Quân đội nhân dân hùng mạnh, làm hậu thuẫn mạnh mẽ cho cuộc đấu tranh củng cố hòa bình, thực hiện thống nhất, độc lập, dân chủ trong cả nước. tức là phải ra sức luyện tập quân sự, học tập chính trị, nghiêm túc chấp hành mệnh lệnh, triệt để thực hiện chính sách, làm trọn mọi nhiệm vụ mà Đảng và Chính phủ đã giao cho.
"Bài nói với các anh hùng mới được tuyên dương", đăng trên Báo Nhân Dân, số 547, ngày 01-9-1955, theo Hồ Chí Minh, toàn tập, Sđd, t.10, tr.97-98.
30. Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám ở Việt Nam một lần nữa đã chứng tỏ tính chất đúng đắn của chủ nghĩa Mác - Lênin về vấn đề dân tộc và thuộc địa, tính chất đúng đắn của đường lối mà cách mạng xã hội chủ nghĩa Tháng Mười năm 1917 đã vạch ra. Thắng lợi đó đã xác nhận rằng cuộc cách mạng dân tộc muốn thắng lợi thì phải:
- Dựa vào mặt trận dân tộc rộng rãi chống chủ nghĩa đế quốc;
- Giải quyết vấn đề nông dân;
- Có một quân đội nhân dân;
- Được sự giúp đỡ anh em của nhân dân và giai cấp vô sản các nước;
- Do Đảng của giai cấp công nhân lãnh đạo.
"Cách mạng Tháng Mười và sự nghiệp giải phóng các dân tộc Phương Đông", ngày 06-11-1957, theo Hồ Chí Minh, toàn tập, Sđd, t.11, tr.175.
31. Các em là đội cảm tử. Các em cảm tử để cho Tổ quốc quyết sinh. Các em là đại biểu cái tinh thần tự tôn tự lập của dân tộc ta mấy nghìn năm để lại, cái tinh thần quật cường đó đã kinh qua Hai Bà Trưng, Lê Lợi, Quang Trung, Phan Đình Phùng, Hoàng Hoa Thám, truyền lại cho các em. Nay các em gan góc tiếp tục cái tinh thần bất diệt đó, để truyền lại cho nòi giống Việt Nam muôn đời về sau.
"Thư gửi các chiến sỹ cảm tử quân Thủ đô", ngày 27-01-1947, theo Hồ Chí Minh, toàn tập, Sđd, t.5, tr.44.
32. Mặc dầu dầm mưa dãi nắng, khi đói, khi no, bom nổ tứ tung, đạn kêu váng óc, mà tướng sỹ vui vẻ kiên quyết, tinh thần rất cao. Họ rất xứng cái tên: Đội xung phong của dân tộc.
"Trả lời các nhà báo Việt Nam về Hội nghị Mạc Tư Khoa và tình hình nước Pháp", ngày 03-5-1947, theo Hồ Chí Minh, toàn tập, Sđd, t.5, tr.145.
33. Quân đội ta luôn luôn giữ gìn và phát triển truyền thống anh dũng của Quân Giải phóng Việt Nam và đạo đức cách mạng gồm trong 10 điều kỷ luật.
"Thư gửi bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương và dân quân du kích nhân ngày kỷ niệm thành lập Quân Giải phóng Việt Nam" ngày 22-12-1949, theo Hồ Chí Minh, toàn tập, Sđd, t.6, tr.265.
34. Xem cuộc trưng bày của Quân đội nhân dân ta là như xem cả pho lịch sử vẻ vang của toàn dân kháng chiến.
"Xem cuộc trưng bày của Quân đội nhân dân ta", đăng trên Báo Nhân Dân, số 337, ngày 02-02-1955, theo Hồ Chí Minh, toàn tập, Sđd, t.9, tr.292.
35. Dân tộc ta là một dân tộc anh hùng, quân đội ta là một quân đội anh hùng.
"Lời kêu gọi trong buổi lễ mừng Quốc khánh 2-9-1955", đăng trên Báo Nhân Dân, số 548, ngày 02-9-1955, theo Hồ Chí Minh, toàn tập, Sđd, t.10, tr.99.
36. Quân đội ta là một quân đội anh dũng đã sinh ra và lớn lên trong cách mạng và kháng chiến. Qua bao năm chiến đấu hy sinh, gian khổ và anh dũng, quân đội ta đã góp phần xứng đáng vào sự nghiệp giải phóng dân tộc. Từ khi hòa bình trở lại, quân đội tiếp tục lập nhiều thành tích trong công việc củng cố quốc phòng và giúp đỡ nhân dân, làm công tác địa phương.
"Thư gửi cán bộ và chiến sỹ nhân dịp kỷ niệm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam", ngày 22-12-1956, theo Hồ Chí Minh, toàn tập, Sđd, t.10, tr.460.
37. Các lực lượng vũ trang nhân dân ta rất anh hùng, càng đánh càng mạnh, càng đánh càng thắng.
"Thư khen quân và dân miền Bắc", ngày 08-6-1957, theo Hồ Chí Minh, toàn tập, Sđd, t.15, tr.352.
38. Là tinh hoa của dân tộc, các anh hùng, chiến sỹ thi đua các lực lượng vũ trang giải phóng miền Nam đã nêu cao tinh thần trung với nước, hiếu với dân, dũng cảm, mưu trí, khiêm tốn, giản dị, thương yêu, giúp đỡ lẫn nhau, khó khăn không ngại, gian khổ không sờn, quyết hoàn thành mọi nhiệm vụ cứu nước, góp phần vào sự nghiệp cách mạng vẻ vang của dân tộc ta.
"Điện gửi Đại hội anh hùng, chiến sỹ thi đua và dũng sỹ các lực lượng vũ trang giải phóng miền Nam lần thứ hai", tháng 9-1967, theo Hồ Chí Minh, toàn tập, Sđd, t.15, tr.372.
39. Quân đội - phải triệt để kiểm thảo, phải tổng kết kinh nghiệm quý báu trong chiến dịch vừa qua, phải sửa chữa khuyết điểm, phát triển ưu điểm. Phải thi đua giúp đỡ dân chúng, thi đua giết giặc lập công.
"Tình hình thế giới từ hạ tuần tháng 9 đến thượng tuần tháng 11 năm 1950, ngày 15-11-1950, theo Hồ Chí Minh, toàn tập, Sđd, t.16, tr.484.
40. Phải nâng cao trong bộ đội cái tinh thần dũng cảm, không sợ khó nhọc, không sợ hy sinh, chiến đấu dẻo dai.
"Để hiểu chiến lược", đăng trên Báo Nhân Dân, số 4, ngày 15-4-1951, theo Hồ Chí Minh, toàn tập, Sđd, t.7, tr.61.
41. Quân đội thi đua giết giặc lập công.
"Lời kêu gọi nhân dịp ngày Quốc tế Lao động 01-5-1951. đăng trên Báo Nhân Dân, số 6, ngày 01-5-1951, theo Hồ Chí Minh, toàn tập, Sđd, t.7, tr.69.
42. Tư tưởng cần thông suốt từ trên xuống dưới, đoàn kết phải chặt chẽ từ trên xuống dưới, từ trên đến dưới phải thực hiện đồng cam cộng khổ.
Kiên quyết đánh thắng mọi khó khăn, thắng được khó khăn tức là đã thắng địch một phần.
"Gửi Chính ủy Văn Tiến Dũng", tháng 7-1951, theo Hồ Chí Minh, toàn tập, Sđd, t.7, tr.137.
43. Tất cả các chú, cán bộ cũng như chiến sỹ, đều phải:
- Quyết tâm chiến đấu, triệt để chấp hành mệnh lệnh.
- Bền bỉ dẻo dai, vượt qua mọi gian khổ, khắc phục mọi khó khăn.
- Thương dân, trọng dân và tốt với dân.
- Tiêu diệt thật nhiều địch, giành cho được toàn thắng.
"Tinh thần quốc tế", đăng trên Báo Cứu quốc, số 2182, ngày 08-10-1952, theo Hồ Chí Minh, toàn tập, Sđd, t.7, tr.501.
44. Phải luôn làm đúng phương châm "thắng không kiêu, bại không nản"; làm được như thế, bộ đội ta bao giờ cũng đánh thắng.
"Thư gửi bộ đội và dân công ở mặt trận Tây Bắc và đồng bằng", ngày 25-12-1952, theo Hồ Chí Minh, toàn tập, Sđd, t.7, tr.523.
45. Đừng để cho mình say sưa vì chiến thắng. Không được bao giờ đánh giá thấp kẻ thù. Hãy luôn nhớ rằng chiến tranh yêu nước sẽ thắng lợi, nhưng nó sẽ lâu dài và gian khổ. Thắng lợi càng gần thì kẻ thù càng hung hãn, và chúng ta sẽ có nhiều khó khăn hơn. Hãy luôn cảnh giác và sẵn sàng!
"Chiến tranh du kích Việt Nam" viết khoảng năm 1952, theo Hồ Chí Minh, toàn tập, Sđd, t.7, tr.537.
46. Từ nay, để đưa kháng chiến thắng lợi, kiến quốc thành công, Quân đội nhân dân ta phải:
- Ra sức thi đua diệt giặc lập công.
- Ra sức giúp đỡ đồng bào nông dân thực hiện chính sách ruộng đất của Đảng và Chính phủ.
- Cố gắng học tập chính trị và quân sự để tiến bộ mãi, để xứng đáng là quân đội cách mạng của nhân dân.
"Thư gửi chiến sỹ và cán bộ nhân ngày kỷ niệm thành lập Quân đội nhân dân", đăng trên Báo Nhân Dân, số 155, từ ngày 21 đến ngày 25-12-1953, theo Hồ Chí Minh, toàn tập, Sđd, t.8, tr.373.
47. "Các vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước".
"Nói chuyện với cán bộ, chiến sỹ Đại đoàn quân tiên phong tại Đền Hùng (Phú Thọ)", ngày 19-9-1954, theo Hồ Chí Minh, toàn tập, Sđd, t.9, tr.59.
48. Quân đội nhân dân chẳng những khi cầm súng đánh giặc, mới lập được công mà trong thời kỳ hòa bình cũng lập được công.
"Bộ đội đánh thắng giặc lụt", đăng trên Báo Nhân Dân, số 237, từ ngày 11 đến ngày 12-10-1954, theo Hồ Chí Minh, toàn tập, Sđd, t.9, tr.84.
49. Nay chiến tranh đã chấm dứt, hòa bình đã trở lại, nhiệm vụ của quân đội ta là: Thi đua học tập, củng cố quốc phòng, giữ gìn hòa bình, bảo vệ Tổ quốc, giúp đỡ nhân dân tăng gia sản xuất, làm lực lượng trụ cột cho công cuộc hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ của nước ta.
Quân ta công trạng lớn lao,
Mười năm lịch sử biết bao nhiêu tình".
"Mừng ngày sinh nhật Quân đội nhân dân" đăng trên Báo Nhân Dân, số 296, ngày 22-12-1954, theo Hồ Chí Minh, toàn tập, Sđd, t.9, tr.198.
50. Quân đội ta thi đua học tập chính trị và quân sự, luôn luôn giữ vững chí khí chiến đấu, bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ hòa bình.
"Chúc mừng năm mới", đăng trên Báo Nhân Dân, số 328, ngày 23-01-1955, theo Hồ Chí Minh, toàn tập, Sđd, t.9, tr.281.
51. Quân đội ta phải cố gắng nhiều hơn nữa để tiến bộ mãi, để làm trọn nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, giữ gìn hòa bình.
"Bài nói chuyện trong lêc tuyên dương anh hùng Quân đội nhân dân lần thứ ba", Báo Nhân Dân, số 795, ngày 08-5-1956, theo Hồ Chí Minh, toàn tập, Sđd, t.10, tr.323.
52. Đã là quân nhân cách mạng thì bao giờ cũng phải là chiến sỹ anh dũng.
"Thư gửi thương binh, bệnh binh và gia đình liệt sỹ nhân ngày 27-7", Báo Nhân Dân, số 875, ngày 27-7-1956, theo Hồ Chí Minh, toàn tập, Sđd, t.10, tr.372.
53. Quân đội ta cần phải phát huy truyền thống cách mạng anh dũng và vẻ vang, nâng cao chí khí phấn đấu, giữ vững kỷ luật, đoàn kết trên dưới, đoàn kết quân dân, ra sức làm trọn mọi nhiệm vụ do Đảng và Chính phủ giao phó cho.
"Thư gửi cán bộ và chiến sỹ nhân dịp kỷ niệm ngày thành lập Quân đội nhân dân", ngày 22-12-1956, theo Hồ Chí Minh, toàn tập, Sđd, t.10, tr.460.
Đức Lâm (tổng hợp)
Còn nữa
54. Toàn thể cán bộ và chiến sỹ ta phải giữ vững và phát huy truyền thống tốt đẹp của Quân đội nhân dân, nâng cao chí khí chiến đấu và cảnh giác cách mạng, ra sức học tập quân sự và chính trị, tăng cường đoàn kết giữa cán bộ và chiến sỹ, giữa quân đội và nhân dân, tích cực tham gia lao động sản xuất, giúp đỡ nhân dân trong mọi công tác.
“Thư gửi cán bộ, chiến sỹ nhân dịp kỷ niệm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam”, ngày 22-12-1958, theo Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.11, tr.585.
55. Chiến sỹ và cán bộ trong quân đội, công an, dân quân luôn luôn nâng cao cảnh giác, bảo vệ Tổ quốc, giữ gìn trật tự an ninh.
“Lời chúc mừng năm mới”, ngày 25-01-1963, theo Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.14, tr11.
56. Luôn luôn nêu cao chí khí chiến đấu và truyền thống anh hùng của Quân đội ta, cùng toàn quân và toàn dân quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược.
- Chớ vì có thành tích mà chủ quan, tự mãn.
- Luôn luôn đoàn kết nội bộ, đoàn kết quân dân, khiêm tốn học tập các đơn vị bạn.
- Hăng hái thi đua lập công giành nhiều thành tích to lớn hơn nữa…
“Bài nói tại Hội nghị tuyên giáo miền núi”, ngày 31-8-1963, theo Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.15, tr.160.
57. Một người cán bộ tốt phải có đạo đức cách mạng. Quân sự giỏi song nếu không có đạo đức cách mạng thì khó thành công. Muốn có đạo đức cách mạng phải có 5 điều sau đây:
Trí - Tín - Nhân - Dũng - Liêm.
… Người cán bộ muốn tốt thì phải có đạo đức cách mạng, phải biết phê bình và tự phê bình, phải biết kỷ luật.
“Lời nói chuyện trong buổi lễ bế mạc lớp bổ túc trung cấp”, đăng trên báo Vệ quốc quân, số 15, ngày 10-10-1947, theo Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.5, tr.259-261.
58. Tự phê bình, phê bình, tổng kết, phổ biến và học tập kinh nghiệm đó là việc rất hay, nên gây thành một tác phong chung trong quân đội, chính quyền và đoàn thể.
“Bài nói chuyện tại Hội nghị tổng kết chiến dịch Lê Hồng Phong II”, tháng 10-1950, theo Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.6, tr.457.
59. Một chiến sỹ gương mẫu, thì đánh giặc cũng anh hùng, sản xuất cũng anh hùng.
Người chiến sỹ gương mẫu thì không bao giờ tự mãn tự túc, mà cố gắng tiến bộ mãi.
“Bốn lần anh hùng”, đăng trên báo Cứu quốc, ngày 12-1-1951, theo Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.7, tr.9.
60. Tự phê bình và phê bình là thứ vũ khí giúp cho quân đội ta trở nên quân đội tất thắng.
“Bài nói tại Hội nghị kiểm thảo chiến dịch đường số 18”, đăng trên báo Quân đội nhân dân, số 15, ngày 04-5-1951, theo Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.7, tr.77.
61. Cần, Kiệm, Liêm, Chính của ta là đạo đức của người quân nhân cách mạng.
“Bài nói chuyện tại Trường Chính trị trung cấp Quân đội”, ngày 25-10-1951, theo Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.7, tr.220.
62. Trong quân đội có quân nhu, quân giới, vận tải, v.v., là những cơ quan cần phải tiết kiệm đã đành. Các chiến sỹ cũng cần tiết kiệm và cũng có thể tiết kiệm.
“Thực hành tiết kiệm, chống tham ô, lãng phí, chống bệnh quan liêu”, tháng 3-1952, theo Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.7, tr.353.
63. Để làm tròn nhiệm vụ cao quý của Quân đội nhân dân, toàn thể cán bộ và chiến sỹ ta phải ghi nhớ và làm đúng những lời Bác dặn như sau:
- Chớ tự kiêu, tự mãn.
- Chớ rượu chè, cờ bạc, trai gái, hút thuốc phiện.
- Chớ để lộ bí mật.
- Chớ xa xỉ, tham ô lãng phí.
- Phải kính trọng nhân dân, giúp đỡ nhân dân, đoàn kết với nhân dân.
- Phải khiêm tốn, nghiêm chỉnh.
- Phải giữ gìn tính chất trong sạch, chất phác của người chiến sỹ cách mạng.
- Phải thực hiện cần, kiệm, liêm, chính.
- Phải làm đúng 10 điều kỷ luật.
- Phải luôn luôn cảnh giác, và phải thực hiện tự phê bình và phê bình để tiến bộ không ngừng.
“Lời căn dặn các đơn vị bộ đội vào thành”, tháng 10-1954, theo Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.9, tr.82-83.
64. Đảng và quân đội ta có truyền thống đấu tranh anh dũng; điều đó ta có quyền tự hào. Nhưng tự hào để phát huy truyền thống tốt ấy lên, không phải để vỗ ngực khoe ta có công với kháng chiến, với cách mạng, với nhân dân. Ta nên biết rằng nếu chúng ta tách rời nhân dân, Đảng, quân đội thì chúng ta không tài nào lập được công trạng gì cả. Công trạng của cá nhân chủ yếu là nhờ tập thể mà có. Vì vậy người có công trạng không nên tự kiêu mà cần khiêm tốn. Khiêm tốn và rộng lượng, đó là hai đức tính mà người cách mạng nào cũng phải có.
“Nói chuyện tại lớp chỉnh huấn trung, cao cấp của Bộ Quốc phòng và các lớp trung cấp của các tổng cục”, tháng 5-1957, theo Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.10, tr.587.
65. Phải trau dồi đạo đức cách mạng, tiết kiệm, cần cù, khiêm tốn giản dị.
“Thư gửi cán bộ và chiến sỹ nhân dịp kỷ niệm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam”, ngày 22-12-1958, theo Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.11, tr.585.
66. Phải cần kiệm xây dựng quân đội. Đối với công an cũng phải như thế. Không nên đặt ra nhiều bàn giấy, nhiều máy chữ, tránh quan liêu, vô ích, không thiết thực, phải nhớ là cần kiệm.
“Bài nói tại buổi lễ thành lập Công an nhân dân vũ trang”, tháng 3-1959, theo Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.12, tr.155.
67. Tất cả cán bộ và chiến sỹ của các lực lượng vũ trang nhân dân đã có cố gắng, cần cố gắng hơn nữa.
- Phải không ngừng nâng cao trình độ chính trị, kỹ thuật và văn hóa, ra sức công tác và lao động, tăng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm, góp phần xây dựng chủ nghĩa xã hội.
- Phải trau dồi đạo đức cách mạng, đoàn kết, khiêm tốn, hết lòng vì Đảng, vì dân.
- Phải nâng cao chí khí chiến đấu, luôn luôn sẵn sàng bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ hòa bình.
“Thư gửi toàn thể cán bộ và chiến sỹ nhân dịp kỷ niệm 15 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam”, ngày 22-12-1959, theo Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.12, tr.384-385.
68. Cán bộ và chiến sỹ phải luôn luôn khiêm tốn, luôn luôn cố gắng hơn nữa. Phải phát huy bản chất truyền thống cách mạng. Phải học tập tinh thần quyết chiến quyết thắng của quân và dân miền Nam anh dũng trong cuộc kháng chiến cứu nước chống đế quốc Mỹ xâm lược và bè lũ tay sai.
“Bài nói trong buổi chiêu đãi mừng Quân đội ta 20 tuổi”, ngày 22-12-1964, theo Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.14, tr.435.
69. Phải giữ vững đạo đức của người quân nhân cách mạng, dũng cảm, mưu trí, đoàn kết, kỷ luật, cần kiệm, phải luôn luôn cảnh giác, sẵn sàng chiến đấu, nêu cao quyết tâm đánh thắng hoàn toàn giặc Mỹ xâm lược, cho xứng đáng là những chiến sỹ anh hùng của Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng.
“Thư gửi cán bộ và chiến sỹ bộ đội thông tin liên lạc”, ngày 28-1-1969, theo Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.15, tr.544-545.
70. Phải cố gắng học tập và luôn luôn gương mẫu về đạo đức cách mạng.
“Nói chuyện với cán bộ cấp cao toàn quân”, ngày 11-5-1969, theo Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.15, tr.568.
71. Trong bộ đội từ trên đến dưới phải đồng cam cộng khổ.
“Gửi báo Vệ quốc quân”, ngày 27-3-1947, theo Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.5, tr.135.
72. Chính phủ, quân đội và nhân dân ta, đã đoàn kết thành một bức tường đồng, kiên quyết giữ gìn Tổ quốc.
“Lời kêu gọi đồng bào toàn quốc nhân dịp kỷ niệm lần thứ hai ngày quốc khánh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa”, ngày 02-9-1947, theo Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.5, tr.234.
73. Đoàn kết và kỷ luật làm cho bộ đội mạnh, đoàn thể mạnh. Nếu ta không trọng kỷ luật, thì ta làm cho bộ đội yếu đi, đoàn thể yếu đi.
“Lời nói chuyện trong buổi lễ bế mạc lớp bổ túc trung cấp”, đăng trên báo Vệ quốc quân, số 15, ngày 10-10-1947, theo Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.5, tr.260.
74. Các chiến sỹ và nhân dân,
Như cá với nước phải gần gụi nhau.
“Kinh nghiệm du kích Pháp”, theo Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.5, tr.406.
75. Nay các chú là quân đội của cách mạng rồi, cán bộ, chiến sỹ phải đoàn kết thương yêu đùm bọc nhau, coi như anh em ruột thịt một nhà.
“Thư gửi Ban Chỉ huy Đoàn nhạc binh”, viết khoảng giữa năm 1948, theo Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.5, tr.571.
76. Cần phải làm cho chặt chẽ thêm sự đoàn kết giữa bộ đội với bộ đội, giữa bộ đội với dân quân, giữa quân đội với nhân dân. Nâng cao cái tinh thần cán bộ giúp đỡ chiến sỹ và nhân dân, quân đội giúp nhân dân, nhân dân giúp bộ đội.
“Chủ nghĩa cá nhân”, đăng trên báo Sự thật, số 101, ngày 15-10-1948, theo Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.5, tr.625.
77. Toàn dân đoàn kết. Tướng sĩ dũng cảm. Chính trị vững chắc. Chỉ huy khôn khéo. Bốn điều ấy hợp lại, làm cho kháng chiến nhất định thắng lợi.
“Chủ nghĩa cá nhân”, đăng trên báo Sự thật, số 101, ngày 15-10-1948, theo Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.5, tr.626.
78. Phải thực hiện cho kỳ được quân và dân nhất trí, cán bộ và chiến sỹ nhất trí. Đó là nền tảng của sự thắng lợi.
“Thư gửi cán bộ chiến sỹ Trung đoàn Sơn La”, tháng 6-1949, theo Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.6, tr.135.
79. Quân và dân phải luôn luôn đoàn kết nhất trí.
“Gửi toàn thể cán bộ và chiến sỹ đường số 4 cùng dân quân du kích và đồng bào trong miền đường số 4”, đăng trên báo Cứu quốc, số 1411, ngày 02-12-1949, theo Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.6, tr.253.
80. Bộ đội chưa đủ áo mặc, cán bộ không được kêu mình rét. Bộ đội chưa đủ chỗ ở, cán bộ không được kêu mình mệt.
“Bài nói tại Hội nghị kiểm thảo Chiến dịch đường số 18”, báo Quân đội nhân dân, số 15, ngày 04-5-1951, theo Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.7, tr.76.
81. Từ đại đoàn trưởng cho đến tiểu đội trưởng phải đồng cam cộng khổ với anh em chiến sỹ, chăm nom săn sóc giúp đỡ nhau, coi nhau như chân tay ruột thịt.
“Bài nói tại Hội nghị cán bộ chuẩn bị chiến dịch Tây Bắc”, ngày 09-9-1952, theo Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.7, tr.484.
82. Đoàn kết là một lực lượng vô địch của chúng ta để khắc phục khó khăn, giành lấy thắng lợi. Cần phải giữ vững truyền thống anh dũng, tác phong đúng đắn, tinh thần chịu đựng gian khổ, quyết tâm làm tròn nhiệm vụ.
“Thư gửi các đơn vị miền Nam tập kết”, ngày 16 tháng Chạp năm 1954, theo Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.9, tr.177.
83. Bộ đội và công an phải hết sức cảnh giác, không được chủ quan, khinh địch, phải dựa vào lực lượng của nhân dân, phải làm cho mỗi người dân hiểu nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, thì sẽ có hàng triệu người làm tai mắt giúp công an, giúp bộ đội.
“Bài nói chuyện với các đại biểu nhân dân thành phố Hải Phòng”, đăng trên Báo Nhân Dân, số 458, ngày 04-6-1955, theo Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.9, tr.503.
84. Quân và dân ta đoàn kết thành một khối vững chắc, cùng nhau mạnh mẽ tiến lên, thì sẽ vượt được mọi khó khăn và nhất định thành công trong sự nghiệp thực hiện hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ trong cả nước.
“Quân đội nhân dân”, đăng trên Báo Nhân Dân, số 661, ngày 24-12-1955, theo Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.10, tr.225.
Đức Lâm (tổng hợp)
Còn nữa
85. Cán bộ quân, dân, chính, đảng phải đoàn kết chặt chẽ; phải luôn luôn gần gũi nhân dân, ra sức phục vụ nhân dân, phải cần, kiệm, liêm, chính, kiên quyết chống quan liêu mệnh lệnh, tham ô lãng phí.
“Thư gửi đồng bào khu tự trị Việt Bắc”, ngày 10-8-1956, theo Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.10, tr.406.
86. Quân đội ta đã đoàn kết, phải đoàn kết hơn nữa. Đoàn kết nội bộ, toàn quân đoàn kết, các chiến sỹ miền Nam và miền Bắc phải đoàn kết chặt chẽ, không chia Nam Bắc, cán bộ và chiến sỹ đoàn kết, quân và dân đoàn kết.
“Nói chuyện với các đơn vị quân đội tại Quân khu bộ Quân khu 4”, ngày 15-6-1957, theo Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.10, tr.629.
87. Toàn quân phải đoàn kết phấn đấu, quyết tâm xây dựng quân đội ta thành một quân đội hùng mạnh, sẵn sàng chiến đấu, học tập giỏi, công tác giỏi, sản xuất giỏi.
“Bài nói về tình hình và nhiệm vụ trước mắt của Quân đội tại Hội nghị cao cấp toàn quân”, ngày 20-3-1958, theo Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.11, tr.367.
88. Phải dựa vào nhân dân, vì đông đảo nhân dân rất nhiều tai mắt, cho nên bộ đội, công an không những phải đoàn kết nội bộ, lại phải đoàn kết với nhân dân, dựa vào nhân dân, giáo dục nhân dân cảnh giác thì địch không làm gì được.
“Bài nói chuyện với Trường Thanh niên lao động xã hội chủ nghĩa hòa bình”, ngày 17-8-1962, theo Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.13, tr.439.
89. Cán bộ và chiến sỹ thương yêu nhau như ruột thịt, chia ngọt sẻ bùi. Quân và dân như cá với nước, đoàn kết một lòng, học hỏi, giúp đỡ lẫn nhau.
“Bài nói trong buổi chiêu đãi mừng Quân đội ta 20 tuổi”, ngày 22-12-1964, theo Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.14, tr.435.
90. Quân đội ta có tinh thần yêu nước chân chính, lại có tinh thần quốc tế vô sản cao cả, luôn luôn đoàn kết với nhân dân và quân đội các nước xã hội chủ nghĩa anh em, với nhân dân các nước đang đấu tranh giải phóng dân tộc và nhân dân yêu chuộng hòa bình trên thế giới.
“Bài nói trong buổi chiêu đãi mừng Quân đội ta 20 tuổi”, ngày 22-12-1964, theo Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.14, tr.435.
91. Phải đoàn kết chặt chẽ giữa cán bộ và chiến sỹ, giữa bộ đội với nhau, giữa nhân dân với bộ đội.
“Bài nói với cán bộ, chiến sỹ Đại đội 1, Tiểu đoàn 1 Đoàn Tam Đảo bộ đội phòng không - không quân”, ngày 19-7-1965, theo Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.14, tr.574.
92. Quân đội phải đoàn kết và giúp đỡ nhân dân.
“Nói chuyện tại Hội nghị cán bộ các lực lượng vũ trang nhân dân”, ngày 13-3-1967, theo Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.15, tr.314.
93. Bộ đội thì hết lòng bảo vệ, giúp đỡ nhân dân, nhân dân thì hết lòng thương yêu, giúp đỡ bộ đội, cùng bộ đội anh dũng đánh giặc.
“Thư gửi Chủ tịch Nguyễn Hữu Thọ và Trung ương Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam”, ngày 08-5-1968, theo Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.15, tr.455.
94. Kỷ luật là sức mạnh quân đội.
“Tám điều mệnh lệnh của Chính phủ Dân chủ Cộng hòa Việt Nam”, ngày 09-9-1952, theo Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.10, tr.489.
95. Kỷ luật là sinh mệnh của quân sự.
“Mục đọc sách”, tài liệu chữ Hán, viết trong bản thảo “Nhật ký trong tù”, theo Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.3, tr.455.
96. Trong bộ đội phải đồng cam cộng khổ. Phải giữ kỷ luật, phải siêng tập tành, phải giữ bí mật, luôn luôn cẩn thận, lúc có địch cũng trấn tĩnh như không địch, lúc xa địch cũng nghiêm ngặt như gần địch.
“Gửi nam nữ chiến sỹ dân quân, tự vệ và du kích toàn quốc”, ngày 27-5-1947, theo Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.5, tr.158.
97. Kỷ luật phải được thi hành từ trên đến dưới.
“Thư gửi hội nghị chính trị viên”, tháng 3-1948, theo Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.5, tr.485.
98. Quân đội mạnh là nhờ giáo dục khéo, nhờ chính sách đúng và nhờ kỷ luật nghiêm. Vì vật, kỷ luật phải nghiêm minh. Trong kỷ luật phải chú ý hai điểm:
- Thưởng,
- Phạt.
“Bài nói tại Hội nghị cán bộ chuẩn bị Chiến dịch Tây Bắc”, ngày 09-9-1952, theo Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.7, tr.483.
99. Bộ đội phải hết lòng giúp dân, tham gia củng cố hậu phương ta ngày càng vững mạnh. Phải cùng với các cơ quan nhà nước và các đoàn thể, chấp hành thật tốt các chính sách đối với anh em thương binh, bệnh binh và các gia đình có công với kháng chiến.
“Nói chuyện với cán bộ cao cấp toàn quân”, ngày 11-5-1969, theo Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.15, tr.568.
100. Kỷ luật của quân đội nhân dân rất nghiêm minh, mua bán công bằng, không phạm đến một cái kim, sợi chỉ của dân.
“Tám điều mệnh lệnh của Chính phủ Dân chủ Cộng hòa Việt Nam”, ngày 09-9-1952, theo Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.7, tr.490.
101. Phải luôn luôn giữ vững kỷ luật, tôn trọng dân, yêu thương dân, làm đúng tinh thần của Chính phủ và Đoàn thể.
“Thư gửi bộ đội và dân công ở mặt trận Tây Bắc và đồng bằng”, đăng trên Báo Nhân Dân, số 88, ngày 25-12-1952, theo Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.7, tr.523.
102. Tuyệt đối giữ gìn kỷ luật, giữ gìn danh tiếng của Quân đội nhân dân Việt Nam.
“Thư gửi các đơn vị bộ đội ta có nhiệm vụ tác chiến ở Thượng Lào”, đăng trên Báo Quân đội nhân dân, số 83, ngày 14-4-1953, theo Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.8, tr.105.
103. Quân đội nhân dân chúng ta phải giữ kỷ luật cho nghiêm, đừng vì hòa bình mà coi nhẹ kỷ luật.
“Nói chuyện với các đơn vị bộ đội tham dự cuộc duyệt binh ngày 01 tháng 01 năm 1955 tại Thủ đô Hà Nội”, tháng 12-1954, theo Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.9, tr.221.
104. Bộ đội không có kỷ luật, đánh giặc nhất định thua.
“Nói chuyện với cán bộ, công nhân Nhà máy dệt Nam Định”, ngày 24-4-1957, theo Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.10, tr.537.
105. Phải nâng cao ý thức và kỷ luật lao động.
“Nói chuyện với các đơn vị quân đội tại Quân khu 4”, ngày 15-6-1957, theo Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.10, tr.629.
106. Cần phải nâng cao tinh thần cảnh giác, nâng cao tính tổ chức, tính kỷ luật, tích cực chấp hành điều lệnh, chấp hành những chủ trương, chính sách của Đảng và Chính phủ.
“Bài nói tại Trường Sĩ quan Lục quân Việt Nam”, ngày 05-4-1958, theo Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.11, tr.378-379.
107. Phải giữ kỷ luật cho nghiêm túc để xứng đáng la một quân đội cách mạng.
“Nói chuyện tại Đại hội Đảng toàn quân”, ngày 21-7-1960, theo Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.12, tr.638.
108. Phải hết sức chú ý vấn đề dân chủ và kỷ luật. Kỷ luật trong dân chủ, dân chủ phải có kỷ luật.
“Bài nói với cán bộ, chiến sỹ Đại đội 1, Tiểu đoàn 1 Đoàn Tam Đảo bộ đội phòng không - không quân”, ngày 19-7-1965, theo Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.14, tr.574.
109. Muốn cho quân đội ta quyết chiến quyết thắng hơn nữa thì phải săn sóc đời sống vật chất của họ, nâng cao trình độ chiến thuật và kỹ thuật của họ, nhất là giáo dục chính trị, làm cho có lập trường vững chắc, lập trường quân đội của nhân dân do giai cấp công nhân lãnh đạo.
“Tình hình và nhiệm vụ”, từ ngày 22 đến ngày 28-4-1952, theo Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.7, tr.397-398.
110. Một quân đội văn hay võ giỏi, là một quân đội vô địch.
“Thư gửi toàn thể bộ đội Khu II và Khu III”, ngày 24-02-1948, theo Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.5, tr.470.
111. Muốn trở nên người quân nhân mới, xứng đáng với cái vinh hạnh đứng trong Quân đội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, thì mỗi chiến sỹ, từ trên đến dưới, các cấp bậc đều phải nghiên cứu, học tập, luôn luôn cầu tiến bộ.
“Thư gửi Quân sự tập san”, đăng trên Quân sự tập san, số 1, tháng 4-1948, theo Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.5, tr.511.
112. Tình báo là tai và mắt của quân đội. Tai phải nghe rõ, mắt phải thấy rõ tình hình của địch thì ta mới dễ đánh thắng địch.
“Thư gửi Hội nghị tình báo”, tháng 8-1949, theo Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.6, tr.191.
113. Trong công việc xây dựng và phát triển quân dội, chúng ta phải ra sức đẩy mạnh việc xây dựng và củng cố công tác chính trị và quân sự trong bộ đội ta. Phải nâng cao giác ngộ chính trị, nâng cao chiến thuật và kỹ thuật, nâng cao kỷ luật tự giác của bộ đội ta. Phải làm cho quân đội ta thành một quân đội chân chính của nhân dân.
“Báo cáo chính trị tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng”, ngày 11-2-1951, theo Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.7, tr.37.
114. Kỷ luật phải đặc biệt nghiêm minh.
“Bài nói chuyện với đại biểu cán bộ, chiến sỹ binh chủng đặc công”, ngày 19-3-1967, theo Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.15, tr.319.
115. Trong việc chỉnh huấn bộ đội, phải lấy chính trị làm gốc, phải khởi đầu từ cán bộ dần dần đến toàn thể nhân viên.
… Phải làm cho quân đội ta trở nên thật là một quân đội cách mạng của nhân dân, một quân đội vô địch.
“Tình hình và nhiệm vụ”, từ ngày 22 đến ngày 28-4-1952, theo Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.7, tr.398.
116. Phải tăng cường công tác quân sự, trước hết là phải luôn luôn xem trọng việc huấn luyện bộ đội. Phải ra sức bồi dưỡng cán bộ, phải rèn luyện tư tưởng, nâng cao trình độ giác ngộ chính trị, cũng như trình độ chiến thuật và kỹ thuật của cán bộ. Đó là khâu chính trong các thứ công tác.
“Diễn văn khai mạc Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa II)”, ngày 25-01-1953, theo Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.8, tr.29.
117. Phải luôn luôn thi đua học tập và công tác, mở rộng tự phê bình và phê bình để tiến bộ mãi, để làm cho bộ đội ta càng thêm hùng mạnh, chính quyền ta càng thêm vững chắc.
“Thư khen các chiến sỹ và cán bộ của các đơn vị tiếp quản Thủ đô”, đăng trên Báo Nhân Dân, số 260, ngày 11-11-1954, theo Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.9, tr.116.
118. Nhiệm vụ của quân đội hiện nay là phải cố gắng tiến lên chính quy. Đây là nhiệm vụ mới. Không nên vì hòa bình mà xao lãng học tập. Các cô các chú cần học gì?
- Cần học chính trị để nắm vững chính sách của Đảng và Chính phủ, để đi đúng đường lối của nhân dân.
- Phải học tập kỹ thuật vì kỹ thuật ngày càng tiến bộ, mình cũng phải học để tiến bộ. Muốn cho bộ đội ta hùng mạnh và nhất định bộ đội ta phải hùng mạnh, chúng ta phải cố gắng học tập chính trị và kỹ thuật để tiến lên chính quy... Đảng và Chính phủ kiên quyết lãnh đạo bộ đội tiến lên chính quy. Với cố gắng của Trung ương Đảng, Chính phủ, của Bộ Tổng tư lệnh và của các cô, các chú, bộ đội ta nhất định đi tốt đến chính quy.
“Nói chuyện với các đơn vị tham dự cuộc duyệt binh ngày 01 tháng 01 năm 1955 tại Thủ đô Hà Nội”, tháng 12-1954, theo Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.9, tr.221.
119. Quân đội ta phải tiến đến chính quy và hiện đại hóa để bảo vệ công cuộc xây dựng miền Bắc vững mạnh, và làm hậu thuẫn cho cuộc đấu tranh thực hiện thống nhất nước nhà trên nền tảng độc lập, dân chủ, bằng phương pháp hòa bình. Đó là một nhiệm vụ to lớn, vẻ vang, nặng nề và khó khăn, gian khổ. Cho nên toàn quân ta phải ra sức học tập chính trị, quân sự và văn hóa; phải thi đua làm tròn nhiệm vụ bảo vệ biên giới, bảo vệ bờ biển, bảo vệ thành thị, và giữ gìn trật tự an ninh cho nhân dân.
“Bài nói chuyện trong lễ tuyên dương anh hùng quân đội lần thứ ba”, ngày 07-5-1956, theo Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.10, tr.324.
120. Nếu các cô, các chú nhớ và thực hiện được “Đoàn kết, cảnh giác, nâng cao chí khí chiến đấu, tuyền thống anh dũng, kiên quyết làm tròn nhiệm vụ” thì quân đội ta bất kỳ thời chiến hay thời bình sẽ là quân đội tất thắng, vô địch.
“Nói chuyện với các đại biểu quân đội, thương binh và quân nhân phục viên nhân dịp Tết Đinh Dậu”, ngày 29-01-1957, theo Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.10, tr.490.
Đức Lâm (tổng hợp)
Còn nữa
121. Trong Quân đội, khi chiến lược chiến thuật và nhiệm vụ đã quyết định rồi, vị Tổng Tư lệnh không cần nhúng vào những vấn đề lặt vặt. Phải để cho các cấp chỉ huy có quyền "tùy cơ ứng biến", mới có thể phát triển tài năng của họ. Việc gì cấp trên cũng nhúng tay vào, cán bộ cũng như một cái máy, việc gì cũng chờ mệnh lệnh, sinh ra ỷ lại, mất hết sáng kiến.
"Sửa đổi lối làm việc", tháng 10-1947, theo Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.5, tr.320.
122. Tư cách của chính trị viên có ảnh hưởng rất quan trọng đến bộ đội. Người chính trị viên tốt thì bộ đội ấy tốt. Người chính trị viên không làm tròn nhiệm vụ thì bộ đội ấy không tốt.
… Đối với bộ đội, chính trị viên phải thân thiết như một người chị, công bình như một người anh, hiểu biết như một người bạn.
"Thư gửi Hội nghị chính trị viên", tháng 3-1948, theo Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.5, tr.484
123. Chính trị viên phải làm người kiểu mẫu trong mọi việc.
"Thư gửi Hội nghị cán bộ Đảng trong Quân đội lần thứ tư (sau chiến thắng sông Lô), tháng 3-1948, theo Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.5, tr.485.
124. Từ việc lớn đến việc nhỏ, cán bộ đều phải làm kiểu mẫu. Giữ gìn kỷ luật, học tập kỹ thuật, luyện quân lập công, xung phong hãm trận, thân ái đoàn kết, nói tóm lại, mỗi việc trong bộ đội, cán bộ đều phải làm gương.
"Thư gửi Hội nghị Quân y", tháng 3-1948, theo Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.15, tr.576.
125. Người cán bộ quân sự, thì luôn luôn học hỏi chính trị và kỹ thuật, chiến thuật. Luôn luôn săn sóc đến tinh thần và vật chất của đội viên. Đoàn kết nội bộ. Giúp đỡ nhân dân. Kiên quyết chấp hành mệnh lệnh trên giao xuống. Khi đánh giặc thì làm cho toàn đội thấm nhuần tinh thần quyết chiến, quyết thắng. Gặp việc khó khăn thì cố tìm cách giải quyết đúng. Như thế là có tinh thần trách nhiệm.
"Tinh thần trách nhiệm", đăng trên Báo Nhân Dân, số 36, ngày 13-12-1951, theo Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.7, tr.248-249.
126. Trong Quân đội cách mạng, cán bộ phải làm gương mẫu, phải chăm nom đến đời sống tinh thần, vật chất của chiến sỹ, phải gương mẫu học tập và giữ kỷ luật.
"Nói chuyện với các đại biểu quân đội, thương binh và quân nhân phục viên nhân dịp Tết Đinh Dậu", ngày 29-01-1957, theo Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.10, tr.491.
127. Tiếp tục học tập nâng cao lập trường, tư tưởng và trình độ kỹ thuật của mình. Kỹ thuật hiện nay càng ngày càng tiến, không gắng học tập thì sẽ lạc hậu. Phải cố gắng xây dựng được nền nếp chính quy trong đơn vị... Quân đội ta nhất định phải tiến từng bước lên chính quy và hiện đại.
“Nói chuyện tại lớp chỉnh huấn trung, cao cấp của Bộ Quốc phòng và các lớp trung cấp của các tổng cục”, tháng 5-1957, theo Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.10, tr.588.
128. Quân đội và công an ta hãy cố gắng học tập chính trị và kỹ thuật, ra sức bảo vệ Tổ quốc và giữ gìn trật tự, an ninh, ra sức tham gia phong trào sản xuất và tiết kiệm.
“Lời chúc năm mới (1958)”, đăng trên Báo Nhân Dân, số 1393, ngày 01-01-1958, theo Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.11, tr.217.
129. Đảng và Chính phủ giao cho quân đội ta hai nhiệm vụ: 1. Xây dựng quân đội nhân dân ngày càng hùng mạnh và sẵn sàng chiến đấu. 2. Thiết thực tham gia lao động sản xuất để góp phần xây dựng chủ nghĩa xã hội. Đó là hai nhiệm vụ rất vẻ vang; hai nhiệm vụ đó nhất trí với nhau.
“Bài nói tại Trường Sĩ quan Lục quân Việt Nam”, ngày 05-4-1958, theo Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.11, tr.378.
130. Bác trao nhiệm vụ cho tất cả các cán bộ, chiến sỹ, công nhân trong Quân đội phải cố gắng tiến bộ hơn nữa để có thể làm tròn nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ miền Bắc tiến lên chủ nghĩa xã hội, xây dựng Quân đội nhân dân tiến lên chính quy và hiện đại.
“Nói chuyện tại Hội nghị sơ kết phong trào thi đua của các cơ sở thuộc Tổng cục Hậu cần”, ngày 19-12-1958, theo Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.11, tr.584.
131. Trong một trận chiến đấu, thắng là do toàn thể bộ đội, bại là do người chỉ huy. Người chỉ huy biết trông nom bộ đội, cảm thông bộ đội, có kế hoạch đúng và biết tổ chức động viên bộ đội thì sẽ đánh thắng. Người chỉ huy kém thì sẽ thất bại.
"Lời căn dặn Đảng ủy Nhà máy dệt Nam Định", ngày 15-3-1959 theo Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.12, tr.5127.
132. Để góp phần thực hiện nhiệm vụ cách mạng trong giai đoạn mới, Quân đội ta cần phải tiến bộ hơn nữa. Toàn thể cán bộ và chiến sỹ cần phải ra sức học tập chính trị, quân sự, văn hóa, cần phải nâng cao lập trường và tư tưởng của giai cấp công nhân, cần phải nắm vững đường lối quân sự của Đảng, ra sức rèn luyện kỹ thuật và chiến thuật, cần phải luôn luôn nâng cao cảnh giác, bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ nhân dân, tham gia lao động sản xuất và thực hành tiết kiệm, cần phải thắt chặt đoàn kết trong nội bộ và đoàn kết với nhân dân, tuyệt đối chấp hành mọi đường lối, chính sách của Đảng và Chính phủ.
… Để lãnh đạo Quân đội tiến bộ không ngừng, các đồng chí cần phải trau dồi đạo đức cách mạng, khiêm tốn, giản dị, gần gũi quần chúng và gương mẫu về mọi mặt. Dù ở cương vị nào cũng đều phải cố gắng để xứng đáng là người đày tớ trung thành và tận tụy của nhân dân.
"Phát biểu tại lễ phong quân hàm cấp tướng cho một số cán bộ cao cấp trong Quân đội", ngày 01-9-1959, theo Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.12, tr.272-273.
133. Quân đội của ta tuy có những thành tích ấy nhưng không được tự mãn, không được tự kiêu. Trái lại, cần phải khiêm tốn, cần phải đoàn kết, cần phải thi đua học tập, học tập về chính trị, học tập văn hóa, học tập kỹ thuật. Phải cố gắng như vậy để ra sức bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ công cuộc xây dựng xã hội chủ nghĩa, bảo vệ hòa bình.
"Lời phát biểu tại buổi chiêu đãi nhân dịp kỷ niệm 15 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam", ngày 22-12-1959, theo Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.12, tr.387.
134. Quân đội ta phải ra sức học tập chính trị và kỹ thuật, xây dựng thành một lực lượng ngày càng hùng mạnh, sẵn sàng bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ công cuộc lao động hòa bình của nhân dân ta.
"Ba mươi năm hoạt động của Đảng", đăng trên Báo Nhân Dân, số 2120, ngày 06-01-1960, theo Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.12, tr.420.
135. Bộ đội phải cố gắng hơn trong học tập quân sự, chính trị, kỹ thuật và trong giúp đỡ đồng bào sản xuất.
"Nói chuyện với đồng bào Thủ đô nhân dịp mừng kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa II thắng lợi", ngày 15-7-1960, theo Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.12, tr.629.
136. Các đồng chí bộ đội, công an và dân quân tự vệ tích cực bảo vệ trật tự, trị an và tham gia lao động sản xuất. Như thế là tốt. Các đồng chí cần phải luôn luôn nâng cao tinh thần cảnh giác, dựa vào lực lượng nhân dân và phải cố gắng học tập chính trị, văn hóa và nghiệp vụ để tiến bộ mãi.
"Bài nói chuyện với đồng bào và cán bộ tỉnh Bắc Giang", ngày 06-4-1961, theo Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.13, tr.106-107.
137. Luôn luôn nâng cao trình độ chính trị, văn hóa và mức hiểu biết về khoa học và kỹ thuật.
Phải giữ gìn kỷ luật một cách rất nghiêm túc.
Nâng cao cảnh giác, giữ gìn bí mật, luôn luôn sẵn sàng đập tan mọi âm mưu nham hiểm của địch.
"Bài nói chuyện tại Đại hội liên hoan chiến sỹ thi đua toàn quân", ngày 11-7-1961, theo Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.13, tr.156-157.
138. Các đồng chí bộ đội, công an và dân quân cần luôn luôn nêu cao tinh thần cảnh giác, giữ tốt trật tự, an ninh, luôn luôn sẵn sàng chiến đấu để đập tan mọi âm mưu địch phá hoại. Cố gắng tham gia sản xuất. Cố gắng học tập chính trị, văn hóa và nghiệp vụ để tiến bộ mãi.
"Bài nói chuyện với cán bộ và nhân dân tỉnh Phú Thọ, ngày 18-8-1962, theo Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.13, tr.447.
139. Phải xây dựng các lực lượng vũ trang nhân dân hùng mạnh bao gồm bộ đội chủ lực mạnh, bộ đội địa phương mạnh, dân quân du kích vững mạnh và rộng khắp. Phải nâng cao hơn nữa chất lượng cả ba thứ quân.
"Nói chuyện tại Hội nghị cán bộ các lực lượng vũ trang nhân dân" ngày 13-3-1967, theo Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.15, tr.314.
140. Bộ đội ta, trước hết là cán bộ, phải học tập để phát huy ưu điểm, sửa chữa khuyết điểm, nâng cao trình độ về mọi mặt, làm cho ta càng đánh càng mạnh, càng đánh càng thắng.
… Phải có cách đánh giặc tốt. Trong mỗi lần hoạt động phải rút kinh nghiệm và học tập kinh nghiệm tốt của các cơ quan, đơn vị đánh giỏi, để đơn vị nào cũng đánh giỏi, địa phương nào cũng đánh giỏi.
… Phải có quyết tâm cao để vượt mọi khó khăn làm tròn nhiệm vụ. Quyết tâm phải biến thành hành động dũng cảm, chiến đấu kiên quyết, không sợ hy sinh gian khổ, triệt để chấp hành nghiêm chỉnh mọi chỉ thị, mệnh lệnh, trong bất kỳ tình huống nào cũng phải chỉ huy đơn vị quyết đánh, quyết thắng, cũng phải quản lý đơn vị chặt chẽ, giữ nghiêm lỷ luật, chấp hành tốt mọi chính sách.
"Thư gửi lớp chỉnh huấn cán bộ trung, cao cấp của Quân đội", tháng 5-1969, theo Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.15, tr.576-577.
Đức Lâm (tổng hợp)
Hết